Sunday, July 10, 2022

CHỐN THIÊN ĐƯỜNG TUỔI THƠ

______________________________

 TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM


See the source image




          Buổi chiều cuối năm Âm lịch tại đất Mỹ thật buồn. Mùa đông đã đến từ lâu, nhưng ở miền nam California này, trời vẫn nắng nóng. Ðã hơn hai mươi năm xa xứ, anh thèm cái không khí se lạnh của cơn gió bấc vào những ngày sắp Tết. Quyện vào đó, mùi trầm hương, mùi mâm cỗ của những những ngày cúng giỗ trong gia đình, mùi thơm của khói pháo  vào dịp Tết âm lịch cổ truyền.  Ðối với Thanh,  nay chỉ còn là kỷ niệm trong ký ức của anh.

Thanh mở cửa khi có tiếng chuông reo. Người phát thư tươi cười trao cho anh một gói lớn, có đóng dấu Bưu chính Việt nam:

- Xin ông ký nhận gói bưu kiện này...

Ðoạn cô phát thư nói thêm:

- Quà của mẹ ông gửi phải không? Ông là người hạnh phúc lắm đấy nhé!

Anh nhìn cô phát thư mỉm cười đáp:

- Cám ơn cô. Đúng ! Mẹ tôi gởi quà từ Việt nam cho tôi đó!

Ðây không phải lần đầu cô gái tỏ ra có thiện cảm với Thanh. Người bưu tín viên gốc di dân Cuba này đã bỏ nước ra đi từ lâu, và chưa  lần nào về  thăm bà con, gia đình, cũng chưa có dịp trở lại thăm quê   cũ. Có lẽ vì thế, cô cũng thèm  tình quê hương ấm áp như anh chăng?    

Khi Thanh mở gói bưu kiện ra, thì không phải là món quà của mẹ như anh đã nói đùa với cô bưu tín viên, mà là một quyển sách lớn, kèm theo lá thư do ngườì em ở Việt nam gởi sang. Ðó là một quyển sách dày, khổ rộng, bìa cứng, màu đỏ đậm, in hai chữ “ Gia Phả”   màu vàng. Những trang bên trong được in  trên giấy dày. Ngoài phần trình bày một sơ đồ tóm lược tên của ông bà, cha mẹ, con cháu trong bảy đời, còn có phần chi tiết tiểu sử thành viên gia đình trong những đời đó. 

Trong phần mở đầu quyển Gia Phả, Thanh đọc thấy phần giới thiệu lai lịch của dòng họ:

Qua hai cuộc chiến tranh 1945-1954 và 1954- 1975, họ hàng chết nhiều vì chiến cuộc, một số thân thuộc không muốn trở về quê cũ sinh sống, đã trôi giạt khắp nơi. Một số bà con gần như không biết nơi ông bà đã sinh ra và lập nghiệp đầu tiên.

Ðể bổ túc việc thiếu sót đó, quyển Gia Phả này được ghi chép lại bằng tiếng Việt, tiểu sử dòng họ, bắt đầu từ lúc lập nghiệp đến đời thứ bảy. Các đời sau, sẽ bổ túc tiếp theo...

Theo truyền khẩu của ông bà lưu lại, không rõ năm nào, có một chiếc thuyền dong ruổi từ Bắc vào Nam và đã  ghé vào đầm Nước Ngọt, thuộc làng Hưng Lạc, Tổng Hòa Lạc...để đánh cá sinh sống. Trên thuyền có ba cha con: người  cha đã già và hai con trai đã lớn. Một ngày kia, người cha qua đời. Hai người con vào Hội đồng Làng khai báo và xin chức dịch làng cho phép chôn cất. Chức dịch đã chỉ định miếng đất tại bìa rừng để họ chôn người cha già bất hạnh. Khi hai anh em khiêng quan tài người cha xấu số đến vườn Cây Sung, bỗng gặp một cụ  già râu tóc bạc phơ, dáng vẻ tiêu phong đạo cốt. Cụ đã ngăn lại và khuyên bảo:

 - Hai cậu không nên khiêng đi đâu cả. Hãy chôn cha  ngay tại đây!

Nói xong cụ già biến mất. Hai người thanh niên vâng lời, liền đào huyệt chôn cha già tại đó. Ngày nay, nơi vườn Cây Sung  vẫn còn mộ tổ dòng họ chúng ta.

 Từ ngày chôn cha xong, hai anh em thuyền chài mồ côi ấy vẫn sống cuộc đời nghèo khổ trên chiếc thuyền cũ.  Họ tiếp tục nghề đánh cá dọc theo bờ đầm Nước Ngọt. Một thời gian sau, người em từ giã anh, vào Nam sinh sống 




Ðến năm 1930, người cháu bốn đời của người em năm xưa tìm về làng Hưng Lạc. Rồi   lập gia phả bằng chữ Nho, làm heo cúng tổ tiên. Người cháu ấy, lúc bấy giờ đang sinh sống tại tỉnh Sadec, đã làm ăn giàu có. Từ lâu ông cố dò la tông tích của dòng họ để tìm về thăm viếng và cúng kiến Tổ tiên tại nhà Từ Ðường. Còn dòng chính của người anh lo buôn bán làm ăn, trở nên giàu có, con cháu về sau thi đỗ làm quan, làm rạng danh cho cả dòng họ...   


Thanh xếp lại quyển Gia Phả. Bỗng dưng ba chữ “Nhà Từ Ðường” gợi lại trong lòng anh một cảm giác êm đềm thời thơ ấu. Suốt mười lăm năm của quãng đời niên thiếu, anh đã sống ở đó, đã chứng kiến bao thịnh suy biến đổi của đại gia đình theo thăng trầm của thời cuộc... 


****


Ngôi nhà từ đường của dòng họ anh, thật sự đã được xây cất năm nào, anh không rõ. Nó đã hiện diện trong cuộc sống của anh từ bé, thuở chưa cắp sách đến trường. Ðó là một ngôi nhà được xây cất không xa ngôi mộ tổ ở vườn Cây Sung cho lắm; kiến trúc theo lối cổ: ba gian hai chái, mái cao, lợp tranh dày, trông thật bề thế; có hàng dừa rợp bóng che quanh. Ngôi nhà ngự trị trên vùng đất rộng, trông như một ốc đảo, bao quanh bởi  cánh đồng nước mặn, chen lẫn đồng ruộng muối trắng xóa mênh mông. Trước khi vào nhà, ở hàng hiên, khách thấy có những bộ ván gõ, thật dày, thật nặng, nhẵn bóng theo thời gian. Trong nhà, có những chiếc trường kỷ bằng gụ, chạm trổ hoa lá công phu. Hai bên tường, trên lối dẫn vào gian nhà chính để thờ phượng, có hai bức phù điêu ghi khắc những sự tích  xưa, dựa theo chuyện cổ bên Tàu...




Nhà thờ chính gồm ba gian: trung, tả và hữu. Gian giữa có bàn  thờ ông cố của Thanh, có bức hình thật lớn vẽ một vị quan mặc phẩm phục triều đình màu trắng, dáng vẻ uy nghi nhưng nét mặt hiền từ. Hai bên bức hình có dựng hai chiếc lọng đã bạc màu, một chiếc quạt lông ngỗng màu trắng, thật lớn, có cán dài;  một chóe sứ cổ xưa, phủ  men trắng, trang trí những  hình vẽ màu xanh nhạt; và đẹp nhất là một thanh kiếm dài, cán nạm bạc, được  chạm trổ tinh vi...

Gian hữu có bàn thờ ông  nội của Thanh. Trên bàn thờ có bức hình của một vị quan mặc phẩm phục, râu dài, mắt sáng quắc, ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành, đàng sau có lính lệ đứng hầu. Ðó là hình chụp đã cũ của vị quan Tri Huyện đã treo ấn từ quan. Cạnh bức hình là một chóe sứ hơi nhỏ màu xanh nhạt...Phía trên trần nhà có treo một chiếc quạt  lớn bằng vải dày và cứng, có những tua vải có đính kim tuyến óng ánh, và thêm một sợi dây dài  để kéo chiếc quạt vận hành mỗi khi trời nóng bức...   

 Gian tả là bàn thờ các  vị tiên tổ thuộc chi nhánh khác trong dòng họ....Trên  tất cả các bàn thờ đều có những bộ chân đèn, lư trầm hương, những con hạc... bằng đồng sáng loáng,vì mỗi năm hai lần được lau chùi, đánh bóng kỹ lưỡng trước những ngày Giỗ Hiệp của  giòng họ.  


Cho đến nay, những kỷ niệm về hai ngày giỗ quan trọng ấy vẫn không  phai mờ trong trí nhớ của Thanh.  Trước ngày giỗ, bà con đề cử người về nhà Từ Ðường để phụ giúp việc làm heo, làm gà...và nấu nướng. Tiếng heo kêu eng éc, mùi chiên xào nấu nướng, mùi nhang khói, lẫn với tiếng trẻ con reo hò tranh nhau giành chiếc bong bóng heo... đã khiến cho nhà từ đường sinh động, náo nhiệt bởi bầu không khí đặc biệt của ngày lễ hội. Trước ngày Giỗ Hiệp chính thức, tất cả bà con thân tộc của đại gia đình cư trú trong huyện đều tề tựu về nhà Từ Ðường làm lễ tiên thường, một hình thức tiên khởi để đón rước Ông Bà Tổ Tiên. 

Ðến ngày chính kỵ, các bậc trưởng lão mặc áo thụng xanh, theo thứ tự đẳng cấp gia đình, vòng tay xếp hàng hai bên  gian thờ. Một vị bô lão đọc bảng văn tế bằng chữ Hán, giọng ngân nga trầm bổng. Vị trưởng tộc cũng mặc áo thụng, qùy lạy trước mỗi bàn thờ tổ tiên, theo nhịp diệu trầm bổng  của lời xướng trong Văn tế... Sau đó, tất cả bà con trong dòng họ, theo thứ bậc đều qùy lạy. Nghi lễ xong, thức ăn được dọn xuống, bày mâm cỗ trên những bộ ván gõ, và phân chia các mâm cỗ theo từng nhóm: các thành viên lớn tuổi, các phụ nữ lớn tuổi, con cháu... Ðiểm đặc biệt trong những bữa ăn cỗ này là tinh thần hiếu khách của mọi người trong đại gia đình: người ta gắp thức ăn mời  nhau, trước khi gắp cho mình; người ta gói ghém thức ăn còn nguyên vẹn để biếu cho những bà con vắng mặt trong ngày Giỗ Hiệp của họ hàng.

 

Cuộc sống thường nhật của đại gia đình anh trong ngôi nhà từ đường ấy thật trầm lắng nhưng thật ấm cúng. Bốn gia đình của giòng  trưởng tộc cùng xây cất nhà cạnh ngôi nhà từ đường, cùng góp sức canh tác vài mẫu ruộng  hương hỏa, lấy lợi tức dùng trong mọi chi phí cúng giỗ cho dòng họ. Cho nên, ngoài ba con bò để cày bừa ruộng hương hỏa, hai con heo, một ao cá  để cúng giỗ hàng năm...thì việc sinh sống của mỗi gia đình đều hoàn toàn tự túc. 

Cũng như hầu hết người dân Miền Trung thời kháng chiến chống Pháp 1945-1954, gia đình Thanh cũng có một cuộc sống thật  cần cù, mộc mạc... trong cái xã hội đơn giản, gần như bán khai thời bấy giờ. Trong xã hội đặc thù ấy, người ta phân công làm việc theo khả năng và sức khỏe. Cha  của anh lo dệt vải để bán cho nhà nước, mẹ anh và các em của anh phụ giúp những công đoạn chế biến nguyên vật liệu, trước khi đưa lên khung cửi dệt thành vải. Lúc bấy giờ, Thanh đã trở thành một thiếu niên mạnh khỏe, phụ giúp  người chú  trong việc cày bừa canh tác những miếng ruộng hương hỏa, để nhận một phần lúa thóc cho gia đình.  Về thực phẩm tiêu dùng hàng ngày, ngoài việc mẹ anh chăm sóc đàn gà để lấy trứng  và thịt dùng trong dịp Tết Nguyên đán, hàng ngày, anh và người em kế đi câu cá, bắt cua ở các đám ruộng muối, hoặc ở mé đầm, mé biển... Cho nên, trong cuộc sống đơn giản ấy, người ta ít dùng tiền, ít có nhu cầu về tiền...Do đó, những nhu cầu vật chất xa xỉ, những đua đòi vật chất cá nhân... hoàn toàn vắng bóng. Trong môi trường đó, nếp gia phong truyền thống, dựa trên lễ giáo Khổng Mạnh đã tạo nên tinh thần đoàn kết, gắn bó và thương yêu nhau trong gia đình của Thanh.  


Quãng đời niên thiếu của Thanh trôi nhanh theo ngày tháng tại ngôi nhà Từ Ðường ấy. Học hết những năm tiểu học tại trường làng, anh phải đi ở trọ tại nhà một người bà con tại huyện để theo học ban Trung học. Mẹ anh nhờ người chú đánh bắt những con cá lớn trong ao nhà, và kho nấu lên để Thanh mang theo làm thực phẩm trong thời gian trọ học. Hôm ra đi, Thanh tìm đến nhà cô bạn gái để nói lời tạm biệt, trước khi chia tay...

Đó là người bạn gái từ thuở ấu thơ của anh. Cô láng giềng  bé nhỏ ấy đã có thật nhiều kỷ niệm với Thanh, từ lúc hai người còn ấu thơ, còn tranh giành với anh chiếc bong bóng heo trong những ngày giỗ của gia đình anh, chỉ để làm bóng đá...Có lần hai đứa trẻ rủ nhau đi câu cá trong ao sau nhà. Ðó là một vũng ao sâu có nhiều cá,  cây cối um tùm.   Mãi nhìn theo con mồi đang giật phao lia lịa, cậu bé Thanh bị té ngã xuống nước, và vì không biết lội, nên cậu bé bị chìm dần xuống đáy ao. Cô bạn nhỏ cuống cuồng bỏ chạy vào nhà kêu cứu. Khi Thanh tỉnh dậy, anh thấy mẹ đang xoa bóp cứu cấp. Trong đám người lớn lố nhố vây quanh vẻ mặt  đầy lo âu, cậu  thấy một cặp mắt  mở to lạc thần vì lo sợ, và khuôn mặt tái nhợt của cô bé. 

Lần đầu tiên,  anh rời ngôi nhà Từ đường thân yêu đó là những ngày tháng sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết. Anh cùng gia đình di cư ra Huế, bốn năm sau đó, di chuyển vào Sài gòn. Trong cuộc sống mới văn minh, với nhiều tiện nghi  vật chất, nhiều  phương tiện giải trí tinh thần, và được trở lại mái học đường, Thanh vẫn thấy vấn vương  trong lòng  cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng trước đây tại quê nhà. Ðôi khi lạc lõng giữa phố phường đông đúc, sang trọng, anh có cảm giác như “chú Mán về thành”, thường hay nhớ đến miền sơn cước quê hương, nhớ cuộc sống trong bộ lạc sơ khai, nhưng đầy tình cảm mộc mạc. Thanh bỗng nhớ lại cảm giác của mình trong ngày tháng đầu tiên từ miền quê ra Huế. Một lần anh một lần đi lạc, bèn nhờ một cô gái chỉ  đường. Cô gái nhìn anh từ đầu đến chân, như lần đầu nhìn thấy một chú Mán ngờ nghệch:

-  Anh mới hồi cư về Huế hỉ ? 

Thanh bị người con gái xa lạ tò mò hỏi về đời tư, cảm giác như bị  coi thường, nhưng không dám phản ứng. Quả thật cô ta nhận xét đúng, vì anh và gia đình mới từ khu kháng chiến hồi cư về đây. Hơn nữa, giọng nói, ngôn từ của một người gốc miền Nam Trung bộ như anh đã cho cô ta một nhận xét chính xác. Sau này, khi ở hải ngoại, có dịp xem lại phim “Dundee Cá Sấu”, anh mới thấm thía cảm giác đó. Anh chàng Dundee đang sống một cuộc đời bình thản, sung sướng tại vùng rừng núi Úc đại lợi. Hàng ngày anh ta săn bắt cá bằng cây chĩa nhọn, nấu nướng bằng củi lửa ngoài trời. Anh ta yêu người nghèo khó và sẵn sàng can thiệp để bênh vực những kẻ yếu thế đơn côi. 

Tuy nhiên, khi nhận lời mời của một nữ phóng viên qua Mỹ thăm New York,  anh ta cảm thấy không thoải mái trong sinh hoạt hằng ngày nơi đây; người ta nhìn anh với đôi mắt tò mò kỳ dị khi anh ta bỡ ngỡ, bước giật lùi  trong chiếc thang máy  cuốn; hoặc người ta xem anh như  một người rừng, khi  anh hiện diện trong buổi khiêu vũ, buổi tiệc tùng sang trạng ở nhà hàng...Nếu không vì tình yêu với người nữ phóng viên, một cô gái Mỹ xinh đẹp đã cùng sống bên anh trong những ngày du lịch ở vùng rừng núi Úc đại lợi, đã thông cảm và thương yêu anh, thì có lẽ anh chàng Dundee Cá Sấu đã trở về  Úc, trở về cuộc sống hoang sơ,  mộc mạc của anh! 


Đối với Thanh, hơn hai mươi năm sống xa quê hương,   anh chưa có dịp trở lại ngôi Từ đường dòng họ của anh. Sau khi từ Mỹ trở về thăm mẹ già, người em kế đã tổ chức chuyến về miền Trung bằng xe hơi để khánh thành nhà Từ đường mới vừa xây cất xong tại làng quê xưa. Sau ngày đất nước thay ngôi đổi chủ, ngôi Từ đường của dòng họ bị chính quyền giải tỏa để mở rộng khu ruộng muối quốc doanh...Gần đây, theo đề nghị của các bậc trưởng lão của gia tộc, bà con trong và ngoàì nước đã đóng góp tiền bạc, công sức... để xây dựng nhà Từ đường mới tại khu vườn Cây Sung, thay thế ngôi Từ đường cũ đã mất. 

Khi đoàn xe về đến đầu làng, bà con trong họ tại địa phương đã tụ tập tại nhà Từ đường mới đón chào. Ngôi nhà này vừa mới  xây cất xong, cũng có ba gian hai chái như ngôi Từ đường đã mất. Nhưng, còn đâu mái tranh xưa cũ,  mát rượi khi trưa hè nắng gắt; còn đâu những bộ ván gõ thật dày, nhẵn bóng với thời gian; còn đâu những chiếc trường kỷ gỗ gụ chạm trổ công phu, khiến khách hoài cổ càng thêm luyến tiếc?...

Thanh bước xuống xe, trong lòng dâng lên niềm cảm xúc lẫn ngạc nhiên. Ðã gần nửa thế kỷ qua, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, biết bao nhiêu cảnh vật đổi thay, khiến Thanh không nhận ra khung cảnh quen thuộc chốn quê xưa . Ngày nay đã có đường xe hơi, khác với ngày xưa chỉ có con đường đất dẫn vào làng...Tuy nhiên hôm nay Thanh vẫn thấy những nông phu mình trần, đầu đội nón lá, vai vác cày, đang thúc đôi bò chậm rãi bước đi. Anh vẫn thấy những người đàn bà lam lũ chân  đi đất, vai quằn dưới gánh cá tươi, còn ướt đẫm nước biển, hấp tấp bước nhanh trên đường đến chợ...Lớp người xưa cùng thời với Thanh, nay chẳng còn bao nhiêu...Nhìn ra bãi biển phía trước, hàng cây phi lao vẫn rì rào, vi vu trong gió, sóng biển vẫn nhấp nhô uốn lượn, reo vui dưới ánh mặt trời ! 

Vạn vật vẫn bất biến, chỉ có con người chóng thay đổi theo thời gian... Cũng tại vườn Cây Sung này, hơn hai trăm năm về trước, hai con trai ông Tổ dòng họ của Thanh đã  chôn cất người cha vắn số. Con cháu của họ, một số lớn đã sống quần tụ nơi đây, đoàn kết với nhau trong một  đại gia đình, ra sức buôn bán làm lụng  để con cái học hành đỗ đạt, tạo nên một dòng họ được kể là gia thế vọng tộc thời bấy giờ... 

Sau buổi cúng giỗ  tại ngôi nhà Từ đường mới khánh thành, đoàn người đi tảo mộ, viếng thăm nơi chôn cất những người đã khuất trong dòng họ. Từ mộ tổ đến mộ những vị hậu duệ...tất cả đều gần nhau, trong khu vườn Cây Sung này. Có lẽ lúc sinh tiền mọi người trong dòng họ đều sống quần tụ với nhau, nên khi tiễn đưa họ qua bên kia thế giới, con cháu cũng muốn duy trì truyền thống tốt đẹp ấy  chăng ?  

Trên đường trở về, khi đoàn xe đi qua khu ruộng muối, Thanh nhờ người em chỉ nơi chốn cũ của ngôi Từ đường đã mất. Người em trai của anh ngậm ngùi đáp:

- Anh Hai à, nhà Từ đường cùng với khu vườn dừa chung quanh đã bị san phẳng từ lâu rồi, không lưu lại vết tích! Có lẽ  ở trong khu này, phía  bên tay phải mình đó!



Thanh nhìn xa xa. Giữa khoảng trời nước mênh mông, những ruộng muối trắng xóa chen lẫn  hàng cây đước xanh rì, anh chẳng nhận ra dấu vết quen thuộc của ngôi nhà thân yêu ngày xưa. Ngôi Từ đường đã mất, đem theo cả chốn thiên đường tuổi thơ của anh. Anh ngẩn ngơ trong giây lát. Ðã bao năm qua, khi còn sống trong nước cũng như khi đã ra hải ngoại, những kỷ niệm xưa thỉnh thoảng vẫn sống dậy, giục giã anh tìm về nơi xuất phát dòng họ của mình. Nay anh đã trở  về đây, trở về chốn thiên đường tuổi thơ, thì nó đã vĩnh viễn ra đi ! Anh như sống trong mơ, một giấc mơ ngậm ngùi buồn thảm! 

Khi đoàn xe bắt đầu ra khỏi làng, thì trời đã về chiều. Màn sương mỏng từ mặt nước bốc lên, bao trùm lên cánh đồng ruộng muối mênh mông. Trên trời cao, đàn cò trắng đang tung cánh bay về tổ. Quang cảnh buổi chiều miền quê thật  im ắng và thật buồn. Thanh dõi mắt nhìn lần cuối nơi chốn quen thuộc thời niên thiếu. Trong sương mờ, anh như còn thấy thấp thoáng nơi chốn thiên đường thời ấu thơ của mình những kỷ niệm đẹp ngày xưa cũ... Nay thì tất cả đã mất, vĩnh viễn mất đi. 

Lịch sử con người luôn thay đổi. Lịch sử dòng họ của Thanh cũng đã chuyển sang trang mới. Và anh ước nguyện, cũng như những trang nối tiếp trong quyển Gia Phả, nếp gia phong đạo hạnh của giòng họ cũng sẽ tiếp tục thể hiện nơi các con cháu, mãi mãi về sau...

    Tam Bách Đinh Bá Tâm

No comments: