Saturday, April 23, 2022

BẾN BỜ TỰ DO

 ___________________________

THAI NC

Thái Lan 1979...Kỷ niệm một đêm vượt biên.
Ghe chúng tôi có tất cả là 22 người, gồm 2 phụ nữ, 8 trẻ em và 12 người còn lại là đàn ông thanh niên trong đó có tôi, khởi hành từ Rạch Giá, ven theo vịnh Thái Lan dự định trong 2 hay 3 ngày sẽ băng qua Cam Bốt và cặp bờ biển Thái…nhưng đã đến ngày thứ 10 rồi mà vẫn còn loanh quanh trong vùng vịnh, tứ bề chỉ nước và nước. Ghe đã chết máy, hết dầu, hết nước, hết thức ăn. Chúng tôi thả nổi ghe trôi dạt giữa biển khơi, phó mặc cho số mệnh .
Giữa lúc đang tuyệt vọng nằm chờ chết thì cứu tinh xuất hiện. Một tàu đánh cá Thaí Lan rất lớn tấp lại. Họ tiếp nước uống và thức ăn cứu sống cả bọn. Trên tàu Thái Lan, một thanh niên nói tiếng Anh khá sành sỏi. Hắn tự giới thiệu là sinh viên ở BangKok, nhưng đánh cá là nghề truyền thống của gia đình. Cha hắn là thuyền trưởng chiếc tầu đánh cá tối tân và hiện đại này. Đang dịp nghỉ học, hắn về thăm nhà và nhân tiện theo tàu của cha ra biển học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp của gia đình.
Sau khi đã tỉnh táo phục hồi sức khoẻ phần nào, chúng tôi nhờ hắn kéo vào bờ. Hắn lắc đầu từ chối nói không được. Thái Lan lúc đó đang bị làn sóng người tỵ nạn Việt Nam làm điên đầu vì phải cưu mang. Chính quyền Thái ra thông báo nếu gặp tầu vượt biên Việt Nam, vì lý do nhân đạo, có thể cứu, tiếp tế thực phẩm, xăng dầu cho họ …đi tiếp qua Mã Lai, hay Nam Dương Indonesia, những nước khác. Tuyệt đối không được cứu mang vô đất liền Thái. Vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Thuyền trưởng này không dám kéo chúng tôi vô là vì vậy.
Nhưng chúng tôi cứ nằn nì cầu khẩn mãi, thuyền trưởng Thái nghĩ ra một cách :
Ông bằng lòng kéo chúng tôi khoảng một tiếng thì đã thấy xa xa núi non đất Thái trùng điệp ẩn hiện. Chắc khoảng chừng vài cây số nữa là tới, nhưng họ dừng lại. Thuyền trưởng cho thợ máy xuống châm dầu nhớt, sửa chữa cho ghe chúng tôi máy nổ trở lại, xong xuôi ông ta từ giả và nói rằng.:
-Đợi trời gần tối mở máy cho ghe vô gần tới bờ, nhưng đừng tới gần bờ quá, lấy búa đục lủng thuyền cho nước tràn vào chìm luôn, xong rồi mọi người cùng bơi vào bờ. Như vậy thì chính quyền Thái không còn lý do gì đẩy chúng tôi ra khơi vì ghe đã chìm xuống biển rồi. Ông dặn dò kỷ lưỡng cũng đừng vào trong nhiều quá ghe mắc cạn trên bãi không chìm được thì chính quyền Thái sẽ sửa giùm, cho nước uống, lương thực, và…tống chúng tôi ra biển trở lại.
Trời chạng vạng tối chúng tôi bắt đầu hành động. Khi đã đến nơi mực nước khoảng chừng chỉ 2 mét và thấy đất liền rõ ràng trước mặt, chúng tôi đồng ý đục thủng thuyền cho chìm. Lúc này mới sinh ra vấn đề. Hầu hết trên ghe đều là dân Sàigòn vượt biên và…không biết bơi. Thôi thì cũng được, ai không biết bơi thì nắm cái thùng dầu hay miếng ván nào đó cũng có thể cầm cự đạp tới bờ, nhưng còn sáu đứa con nít mới là vấn đề nan giải. Bàn qua tính lại thì năm đứa kia có mấy người khác trên ghe biết bơi nhận cõng một đứa trên cổ. Còn đứa cuối cùng vẫn chưa ai nhận. Thiệt tình thì ai cũng đuối lắm rồi. Đây là vấn đề sống chết. Mỗi người tự lo cho mình còn chưa biết số mạng ra sao, làm sao có thể đèo bồng thêm một người nữa! Con bé này khoảng 2, 3 tuổi nhỏ xíu. Cuối cùng thì tôi là thằng ngu, ỷ mình cũng biết bơi nên nhận cõng con bé.
Mọi người đều xuống nước sẵn sàng. Ai có ván cầm ván, ai có thùng nắm thùng... người tài công dùng búa bổ chỉ mấy nhát là tấm ván ở đáy bong ra dễ dàng. Chiếc ghe chìm dần xuống biển.
Giờ phút sống chết là đây. Ghe đã chìm, không còn đường lui, chỉ có giải đất trước mặt. Bến bờ tự do chỉ khoảng một trăm thước nữa mà thôi.
Tôi cõng con bé trên vai nên nó bao giờ cũng ở trên mặt nước. Mới bắt đầu thì không thấy gì, nhưng chỉ chục cái khoát tay đã bắt đầu thấm. Mọi người ai cũng bị sóng biển đánh dạt mỗi người một nơi. Mạng ai nấy giữ. Bây giờ có ai đuối sức chìm bên cạnh cũng đành chịu, không ai có thể cứu được ai. Lúc này trời bắt đầu tối, bên trong bờ đã lấp lánh ánh đèn nên chúng tôi cứ nhắm ánh đèn mà tới. Tự do đang ở trong tầm tay, cố lên… cố lên…
Nhưng tôi đã mệt và bắt đầu hối hận đã nhận cõng con bé này. Lúc nãy tôi tự nhắm sức bơi của mình và nghĩ rằng có thể vào bờ dễ dàng nên không cần miếng ván nào cả. Chỗ này cũng không sâu lắm nếu không bơi được chắc cũng có thể từ từ đi vào. Nhưng tôi đã tính lầm. Tôi tính là tính sức bơi trong mấy cái hồ tắm ở SàiGòn. Còn đây là biển cả mông lung, sóng biển đong đưa khó lường. Mình bơi hai mét, sóng lại kéo mình về… một mét rưởi. Chân thả lỏng thấy chạm đáy nhưng toàn là đá ngầm sắc bén đã cắt chân tôi đau thấu xương. Tôi nghe có tiếng khóc la của ai đó chắc là cũng bị đá cắt chân. Không thể đi được. Phải bơi mà thôi!
Đang cố gắng đập nước, con bé trên vai tôi không biết tại sao lại buông tay ra không ôm cổ nữa làm tôi hoảng hồn, phải vội vàng dùng một tay giữ nó lại chứ không nó tuột đi mất. Thành ra tôi còn lại có một tay.
Mới chút tôi đã cảm thấy mình không chịu được nữa. Con bé trên vai ốm tong mà sao nặng chình chịch. Trời ơi, có lý nào mười ngày trên biển đói khát chập chùng không sao, bây giờ thấy bờ tự do trước mắt lại chết lãng xẹt vậy sao?
Nhưng tôi biết nếu cứ như vậy cả tôi lẫn nó sẽ chìm mà thôi.
Không được. Tôi đâu có thể chết dễ dàng như vậy? Tôi còn có cha mẹ, anh chị em đang trông ngóng tin tức từng ngày từng giờ. Nếu mà định mệnh cay nghiệt bắt tôi phải buông tay giữ con bé ra thì…cũng đành mà thôi. Tôi đã hết sức rồi. Một mình tôi còn có hy vọng sống còn. Tôi khấn thầm “Trời Phật Ông Bà có linh thiêng xin hãy thông cảm. Con đã hết sức rồi. Con phải lo cho mạng sống của con thôi!”
Và giữa lúc tôi sắp sửa buông con bé ra để có thể tự bơi cả hai tay vào bờ thì …không biết có ai phù hộ mà nó bỗng nhiên như mới ngủ dậy, quàng cả hai tay qua cổ tôi ôm cứng .
Tôi mừng quá, như có ai tiếp sức, bỗng nhiên cảm thấy thiệt khoẻ mạnh và đạp nước bơi luôn một mạch vào bờ.
***
Những tháng ngày trong trại tỵ nạn, anh P. ba của bé Khuê tôi cõng hôm đó nhờ có thân nhân ở nước ngoài gởi tiền tiếp tế nên gia đình sống rất thoải mái và đầy đủ. Anh luôn luôn rủ tôi tới nhà ăn nhậu để cám ơn.
Dĩ nhiên anh không biết là đã có lúc chỉ một chút xíu nữa thôi, anh có thể đã mất một đứa con, và ngay người đang cụng ly với anh cũng có thể đã không còn
Chỉ vài tích tắc thôi, mọi sự có thể khác đi một cách khốc liệt không ai ngờ.
Cô bé Khuê năm xưa nay cũng xấp xỉ ngoài 40. Một nơi nào đó trên xứ Úc Đại Lợi xa xôi kia chắc cô không có chút ký ức nào về buổi chiều vượt biển đó cả.
Nhưng tôi thì làm sao quên được!
./.
ThaiNC
May be an image of 6 people and ocean


No comments: