Sunday, April 18, 2021

Quê Nhà Tôi Vẫn Còn Là Việt Nam

ĐOÀN XUÂN THU
que nha toi 01
Bảo Huân

 

Hạ Tri Chương (659 – 744) người Quảng Ðông, đời Ðường bên Tàu, giống như các nhà thơ khác, ông thích uống rượu. (Ông giống tui! Dà xin lỗi, tui giống ông!)

(Tôi e rằng Hạ Tri Chương là người văn nghệ, tất khoái nhậu, tánh tình hào phóng rộng rãi, chắc ghé vào kỹ viện chơi ‘hoa’ vẫn thường ‘boa’ đẹp mấy em kỹ nữ! (Giống như Thúc Sinh ‘boa” Thúy Kiều đấy thôi!)

Vì nhà thơ ắt trọng chữ nghĩa, coi tiền bạc là đồ bỏ, hết tiền xài thì ‘chà đồ nhôm’ tức ‘chôm đồ nhà’ riết hết… thì đi mượn thiên hạ để xài cho đã chừng nào mạt hẳn hay!) Giống như Ðỗ Phủ: “Áo bông gán nợ qua ngày. Quán ven sông, rượu khướt say mới rời. Vẫn thường uống chịu đấy thôi. Xưa nay bảy chục tuổi đời hiếm hoi!”

Hạ Tri Chương mất năm 86 tuổi để lại một số bài thơ hay phải kể đến là bài ‘Hồi Hương Ngẫu Thư’, viết khi từ quan về quê thăm nhà sau hơn năm mươi năm xa cách. “Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi, Hương âm vô cải, mấn mao tồi. Nhi đồng tương kiến, bất tương thức/ Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?”

(Khi đi trẻ, lúc về già/ Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác sao. Trẻ con nhìn lạ không chào/ Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?)

Hạ Tri Chương xa quê tới 50 năm mới về thăm; bùi ngùi trước cảnh cũ người xưa đà chết ráo là chuyện có thể hiểu được. Còn nhà thơ Jingak Hyesim trong bài ‘Quá cố hương’ chỉ mới 15 năm, (thua tui xa) nhưng cũng bùi ngùi không kém. “Nhất biệt gia hương thập ngũ niên/ Thử lai hoài cổ nhất san nhiên. Phùng nhân bán thị bất tương thức/ Mặc tứ du du thán thệ xuyên.” (Quê nhà cách biệt mười lăm năm. Về lại thương hoài lệ đẫm khăn. Gặp gỡ nửa phần không biết mặt. Ngậm ngùi xa xót nỗi thời gian.)

***

que nha toi 02Người Việt mình cũng đau đớn lúc lìa bỏ quê nhà. Ði xứ lạ mà tình cờ may mắn gặp được người cùng quê, cùng xóm, cùng làng là mừng hết biết! Phải dắt về nhà kêu em yêu làm một món nhắm để hai người đồng hương bù khú, nhắc chuyện khi xưa ta bé ta ngu…

Bây giờ gần 50 năm, tức nửa thế kỷ, người chưa đi vẫn tiếp tục đi; người đã đi lại lần mò tìm về quê cũ nhưng hỡi ơi “Quê hương khuất bóng hoàng hôn, trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”

Cái tình hoài hương nó sâu đậm biết chừng nào. Ta yêu thương quê hương như ta yêu thương cha mẹ, anh em và yêu luôn con nhỏ bên hàng xóm. Tuy nhiên xin nhắc nhẹ bà con coi chừng tụi nó lạm dụng chữ quê hương, chữ đồng hương mà mài cái dao cho thật bén chờ mình ló đầu tới là nó cạo lông sạch bóc, kể cả lông mày! Nghe ai đàn địch ca sang là: “Xin phục vụ đồng hương hết lòng. Mình phải cẩn tắc vô áy náy, nhớ khảo giá trước cho chắc ăn nhe bà con!

***

Úc đây nó gọi quê hương là ‘fatherland’ quê cha đất tổ, chỗ mình được sinh ra.

que nha toi 04Nhưng Peter Allen có sáng tác bài hát. ‘I Still Call Australia home” Thì chữ ‘home’ nầy không đơn giản là nhà, mà là Tía, là Má, là em yêu cùng bầu bạn. Nói rộng ra hơn nữa chữ ‘home’ nầy là quê hương tui nữa đó! Peter Allen hát rằng: “I’ve been to cities that never close down. From New York to Rio and old London town. But no matter how far or how wide I roam /I still call Australia home.

I’m always traveling, I love being free. And so I keep leaving the sun and the seaBut my heart lies waiting over the foam. I still call Australia home.

All the sons and daughters spinning ‘round the world. Away from their family and friends. But as the world gets older and colder. It’s good to know where your journey ends.

But someday we’ll all be together once more. When all of the ships come back to the shore. Then I realise something I’ve always known I still call Australia home. But no matter how far or wide I roam I still call Australia home!”

“Tôi đã đến những thành phố không bao giờ chịu ngủ. Từ New York tới Rio và Phố cổ London. Dù đã lang thang cuối đất cùng trời như thế/ Tôi vẫn gọi Australia là quê nhà.

Tôi vẫn đi vì tôi thích tự do Thế là tôi bỏ lại ánh mặt trời và sóng biển, Nhưng tim tôi vẫn còn nằm chờ trên ngọn sóng. Tôi vẫn gọi Australia là quê nhà.

Những chàng trai và những cô con gái. Đi khắp tận cùng thế giới. Xa gia đình, xa bè bạn thân yêu. Nhưng khi thế giới đã già đi; tình nguội lạnh. Thì mình biết rằng chuyến đi đã đến lúc vãn tuồng rồi.

Rồi ngày nào đó chúng ta, một lần nữa, đoàn viên. Tất cả những con tàu trở về bến cũ. Tôi vẫn nhận ra điều mình từng đã biết. Tôi vẫn gọi Australia là quê nhà.

Dẫu đi cuối đất cùng trời. Úc Châu vẫn suốt một đời quê hương.”

que nha toi 03Bài hát cảm động tình quê hương tha thiết nầy đã được hãng hàng không Qantas của Úc, làm một cái ‘video clip’ quảng cáo với các thiếu niên, (nam và nữ hòa ca trên nền là hình ảnh nước Úc bạt ngàn rừng biển, với ‘logo’ là con Kangaroo vươn mình phóng tới để cho mấy chàng trai, mấy cô gái Úc vốn sinh ra đời có hai cái cẳng hơi bị ngứa, ‘itchy feet’, (Dịch cẳng bị ngứa là dịch rất sát; nên tui e bà con mình cho rằng Úc chưn có ghẻ nên ngứa; nên tui xin dịch đại là chưn ngọ nguậy, ngồi yên không được, cứ bắt đi hoài). Mục đích cuối cùng của Qantas nhắn gởi khéo là: “Bay ra hải ngoại hay bay về nhà làm ơn nhớ mua vé của hãng hàng không Qantas nhe mấy đứa ‘Aussie’! Gút lại Qantas lợi dụng cái tình yêu quê hương của mình để mà cái túi của nó được đầy hơn. Lợi dụng như thế là khéo, nghệ thuật quảng cáo đã đến trình độ cực kỳ xảo diệu.

***

con-rach-nho-3Ðể kết bài quê hương nầy, tui xin nhắc cái cuốn sách giáo khoa (thời Tía tui đi học) “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” của 3 lớp Sơ Ðẳng, Ðồng Ấu và Dự Bị do quý thầy Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Ðặng Ðình Phúc và Ðỗ Thận cùng biên soạn.

Chẳng hạn như bài: “Chỗ quê hương đẹp hơn cả!” Câu văn ngắn, chữ gợi hình, dễ hiểu, gần với tuổi thơ nên học trò thích học. Tới bây giờ khó có cuốn sách nào soạn hay hơn thế.“Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?” Người du lịch đáp rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.”

Quê hương mỗi người chỉ một… Sau 75, chuyện đó không còn đúng nữa rồi vì bây giờ bà con hải ngoại mình còn có quê hương thứ hai. Một hay hai cũng đều là quê hương hết ráo. Mình đều yêu hết!  Đối với tui nước Úc nầy chẳng qua là một người vợ bé, do phần số đưa đẩy bèo giạt hoa trôi mới gặp được em. Nói nào ngay em cũng tốt.

Da mon nhung da chang mon 03Mấy ông anh mình thường hay nói: “Trong trầu thì phải khai mương. Làm trai hai vợ tui thương con vợ nhì. Tui thì khác bà con ơi! Vì tui học sách của Thúc Sinh. Giữa Kiều và Hoạn Thư tui chọn Hoạn Thư , kêu Kiều trốn đi vì hai lẽ: Một là Hoạn Thư nó dữ quá. Nhưng quan trọng hơn là nó giàu quá, bỏ uống. Hổng có tiền làm áo vũ cơ hàn, đêm lạnh chùa hoang thì trước sau Kiều cũng bỏ. Nên yêu bằng trái tim nhe mấy anh mình; còn cưới là bằng cái đầu, kẻo một túp liều tranh hai quả tim vàng thì trước sau em cũng đem đi cầm, đi bán mình sẽ thành ‘homeless’; là em cũng bỏ mình thôi.

Riêng với nước Úc, tui cật lực làm ‘trâu mọi’ cho em ban ngày, đóng thuế không thiếu một xu, để đền cái ơn phiếu mẫu; chớ lòng tui, đêm đêm tui leo lên giường, trùm chăn ngáy ò ó ò là trở lại chốn xưa!.

Xin em ‘Kangaroo’ đừng trách tui là người một mặt hai lòng, tui ở với em vì tiền (quả có vậy); còn tim tui lỡ đã gởi lại quê nhà rồi. Quê nhà tui vẫn còn là Việt Nam!

đoàn xuân thu.

melbourne

4 comments:

Tui said...


Hạ Tri Chương là người Tiêu Sơn, Hàn Châu (Thuộc Tỉnh Chiết Giang ngày nay )chớ không phải người Quảng Đông ( ngày nay).

Tỉnh Quảng Đông và Chiết Giang cách nhau cả ngàn cây số vì Quảng Đông thuộc miền nam ( gần Việt Nam ) còn Chiết Giang nằm gần Bột Hải, miền cực đông của nước Tàu.

Thời Đường - Tống, chưa có tên tỉnh Chiết Giang và Quảng Đông. Đời Lý Thế Dân nước Tàu được chia ra 10 ĐẠO, đến thời Đường Huyền Tông thì chia ra 15 ĐẠO ( Tương Đương vơi Tỉnh ngày nay ). Chiết Giang ngày nay thuộc GIANG NAM ĐẠO, còn Quảng Đông ngày nay thuộc LĨNH NAM ĐẠO.

Thích bò bía nguyễn said...

Tại hạ thiệt là khâm phục vị huynh đài này ghê nha , đã phân tích rõ ràng những thành phố bên Trung quốc. Để tui gởi gụ Đường Xuồng qua cho nhâm nhi rồi thả thơ đường thùng...ủa lộn đường luật ra cho bà con đọc chơi kkk...Vậy đi nghe !
Quách Đại Hiệp

Đoàn Xuân Thu said...

Thú thiệt với ông, tui không có bà con hoặc bạn bè nhậu nhẹt gì với Ông Hạ Tri Chương cả. Chỉ thấy tài liệu cũng như ông research trên Web nói: Ổng là người Chiết Giang cũng có người nói là người Quảng Đông. Ông thì cho rằng sai, thiên hạ lại nói ông sai. Tui thực không biết ai sai ai đúng?
Nhưng ổng ở đầu? Chuyện đó không quan trọng bằng nội dung bài thơ của Hạ Tri Chương viết vê nổi buồn lưu lạc xa quê.
Đó là ý chánh bài viết của tôi đó thưa ông.
Đoàn Xuân Thu.

Đoàn Xuân Thu said...

Thưa ông! Nếu ông có 'hưỡn' thì đây là một trong những 'information' mà tui kiếm được trên Web xin trình ông tường lãm rồi suy xét, chứng minh hơn là vỏ đoán để chỉnh sửa dùm tác giả!
Hạ Tri Chương 賀知章 (659-744), người Quảng Đông, tự Quý Chân. Ngoài tài thơ văn, tiểu thuyết, còn có tài viết chữ thảo, chữ lệ rất đẹp. Tính phóng khoáng, thích uống rượu. Bạn thân của Lý Bạch. Đỗ tiến sĩ, làm Thái Tử Tân Khách Bí Thư Giám, rồi từ quan về làng làm đạo sĩ. Lúc ra về vua có tặng thơ, thái tử và bá quan đều đưa tiễn.
Sách Những nền văn minh thế giới và Thơ Đường tập I ghi ông là Cối Kê, tỉnh Chiết Giang. Trần Trọng San trong sách ghi ông là người Vĩnh Hưng, Việt Châu, Quảng Đông, Trung Quốc.
Tui thì nghĩ ổng sanh chỗ nầy lưu lạc đến chỗ kia. Hai chỗ phải xa hàng ngàn cây số thì tiếng nói mới khác đi chớ phải không?) Vì vậy Hạ Tri Chương mới có bài 'Hồi hương ngẫu thư' phải không ông?