Tuesday, May 21, 2013

Cách đối phó Cái Ác theo Sartre và Camus

___________

Thầy Hồ văn Thủy



Đây là hai nhà văn và triết gia hiện sinh người Pháp có ảnh hưởng lớn với giới thanh niên trí thưc trong thập niên 60 của thế kỷ 20.  Cả hai tuy cùng thời, cùng được giải Nobel vè văn chương, cùng một  trường phái triết học. nhưng tư tưởng lại có nhiều khác biệt. Ngay trong cách hành văn cũng thế. Sartre thì  trừu tượng, bay bướm, bóng bẩy...nên rất khó hiểu, Camus thì đơn giản, chân phương. Lấy hai cuốn tiểu thuyết La Peste của Camus ( Gallimard, 1972) và La mort dans  l’âme của Sartre ( Gallimard, 1970) để cụ thể  hóa nhận xét trên.

1/ La mort dans l’âme ( Chết trong tâm hồn) nói về tâm trạng của người Pháp, binh lính Pháp trước cảnh thất trận trước quân Đức trong Thế chiến thứ 2: tuyệt vọng, nhục nhã, oán ghét lịch sử, khinh khi lãnh đạo, nguyền rũa kẻ thù, nghĩa là đối phó Cái Ác bằng hằn học, thù hận...nhưng các chương mục kết cấu tùy
hứng, rời rạc, chẳng có quan hệ thống nhất với nhau. Thêm vào đó là các mẫu đối thoại nặng tiêng lóng được khai thác triệt để làm khó hiẻu, nhàm chán. Nhưng điều đáng là nói tác giả cứ lặp đi lặpi lại mãi nổi khắc khoải hiện sinh trong nạn kiếp thất trận, mất nước mà không đưa ra được  một lối thoát nào cho tư duy, dù chỉ là ảo tưởng. Nói cách khác, nếu chiến tranh cũng là một thứ tai họa khủng khiếp, bất nhân như dịch bệnh, thiên tai mà người bị hại không còn cách nào khác là coi mình như một nạn nhân bất lực trong hành động, trong tư duy, thì các nhân vật của Sartre đúng là những mẫu người như thế, tức là tiêu cực, chịu thua số phận, khác hẳn các nhân vật của Camus  trong La Peste.



2/ Trong La Peste ( Dịch hạch), Camus sử dụng loại văn giản dị, dễ hiểu nhưng vẫn tạo  được sự  căng thẳng tăng dần trong một kết cấu mạch lạc, nhất quán nên lôi cuốn được độc giả suốt câu chuyện.
Ngay cả tư tưởng hiện sinh trong thời mạc vận của các nhân vật Camus cũng khác hẳn. Nếu ta coi dịch bệnh cũng là một tai ương phi lý và khủng khiếp ngang hàng với chiến tranh ta sẽ thấy quan niệm hiện sinh của Camus tích cực hơn. nhân bản hơn. Thật vậy  thay vì chấp nhận phi lý của cuộc sống , hay của cỏi “ sống nhày nhụa, đáng buồn nôn” trong bế tắc như Sartre,  Camus đề ra một  triết lý hành động tích cực, nghĩa là không phải làm lấy có, làm để tự trấn an bản thân và người đời trước một bế tắc, một Cái Ác,  đó là hy sinh  niềm riêng để “chung lưng đâu cật” hạn chế tác động và ảnh hưởng tai hại của tai họa cho dù cuộc chiến đó là vô vọng nhưng ít ra thì cũng tìm được một lối thoát cho sự phi lý của hiện sinh. Nhiều ý tưởng cao đẹp được đưa ra làm động cơ cho hình thức đối phó này.

 a) Bị cách ly với thế giới bên ngoài, với người thân ở nơi khác,  cách ly gần như vô hạn định, họ, những người sống trong vùng có dịch bệnh ” cảm nhận được nổi  đau sầu thẩm của tù nhân, của kẻ bị lưu đài, đó là phải sống với một ký ức không còn được sử dụng vào đâu cả. Chính vì cái quá khứ đó mà họ ngày đêm chỉ  nghĩ đến hương vị của  tiếc nuối. Tất nhiên họ cũng muốn thêm thắc vào đó tất cả những gì mà họ chợt cảm thấy trước kia lẽ ra họ phải làm với người thân, những người họ đang mong đợi, nhớ nhung...Bất nhẩn với hiện tại, thù địch với quá khứ và bị tước bỏ tương lai, họ giống y như những thành phần mà công lý và sự hận thù cúa xã hôi buộc phải sống sau cánh cửa ngục tù”.
 Nếu chỉ có những suy nghĩ như thế này thì nhân vật của Camus chỉ mới ở vào tâm trạng của một nạn nhân, khổ đau và tự dày vò cách này, cách khác giống loài bò nhơi đi nhơi lại nắm cỏ khô. Phải có một hành động gì đó trước Cái Ác chứ. Ông tiếp: “ Cách duy nhất để thoát khỏi cuộc nghĩ ngơi không chịu nổi này là cho chạy lại những con tàu trong trí tưởng và lấp đày giờ giấc nhàn rổi bằng tiếng còi liên tục của cái còi, thật ra còn lặng thinh” (La peste, p.72). Đấy là thái độ tâm lỳ duy nhất có thể trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành dữ dội.

b) Tai ương dù dưới hình thức nào, dù từ hướng nào cũng mang tính phi lý, nhất là khi ta cho rằng thế giới này không là một ngẩu nhiên mà do một Quyền Năng minh mẩn, vị tha ngự trị.  Một đại diện cho Quyền Năng đó, linh mục Penelope, đã cố biện minh sự minh mẩn của Chúa trước tai ương gây chết chóc hàng loạt trong bài rao giảng như sau:
... Người trung chính không sợ nó ( dịch hạch) nhưng kẻ ác ôn có lý do để sợ. Trong vựa thóc vĩ đại của vũ trụ , liềm hái ( fleau) tử thần giáng trên lúa nhân loại cho đến khi lúa thóc tách khỏi rôm rạ.. Rồi sẽ có nhiều rôm rạ hơn  lúa thóc, sẽ có nhiều người bị gọi hơn những người được bình chọn, và tai họa này không do ý Chúa . Ý nhân vật này muốn nói kẻ xấu, kẻ ác thì mới sợ ngọn hái tử thần, tức là sẽ xa vào địa ngục, người tốt thì chẳng phải sợ sệt gì hết vì sẽ được hưởng phúc đời đời trên Thiên đàng, nhưng tiêu chuẩn thế nào là tốt xấu, thiện ác ngày nay phức tạp lắm, biện chứng lắm, co giản lắm. Cụ thể như giết vài người để cứu nhiều người có là ác hay không?). Hình như tu sỉ này cho rằng không. Ông tiếp: “ Lâu lắm rồi thế giới này đã câu kết với cái ác, lâu lắm rồi nó tựa vào ân sủng của Chúa. Chỉ cần hối cải, mọi thứ đều có thể…  Ý muốn nói làm chuyện ác đức rồi xưng tội, hay ăn năng hối cải rồi cứ tưởng như thế là xong, là có thể yên chí tiếp tục và như thế thì chưa hiểu ý Chúa. Ông tiếp: “ việc này không thể kéo dài…nên Chúa đã quay lưng vì đã mệt mõi chờ  đợi trong ( p.92).

Như vậy tác động của tai ương là để trừng phạt kẻ ác, kẻ xấu, thế sao người tốt cũng không tránh khỏi? Ông này lại bảo sở dĩ như thế vì đối với người tốt “ Chúa không còn kiên nhẩn chờ đợi lâu hơn nữa. Ngườii muốn nhìn thấy các con lâu hơn, đó là cách của Người thương yêu các con, và nói cho đúng, đó là cách duy nhất. Đấy, chỉ vì quá mệt mõi trông chờ sự hiện diện của các con, nên Người đã đê tai họa thăm viếng các con như đã từng viếng thăm các xã hội khác từ khi có lịch sử loài người”(p.93).
  Tất nhiên đây chỉ là quan điểm riêng của tôn giáo, hay một nhánh tôn giáo, vừa để lý giải các phi lý mà loài người phải gánh chịu, vừa để kêu gọi lấy sự cầu nguyện và chịu đựng để đối phó với tai ương. Nhưng cách đối  phó thụ động như thế không phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, vốn cũng là một vấn nạn lớn cho tất cả tôn giáo ( Ví dụ: Loài người sinh ra làm gì mà phải gánh chịu tai ương to tác thế này ?). Ngay cả linh mục Penelope , sau bài thuyết giảng cũng đã tình nguyện tham gia các hoạt động  làm hạn chế lây nhiễm, trợ giúp nạn nhân, nghĩa là khi Thượng Đế ngoảnh mặt thì loài người cũng không nên quay lưng với đồng loại dù cho hành vi dấn thân đò có vẻ như ảo tưởng, không hiệu quả.

c) Những tình nguyện viên xả thân để cứu vản một bi kịch, để hạn chế hay đối phó một tai họa  không phải vì họ muốn chống chọi với thần thánh, cũng không phải để làm anh hùng cái thế, để trở thành mẫu mã cho đời tôn sùng. Họ chỉ làm việc phài làm. “Họ đơn giản chỉ là loại anh hùng vô nghĩa và khuyết danh, chỉ đặt cho mình chút lòng tốt và một lý tưởng có vẻ thật buồn cười. Điều này sẽ trả lại cho chân lý cái phần của chính nó, như  khi ta cộng hai với hai bằng bốn, và sẽ  đẩy anh hùng tính vào hàng thứ cấp...để nhường chỗ cho yêu sách rộng lượng của hạnh phúc.” (p.129). Tóm lại, làm điều thiện không phải để tạo ấn tượng với người đời. mà chỉ đơn giản thể hiện , trong thầm lặng, trong khiêm tốn, điều phải làm dù hiệu quả thực sự là khó đoán.
“ Cái ác tiềm tàng trong thế giới, hầu  như nó xuất hiện do sự thiều hiểu biết và dù đã hành động do thiện tâm, ta cũng có thể gây lắm tổn thất như sự hung ác, nếu sự thiếu hiểu biết của ta không được soi sáng. Về cơ bản loài nguời là tốt đẹp... nhưng họ đều ít nhiều thiếu hiều biết. và đó chính là khác biệt giữa lành và ác, điều ác gây nhiều thất vọng nhất là điều ác do ngu dốt mà cứ tưởng mình thông thái và cho phép mình giết người. Tâm hồn của kẻ sát nhân thường đui thột  và cũng không có lòng tốt thực sự hay tình cảm cao đẹp nếu không có sự sáng suốt cần thiết” (p.124).
 Tất nhiên, có rất nhiều cái ác trong thế giới này, có thứ do thiên nhiên như thiên tai, tật bệnh, di truyền, có thứ do con người làm ra. Với tai họa thiên nhiên thì cách đối phó duy nhất có thể làm được là hạn chế tổn thất bằng sự hiểu biết, bằng chung lưng đâu cật. Nhưng với tai họa do loài người tạo ra cho đồng loại thì không hẳn là do thiếu hiểu biết, bởi ngoaị trừ vài trường hợp mất tự chủ, loài người thường dựa vào một ý tưởng nào đó để cho phép mình gây hại đồng loại, mà ý tưởng nào cũng nhằm bảo đảm quyền lợi, quyền lực của cá nhân hay phe nhóm, ta đã từng chứng kiến những người cùng tôn giáo còn sát hại lẫn nhau chỉ vì một khúc mắc trong tín ngưởng mình. Xem ra, cái cách giải quyết vấn đề bằng sự sáng suốt cần thiết chỉ là chuyện đầu môi, chót lưỡi mà thôi.
     Tóm lại, theo Camus, cỏi hiện sinh là phi lý ( absurbe) và người hiểu biết là người chấp nhận cách sống giống như Sisyphe, cứ cố đẩy một hòn đá lên đỉnh cao, đá tuột xuống vẫn phải cố đẩy lên, tất nhiên không bao giờ  tới đỉnh. Điều này có nghĩa là khi gặp tai ương nan giải ( mà tai ương từ mọi phía thì nhiều lắm) cách đối phó duy nhất là tập sống chung với nó trong tinh thần vớt vát được chừng nào hay chừng ấy. Nhưng thử hỏi bao nhiêu người có đủ can đảm và kiên nhẩn sống chung với phi lý ấy mà tâm hồn vẫn an bình, vẫn lành lặn không bị stress? Mà không cảm thấy “ buồn nôn” như Sartre đã nói? Và nếu thế thì đâu mới là sự giải thoát? Sartre đã có lần chủ trương nên dựa vào chủ nghĩa Mác ( theo nghĩa nguyên thủy, không có bốc lột giai cấp, chỉ có chung lưng đâu cật để cùng nhau gánh vát khó khăn chung và riêng). Đây đúng là thiên đường, chỉ tiếc người mác- xít không phải ai cũng là thiên thần, nhất là khi nắm được quyền lực trong tay.
   Cái Ác dưới mọi hình thức và Hạnh phúc của chúng ta luôn là hai thái cực bất dung hợp và nan giải ngay cả về mặt lý luận, nếu ta hoàn toàn trung thực trong tư duy, tất nhiên ngoại trừ trường hợp cố tình làm chuyện ác để mưu cầu hạnh phúc riêng. Có lẽ cách duy nhất là phải tập sống chung với nó.
      .


2 comments:

Anonymous said...

Tôi không viết comment cho bài nầy,vì triết lý làm cho tôi nhức đầu lắm .Tôi chỉ nhắn tin hỏi anh một việc.Anh có tin tức gì về Nguyễn Công Trí không? .Năm xưa anh tổ chức buổi trình diễn độc tấu guitare do anh Trí đàn.Nếu có tin xin anh cho tôi biết.
Email của tôi : hieulecalgary@hotmail.com
phone: (403)1250 CÀRIDÊ

Anonymous said...

Đính chánh
Số phone (403) 207-1250
CÀRIDÊ