Thursday, March 13, 2025

Khánh Ly - Giọng Hát Là Nơi Neo Đậu Của Một Thế Hệ

việt báo

13/03/2025

CDs Khanh Ly
Một góc trong phần trưng bày tiệc Sinh Nhật Khánh Ly 80 Tuổi, Bowers Museum, 7 tháng 3, 2025.
Photo: Nguyễn Lập Hậu.



Lịch sử vốn không có hồi kết, cũng không có khởi đầu. Chỉ có những bản nhạc viết trên nền cát bụi và người ca sĩ là cơn gió đi ngang, hát lên một lần rồi biến mất, để lại những dư âm chờ ai đó nhặt nhạnh lại.



Nhưng nếu lịch sử là một kẻ khốn kiếp chỉ biết cách lặp đi lặp lại trò đùa tàn khốc của nó, thì giọng hát của Khánh Ly là một tiếng vọng, một dư chấn, một chứng nhân không thể nào bị vùi lấp. Bà hát không phải để an ủi mà để chạm vào những vết thương chưa bao giờ liền da, bà hát không để quên mà để nhớ, không để vuốt ve mà để những ai còn sống phải đối diện với ký ức.

Đó là một giọng hát đã từng bước qua những thành quách vinh quang và lụi tàn, những cơn lốc lịch sử cuốn phăng mọi giá trị, những năm tháng lưu đày trên chính quê hương mình và sau nữa, trên những vùng đất xa lạ. Bà là một ca sĩ, như một mảnh vỡ của một định mệnh dân tộc, một cánh chim lạc loài giữa trận cuồng phong lịch sử, một linh hồn lưu lạc không chỉ trên bản đồ mà còn giữa những tầng ký ức hoang hoải của thời gian.

Không ai có thể chối bỏ rằng nếu không có Khánh Ly, nhạc Trịnh Công Sơn sẽ không bao giờ có sức sống của ngày hôm nay. Một bài hát chỉ thực sự được sinh ra khi có người hát nó với đúng định mệnh của mình. Trịnh Công Sơn viết nhạc như một kẻ rót rượu vào bóng tối, còn Khánh Ly hát nhạc ông như một người uống nó đến say mèm. Họ gặp nhau không phải chỉ vì định mệnh, mà vì cả hai cùng chia sẻ một nỗi buồn trầm thống về con người, về thời cuộc, về những mất mát không gì cứu chuộc nổi. Nếu Trịnh Công Sơn là một triết gia lãng tử, một người rong ruổi trên những nẻo đường của tư tưởng, thì Khánh Ly là hiện thân của chính những triết lý ấy, là tiếng nói thành hình, là giọng ca vẽ nên toàn bộ bức tranh u ám của một thời đại.

Giọng hát của bà không mang vẻ đẹp của sự hoàn hảo, không có sự lung linh, không có chất kiêu kỳ hay sắc sảo, mà là một giọng hát cũng chờ bị bào mòn bởi bụi đường như tất cả, từng bị ngâm trong những trận mưa của Sài Gòn cũ, từng bị nung trong cái nóng thiêu đốt của những đêm dài không ngủ, đã bị vỡ vụn bởi những chuyến đi mà ngày trở lại đầy truân chuyên. Nó trầm, nó khàn, nó như một vết thương mãi mãi không liền miệng. Nghe bà hát, không ai có thể tách rời được bà khỏi những bài ca của mình. Người ta không chỉ nghe để thưởng thức, mà nghe để chịu đựng, để dằn vặt, để chấp nhận những gì đã mất là những gì sẽ không bao giờ tìm lại được.

Người đàn bà ấy, đứng trên sân khấu với mái tóc buông dài, đôi chân trần và một ánh mắt không có gì ngoài sự thản nhiên. Người ta gọi bà là "nữ hoàng chân đất," nhưng bà không phải là hoàng hậu của bất cứ điều gì ngoài nỗi buồn nhân thế. Đó là sự thản nhiên của một người đã thấy hết những gì cuộc đời có thể mang lại: những đỉnh cao, những vực sâu, những ngày tháng của ánh hào quang và những đêm dài của sự cô đơn tuyệt đối. Nếu có một người nào hát về sự mất mát mà không làm cho nó trở nên ủy mị, nếu có một người nào hát về những điều tan vỡ mà không cần phải gào thét, thì đó là Khánh Ly.

Người ta yêu bà vì bà không có gì để yêu ngoài giọng hát. Không vẻ đẹp lộng lẫy, không sự quyến rũ phù phiếm, không ánh hào quang sân khấu kiểu minh tinh, chỉ có một giọng hát như một tiếng thở dài kéo lê qua nhiều thế hệ. Giọng hát đó đã đi từ những quán cà phê nhỏ bé đầy khói thuốc ở Đà Lạt, đến những sân khấu lớn của Sài Gòn, từ những đêm nhạc trong bóng tối chiến tranh đến những buổi diễn trước hàng nghìn khán giả ở hải ngoại, từ một đất nước rách nát vì bom đạn đến một miền ký ức không còn biên giới. Bà không toan tính làm một ngôi sao. Nhưng bà là một nhân chứng.

Nếu nghe Khánh Ly hát "Diễm xưa" lúc này, người ta không còn thấy cô gái mộng mơ nào đó đứng bên song cửa mà chỉ thấy một hoài niệm bị vắt kiệt, một nỗi nhớ đã bị nấu chảy thành màu thời gian. Nếu nghe "Cát bụi", người ta không còn sợ cái chết, vì cái chết vốn đã nằm trong từng nốt nhạc. Nếu nghe "Hạ trắng", người ta sẽ không còn nghĩ đến mùa hè, mà nghĩ đến một người đi xa, mãi mãi không quay về.

Bà hát về quê hương trong khi bị lưu vong. Bà hát về hòa bình trong khi chiến tranh bủa vây. Bà hát về cái chết với nụ cười ngắt tạnh, hát về nỗi đau mà không hề rơi nước mắt. Khánh Ly chính là một nghịch lý sống – một người đàn bà bị trôi dạt, nhưng giọng hát lại là nơi neo đậu của cả một thế hệ.

Lịch sử Việt Nam có những chuỗi ngày không ai muốn nhắc đến, những cuộc chiến không ai muốn nhớ lâu. Những thân phận bị bỏ quên. Những bài hát bị cấm đoán. Nhưng chính trong những lãng quên ấy, giọng hát của Khánh Ly lại trở thành một phần ký ức. Không chỉ vì bà là một ca sĩ lớn, mà vì bà là một giọng hát rưng rưng khóc.

Không ai có thể chối bỏ từng có một thời gian dài, bà đã bị quên lãng trên chính quê hương mình. Bà trở thành kẻ lưu vong ngay cả khi tiếng hát của mình vẫn vang lên đâu đó, vẫn được hát lại bởi những thế hệ sau. Nhưng không một ai có thể thay thế bà. Bởi vì giọng hát ấy không phải chỉ là âm thanh, mà còn là những gì đã bị thời gian vùi lấp. Bà không hát để được nhớ đến, nhưng cuối cùng, chính những kẻ quên bà lại là những kẻ không bao giờ thiếu được giọng hát Khánh Ly.

Không ai có thể ngăn một ngọn gió. Không ai có thể ngăn một tiếng hát. Người đàn bà chân đất đó vẫn hát dù thế giới có xoay vần, dù thời đại có đổi thay, dù người nghe có biến mất vào quá khứ. Người ta có thể quên một đất nước, một cuộc chiến, một nền văn minh, nhưng sẽ không thể quên giọng hát đã từng là nơi neo đậu của cả một thế hệ – giọng hát đã giữ lại những gì lịch sử muốn xóa đi, giọng hát đã an ủi những kẻ không có quê hương, giọng hát đã cất lên giữa cơn bão và còn vang vọng mãi mãi.

Cuộc đời này, suy cho cùng, cũng chỉ là một bài hát buồn, ngân lên giữa cơn gió, rồi tan vào hư vô. Nhưng nếu có một giọng hát có thể níu lại những gì đã bị đánh mất, nếu có một giọng hát có thể khiến những người lưu lạc tìm thấy bóng dáng quê nhà trong những giai điệu cũ, thì đó chính là giọng hát Khánh Ly. Một giọng hát như vết thương của lịch sử, một giọng hát như hơi thở cuối cùng của một thời đại, một giọng hát không bao giờ mất.


Chốn Bụi, ngày 13 tháng Ba, 2025

Uyên Nguyên

 

No comments: