Văn Quang
Nhà thơ Hà Thượng Nhân& Phu Nhân
Trong bài này, xin phép bạn đọc cho tôi được nói một chuyện rất riêng tư. Một thứ chuyện riêng của một người, nhưng có lẽ cũng là chuyện của nhiều người. Đó là chuyện tình cảm, không thể không nói, không thể không viết, bởi nó luôn ám ảnh trong đáy sâu tâm tư, trong cả tiềm thức, khó mà có thể làm được điều gì khi còn vướng víu trong lòng. Bạn đọc đã từng gặp trường hợp một người thân vừa ra đi chắc chắn sẽ thông cảm với tôi. Nhất là đã ở ngoài cái tuổi "thất thập cổ lai hy" sắp bước sang "bát tuần", điều ấy còn sâu sắc hơn nhiều.
Người bạn là thầy mình
Vâng, đấy là điều tôi muốn được trang trải lòng mình về sự "ra đi" của anh Phạm Xuân Ninh, bút hiệu Hà Thượng Nhân. Một người tôi kính trọng như anh mình và cũng là "xếp" của tôi trong một khoảng thời gian ngắn, là bạn đồng ngũ, bạn trong "tù cải tạo", bạn trong cuộc đời suốt những năm làm báo và viết lách kể cả trong những cuộc chơi "xì còm", mạt chược nhỏ .. Ở đây tôi không gọi là "thi sĩ" Hà Thượng Nhân, tôi chỉ gọi là "anh", như tôi và các bạn tôi thường gọi. Tôi cũng không kể lể về con người cùng những đức tính tuyệt vời của anh, không chỉ dành cho bè bạn mà hầu như cho tất cả những người đã từng giao thiệp với anh. Tôi cũng chưa phải là "tri kỷ" của anh và tình thân chưa bằng những vị khác đồng trang lứa hoặc có nhiều thời gian gần gụi với anh. Anh hơn tôi 11 tuổi (anh sinh năm 1922 , tôi sinh năm 1933), có thể đó là thầy mình. Tự trong đáy sâu trong lòng tôi vẫn mang tình cảm ấy, cho dù bất cứ ở ngoài đời hay sau chấn song sắt. Tôi học được ở anh những điều không có trong sách vở, không có trong ngay cả nền giáo dục của gia đình, chỉ có ở trong cuộc sống với bạn bè. Nhìn cách anh sống, anh nói, anh đối nhân xử thế .. đó là những điều anh đã dạy cho tôi cho đến hôm nay.
Không phải chỉ mình anh mà rất nhiều bạn bè cũng đã dạy cho tôi nhiều điều tương tự như thế. Nhưng anh là một trường hợp đặc biệt.
Không phải "xếp" nào cũng được kính trọng
Thưa bạn đọc, một điều cần nói rõ, không phải ai là "xếp" cũng được cấp dưới kính trọng, đôi khi còn ngược lại. Làm "xếp" mà không có cái tâm, không có cái tình, chỉ có cái "uy", không có cái "ân" thì khó có cấp dưới nào kính trọng. Phải không bạn? Một anh cấp dưới kính trọng một cấp trên chỉ lấy "uy", lấy "quyền" ra chỉ huy, hò hét thì anh cấp dưới đó xứng đáng được gọi là kẻ "nịnh thần". Kẻ dám nói thẳng nói thật mới đúng là cấp dưới đáng kính trọng. Con người nào cũng bình đẳng như nhau, khác nhau chỉ ở chỗ có được kính trọng hay không mà thôi. Ngay cả một chính thể dù có mạnh đến đâu, nếu những người được gọi là lãnh đạo, sống và làm có "tình", có "lý", có "tâm" là thuận lòng dân sẽ tồn tại, đi ngược lại với nguyện vọng của người dân, trước hay sau sẽ bị tiêu diệt. Tàn ác như Tần Thủy Hoàng, tưởng sức mạnh là vô địch, rồi cũng tiêu tan. Đó là lịch sử, là chân lý không thể thay đổi. Nhưng ở đây tôi không dám dài dòng về chuyện này.
Tôi chỉ muốn chứng minh rằng tại sao anh Phạm Xuân Ninh được hầu hết các cấp dưới của anh kính trọng, chính vì nhân cách lớn của anh. Nhân cách ấy thể hiện ngay trong lối sống hàng ngày, lối giao thiệp, tiếp xúc với mọi người quanh mình và ngay với thuộc cấp. Anh không là quân nhân chuyên nghiệp, không là sĩ quan học trường võ bị ra, nhưng anh lại là một người lãnh đạo rất giỏi, anh nói gì ai cũng nghe, sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ.
Làm việc với anh Ninh cứ như trong một gia đình, chẳng phải lo nghĩ gì đến những "âm mưu, thủ đoạn" với cái lưới kỷ luật lúc nào cũng sẵn sàng úp chụp lên đầu. Còn gì sướng hơn. Thưa bạn, đó chính là lý do tại sao khi anh ra đi, chỉ có lòng thương tiếc.
Một "cơn mưa buồn"
Cho nên khi anh ra đi, dường như có một cái gì thay đổi lớn lắm. Ngay từ ngày đầu tiên khi biết tin anh từ giã vĩnh viễn cuộc đời, anh em khắp nơi xôn xao, điện thoại, thư từ cho nhau. Mỹ gọi cho Úc, Úc gửi thư cho Pháp, Pháp gọi cho Canada, Canada gửi thư cho Việt Nam. Một nỗi tiếc thương âm thầm như khói sương lan toả trong tất cả những lá thư, dù là thư điện tử, dù là tiếng nói trong điện thoại đường dài. Không có tiếng khóc, đôi khi lại là tiếng cười cùng nhau, nhưng ..lại có cái gì đó bàng bạc nuối tiếc thầm kín. Tôi không thể định nghĩa được chính xác là cái gì và cũng không diễn tả được trọn vẹn tình cảm ấy. Chỉ biết "nó" là thật, là một cơn mưa buồn, như câu thơ anh làm trong "trại cải tạo" ở Long Giao vào năm 1975:
.. "Bây giờ giữa Long Giao
Ngồi nghe mưa sùi sụt
Cuộc đời như chiêm bao
Có hay không nẻo cụt?
Anh châm điếu thuốc lào
Mình say, mình say sao?"
Tưởng như mới hôm nào, anh ngồi cùng tôi ở trong cái gọi là "trại cải tạo", cùng hút chung "cái điếu cày tự chế", nay anh đã ra người thiên cổ!
Tôi chỉ là anh làm thơ vớ vẩn, tục gọi là "thơ ba trợn", nên làm xong bài nào là chỉ một thời gian ngắn đi vào lãng quên luôn. Đọc thơ anh xong, tôi cũng làm một bài dài thoòng, đáp lại "ông thi sĩ bậc thầy", cùng "ủ tờ", thiếu bạn thơ, nếu ở ngoài đời thường chắc tôi không đối đáp như thế. Bài thơ "ba trợn" của tôi được đặt tên là: "Khói thuốc trong tù", đến nay cố moi óc nhớ lại, cũng lõm bõm chỉ được vài câu lẩm cẩm như thế này các cụ ạ:
"Khói thuốc lào say xanh mầu nhớ
Hương xưa sầu đọng tím thời gian
Nghe sôi máu đỏ trong lòng điếu
Năm tháng vàng theo cuộc chiến tàn .."
Khoe với anh Hà, anh gật gù: "Cậu này chơi chữ gớm nhỉ, xanh, tím, đỏ, vàng, nghe được đấy chứ". Được đàn anh khen tôi phổng mũi, cứ định làm vài bài nữa trong tù nhưng bí quá, chẳng ra được bài "thổ tả" nào. Sau này có vài bài, cố nhớ mãi không được. Cái "bộ nhớ" đáng tin cậy của tôi bị vào "nhà tang vật" hơn hai năm nay mất rồi!
Một sự thật khác cần nói là anh mất ở tuổi 90 đã là thọ lắm rồi, chúng tôi đều biết anh đã suy nhược nhiều và ngày ra đi của anh không còn xa. Không "chết trẻ" để làm tăng nỗi đau xót tiếc thương. Nhưng riêng sự vĩnh biệt của anh làm nên nỗi tiếc nuối ngậm ngùi trải rộng như cơn mưa mùa đông. Anh không là "lãnh tụ" bất cứ cái gì, nên không có cảnh ôm nhau khóc rú lên, mà chưa chắc đã là thật. Người ta khóc lóc, lăn lộn vì những cái khác cho chính mình. Nhưng với anh Hà Thượng Nhân, tôi nghĩ, mọi người dành cho anh cả tấm lòng chân thật nhất.
Những "anh già" khó tính và dễ tính
Tôi lại xin nói đến một sự thật khác là vào thời buổi này, "cánh già chúng tôi", hỏi 10 người thì có đến 9 ông bày tỏ ước nguyện là nếu có phải "rửa chân lên bàn thờ, ngồi nhìn con gà khoả thân" thì chỉ xin đi cho nhanh, không đau ốm vật vờ, thế là đủ. Không còn ai sợ ngày ra đi nữa. Nhiều ông đã làm sẵn di chúc và dặn dò con cháu rất tưng tửng cứ như nói "bố đi chơi, mai về". Cũng chẳng phải là muốn được đi ngay cho được việc. Cứ thản nhiên sống hết quãng đời còn lại. Có ông vẫn miệt mài làm việc sợ "quỹ thời gian" còn rất ít. Có ông thảnh thơi chọn cái thú an nhàn bên con cháu. Nhiều ông nói sống đến được tuổi 90 là đủ rồi, nếu không muốn nói là thừa. Được ra đi như anh Ninh là một "hạnh phúc" lớn. Tôi cũng nghĩ như vậy.
Thật ra là bạn bè, dù đã trên dưới 50 năm hay mới hơn chỉ có 5-10 năm, chúng tôi cũng đã có đôi ba "anh già" giận hờn nhau, tức bực nhau vì những chuyện thật, chuyện giả, chuyện hiểu đúng hay hiểu lầm nhau vì người khác mang lại, thường có trong cuộc sống như một lẽ tự nhiên. Có những chuyện tưởng như không thể dung hoà được, không thể "nhìn mặt nhau". Ở đây tôi không nói đến chuyện "lập trường chính kiến" có màu sắc chính trị, đó là quyền của mỗi người. Tôi chỉ nói một tình bạn thông thường như bạn từ lúc còn để chõm, từ lúc vào đời, lên đời hay xuống đời.
Có những "anh già khó tính" hơi tí là giận, lại có những "anh già dễ tính" cái gì cũng cười hà hà cho xong. Thưa thật với bạn đọc, tôi lại nằm trong cả hai trường hợp trên. Nhưng sự "giận hờn" của tôi, nếu có, bao giờ tôi cũng để trong một giới hạn nhất định. Tôi thường tự hỏi "không biết mình giận nó đúng hay sai". Tự nhiên trong lòng nổi lên một điều gì như nỗi băn khoăn, có vẻ là một chút hối hận. Tôi đã nhận được hàng trăm những clips, video ca tụng về TÌNH BẠN. Gần đây nhất, là một clip rất ngắn gọn: "CÓ MỘT NGƯỜI BẠN LÀ MỘT ÂN HUỆ, MỘT MÓN QUÀ, MỘT ĐẠO ĐỨC, MỘT VINH DỰ".
Đọc câu "châm ngôn" rất bình dị đó bên những cánh hoa, tôi thấm thía và có mặc cảm như một thứ "tội đồ" vì có thể đã đánh mất một người bạn nào đó. Thật sự tôi rất buồn cho mình. Rồi đến lúc nào "bạn ta ra đi", tôi sẽ phải nghĩ gì đây?
Anh Hà Thượng Nhân vừa vĩnh biệt anh em, tôi nghĩ là không bao giờ dám làm mất bất cứ người bạn nào, dù người bạn đó, tôi tưởng là ghét tôi hay thương tôi. Tôi biết là học được bài học này quá dễ, song làm được thì .. hơi khó. Khi "cái tôi" chỉ là sự tầm thường, như câu phương ngôn Pháp: "Le moi est haissable" chắc tôi sẽ làm được. Không có cái gì là khó, không bao giờ là muộn cả.
Mấy anh già nói chuyện lẩm cẩm
Trở lại về sự ra đi của anh Hà Thượng Nhân, đến hôm nay, đã có rất nhiều báo loan tin buồn này và đã có nhiều bài viết về anh cùng với hàng loạt lời "Chia buồn", "Phân Ưu" với cả trang tên tuổi đính kèm, nếu muốn ghi hết. Bạn có thể đọc trên hầu hết các tờ báo, các trang web phổ biến những bài này.
Ngoài những người đã từng là bạn của anh, là cấp dưới của anh có tên trong những bản "chia buồn", tôi tin là còn nhiều những người bạn khác, vì một lẽ nào đó, chưa có tên trong danh sách này. Có lẽ là các vị soạn thảo cũng vội vàng nên làm sao tránh được thiếu sót. Có cả những vị không quen biết nhưng mến mộ anh qua những thi phẩm.
Tôi không dám đại diện cho ai cả, nhưng tôi hy vọng nói được một phần tiếng nói chung của khá nhiều bạn bè anh, cũng là bạn tôi, mà trong lời "Phân Ưu" không thể nói hết. Biết đâu, cũng là nỗi lòng của nhiều độc giả đã từng mang chung tâm trạng này trong nhiều trường hợp khác nhau.
Vài hàng gửi đến hương hồn người quá cố Hà Thượng Nhân và giãi tỏ tấc lòng chân thật cùng với "cánh già" chúng tôi. Nếu các bạn trẻ có đọc thì xin hiểu cho "mấy anh già nói chuyện lẩm cẩm với nhau ấy mà". Thế là người co đầu gối, còm cõi trước computer, bên trời lận đận cũng mãn nguyện lắm rồi.
No comments:
Post a Comment