Sunday, June 7, 2020

Xe Đò

__________________

Tùy bút của Hình Toàn 


Danh từ “xe đò” làm tôi thắc mắc bao lâu nay mà không có lời giải thích.
Đã là xe sao lại có đò, có người nói là khi xưa vì đi xe một đoạn rồi lại xuống xe qua phà để qua sông (như phà Vàm cống, phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ)
Thế còn những chiếc xe chạy liên tỉnh không có qua sông xuống phà sao vẫn gọi là đò, thì không ai nói rõ. Đã bảo người xưa gọi dzậy thì mình biết vậy thắc mắc chi nhiều . 
     Ừ . Thì “XE ĐÒ”

     Chuyến đi xe đò đầu tiên của tôi là đi Châu Đốc với tụi bạn lối xóm chơi chung lúc nhỏ: Nghiềl, Đỗ, Qua, Sòl (lúc đó chắc mười ba hay mười bốn tuổi)


Xe đò Rạch Giá-Châu Đốc nhỏ hơn xe đò SG một chút chở khoảng 25-30 người 
có hai hàng ghế hai bên, hàng giữa có thêm ghế xúp có thể xếp lên hạ xuống xe thì có cửa sổ từng ô bằng thiếc cuốn lên kéo xuống để phòng trời mưa 
còn bình thường thì mở toang nên bốn bề gió lộng. 
   Ôi mới lên xe thì đứa nào đứa nấy hớn hở vì lần đầu được đi chơi xa, nhưng chạy chưa tới Kinh B, thì có đứa đã cho chó ăn chè (trong đó có tôi) mới đầu còn có cơm có cháo sau thì chỉ toàn là nước ...màu vàng rồi tới màu xanh (nghĩa là ói tới mật xanh rồi đó).
    Đường thì còn xa vời vợi chạy từ 8-9 giờ sáng mà tới trưa còn chưa tới nơi, lúc này tụi tui nước còn hỏng dám uống nói gì ăn. Khi đến Châu Đốc chúng tôi tìm quán ăn cơm (vừa là cơm trưa vừa là cơm chiều) nên gọi mỗi đứa một dĩa cơm tấm thịt nướng. Rồi đi thăm viếng chùa “Bà Chúa Xứ” Ôi ! Người đông ơi là đông khói nhang mịt mù nhang đèn nghi ngút trái cây hoa quả quá nhiều, có người còn cúng cả heo quay, tụi tui cũng thắp nhang lạy “BÀ” cho đúng thủ tục đi chùa, chớ con nít xin keo biết gì mà cúng vái van xin(xin keo) xong rồi đi qua Lăng Thoại Ngọc Hầu 
    Ông Thoại Ngọc Hầu là một công thần của triều nhà Nguyễn(thời Vua Gia Long) là người có công cho đào con kênh Vĩnh Tế nối từ Châu Đốc tới Hà Tiên 

Khởi công 1819-1824 (5 năm) huy động hơn 80.000 công dân và binh lính 
Công trình này tiện lợi cho việc giao thông bằng đường thủy, và kêu gọi một số lớn dân cư đến phát triển vùng đất mới từ thời “Mạc Cửu” người có công khai phá đất Hà Tiên .

    Đêm ấy chúng tôi tìm chỗ ngủ tại Châu Đốc bằng cách mướn ghế bố và chiếc gường “bộ ngựa” của nhà những người dân gần chùa Bà, để có nơi tắm rữa và ngũ qua đêm, mấy đứa con gái thì ngũ trên gường, hai thằng con trai thì ngũ ghế bố đặt sát chân gường để ngừa ăn trộm (tôi thấy thời đó cũng hơi yên bình vì giữa chủ nhà và người khách trọ qua đêm, mình không biết họ, họ không biết mình mà cũng đề bảng 
   Cho thuê ghế bố 
   Cho thuê chỗ ngủ  
  Hoặc có nơi tắm giặt (vì những người họ chỉ tắm gội, còn ngủ thì họ trải chiếu ngũ trong chùa, nơi ấy có dành cho khách thập phương để viếng chùa. Giống như Đình Nguyễn  Trung Trực quê tôi Rạch Giá cho đến bây giờ hằng năm giỗ NTT vẫn còn dành riêng một chỗ ngũ cho khách thập phương 

     Hỏng biết các bạn còn nhớ trái châm (hay trái trâm) giống như trái cà na, nhưng màu tím đen ăn chua chua ngọt ngọt, nhưng khi ăn thì hàm răng và môi lưỡi đều đen thui, trái này tôi thấy chỉ bán ở Châu Đốc quê tôi hỏng có 
    Sáng hôm sau chúng tôi trèo lên ngọn Sam ngắm cảnh rồi mới ra bến xe đò mua vé về Rạch Giá, trên đường về cũng ngất ngư con người.

    Nói thì nói vậy nhưng sau này vì nhu cầu cuộc sống “đói thì đầu gối phải bò” mọi khó khăn đều phải vượt qua bởi thế cho nên tôi và Liên trở thành bạn hàng bất đắt dĩ đi buôn đường SG-RG(78-80).
 Nếu bạn đã từng sống qua khoảng thời gian đó thì mới hiểu được những nỗi nhọc nhằn của người dân, muốn mua được tấm vé xe đò tụi tôi phải ra bến xe từ bốn năm giờ sáng, hôm nào hên thì mua được vé, nếu không thì quay trở về mai ra xếp hàng tiếp. 
    Đoạn đường từ Rạch Giá lên Sài Gòn phải qua hai bến Bắc (phà)
1/ ngã phà Vàm Cống và phà Mỹ Thuận (đi ngã ba lộ tẻ)
2/ ngã phà Cần Thơ và phà Mỹ Thuận (đi ngã này xa hơn mấy chục cây số)

Cho dù đi theo lộ trình nào thì cũng đi từ hừng đông sáng đến khi chiều tối nếu xe hư dọc đường thì đến nửa đêm, đó là chưa kể phải qua bao nhiêu là trạm xét trước khi đến ngã ba lộ tẻ thì có trạm Kinh B, và trước khi vô Sài Gòn thì phải dừng chân trạm bến lức còn dọc đường thì tôi không nhớ có bao nhiêu trạm, lúc ấy đời sống rất khó khăn, lo cho cái bao tử trước nên căn bịnh đi xe say sóng nôn mửa hết từ khi nào tôi cũng không hay .

      Ôi ! Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
      Đường qua phà ngọn tỏ ngọn lu 
      Thương em nắng sớm mưa chiều 
      Sài Gòn Rạch Giá bao điều đắng cay 
      Bụi đường làm mắt em cay
      Lòng nghe muốn khóc nhưng không thể nào 

    Trên những chặng đường đời, tôi người con gái tuổi đời chỉ mới hai mươi, chưa lần rời xa tỉnh lỵ luôn nhìn đời bằng một màu hồng, rồi sau vật đổi sao dời và cuộc đời tôi cũng bị nhấn chìm dưới cơn đại hồng thủy, tôi phải ngoi lên để sống nên cố vùng vẩy để đến được bến bờ, đứng trên phà nhìn dòng sông nước chảy có đám lục bình trôi, có những đoá hoa màu tím, một màu tím buồn man mác, nước lên hay nước lại ròng dòng sông vẫn chảy con phà vẫn đưa ...bao nhiêu người đã qua sông bao nhiêu xe đã qua phà. Ai nào đếm được 
Và tôi vẫn ngược xuôi xuôi ngược trên những chuyến XE ĐÒ và những chuyến 
PHÀ đưa khách qua sông.

Hình Toàn 

Envoyé de mon iPad

1 comment:

Phieu Tran said...

Qua rồi bao cảnh long đong
Ngược xuôi, xuôi ngược, vẫn không nản lòng
Đôi khi nước mắt ròng ròng
Vẫn không chùng bước; chập chòng hiểm nguy !

Đường xa, khó nhọc ngại gì
Chí công mài sắt; việc gì cũng qua
Dẫu đường; mục đích có xa
Bền tâm vững chí; bôn ba cáo thành !