Sunday, April 10, 2022

Tôi Và Những Khổ Hình

 ____________________

TRẦN BANG THẠCH






Cuối cùng thì tôi biết mình phải làm gì. Tôi phải ra đi. Chỉ có việc rời khỏi căn nhà nầy là tôi sẽ không còn nghe những tiếng khóc rấm rức từ trong lòng ngực của mọi người. Nhất là không phải thấy những ánh mắt.
Ánh mắt mờ mịt như ướt đẫm sương mù của mẹ tôi đâu đó nơi góc nhà bếp, hay đâu đó nơi mái hiên sau nhà. Trong mỗi căn phòng kín cửa của mỗi người, tôi vẫn thấy ánh mắt mỏi mệt đượm vẽ âu lo của ba bà chị cả goá bụa cằn cỗi của tôi. Cô em gái út thì bên cạnh tôi đây, đang nắm chặt tay tôi như sợ tôi biến mất, nó không nói lời nào, chỉ có khóc âm thầm và cứ hướng mắt nhìn tôi. Còn ba tôi thì đang ngồi thẳng lưng như một pho tượng, không một tiếng động, không có cả một tiếng thở, nhưng tia mắt thì thấu suốt sắt gỗ gạch ngói đá cát cây cảnh từ gian phòng khách ra tới đường phố bên ngoài. Tất cả mọi người đang nhìn tôi kìa. Cả nhà như chỉ thấy tôi là vật duy nhất trong căn nhà rộng thênh thang nầy để mà nhìn. Những bàn, những ghế, những TV, tủ lạnh, radio, cassette đã biến mất hết rồi sao? Tôi có phải là Từ Hải đâu mà phải chịu đứng trời trồng như vậy? Mẹ tôi đó, bà đã khóc với tôi hằng mấy tháng nay rồi. Ba tôi đó, cũng mấy tháng nay, ông đã pha trộn những ấm ức với biết bao là nước mắt để nuốt vào ngực mình. Ông đã đè nén bao nhiêu là tức giận để không nói với tôi một lời nào, tôi biết chắc là như vậy. Ngày xưa, lúc ở quê nhà, con bé tí xíu là tôi cứ thấy trước mắt mình hết chị hai rồi chị ba đến chị tư đứng khoanh tay trước ngực hàng giờ để nghe ba tôi ngồi trên tràng kỹ dạy Gia huấn ca. Phận con gái ở cùng cha mẹ, lòng phải chăm học khéo học khôn. Một mai xuất giá hồi môn, phận bồ liễu gía trong như ngọc. Khéo là khéo bánh trong bánh lọc. Thời đó đã qua rồi, nhưng ba tôi đâu có dễ gì mà để cho các cô con gái của ông quên học Gia huấn ca. Học thì học mà chắc gì ai cũng thuộc. Ba người chị của tôi thì tôi biết chắc khi về nhà chồng chẳng giá trong như ngọc như ngà gì hết. Có lẽ vì vậy mà ba tôi không muốn tôi đi theo con đường đục ngầu của ba người chị. Mà cũng có thể vì con đường chồng con sau nầy của đứa em gái út của tôi. Chắc ông không muốn cô gái út cũng bỏ ngoài tai Gia huấn ca như các chị. Ông không muốn nó bắt chước tôi mà có một người chồng không thể nào chấp nhận được, theo ông. Tôi biết nỗi khổ của mọi người về tôi. Mỗi người có một nỗi khổ riêng về tôi. Tôi, một vật thể từ bao nhiêu năm trầm mình dưới đáy vực, trùm phủ từng từng lớp lớp rêu phong. Tôi, một trái phá có ngòi nổ chậm hằng mấy mươi năm. Tôi, một trái tim đã ngủ vùi suốt mấy mươi mùa đông chưa một lần thức dậy để thấy mùa xuân rực rỡ cỏ hoa và những cánh én bay lượn trên vòm trời trong như ngọc. Mắt tôi đã mù quá lâu để không hề thấy lá vàng thu đậu khẽ trên vai mấy tượng đá sau nhà. Lòng tôi phải chăng đã tàn tạ khô héo để không thấy nắng hè rực rỡ trên những đôi vai trần trên biển ấm. Đâu có ai ngờ tôi bỗng nhiên là cơn địa chấn, là trận phong ba, là cơn thác lũ. Mọi người, không trừ một ai trong căn nhà nầy chỉ có thể chống lại tôi bằng ánh mắt và bằng tiếng khóc. Còn những cái nhìn thương hại thì tôi thấy trên ánh mắt của hàng trăm đồng nghiệp của tôi trong cái cao ốc nằm giữa khu Medical Plaza có quá nhiều áo blouse trắng lúc nào cũng vào ra tất bật giữa những tường vôi trắng tẩm mùi ê-te nầy. Hơn mười năm tôi đã xem đây là nhà. Tôi đã tán mỏng đời tôi trên những gương mặt ung thư trắng bệt thiếu máu ốm o gầy mòn. Có người khóc không phải vì chống báng tôi, mà khóc vì thông cảm hoàn cảnh của tôi. Như mẹ tôi, chẳng hạn. Hay như em gái út của tôi. Hai người đàn bà, một gìa gần bảy mươi, một trẻ quá hai mươi, chắc chắn phải thấy tôi đã không còn trẻ để mà chọn lựa người chồng theo ý mọi người trong nhà. Còn tôi nữa, chắc gì tôi có thể chọn được người chồng? Lại là người chồng theo ý mình? Mỗi người chỉ có một lần tuổi trẻ, phải không? Vậy mà tôi đã bỏ trôi tuổi trẻ của tôi để chạy theo giòng chảy của cuộc đời. Thật ra thì tôi có biết tuổi trẻ là gì đâu. Tôi chỉ biết sống như con mọt sách. Tôi đã thâu đêm suốt sáng nơi bàn học. Mưa giông hay tuyết giá tôi đã tất bật leo lên những chuyến mêtrô sớm nhất để có mặt nơi giảng đường, nơi phòng thí nghiệm, rồi uể oải lên chuyến mêtrô cuối ngày trở về căn chung cư tiếp tục ngồi vào bàn học. Một bóng. Một mình. Cứ như vậy mà tôi không biết tới tuổi trẻ của tôi. Tệ hơn nữa, tôi đã quên trên đời nầy còn có cái gọi là ái tình. Hình như có những lúc nào đó nhìn thân thể mình trước gương trong bồn tắm thấy có điều khang khác, tôi đã mơ hồ nghe tiếng lá lao xao ngoài khung cửa sổ. Có những lần nghe tiếng còi tàu khắc khoải giữa đêm, tôi thấy hình như mình đang chờ một bước chân ai đang tiến lần đến khung cửa khép. Hình như tôi có nghe chút rạo rực len lén đi qua hồn khi tình cờ thấy một bộ ngực đầy lông, bắp thịt cuộn vồng phơi trần trên cát ướt . Có bao nhiêu lần một mình trong thang máy với một người đàn ông giữa đêm khuya thanh vắng là bấy nhiêu lần tôi thấy mình như chết ngộp. Và hình như có lúc tôi khắc, tôi tạc, tôi vẽ cho mình một dáng hình đàn ông mập mờ trong trí tưởng. Những cái hình như như vậy rồi cũng qua mau, để tôi không còn nhớ gì hết. Tôi cũng đã quên tôi, người thiếu nữ đang chực chờ hay là đang tiến vào cuộc đời của một thiếu phu nửa chừng xuân. Điều nầy thì càng ngày càng thấy rõ khi những nếp nhăn bỗng một sớm một chiều có mặt trên trán, trên hai đuôi mắt và trên khóe môi, đến nỗi tôi phải bắt đầu làm quen với Lancôme hay Apogée để che bớt vết hằn năm tháng. Tôi thấy ngượng nghịu khi phải xưng em với vài đồng nghiệp. Họ thì gọi tôi bằng chị thật là tự nhiên. Có những sinh viên nội trú còn gọi tôi là cô ra cái điều lễ phép. Và điều tôi thấy rõ nhất là mình chẳng có người tình nào từ khi sực nghĩ tới tình yêu, từ những ngày mới bước qua tuổi ba mươi. Những đồng nghiệp của tôi, hằng ngàn hằng vạn người đàn bà như tôi trên trái đất nầy cứ tha hồ mà đào với kép, mà anh với em, mà tình với tự. Có ai như tôi đã phải chờ cho đến bây giờ. Tôi đã chờ cho đến bây giờ. Không phải. Ánh mắt ấy đã chờ cho đến bây giờ mới xuất hiện. Tôi biết chắc, không phải bây giờ mà đã lâu rồi tôi nhận biết đâu đó quanh tôi có một ánh mắt đang nhìn mình. Người xưa đã nghe tiếng hát trên dòng trường giang để tơ tưởng một bóng dáng người tình. Còn tôi, mỗi ngày một bông hồng trên bàn làm việc để cho tôi tưởng nghĩ đến một bàn tay thật gần, một ánh mắt không ở đâu xa. Những khi tôi phải rời xa thành phố đi dự những hội thảo y học thì ánh mắt ấy dường như cũng ở gần, tôi có cảm tưởng như vậy khi mỗi ngày vẫn nhận một đóa hồng nhung. Mỗi ngày một chút, rồi lần lần những bông hồng đã đánh thức tuổi trẻ tôi, đã vực tôi dậy để trở lại làm người thiếu nữ đang xuân. Tôi nghe tiếng chim hót vui. Tôi thấy mình đang có những bước nhởn nhơ trên đường đời. Tôi đã biết yêu bốn mùa xuân hạ thu đông đầy hoa thơm bướm la. Cũng như chuyện xưa, giòng trường giang sao chẳng đưa con thuyền của nhà nghệ sĩ trôi về tận non ngàn bể thẳm, mà ghé làm chi bến bờ định mạng để nước mắt ai làm tan vở chén quỳnh. Chuyện của tôi hôm nay phải chăng cũng là định mạng? Tôi bắt gặp làm chi con người có đôi mắt ấy. Biết đâu sự gặp gỡ đã nhuốm màu quan san? Tôi không phải là người có kinh nghiệm trên tình trường, nhưng với chàng thì cuộc tình nầy tôi biết sẽ gặp nhiều cam go. Quả thật điều tệ hại nhất bắt đầu sau hơn một năm tôi có chàng, đúng hơn là khi chúng tôi trở về sau một tháng nghỉ hè tại vùng biển Cape Coast trên quê hương Ghana của chàng. Suốt một tháng trời tôi ngao du, hình như cả nhà tôi đã chuẫn bị một trận đánh lớn, chỉ chờ tôi khăn áo trở về là phát pháo ra quân. Điều nầy thì tôi không ngạc nhiên chút nào hết. Nhiều tháng trước, tại nhà tôi, Jeremiah đã được tôi giới thiệu như là người bạn trai rất thân của tôi, từng là bệnh nhân được tôi thay thận vài năm trước, là người chuyên viên sửa thang máy trong bịnh viện nơi tôi làm việc, là người cha ly dị vợ, đang sống với 2 con tuổi teen. Tôi cũng biết, và chắc ai cũng biết, với ngần nầy lý lịch thì chàng của tôi chắc khó mà một lần trở lại, nếu không cần nhắc màu da như đồng đen của chàng. Ba bà chị thì mắng tôi như tát nước ngay sau khi chàng tới nhà lần đầu. Mẹ tôi bắt đầu khóc hoài từ đó. Em gái tôi thì năn nỉ tôi đủ điều. Ba tôi còn tệ hại hơn: ông bắt đầu cấm khẩu, mỗi ngày cứ ngồi thẳng lưng trên ghế sofa nơi phòng khách, mắt như có nhiều tia máu bắn thẳng ra cánh cửa suốt ngày đóng kín. Những chống đối nầy tôi biết phải có. Những người thân của tôi sống ở đây mới vài năm thì làm sao họ chấp nhận được tình yêu lạ đời như vậy. Ba má tôi lại là những nhà giáo gần trọn đời gắn với ngôi trường tiểu học trong làng, tư tưởng, ý nghĩ đã thành sạn, thành nếp. Lễ nghĩa trí tín. Công dung ngôn hạnh. Tứ đức tam tùng. Chuyện tình của ba bà chị tôi đã làm ba mẹ tôi quá buồn khổ, nay lại tới chuyện của tôi. Tôi thương ba mẹ tôi, mà tôi cũng rất tha thiết với mối tình nầy. Phải làm sao? Làm sao bây giờ? Nhiều lúc tôi tự hỏi mình. Trong vòng tay rắn chắc đen mun của Jeremiah tôi càng thấy mình u mê. Dưới những tia nhìn của chàng tôi đã không còn là tôi của phần đời trước; và tôi không muốn nhìn phần đời sau. Tôi đang hạnh phúc hay tôi đang đau khổ, tôi không biết. Tôi nhắm mắt lầm lũi đi trên con đường tình chông gai hiểm trở nầy. Những khi mở mắt tôi thấy trong ngôi nhà ấm cúng của gia đình tôi từ mấy năm nay sao giờ đây có quá nhiều nước mắt. Tình yêu của tôi sao giống như những vết đâm vết chém mà tôi cứ ngửa mặt gồng mình chịu đựng một cách tài tình. Tôi lăn lộn, gào khóc mà nào có thoát ra được đâu. Nhưng tôi biết có một lúc nào đó tôi sẽ thoát. Phải thoát. Không biết bằng cách nào. Tôi ra khỏi nhà mà không biết mình sẽ đi đâu. Cánh cửa đóng lại. Tôi biết phía sau cánh cửa có quá nhiều những ánh mắt buồn ngó theo. Và những giòng lệ.
 Trần Bang Thạch

No comments: