Friday, April 5, 2013

Vi Vu

___________


Phan

Gió. Đơn giản là sự chuyển động của không khí từ hai nơi áp suất không khí chênh lệch, theo khoa học chẳng có gì sai, nhưng cảm nhận về gió của mỗi người lại thuộc về tâm trạng. Đêm qua gió rít trên mái nhà đến khó ngủ; rồi cũng từ gió làm phát sinh ra những tiếng động lạ trong đêm. Tôi nhớ đến người bạn độc thân muôn năm, đã nhiều lần anh kể về những tiếng động lạ trong đêm làm anh không ngủ được nên anh đi tìm cho ra nguồn gốc nơi phát ra những tiếng động lạ trong đêm đó. Anh độc thân nên một mình trong đêm với căn nhà không lớn nhưng quá rộng với một người độc thân.
Có lần anh tìm ra được đó là tiếng nước được cái máy bơm bé tí trong tủ lạnh bơm vào bộ phận làm nước đá (ice maker); thì ra một mẻ nước đá sau khi đông đặc, sẽ rớt hết xuống hộc chứa nước đá trong tủ lạnh; sau đó hệ thống tự động sẽ bơm nước vào những ngăn để làm mẻ nước đá mới. Cứ như thế, cho đến khi hộc nước đá trong tủ lạnh đầy ứ thì thôi tủ không làm nước đá nữa. Câu chuyện chẳng ra khoa học mà cũng không khoa trương, nhưng nó để lại trong tôi, trong lòng người nghe nỗi cảm hoài cho những người độc thân đã có tuổi, bởi anh kết luận rất tâm trạng, “Ông biết không, tiếng nước làm đá trong cái tủ lạnh đâu có gì lạ. Nhưng tôi có bao giờ uống nước đá đâu mà cái tủ lạnh nhà tôi phải làm đá; tôi có bao giờ nghe được tiếng nước chảy đêm khuya bao giờ. Chỉ vì anh em ghé nhà chơi hôm đó, có ai uống nước đá nên cái tủ lạnh mới phải làm việc. Và tôi hết một đêm đi tìm tiếng lạ trong nhà...”
Lần khác anh kể tôi nghe về tiếng gió. Theo anh, cho dù căn nhà ở Mỹ có được seal (trét kín) đến cỡ nào thì gió vẫn lọt vào nhà; đem cả mùa xuân đến trong hơi hướm tươi vui, mới mẻ. Chỉ cần hít thở không khí trong nhà mà biết mùa xuân đã về ngoài ngõ. Tương tự, hơi nóng đã len qua cửa xuân để báo hè sang; rồi thu đến với không gian, không khí man mác những cảm hoài; bỗng hơi thu một hôm không từ giã mà xào xạc lá khô ngoài lối đi đêm khuya; để cái rét đầu đông thêm một lần lại về. Làm cho năm tàn tháng tận thêm chơi vơi...
Ừ thì người bạn làm chung nên trò chuyện bên ly cà phê giờ break. Những chuyện nhỏ nhặt trong đời thường mà những người có gia đình như chúng tôi chẳng bao giờ nghe thấy; để tâm tới, bởi tâm người có vợ không đủ để thỏa mãn cho những tiếng thở dài của người phối ngẫu thì tâm đâu nghe ra những tiếng động không rõ nguồn; theo ngày tháng, đời sống có quá nhiều những người đàn ông vô tâm mà đàn ông nào đủ can đảm sẽ thừa nhận mình là một.
Đêm qua gió rít trên mái nhà, thật sự căn nhà có những tiếng động lạ lẫm đến đoán không ra là tiếng gì, phát xuất từ đâu? Tôi cũng không ngủ được mà nằm nhớ đến người bạn độc thân đã lâu không gặp. Chẳng lẽ đêm khuya lại đi gọi anh để trò chuyện rằng: tôi đã nghe ra lòng đêm của những người độc cô cầu bại; tôi đã thấy rõ sự vô tâm của mình trong bức màn nhung đêm đen...
Với tâm trạng nửa mơ nửa tỉnh, tôi nghe tiếng gió vi vu như từ tiềm thức vọng về! Nhưng không. Tiếng sáo rõ ràng hơn theo luồng gió giật; rồi gió vãn thì tiếng sáo vi vu; gió lại giật lên từng luồng làm tiếng sáo ai oán hơn theo gió... tự nhiên nhớ mấy câu thơ, của ai thì không nhớ nổi giữa đêm nhưng thơ thì nhớ, “chửa gặp nhau mà đã biệt ly/ hồn anh theo dõi bóng em đi/ hồn anh sẽ nhập trong luồng gió/ lưu luyến bên em chẳng nói gì...” Chẳng biết mình có thù oán với ai mà đêm đen hồn ma bóng quế nào đã nhập vào luồng gió để thao thức mình? Giá có thể gọi được giờ này thì chỉ cần bấm cái phone là anh bạn độc thân - thừa kinh nghiệm một mình trong đêm sẽ trả lời cho tôi biết ngay là tiếng động gì! Nhưng bó tay. Tôi tự đi tìm nguồn gốc, nơi phát xuất ra tiếng động, tiếng động nghe như tiếng sáo.
Chập chờn hai con mắt nửa mơ nửa tỉnh, tôi vừa mở cửa patio để ra sân sau; ra phía đầu giường tôi ngủ, nơi tôi đoán tiếng động - tiếng sáo phát xuất từ đó. Gió bên ngoài như bầy ngựa hoang đang tung hoành ngọn đồi sau nhà; tội nghiệp cho rừng cây nơi sườn đồi vừa ra lá mới mà gió cỡ này thì bầm giập hết lá non, và thương cảm cho chiếc lá cuối cùng là mình; không ngờ gió thổi mà lạnh dữ! Tôi trở vào nhà mặc thêm áo ấm; cầm cái đèn pin đi tìm tiếng sáo đêm đen. Nhà cửa hàng xóm ở rất xa nên không thể theo gió mà tiếng sáo vi vu xuất phát từ những ngôi nhà bên kia ngọn đồi được. Như vậy, chỉ có tự tại ngay trong ngôi nhà mình. Nhưng tôi nhìn suốt bức vách sau nhà, dài đến bốn chục feet, là vách phòng ngủ và phòng ăn cạnh nhau; chỉ có hai vuông cửa sổ nhỏ của phòng ngủ và vuông cửa sổ lớn của phòng ăn. Một bức vách liền lạc đến vô cảm thì làm gì phát nổi âm thanh; dọc theo bờ tường là đất vỡ hoang, đất mới cuốc xới chứ cũng chưa trồng bụi sả, cọng hành nào cả... vậy tiếng sáo từ đâu mà cứ vi vu theo gió!
Thật ra cũng có những đêm gió trước đó, và tôi đã nghe tiếng sáo đêm khuya. Nhưng đi tìm nơi phát xuất ra tiếng sáo ngay đầu giường mình thì chưa hề. Đêm qua trở trời nên người trở quẻ, phải tìm cho ra lời ai oán xa xưa; nếu có phải cúng siêu độ cho một linh hồn dại khờ cũng cam lòng chuộc tội với dĩ vãng. Tôi trở vô nhà bếp, pha hẳn một ly cà phê; rồi kéo cái thang gắn sẵn ở hall way mà trèo lên nóc nhà để tìm độc cô nào ám mình đêm khuya. Phía trên ceiling của căn nhà toàn insulation với dây diện, ống gas lằng nhằng như cạm bẫy; bước trật kèo là gọi ambulance vì giẫm lên lớp sheetrock mỏng tang là sụp hầm. Tôi ngồi nghe tiếng sáo vi vu, xa vắng phía đầu giường mình, tiếng sáo không rõ như nằm trong phòng mà nghe vì trạng thái nằm thì nhịp tim rất thấp nên thính giác tăng lên.
Dù khó di chuyển nhưng tôi cũng ráng lần mò theo tiếng sáo đêm khuya. Phía trên ceiling nghe tiếng gió trên mái nhà mới hoảng! Thật ra mắt thường không thấy được sự chuyển động của khung xương mái nhà mỗi khi gió giật. Nhưng ngồi yên, nhìn kỹ, lắng nghe, sẽ cảm nhận được khi luồng gió đi qua, cả mái nhà có ảnh hưởng với sức gió; làm cho giàn xương đỡ những tấm ván ép và lớp ngói bên trên chuyển động theo gió, tạo thành những âm thanh răn rắc nhỏ nhoi do những mối đinh của cột-kèo tạo ra khi chúng chống đỡ với sức gió.
Thế là tôi đã hiểu được những tiếng răn rắc trên mái nhà mà đôi khi tai nghe thấy đấy nhưng vô tâm vô tình sẽ quên đi ngay. Đêm qua, ngồi trên mái nhà mà nghĩ đến những tiếng thở dài của người phối ngẫu mà ân hận, ta chẳng bao giờ để tâm tới sức chịu đựng của người bạn đồng hành trong cuộc lữ này. Rồi tiếng sáo thôi miên tôi đến tận khu vực phòng ngủ của mình. Sau một hồi quan sát và suy luận theo những âm thanh nghe được; theo gió thốc ngoài trời, những lọn gió làm khó mái nhà không nương tay, gió như người vừa khó tánh vừa ngoan cố, không biết thông cảm là gì, như gió.
Thì ra căn nhà cũ tôi ở, người ta gắn máy lạnh, máy sưởi trong nhà; trong một căn phòng nhỏ, có hai cánh cửa như tủ áo. Khi máy lạnh chạy sẽ ra nước do ống gas lạnh làm đông hơi nước trong không khí - và người ta có cái chậu bằng thiếc to dưới máy, hứng hết nước rỏ đó, và dẫn chúng theo đường ống thoát bằng loại ống nhựa PVC xuống hệ thống thoát nước của căn nhà. Trong khi căn nhà đang ở thì máy lạnh, máy sưởi lại gắn trên ceiling, nên đường ống PVC dẫn nước thoát không đi âm xuống đất mà chỉ chạy khơi khơi ra đúng đầu giường tôi, người ta cho nước rỏ nhỏ xuống hàng cây tùng Nhật trồng sau phòng ngủ. Trong khi thời tiết đang chạy máy sưởi nên đường ống ấy khô ran. Và chính cái đầu ống bên ngoài phòng phủ đang bị gió thốc vào - tạo thành âm thanh như tiếng sáo.
Tôi thỏa mãn lòng tò mò, chỉ còn việc trèo xuống, ta đi lấy cái túi ny-lon chợ, hằng hà trong tủ bếp. Chịu khó ra sân sau, bắc cái thang trèo lên nhét kín đầu ống thoát nước máy lạnh; không cho gió luồn vô ống tạo thành tiếng sáo vi vu ấy nữa thì sẽ ngủ được.
Nhưng đêm nay tôi lại không ngủ được vì thiếu tiếng vi vu như tiếng sáo. Tôi lại đi tháo gỡ cái túi ny-lon chợ ra cho tiếng sáo vi vu. Ngủ ngon lành sau khi tháo bỏ được sự cố chấp. Tiếng sáo vi vu ấy khá dễ thương; nó chỉ thấy ghét và phiền phức vì ta không hiểu nó. Còn biết bao nhiêu điều, người, trong đời sống rất dễ thương; chỉ bởi ta thấy ghét nên đời thấy ghét. Nếu bình tâm chấp nhận sự hiện hữu và cá tánh của vạn vật thì bình an chóng đến với người thiện ý.

Phan

No comments: