Saturday, August 10, 2024

Ngày Xưa Hoàng Thị





Ngày Xưa Hoàng Thị
-Nguyên Tâm
Trong âm nhạc Việt Nam, những ca khúc về tình yêu tuổi học trò chiếm một phần đáng kể. Không phải vì người Việt mình hầu như ai cũng đi học. Cái chính là ai đã từng đi học, không nhiều thì ít, cũng yêu thầm trộm nhớ một (?) ai đó.
Những khi chợt nghe tình khúc nào đấy về tuổi học trò, không ít người miên man như đang sống lại những giây phút ấy của thuở xa xưa.
Một trong những ca khúc khiến nhiều người chạnh lòng suốt gần 50 năm qua mà ai cũng nghe ít nhất một lần là “Ngày Xưa Hoàng Thị”.
Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay
Bài hát này nguyên thủy là một bài thơ của Phạm Thiên Thư được Phạm Duy phổ nhạc.
Ban đầu, nhạc sĩ Phạm Duy biết đến Phạm Thiên Thư qua sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh.
Khi ấy, vào năm 1968, Phạm Thiên Thư ra một tập thơ thiền (Phật giáo) và nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.
Sau khi soạn thành 10 bài đạo ca trong tập thơ ấy thì tình cờ Phạm Duy đọc được những bài thơ khác của Phạm Thiên Thư, đầy vẻ thế tục mà cụ thể là tình yêu trai gái.
Ðến năm 1971, Phạm Duy phổ nhạc luôn nhiều bài thơ lãng mạn ấy, nổi tiếng nhất là bài này.
Em tan trường về
Anh theo Ngọ về
Môi em mỉm cười
Man man sầu đời tình ơi
Ðấy là quãng thời gian Phạm Thiên Thư đang học lớp Ðệ Tam của trường Văn Lang ở Sài Gòn.
Hồi ấy, do hoàn cảnh chiến tranh nên nhiều người đi học trễ hoặc sự học bị gián đoạn. Thành ra, trong lớp đôi khi nhiều bạn học tuổi tác chênh lệch nhau, hai ba tuổi là thường!
Mỗi buổi sáng xếp hàng vào lớp, cậu Thư đều ngắm nhìn cô bạn đứng đầu bên hàng nữ.
Cô nhỏ hơn cậu 2 tuổi; cậu sinh năm 1940 còn cô sinh năm 1942.
Thời ấy ở Việt Nam, nhiều cha mẹ thường lấy năm sinh (Âm lịch) của con cái để đặt tên cho chúng.
Bởi vậy, con trai thì không sao, nhiều cô mặt mày dễ thương hiền lành mà lại mang tên Sửu tên Dần…
Cô bạn của cậu Thư cũng không may mắn gì hơn, sinh trúng năm Ngọ. Mà hồi ấy, đặt tên con cái nhiều gia đình cũng đơn giản, nhất là con gái, cứ lấy chữ Thị để lót tên.
Vậy thôi, cô bạn ấy có tên Hoàng Thị Ngọ!
Dĩ nhiên, con trai nói riêng và đàn ông nói chung không mấy khi để ý đến tên (và tuổi) của phụ nữ; miễn sao người… đẹp là được!
Cô Ngọ có dáng người thanh tao với mái tóc dài xõa ngang vai.
Ðấy là lúc đang xếp hàng vào lớp; chứ khi tan học về thì: “Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ…” Thực ra, “em đi dịu dàng” là nhờ Phạm Duy tả… thêm!
Chứ tóc dài với lại vai nhỏ thì thời ấy thiếu gì nữ sinh như vậy?
Cái dáng đi “dịu dàng”, dù là phái nữ thời nào đi nữa, không phải dễ có.
Thực sự cô Ngọ trong bài thơ nguyên bản cũng… thường thôi, không có gì quá nổi bật.
Chính nhờ mấy chữ “em đi dịu dàng” đã giúp cho cô Ngọ nói riêng và lời ca nói chung ăn nhịp với bản nhạc được viết theo điệu Valse.
Ðây là một nhịp điệu được ưa chuộng trong các buổi dạ vũ của giới thượng lưu thời xưa bên Âu châu.
Nó nhẹ nhàng lãng mạn một cách quý phái.
Chỉ những cô gái mang cốt cách tiểu thư mới có dáng đi như thế.
Thực ra trong bài thơ nguyên bản, cô Ngọ không phải là cốt lõi của nội dung bài thơ.
Tác giả dùng hình ảnh cô bạn cùng lớp với cảnh vật bên đường để nói lên nỗi lòng của cậu con trai đang bước vào tuổi biết yêu và cảm xúc người đàn ông khi chợt nhớ về kỷ niệm xa xưa của mình thuở học trò.
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu…
Những lời tâm sự ấy đã không được Phạm Duy trực tiếp đưa vào bài hát.
Dầu sao, nhạc sĩ cũng đã không lờ đi mà, ngược lại, nhấn mạnh thêm theo cách khác: “Chân anh nặng nề, lòng anh nức nở!”
Có thể vì quá còn ngây thơ nên Ngọ không hề để ý (thấy) Thư… lặng lẽ theo Ngọ!
Không chỉ một bữa mà…
Bao nhiêu là ngày
Theo nhau đường dài
Trưa trưa chiều chiều
Thu đông chẳng nhiều
Xuân qua rồi thì
Chia tay phượng nở sang hè
Cũng có thể cô Ngọ biết mà ngó lơ! Chẳng phải cô thẹn thùng gì vì học cùng lớp với nhau mà? (Chắc cậu Thư phải nghĩ trong bụng như vậy.)
Thà học cùng trường nhưng khác lớp thì còn lý do mà… ngại ngùng, chứ đằng này? Kết hợp với “dáng đi dịu dàng” thì (người ngoài có thể đoán) cô Ngọ, trong bài hát của Phạm Duy, chắc chắn không để tâm đến anh chàng Thư chút nào cả.
Con gái, khi cảm thấy xao xuyến trước ánh mắt của “ai đó”, thường cử chỉ không còn tự nhiên.
Cái dáng đi dịu dàng chứng tỏ trong lòng phải… thanh thản lắm!
Cho nên dù thấy “môi em mỉm cười”, chàng Thư vẫn tê tái, cảm thấy “man man sầu đời tình ơi”!
Vì biết rằng em cười cho lịch sự thôi…
Bài hát được kết thúc với câu “ai mang bụi đỏ đi rồi” được lặp lại nhiều lần và (tiếng hát) nhỏ dần.
Trong bài thơ của Phạm Thiên Thư, hình ảnh bụi đỏ cũng được “chiếu” lại ở cuối.
Chính hình ảnh này càng cho thấy biệt tài phổ nhạc của Phạm Duy.
Ông đã thấy được cái chi tiết mà trong bài thơ nguyên thủy không nói (ra): dáng đi dịu dàng!
Phải nhờ dáng đi dịu dàng thì hình ảnh bụi đỏ mới đẹp, mới đáng nhớ.
Thành ra, hỏi về bụi đỏ nhưng ẩn ý là cái dáng đi.
Người con gái, hay phụ nữ nói chung, quan trọng nhất là cái dáng, đặc biệt là khi (bước) đi.
Ông bà ta hồi xưa cũng hay nói “nhất dáng, nhì da, thứ ba mặt đẹp”.
Phải làm cô Ngọ nổi bật về vẻ đẹp hình dáng mới hợp với nội dung câu chuyện. Chứ cô Ngọ chỉ đẹp duy nhất cái khuôn mặt thì ngồi trong lớp ngó (lén) cũng đủ rồi!
Ngày nào cũng theo sau hít… bụi đỏ làm chi?
Bài hát Ngày Xưa Hoàng Thị được nhiều người mới nghe (qua) đã thích ngay phần lớn là nhờ giai điệu.
Dầu sao, yếu tố khiến ai nghe rồi vẫn muốn nghe lại nhiều lần có lẽ chính là lời ca.
Trong đó, hình ảnh người con gái bước đi dịu dàng khiến không ít đàn ông chạnh nhớ ngày xưa mà bâng khuâng tự hỏi:
Ai mang bụi đỏ đi rồi…
💜
(Nguyên Tâm ✍️)
(Ảnh lhd sưu tầm)

No comments: