Sunday, February 19, 2012

Hãy buông nó ra - Thầy Hồ Văn Thủy

___________

Buông nó ra không có nghĩa là từ bỏ nhà cửa, vợ con, sự nghiệp, xác
thân, điều mà chẳng ai làm được, ngoài trừ vài biệt lệ muốn thoát ly .
Buông ra chỉ có nghĩa làm sao tránh ảnh hưởng tai hại bởi sự việc bất
ưng, bất thuận lợi.
                                                                                                                                 
Buông nó ra cũng không có nghĩa là nới lỏng sự gắn kết của ta với đời,
coi có như không lúc gặp phải tai họa như bị phá sản, bị mất việc, mất
người thân, ly hôn… điều mà chỉ một thiểu số người dày công hàm dưởng
mới có thể dửng dưng. Lý do là sinh vật nào cũng bị thúc ép bởi đà
tồn sinh nên ai cũng muốn được an toàn, bền vững , muốn bành trướng,
muốn chiếm hữu. muốn thành đạt… và ai cũng buồn khổ, tuyệt vọng, luyền
tiếc khi gặp sự cố gây mất mát, nhưng tâm tính như thế chẳng những
không níu giữ được gì mà còn làm mất mát thêm, đó là không thể an vui
được nữa
 
Buông nó ra là làm sao vứt bỏ mọi lo âu, phiền muộn, đau khổ, sợ hãi…
đang hành hạ mình. Ai cũng biết điều này là cần thiết nhưng mấy ai đạt
hiệu quả mong muốn. Mượn rượu quên sầu càng sầu thêm, trốn chạy tới
đâu sầu đeo tới đó. Đấy là chưa nói nghiện bia rượu có thể là biểu
hiện của thái độ muốn vượt qua căng thẳng tâm lý,  muốn trốn chạy khỏi
cảnh đời không chịu nổi, điều này có thể dẫn đến thái độ ẩn trốn trong
hoang tưởng mà khoa tâm thần học gọi là “chứng hoang tưởng ảo giác,
một dạng của tâm thần phân liệt thuộc dạng paranoid” ( Bs Nguyễn Văn
Hường), nghĩa là phát khùng thật sự vì hành vi,  cảm xúc chẳng giống
người bình thường.
 
Nghịch cảnh từ môi trường sống hay  bệnh tật cơ thể là chuyện thường
tình, hầu như ai cũng vướng phải dưới nhiều hình thức, mức độ  khác
nhau, nếu ta không vượt qua được khó khăn nhất thời ta sẽ rơi vào tình
trạng căng thẳng kèm theo một loạt các phản ứng tiêu cực bao gồm lo
lắng khôn nguôi, giận dữ bất thường, mặc cảm tội lỗi, suy sụp tinh
thần, đau khổ triền miên, lo sợ thái quá và có thể dẫn đến các đau đớn
cơ thể khác như đau đầu, đau khớp, mệt mỏi, mất ngủ, viêm loét… , tức
những căn bệnh không do lây nhiễm hay chấn thương. Các diễn biến tâm
lý vừa nêu nếu kéo dài quá lâu cũng là các triệu chứng của bệnh tâm
thần mà từ chuyên môn gọi là rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, nghĩa
là một dạng của tâm thần phân liệt  cần được tâm lý trị liệu, một hình
thức trị liệu làm tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc nhưng không
phải nơi nào cũng có và  đáng tin cậy. Cách tốt nhất là nên phòng
bệnh, nhất là khi thấy bệnh tình chưa đến nổi nào, bằng cách tim hiểu
tiến trình hình thành các rối loạn đó và các giải pháp đã được áp dụng
để khắc phục..
 
Có rất  nhiều liệu pháp giúp ta buông bỏ nguyên nhân gây stress nhưng
ta chỉ tìm hiểu Liệu pháp tái cấu trúc nhận thức – hành vi ( Cognitive
behavioral therapy, gọi tắt CBT) và Liệu pháp thư giản bởi vì tương
đối dễ hiểu và dễ thực hành trong chừng mực nào đó.
 
A  Liệu pháp hợp lý hóa cảm xúc – hành vi
 
CBT  là cách chửa bệnh dựa vào ý thức của người bệnh khác hẳn  cách
chửa trị của Phân tâm học vốn dựa vào tâm lý vô thức. Đó là cách chửa
trị tâm bệnh bằng lời lẻ ( talking therapy), nghĩa là bằng sự giải
thích, thuyết phục các bác sĩ giúp người bệnh hiểu được nguyên nhân và
 hướng dẫn giải quyết các rối loạn cảm xúc, hành vi và nhận thức. Liệu
pháp này dựa trên các nghiên cứu về hành vi và nhận thức của con người
và có rất nhiều hình thức khác nhau như Nhận thức liệu pháp (
Cognitive therapy) của Bs Aaron Beck , Liệu pháp đa phương cách
(Multimodal therapy ) của Bs Arnold Lazarus và Liệu pháp hợp lý hóa
cảm xúc – hành vi ( Rational emotive behavioral therapy, gọi tắt REBT)
của Bs  Albert Ellis
  Nói chung các bác sĩ này đều cho rằng hầu hết các nhiễu loạn cảm xúc
và nhận thức đều do những suy nghĩ không hợp lý, những niềm tin sai
lệch hoặc những mong muốn thái quá  gây ra.  Theo họ, có mối quan hệ
nhân quả giữa thế giới bên ngoài, tác nhân kích thích, với cấu trúc
nhận thức – cảm xúc sẳn có hay hệ thống các niềm tin, mong muốn của cá
nhân, tức cái nếp nghĩ có từ trước dùng để “nhận diện và phiên dịch”
sự cố trước khi phát sinh tình cảm và hành động. Nói cách khác ta tiếp
nhận thế giới thông qua một cái khung nhận thức -xúc cảm sẳn có và do
đó khi bị căng thẳng thì cách ứng phó tốt nhất là điều chỉnh lại cái
khung đó, tức là điều chỉnh những nhận thức không hợp lý và thay thế
chúng bằng những ý nghĩ, niềm tin , mong muốn hợp lý hơn. Tuy cùng một
quan điểm nhưng cách chửa trị của mỗi người khác nhau, ta chỉ tìm hiểu
REBT của Albert Ellis vì tương đối dễ hiểu và có thể áp dụng cho bản
thân trong chừng mực nào đó.
Tiền đề giả định của REBT ( nguồn Wikipedia)
REBT dựa trên nguyên tắc cơ bản là con người ít khi bị tác động vào
cảm xúc bởi chính sự vật bên ngoài ( bệnh tật cơ thể cũng là một sự cố
bên ngoài ý thức cá nhân) nhưng thường bị “tác động bởi tri giác, thái
độ, hay ý nghĩa đã nội tại hóa của chính mính về sự vật hay tình huống
đó”. Nói cách khác  tiền đề cơ bản của REBT là cho rằng con người,
trong đa số trường hợp, không phải chỉ buồn phiền do nghịch cảnh mà
còn do cái cách mà họ nhìn thực tế xuyên qua ngôn ngữ, sự đánh giá,
các ý nghĩa và triết lý của chính họ và người khác về thế giới. Nghĩa
là chính ta hay do ảnh hưởng bối cảnh văn hóa xã hội nào đó, đã tự làm
khổ, làm khó mình. Và quan điểm này dựa vào triết lý khắc kỷ thời
thượng cỗ, theo đó “ con người không khổ vì sự vật mà vì quan điểm của
chính mình về sự vật” ( Epictetus). Nếu  buông bỏ được các quan điểm
đó là có thể có cuộc sống an lành và đó cũng là cách làm của REBT.
Trong REBT khách hàng thường học tập và áp dụng tiền đề này  bằng cách
tìm hiểu quá trình gán ghép các ý nghĩa vào sự vật trong một tiến
trình ba giai đoạn A-B-C và từ đó học cách thay đổi tâm ý cho phù hợp.
A là nghich cảnh ( Adversity) hay sự kiện tác động ( Activating event)
đã tham gia vào việc gây nhiễu loạn hay lệch lạc cảm xúc - hành vi,
vốn được coi là hậu quả C ( Consequences) của A, nhưng A không đến với
ta như sự kiện thô sơ, đơn lẻ mà được gắn kết với ý tưởng hay tâm
tưởng B ( Beliefs) nào đó về A, và như vậy A vừa  là một tình huống
của cuộc sống ( như bị mất việc, mất người thân, bệnh tật…) vừa là một
ý tưởng hay một khát vọng thầm kín có liên quan đến một sự việc khác
thuộc về quá khứ, hiện tại hay mộng ước tương lai. Theo REBT, khi tâm
tưởng hay sự đánh giá của cá nhân ( tức B beliefs) về A (nghịch cảnh
gặp phải) quá cứng ngắt , tuyệt đối và khác thường thì dường như C hậu
quả (cảm xúc, hành vi), trở thành tự dằn vật và tai hại. Trái lại, nếu
sự đánh giá đó trong tâm tưởng  B là có lựa chọn, cân nhắc,  tích cực
thì dường như (hậu quả C) cảm xúc và hành vi trở nên tự chủ và tích
cực.
Như vậy nếu hiểu được rằng sự đánh giá của B  tâm tưởng thường dựa
trên các quan điểm phi lý, phi thực tiễn hoặc ý nghĩ tự hành hạ mình
(self-defeating meanings), những giải thích và giả định trong tuyệt
vọng (interpretations and assumtions in upset), ta có thể học cách
nhận diện ra chúng và bắt đầu giai đoạn D, đặt lại vấn đề, tranh luận,
từ bỏ, thách thức, nhất là phân biệt được tâm tưởng sai lệch với tâm ý
lành mạnh, và quyết chí hướng về tâm ý, hành vi có tính xây dựng hơn,
có lợi cho việc tự cứu bản thân hơn. Công việc trị liệu theo REBT là
một tiến trình hướng dẫn bệnh nhận diện được những tâm tưởng phi lý,
phi thực, kế đó là hướng dẫn họ tranh luận, tra vấn, xét lại chúng qua
một số phương pháp và bài tập về B tâm tưởng, yếu tố then chốt đã gây
bệnh hoạn ( như tự chỉ trích, tự thán, suy sụp tinh thần và lo lắng,
chần chừ thụ động, nghiện ngập và lẩn trốn)…nhất là cho con bệnh thấy
rằng dù tình huống bất thuận lợi hay sự rủi ro nào xảy ra trong cuộc
sống, họ luôn có cách lựa chọn khác giúp cho cảm thấy an lành, mạnh
khỏe và sự buồn đau, phiền muộn, chán nản, tuyệt vọng, tự thương cảm
chỉ gây thêm nhiễu loạn và chấn thương tâm lý mà thôi.
Tâm tưởng gây nhiễu
Nói cách khác, nghịch cảnh dù trớ trêu hay thê thảm mấy cũng không
phải là nguyên nhân gây rối loạn hành vi, cảm xúc và dẫn đến bệnh tâm
thần, chính tâm tưởng hay quan điểm sẳn có về ý nghĩa cuộc sông mới là
tác nhân. Và điều cần buông bỏ chính là những tâm tưởng lệch lạc chứ
không phải sự vật hay cuộc sống nhưng bản chất của tâm tưởng đó là gì,
làm sao phân biệt được trong các hình thức hỷ, nộ, ai, lạc, cái nào
gây hại? Quả thật là rất khó, hình như trong các tâm tưởng gây hại có
bóng dáng của chủ nghĩa hoàn hảo, muốn đặt bản thân vào đỉnh cao của
sự thành đạt.  Bs Ellis thử gợi ra ba loại tâm tưởng hay triết lý sống
then chốt thường gây khó chịu cho người bệnh khi họ nghĩ rằng:
1. “Trong bất cứ hoàn cảnh cụ thể và tình huống thực tế nào tôi tuyệt
đối… PHÀI là người hoàn thành tốt công việc ( hay hoàn thành vượt mức)
và đạt được sự tán dương ( hay sự yêu kính hoàn toàn) của người chung
quanh. Nếu tôi không có được sự kính nể quan trọng - và thiêng liêng
đó – thì quả thật là đáng sợ và tôi chỉ là người vô tích sự, bất xứng,
một người có thể sẽ luôn thất bại và đáng phải chịu đau khổ.”
Khi đối diện với nghịch cảnh nếu cứ khư khư giữ lấy tâm tưởng này thì
cá nhân sẽ có những cảm nhận như lo lắng, sợ hải, suy sụp, và cảm thấy
mình là vô tích sự.
2. “ Những người mà tôi có quan hệ hay cộng tác PHẢI luôn luôn và
trong mọi điều kiện đối xử với tôi một cách tử tế, trung thực và thành
khẩn. Nếu không được như thế thì quả là khủng khiếp và họ là kẻ xấu,
vô tích sự, luôn tìm cách hãm hại tôi, họ không đáng được sống tốt và
đáng bị trừng phạt vì đã khiếm nhã với tôi”.
Nếu cứ khư khư giữ lấy tâm tưởng này khi đối diện với nghịch cảnh thì
cá nhân dễ cảm thấy bực bội, câm tức và hận thù.
3. “ Các điều kiện và bối cảnh sinh sống của tôi PHẢI  luôn thuận lợi,
an toàn, thoải mái, sung sướng, nếu không như thế thì thật là đáng sợ
và khủng khiếp và tôi không thể chấp nhận như vậy, tôi không thể vui
sướng gì cả. Cuộc sống tôi không thể có và chẳng đáng sống.”
 Nếu cứ tâm tưởng như thế này cá nhân sẽ bị ức chế vì không thoải mái,
cố chấp, tự thán, bực bội, suy sụp và có những hành vi như chần chừ ,
tránh né và thụ động.
(1.) và (2.) liên quan đến yêu sách về vị thế của cá nhân trong xã hội
hay về công danh, sự nghiệp. (3.) liên quan đến những mất mát như bị
mất việc, mất tài sản, mất người thân…nghĩa là bối cảnh và điều kiện
sống bị khiếm khuyết. Có thể nói trong cuộc sống những khát vọng loại
đó ai cũng có và là yếu tố cần để giúp phấn đấu, tranh đấu nhưng khi
khát vọng trở thành yêu sách tuyệt đối, yêu cầu bức thiết, nghĩa là
buộc PHẢI ( MUST)  thay vì Nên ( Should) hay Phải theo nghĩa ‘Have to’
thì nó trở thành tác nhân gây tai hại. Và điều ta cần buông bỏ không
phải là các khát vọng mà chính là cái cách ta đeo đuổi khát vọng bất
chấp mọi tình huống và thức tế khách quan.
Tâm lý sảng khoái
Như vậy theo REBT tâm lý sảng khoái và sức khỏe tâm thần phần lớn là
hậu quả của mực độ tự giác, linh động và cách suy nghĩ, cảm xúc, hành
động có logich và thực tề hay không.. Điều này không có nghĩa là những
người ‘lành lặn’ không bao giờ phải đối diện với nghịch cảnh, chưa bao
giờ có cảm xúc tiêu cực nhưng REBT chỉ khuyên hãy cố giảm thiểu các
cảm xúc không lành mạnh, làm suy yếu và các hành vi làm khổ, làm khó
bản thân ở mức tối thiểu. Nói chúng REBT khuyên:
1. Phải chấp nhận bản thân, chấp nhận người khác với ưu khuyết điểm
hãn hữu và chấp nhận cuộc sống ta đang có ( tất nhiên chấp nhận chỉ là
thái độ tinh thần không  chối bỏ, chứ không phải là thái độ tiêu cực,
không cầu tiến).
2. Chấp nhận rằng nhân sinh luôn có thiếu sót và có thể thất bại, rằng
cách tốt nhất là phải chấp nhận bản thân và cả nhân loại nhưng cùng
lúc nên xa lánh một số hành vi và vài đặc thù của .ta và của họ. Rằng
cách tốt nhất là đừng nên đánh giá, so sánh bản thân và đời mình và từ
bỏ khái niệm vừa hẹp hòi vừa hoàng tráng nhưng rất tai hại là tự mang
cho mình cái trọng trách làm cho thế giới tốt đẹp hơn, đạt thành tích
cao nhất. Đó một phần là vì toàn thể loài người đang tiến triển và còn
rất lâu mới đến mức hoàn thiện, loài người vừa đấu tranh vừa trợ giúp
bản thân và xã hội và cả hai phía đều có những thuộc tính và đường nét
có lợi hay bất lợi trong một sô thời điểm và điệu kiện nào đó.
3. Mọi người nên chấp nhận cuộc sống với những phức tạp và khó khăn
nhất định, nghĩa là cuộc sống không bao giờ như ý và trong khi cố thay
đổi những gì ta có thể thay đổi, ta cố sống thoải mái trong chừng mực
nào đó với những gì ta không thể thay đổi.
Những lời khuyên nói trên bất quá cũng chỉ là sự nhắc nhở một số
nguyên tắc cần theo để sống vui, sống khỏe, ai cũng biết nhưng ít
người thực hiện được, không phải vì họ không cố gắng nhưng vì con
nguời “ khó mà chạy theo những ý nghĩ của mình, chúng nhanh hơn ngựa
đua, cũng khó mà kềm giữ lòng mình, vì đầy ham muốn, dục vọng, nó nhảy
nhót không ngừng như loài khỉ” ( Nguyễn Khắc Viện).  Nói cách khác, dù
có hiểu được tâm tưởng nào cần buông bỏ và thay thế ta cũng khó tự
mình làm được. Lý do là vì cảm xúc không chỉ diễn ra trong ý thức mà
còn tạo những chấn động, những vết hằn trên cơ thể nữa. Cảm xúc chỉ là
bề nổi của tảng băng, ta khó dịch chuyển nó nếu không quan tâm đến
phần nền tảng bên dưới, nhưng bằng cách nào? Bằng liệu pháp thư giản.
( còn tiếp)


No comments: