Wednesday, June 6, 2012

Mùa hè đến sớm

___________


Phan


alt- Phan

Cô bé hàng xóm, tôi nhớ chừng mấy mùa hè trước, cô còn chơi nước với lũ trẻ hàng xóm ngoài sân. Chúng mua từ Wal-Mart về những tấm trải ny-lon thật lớn để trải lên cỏ dốc, xịt nước và xà bông cho trơn rồi tuột và cười râng một góc trời mùa hạ. Rồi mùa hạ qua đi như tuổi thơ, gặp lại cô như thiếu nữ ở cuối đường, nơi xe bus vàng đón rước học sinh. Những mùa về không hẹn, mùa đi không giã từ cho lòng chợt bâng khuâng khi sớm ra lá mới đã đầy cành, hay lá vàng không dưng nhuộm cả không gian... thì ông ngoại của cô bé vẫn ngồi như gốc cây mục ở một góc sân để trông chừng bọn nhỏ chơi nước. Nhưng từ bao giờ đã không thấy ông ngồi đấy nữa, một kết thúc buồn tênh như phận người, ai đến cũng ồn ào với tiếng khóc

chào đời nhưng ra đi lặng lẽ như những mùa qua... Tôi vẫn đi về ngang căn nhà ấy, lòng chợt buồn khi nhìn về phía góc sân để chào ông già nọ. Nhiều khi cái chào của người hàng xóm không làm tăng tuổi thọ cho ai vì nụ cười tan theo khuất bóng... nhưng người chào và người được chào đều thấy lòng thanh an. Không biết ông già giờ nơi đâu, và cô bé cũng đã ít gặp. Tôi đoán ông già đã vô viện dưỡng lão; cô bé bận học hành. Cha mẹ cô bé là hai người ít gặp, nên tôi không có ấn tượng gì! 

Thời gian đi qua đây dày như tự điển, nhiều khi đi ngang một căn nhà lại chợt nhớ đến chú bé ưa phóng xe đạp ra đường bất ngờ - làm muốn đứng tim người lái xe vì suýt tai nạn; nhà kia có con chó mà ai thấy cũng mê; nhà nọ có con mèo lông xám, nó ngồi yên bên hè như món đồ chơi bị bỏ quên,... nhưng khó ưa nhất là người đàn ông châu Á ở khúc cua đường, người gặp ai cũng trơ mắt nhìn. Không chào trước, cũng chẳng chào lại là đặc tính của ông với mọi người.
Mấy người hàng xóm Hợp chủng quốc hỏi tôi: “Ông ấy người gì?” Tôi đương nhiên trả lời, “Người Tàu!” Nói rồi thấy hèn cho sự trả thù tiểu nhân của mình, vì làm sao quên được bên hông nhà ông ấy xanh rì rau đay, giàn mướp rực vàng hoa, đàn ong cần mẫn như người Việt Nam... Chắc hôm nào phải đính chánh với hàng xóm để trả lại công bằng cho người Tàu. Không cần nói xấu họ thì cả thế giới cũng đã biết người Tàu không có gì tốt. Đừng trả thù tiểu nhân, tôi nghĩ như thế, nhưng mối thù truyền kiếp cứ càn quấy, không cho mở miệng. Về nhà lại ấm ức ông Việt Nam làm mất thể diện quốc gia. Tiếng hỏi câu chào có mất gì đâu mà để người bản xứ coi người mình như thiếu tử tế...
Mùa về qua đây, có những con chim quen còn nhớ chỗ đậu cũ, như thằng bé theo cha mẹ dọn nhà đi nơi khác, vài năm nó ghé lại thăm xóm cũ. Buồn là nhiều người đã quên nó! Người ta sống nhờ đã quên hôm qua như một cách thế tồn tại. Lời hay ý đẹp như mây bay, những ý nghĩ nhàn rỗi như mùa hè lang thang theo bước chân đi bộ buổi sáng, mắt tôi ngại ngùng chào thai phụ ngồi đúng chỗ của ông già năm xưa; không phải là người mẹ mà đúng là cô bé còn chơi nước tưới cỏ mấy năm trước. Mùa hè đến sớm vậy sao? Làm tôi nhớ một lần vào trường trung học ở thành phố Plano, tôi đã thấy cô bé chừng 17 tuổi, vác cái bụng ì ạch trên đường chuyển lớp, bạn bè xúm vô xách giùm tập vở cho cô bé. Một hình ảnh làm tôi nhớ mãi trường Senior High School Plano, vì cô bé vui cười hồn nhiên như đúng lứa tuổi, đúng môi trường; một cô giáo đi người chiều đoàn học sinh đang chuyển lớp, ai cũng có vẻ gấp gáp nhưng cô giáo đã đứng lại hỏi thăm cô bé bụng to trong đám bạn bè của cô. Hình ảnh cô giáo cuối xuống hôn cái bụng bầu của cô học trò bé bỏng, - làm tôi như hiểu được người Mỹ thêm chút đỉnh, dù đã sống hơi lâu ở đất nước này.
Tôi về suy nghĩ hoài, làm sao cô bé còn tuổi ham chơi, ngủ mê... có thể chăm lo cho một em bé sơ sinh; rồi cuộc hành trình của hai mẹ con cô bé đó sẽ như thế nào với tương lai phía trước? Nhưng những suy nghĩ bị đời sống lấn át; tôi vẫn sống nhờ mau quên là cách thế tồn tại của con người. Nay cô bé hàng xóm của tôi còn non trẻ hơn cô bé ở trường Senior High School Plano nhiều lắm. -Một đứa bé có con thì đúng hơn hai từ thai phụ. Dáng cô bé ngồi bất động như không gian một sáng hè không có gió, trời thì oi bức kiểu nực giông nhưng không hứa hẹn cơn mưa nào. Cô bé ngồi buồn như cái bảng nhà bán đã cắm cả năm nay, màu sơn đã phai mà chẳng ai đoái hoài. Cái bụng cô ấy cũng như cái nhà trong thời hiện tại, bỏ thì thương mà vương thì tội. Ở những nước lạc hậu thường khổ vì kém văn minh; nhưng ở những nước văn minh lại khổ vì tự do quá trớn! Nhìn cái bụng cô bé đã biết không còn chọn lựa nào khác vì chừng đầu năm học sắp tới, cô đã phải gởi con trước khi lên xe bus đến trường. Tôi lại cảm thấy mâu thuẫn trong chính mình khi nhớ tới những lời chúc mừng một cặp vợ chồng nào đó có con; chia buồn một đôi bạn bị tai nạn chăn gối! Nhưng cả hai trường hợp đều cười - cười mãn nguyện hay cười ra nước mắt cũng là cười. Sao cô bé này buồn quá! Tôi đi đã giáp vòng nên lại chào cô bé lần thứ hai, tôi nói: “Bạn phải vui lên, phải cười lên cho em bé trong bụng bạn vui vẻ...”
Cô bé đen nhẻm nhoẻn miệng cười cho răng càng trắng, “Tôi lo quá, tôi muốn thấy em bé... để biết nó là con ai!”
Oh my God! (nói thầm), rồi tôi đi. Biết chắc quỹ thời gian của mình không còn đủ để đi xuyên qua nước Mỹ nên không tin mình hiểu nổi người Mỹ. Bằng lòng mỗi ngày đi về trong tiếng hỏi câu chào của xóm làng, đã thấy vui. Tiếc chi một nụ cười; cái gật đầu khiêm tốn mà để cho người bản xứ đánh giá một dân tộc. Hay sáng mai, đi ngang nhà ông rau đay, đừng bỏ con đường ấy chỉ vì thấy ghét một người không chào hỏi, ưa nhìn trơ trơ vào mặt người khác mà không đi con đường ấy nữa. Sáng mai, bắt chuyện làm quen từ vỉa rau sao tốt quá vậy bác, giàn mướp sao trĩu quả mà hanh lòng-như người chẳng chào hỏi ai, bác có gì khó nói?...

Phan

No comments: