Thursday, July 7, 2022

XUÂN BẤT TÁI LAI

______________________________ 

Tam Bách Đinh Bá Tâm

Luxembourg-Gardens-20127

Buổi sáng hôm ấy tôi thức giấc hơi muộn, sau những ngày đi du ngoạn ở Ý và Pháp, thăm viếng hai thành phố Roma và Paris. Hai tuần lễ quay cuồng theo một thời khoá biểu bận rộn từ sáng đến chiều, hối hả theo sát đoàn du lịch. Các giác quan trong cơ thể căng thẳng tối đa. Tai lắng nghe tour-guide giới thiệu lịch sử nơi thăm viếng; mắt tìm những cảnh đẹp để thu hình vào ống kính; chân rảo bước theo lá cờ hướng dẫn của đoàn để khỏi bị lạc giữa rừng du khách; tay phải chụp ảnh; tay trái giữ chặt chiếc ví ở túi quần để không bị móc ví. 

Hai chữ pick pocket xuất hiện khắp nơi trên các bảng cảnh báo khắp nơi. Tại Vatican (Ý): từ Nguyện đường Sistine (nơi lưu giữ hai bức danh hoạ “ Sáng Thế ký” và “Sự Phán xét cuối cùng” của Michel Angelo); Vuơng cung Thánh đường Peter (nơi thiêng liêng nhất của Vatican); đến Viện  Bảo tàng Vatican của Thánh địa La mã…

Tại Rome: từ Đấu trường La Mã; di tích cổ thành La Mã; đài tưởng niệm Vitto Emmanuel II; Giếng phun Trevi, Ngôi đền Pantheon hai ngàn tuổi của đế chế La Mã; đến Quảng trường Plaza Di Spagna của Rome. 

Tại Pisa, từ Tháp nghiêng Pisa; Nhà thờ Duomo II; cầu Tình yêu Ponte Vecchio; đến quảng trường Signoria ở Florence (miền trung nước Ý). Tại Venice, từ quảng trường và nhà thờ thánh Marco; đến xưởng thủy tinh cổ truyền Murano -nơi đây người thợ dùng ống thổi thủy tinh nóng chảy ra sản phẩm với nhiều hình dáng và màu sắc rất mỹ thuật.

Khi đến Paris, những biển cảnh báo về nạn móc túi xuất hiện nhiều hơn nữa...Từ viện Bảo tàng Louvre – trưng bày các kiệt tác của các danh hoạ nổi tiếng trên giới; nhà thờ Đức Bà Paris; tháp Eiffel nổi danh thế giới; đến lâu đài cổ kính Versailles… 

Đoàn du lịch chúng tôi gồm ba mươi người, thuộc hai thế hệ. Hai anh em chúng tôi thuộc thế hệ lão thành, đã có một thời nhìn thấy lá cờ tam tài phất phới tại các thành phố do Pháp cai trị trước năm 1954. Cho nên hôm nay thấy lại lá cờ xanh trắng đỏ năm xưa, bao nhiêu kỷ niệm thuở ấu thơ bỗng sống lại trong lòng. 

Bởi mối hoài cảm về một nước Pháp đẹp đẽ lãng mạn và cũng muốn biểu tỏ cảm tình với người dân bản xứ, nên trong bữa ăn tối tại một nhà hàng ở Paris, hai anh em chúng tôi cùng hát lại một vài câu ngắn bản quốc ca Pháp, La Marseillaise:

Allons enfants de la Patrie,

Le jour de gloire est arrivé!

Contre nous de la tyrannie,

L'étendard sanglant est levé!  

           ………………………………………… Tiếng hát của anh em “lão niên”chúng tôi dĩ nhiên không mạnh mẽ bằng giọng ca hùng tráng của tác giả Rouget de Lisle, một binh sĩ trẻ, đồng thời là một nghệ sĩ vĩ cầm, sáng tác bài ca Marseillaise vào đêm 25 tháng 4 năm 1792 tại một quán rượu ở Strasbourg của Pháp. Tuy nhiên cũng đủ để nhân viên phục vụ người Pháp trong nhà hàng vỗ tay thích thú, biểu tỏ cảm tình với đoàn du lịch.

Tuy nhiên, trong vài lần tiếp xúc với những người Pháp ở các quán bình dân khác, tôi vẫn thấy thấp thoáng vài nét kém thân thiện; nhất là khi chúng tôi nói tiếng Anh – ngôn ngữ của quốc gia đã từng đánh đuổi quân Đức Quốc Xã ra khỏi đất nước họ, nhưng họ vẫn không có thiện cảm với người dân đất nước ấy. Hai mẩu chuyện sau đây phản ánh nhận xét chúng tôi về sự thiếu thiện cảm của người Pháp đối với người Mỹ…có lẽ không sai!  

1-Vào thập niên 1960’s Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle muốn lấy lòng CS nên đã đơn phương quyết định rút ra khỏi Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương    ( NATO ). Ông ta nói với Ngoại trưởng Dean Rusk của Tổng Thống Kennedy : "Tôi muốn Quân Đội Hoa Kỳ phải rút ra khỏi nước Pháp càng sớm càng tốt." Ngoại Trưởng Rusk nhìn thẳng vào Tổng Thống De Gaulle từ tốn hỏi : "Thưa Tổng Thống! lệnh này có bao gồm cả các quân nhân Hoa Kỳ từng được chôn cất tại đây hay không?"

2- Cụ già người Mỹ 84 tuổi , Robert Whiting tới Paris bằng phi cơ. Tại văn phòng Sở Di Trú phi trường, vì già cả chậm lụt, nên cụ phải mất thời gian lục tìm sổ thông hành trong xách tay. Nhân viên sở Di trú Pháp mất kiên nhẫn, xẳng giọng nói với cụ: “ Thưa Ông, Có bao giờ ông đến nước Pháp chưa?” Cụ Whiting khai là có đến nước Pháp nhưng đã lâu lắm rồi… -Vậy ông có biết ông cần phải sẵn sàng xuất trình Sổ Thông Hành (Passport) không?
Cụ già Hoa Kỳ trả lời : “Trước đây khi tôi đến Pháp tôi chẳng xuất trình Sổ Thông Hành gì cả!
Nhân viên Di Trú nổi nóng : " Ông nói chuyện vô lý! Người Mỹ bao giờ cũng phải xuất trình Sổ Thông Hành  khi đến nước Pháp”
Cụ Whiting đưa mắt nhìn nhân viên Di Trú thật lâu rồi nhẹ nhàng đáp:

-Thật vậy sao? Trước đây chúng tôi đã đổ bộ lên bãi biển OMAHA nước Pháp trong ngày D. Day năm 1944 để giải phóng nước Pháp thoát khỏi sự thống trị của Đức Quốc Xã. Khi ấy tôi không tìm thấy một người Pháp nào ở đó để trình sổ thông hành cả, thưa ông!  

cid:EB4FF8C6-F687-48C7-962F-4344BA574666 Thuở thiếu thời, qua văn chương sách vở, tôi đã từng mơ ước được đến một thành phố Paris đẹp đẽ, lãng mạn, sung túc và văn minh. Nhưng hôm nay, tôi đã đến đây, giữa chốn phồn hoa còn lưu lại trong ký ức, tôi chỉ thấy đường sá chật hẹp, xe bốn bánh chen chúc với xe hai bánh, xe hơi chen lấn cả với khách bộ hành đi qua đường, kèn xe vang inh ỏi. Nhiều con đường lát đá cũ kỹ, gập ghềnh.

Vào những buổi chiều khi đi tản bộ trên những con đường đông đúc giữa thành phố Paris,  tôi đã bắt gặp những gia đình nheo nhóc vợ con đang ngồi trên hè phố, với chiếc lon xin tiền đặt trước mặt. Khách bộ hành với áo quần sang trọng, dáng vẻ thanh lịch, đã  dửng dưng tránh né những kẻ vô gia cư bất hạnh này. Nhìn ánh mắt van xin tuyệt vọng của những người vô gia cư ấy, tôi thấy đau lòng. Tôi thầm nghĩ: chính quyền của quốc gia này, vì lòng nhân đạo, đã mở cửa đón nhận họ, liệu có kế  hoạch gì giúp đỡ họ trong cảnh bần hàn tuyệt vọng này chăng?

Một lần đi dạo phố Paris, bỗng nhiên cần tiểu tiện, tôi phải ghé một quán nhỏ ở lề đường, mua một ly cà phê để vào một cầu tiêu bên trong quán, giải quyết nhu cầu cấp thiết ấy. Các quán cà phê vĩa hè ở Paris, nơi chúng tôi ghé qua, không khác ở Việt nam trước năm 1975. Đặc biệt có những bộ bàn ghế bằng mây đan đẹp mắt ; và dưới lòng đường trước quán, san sát những chiếc xe gắn máy giống như ở Việt Nam. 

Thành phố Paris mà tôi đã đọc trong sách vở, là chốn sang trọng lịch lãm, là thủ đô của ánh sáng văn minh. Nhiều người đã mơ ước đến thăm viếng Paris, và nếu không đến được là cả một sự “thiếu sót trầm trọng” trong đời! Tuy nhiên tôi đã nhìn thấy Paris, đi trên đường phố Paris trong tuần lễ thăm viếng, chỉ là nơi tràn đầy niềm hãnh tiến về sự sang giàu trong quá khứ.  Và nếu những kiến trúc vĩ đại, những tác phẩm hội họa, điêu khắc quý giá của Paris đã từng được bảo quản kỹ cà trong mấy mươi thế kỷ qua, thì nay cũng chẳng đem lại lợi ích thiết thực gì cho người dân hiện tại.  Bởi  hàng ngày họ phải sống chật vật với giá nhu yếu phẩm tăng cao;  với đường sá chật hẹp; với trộm cắp móc túi;  với cảnh thiếu nơi đậu xe và thiếu cả sự an toàn công cộng.     

Tuy nhiên, vào ngày cuối của chuyến du lịch hai tuần lễ, tình cờ tôi được hướng dẫn đi thăm “ nơi tĩnh lặng của thành phố náo nhiệt Paris”, nhãn quan của tôi đã thay đổi. Sáng hôm ấy, được tin chúng tôi đang ở Paris, người em vợ đã lái xe từ Đức, chạy suốt đêm hơn 5 tiếng đồng hồ đến thăm vợ chồng tôi. Mọi người đến ăn trưa tại tiệm ăn ở quận 13 của một người Hoa. Người này từng ở Chợ Lớn và đã di cư từ thập niên 1980’ đến Los Angeles, rồi sang Paris. Sau đó cậu em lái xe đưa chúng tôi đến thăm vườn Luxembourg giữa thành phố Paris (Le Jardin de Luxembourg – Paris). 

Hơn năm mươi năm trước, hai chữ Luxembourg (Lục Xâm Bảo) đã từng chinh phục tôi trong truyện ngắn của Anatole France, khi tôi còn là một học sinh trung học ở Việt nam. Đó là bài La Rentrée, với những lời văn tiếng Pháp nhẹ nhàng óng mượt như những câu thơ không vần:

LA RENTRÉE  

WP_20170707_10_24_51_Pro Je vais vous dire ce que me rappellent tous les ans, le ciel agité de l’automne et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent.

Je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais ; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues.

Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et son sac sur le dos, s’en va à l'école en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le voit ; car ce petit bonhomme est une ombre : c’est l’ombre du moi que  j’étais, il y a vingt-cinq ans…  

Tạm dịch:  NGÀY KHAI TRƯỜNG: 

Tôi sẽ kể  điều khiến tôi nhớ lại  hàng năm, khi trời vào thu với  những chiếc lá úa vàng trên cành cây run rẩy… Tôi sẽ kể  điều  tôi đã  nhìn thấy khi  đi ngang qua Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, khi bầu trời hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết; bởi khi đó những chiếc lá rơi từng cánh trên đôi vai trắng ngần của những bức tượng đá…

Tôi sẽ  kể những điều tôi nhìn thấy khi đi qua khu vườn thời ấy, chính là hình ảnh cậu bé, tay ủ trong túi quần, túi đựng sách trên vai, đi đến trường với những bước nhảy nhót tung tăng chân sẻ. Ý tưởng này chỉ có tôi mới cảm thấy; bởi cậu bé ấy chỉ là chiếc bóng; chiếc bóng chính tôi lúc bấy giờ, của hai mươi lăm năm về trước…

  Cũng như cậu bé trong tự truyện của Anatole France, tôi đã đến và gặp lại vườn Luxembourg vốn từng nằm trong tâm tưởng của tôi hơn năm mươi năm trước. Nhưng hôm nay, không phải vào lúc trời sang thu hơi buồn, với những chiếc lá vàng run rẩy trên cành cây, mà là buổi trưa mùa hạ, với nắng vàng óng mượt như giải lụa vàng, phủ xuống khu vườn đầy bóng mát của cây lá xanh tươi. See the source image

Tôi đã đi trên con đường trải đá cuội tròn trĩnh, cạnh những những bức tượng đá trắng muốt của các danh nhân, trong đó có tượng của hoàng hậu Marie de Médicis, sở hữu chủ dinh thự Petit Luxembourg trong khu công viên này từ năm 1612. Nơi đây, tiếng ồn ào náo nhiệt của đường phố Paris như dừng lại bên ngoài dãy rào sắt màu vàng lấp lánh kiêu sa. Tất cả chỉ còn lại bên trong khu vườn là một không gian tĩnh lặng, dành cho những cặp tình nhân trẻ tay trong tay đi dạo dưới tàng cây đầy bóng mát. Có những cụ già đang ngồi trên những chiếc ghế cạnh lối đi. Có những sinh viên đang miệt mài đọc sách. Và nơi đây, có những du khách đang say sưa đưa vào ống kính những công trình nghệ thật trong khu vườn đẹp đẽ .


Hôm nay, tôi ngồi lên chiếc ghế đã mòn vì năm tháng dãi dầu mưa nắng.  Bởi có biết bao du khách đã đến ngồi nghỉ chân nơi đây. Có lẽ cũng nơi vườn Luxembourg nên thơ này mà một lần nhạc sĩ  Phạm Trọng Cầu nhớ đến đến người yêu qua bài thơ Mùa Thu Không Trở Lại

Em ra đi mùa thu,
Mùa thu không trở lại,
Lá úa khóc người đi,
Sương mờ dâng lên mi…   Ngày em đi,
Nghe chơi vơi não nề,
Qua vườn Luxembourg,
Sương rơi che phố mờ,
Buồn này ai có mua? …….

Với tôi, có lẽ tâm trạng chẳng khác nhà thơ họ Phạm, khi đi qua vườn Luxembourg.   Tôi đã đến từ một nước Mỹ xa xôi bên kia  Đại Tây Dương, ngồi trên chiếc ghế của công viên danh tiếng này, dưới ánh nắng chan hoà trên cây lá. Trong tim tôi bỗng bừng dậy những kỷ niệm của một thuở hoa niên tươi đẹp, đã từng mơ ước được viếng thăm vườn Luxembourg! Thế mà khi đến đây, tôi bỗng thấy lòng rưng rưng tiếc nuối một thuở thanh xuân trong đời, nay đã vụt thoáng bay đi. Niềm luyến tiếc ấy có thể ví như nhà thơ họ Phạm mượn lá úa ngập tràn trong công viên để khóc người yêu đã ra đi.  Em ra đi , vẫn còn chút hy vọng ngày Em trở lại…Nhưng với tôi, xuân bất tái lai, liệu tuổi xuân của một thời hoa mộng  trong quá khứ sẽ trở lại chăng? Hay tất cả chỉ  là ảo mộng? Để hôm nay,  tôi cảm thấy “chơi vơi não nề” khi  đến ngồi trong  vườn Luxembourg , tự hỏi lòng: nỗi buồn này ai có hay chăng?

                                                                                                                   Tam Bách Đinh Bá Tâm                                                                                

 


No comments: