Monday, March 18, 2013

Thứ Hai không buồn

_____________



- Huy Lâm

Chúng ta có thể tóm gọn sinh hoạt của những người đi làm ở Mỹ theo chu kỳ từng mỗi tuần lễ – thứ Hai-thứ Sáu: đi làm; thứ Bảy-Chủ Nhật: nghỉ ngơi. Nếu không kể những ngày lễ và những ngày nghỉ phép thì chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại đều đặn như vậy và có thể nói cuộc đời của những người này gần như là bình lặng. Nghe thì có vẻ hơi nản. Nhưng với những ai an phận – mà đa số thường là an phận, thì cuộc sống như vậy có lẽ tương đối mang đến cho người ta sự an tâm, ít phải lo sẽ phải gặp những bất ngờ. Nghĩ cho cùng thì cuộc sống tưởng làm nản lòng chiến sĩ như trênlại chính là cuộc sống lý tưởng mà nhiều triết gia, nhà tư tưởng và lãnh tụ quốc gia trên thế giới hằng mơ ước và mưu cầu để có được.
Và với một thời khóa biểu không thay đổi như thế, hầu như tất cả những sinh hoạt vui chơi đều dồn vào hai ngày cuối tuần. Những buổi họp mặt tiệc tùng trong gia đình hay với bạn bè luôn diễn ra vào dịp cuối tuần. Đi ngoạn cảnh, ờ thì cuối tuần. Đám cưới, kỷ niệm cũng cuối tuần. Thậm chí như tiệc sinh nhật cho già trẻ lớn bé người ta cũng để vào cuối tuần. Do được ăn chơi thoải mái trong hai ngày cuối tuần nên tâm lý chung là chẳng ai buồn trông chờ ngày thứ Hai trở lại bao giờ. Mà nếu chẳng may nó giận dỗi bỏ đi luôn thì cũng chẳng ai mảy may thương tiếc. Cũng vì sự lạnh nhạt của nhiều người đối với ngày thứ Hai ấy nên người Mỹ có câu thành ngữ “Blue Monday” để nói lên tâm trạng rầu rĩ, ủ dột của nhiều người trong những ngày thứ Hai đầu tuần ấy.
Nhiều người trong chúng ta cũng đã không ít lần nghe có người than van về cái ngày thứ Hai đó. Ôi, những ngày thứ Hai sao vô duyên hết sức. Này nhé, hai ngày cuối tuần không phải đi làm, hai ngày được nghỉ ngơi, ăn chơi thỏa thích, không phải lo dậy sớm, hai ngày có nhiều thì giờ dành cho gia đình, người thân, bạn bè, hai ngày tiệc tùng xả láng. Nhưng hai ngày cuối tuần rồi cũng đến lúc chấm dứt và với năm ngày làm việc đang chờ đợi chúng ta ở phía trước thì ai mà không cảm thấy bực mình và những nỗi bực mình ấy thường đổ hết lên đầu ngày thứ Hai oan uổng đó.
Bạn cứ thử nghĩ lại xem có phải bạn đã từng gặp trường hợp sáng thứ Hai vừa bước vào sở, chưa kịp làm gì thì người bạn đồng nghiệp đi ngang qua liền đứng lại rồi hỏi thăm theo thói quen: “Sao, khỏe chứ?”
Trong khi bạn còn đang ngập ngừng chưa kịp trả lời cho phải phép thì người bạn kia liền nhanh nhẩu nói ngay giùm bạn và làm như đã hiểu thấu tâm can: “À, thứ Hai đấy mà”.
Quả đúng là thứ Hai bị oan thật. Khi không bị đổ ngay cho cái tội làm cho nhiều người mang tâm trạng rầu rĩ, chán nản vì nuối tiếc mấy ngày cuối tuần vừa qua nhanh.
Nhưng có phải thật sự người ta mang tâm trạng chán ghét cái ngày thứ Hai đó hay không? Hay chỉ vì nghe nhiều người nói thế nên nhập tâm để rồi bắt chước lặp lại như một thói quen. Cứ nghe nhắc thứ Hai thì lại nghĩ nó là một ngày uể oải, buồn chán, một ngày lê thê, qua chậm chạm như rùa bò.
Trong một cuộc nghiên cứu vào năm 2008 bao gồm 340.000 công dân Hoa Kỳ và qua phỏng vấn trực tiếp bằng điện thoại mỗi ngày 1.000 người kéo dài đúng một năm trời để thu thập dữ liệu về tâm trạng của những người đi làm ở Mỹ qua những sinh hoạt hằng ngày, bao gồm cả những ngày đi làm lẫn ngày nghỉ, và ta có thể tin tưởng độ chính xác của cuộc nghiên cứu trên. Các nhà nghiên cứu của trường đại học Stony Brook và viện thăm dò Gallup nói rằng thứ Hai không hẳn là ngày tệ hại nhất trong tuần như người ta hằng tưởng. Thật ra nó cũng là một ngày tương tự như những ngày thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm thôi chứ không có gì khác. Những người tham gia cuộc nghiên cứu được yêu cầu trả lời những câu hỏi đại loại như cảm xúc, suy nghĩ của họ trong ngày ra sao: hạnh phúc, vui vẻ, lo lắng, buồn rầu, căng thẳng hay giận dữ.
Kết quả của cuộc nghiên cứu hé mở cho thấy là tâm trạng của người ta có phần tích cực hơn và bớt tiêu cực vào những ngày thứ Bảy và Chủ nhật, so với những ngày khác trong tuần, và đối với những người càng lớn tuổi hoặc những người đã nghỉ hưu thì ảnh hưởng của mỗi ngày cũng bớt đi nhiều – nghĩa là ngày nào cũng gần như ngày nào.
Mặc dù không được so sánh ngang bằng với hai ngày cuối tuần, nhưng những bằng chứng cũng cho thấy là người ta vui vẻ hơn vào ngày thứ Sáu so với những ngày khác trong tuần và điều này củng cố cho câu mà người Mỹ thường nói “Thank God It’s Friday!” (Cám ơn Thượng Đế, hôm nay thứ Sáu). Mà đúng vậy, chờ gần một tuần lễ để nói được câu đó trong ngày làm việc cuối cùng của một tuần thì như trút được gánh nặng đeo trên vai suốt tuần và dường như ngày làm việc đó cũng ngắn đi nhiều. Tuy nhiên khi so sánh ngày thứ Hai với những ngày thứ Ba, Tư và Năm, các nhà nghiên cứu cho biết không có bằng chứng nào cho thấy có những khác biệt trong tâm trạng của những người được hỏi đối với bốn ngày này trong tuần.
Thế nhưng vẫn có nhiều người nghĩ rằng thứ Hai là ngày làm việc nản nhất. Trong một cuộc thăm dò cho thấy 2/3 những người được hỏi cho rằng ngày thứ Hai là ngày tệ hại nhất trong tuần. Trong khi đó một nghiên cứu khác xác nhận rằng cái ý kiến trên tràn lan trong đám đông, mặc dù sự thật là chúng ta không thật sự cảm thấy rầu rĩ, u sầu hơn trong cái ngày thứ Hai đó.
Vậy thì câu hỏi là tại sao thế? Tại sao chúng ta lại tin tưởng điều mà ngay những bằng chứng từ cuộc nghiên cứu cũng như kinh nghiệm trực tiếp của chính chúng ta cho thấy một điều giản dị là nó không thật?
Theo các nhà nghiên cứu thì sự bí ẩn về ý kiến cho rằng thứ Hai là ngày buồn nản chẳng qua là một hiện tượng quen thuộc trong môn khoa học nghiên cứu về hành vi của con người đó là óc phán đoán của chúng ta về kinh nghiệm của chính bản thân mình có thể không ăn khớp với kinh nghiệm thật sự mà ta trải qua. Nghĩa là óc phán đoán của chúng ta thường dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh ở vào một thời điểm nào đó.
Người ta đưa ra thí dụ về những kỳ nghỉ phép và thấy rằng những người vừa đi nghỉ phép về thường thấy những ngày nghỉ phép đó thật sự thú vị sau khi đã trở về nhà hơn là khi kỳ nghỉ phép còn đang diễn ra. Cũng thế, trong trường hợp khi chúng ta đau ốm: chúng ta thường nhớ tới những cơn đau hoặc triệu chứng của căn bệnh ở mức độ cao hơn thực tế khi mà căn bệnh còn đang vật vã, một phần là vì chúng ta không nhớ tới những khi không bị căn bệnh hành hạ mà chỉ nhớ những lúc thể xác bị đau đớn thôi.
Các nhà nghiên cứu giải thích là vì bộ não của con người tuy có nhiều khả năng nhưng cái khả năng nhớ lại và xử lý những thông tin được cất giữ trong đó thì lại giới hạn. Do đó, khi những thông tin không có sẵn để trả lời một câu hỏi – nghĩa là, khi không thể moi ra từ ký ức ngay lúc đó – thì chúng ta sử dụng bất cứ thông tin nào có sẵn ngay lúc đó, kể cả nếu thông tin đó không hoàn toàn thích hợp cho câu hỏi đó. Nói cách khác, chúng ta cứ nói bừa, nói càn, và vì thế, nói sai.
Khi được hỏi thử nhớ lại những đau đớn thể xác trong tuần qua, phần lớn người ta không thể nhớ hoàn toàn những lúc đau và những lúc không đau trong suốt bảy ngày. Tuy nhiên, chúng ta lại thường nhớ tới những lúc đau đớn nhất và có thể dùng nó như là cách để tổng kết lại nỗi đau đớn trong nguyên tuần lễ. Khi được hỏi về sự thỏa mãn trong cuộc sống hiện tại, chúng ta lại có khuynh hướng chú trọng tới những điều nảy ra trong đầu ngay lúc đó – chẳng hạn một cuộc cãi vã mới đây với người phối ngẫu hay một lời khen từ ông sếp ở sở làm.
Những sự kiện tâm lý trên có liên quan đến cái gọi là nhận thức của chúng ta. Mà phần nhận thức đó lại thường chú trọng tới những sự việc nổi bật và vừa mới xảy ra.
Trong trường hợp “thứ Hai buồn” cũng thế. Cái suy nghĩ cho rằng thứ Hai là ngày tệ hại nhất trong tuần có thể là vì chúng ta đã quá chú ý tới sự chuyển đổi từ ngày Chủ Nhật đang vui vẻ bước sang ngày thứ Hai phải đi làm trở lại và sự kiện này tạo ra sự thay đổi lớn nhất trong tâm trạng vui buồn trong suốt tuần lễ đối với một người đi làm bình thường. Do đó, khi nghĩ về tâm trạng vui buồn của những ngày trong tuần, chúng ta phản ứng lại với sự thay đổi đột ngột đó hơn là bình tâm nhìn cho rõ hơn tâm trạng thật sự của từng ngày. Vì phản ứng theo bản năng nên chúng ta dễ bị lầm, ít nhất là trong việc cố gắng hình dung ra cái tâm trạng vui buồn thật sự đang tiềm ẩn trong trí nhớ.
Thế nên, thứ Hai không là ngày buồn. Nó cũng tương tự như những ngày thứ Ba, Tư, Năm và chỉ thua kém một chút so với thứ Sáu, Bảy và Chủ Nhật. Vì vậy, nó cần được đối xử bình đẳng hơn. Hiểu được điều đó nghĩa là cứ mỗi sáng thứ Hai khi bước vào sở làm, chúng ta không phải mang cái cảm giác hắc ám và như thế sẽ giúp chúng ta làm việc chăm chỉ hơn. Được vậy sẽ có lợi cho cả đôi bên – người làm là chúng ta và chủ nhân là người sẵn sàng trả lương cho công việc chúng ta làm.

Huy Lâm

2 comments:

Anonymous said...

Tôi không bao giờ buồn ngày thứ hai vì đó là ngày lãnh lương của tôi,thứ 3 ,thứ tư,thứ 5 cứ lửng lờ trôi rồi chiều thứ 6 yêu đời, thứ 7 hạnh phúc sáng chủ nhật sảng khóai ,tối chủ nhật háo hức nghĩ tới tiền lương ngày thứ hai.

Đọc giả TH

Anonymous said...

Wow ! It 's good