Friday, January 7, 2022

NGÀY TẾT CỦA BA TÔI

 ___________________



NGUYỄN QUYẾT

fb TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM

Học tập cải tạo về, ba tôi lần mò chiếc xe đạp cũ còn sót lại sau ngày giải phóng. Chiếc xe hư hỏng đã lâu không ai màng tới, vứt chỏng chơ trong căn hầm chứa đồ cũ. Ông chắp vá, hàn gắn từng thanh thép, giũa mài, lắp ráp từ cái yên, cái baga, cái vành. May sao các bộ phận quan trọng hãy còn nguyên, sên, líp, đùi dĩa...đem cọ rửa, bôi nhớt mỡ vào cũng tạm ổn, còn thiếu ông nhặt nhạnh, gom góp từng đồng bạc lẽ mẹ tôi mua bán, sắm dần. Phải trên 6 tháng ông mới cho ra hình cái xe đòn ngang đi tạm được.
Ông nói, thôi khỏi sơn lại, đắt lắm, miễn sao đi được là ổn, nên cái xe đủ thứ màu, xanh, đỏ, trắng đen như bộ quần áo rằn ri thủy quân lục chiến của ông ngày chinh chiến. Thời đó, đa số cuốc bộ, nhà nào có 2 chiếc xe đạp trở lên là oách lắm, xe máy thuộc hàng đại gia, không dám mơ. Thật tình mà nói trước 75, nhà tôi cũng có 1 chiếc honda dame. Ba tôi ở lính mà có tính máu me cờ bạc, nghe mẹ tôi nói ổng mê xóc dĩa, xóc một hồi bán luôn xe máy, bán cả căn nhà trong Nha trang, khu đồng đế mà ba tôi sắm được khi ông được điều phối vào đó. Đến ngày giải phóng, ba tôi còn sống và đi cải tạo, của chìm của nổi cũng đi sạch, mẹ tôi giận lắm nhưng rồi bà chép miệng, thôi thì của đi thay người. Cái xe máy còn mà đón về cái quan tài bọc kẽm thì đại họa.
Ba tôi cải tạo về, có nghề ngỗng chi đâu, làm thuê làm mướn cũng ít người thuê. Cần cái xe đạp để đạp đi bán hàng rong kiếm mấy đồng nuôi con, qua ngày. Như nhiều gia đình, con cái đông đúc, đứa nầy chênh với đứa kia 1, 2 tuổi. Vị chi đến 10 đứa con. Lớn nhất là anh tôi năm 79 là 24 tuổi, đứa em út thứ 10 mới 4 tuổi. Đứng sắp hàng ngang chờ nhận cơm ăn mỗi bữa như cái hình tam giác.
Năm tháng đó, ba tôi nghiên cứu thị trường, ông đi bán dạo bút bi, bút chì và đá lữa, bật lữa, giấy má đủ loại. Sáng mờ sớm ông đã đạp xe đi, tối mịt mới về, lùa mấy hột cơm xong lại đi chở hàng cho mẹ tôi. Hồi ấy, mẹ tôi và mấy đứa em gái nghỉ học ra bán nước chè, kẹo lạc, nước giải khát, nước mía bên sân ga xe lữa cả ngày đêm. Lúc đó, anh tôi đã đi làm công nhân sau lên đường sang mặt trận CamPuchia. Tôi vẫn miệt mài đèn sách, mỗi lần nhìn cái dáng xiêu vẹo của ba tôi trên chiếc xe đạp cũ, chữ nghĩa trong đầu tôi dường như tan biến, chữ nghĩa cũng ngậm ngùi cùng tôi.
Mấy năm sau, nghề bán dạo ấy cũng không ra chi, ông được người quen giúp vào làm công nhân ở Ty Cầu đường. Vậy mà ổng giỏi, học đâu ra nghề thợ hồ, ông cùng đội xây dựng đi sửa chữa mấy cái cống rãnh. Ngày đi làm, tối chở hàng phụ việc cho mẹ tôi. Bấy giờ tôi đã đi nhận nhiệm sở công tác trên Pleiku, Gia lai.
Vào dịp tết đến, thời bao cấp, mỗi nhà trông vào nồi bánh tét, thẩu dưa kiệu, khoanh thịt mỡ, mấy cân gạo trắng cho cả gia đình trên 10 người vui xuân là tốt lắm rồi. Mà đâu phải có tiền mua ngay, phải dành dụm, tích góp từng cân nếp ngay sau cơn lụt tháng 10 mới có.
Ba tôi khéo tay, ông gói bánh tét rất chuẩn, tròn trịa, đầy đặn, cây nào đều như cây nấy, sắp chồng lên với màu xanh lá chuối rất đẹp mắt. Bữa nào vui ba tôi kể, chả là năm tháng trên khắp các tiền đồn, được 24 giờ hưu chiến, sĩ quan binh sĩ cùng nhau gói bánh, nấu bánh, cả đêm bên bếp lữa hồng rồi nghêu ngao hát bài "xuân nầy con không về", thành ra tay nghề nhuyễn.
Tôi nhớ mãi đến hôm nay, dù ba tôi đã ra đi về cõi vĩnh hằng đã lâu lắm. Mỗi dịp tết đến lòng tôi thương nhớ bóng hình ông, nao nao khó tả.
Năm tháng xa xôi ấy, cái ăn đã khó, cái mặc còn khó hơn. Quần áo CBCNV thì dùng tem phiếu vải phân phối, mỗi năm 2 bộ đồ, khi xấu khi tốt, may nhờ rủi chịu. Dân tình có tiền mua hay không là dựa vào hoàn cảnh của họ. Vì thế, áo quần vá víu nhiều lắm, quần vá, áo vá.
Ba tôi tôn trọng cái áo công nhân màu xanh, ông nói áo kaki bền lắm, lâu rách, không cần ủi iếc chi cả, vải dày nên mặc ấm trong mùa đông giá rét. Chiếc áo ông mặc màu xanh sẫm qua năm tháng nó bạc gần trắng ở vai, ở lưng, ở cùi tay, vá khắp nơi. Đến khi không còn sử dụng được nữa, ông kêu để dành đó, mai mốt cắt ra những mảnh, vá cho cái áo khác. Vậy là chiếc xe đạp muôn màu với người đàn ông cao tuổi mặc chiếc áo vá thân phận đi trong buổi sớm mai hay chiều tà đẹp như bức tranh lập thể.
Trong cái tủ gỗ xấu xí kê bên góc tường nhà vẫn còn một bộ đồ đẹp của ba tôi, để dành từ trước giải phóng. Chiếc áo sơ mi trắng, chiếc quần tây đen, chiếc áo vest, chiếc cà vạt đỏ, đôi giày tây đen...Nhưng ông không dám mặc. Ba tôi cất, để dành cho mỗi dịp tết nhất, mặc thường nó cũ rách, ngày xuân mặc áo rách đi chúc tết nhà người ta sao được, kỳ cục lắm. Năm nào cũng vậy, cứ qua rằm tháng chạp, ba tôi mở tủ, ông lấy bộ đồ ấy ra, ngắm nghía, vuốt ve, là lượt, rất âu yếm. Để rồi sáng mồng một mẹ tôi choàng cái áo vest lên người ông, xỏ vào đôi giày tây đen, mẹ con tôi thấy ba tôi khác hẳn, oai phong như ngày xưa, hình ảnh ông già đạp xe bán dạo mất hẳn trong những ngày xuân mới.
Ngày đám cưới của tôi trên Pleiku, Ba tôi từ Đà Nẵng lên chủ hôn, ông mặc bộ đồ lớn nầy, bên nhà gái, bên phía cơ quan tôi thấy nể trọng dăm phần, vì cái nét phương phi còn sót lại nơi ông, vì cái dáng phong trần năm tháng xuôi ngược trên đường đời cùng với chiếc xe đạp cũ.
Tưởng cũng nói thêm đôi chút về thói quen của ông. Ba tôi không hút thuốc, bia rượu chỉ vài ly, ổng chỉ mê cờ bạc, gái gú thì phận làm con nên tôi không dám tìm hiểu. Nhưng đến cuối đời, khi về lòng đất cũng chỉ mấy mẹ con tôi đội tang, không thấy có ai thấp thoáng ngoài hè buổi hoàng hôn cả.
Ngày tết, sau khi diện bộ đồ vía, ông ngồi nâng niu những tờ giấy bạc đã được xếp sẵn, vuốt lại thẳng thớm từ hôm trước, ba tôi lần lượt mừng tuổi cho mẹ con tôi, 11 người, một cách trân trọng, tình cảm chân thành. Mấy đứa em nhỏ của tôi thì reo mừng hớn hở vì chúng có tiền đi chơi năm mới, còn tôi thì ra xa một chút, đứng bên góc khuất hiên nhà, cầm tờ giấy bạc mà ngậm ngùi. Tờ bạc mà bao tháng ngày ổng dành dụm, chắt chiu trên con đường dong ruổi cùng cái xe đạp cũ bán từng cây bút bi, từng cây bút chì và vài chục viên đá lửa.
Vậy rồi, dù gì, ngày tết năm nào gia đình tôi cũng rất vui. Tôi biết trên đất nước tôi lúc ấy có hằng triệu triệu gia đình khác cũng giống như gia đình tôi.
Đâu đó, lẫn khuất, còn nhiều rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, đón xuân dưới gầm cầu, trên sạp hàng khu chợ đóng cửa nghỉ tết, gặm miếng bánh tét người qua đường cho, lắng nghe tiếng pháo đì đùng đêm giao thừa.
Tôi thấy mình hãy còn hạnh phúc hơn họ nhiều lắm.
NQ, những ngày cuối năm Âl 2021

No comments: