Friday, October 28, 2011

Thú văn chương ( tiếp theo )

______________

Tăng ngọc Minh

2 Văn chương Đẹp

Tính từ Đẹp rất đa nghĩa và thường các nghĩa đó lại chẳng ăn nhập gì với nhau .Cái Đẹp của người đẹp không phải là cái đẹp của một khung cảnh, một dinh thự, một cái bàn. Ngay với một người nữ, cái đẹp cũng tương đối với quan điểm của từng cá nhân , có khi đó là đẹp người, có khí là đẹp nết, đẹp trần tục, đẹp thánh thiện và ít khi có sự nhất trí hoàn toàn. Văn chương cũng như hội họa đều cố gắng nói lên cái đẹp  trong đời thường nhưng họ nói bằng ngôn ngữ khác và phản ánh một cái đẹp khác, đó là cái đẹp nghệ thuật, cái đẹp thuộc lãnh vực mỹ hoc ( aesthetics). Một chuyện kể được nhiều người tâm đắc thường là một sáng tác mang một ý nghĩa sâu sắc nào đó, ngoài việc phải đạt được các yêu cầu về hình thức còn phải có những câu, những đoạn toát ra cái đẹp tức là nói lên được cái nét thẩm mỹ mà ngôn ngữ bình thường không thể diễn tả.
  Ý Đẹp trong câu văn, câu thơ thường là một ý có nghĩa nhiều hơn, gợi nhiều tâm trạng hơn tập hợp các từ cấu tạo ra nó, đó là ý ngoại tâm tại. Muốn như vậy thông thường ta vận dụng các kỹ thuật liên kết hình ảnh hay ý tưởng như nhân cách hóa, ẩn dụ, so sánh, ngụ ngôn, dùng diển tích,…và nhiều kỹ thuật khác nữa theo quan điểm của các trường phái khác nhau.

a-Nhân cách hóa là gán tính người cho sự vật như trong bài thơ Trăng, Hàn Mặc Tử nói về trăng y như nói về người yêu trong mộng

b-So sánh là đối chiếu hai sự vật hay hiện tượng như khi ta bảo “ phụ nữ là hoa hồng”, “ em thánh thiện như một ma soeur”.
c-Ẩn dụ hay ngụ ý là kỹ thuật phổ biến nhất ,đó là thuật vận dụng ý này để gợi ra nhiều ý khác. 
d-Ngụ ngôn là vận dụng một câu chuyện thuộc lãnh vực này để nói lên chuyện khác thuộc phạm vi ca dao hay chuyện ngụ ngôn. .
e-Dùng điển tich là vận dung một số từ để quy chiếu vào chuyện xưa tích cũ hay các châm ngôn. Kỹ thuật nay rất phổ biến trong cổ thi ngày trước nhưng  ngày nay vẫn chưa lỗ thời.

Trong "Hiu hiu gió Bấc"  Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng thuật ngữ này để nói lên thảm cảnh của một chàng trai nghèo, với giọng điệu chất phác của dân Nam Bộ.

Chuyện kể về một thanh niên  ‘ nhà quê’ tên là Hết, mồ côi mẹ từ tắm bé, hiền lành, hiếu thảo, chỉ mỗi cái tội quá nghèo nên đành hy sinh tình riêng để người yêu đi lấy chồng, sự hy sinh đầy tính lãng mạng và cao thượng  Câu chuyện chỉ có bốn nhân vật chính: ông già  tía của Hết; Hết, Hoài, người yêu của Hết và Hảo, cô gái bán quán, bạn của hai người.
“ Má chị Hoài hỏi sao đâm đầu vô thương chỗ đó (ngữ điệu đặc trưng của nông dân Nam bộ), cô hỏi lại: "Anh Hết hổng được chỗ nào hả má?" ." Ừ, tao chê chỗ nào bây giờ, thằng Hết được, hiền, giỏi giang, chịu khó lại hiếu thảo.  Nhưng nó nghèo quá, thân sơ thất sở không một cục đất chọi chim ( (1), biết có lo cho bây sung sướng được không. Bây quen được tưng tiu mà"
....Hôm đám, anh Hết còn tỉnh bơ ngồi ngoài bờ, dưới gốc còng, hào hứng bày cờ ra chơi với mấy đứa nhỏ. Đám bạn gái ai cũng xì xầm, chắc thằng Hết không thương thiệt con Hoài nên mới dửng dưng vậy. Chị Hoài nghe mà khóc không thôi, bảo với chị Hảo, có cái tiếng bạc tình ảnh cũng gánh cho em rồi  ( cú kịch tính: ai cũng tưởng hắn mê cờ, quên người yêu, thì ra hán chỉ giả bộ để bạn tình thanh thản đi lấy chồng).
...Đi một đoạn, nghe đám con nít trộ lên, anh Hết sao mà khóc vậy. Đâu có. Có mà, nước mắt anh rớt lên con tướng này nè, đó, nó ướt nhẹp đó (1) thấy chưa . Hết cười lớn, nói lớn: "Ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về" ( 1 )... Chị Hoài vừa đi vừa khóc. Lời của anh Hết làm chị Hảo thương điếng trong lòng. Con người này, nghĩa biết trọng mà tình cũng thâm.
(1)   So sánh với giọng điệu mỉa mai
(2)   Ẩn dụ liên hoàn: con tướng trên bàn cờ ước nhẹp vì xót thương số phận hẩm hiu, người cầm  quân khóc thương con chốt”  vì nó qua sông là không mong về tức là ẩn dụ nổi đau khi người yêu đi lấy chồng hoặc gợi điển tích Kinh Kha sang Tần hay câu dân ca Con sáo sang sông cũng nên.
Trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư cũng vận dụng kỹ thuật này trong nhiều đoạn tuyệt đẹp.
Cánh đồng là chuyện về một gia đình gồm ba cha con ( ống bố, Nương và Điền) sống du mục bằng nghề nuôi vịt thả đồng trong một bối cảnh không gian khắc nghiệt, giữa những con người nghiệt ngã. Có người ( mẹ của Nương , Điền) chỉ vì một sắp vải may áo mà phản bội chồng con, khi biết con cái đã trông thấy nên bỏ nhà đi luôn. Có những người tàn nhẩn đến độ hảm hiếp tập thể một cô gái ( Nương)  trước mắt người cha. Có cả một đám đông điên cuồng trút hận lên đầu một cô gái điếm, đánh đập tơi bời, còn dùng keo dán sắc bịt kín cửa mình cô ta. Chính Nương, Điền vì thấy tội nghiệp nên giải thoát và cưu mang cô ta. Khi lành các vết thương, cô nàng này tìm cách quyến rủ cha của Nương, Điền.
“…Chị đổ lì. Chị tìm mọi cách để sà vào ( tiếng lóng địa phương  có tính tượng hình) cha. Một bữa chị bảo Điền xuống ghe ngủ với tôi, còn chị sẽ lên chòi. Đó là một đêm tối nhờ nhờ, trôi trên trời một mảnh trăng mỏng leo lét. Điền ngọ nguậy, xoay trở liên tục, nó kêu khó ngủ, đòi nghe tôi hát, bài gì cũng được. Nhưng Điền vẫn thao thức, dường như giọng hát tôi không át được tiếng sột soạt rạo rực (1) trong cái chòi nhỏ trên bờ. Điền chê ngủ ghe chòng chành quá chừng. Tôi biết lòng nó đang chao (2).
…Khi tôi thức dậy, Điền đã mệt mỏi thiếp đi, nó nằm co quắp, hai tay kẹp giữa đùi, mặt buồn như phủ một lớp sương giá (3). Chị bước ra khỏi chòi, khoan khoái vươn vai.  “ Chị bước ra khỏi chòi, khoan khoái vươn vai . Sự ưng ý, mãn nguyện lấp lánh trên khoé mắt. Khuôn mặt chị tràn ngập ánh sánh, như chị vừa mở ra một cánh cửa mặt trời (4).  Có một con đường nào đó trãi dài trước chị. Chị cười, bảo : Hồi hôm sương nhiều ghê, nó nhễu lên mặt chị hoài, nhột gần chết (5)”.
 (1 ) Ẩn dụ cuộc mây mưa; (2) Ẩn dụ về một một tình cảm thầm kín; (3) So sánh:; (4) So sánh:nói lên sự mãn nguyện đã quyến rũ được người cha và hy vọng như vừa mở ra cánh cửa mặt trời, du thực tế cuộc sống của gia đình này  khốn khổ vô cùng, (5.)  Ẩn dụ gợi ra  cuộc làm tình sôi nổi vừa tham dự).
Tuy nhiên các thuật này thường được sử dụng trong thơ ca nhiều hơn trong văn kể chuyện và đã tạo ra được nhiều câu thơ tuyệt đẹp. Ví dụ::
Sống gợn tràng giang buồn điệp điệp   ( nhân cách háo)  
Con thuyền xuôi bến nươc song song 
Thuyền về nước lai buồn trăm ngã     ( như trên)
Củi một cành khô lạc mầy dòng       ( như trên)
…Nắng xuống chiều lên sầu chót vót  ( như trên)
                                 ( Trường giang, Huy Cận)
Hàn Mạc Tử  trongThôn Vĩ Dạ sử dụng nhiều hình thức hơn:
       … Nắng giọi hàng cau nắng mới lên
             Vườn ai mướt quá xinh như ngọc (1)
…  Gió theo nổi gió mây đường mây (2)
      Dòng nước buồn thiu (3) hoa bắp lay
     Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
     Có chở trăng về kịp tối nay (4)
 (1) So sánh, (2)  Ẩn dụ về cảnh đời ngang trái, tréo que: gió  mây  bay  trái chìều, ngược hướng; (3)  Nhân cách hóa chứ nước đâu biết buồn vui và cũng là ẩn dụ về sự nghiệt ngã mà bản thân nhà thơ đang gánh chịu (tức là buồn vô hang trong cái thế giới chung quanh vui tươi hạnh phúc); (4)  Ẩn dụ về một người nữ mà nhà thơ khao khát muốn gặp ngay ( thuyền đò trên Sông Hương ở thế kỷ trước, về đêm, thường là nơi hò hẹn với ca nhi, kỷ nữ. nếu có yêu cầu)
Thật ra các thuật ngữ trên cũng chỉ là một hình thức ẩn dụ, tức là đều quy chiếu thực tại vào sự vật hay hiện tượng khác đã có từ trước, tức là quy chiếu về quá khứ. Và thuật ngữ này là một điểm mấu chốt giúp phân biệt văn kể chuyện còn được gọi là truyện ( story telling, fictiion)  với thơ ca ( poetry). Ta thường goi văn xuôi là truyện, văn vần là thơ.nhưng cách phân biệt như thế không đúng. Có nhiều tập văn vần như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên là truyện bởi trong đó có chất liệu (tức các nhân vật và một số bối cảnh), có sự chuyển động ( tức là có các diễn biến, có một sử tính). Cũng có nhiều tập văn xuôi lại là thơ, thi vị như thơ như A la recherche du temps perdu của M. Proust hay Le livre de mon ami của A. France. Nói cách khác văn xuôi cũng có thể coi là thơ ca  lúc nó không còn quan tâm về diễn biến của câu chuyện, sự tương tác giữa các nhân vật mà đặt trọng tâm vào việc diễn đạt tâm ý, xúc cảm. và diễn đạt bằng các biểu tượng hay ẩn dụ.. Thơ không có chất liệu, không có sự chuyển động như truyện,  “thơ là sự tĩnh không” ( Huỳnh Phan Anh). Thơ ca  bằng vận dụng các thuật  liên tưởng trong từng câu chữ nó tạo ra cái đẹp khác hẳn cái đẹp của truyện. Đó là cái đẹp dựa vào quá khứ, của ký ức. Theo Alain: “ Thơ ca là nỗ lực của ký ức và là thắng lợi của ký ức. Ngay cả trong thời đại này tất cả thơ ca đều thuộc về sự việc đã qua…Dường như hoài niệm hay kỷ niệm tự chính nó đã mang chất thẩm mỹ và một vật là đẹp đẽ khi nó gợi nhớ sự vật khác ..và chỉ có những ẩn dụ đẹp mới giúp ta  suy nghĩ lại những gì chúng ta cho rằng quá quen thuộc.” (còn tiếp )

No comments: