Wednesday, June 27, 2012

Thư gửi bạn ta

____________

Nguồn : Thời báo online

 Bùi Bảo Trúc

Ngày 18 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Người Mỹ có thể có sáng kiến dành ngày chủ nhật thứ ba của tháng Sáu để làm ngày của những người cha, Father's Day, nhưng điều đó không có nghĩa là người Mỹ thương cha của họ hơn chúng ta thương yêu các ông bố của chúng ta. 
Trái lại, có thể chúng ta thương yêu các ông bố nhiều hơn người Mỹ là đằng khác. 
Người Mỹ, chỉ có trong ngày chủ nhật thứ ba của tháng sáu, năm nay là ngày 17, mới dành ra để nhớ về người cha, nghĩ về người đàn ông cho chúng ta một nửa mầm sống, để các hãng bán thiệp, ca vát, eau de cologne, sơ mi... gia tăng được số bán, và ngày Father's Day ở Mỹ cũng chỉ có từ gần một trăm năm nay, và được tổng thống Mỹ ký một tuyên cáo nhìn nhận chính thức từ năm 1966 và cử hành mỗi năm từ năm 1971. 
Trong khi với chúng ta, ngày nào cũng là ngày của cha, và người cha được nhắc, một cách đầy lo sợ cũng như một cách đầy lăng mạ không biết bao nhiêu lần mỗi ngày. 


Nhắc nhiều như vậy thì người cha phải ở thường xuyên trong đầu chúng ta, ở chóp lưỡi, đầu môi của chúng ta mỗi giây mỗi phút trong những lúc thức tỉnh của chúng ta. Mà như thế, thì chúng ta tưởng nhớ, nghĩ về người cha của chúng ta cũng như của người khác nhiều hơn, thường hơn là người Mỹ, và có thể còn cả các dân tộc khác nữa mà chúng ta không biết tới mà thôi. 
Những câu hô thán bày tỏ ngạc nhiên hay lo sợ, e những chuyện không may xảy ra cho người cha, hay cho chính mình để không còn dịp chung sống với người cha là những câu chúng ta nghĩ, nói ra, thốt lên mỗi ngày không biết bao nhiêu lần. 
“Bỏ cha,” “bỏ bố,” “chết cha,” “thấy cha...” được dùng ở đầu những câu bày tỏ những lo lắng, ngạc nhiên như ở trên. 
“Bỏ cha, bỏ bố” là chết, không còn được ở với cha, với bố nữa. “Đánh bỏ bố nó đi” nghĩa là đánh cho nó chết, cho nó không còn được sống với bố nó nữa. Rõ ràng là một lời hăm dọa, cầu mong những bất hạnh lớn nhất xảy ra cho phía bên kia. 
“Chết cha” là mong cho thân sinh của phía bên kia chết, biến phía bên kia thành một đứa con côi cút khổ đau. Con có cha như nhà có nóc. Cầu mong cho cha đối phương chết là cầu mong cho nó bị toàn những bất hạnh giáng xuống. Trong trường hợp khác như khi nói “chết cha, stock lại xuống nữa rồi!” có nghĩa là lo sợ vì một việc không may, không tốt đẹp có thể xảy ra. 
“Thấy cha” là cha nó chết, làm cho nó khổ, cho nó bỏ mạng để nó xuống âm phủ gặp cha nó. 
Khi nói “đau thấy cha,” hay “đau thấy tía” thì có nghĩa là đau lắm, cha chết rồi, còn chạy xuống cõi âm gặp cha để than thở. “Sợ thấy cha” có nghĩa là sợ lắm. 
“Thấy cha mày nghe mày” là một câu hăm dọa, với một nửa câu được giấu đi, đáng lẽ phải nói đầy đủ là “Tao đánh cho mày thấy cha mày nghe mày”, nghĩa là đánh đau lắm, đến nỗi có thể bỏ mạng.
Nhiều khi, không vì lo lắng, người cha cũng được nhắc đến như trong câu hát: “...Chết cha, con ma nào đây, thằng Tây chết liền, thằn lằn cụt đuôi...” 
Người cha cũng thường được nhắc đến trong những trường hợp khác như khi nói câu “bố bảo cũng không dám làm”. Đây là một cách nói lên lòng tôn kính dành cho người cha, người chúng ta luôn luôn nghe lời, vâng lệnh. Việc phải khó lắm, nguy hiểm lắm người ta mới đành phải trái lời cha. Tuy trái lời, nhưng lòng tôn trọng vẫn còn. Trái lời là vì nguy hiểm hay đe dọa quá lớn mà thôi. 
Người Mỹ cũng không bao giờ có một trò chơi hào hứng bằng chúng ta. Bao nhiêu người trong chúng ta thoát khỏi nỗi khổ đau khi bị những tên bạn quái ác biết được tên bố và giờ ra chơi cứ lôi tên người đàn ông chúng ta yêu quí đó ra... nói nhẹ thôi khi đi qua mặt chúng ta? Chỉ ở Việt Nam mới có trò chơi độc ác làm cho bao nhiêu đứa trẻ đau khổ suốt mấy năm trời ở những năm tiểu học. 
Người Mỹ cũng không kiêng tên cha như chúng ta. 
Nhưng thế nào chẳng có người trong ngày Father's Day sẽ kiêng thứ nước uống còn có cái tên văn vẻ, chữ nghĩa là quốc đả phụ: nước đánh cha, tức là nước đá chanh. 
Kiêng tới độ không uống nước đá chanh thì chỉ có người Việt Nam mới có thể thương bố như vậy. 
Ngày Father's Day, tôi nhớ người đàn ông ngày tôi còn bé hay cạ râu vào má tôi, tập cho tôi đi xe đạp, chở tôi đi bằng xe đạp lên Bờ Hồ ăn kem, cho tôi đi học đàn và học vẽ, người đã dạy cho tôi yêu sách vở, chữ nghĩa, thơ văn, viết lách... người nhiều lần tôi cũng đã làm buồn lòng không ít, người tôi bế lần cuối hơn một chục năm trước ra xe cứu thương để vào bệnh viện, và cũng là người sáu chị em chúng tôi đặt tay vào cái contact điện để hỏa thiêu nhục thể. 
Vào những ngày như thế, tôi nhớ ông bố tôi vô cùng.

* * *

Ngày 19 tháng 6 năm 2012
Bạn ta, 
Tôi biết bọn cai tr? ở Hà Nội đang nhảy cẫng lên, khen nhau rối rít khi đọc bản tin nói rằng Việt Nam được xếp hạng nhì trên thế giới, nơi người dân có được đời sống hạnh phúc, sau có Costa Rica và trước Colombia, hai quốc gia ở Trung Mỹ trong bảng xếp hạng hơn 150 nước trên thế giới.
Bảng xếp hạng này do một tổ chức tên là quỹ Kinh Tế Mới (New Economics Foundation) một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu các lãnh vực kinh tế, xã hội và môi trường trụ sở đặt tại Anh quốc thực hiện. Có tất cả 151 quốc gia liệt kê trong bảng xếp hạng được công bố hôm 14 tháng 6 vừa qua. 
Bảng xếp hạng dựa trên mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái.
Một giới chức thuộc quỹ Kinh Tế Mới nói rằng một số nước có đời sống kinh tế cao nhưng lại gây ra nhiều tai hại về môi sinh nên bị đánh giá thấp, trong khi các nước Phi châu thì bị xếp hạng thấp hơn nữa vì tuổi thọ trung bình của người dân và đời sống kinh tế quá thấp ở đó.
Việt Nam được xếp hạng cao hơn nước Anh (thứ 41), Nhật (thứ 45), cao hơn cả Đức, Ý, Canada, Mỹ (thứ 105) và Nga (thứ 122). Việt Nam còn được xếp hạng cao hơn cả Malaysia, Singapore, Đại Hàn...
Như vậy, theo bảng xếp hạng, đời sống của người Việt hạnh phúc hơn, sung sướng hơn người dân của 149 nước khác, và chỉ thua có Costa Rica. 
Nói theo kiểu ngôn ngữ trong nước thì... hết biết.
Nếu cho rằng người dân Việt Nam hài lòng với cuộc sống thì không biết tại sao ở Việt Nam, ai cũng muốn ra khỏi cái đất nước khốn khổ ấy để đi ở chui tại Nga, Đông Âu, hay tìm mọi cách trốn ra các nước ngoài, đút lót tiền bạc để được đưa đi làm tôi mọi cho các nước bị xếp hạng ở dưới như Malaysia, Singapore, Đài Loan, Nhật...? Sống hạnh phúc, hài lòng với cuộc đời sao vẫn phải xếp hàng, thoát y cho những con thú đực đến xem đồ đạc để chúng mua về làm nô lệ tình dục cho những thứ đui, què, mẻ sứt ở Hoa Lục, Đài Loan, Nam Hàn?
Hài lòng ở đâu, chỉ thấy dân chúng xuống đường kiện đòi bồi thường cho đất đai bị cướp, phản đối công an cảnh sát đòi hối lộ, tác yêu tác quái, hành hung người dân đến thiệt mạng trong bao nhiêu vụ chết người trong tay bạo hành của công an cảnh sát? Hài lòng ở đâu khi mặc cái áo in mấy chữ nói lên chủ quyền của đất nước cũng đủ để bị bắt giam, bị đạp giày lên mặt, bị đưa đi phục hồi nhân phẩm, bị bịt miệng cấm nói như một linh mục khi bị đưa ra tòa, với hình ảnh chụp còn rành rành ra đó? Hài lòng ở đâu khi bọn cầm quyền trộm cướp thì nhà cửa rềnh rang, cấp nhỏ cũng xây nhà bạc tỉ, một cán bộ cấp trung bị trộm cũng mất hàng trăm ngàn tiền Mỹ giấu trong nhà trong khi người dân càng ngày càng cùng khốn?
Tuổi thọ của người dân cách nào cao hơn được tuổi thọ của người Nhật, của dân mấy nước Bắc Âu, Canada?
Dấu chân sinh thái của Việt Nam mà sạch sẽ hơn ở các nước Úc, Tân Tây Lan, và luôn cả Singapore thuộc Á châu sao?
Cậu Saman Abdallah giải thích vòng vo về bảng xếp hạng đó. Càng nghe cậu càng không hiểu lối đánh giá của tổ chức New Economics Foundation.
Sao không hỏi chính phủ Đan Mạch nghĩ sao về Việt Nam khi quyết định ngưng một chương trình viện trợ cho Việt Nam hồi tháng trước? Sao không đọc phúc trình về nhân quyền ở Việt Nam của bộ Ngoại Giao Mỹ vừa phổ biến để biết người Việt Nam hài lòng đến mức độ nào về đời sống?
Chứ ngồi ở Luân Đôn viết cái phúc trình tào lao xịt bộp đó làm mẹ gì? Chỉ để bọn chúng có thêm cái cớ nhâng nháo nhận là chúng xứng đáng ngồi tiếp trên đầu trên cổ của những người Việt Nam khốn khổ ở trong nước.Cách hay nhất cho cậu hiểu mức độ hạnh phúc của người dân Việt là bắt cậu về Việt Nam sống vài tháng, rồi cho nghe đài nhà nước ông ổng khoe là theo chính tổ chức của cậu, người Việt Nam hạnh phúc xếp hàng thứ nhì trên thế giới.
Cho đáng kiếp nhà cậu. Bố cậu!