Wednesday, January 1, 2014

NHỮNG “TRANG CHỮ” CỦA ĐƯỜNG PHỐ…




_____________

Cao Thoại Châu


Thói quen đọc sách có hệ thống là một thói khó quen lắm. Nói chi đến cái thú đọc sách, một cái thú tôi tập hoài không nổi. Nhớ năm ở trung học, giáo sư Anh văn cho lớp dịch sang tiếng Anh bài “Thú nằm giường đọc sách”, tôi dịch đại là Reading in bed . Thầy bằng lòng và hỏi thêm vậy cái thú đâu? Đáp liều nằm giường đọc là em ngủ liền làm sao biết!
Hôm nay đọc bài “Những cuốn sách làm đời tôi không khá” của anh bạn hàng sư huynh trường ĐHSP Sài Gòn đăng trên   daihocsuphamsaigon.com. Anh học ban Việt Hán và như anh nói thì ngay thuở nhỏ anh đã được thân phụ dạy chữ Hán cho. Hẳn là vì nguồn gốc đó mà anh một thời say mê đọc sách thánh hiền dòng Nho học và đọc có hệ thống vì vậy tôi tin anh giờ đây là người uyên bác.


Tôi hình như may mắn hơn anh ở chỗ không ghiền đọc sách, chỉ đọc để tìm những cái mình thật cần, sách là phương tiện dùng hạn chế thay vì một cứu cánh như đối với nhiều người. Nhà tôi giàu có nhưng cha bác không ai uyên thâm nho học cộng với “lịch sử đời tôi” gặp ngay lúc nước nhà thoát ách đô hộ, khi cắp sách đến trường tôi tránh được cái nạn ngồi xếp bằng tụng chữ Hán nhưng lại vướng vào học chữ Tây. Và tôi xa gia đình sớm đi ở trọ nhiều nhà, tiền không có, chỗ bàn học cũng không vì những nhà tôi trọ tuy là chỗ thân quyến nhưng không nhà nào có sách, nên dù có mê mấy truyện Tầu thì cũng chỉ còn biết mượn của bạn và…trốn học để đọc.
Cái học của tôi thật ra là học đường phố, đó vừa là thầy vừa là bạn giúp tôi tiếp thu nhanh bài học ở đời. Có nghĩa tư duy tôi rất ít bị chi phối bởi những bậc thánh hiền thị phạm. Khổng tử, Lão tử và tư tưởng của những thức giả thời của các vị…tôi cũng không vùi đầu vào mà chỉ thấy cái chi hay hay thì nhận vào trí óc mình. Mẫu người của cụ Khổng là người quân tử với những đức tính tôi biết mình không thể nào học được. Người quân tử ăn chẳng cầu no, ở không cầu yên làm cho tôi rất lúng túng bởi tính tôi rất ham ăn mà đã ăn là phải ăn cho no không khách sáo gì bởi đó là làm những gì trời cho. Lớn lên tôi cũng có biết nhiều kẻ tiểu nhân - “kẻ” đối lập với “người”, theo cách gọi – và tôi thấy “chúng”...trộn lẫn cả với quân tử và lên như diều, cỡi cả trên đầu quân tử! Nói thật là tôi chưa hề cầm lấy một cuốn loại “sách học làm người” nào vì một lẽ tự nhiên là dị ứng với những kiến thức đóng khung ấy.
Thật ra thì các vị tiên hiền cũng chỉ là người của một thời đại với một bối cảnh xã hội - kinh tế nhất định cùng với những biến động chính trị đặc thù giai đoạn, họ như người đứng trên bờ suy nghiệm về dòng sông trước mặt mà cuộc sống thì như con thuyền trên dòng sông ấy, nếu các vị không bước xuống đúng lúc e sẽ thành người đứng trên bờ nói cho không khí nghe! Bước xuống nhanh hay chậm thì lóp ngóp dưới sông!
Đọc sách viết về thời Xuân thu Chiến quốc tôi thấy những biện sĩ là người chịu chơi –thời nay gọi là dấn thân – họ chỉ đọc một vài cuốn sách rồi xông liền vào cuộc sống, vật lộn với thời cuộc, với các ông vua để tìm ra bài học và chỗ đứng.
Học trong cuộc sống, có ai ngờ vào rạp coi phim permanent với đồng bạc xé đôi dúi cho người ngồi trước tấm màn cửa (vé chính thức 10 đồng) để vào coi chui lại học được khá nhiều điều bổ ích. Thời xưa, phim chiếu nói tiếng Pháp là chính, có phụ đề tiếng Việt, và coi phim, ngoài phần giải trí còn là cách bổ túc vốn tiếng Pháp khá hiệu quả. Tôi nghĩ là mình khá tiếng Pháp lên là một phần nhờ cách học này.
Còn nhớ trong một phim về Chiến tranh thế giới thứ 2 mà cảnh là một anh lính Đức dẫn giải mấy tù binh kháng chiến Đông Âu. Anh Đức còn trẻ và có lòng nhân hậu đã chia phần thức ăn của mình cho mấy tù binh. Trong một lúc, anh ta lấy bức thư người tình mới gửi cho ra đọc, chớp thời cơ này tù binh cướp súng và, người đang đọc dở thư nhà lãnh một băng đạn từ khẩu súng của chính mình! Anh ta gục xuống bờ một con rạch, mắt mở thao láo nhìn chằm chằm vào lá thư từ từ trôi đi mà anh chưa đọc hết và chắc giây phút khốn khổ ấy cũng không còn đọc được gì!
Phim dạy tôi bài học về lòng nhân ái và khả năng rất dễ bị tổn thương trầm trọng khi chia sẻ nó với người khác! Giữa sách và phim, phim là đời và tôi học trực tiếp từ nó trong những lần trốn học. Bài học này thật quý giá mà tôi mua được nó chỉ với 5 cắc! Và tôi nghi ngờ chiến tranh không có chỗ đứng cho những trái tim rộng hơn chính nó như anh lính Đức kia! Vậy thì chính nghĩa ở đâu khi mà chiến tranh hạ sát cả lòng nhân ái và luôn chút hạnh phúc bé mọn như anh Đức đang tìm thấy trong bức thư của người tình?
Mấy hôm nay lòng tôi xao xuyền vô cùng. Một ông già 81 tuổi làm hành khất 40 năm kể từ khi vợ con ông thay nhau qua đời bỏ lại ông một thân một mình. Từng ấy năm đổi lòng tự trọng lấy tiền, ông ky cóp mua được 25 cây vàng và một ít tiền giấu trong người. Đêm ngủ bến xe, ông bị ba tên lưu manh tuột hết quần áo mang đi, cùng với vàng và tiền sạch trơn! Cảnh sát đã tóm được chúng nhưng khổ thay từ khi bị trấn lột ông già thành lúc tỉnh lúc sảng, việc lấy lại tài sản cho con người khốn khổ này là hết sức phức tạp!
Sách không nhưng bến xe có chuyện này, đọc thấy nhức nhối vô cùng! Tài sản ấy đối với ông già có lẽ lớn hơn những gì mà Bill Gates có! Sự khốn cùng của 40 năm hành khất hóa ra chưa phải thật sự là khốn cùng nếu không có cái đêm kia. Và hạnh phúc của con người này chỉ trong một đêm mà thành tuyệt vọng! Đó là đường phố, không phải sách!
Sư huynh của tôi viết “Những cuốn sách làm đời tôi không khá”, không biết khi viết bài ấy anh có từng học ngoài đường phố không? Và anh còn may mắn khi chưa đọc phải “những cuốn sách làm… khổ đời tôi” như không ít trí thức Việt Nam thời hiện đại! Các bậc ấy Tây học có Nho học có nhưng cũng tợ Âu Dương Phong đọc ngược (nghịch lý) Cửu Âm chân kinh mà hóa ra nông nỗi. Tây Độc chắc sau đó có hối hận nhưng phải nói với ông ta rằng…đã muộn! Muộn, chính xác!


Cao Thoại Châu


No comments: