Friday, March 30, 2012

Ăn Cơm Việt Nam ... - TMH

___________



 
           Ba nuôi tôi  Họ Thái tên Dục Thụy , tự Thụy An  sinh năm 1906  ở Đông Môn thành Triều An ( Chính là  thành Triều Châu , người ở đây nói tiếng Tiều chuẩn và thanh lịch nhất) . Gia đình ông nội tôi làm nghề nhập cảng và phân phối rượu Johnny Walker , thuốc hút Craven A ( Mèo Đen ) và 555 của Anh Quốc .
Ba tôi có hai anh trai, một em gái ( Gả về Hạ Môn làm dâu nhà họ Hoàng chuyên trồng nho và làm rượu Bồ Đào , cô Tư mới mất năm 2009 thọ 101 tuổi ) và một em trai út Thái Dục Minh ( Tốt nghiệp Ban Hán Văn đại Học Bắc Kinh năm 1935 , qua VN năm 1938 , trở về Tàu năm 1945 và mất tại quê nhà năm 1951 vì bịnh lao phổi ) .
 
          Năm 14 tuổi (1920) , ông được chứng kiến Nguyên soái Tưởng Giới Thạch trên đường gom quân các tỉnh phía nam để chuẩn bị cuộc bắc phạt quân phiệt vùng Hoa Bác đã ghé qua Triều Châu bái mộ trạng nguyên ( có câu nói Triều Châu xuất trạng nguyên ) .Từ trên lầu nhìn xuống đại lộ , vị Nguyên soái cao lớn uy nghi, mặc bộ quân phục màu lục bên ngoài khoát  áo choàng nhung , cởi trên con bạch mã phi nước kiệu lên trước, theo sau có bốn năm vị tướng quân và đoàn binh mã. Đoàn quân đang trên đường lên núi đến mộ  trạng nguyên  . " Cỗ lai chinh chiến kỷ nhân hồi " . Hình ảnh  những thanh niên khoác chiến y , dấn thân vào nơi gió cát chẵng biết có được ngày về đã in sâu trong ký ức của người thiếu niên hằng ôm ấp mộng hải hồ là ba tôi , cho dù mấy chục năm sau ông ông kết thúc “ giấc mộng con “ làm anh Tàu bán thuốc bắc bình dị, siêng năng nơi xứ lạ quê người là đất nước Việt Nam.
 
       " Khách trú " là người ăn nhờ ở tạm xứ người để mưu sinh và làm giàu trên mờ hôi nước mắt của người bản xứ , họ ăn gạo, uống nước của xứ người mà không hề gắn bó với " chủ nhà " . Đó là nét đặc trưng của Hoa kiều khắp thế giới . Vậy mà chú chệt bán thuốc bắc nầy thì khác hơn một chút . ba nuôi tôi luôn có tình cảm và sự mến phục đối với người " đi lính " cho dù đó là lính của xứ người.
          
 Trong thời gian chín năm kháng chiến , nhà tôi còn ở tại ngả ba Kinh Dài và Kinh Thứ Nhứt . Đó là căn nhà ba gian hai tầng , tường gạch tiểu 40 ( dầy bốn lớp gạch tiểu ) . Ba tôi đang làm ăn phát đạt , bộ đội về là ở chung quanh nhà và ông bà lúc nào cũng nuôi cơm tươm tất . Má tôi thì rất sợ Việt Minh , còn ông già thì hể rảnh là đi kiếm mấy anh bộ đội nghe kể chuyện đánh giặc . Ông khoái nhất là Tiểu Đòan 307 ( còn nhớ ...  Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy , tiếng Tiểu Đoàn 307 .  307 ... 307 ... đánh đâu thắng đấy ... sút quần không hay ... ) và khoái nghe 307 đánh trận Tầm Vu , ông theo dỏi trận đánh ... bằng miệng mà mặt mày ông khẩn trương , khoái trá như chính ông đang đánh giặc .
 
Rồi ngày tháng tốt không được bao lâu , hai chiếc tàu Tây phá cảng vàm Kinh Dài , trước khi vô tới ngả ba , tiếng súng đã nổ rền phía vườn dừa Ông Xả Trượng , hai chiếc khu trục từ phía Xẽo Dinh nhào tới vừa bắn vừa thả bom , dân làng mạnh ai nấy tìm tranchée nhảy xuống , còn bộ đội thì laị hè hụi lôi mấy khâu mortier lên đặt trên sân thượng đón bắn tàu Tây . Một chiếc tàu Tây bị bắn hư hại nặng tại ngã ba , còn một chiếc tháo lui chạy miết về hướng Rạch Giá . Nhưng trước khi lính Tây rút đi , tụi nó cũng nã vô số đạn đại liên và súng côi lên lầu , hai chiếc máy bay thì trút hết bom đạn lên căn nhà duy nhất mà nó coi như cái pháo đài của Việt Minh . Kết cục ...  bộ đội mât trên hai chục mạng còn căn nhà của ba tôi thì chỉ còn tầng dưới mà mấy đám cháy cũng thiêu rụi hết hàng hóa tủ bàn .
 
          Trận chiến tàn , trong làng không bị thiệt hại nhiều , chỉ có nhà ba tôi thì tan hoang và bộ đội chết xếp hàng trước sân . Má tôi vừa mất nhà vừa mất của nên khóc lóc ỏm tỏi . còn ông già thì chạy vô chay ra rồi cũng chay mất tiêu hoài ...bà gia tức quá la ổng ...
             - Nhà cửa tiêu tan , tùm lum tà la sao ông không lo mà cứ chạy như dịch thúc đit vâỵ ??
          - Trđất ơi ...  dịch thúc đít ... tui ... hồi nào ... tui lo lấy tiền kêu người ta đi mua ván về đóng hòm chôn mấy thằng nhỏ bộ đội ... con người ta chết mấy chục đứa , bộ lứ hổng thấy sao .... 
            
 Năm 1969 , người anh bà con là Đại úy Lâm Quý Thành ( 1975 là Quận Trưởng Hà Tiên ) dẫn một đại đội Địa phương quân xuống tàu tại bến đò An Hòa để tiếp viện cho trận đánh gần Vĩnh Thuận . Anh Tư Thành ghé vào nhà thăm cô dượng Sáu một chút rồi theo lính xuống tàu . Ông già đi xuống bến đò nhìn theo cho đến khi chiếc tàu cuối cùng rời bến rồi lội về nhà , mặt mày buồn hiu . Bà già hỏi
         - Thằng Thành đi rồi hả ?
         - Ừ ... tội nghiệp mấy thằng nhỏ ... hổng biết có được mấy đứa trở về ...
         - Ông nói lầm bầm cái gì vậy ?  Ông già không trả lời , ngó qua tôi xổ nho Tiều ... Nhứt tướng công thành vạn cốt khô ...  chiến tranh thiệt là ngặt ... rồi ngó qua bà già cười cười ...
         - Tui nói ... đứa lính nào cũng là con tui hết ...
 
            Những buổi tối mùa hè nóng nực , mấy ông Tàu trong xóm An Hòa ưa tụ tập trước căn tiệm tạp hóa kế bên nhà tôi tán gẩu . Thường thì họ ưa nhắc chuyện quê nhà - Từng Sua ( Đường Sơn , chỉ bên Tàu ) . Ông già tôi  đứng bên đây chỏi tay lên cây cột lắng nghe mà ít khi lên tiếng . Nghe một chập ông bỏ đi vô nhà , cái đầu thì lắc lắc, miệng nói lầm bầm . Bà già nhìn ông hỏi                  
            - Tối ngày cứ nói lầm bầm trong miệng , tui coi ông sanh tật rồi à ...
  - Chời ơi ... cái bà nầy ... hổng có chuyện gì tui nói làm chi ... tui nói mấy cái thằng dốt mà cứ nói từng sua , từng sua .... từng sua cái gì cũng có, từng sua cái gì cũng tốt , từng sua cái gì cũng ngon ... mẹ nó , ở từng sua đồ ăn nhiều quá ngon quá sao hổng ở bển ăn đi , qua đây làm chi ...
             - Ủa ... bộ hông phải sao ... trái vải , trái xá lị , giò heo Bắc Thảo, cà na muối hông phải bên Tàu gởi qua sao ... ba cái rượu ông uống hông phải bên Tàu làm sao ?
 
            - Phải chớ sao hổng phải ... đồng ý là bên Tàu có đủ thứ ... ở đây cũng có vậy... có tiền thì cái gì cũng có , ở đâu cũng có ... tui dám chắc mấy thằng nầy hổng có thằng nào được ăn mấy thứ đó hết... trời ơi ... Ngũ Gia Bì , Mai Quế Lộ .... tui dám chắc cái bình nó còn chưa thấy nữa , rượu đâu mà uống ... , Ở bên Tàu … một người có tiền có tới mấy ngàn người hổng có cơm mà ăn ... xứ Hẹ đàn bà làm ruộng còn đàn ông thì giử con ... lứ thấy hông , đàn bà Hẹ bà nào cũng cao lớn như Số Hai Cụi đó , còn đàn ông thì như nước cơm chắt ... nhỏ xíu , nó gìử con thì chỉ được uống nước cháo thôi , đàn bà thì được ăn có chút gạo .... ở bên Tàu đói thấy mẹ mà qua đây thì cứ nói bên Tàu tốt ...
 
        - Sao ông biết người ta đói muốn chết ...
 
        - Chời ơi ... có lứ mới hổng biết , tui ở Tìa An ( Triều An ) là thành phố lớn ,được đi học , được coi hát Tiều , được đi ăn cao lầu ( nhà hàng ) ,còn mấy cha nội nầy nhà quê dốt thấy mẹ ... một trăm người có một hai người biết chữ thôi , làm chết mẹ cũng hổng đủ cơm ăn , đói quá mới chạy qua đây ... . lứ thấy mấy người " cắc chú rẩy " ( Tiều làm rẩy ) ở Tắc Cậu hông , tụi nó còn sung sướng hơn mấy thằng ở bên Tàu mấy chục lần ... tui thấy ở Việt Nam là đầy đủ ... gạo trắng tươi , tôm cá ăn thấy mẹ hổng hết , lứ thấy có ai chết đói hông ...
 
         - Có chớ ... hổng nhớ hồi Nhựt đảo chánh Tây hả ... quần bao áo bố , đói quá ăn củ chuối củ nừng ... cũng có người chết ... 
Ông giàchắc lưởi ...
         - Ối ... mấy trăm năm mới có một lần , nhà mình có đói ngày nào đâu ... chết mấy người mà nhằm nhè gì , ở bên Tàu ngày nào cũng có người đói chết , có khi chết hết một làng , chết mấy chục ngàn người đừng nói mấy người ... mấy thằng ngu nầy phải kêu chánh phủ trả nó về Tàu cho Ông Mao bỏ đói nó mấy tháng , chừng đó nó mới biết ở Viẹt Nam là sung sướng ... tui nói cho mà biết , ở đất địa nào cũng linh thiêng , ăn cơm Việt Nam mà  cứ ngóng ngóng bên Tàu , thế nào cũng tàn mạt .... (????) .
 
 
 

No comments: