Links

Sunday, July 24, 2022

NÀNG TIÊN ÁO XANH

_________________________________________

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM


Image result for hình ảnh y tá ở mỹ

 

Tôi tỉnh dậy giữa vùng ánh đèn sáng chói loà của ngọn đèn cao áp. Quanh tôi có tiếng nói chuyện qua điện thoại, tiếng giày bước hấp tấp, tiếng còi cứu cấp vang dội. Tôi vẫn chưa nhận thức được mình đang ở đâu? Chỉ thấy đang nằm trên chiếc giường bệnh viện với nệm trắng, giữa căn phòng rộng lớn. Từ phía đầu giường, có tiếng nói trầm trầm, nho nhỏ của một đàn ông Mỹ với một thiếu nữ Á châu. Tôi nhận ra đó là giọng nói con gái út -“Y tá gia đình”  của chúng tôi. Thấy tôi mở mắt, cô gái vui mừng bước tới hỏi bằng tiếng Việt:

-Ba tỉnh rồi hả? Ba làm con lo sợ quá. Bác sĩ trực xem kết quả thử máu cho biết Ba bị thiếu muối trầm trọng nên tay tay chân run rẩy, rồi hôn mê luôn. Bác sĩ bảo nếu Ba vào chậm chút nữa, óc sẽ bị tổn thương và dễ chết lắm đấy…        

Tôi mỉm cười cho con gái yêm tâm, nhưng đầu óc vẫn chập chờn, cảm thấy khá mệt. Hai tay tôi bị buộc nhẹ vào giường, ê ẩm vì hai mũi kim truyền dịch cắm vào cổ tay.  Tôi nhìn lên hai chiếc bình thủy tinh treo ở đầu giường từ đó những giọt nước trong vắt đều đều nhỏ xuống ống truyền để vào cơ thể . Hai y công bệnh viện đến nói vài câu với cô gái.  Cô bé cúi xuống căn dặn tôi: 

-Họ sắp di chuyển Ba vào phòng điều trị. Giấy tờ, đồ đạc cá nhân Ba nhớ mang theo, cất  vào hộc tủ trong phòng…Bây giờ con về kẻo Mẹ chờ cơm. Ngày mai hết giờ học con đưa Mẹ vào thăm Ba.

  Khi tôi được chuyển vào phòng mới, đêm đã khuya. Đưa cho tôi chiếc áo bệnh nhân màu trắng có chấm xanh, người y công bệnh viện chào tôi :“Good night, Mr. Dinh”, rồi khép cửa bước ra ngoài. Đèn trong phòng vẫn sáng; chiếc TV treo trên tường vẫn phát hình với tiếng nhạc êm dịu. Tôi lim dim mơ màng, ngỡ mình đang lạc vào cõi thần tiên, rồi ngủ thiếp đi. Gần sáng tôi tỉnh giấc, cảm thấy khoẻ hơn. 

Tôi nằm trong bệnh viện xứ Mỹ này mà nhớ đến Mẹ tôi đã qua đời sau một thời gian nằm trong nhà thương ở Việt Nam! Mới tháng trước, khi nghe tin Mẹ già  đang nằm trong một bệnh viện ở quận 5 Chợ Lớn, tôi đã mua vé khẩn cấp bay về Sài gòn thăm Mẹ. Trong nửa tháng, mỗi trưa tôi thuê xe đi vào bệnh viện, nhập vào dòng người đông đúc, xếp hàng đi vào chiếc thang máy chật hẹp, lên phòng bệnh nhân. Thân nhân người bệnh quá đông, nhân viên bảo vệ phải đẩy bớt ra ngoài thang máy, bảo họ chờ chuyến sau!  

  Tôi bước vào khu bệnh nhân. Mùi bệnh viện, mùi hôi hám bốc lên khắp nơi. Một người tự xưng là bác sĩ với chiếc áo choàng trắng trịnh trọng bước vào phòng bệnh Mẹ tôi đang nằm,  nghiêm nghị hỏi bệnh nhân hoặc người nhà vài câu. Giọng người lương y áo trắng đầy uy quyền của một đấng “từ mẫu”!

Sau đó, nữ y tá vào thăm bệnh nhân, cũng với với áo mũ trắng toát, phẳng phiu,  giọng nhỏ nhẹ, nhưng nụ cười vô cảm. Trong không khí ồn ào và nóng bức của bệnh viện, từ bệnh nhân đến thân nhân đều mệt nhoài. Tuy nhiên trên nét mặt của họ vẫn cố  biểu lộ nét tươi vui khi các “lương y như từ mẫu” vào thăm hỏi. 

Nằm tại bệnh viện gần nửa tháng, Mẹ tôi hơi tỉnh táo, được nhà thương cho phép xuất viện về nhà. Tuy nhiên, bác sĩ  phụ trách cho biết Mẹ tôi bị nhiễm trùng với loại “virus cực mạnh”, không có thuốc để chữa. Ông ta khuyên nên đưa bệnh nhân về nhà để “tránh lây lan thêm nữa”.  Và quả đúng như lời khuyên của ông,  một tuần sau khi về an dưỡng tại gia, Mẹ tôi đã yếu dần rồi qua đời… 

Khi tôi về lại Mỹ, cái cảm giác đau buồn và mệt mỏi theo đuổi mãi cả tuần sau đó. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy mệt lả, tay chân run bần bật…Bác sĩ khám tim cho uống thuốc an thần mà tôi vẫn chưa bình phục. Cho đến một buổi tối, cô con gái út đi học về thấy tôi nằm mê man…liền chở vào bệnh viện gần nhà. Nơi đây, cô gái đã từng làm việc, trước khi ghi danh học Dược ở một trường Đại học thuộc tiểu bang California.

*         *            *

Không khí yên tĩnh khi về đêm của bệnh viện gần nhà tôi ở Anaheim, khiến tôi cảm thấy khoan khoái, dễ chịu.. Cho đến 7 giờ sáng tôi thức giấc khi nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Một cô y tá và một nữ bác sĩ  bước vào tươi cười chào tôi “ Good Morning, Mr. Dinh. How’re you today?”. Tôi nhìn họ , mỉm cười, gật đầu chào. Chiếc áo xanh tươi mát, ống nghe   choàng qua cổ, nụ cười của cô Bác sĩ hình như đã khiến căn phòng bệnh nhân tươi vui hẳn lên. Trong khi cô Y tá treo chiếc bình truyền dịch lên cao, dùng kim bơm vào mạch máu cổ tay tôi, cô Bác sĩ khám tim,  đo  áp suất máu…Đoạn họ chỉ hai bình nhựa cổ cong treo ở cuối giường, trên đó có ghi tên họ tôi:

           - Ông Dinh! (giọng Mỹ của cô nghe như  “Mr.Dean!”), Ông nên đi tiểu vào chiếc bình kia. Nhớ đừng đổ vào cầu tiêu. Chúng tôi sẽ căn cứ vào nước tiểu để biết lượng muối đã thải ra từ cơ thể ông… Ông sẽ nằm điều trị ở đây khoảng một tuần lễ. Nếu cần gì ngoài những đồ ăn uống trên bàn, ông bấm chuông, sẽ có Y công mang đến…

Tôi nhìn chiếc bàn cạnh giường, với những chai nước lọc, nước táo, bánh cookies để sẵn.  Họ lo cho bệnh nhân thật chu đáo , thật  đáng cảm phục.

**** 

Tôi nằm trong  bệnh viện được sự chăm sóc chu đáo, ăn uống đầy đủ, tôi bỗng liên tưởng đến những năm sống thiếu thốn trong trại “cải tạo” ở thượng nguồn sông Mã, miền Bắc Việt Nam. Suốt năm năm, chúng tôi không hề được ăn no, không hề được cấp thuốc men khi đau ốm. Mùa đông, tù nhân được nhỏ nước tỏi vào mũi để ngừa cảm cúm; được cho chút nước muối để súc miệng, ngừa viêm cổ họng... 

Khi tù nhân bị bệnh nặng, nếu không được thân nhân tiếp tế thuốc men kịp thời, tù nhân đành theo tiếng gọi của tử thần về nơi chín suối. Xác được bó chiếu đem chôn trên đồi lim gần trại. Chúng tôi cũng  nghe nói ở các trại “cải tạo” trong Nam, nhà tù có “trạm xá” để phát thuốc cho tù nhân đau ốm. Những tù nhân ấy vẫn phải đi lao động, không được phép ở nhà dưỡng bệnh. Nơi trạm xá có sẵn một loại thuốc “trị bá bệnh” có tên là ” Xuyên Tâm Liên”. Cán bộ trại tuyên truyền rằng đó là loại thuốc dân tộc “cực kỳ tốt”, duy nhất được bào chế ở Việt Nam. Loại “thần dược” này có thể trị bá bệnh.... Về loại “thuốc dân tộc” Xuyên tâm liên, có câu chuyện vui được rỉ tai trong giới Y Dược của  “chế độ cũ” trong những lúc trà dư tửu hậu. 

Người ta kể rằng: trong một  hội nghị Y học Á Phi, các đại diện Y Dược nước CHXHCNVN (tức Việt Nam Cộng sản), có trình bày một loại thuốc cực kỳ tốt, trị bá bệnh, được bào chế bằng nguyên vật liệu duy nhất ở Việt Nam. Thuốc có giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền người dân của nước kém mở mang. Đại diện Việt Nam yêu cầu các đại diện các nước Á Phi ủng hộ để được cấp bằng sáng chế. Trong khi các đại diện quốc gia Á Phi chưa có ý kiến gì, bỗng đại diện một quốc gia Phi Châu đưa ra  câu hỏi:

-Chúng tôi chưa bao giờ biết và chưa bao giờ đưa vào sử dụng loại thần dược của quý quốc. Tuy nhiên, với sự cẩn trọng cần thiết của ngành y dược, chúng tôi xin quý vị cho biết khi bào chế loại thuốc này, có bảo đảm không có trứng các loại ký sinh trùng như giun sán lẫn vào không ?

Đại diện Cộng sản Việt Nam nghệch mặt ra suy nghĩ, ngồi yên không trả lời! Có lẽ hắn ta phải chờ hỏi “ý kiến của lãnh đạo” trước khi trả lời câu hỏi hóc búa của vị đại diện quốc gia Phi châu kia chăng ?   

Từ đó  về sau, tên thuốc Xuyên Tâm Liên không còn được tuyên truyền ầm ĩ như một loại“thuốc tiên” trong dân chúng Việt Nam nữa.  Tuy nhiên, sau đó rộ lên phong trào dùng “niệu liệu pháp” trị bệnh. Thậm chí có cả những quyển sách mỏng hướng dẫn cách trị bệnh bình dân, không tốn kém vì trị bằng cách uống … nước tiểu!  Người ta không rõ kết quả phương pháp trị bệnh phản khoa học đã gây ra bao nhiêu cái chết thảm thương sau khi bệnh nhân đã dùng nước tiểu để trị bệnh! 

Một thời gian sau, khi Việt nam đã được quốc tế bỏ cấm vận, những bệnh viện công được “cải tiến”, nhiều nhà thương tư được phép mở ra tại Việt Nam, nhiều cơ sở y khoa được xây cất “hoành tráng” hơn. Nhưng bệnh nhân khi vào điều trị những nơi đó phải đóng quá nhiều thứ tiền cho đủ  loại chi phí, kể cả “bo” cho bác sĩ, y tá, nhân viên vệ sinh…Để rồi, “tiền mất tật mang”, nếu bác sĩ “cho phép về nhà”,  có nghĩa là  “bàn giao cho tử thần” đó! thôi 

                                                                           ****                                                 

Sau  bốn ngày nằm bệnh viện, một buổi sáng cô Bác sĩ  bước vào tươi cười hỏi tôi : 

-Chào Ô. Đinh, ông cảm thấy khỏe rồi chứ?  Con gái ông đang làm thủ tục xuất viện cho ông rồi, ông biết không?”…

Tôi thất vọng hỏi cô Bác sĩ:

-Cám ơn Bác sĩ, như cô đã bảo tôi trước, tôi còn phải nằm tại đây ba ngày nữa để điều   cơ mà! 

Người Bác sĩ trẻ nhìn tôi ngạc nhiên:

-Ông đã khoẻ mạnh, được xuất viện về nhà là niềm vui, sao ông không hài lòng? Sau đó, con gái ông sẽ đưa đến bác sĩ bên ngoài để tiếp tục chữa trị nữa chứ! 

Cô Bác sĩ nói tiếp, giọng thân mật:

-Thôi, xin tạm biệt ông. Hy vọng sẽ gặp ông ở một nơi khác chứ không phải nơi đây một lần nữa... Chào Ông  nhé!  

  Cô con gái út mang giấy tờ  xuất viện đến đưa cho tôi, tươi cười nói:

-Bệnh viện chứng nhận Ba đã khỏi bệnh rồi. Ba sửa soạn để con chở về nhà. Ba mừng không?

Tôi cố dấu nét buồn vừa thoáng qua trên khuôn mặt còn gầy ốm…để con tôi khỏi lo. Tôi   hỏi con:

-Con à! Bác sĩ dự định cho Ba nằm đây một tuần lễ để trị dứt bệnh. Nhưng mới đến ngày thứ tư lại cho Ba về, sao vậy? Bệnh nhân ở đây đâu quá đông đảo mà Ba phải về để nhường chỗ cho họ?

Cô con gái út của tôi, đã từng thực tập trong bệnh viện ở Anaheim này và làm việc trong một bệnh viện khác ở Fountain Valley, nhìn tôi ngạc nhiên.  Tuy nhiên cô bé vẫn nhỏ nhẹ giải thích:

-Ba ơi! Nơi đây không thiếu giường nằm cho bệnh nhân, nhưng có thừa hàng triệu vi trùng của đủ loại bệnh tật rất nguy hiểm.  Ba xin bác sĩ cho nằm lại thêm, nguy hiểm lắm đó…

Tôi im lặng nhìn vào bệnh viện với ánh đèn sáng sủa, với những cô y tá , bác sĩ…ngày đêm chăm sóc bệnh nhân… Tôi muốn nói thật nỗi lòng của mình, nỗi lòng của một bệnh nhân sau bốn ngày ngắn ngủi điều trị ở đây:

-Con ơi! Những con vi trùng nguy hiểm đó, Ba chưa hề thấy. Mà có lẽ chỉ thấy nó ở phòng thí nghiệm, dưới ống kính hiển vi. Ba duy nhất chỉ thấy được trong bệnh viện sáng sủa ấm cúng kia, những “nàng tiên áo xanh” hàng ngày lo chăm sóc thuốc men, nâng cao tinh thần cho bệnh nhân. Chính họ đã che chở  bệnh nhân trước đám vi trùng độc hại, giúp bệnh nhân chóng bình phục.  Đó là lý do duy nhất mà Ba muốn nằm lại đây vài ngày nữa…Con biết không?

*****

Hơn năm năm, sau ngày “lưu luyến” giã từ bệnh viện , tôi đã chứng kiến sự lây lan kinh khủng của những con vi trùng độc hại trong cơn đại dịch toàn cầu COVID-19, khiến hàng triệu bệnh nhân phải nhập viện. Bệnh dịch đã nhanh chóng lây lan toàn cõi nước Mỹ và cả thế giới, hủy diệt hơn nửa triệu mạng sống con người trên toàn cầu. Riêng tại Hoa kỳ, từ ngày xảy ra đại dịch cho đến khi tôi viết những dòng này (ngày 01-8-2020, lúc 8:58 PM-giờ địa phương), số bệnh nhân được phát hiện nhiễm Coronavirus của 50 tiểu bang: 4,696,297 người. Trong số đó, bệnh nhân tử vong: 156,621 người.  Số bệnh nhân được hồi phục:  2,299,937người.

 


Đất nước Hoa Kỳ, kể từ khi giành độc lập, chưa hề có bom rơi đạn nổ do quân thù tấn công vào nội địa. Người dân Mỹ chưa hề thấy bóng quân thù ngoại bang gây tang tóc chiến tranh trên xứ sở họ. Nhưng đến nay, người dân Mỹ lại bị tấn công bởi một loại “quân thù” độc hại, khiến quá nhiều người phải bỏ mạng! Loại quân thù này xuất phát từ một xứ sở ngoài đất Mỹ. Sau đó chính những người cư ngụ tại Mỹ đã mang nó về truyền bệnh một cách vô tình! Loại quân thù bí ẩn đó cực kỳ bé nhỏ, mắt thường không thể trông thấy. Các nhà khoa học khám phá ra nó dưới  kính hiển, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để chế tạo “vũ khí hủy diệt” nó!  .

Ban đầu những con Coronavirus này phát xuất từ Trung Cộng, rồi lây lan sang Mỹ, Ý , Tây Ban Nha. Cho nên khởi thủy người ta gọi là Coronavirus-Wuhan. Và giờ đây, hầu như khắp thế giới đều bị lây lan đại dịch, với tên chính thức COVID-19! Khi bị lây lan, bệnh nhân không biết  để đề phòng, chữa trị. Cuộc chiến đấu giữa Con Người và Con Coronavirus này không cân sức, bởi “địch thấy ta mà ta không thấy địch”. Cả thế giới kinh hoàng, bởi bệnh nhân bị nhiễm Coronavirus tăng gia tốc “phi mã” hàng ngày.  Tại nhiều quốc gia, số tử vong lên quá cao... Tôi đã nhìn thấy hình ảnh những nghĩa trang tại Ý, tại Tây Ban Nha có hằng hà sa số quan tài còn nằm san sát bên nhau, chưa kịp chôn cất. Có nhiều quốc gia phải thiêu đốt xác nạn nhân hàng loạt, hoặc chôn cất trong những nấm mồ tập thể.

Trong khi các quốc gia đổ lỗi cho nhau, hoặc quy trách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không thông báo kịp thời từ lúc dịch Coronavirus phát khởi. Mỹ và nhiều quốc gia lên án Trung Cộng đã cố tình dấu diếm bệnh dịch từ khi nó phát khởi ở  “một chợ hải sản ở Vũ Hán”, tỉnh Hồ Bắc. Trong khi các nhà khoa học chưa thống nhất ý kiến về phương thuốc chữa trị căn bệnh độc hại này. Trong khi các quốc gia giàu có đã bỏ ra nhiều tiền cho các công ty Dược phẩm bào chế các loại vaccin phòng ngừa… thì tại các bệnh viện, trong các phòng nghiên cứu, các bác sĩ y khoa, y tá, các chuyên viên trong phòng thí nghiệm… ngày đêm miệt mài, cấp tốc cứu chữa bệnh nhân bị nhiễm cororavirus. NƯỚ MỸ

Có lẽ đây là lần đầu nước Mỹ phải đối đầu với trận đại dịch ghê gớm, nên thiếu máy trợ thở, thiếu giường bệnh, thiếu thuốc men. Các nhân viên Y tế làm việc trong tình trạng thiếu thốn thiết bị y tế, từ áo choàng, đến khẩu trang, tấm che mặt… Họ làm việc bất kể ngày đêm. Làm đến mệt nhoài, vội chợp mắt khi có người thay thế. Tôi đã thấy hình ảnh một nữ Y tá trong lúc nghỉ giải lao, đã vội về nhà thăm con.  Nhưng chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào và nói lời chào với gia đình qua hàng rào cách ly. Người xem hình không thể thấy rõ gương mặt với khẩu trang kín mít. Chỉ thấy dòng lệ ứa ra từ đôi mắt u buồn của người Y tá , trước khi quay lại bệnh viện tiếp tục công việc! 

Tôi đã đọc những dòng từ biệt của một Y tá gởi cho con qua điện thoại. Bà mẹ đáng thương đã bị lây nhiễm Coronavirus và sắp từ trần…Tôi đã đọc những tin tức về những cái chết lặng lẽ, nhanh chóng của các Bác sĩ, Y tá, nhân viên Y tế làm việc trong các bệnh viện, bị lây bệnh trực tiếp từ bệnh nhân Coronavirus! Họ can đảm chịu đựng, và thừa biết có bóng dáng tử thần luôn rình rập quanh họ.  

Nhưng, các “chiến sĩ nơi tuyến đầu” chống quân thù Conavirus một cách can đảm ấy không chiến đấu đơn độc. Họ đã được các “đồng hương ở hậu phương”-  biết ơn và hết long hỗ trợ. Đã có nhiều tổ chức thiện nguyện người Mỹ gốc Việt phối hợp với nhau để đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện. Họ đã thông báo cho nhau thực hiện các khẩu trang Y tế - kể cả khẩu trang chuyên môn KN95- tại xưởng may, tại tư gia… Hàng trăm nghìn khẩu trang đã được gởi đến các bệnh viện, góp phần bảo vệ nhân viên y tế - những chiến sĩ tuyến đầu chống đại dịch Coronavirus!

Tôi bỗng liên tưởng đến cuộc chiến tại Việt Nam trước năm 1975.  Sau năm 1972, quân đội đồng minh rút về nước. Họ bỏ lại một đất nước Việt Nam ngùn ngụt khói lửa chiến tranh.  Họ bỏ lại một lực lượng Quân đội Việt Nam Cộng Hoà phải chiến đấu trong tình trạng thiếu đạn dược vũ khí. Họ phải đối đầu với một đội quân được phe Cộng-sản-anh-em trang bị đầy đủ vũ khí và chiến cụ hiện đại. Nhưng suốt hai năm cam khổ , người lính VNCH đã đơn độc và anh dũng chiến đấu trong tinh thần “thắt lưng buộc bụng” một cách can đảm. 

Mặc phải cam khổ hy sinh, các chiến binh VNCH đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ thường dân đã khổ đau , đã mất mát quá nhiều trong cuộc kháng chiến chống Cộng sản suốt gần hai mươi năm. Đồng bào nơi hậu phương biết ơn họ. Ca nhạc sĩ trình bày những bài ca  tôn vinh những chiến sĩ anh hùng nơi tiền tuyến. Những “em gái hậu phương” lên tận tiền đồn nơi giới tuyến thăm hỏi “các anh chiến sĩ tiền tuyến”, trao những chiếc khăn tay mang nặng tình “quân dân cá nước”! 

Gần năm mươi năm sau, tại miền đất tỵ nạn Hoa kỳ này, tôi đã thấy những hình ảnh tương tự như đã xảy ra tại quê hương cũ của tôi năm xưa . Để hỗ trợ tinh thần, tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống đại dịch COVID-19, đã có rất nhiều ca nhạc sĩ trình diễn văn nghệ tại nhà riêng, trong bối cảnh “social distancing.” Đã có một số lớn người Mỹ gốc Việt từ các tiểu bang đã đồng tâm gởi tiền bạc để mua sắm dụng cụ y tế và gởi ngay đến các bệnh viện đang có nhu cầu cấp thiết.

*****

Đến hôm nay, cuộc chiến cam go chống đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. “Chiến trường” lây lan càng mở rộng, số bệnh nhân tử vong càng gia tăng. Tuy nhiên,  tại các bệnh viện xứ Cờ Hoa này, tỷ lệ bệnh nhân được cứu sống rất cao. Đó là do công lao  các chiến sĩ Y tế nơi tuyến đầu, trực tiếp chống quân thù Coronavirus. Trong đó, ngoài các Bác sĩ,  không thể quên công ơn các Y tá- những “nàng tiên áo xanh” mà tôi đã từng mến mộ và biết ơn trong thời gian nằm điều trị tại một bệnh viện ở Anaheim hơn năm năm trước. 







Khác với người chiến sĩ  nơi chiến trường, khi tử trận sẽ được chôn cất nơi nghĩa trang quân đội, tên tuổi sẽ được ghi khắc trên bia tưởng niệm. Tổ quốc sẽ ghi ơn! Còn trong trận đại dịch này, người chiến sĩ tuyến đầu ngành Y tế thiệt mạng do sự tấn công của coronavirus, sẽ ra đi âm thầm ít ai biết đến, ngoài gia đình và đồng nghiệp của họ! 

Tôi nhớ lời phát biểu chua cay của chính trị gia, đại ý: Hàng triệu nạn nhân tử vong chỉ là những con số thống kê, nhưng cái chết của một người là một thảm kịch cho gia đình của họ!  Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng người ta chỉ chú ý theo dõi số nạn nhân của Coronavirus- do  truyền thông, báo chí liên tiếp loan đi. Ít ai quan tâm đến nỗi đau buồn của thân nhân, bè bạn các chiến sĩ tuyến đầu đã gục ngã khi chống lại những con vi trùng nguy hiểm chết người đó!  

Nhưng với tôi, mãi mãi hình bóng họ vẫn khắc ghi trong tim tôi, cũng như trong tâm khảm của đồng hương - những người  đã trải qua bao thảm kịch của cuộc chiến tương tàn nơi quê nhà, nơi mà hàng triệu người đã lìa bỏ nơi chôn nhau cắn rốn, tìm đến tỵ nạn tại xứ sở Tự do, Nhân ái này. 

Nam California August 01, 2020

Tam Bách Đinh Bá Tâm 


No comments:

Post a Comment