Monday, November 26, 2012

MỘT THỜI ĐỂ YÊU, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ…

_______

  Trương Cát Dương




Trời cuối thu rồi em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu…
Thơ Đinh Hùng

PHẦN MỘT
                       
       Sau khi mãn khóa 2/70 Sĩ Quan Đặc Biệt tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn, Phương được thuyên chuyển ra Đài Kiểm Báo 402 thuộc Vùng 4 Duyên Hải. ĐKB 402 xây trên một đỉnh núi cao tại hòn Nam Du (Poulo Dama) nằm trong vùng đảo rộng lớn Phú Quốc.
            Thuyên chuyển đến ĐKB 402 cùng với Phương có Trung sĩ Thời. Họ đi máy bay từ phi trường Tân Sơn Nhứt ra An Thới, tạm trú tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Duyên Hải (BTLHQ/V4DH) để chờ phương tiện đến ĐKB 402. Một tuần lễ sau Phương và Thời quá giang chiếc Tuần Duyên Đỉnh HQ 602 đang công tác tại Phú Quốc đến Nam Du. Khởi hành lúc 10 giờ sáng, HQ 602 tới nơi khoảng 3 giờ chiều. Tàu tiến vào vịnh thả neo, những làn sóng biển nhẹ nhàng làm lắc lư những chiếc ghe câu bé nhỏ đậu gần đó. Phương nhìn lên bờ, lác đác vài mái nhà tranh chen lẫn làn khói lam tỏa mờ giữa những hàng cây đứng yên trong nắng chiều. Xa xa là dãy núi xanh in rõ nét trên nền trời tạo cho chàng một cảm giác yêu thương quê hương miền hải đảo vô cùng. Chàng nhớ lại 3 năm trước, khi còn phục vụ trên Hộ Tống Hạm HQ 06, có lần tàu ghé vào nơi nầy nghỉ ngơi và mua thêm thực phẩm sau những ngày tuần dương đầy sóng gió. Đang suy nghĩ miên man, bỗng Trung sĩ Thời nói lớn:
-Ghe đến rồi, sửa soạn lên bờ thiếu úy.
Phương vác bọc quân trang theo Trung sĩ Thời bước xuống chiếc ghe nhỏ chòng chành sau khi chào từ giã Hạm trưởng và các thủy thủ. Vừa đặt chân lên bờ, chàng ngữi được mùi cà phê thơm phức,vội kéo Trung sĩ Thời vào một quán nhỏ bên đường gọi hai ly cà phê sữa nóng. Cảm thấy đói bụng chàng hỏi ông chủ quán có gì ăn không, ông vồn vã:
-Dạ, có mì gói nấu với thịt, rau. Cứ kêu tôi là chú Năm được rồi!
Phương gọi liền hai tô mì. Vài phút sau hai tô mì nóng hổi, bốc khói được bưng lên với một dĩa rau, ngò, chanh, thịt thì được xắt lát để trên mì, một ít hành phi và vài cọng hánh lá. Vì đói nên hai người ăn một cách ngon lành. Sau khi ăn xong, uống cạn ly cà phê, nhìn bâng quơ ra ngoài, Trung sĩ Thời chỉ tay về phía bên kia đường, trong một quán nhỏ đối diện, một khuôn mặt trắng trẻo, đôi mắt to đen đang lén nhìn họ. Trung sĩ Thời mỉm cười hỏi ông chủ quán:
-Bên đó có cô nào đang nhìn chúng tôi vậy chú Năm?
Ông liếc vội qua, nói nhỏ:
-Đó là cô Lệ trong đất liền ra. Cô ta có chồng là lính địa phương quân, tử trận hai năm rồi, đang sống với mẹ và cô em gái.
Chú Năm bưng bình trà đặt lên bàn, ngồi xuống nói tiếp:
            -Hai cháu mới đến chưa biết đâu, ở đây có một cô trẻ đẹp hơn cô Lệ nhưng đã chết rồi. Cô tên Ngọc Hoan học ở đất liền, vì chiến tranh nên gia đình dọn ra đây tạm cư. Cách nay hai năm, cô có quen với một anh hải quân, tàu thường ghé lại chỗ nầy, hai người thương yêu nhau sâu đậm lắm. Nhưng rồi giận nhau vì chuyện gì đó cô ta uống thuốc tự tử chết.
            Ông dừng lại, giọng bồi hồi xúc động:
            - Mộ cô ta trên đồi kia, sau khi chết được sáu tháng cô thường hiện về, ở đây nhiều người thấy. Vài tháng sau mẹ cô dọn về lại đất liền,
bà có nhờ người quen ở đây chăm sóc ngôi mộ cho cô. Nhà cô ở phía sau ngọn đồi kia trên con đường đi xuống Bãi Sau. Tôi nghe nhiều người kể lại nhà cô có cái giếng nước ngọt, người nào vào gánh nước không vái xin cô thì không thể nào nhấc gánh nước lên được.
            Chú Năm thở dài:
            -Tội nghiệp cô Ngọc Hoan, cô còn trẻ lắm, 19, 20 tuổi là cùng.
            Phương tò mò hỏi chú Năm:
            -Vậy chú đã thấy cô hiện về lần nào chưa?    
            -Tôi có thấy một lần không rõ lắm. Một hôm nọ tôi có việc phải đi qua Bãi Sau, khi trở về trời đã tối, tôi nhìn thấy một cô gái mặc đồ đen đứng ngay ở đầu dốc kia, tôi đi tới thì biến mất.
            Trung sĩ Thời cười lên tiếng:
            -Nếu  linh như vậy, tối nay cho tôi và Th/úy Phương thấy đi.
            Phương bấm tay Thời:
            -Ê đừng nói bậy, coi chừng cô ta về nhát anh đó!
            Chú Năm nghiêm giọng:
            -Đừng nói giỡn, cô ta linh lắm!
            Phương nhìn đồng hồ tay hơn 6 giờ chiều. Một chiếc xe GMC từ trên dốc đồi kia chạy tới ngừng ngay trước quán, trên xe một người lính bước xuống đến chỗ Phương ngồi, đưa tay chào:
            -Xin chào thiếu úy và trung sĩ, tôi là Hạ sĩ Hùng xuống rước hai ông lên đài.
            Phương chào lại, giã từ chú Năm rồi hai người theo Hạ sĩ Hùng lên xe.           Xe chầm chậm bò lên con đường dốc cạnh sườn núi, một bên là rừng cây, một bên là vực thẳm; Hạ sĩ Hùng trấn an:
            -Con đường dốc nầy trông nguy hiểm nhưng không sao, vì tôi đã lái xe nầy lên xuống hàng ngày quen rồi.
            Phương nhìn hai bên đường thấy đầy hoa dại chen lẫn giữa cỏ cây, đá núi. Xe chạy lên lưng chừng dốc, Phương thấy một khoảng đất rộng bằng phẳng bên cạnh. Hạ sĩ Hùng dừng xe lại:
            -Mình ngừng đây ngắm cảnh, còn sớm mà.
            Phương bước xuống xe, dưới kia là vực cây xanh thẳm, xa hơn nữa mặt biển mơ hồ dưới lớp sương chiều. Mặt trời màu đỏ cam bao phủ bởi đám mây vàng nhạt, vài tia nắng yếu ớt xuyên qua ngã dài trên những đồi cây đen sẩm. Mặt trời xuống thấp và khuất dần, hơi lạnh từ núi rừng tỏa ra làm Phương hơi rùng mình. Vài tiếng chim kêu lên oan oát vang dội cả một vùng thâm u mờ tối. Mọi người lên xe tiếp tục chạy về đài kiểm báo. Đường mỗi lúc mỗi dốc, ngoằn ngoèo, cuối cùng xe lên tới đỉnh núi. Một cây cổ thụ to cao ngay trước mặt, cành lá xòe ra như những bàn tay phù thủy, xa hơn là hai cánh cửa cổng bằng lưới chắc chắn đóng kín. Hạ sĩ Hùng nhấn còi, một anh lính tay cầm khẩu M16 chạy ra mở cổng. Khi xe vào bên trong, Phương thấy một số anh em từ trong nhà ùa ra, Phương và Thời xuống xe, những anh em nầy bao quanh bắt tay mừng rỡ. Trời đã tối hẳn, một sĩ quan còn rất trẻ, người Bắc cho biết anh ta tên Phi, cấp bậc thiếu úy, thân mật bắt tay Phương và Thời:
            -ChàoThiếu uý Phương và Trung sĩ Thời, đi đường có mệt lắm không, có đói bụng không? Để tôi nhờ Hạ sĩ Hùng nấu vài món ăn nhé!
            -Rất cám ơn, chúng tôi đã có ăn mì dưới quán chú Năm rồi.
            Thiếu úy Phi giọng vui vẻ:
            -Thế à, chú Năm tốt lắm mà pha cà phê cũng rất tuyệt. Để tôi đưa hai anh về phòng ngủ sĩ quan và hạ sĩ quan.             Ngày mai hai anh sẽ trình diện Trung úy Quản Trưởng đài.
            Phương bước vào căn nhà dành cho sĩ quan, ngọn đèn neon sáng lờ mờ trên một cái bàn nhỏ kê ngay góc. Căn nhà rộng lớn được chia ra làm nhiều phòng. Thiếu úy Phi chỉ vào căn phòng sát cửa ra vào:
            -Đây là phòng của anh, thôi nghỉ đi, tôi phải qua phòng radar với Thiếu úy Ngôn. 12 giờ khuya tôi mới hết phiên trực.
            Nói xong, Thiếu úy Phi đi ra, khép cửa lại. Phương cảm thấy uể oải và buồn ngủ nên nằm đại xuống giường, đắp tấm ra trắng lên người rồi thiếp đi…Bỗng cánh cửa phòng bật mở, một người con gái bước vào, tóc nàng ngắn ngang vai, mặc bộ bà ba màu đen gọn gàng xinh đẹp. Nàng mỉm cười, nhẹ nhàng bước tới ngồi xuống bên Phương, bàn tay nàng lành lạnh, mềm mại vuốt từng sợi tóc đang lòa xòa trước trán Phương. Gương mặt nàng thật đẹp, nàng lại mỉm cười không nói lời nào, hai bên má hai núm đồng tiền thật duyên dáng. Phương mơ hồ trong khói sương, thấy mình như đang bập bềnh trên những ngọn sóng, nàng cúi xuống, mái tóc đen huyền chạm vào mắt mũi Phương, hương thơm tỏa ra từ tóc nàng…Phương vội đưa hai tay lên ôm nàng ghì xuống và kéo vội tấm ra trắng phủ lên lưng nàng; Phương ôm nàng chặt hơn… Định hôn lên má nàng…Nhưng toàn thân chàng bỗng tê lạnh…Phương giựt mình thức dậy, ngơ ngác nhìn quanh. Căn phòng lạnh tanh đầy ma quái, Phương nhìn ra cửa vẫn đóng chặt. Ngoài kia trời đang gió, có tiếng rít qua khe cửa sổ và màn lưới lay động không ngừng… Phương bật dậy quơ lấy tấm ra choàng lên người, mở cửa chạy qua phòng radar. Chàng  gặp Trung sĩ Thời đang đứng co ro ở đó, vội hỏi:
            -Ủa, sao ở đây giờ nầy, chưa ngủ à?
            Trung sĩ Thời kéo Phương đứng dựa sát vô tường cho đỡ lạnh, ghé vào tai chàng hỏi nhỏ:
            -Ông thầy có thấy gì không?
            -Thấy gì giờ nầy? Phương đáp lại.
            Trung sĩ Thời tiếp:
            -Thì thấy cô hồi chiều chú Năm kể đó.
            Phương giật mình hỏi:
            -Anh thấy cô ta hả?
            Trung sĩ Thời kể:
            -Tôi đang ngủ thì thấy cửa mở. Một cô đẹp lắm, tóc ngang vai, mặc đồ đen bước vào đứng ngay đầu giường tôi, hỏi: “-Anh đi đường mệt lắm phải không? Để tôi tiêm cho anh một mũi thuốc khỏe”. Nói xong cô ta lấy tay đè ngay cổ tôi, bàn tay cô ta lạnh ơi là lạnh, còn tay kia thì cầm một ống tiêm thật lớn định chích vào cổ tôi. Tôi sợ quá hét lên giật mình tỉnh dậy, ghê quá ông thầy ơi!
            Thời nói đến đây thì cửa phòng radar bật mở, Thiếu úy Phi bước ra nhìn hai người, ngạc nhiên hỏi:
            -Giờ nầy chưa ngủ, bộ nhớ nhà à?
            Trung sĩ Thời nhanh nhẹn trả lời:
            -Nhớ nhà chút chút, chỗ lạ nên khó ngủ.
            Phương tiếp:
            -Thiếu úy về phòng trước đi, tôi qua Trung sĩ Thời kiếm ly cà phê, rồi về ngủ sau, chúc ngủ ngon, mai gặp.
            Thời kéo Phương về phòng, ngồi uống cà phê, hút thuốc. Phương kể cho Thời nghe về giấc mơ của chàng có sự trùng hợp với giấc mơ của Thời. Ngồi bàn tán về nàng khá lâu, nhìn đồng hồ đã 2 giờ sáng, mệt quá họ lăn ra ngủ lúc nào không biết.
            Có tiếng ồn ào ở phòng kế cận, Phương giật mình thức dậy, thì ra căn nhà nầy được chia làm hai. Phía trước là phòng ngủ của hạ sĩ quan, phía sau là phòng ngủ của đoàn viên. Phương đánh thức Trung sĩ Thời rồi vội trở về phòng mình thì gặp ngay Th/úy Phi và Th/úy Ngôn đã gọn ghẽ trong bộ quân phục màu xanh tím hải quân. Phương chào hai người, Thiếu úy Ngôn bảo Phương:
            -Anh chuẩn bị để làm lễ chào cờ.       
            Thiếu úy Phi tiếp:
            -Ở đây chào cờ mỗi sáng thứ hai. Tôi sẽ giới thiệu thiếu uý và Trung sĩ Thời cho mọi người biết, rồi sau đó trình diện Chỉ huy trưởng.
            Phương vội đi rửa mặt, thay đồ. Trong lúc chờ đợi, họ trò chuyện và chàng được biết Thiếu úy Ngôn là người Long Xuyên. Còn 10 phút nữa là 8 giờ, tất cả bước ra khỏi phòng, đi về phía cột cờ trước phòng radar. Ánh nắng ban mai tràn ngập, những người lính đã đứng sắp hàng từ bao giờ. Lá cờ đã được móc vào hai sợi dây kéo, Hạ sĩ Hùng và Quang đang đứng nghiêm chỉnh để chuẩn bị kéo cờ. Thiếu úy Phi bước vội về phía căn nhà dài cách phòng radar vài buớc nói:
            -Tôi đi mời Trung úy Quản ra làm lễ chào cờ.
            Sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên sắp thành hai hàng. Trung úy Quản bước ra cùng Thiếu úy Phi, Ông ra lịnh:           
            -Thiếu úy Phi cho làm lễ thượng kỳ.
            Thiếu úy Phi hô to:
            -Tất cả nghiêm! Chuẩn bị chào cờ. Thượng kỳ!
            Tất cả đứng nghiêm, đưa tay lên chào, lá cờ từ từ được kéo lên đến ngọn. Phương xúc động nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ ngạo nghễ tung bay trên đỉnh núi cao, giữa bầu trời xanh, nắng ấm.
            -Thao diễn nghỉ. Thiếu úy Phi hô to.
            Trung úy Quản đi bắt tay và hỏi thăm từng người. Thiếu úy Phi giới thiệu Phương và Thời:
            -Đây là Thiếu úy Phương và Trung sĩ Thời mới thuyên chuyển đến chiều hôm qua.
            Từng người chào và bắt tay nhau rất vui vẻ, thân mật. Như mọi ngày, Thiếu úy Phi chia công việc cho anh em đoàn viên đi làm, nào là dọn sạch doanh trại, lau chùi súng ống, kiểm soát hàng rào phòng thủ, kho đạn, kho nhiên liệu. v..v.. Còn Phương và Trung sĩ Thời thì vào trình diện Trung úy Quản. Ông, người tầm thước, da hơi ngăm, tráng kiện. Phương được chỉ định giữ chức vụ Sĩ quan Tiếp liệu và Ẩm thực, Trung sĩ Thời Hạ sĩ quan Quản Kho và coi sóc công việc chia cắt anh em đoàn viên canh gác doanh trại. Sau một vài lời hỏi thăm nhau, Phương và Thời được Trung úy Quản dẫn đi một vòng quanh trại để quan sát. Doanh trại có bốn dãy nhà lớn gồm phòng ngủ, phòng làm việc, Phòng radar, phòng ăn, nhà bếp, phòng tắm, nhà máy điện, một kho tiếp liệu, nhà vệ sinh. Phía trước cổng và phía sau có 2 vọng gác cao, có 5 ụ súng phòng thủ. Đặc biệt là khu vực đặt antenna radar, hình vuông xây bằng những vĩ sắt có đường sóng nhô lên chạy theo chiều dài miếng vĩ sắt, cao 3 thước bên trong đổ cát dày khoảng 2 thước. Chính giữa có 4 trụ to cao được đặt lên một dàn antenna radar như một màng lưới khổng lồ hình bầu dục, đen sì đang quay chầm chậm. Phương nghe được tiếng rít của các làn sóng cực cao tần phát đi. Phía sau ụ antenna là phòng radar vững chắc xây bằng bê-tông, có hai hành lang hai bên, phía trong là 2 cánh cửa sắt để ra vào; trên nóc đúc xi-măng lố nhố những cây antenna vô tuyến, sát trên nóc là 2 máy điều hòa không khí. Hàng rào chống B40 bao quanh doanh trại cao khoảng 10 mét và một hệ thống đèn cực sáng chiếu xuống dãy đất đã khai quang cách bìa rừng hơn ba trăm mét. Phía trước cổng vào và phía sau trại là hai vọng gác cao có thể quan sát xa ba bốn trăm mét. Một kho đạn và kho nhiên liệu nằm cách xa nhau cả trăm mét, được bao bọc bởi một vòng tường cao, dầy bằng bao cát và những thanh sắt lớn.
            Đi một vòng bên ngoài xong, Trung úy Quản dẫn Phương và Thời vào phòng radar. Trong phòng chỉ có Thiếu úy Ngôn và Hạ sĩ Cầm Thám xuất. Thiếu úy Ngôn chăm chú cúi xuống tấm hải đồ vùng biển Phú Quốc ghi lại từng 15 phút hướng đi của các tàu, ghe đang di chuyển trên mặt biển do radar phát hiện. Phương quá quen thuộc với những phòng radar nầy vì năm 1969 chàng đã từng phục vụ tại ĐKB 101 Cù lao Ré ngoài miền Trung và sau đó chàng đi lãnh chiếc Khu Trục Hạm HQ1 Trần Hưng Đạo từ Hawaii về, lúc đó Hải quân Trung tá Trần Văn Triết làm Hạm Trưởng. Chiếc HQ1 cũng có một phòng radar lớn gọi là Trung Tâm Chiến Báo hay CIC (Combat Information Center). Sau khi quan sát hết mọi nơi, Thiếu uý Phương và Trung sĩ Thời trở về phòng làm việc với công việc mới của mình…
            Thấm thoát Phương đã ở ĐKB 402 được hơn hai tháng. Hôm nay là ngày 30 ngày Tết, không khí mùa xuân rộn ràng đây đó. Thiếu úy Phương, Trung sĩ Thời và vài ba anh em khác lái chiếc GMC xuống núi để mua thức ăn, bánh trái cho 3 ngày Tết. Đi theo Phương là Hạ sĩ Hùng tài xế cũng là hỏa đầu quân lo việc đi chợ nấu ăn cho đài. Hùng có máu văn nghệ, vui tính nên được anh em trong trại thương mến, cất tiếng hát bài “Xuân Nầy Con Không Về” trên suốt đoạn đường xuống núi:“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai vàng nở đầy bên nương. Năm trước con hẹn đầu năm sẽ về…nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa…" Tất cả trên xe im lặng, chỉ có tiếng gió rừng thổi nhẹ bên tai và tiếng hát não lòng của Hùng vang vọng trong trái tim của mọi người đang lắng đọng tâm tư mơ về một cái Tết với gia đình, bạn bè, người yêu đã ngút ngàn thương nhớ… Xe tới đầu xóm, Hạ sĩ Hùng thắng thật gấp làm anh em trong xe tỉnh mộng. Anh em xuống xe tràn vào các quán tìm mua thức ăn cho 3 ngày Tết. Ở xóm nầy chỉ có 2 quán tạp hóa là quán cô Lệ và cô Mè, độc nhất chỉ có quán cà phê của chú Năm. Sau khi đi với Thời để dặn dò vài việc, Phương thả bộ theo dọc bờ biển để nhớ lại những hình ảnh xa xưa; một thời đã làm cho trái tim chàng tan nát. Phương trở lại ghé vào quán chú Năm ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng và hỏi lòng mình thật sự đã quên…
            Một người đàn ông trạc độ năm mươi bước vào, chú Năm kéo tay người nầy lại gần Phương, giới thiệu:
            -Đây là chú Chín đi ghe lưới mới về tới.
            Phương đứng lên gật đầu chào. Chú Năm lấy thêm một ly cà phê đặt lên bàn:
            -Mời anh Chín, đây là Thiếu úy Phương mới từ đất liền ra được mấy tháng rồi, đang ở trên núi đó.
            Chú Chín vui vẻ bắt tay Phương rồi quay sang chú Năm:
            -Cà phê thơm ngon quá, nhưng anh còn bia và nước đá không?
            -Bia thì còn nhiều lắm, nhưng đá thì ít. Chú Năm cười trả lời.
            Chú Chín nhìn ra ngoài:          
            -Để tôi sai đệ tử xuống ghe lấy ít đồ biển và nước đá lên, nhờ anh làm cho vài món nhậu, rồi mời anh em hải quân ở đây uống một bữa cho đã.
            Chú Năm ngần ngừ nhìn Phương:
            -Thiếu úy không biết đâu, anh Chín quen hải quân nhiều lắm!
            Vừa lúc Trung sĩ Thời bước vào, Phương kéo lại hỏi nhỏ:
            -Có chú Chín mời anh em hải quân mình lai rai, anh nghĩ sao?
            Trung sĩ Thời đáp:
            -Còn sớm mà Thiếu úy, cho anh em vui đi. Chưa tới giờ trực.
            Phương cũng nghĩ mấy anh em xa nhà, hôm nay ngày cuối năm, để họ uống vài chai cho vui vẻ cũng không sao, rồi bảo Thời:
            -Sau khi mua đầy đủ các thứ, anh đi gọi mấy anh em lại gặp tôi.
            Trung sĩ Thời mừng rỡ đi ngay. Phương quay sang chú Chín:
            -Cám ơn chú, tụi cháu sẽ uống với chú cho vui.
            Chú Chín vui mừng gọi vọng ra ngoài:
            -Hai ơi, xuống ghe lấy cá, tôm, nước đá lên đây. Đi mau nghen!
            Khoảng nửa tiếng sau, một thanh niên mang vào một thùng nước đá, một giỏ đầy cá, mực, tôm. Thấy tôi ngạc nhiên, chú Chín lên tiếng:
            -Nước đá nầy đem theo để ướp cá, chưa dùng, còn sạch. Còn cá tôm vừa mới bắt khuya nay tươi rói hà!
            Trung sĩ Thời trở lại với Hạ sĩ Hùng và 3 anh em khác đó là Cầm, Hội và Vinh. Bọn họ chào chú Năm, chú Chín, rồi xúm nhau kê hai bàn nhỏ sát vào. Đồ nhậu dọn lên từ từ và bắt đầu ăn uống vui vẻ. Phương uống cầm chừng, lâu lâu nhắc nhở anh em đừng uống say quá. Chú Chín vừa uống vừa hỏi han Phương đủ chuyện. Chú cho biết chú ở Dương Đông, Phú Quốc ra ngoài nầy đánh cá một tháng mới về thăm nhà một lần. Chú thường ghé qua Hàm Ninh, An Thới để thăm bà con, và hứa là khi nào ghé lại Hàm Ninh thì sẽ mua thật nhiều ghẹ mang qua cho bọn Phương, vì ghẹ Hàm Ninh ngon số một. Rồi chú ca sáu câu vọng cổ rất mùi trong vở tuồng "Bạch Thu Hà" Cầm hứng chí đáp lễ bằng bài "Sơn Nữ Phà Ca" cũng lâm ly không kém. Hội thì trang trải lòng mình qua bài "Nhớ Thành Đô" Hùng thì thực tế hơn với bài "Vọng Gác Đêm Xuân" Vinh thì phá mồi, còn Phương ngồi cười trừ và vỗ tay tán thưởng. Mấy thùng bia đã hết, đồ nhậu cũng chẳng còn…Phương nhìn đồng hồ tay đã 4 giờ chiều; bữa tiệc cũng tàn. Chàng đứng dậy bảo anh em chuẩn bị cáo từ và xin hẹn lại chú Chín dịp khác. Biết không giữ lại được nên chú Chín vui vẻ bắt tay từng người ra về và nói thêm:
            -Chiều nay chú về Dương Đông, có lẽ kịp đón năm mới. Chúc các cháu ở lại có một cái Tết xa nhà vui vẻ, hẹn gặp lai…
            Phương về tới đài 5 giờ chiều, vì biết có men rượu nên Hạ sĩ Hùng lái chậm và cẩn thận. Toán Phương trực phòng radar và gác doanh trại từ 12 giờ khuya tới 4 giờ sáng nên còn đủ thì giờ để ngủ một giấc. Hạ sĩ Hùng và Trung sĩ Thời lo đem đồ ăn, thức uống cất vào tủ lạnh. Phuơng về phòng, không thấy ai, nên lên giường nằm nghỉ vì có chút hơi men và thiếp đi…Chàng nghe có tiếng ai gọi tên từ cõi nào xa xôi, mộng mị… Rồi thấy mình đang đi lang thang trên bờ biển vắng, chàng đi theo tiếng gọi càng lúc càng gần: "Anh… anh …" Chàng đuổi theo, bắt kịp người con gái trong tà áo dài trắng đang phất phơ theo gió, và cứ thế Phương rảo bước thật nhanh đến bên cạnh nàng trên bãi biển sớm tinh mơ. Những làn sóng nhấp nhô đầy bọt trắng xô bờ tạo nên âm thanh dạt dào tha thiết như mời gọi chàng trở về trong quá khứ…Ở cuối chân trời xanh thẳm, mặt trời đang ló dạng, ánh sáng hồng cam tỏa rạng là lúc nàng quay lại…Phương hốt hoảng la lên: "Ngọc Hoan…cô…" gương mặt thiên thần và hình dáng nàng mờ dần…mờ dần… Bỗng một cơn sóng lớn ập vào bờ kéo nàng ra xa. Phương chỉ còn thấy một mảnh áo trắng và mái tóc đen dài lặn hụp trong sóng biển. Phương quên hết nguy hiểm chạy nhào xuống bơi theo và cố sức kéo nàng vào bờ. Phương nắm được tay nàng nâng lên, mắt nàng nhắm nghiền lại và đôi môi nhợt nhạt nhưng không phải Ngọc Hoan mà là gương mặt của Phấn. Một cơn sóng khác ập tới tách rời hai người ra đẩy Phấn xa hơn. Phương cố bơi theo nhưng vô vọng. Chàng không còn thấy gì nữa ngoài những cơn sóng biển dâng cao cuồn cuộn. Phương la lớn trong tuyệt vọng: "Phấn..Phấn… " thì có tiếng ai gọi từ phía sau:
-Thiếu úy Phương, dậy..dậy.. tới phiên trực, 12 giờ khuya rồi.
Phương giựt mình như từ trên cao rơi xuống, mệt lả, mở mắt nhìn, thì ra Hạ sĩ Vinh gọi chàng dậy lên phiên trực…
-Cám ơn, tôi lên ngay.
Nói xong, chàng vội vàng khoát chiếc áo lạnh rời phòng.
Bên ngoài sương mù xuống dày đặc trên các lùm cây quanh trại, bầu trời sâu thẳm lấp lánh những vì sao. Phương theo Hạ sĩ Vinh lên phòng radar, Thiếu úy Ngôn bàn giao tất cả những chi tiết theo dõi tàu bè chung quanh vùng kiểm soát và lưu ý chàng theo dõi một echo lớn số 5 (tàu lớn) đang đi vào vùng cấm gần hòn Sơn Rái, Ngôn đã báo cáo về Trung Tâm Hành Quân BTL/HQ/V4DH và đang chờ lệnh. Trước khi rời phòng Thiếu úy Ngôn còn căn dặn:
            -Tôi đã chấm vị trí của HQ1 đang đi tuần trong vùng kiểm soát của mình.Nếu có gì rắc rối, anh gọi tôi hoặc Thiếu úy Phi.
            Trong phòng còn lại Phương và Vinh, hai thầy trò hồi hộp theo dõi đường đi và vận tốc của echo 5, Phương thấy echo nầy đi vào sâu trong vùng cấm, vội gọi về Trung Tâm Hành Quân (TTHQ):
            -Số 1, Số 1, đây Nam Du, over.
            Âm thanh rè rè vang lên, có tiếng trả lời:
            -Nam Du, Số 1 đang nghe, over.
            -Số 1, đây Nam Du  xin báo cáo, echo 5 đi vào vùng cấm, cách hòn Sơn Rái 60 hải lý về hướng Tây-Bắc 315 độ, vận tốc 18 hải lý và đang đi về hướng Đông-Nam 135 độ, over.
            -Nam Du, đây Số 1, anh gọi HQ1 đang tuần dương trong vùng đến kiểm soát, over.
            -Số 1, đây Nam Du  nghe rõ, over.
            (TTHQ, ĐKB402 và HQ1 liên lạc với nhau bằng bạch văn vì trong các máy truyền tin nầy có gắn bộ phận mật mã, nên nếu địch có bắt được tần số thì chỉ nghe như tiếng chim kêu mà thôi).
            Sau khi báo cáo về TTHQ và được lệnh gọi HQ1 theo dõi để chận bắt. Phương gọi HQ1:
            -HQ1, đây Nam Du, over.
            Phương gọi đến lần thứ 3 thì HQ1 lên tiếng:
            -Nam Du, đây HQ1, over.
            -HQ1, đây Nam Du,. Một tàu lạ xuất hiện trong vùng cấm, cách hòn Sơn Rái 60 hải lý về hướng Tây-Bắc 315 độ, vận tốc 18 hải lý, yêu cầu anh đến đó lục soát.
            Yên lặng một phút bên kia có tiếng trả lời:
            -Nam Du, đây HQ 1, over
            Phương ngạc nhiên, đúng là giọng nói của Trung tá Triết, ông vẫn còn làm Hạm Trưởng HQ1? Phương vui mừng trả lời:
            -Thưa Hạm Trưởng, tôi là Th/úy Phương đây, trong thủy thủ đoàn đi lãnh chiếc HQ1 từ Hawaii về, Hạm Trưởng còn nhớ không?
            Trung tá Triết đáp:
            -Nhớ chứ, anh về ĐKB 402 lâu chưa? Cho tôi gởi lời thăm anh em trên đài, tôi sẽ cho tàu đến vùng đó để khám xét.
            -Cám ơn Hạm Trưởng, tôi về đây được gần một tháng.
            -Thế à, tôi giao việc theo dõi cho sĩ quan đương phiên.
            Nói xong ông cúp máy. Tôi liên lạc với sĩ quan trực phiên:
            -HQ1, đây Nam Du, anh đã thấy echo 5 chưa? Over.
            Có tiếng trả lời vang ra từ máy vô tuyến:
            -Nam Du, đây HQ1, tôi thấy rồi, đang cho tàu hướng về đó, over.
            -HQ1, đây Nam Du, tôi nghe rõ, over.
            Sau đó Phương tiếp tục báo cáo về TTHQ cách 10 phút một lần và cũng liên lạc đều đặn với HQ1. Trên màn ảnh radar Phương thấy HQ1 và echo 5 sát vào nhau không còn phân biệt được thì có tiếng máy gọi:
            -Nam Du, đây HQ1, chúng tôi đã thấy chiếc echo 5 và đang đánh đèn bảo nó ngừng lại. Đó là loại tàu đánh cá lớn Thái Lan, nó đang chạy chậm lại và chúng tôi đã chuẩn bị cho nhân viên qua lục soát.
            Phương báo cáo về TTHQ và chờ chỉ thị. TTHQ cho biết đã liên lạc với HQ1 dẫn độ chiếc tàu Thái Lan nầy về BTL/HQV4DH vì nó đã vi phạm vào vùng cấm.
           ỗng tiếng máy vô tuyến rè rè vang lên: "Chúc mừng năm mới" Phương giật mình, lặng người…Giao thừa đã qua mà chàng và Vinh không ai nhớ vì mãi theo dõi các tàu bè qua lại trong vùng biển kiểm soát trên mặt kính radar. Sau khi bàn giao phiên trực và kể lại những diễn tiến vừa qua cho Th/úy Phi nghe.  Phương xô cửa bước ra, sương mù Đến đây nhiệm vụ Phương đã xong vừa đúng 4 giờ sáng, chàng bảo Vinh đi gọi Thiếu úy Phi và Thu lên nhận phiên trực. Bvẫn còn dày đặc, những ngọn đèn điện bao quanh trại tỏa ra ánh hào quang trắng đục như những chiếc lồng đèn treo quanh một ốc đảo đang bồng bềnh trong sương khói mông lung… chàng đi một vòng quanh doanh trại và tiện thể kiểm soát luôn việc canh gác của anh em đoàn viên rồi mới an tâm trở về phòng.
            Nằm thao thức hoài không ngủ được vì ám ảnh bởi giấc mơ vừa qua. Phương lại nhớ đến ngày xưa, cô học trò cũng là người yêu tên Hồ Ngọc Phấn học lớp đệ tứ tại trường Phan Châu Trinh, Đà Nẳng mà chàng đã dạy kèm môn toán. Phấn thật dễ thương, nhỏ nhẹ, hiền từ và rất xinh đẹp, nàng là con nhà giàu, còn chàng chỉ là một học sinh nghèo từ quê ra, học trên nàng hai lớp. Cuộc tình của hai người đầy thơ mộng và cũng đầy trắc trở. Thế rồi Phấn đi lấy chồng khi chàng vừa ra trường hải quân từ Nha trang. Một sớm đầu thu, Phương đã đau buồn chia tay Phấn trên bờ sông Hàn, Đà Nẵng. Phấn lên xe hoa, để lại trên vai áo chàng những giọt lệ tình tê tái…Phương thẫn thờ bước xuống chiến hạm HQ 06 rẽ nước ra khơi tiếp tục bổn phận của người trai thời chinh chiến… Và từ đó…Chàng cứ lan man nghĩ đến cuộc tình đã đi qua từ lúc còn đi học đến khi vào lính…Có lẽ nào vì Phương đã để cho Phấn đợi chờ quá lâu chăng ?

Hết Phần Một


5 comments:

Anonymous said...

Cám ơn TL rất nhiền đã post lên một hình ảnh quá đẹp để nhớ lại một thời áo trắng học trò...

Áo em trắng tựa ngàn bông tuyết
Nhỏ xuống hồn ai những giọt tình...

"Người đi ngoài sương gió"

rachgia said...


Anh Cát Dương,

Rất vui khi biết anh thích tấm poster nầy .
Một tấm là một tô phở "Ý " đó nha anh CD. Nhớ hồi năm 2009 qua dự Reunion Kiên Giang ở Nam Cali , sau đó HTTL xuống Sanjose thăm cô bạn cũ . Cô quảng cáo về Sanjose nào là Phở Ý ngon nhất nơi đây ... Nghe Phở Ý tưởng là Phở của Người Ý . Nói thầm trong bụng " Ý ẹ mà cũng biết nấu phở sao . Ai dè theo Cô bạn đi ăn Phở Ý mới vỡ lẽ ra tiệm phở VN song chắc Cô chủ quán tên Ý thì phải
Mai là chưa hỏi " Sao có phở Ý" đó anh

Anonymous said...

Tui nghĩ ông bạn đâu còn đủ sức lực nữa đâu mà cứ đòi đi ngòai sương gío hòai dzậy !


Người tha hương

Anonymous said...

Nóng lòng muốn biết phần hai
Làm ơn post lẹ tui thời trả công

Đọc giả TH

Anonymous said...

Xin cám ơn bạn. Nhưng đừng nóng, còn tới 2 phần nữa kìa mặc sức mà đọc. Nó lâm ly, bi đát lằm, không như phần một đâu. Bạn có thể chuẩn bị khăn "mùi xoa" để lau nước măt... Những cuộc tình trong một cuộc tình. Tui thấy Tha Hương có nhiều người thất tình qúa trong đó có tội và như là Viễn Xứ, Giáng Xưa, Mạch Vạn Niên, Trần Phiêu, Trầm Vân, Không Tên, Lâm Vị Thủy, Ngô Quang Võ, Cát Vân..V..và v...Những vị nào chưa có tên lần tới tui sẽ nhớ. Xin lỗi nghen!
Tiện đây xin trả lời cô TL về Phở Ý: Ăn vô rồi thì hết ý có lúc người khác ăn vô rồi thì không ý (kiến). Còn cái anh Người tha hương
nói tôi không còn sức đi ngoài sương gió nữa chứ gì. Tôi ngồi trong xe hơi chạy (cũng như đi) ngoài sương gió đó ông bạn ơi. Ông bạn thử coi có phê không? Xin hẹn thư khác hỉ...
CD