Saturday, October 13, 2012

MỘT VẦNG TRĂNG VỠ... Hồ Thủy

____________



Hai ngày nay…vào buổi chiều; khi cái dĩa tròn màu đỏ ối bắt đầu lặn xuống và nằm sau ngọn đồi phía xa kia; là anh lại ra đây; ngồi bên gốc thông già trên vạt cỏ non mượt mà như nhung này, trước mặt là một thung lũng chạy dài, dưới thung lũng thấp thoáng một con suối nhỏ mà dòng nước là một vệt màu xanh lấp loáng những ánh sáng bạc uốn lượn quanh co của hai ngọn đồi; khi ẩn, khi hiện.
Nhưng chiều nay có một cơn mưa rào, mưa bất ngờ ập đến và rồi tạnh cũng nhanh, mây loãng dần để lộ ra vài mảng trời xanh, nắng từ những khe hở của mây xuyên qua và chiếu xuống đồi nương; với từng vệt màu vàng hanh của cỏ úa.
Màu vàng của nắng chiều sau cơn mưa đẹp lạ lùng, anh đã từng tưởng tượng ra một sắc màu của nắng sau cơn mưa chiều phủ lên cánh đồng lúa chín vàng ở miền Pastoral xa xôi mà Beethoven đã ghi lại bằng những giòng nhạc bất hủ qua Symphonie số sáu –còn gọi là Symphonie Pastoral - của ông, anh nghe hoài mà không biết chán. Bây giờ thì anh đang được chiêm ngắm màu nắng diệu kỳ này, tuy rằng nó không phải ở miền Pastoral; mà ở ngay trên quê hương anh - một Phố Núi Pleiku mà anh đã xa cách từ thuở bé, và mới trở về thăm được ba ngày nay thôi - màu nắng này không chiếu lên cánh đồng lúa chín vàng mà nó lại phủ lên cánh đồng cỏ xanh mượt như nhung. Tuy nhiên tâm hồn anh khi nghe Symphonie Pastoral và tâm hồn anh lúc này đây đều có cùng một cảm xúc như nhau: đó là nỗi bồi hồi xao xuyến, là bâng khuâng chơi vơi, cùng với sự bay bổng lênh đênh…nên màu nắng anh được nhìn hay màu nắng anh tưởng tượng đều rất đẹp; đẹp đến nổi làm cho tim anh thắt lại và da gà thì gờn gợn nổi lên khắp người, nhất là trên hai cánh tay.

Anh mở giá vẽ và dựng nó lên; đặt khung vải hình chử nhật màu trắng ngà vào đó; rồi lấy ra từ trong túi xách những cây cọ đủ cỡ lớn, nhỏ và những ống màu…anh tự nhủ với mình: chiều nay; trước khi ra về phải ghi vào trong khung vải này những sắc màu của trời và đất; của cỏ cây hoa lá và nhất là màu nắng vàng hanh tuyệt vời này.
Anh pha màu, bình thường thì đây là một công việc không mấy khó nhưng sao chiều nay bỗng dưng lòng anh xôn xao quá đổi nên anh không thể nào pha đúng ý mình cái màu nắng vàng hơi có chút rực rở sau cơn mưa, mà nó lại ra một màu vàng hơi sâm sẫm như nắng úa của buổi chiều tà…

- Anh họa sĩ ơi…à…
Anh giật mình quay về phía phát ra tiếng nói; chao ơi…một cô gái thật dễ thương đang tròn mắt nhìn anh và mĩm cười một cách thân thiện; da nàng trắng hồng, đôi mắt to tròn có cái nhìn ngây thơ như “con nai vàng ngơ ngác”…mái tóc dài chỉ vừa chấm lửng ngang vai, nàng mặc bộ bà ba màu hoa cà, chân đi đôi guốc mộc có kiểu dáng rất ngộ nghĩnh. Anh hơi bị hoa mắt, đầu óc chếch choáng khi nhìn thấy nhan sắc của người con gái hơi qua khỏi tuổi dậy thì một chút. Nàng lại lên tiếng, giọng thánh thót như chim:
- Anh họa sĩ…sao nhìn em dữ vậy?
Anh giật mình thêm một lần nữa và sau đó “định thần” lại, cười nhẹ:
- À…đùng một cái…em xuất hiện làm anh…
- Hết hồn…phải không?
Cô có vẻ tự nhiên hơi quá một chút làm anh e ngại, hình như đọc được ý nghỉ của anh nên nàng nói như thể phân bua:
- Ở đây chỉ có em, anh và phong cảnh thiên nhiên của núi đồi đẹp tuyệt vời này…nên em đâu cần phải thẹn thùng e lệ…
Anh nháy mắt cười:
- Ừ nhỉ; thế mà anh không…”thấy”. Nhưng em không sợ gì sao? Vì chỉ có một mình em với anh? Mà em thì rất xinh đẹp.
Nàng ngồi xuống dưới một gốc thông già, giọng khá tự tin:
- Không.
- Tại sao?
Nàng đưa một ngọn lá thông khô lên miệng ngậm, mắt nhìn xa xăm về phía cuối thung lũng; lúc sau nàng mới giải thích:
- Thường mỗi khi đứng trước người đẹp; thì…họa sĩ thích tô điểm, nhạc sĩ thường ca tụng, văn sĩ ưa tâng bốc còn thi sĩ lại…ví von ca ngợi…không ai trong số họ nỡ làm cho người đẹp bị đau đớn, chỉ có những ông “nhậu sĩ” là hung hăng vồ vập mỗi khi thấy người đẹp…mà anh là họa sĩ…đúng không?
Anh bước đến ngồi xuống cạnh nàng một cách tự nhiên:
- Chưa hẳn là họa sĩ vì còn một năm nữa anh mới ra trường…mà này…em làm như mấy ông Văn; Thi; Họa; Nhạc sĩ là…thánh không bằng, đừng dại khờ mà nghỉ như vậy. Tận trong sâu thẵm của mỗi con người đều có những sân si tội lỗi xấu xa.
Nàng cười; giọng trong veo:
- Em có học vỏ để phòng thân… mà anh từ đâu đến đây?
Anh hỏi ngược lại:
- Còn em? Em ở xứ này hay cũng chỉ là người khách lạ ghé qua như anh? Tên em là gì? Nhà ở đâu ? Học lớp mấy ? Bao nhiêu tuổi?
Bây giờ thỉ giọng nói của nàng chuyển sang buồn và dè dặt:
- Em không trả lời những câu hỏi của anh đâu…mà thôi; chiều quá rồi, trời không còn nắng nên em phải về.
- Chiều mai em có ra đây không?
- Có thể…
- Vậy hẹn em chiều mai nhé.
Nàng đứng lên mĩm cười chào anh rồi đi theo con đường mòn đất đỏ. Anh nhìn theo dáng đi uyễn chuyễn mềm mại của người con gái, lòng chợt bâng khuâng với một niềm vui mới lạ, nhen nhúm cho một sự đợi chờ. Khung vải vẫn không có gì ngoài đôi ba nét chấm phá với một sắc màu không phải là nắng vàng hanh sau cơn mưa hay màu vàng cỏ úa…nhưng sao anh thấy nó thật đẹp, thật nên thơ như một bức tranh trừu tượng ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Anh đứng lên cầm cọ nhúng vào màu; tay đưa lên hạ xuống chấm phá thêm vài nét không chủ định rồi buông cọ ngồi lại một lúc trên gốc cây nàng đã ngồi. Có một chút ngẫn ngơ khi anh đứng lên thu xếp giá vẽ, hộp đựng màu…và bước theo con đường mòn nàng đã đi qua, đến một ngã ba anh tần ngần nhìn quanh rồi đi về hướng ngôi nhà mình đang ở.


Anh có ý mong đợi người con gái của chiều hôm qua nên đâm ra hờ hững với giá vẽ; khung vải cùng những cây cọ; hộp màu...mặc dù không gian quanh anh bao la bát ngát đầy màu sắc gợi cảm của trời mây và cây cỏ, thế nhưng anh không thể nào pha được màu để phết vào khung vải hình ành rất đẹp của thiên nhiên ở nơi chốn này, bởi vì lòng anh đang bồn chồn, nôn nóng lẫn ngẫn ngơ chờ đợi bóng dáng nàng.
Có tiếng bước chân rất nhẹ ở sau lưng, anh vội vàng quay lại và reo lên; không cần che dấu cảm xúc của mình:
-Mừng ghê; anh cứ sợ là em không đến vì đã chiều lắm rồi.
Nàng cười nhẹ nhàng:
-Em đã định không đến nhưng lại muốn xem anh vẽ tranh.
- Anh vẽ em nhé?
Nàng vội lắc đầu:
- Đừng…bốn bề quanh anh đều đẹp theo từng góc độ có sẵn mà anh thấy, anh nên vẽ cảnh đẹp của đất trời; cỏ cây; hoa lá…còn em; anh chưa thể thấy trong tâm hồn em có những gì? Và như thế nào? Thì làm sao vẽ được em cho thật đúng…là em.
Anh cười:
- Xì…em chỉ cần ngồi yên là anh sẽ phát họa ra em, đưa em vào khung vải này…dễ ợt.
Nàng bĩu môi:
- Nhưng anh sẽ không thể đưa hồn em vào trong tranh của anh, mà Tranh phải có hồn thì mới đẹp.
- Em khéo lý sự…
Cô gái ngồi xuống trên một nhánh rể cây khô, hai tay nàng chống cằm, mắt mơ màng:
- Đối với em thì mọi thứ hiện diện trên trái đất này đều có cái hồn riêng của nó. Nếu khi vẽ tranh mà anh không đưa được cái hồn vào tranh thì không thể làm cho người xem xúc động được. Cũng như người nhạc sĩ; nếu trong nhạc của ông ta không có hồn thì ai mà nghe cho nổi…
Anh cười lớn vì sự ví von của nàng và cố ý nói đùa:
- Chỉ vì em khó tánh đó thôi, chứ như anh thấy có rất nhiều bàì hát của các ông nhạc sĩ…nhiều đến độ phát…ngộp thở, lời và nhạc cũng chẵng ra làm sao mà có ai nói gì đâu nào? Ca sĩ vẫn hát và người ta vẫn nghe.
- Thế nhưng…để có được một bản nhạc mà mỗi khi nghe thì da thịt mình nổi cả cả gai ốc, và tim mình thì quặn đau; hoặc làm cho tâm hồn mình lâng lâng phơi phới…thì hiếm lắm. Ngày xưa ấy…cái thời của ông bà mình thì những tác phẩm của: văn; thơ; nhạc; họa…không nhiều như bây giờ; nhưng nó lại ở trong lòng người và sống mãi với thời gian; chỉ vì trong bản nhạc; bài thơ, hay trong bức tranh ấy có hồn, mà linh hồn là bất diệt. Tranh không có hồn là tranh…chết, chán ngắt.
Anh nheo mắt nhìn cô gái đẹp:
- Có vẻ như em “rành” về nghệ thuật quá nhỉ?
- Em thích xem tranh; nhưng với riêng tranh của Picaso thì em không thể nào hiểu nổi; bởi vì bức tranh nào của ông ta cũng bị méo mó dị dạng nên em không thích…ấy thế mà có rất nhiều người cố làm sao “moi” ra cho được một chút ý tưởng trong tranh Picaso; chỉ để chứng tỏ rằng ta đây là người biết xem tranh...Em thích tranh Thủy Mạc của họa sĩ Trương Hán Minh vì tranh của ông ấy rất có hồn, mỗi lần nhìn tranh của Trương Hán Minh là em chỉ muốn được tan ra và hòa vào trong tranh của ông ấy.
- Em lãng mạn quá chừng.
Nàng đang hăng say bình luận nên không để ý đến lời nhận xét của anh:
- Mọi thứ trên trái đất này đã được Thượng Đế tạo ra mọi đầu tiên, riêng con người thì được tạo ra sau cùng để làm chủ những thứ đầu tiên ấy, Ngài cho con người có một linh hồn trong đó là một tâm hồn với thật nhiều cảm xúc để rung động. Nhờ thế nên con người mới biết “thổi hồn” vào những thứ vô tri mà Ngài đã tạo ra trước đó.
Anh ngạc nhiên và thích thú vì những suy nghỉ của nàng, nàng nói tiếp qua một chủ đề khác:
- Em rất thích nghe nhạc…tuy nhiên em cũng rất “kén”; em chỉ nghe bản nhạc nào mà nó làm cho em phải run rẩy và đầy cảm xúc…nhưng trong các loại nhạc thì em vẫn thích nhất là nhạc Cổ Điển và nhạc Đồng Quê.
- Anh cũng thích nhạc cổ điển…còn thơ văn?
- Em chỉ thích Hội họa và Âm nhạc, còn về Văn, Thơ thì em cũng không rõ là mình thích thơ gì? Của ai? Chỉ cần đọc bài nào mà em xúc động là đủ cho em…học thuộc lòng, chẳng hạn như thơ của Nguyễn Bính. Văn chương thì cũng vậy…em thích nhất là đọc truyện của các ông trong Tự Lực Văn Đoàn.
Và như muốn chia tay, nàng nói:
- Chiều lắm rồi em phải về thôi…
- Anh đưa em về nhé?
Nàng lắc đầu từ chối:
- Nhà em ở cũng không xa đây là mấy…
Anh hỏi thêm:
- Chiều mai em có ra đây không?
Nàng lại trả lời lấp lững:
- Có thể…
- Hãy ra sớm…anh chờ.

Những cảm xúc trong anh thật lạ lùng, từ trước đến nay chưa bao giờ anh có được thứ cảm xúc như thế này nên anh khó mà phân tích cho đúng từng phần, vì tất cả đều trộn lẫn vào với nhau, nhưng trên hết là nỗi đợi chờ nôn nao, có thêm chút bồi hồi nhung nhớ. Suốt một đêm, rồi một sáng…cho đến một buổi trưa mà anh cứ ra ngẫn vào ngơ; cảm thấy thời gian trôi quá chậm, y như là kim đồng hồ đứng yên một chổ. Thứ cảm xúc anh đang có làm cho anh không muốn ăn uống gì cả, chỉ muốn buổi trưa vút qua một cái vèo để buổi chiều vụt đến thật nhanh. Nhưng cũng có lúc anh gờn gợn trong lòng, nó dấy lên một cảm giác sợ hãi mơ hồ với ý nghỉ “cô gái có thật hay là một…hồn ma”? nhưng nếu là hồn ma thì nó chỉ đến vào ban đêm khi trời tối thui kìa…tuy nhiên dù là người thật hay là hồn ma đi chăng nữa thì cũng có những quyến rũ; mời gọi rất riêng và đầy hấp lực.

Anh đến chốn cũ sớm hơn những ngày trước và thật là bất ngờ khi cô gái đã có mặt tại nơi đó trước cả anh. Nàng chào anh bằng một nụ cười thật tươi và hồn nhiên nói:
- Em biết thế nào anh cũng đến đây sớm, hôm nay anh hãy vẽ tranh; đừng nói chuyện nhiều.
Anh phì cười vì đã qua hai lần gặp nhau mà nàng là người nói nhiều nhất. Anh lúi húi mở giá vẽ; dựng nó lên, nàng nhanh tay phụ anh lấy những cây cọ và ống màu, chai nước…trong khi anh đặt lên giá vẽ cái khung vải thì gió thổi mạnh làm tóc nàng vương vào mặt anh, ôi chao; tóc nàng thơm quá làm cho tâm hồn anh ngất ngây…
Nàng thở ra và reo lên:
- Xong rồi.
Anh lại cười vì tiếng reo của nàng, đây là con chim sáo nhỏ chứ không phải là một cô gái, anh nói cho nàng nghe ý nghỉ của mình:
- Em…ngộ quá à; cứ như là một con chim sáo.
Nàng đến ngồi bên gốc cây, nơi hôm qua nàng đã ngồi, rồi đưa tay chỉ về phía trước mặt của hai người:
- Không; em là chim vành khuyên. Thôi; anh vẽ tranh đi, kia kìa, hai ngọn đồi có màu cỏ xanh mượt như nhung đang dập dềnh trong gió thật là đẹp, giữa hai ngọn đồi là một thung lũng với dòng suối nhỏ… trên trời thì từng đám mây trắng bồng bềnh như bông gòn đang trôi lờ lững…anh phải vẽ làm sao cho thật giống như những gì em thấy.
Trời ạ; một câu ra lệnh vô cùng dễ thương, mắt nàng đăm đăm nhìn về nơi xa xăm, anh tủm tĩm cười nói thầm:“ừ thì vẽ”; nhưng anh lại không vẽ lên tranh ngọn đồi, đám mây, dòng suối…mà anh vẽ người con gái: Hai tay nàng đang chống cằm với đôi mắt mơ buồn nhìn về chốn xa xôi, đôi môi hình trái tim màu hồng phấn, đôi má phụng phịu như đang dỗi hờn ai đó, và mái tóc mây óng mượt buông xõa ngang vai, khung nền sau lưng nàng là ba cây thông già cao vút, còn phía trước mặt nàng là thung lũng, đồi nương và giòng suối…cây cọ trên tay anh như xuất thần; cứ thế mà say mê từng nét chấm phá sống động lên khung vải với những màu sắc được pha trộn thật tinh tế.
Thời gian như ngừng trôi, sự im lặng kéo dài giữa hai người thật êm đềm nhẹ nhàng; hình như anh và nàng chỉ nghe được tiếng gió lao xao mà thôi. Nàng có vẻ mỏi vì ngồi lâu nên đứng dậy và rồi kêu lên đầy ngạc nhiên thích thú khi thấy…
- Ai như là em?
Anh nheo mắt nhìn nàng và cười:
- Ừ; thì đúng là em, cũng có hồn đó chứ.
Nàng nhìn thật kỷ mình trong tranh rồi phán một câu thay cho lời khen tặng:
- Nhờ đôi mắt…hồn em ở trong đôi mắt ấy.

Hôm nay hai người ngồi lại trên ngọn đồi này lâu hơn hôm qua, trời đang về chiều và nắng đã tắt, tất cả không gian từ từ đổi qua màu xám nhạt với một màn sương mỏng như tấm khăn voan. Trăng mười ba hơi méo đang nhô cao mặc dù trời chưa hẵn là tối lắm, tự nhiên đôi mắt người con gái vương buồn, một tiếng thở dài rất nhẹ, nhẹ như làn gió thoãng qua nhưng anh vẫn nghe được rất rõ tiếng thở dài ấy của nàng.
- Hình như em đang buồn? Có muốn về không vì trời đang tối? hay anh đưa em về nhé?
Nàng tần ngần khi đứng lên và nói như là hát; câu đầu của một bản nhạc:
- “Ừ thôi em về…trời mưa dông tới”…

Anh ôm giá vẽ, nàng ôm khung tranh, hai người đi bên nhau trên con đường mòn, nàng không nói gì và anh cũng thế, đôi khi sự im lặng còn có ý nghĩa hơn vạn lời nói. Trước cổng nhà nàng là một cây bông giấy có rất nhiều hoa. Bây giờ thì trăng sáng lắm, sáng đến nổi nó soi rỏ mảnh sân nhà nàng với những chậu bonsai Mai Chiếu Thủy. Trời không có mây.
Anh nói vời nàng trước khi nàng bước qua cổng:
- Anh tặng em bức tranh này, chiều mai chúng mình gặp nhau chứ?
Lần này thì nàng trả lời dứt khoát, không lấp lững như mấy lần trước:
- Em sẽ đến sớm. Cám ơn anh vì…em rất đẹp. Tối mai chưa là rằm nhưng trăng vẫn sáng lắm anh à, em muốn anh hãy chờ để vẽ đêm trăng tròn.
Anh bật cười vì nàng có kiểu nói như là ra lịnh nhưng mà quá dễ thương làm anh gật đầu liền. Khi hình bóng nàng đã khuất sau cánh cữa anh mới quay lưng đi về.
Đêm trăng lung linh huyền ảo như đêm của liêu trai, mùi thơm của tóc nàng theo anh về đến tận nhà, nó làm cho tâm hồn anh vương vấn.

Nàng không đến sớm như lời hẹn hôm qua làm anh bồn chốn đứng ngồi không yên, nữa muốn qua nhà nàng, nữa sợ rằng không gặp thì lại buồn hơn. Giá vẽ, khung tranh đã sẵn, chiều đã xuống, nắng đã tắt và trăng thì đang lên, còn anh thì đang nóng lòng chờ đợi, mọi thứ đều “đã” và “đang”, chỉ riêng nàng là chưa đến, anh đang nóng ruột mong…nàng “sẽ” đến.
Nhưng nàng đã không đến làm anh chờ đợi mãi và cuối cùng thì anh đành lủi thủi quay về.
Anh không sao ngủ được; đêm thật dài mà anh thì cứ mãi thao thức với một chút buồn, giận trong lòng. Tại sao nàng không đến như lời nàng đã hứa?

Hôm nay là ngày rằm. Hôm nay nàng có đến không?
Đúng là trăng mười lăm đẹp mê hồn, giữa không gian bao la tỉnh mịch này, giữa đất trời mênh mông thinh lặng này thì Trăng đang làm chủ, đang khống chế tâm hồn anh, đang làm anh say đắm ngất ngây. Có tiếng chân đi rất nhẹ, anh rùng mình và trái tim nhói thắt lại một cái…nàng đang đến, nàng đang là hiện tại ở bên anh với một tiếng cười trong veo và giọng nói của nàng thật thanh tao kèm thêm chút tình nghịch:
- Em cố ý đến chậm để anh phải chờ đợi…để anh được “ngó lên tay điếu thuốc lá tan dần”; thích không? còn hôm qua thì em…bận nên đã không đến đây với anh. Em xin lỗi.
Anh chỉ muốn nhào đến ôm lấy người con gái lạ lùng này, người con gái đã làm cho tim anh đập nhanh hơn bình thường, nhưng nàng lại “ra lịnh”:
- Anh bắt đầu vẽ đi, trăng đêm nay đẹp quá, nhất là ở một nơi như thế này.
Thay vì nhảy đến để ôm nàng thì anh lại phải cầm cây cọ và hộp màu nước lên, nàng lại ra lịnh:
- Anh chỉ lấy ba màu thôi; này nhé: màu đen, màu vàng và màu trắng.
Anh ngạc nhiên la lên:
- Ơ…sao kỳ vậy? Anh vẽ hay em vẽ đây hả?.
Nàng gắt nhẹ:
- Thì anh vẽ, nhưng phải vẽ theo ý của em, em sẽ giúp anh thổi hồn vào bức tranh của anh đêm nay.
Và nàng “dạy” cho anh…với ba màu: trắng; vàng; đen. Đầu tiên anh “nhiểu” một chút xíu màu đen vô màu vàng và hòa thêm chút màu trắng để có màu của mặt trăng đêm rằm. Rồi anh lấy màu trắng pha chút màu đen để có những đám mây màu xám bạc vây quanh mặt trăng. Cũng theo lời “chỉ dạy” của nàng; thì anh phải lấy màu đen pha với chút xíu màu trắng để có một khung màu của màn đêm huyền hoặc, và cuối cùng là pha trộn cã ba màu lại với nhau - trong đó thì màu đen nhiều nhất vì nó làm chủ - để có một màu riêng biệt của những đồi cỏ; những cây thông già giữa đêm trăng, và rồi anh “phải” vẽ nền ngoài là những vòng xoáy như cơn lốc với tầng sóng âm thanh vô hình…
Với nàng ở bên cạnh, với màu sắc do nàng pha trộn; qua tay anh…và rồi anh đã để hết tâm trí của mình vào khung tranh, anh đã hòa nhập vào ánh trăng, vào vạn vật, vào mọi thứ chung quanh mình…
Hồn của tranh có trong ánh trăng rằm màu vàng sáng, có trong đồi cỏ sẫm màu pha sắc tối, có trong những đám mây màu xám bạc với một màn sương mỏng tanh, và trong lúc nàng đang thả hồn đăm đắm nhìn trăng, thì hồn của tranh có thêm nàng đang ngồi; mặt ngước lên với đôi môi hé mở như uống từng giọt trăng rơi qua những lá thông già, đặc biệt hơn là nàng như một vòng lốc xoáy ôm gọn cả không gian; mờ mờ ảo ảo…
Anh ngạc nhiên đến sững sờ vì bức tranh vẽ của mình; nó đẹp quá dù chỉ có ba màu: vàng; đen; trắng.
Hình như nàng đang khóc thì phải bởi vì anh thấy đôi mắt nàng sáng long lanh và khóe mắt thì ướt lắm; ướt đến độ chỉ chựt chờ rơi xuống hai giọt nước trong veo…và hai giọt nước từ mắt nàng đã cuộn vào vòng xoáy rồi lại bung ra thành những chấm sáng lấp lánh như những ánh sao đêm.

***
Như một thói quen đã ăn sâu vào tâm trí, như một nhu cầu không thể thiếu. Ngày qua ngày; đã được hai mùa trăng, anh và nàng “phải” gặp nhau mỗi chiều. Nhất là khi trăng bắt đầu đầy thì anh và nàng “phải” ở bên nhau cho đến khi trăng lên cao quá đỉnh đầu; lúc đó họ mới trở về nơi chốn thực của mình. Cây đèn dầu báo bão nàng mang theo là thứ duy nhất cho anh ánh sáng để vẽ, nàng nói rằng đèn dầu không sáng lắm nên không làm hư ánh trăng; nhưng nó vẫn đủ chút ánh sáng cho anh “thấy đường”…đêm nào mà trăng bị che khuất bởi mây thì tranh của anh có một màu bàng bạc lung linh huyền ảo.
Những bức tranh anh vẽ trong những đêm trăng đó vẫn chỉ có ba màu: vàng, trắng và đen theo “lịnh” của nàng. Nàng nói rằng nàng vừa yêu trăng say đắm, mà lại cũng sợ trăng vô cùng, nàng sợ ánh sáng sắc lạnh nhưng lại dịu dàng, nàng sợ khi chỉ có một mình nàng với trăng; nó làm cho nàng tê buốt cả thịt da.
Đêm nay thì trăng khuyết. Ánh sáng của cây đèn dầu hơi le lói một tí vì:
- Chiều nay em quên châm thêm dầu (nàng cười khi nói với anh như vậy.)
Nhưng anh đã quen mắt với thứ ánh sáng của cây đèn dầu rồi; nên không mấy khó để pha màu và cũng khá nhuần nhuyễn theo cảm tính, cây cọ trên tay anh “múa” không ngừng. Hai người đã thân nhau lắm nên nàng không e ngại khi nằm xuống trên thảm cỏ, ngữa mặt lên trời nhìn trăng và đọc:

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu,
Đợi gió Đông về để lã lơi.

Rồi nàng phê bình:
- Anh à, mùa Đông lạnh lắm, lại mưa nhiều nên dễ dầu gì có trăng…còn gió Đông thì buốt giá…làm sao mà lã lơi cho nổi.
Anh phì cười vì câu nói dễ thương của nàng, và vì nàng quá dễ thương trong đêm trăng “không tròn” này nên tâm hồn anh lại đầy hứng thú say sưa miệt mài đưa nàng vào tranh.
Bức tranh vừa xong anh liền quăng cọ vẽ và choài người xuống nằm bên cạnh nàng, nàng nhích ra xa một chút để không chạm vào anh. Anh đọc nhái lại hai câu thơ vừa rồi:

Em nằm ngã ngớn trên đám cỏ,
Đợi môi anh kề để…được hôn.

Nàng nghiêng người qua phía anh và họ nhìn rõ mặt nhau dưới ánh trăng. Anh không dám, không nở, và không đành làm cho nàng bị tổn thương. Sự im lặng giữa hai người lại là một bản giao hưỡng thật tuyệt vời; và dù họ không muốn làm ngưng bản giao hưỡng ấy vào lúc này, nhưng anh thấy cần phải nói:
- Tại sao em không cho anh biết gì về em; luôn cã một cái tên mà em cũng dấu, còn anh, anh đã cho em biết về anh, bây giờ thì anh nhắc lại để em nhớ: tên Lê Hoàng, chuẩn bị là sinh viên năm cuối của trường Đại Học Mỹ Thuật Sài Gòn, nhà anh ở đường Nguyễn Thiện Thuật, số bốn mươi tám xuyệt năm…
Nàng trã lời lấp lững:
- Rồi anh cũng sẽ biết về em nhưng chưa phải là bây giờ.
- Vậy đến bao giờ?
Nàng không trả lời mà nói qua chuyện khác:
- Ngày mai em sẽ ra đây vào buổi chiều vì trăng đã khuyết.
- Chiều mai anh đưa em ra phố, hai đứa mình vào một quán cà phê nhạc…
Nàng lắc đầu ngay:
- Không; chiều mai em sẽ đem theo cà phê, bánh ngọt và máy nghe nhạc, anh và em không cần phải vào những quán cà phê nhạc ồn ào, em không thích đến những nơi đông người.
Cảm xúc của anh dâng trào và anh cất tiếng hát bài “When I need you”. Anh dồn hết tâm tình mình vào bài hát như muốn nói với nàng rằng bây giờ thì anh đang rất cần nàng cho chính anh.

Một bình thủy nhỏ đựng cà phê, một hộp bánh Ritz và một máy nghe nhạc bé xíu; đó là những gì nàng mang theo. Hôm nay anh không đem “đồ nghề” để vẽ tranh vì anh không muốn bị phân tâm; chỉ cần có nàng và anh giữa đất trời mênh mông bát ngát này. Cà phê, bánh Ritz, nhạc là phần “đệm” giữa anh với nàng.
Trời chiều thênh thang gió lộng, cỏ trên đồi hơi úa vì nắng chiều phủ lên nó một thứ màu vàng nhạt phơn phớt. Giọng hát của Evis Plesley trong những ca khúc đồng quê nghe sao mà tha thiết mênh mang đến thế. Có lẽ nàng cũng đang có cảm xúc giống như anh là chỉ muốn tan ra và hòa trộn vào với đất trời, với cỏ cây hoa lá cùng ánh nắng vàng nhạt của buổi chiều này.
Nàng nói trong một cảm xúc dâng trào nên không giử ý:
- Nếu cả anh và em cùng được tan ra, sau đó thì được trộn lẫn vào nhau làm một và rồi chảy dài; một nữa ngấm sâu vào đất, một nữa bốc hơi thành mây bay lên trời…thì thích biết mấy…anh nhỉ?
Anh kéo đầu nàng lại cho tựa vào vai mình và cười:
- Em lãng mạn hơn anh tưởng nhiều lắm đó.
Rồi anh nói ra điều mà anh rất không muốn nói:
-Em à…ngày mai anh phải về lại Sài Gòn rồi. chỉ còn một tuần nữa là khai giảng năm học cuối. Em có dự tính gì cho anh và cho em không?
Nàng nhỏm người ngồi ngay lại, thảnh thốt kêu lên:
- Sao nhanh thế anh? Em cũng biết anh phải về…nhưng không nghỉ là sớm đến như vậy.
Anh thở dài:
- Không sớm đâu, anh đã trể gần một tuần rồi…vì em…
Nàng khóc, lần đầu tiên nàng không là con chim vành khuyên mà là một con chim cánh cụt đi lạc. Nước mắt nàng ướt hết vai áo anh. Elvis Presley vẫn hát những bản nhạc Đồng Quê đầy não nùng tha thiết, và nàng vẫn khóc nức nở trên vai anh.
Anh dỗ dành:
- Nín đi nào, anh sẽ quay trở lại đây với em trong một ngày sớm nhất mà anh có thể, vì bây giờ em là phân nữa hồn anh rồi.
Sương đêm xuống nhiều và lạnh, trăng đã lên cao nằm ở trên đỉnh đầu hai người, anh đưa nàng về với một cỏi lòng tan nát khi nàng không chịu ngừng khóc. Anh dỗ dành nàng bằng những câu chuyện về mình, về gia đình về ước mơ và về rất nhiều thứ; trong ước mơ của anh bây giờ có thêm nàng. Anh nhắc đi nhắc lại số nhà, tên đường, anh đọc rất nhiều lần số điện thoại của anh cho nàng thuộc nằm lòng…nhưng lạ một điều là nàng không hé răng nói về mình một chút xíu nào. Anh chỉ biết là nàng có một tâm hồn sâu thăm thẳm và rộng mênh mang…
Anh đã hôn nàng khi chia tay; đó là một cái hôn dài và sâu. Và nàng đọc tặng anh nỗi lòng của nàng:

Người đi một nữa hồn tôi mất,
Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ.

***
Có nhiều người bạn ngạc nhiên khi xem những bức tranh của anh vẽ về trăng; nó có một điều gì đó thật lạ, thật mê hoặc đến nổi làm cho người xem phải say đắm. Các bạn khuyên anh nên gởi những bức tranh này đi triển lãm và họ thắc mắc rất nhiều về người con gái trong tranh. Anh không kể cho bất cứ ai nghe chuyện của anh và nàng, anh trân trọng nâng niu kỷ niệm giữa hai người; vì nàng là một nữa “hồn” rất đặc biệt choán ngự hết cả trái tim anh; điều này làm cho anh nhớ nàng đến quay quắc; anh bồn chồn nóng ruột và khi không chịu nổi sự nhung nhớ; anh liền quyết định thu xếp việc học để lấy mấy ngày nghỉ mà bay lên thăm nàng.

Phố Núi cao, Phố Núi đầy sương đây rồi. phi trường Cù Hanh đây rồi…và nhà của bác anh đây rồi, anh không kịp trả lời những câu hỏi của người chị họ mà đi như chạy đến nơi nàng ở.
Cánh cổng đóng kín, anh phải gọi đến mấy lần mới có người ra mở cổng, đó là một phụ nữ lớn tuổi trông có vẻ phúc hậu hiền lành.
Anh hồi hộp hỏi nhanh:
- Bà ơi…cho con hỏi…
Nhưng anh bị bà ấy hỏi ngược lại:
- Có phải anh là người họa sĩ đã vẽ tranh cho Nguyệt Minh không?
Anh ấp úng trã lời:
- Dạ…mà…
- Mời anh vào trong nhà nói chuyện.
Ngôi nhà gổ đơn sơ nhưng thật sạch sẽ. Anh ngồi xuống ghế theo lời mời của chủ nhà, lòng nôn nóng quá đỗi vì chưa thấy nàng. Bức tranh anh vẽ được treo trên tường, dưới bức tranh là một bó hoa hồng đã khô. Người đàn bà rót nước mời anh, và không chờ anh phải hỏi, bà kể liền một mạch:
- Nguyệt Minh nói với tôi rằng anh sẽ đến tìm nên tôi biết ngay anh là người mà cô ấy nói…
…ngày trước tôi là người giúp việc cho cha mẹ cô ấy, gia đình thường gọi tôi là bà Tám, nhà ông bà chủ của tôi ở mãi tận Đà Lạt lận kìa, cũng giàu có lắm nhưng sau này cha mẹ cô ấy bị thất bại trong làm ăn rồi từ từ khánh kiệt. Cha mẹ cô ấy muốn gã cô cho một ông Việt Kiều lớn tuổi; là một thương gia giỏi ăn chơi. Nói chung là cha mẹ cô ấy chỉ muốn tìm cách để con gái mình ra nước ngoài…Nguyệt Minh quyết liệt phản đối nhưng không được, cuối cùng thì cô ấy bỏ trốn; tìm đến ở với tôi hơn ba tháng nay, cha mẹ cô đã tìm được và ép buộc cô ấy trở về Đà Lạt. Năm nay Nguyệt Minh chỉ mới mười chín tuổi. Một cô gái vừa xinh đẹp mà còn tài hoa hơn người.
Anh bàng hoàng lẫn hoãng hốt:
- Được bao lâu rồi hả bà?
- Một tuần nay rồi. Trước khi bị đưa về Đà Lạt thì Nguyệt Minh nhắn với tôi là nếu cậu có đến đây tìm cô ấy; thì nói với cậu là hãy chờ vì cô ấy sẽ cố tìm mọi cách để gặp cậu tại Sài Gòn.
Chỉ mới nghe chừng đó thôi là anh vội vã đứng lên chào bà Tám rồi ra về với một tâm trạng rối bời; nên đã quên không hỏi địa chỉ nhà nàng ở Đà Lạt. Nhìn đồng hồ thì bây giờ là năm giờ chiều, anh không kịp nói gì với người chị họ mà chạy ngay ra bến xe, mua vé chuyến xe đêm của hãng Phương Trang để về Sài Gòn. Miệng anh đắng nghét, còn con tim anh thì như bị lữa đốt.
Ngồi chờ tới giờ xe lăn bánh, anh khổ sở lo lắng lẫn nôn nao hồi hộp và mong sao chuông điện thoại di động của anh reo lên…nếu nàng còn nhớ được số điện thoại của anh; ôi…cầu mong sao là nàng còn nhớ đúng mười con số…cũng cầu mong sao nàng vẫn nhớ địa chỉ nhà anh nếu lỡ như nàng quên số điện thoại. Anh rên lên nho nhỏ: đừng quên…em ơi…đừng quên…
Xe lăn bánh trên con đường gập gềnh vì những hố voi; ổ gà, lại quanh co uốn khúc vì đèo dốc lên xuống làm nó chao qua đảo lại, lòng anh cũng chao đảo theo bánh xe lăn. Giữa đêm trăng sáng xe vẫn gập gềnh quanh co, ngồi trên xe đò với chặng đường dài trước mặt anh đã nhớ lại; thật rõ từng chi tiết về nàng: khuôn mặt, vóc dáng lẫn những ý thích ngộ nghĩnh và những nhận xét sâu sắc của nàng về Thơ, Họa, Nhạc, Văn chương…và nhất là mùi hương dịu dàng thoang thoãng từ mái tóc của nàng…
Nàng yêu Trăng, nhất là những đêm Trăng sáng vì…Trăng là tên của nàng; Nguyệt Minh là Trăng sáng…đơn giản quá thế mà anh đã không nghỉ ra, nhưng ai mà nghỉ ra cho nổi đây chứ?. Nàng thích nhạc đồng quê bởi vì trong đó có tiếng đàn “Cưa” mà âm vang của nó réo rắt tha thiết trãi dài; xoáy sâu vào trong mọi ngóc ngách của tâm hồn nàng, nàng say mê nhạc cổ điển vì nó làm cho trí tưởng tượng của nàng bay xa thật là xa tới những chốn mênh mông có hay không có thất…nàng yêu tranh Thủy Mạc bởi vì nàng có thể “chui” vào và ở lại trong tranh…nàng yêu thơ lục bát của Nguyễn Bính bởi vì thơ ông ấy dễ ngấm vào lòng nàng và chảy “róc rách” trong máu của nàng…
Thế mà nàng “bị ép buộc” phải lấy một người chồng già giỏi kiếm tiền mà cũng giỏi ăn chơi…một kiểu người “phàm phu tục tử”…như thế có khác chi là giết chết nàng theo một nghĩa nào đó, cũng có thể là theo cả hai nghĩa “đen và bóng”.
Anh phải cứu nàng; nhưng buồn thay khi anh chỉ có một cách duy nhất là chờ đợi nàng đến tìm, anh phải cứu nàng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cứu nàng cũng có nghĩa là cứu anh bỡi vì bây giờ nàng đã là phân nữa hồn anh rồi, cứu nàng cũng đồng thời là cứu lấy tranh của anh, vì chính nàng là người đã làm cho tranh của anh có một cái hồn rất riêng, rất lạ lùng.

Nàng vẫn chưa đến tìm anh.

Anh đã quay lại Phố Núi xin địa chỉ nhà nàng, anh đã bay lên Đà Lạt tìm nàng nhưng…ngôi nhà đã có chủ mới và không một ai biết gì để có thể cho anh một câu trả lời.
Bao giờ nàng mới thoát ra được nơi “giam cầm” ấy mà đến tìm anh? Anh rất cần có nàng, anh rất cần nàng đến với anh; đến để vực anh dậy bởi vì những khung tranh của anh bụi bám đầy, bởi vì những cây cọ của anh bị bỏ quên trong lọ, bởi vì những hộp màu của anh buồn thiu…Bởi vì năm nay là năm học cuối…
Anh chờ mãi chờ hoài mà nàng vẫn chưa đến…và anh thì ngày nào cũng hát:
“When I need you…

Bao giờ thì nàng đến?


No comments: