Friday, December 16, 2016

Út Bạch Lan về cõi vĩnh hằng, Nghệ sĩ Thành Được bây giờ ra sao ?

____________

Cám ơn chị LMH đã chuyển bài của bác NP
TH

NGUYỄN PHƯƠNG

Hai nghệ sĩ Út Bạch Lan và Thành Được đã ly dị từ năm 1964, tính đến ngày Út Bạch Lan mất ( ngày 04 tháng 11 năm 2016 ) Út Bạch Lan và Thành Được đã xa nhau 52 năm, sau đó mỗi người có gia đình riêng, có bạn diễm cặp đôi khác như Thành Được diễn với Thanh Nga trong nhiều năm, nhiều tuồng ; Út Bạch Lan diễn cặp với Minh Phụng, Minh Cảnh, Minh Vương, Út Hiền, Út Trà Ôn… nhưng nửa thế kỷ qua, khán giả vẫn nhớ và quen miệng gọi cặp đôi Út Bạch Lan và Thành Được là một đôi diễn viên lý tưởng, xứng đào xứng kép nhứt. Út Bạch Lan dù diễn cặp đôi với nghệ sĩ danh ca khác hay Thành Được diễn chung với cô đào danh ca hay tuyệt sắc nào, cả hai vẫn không được khán giả gọi tên chung của họ với diễn viên mới mà người ta vẫn quen miệng gọi tên chung của hai người, dầu họ còn sống chung hay mỗi người một ngả : Út Bạch Lan – Thành Được.

Tóm tắt tiểu sử Thành Được :
Nghệ sĩ Thành Được tên thật là Châu Văn Được sanh năm 1938 tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cha mẹ là phú nông, có ruộng vườn tại xã Nhơn Mỹ, Kế Sách. Thành Được học xong Tiểu học tại huyện Kế Sách, anh theo cậu ruột của anh là bầu gánh hát cải lương Thanh Cần, để học hát. Gánh Thanh Cần là một gánh hát trung ban, chuyên diễn ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ; Thành Được nhờ có giọng ca tốt, sắc diện đẹp trai, lại được diễn trên sân khấu nhà nên nhanh chóng trở thành kép chánh, được khán giả Hậu Giang ái mộ.
Năm 1957, khi bộ tứ Bầu gánh Kim Thanh: Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thúy Nga, Thanh Tao giải tán đoàn cải lương Kim Thanh - Út Trà Ôn, nữ nghệ sĩ Thúy Nga quy tụ một số nghệ sĩ cũ của Kim Thanh, thành lập đoàn Thúy Nga - Phước Trọng, mời nghệ sĩ Thành Được làm kép chánh. 
Vở tuồng khai trương của đoàn cải lương Thúy Nga - Phước Trọng là vở Ngưu Lang - Chức Nữ của soạn giả Kiên Giang, Thành Được thủ vai Ngưu Lang, nữ nghệ sĩ Bích Sơn vai Chức Nữ, chỉ đạt được sự thành công tương đối. Sau đó, đoàn Thúy Nga - Phước Trọng trình diễn vở cải lương hương xa ( Nhựt Bổn) " Khi Hoa Anh Đào Nở"  của Hà Triều & Hoa Phượng, với kép chánh Thành Được trong vai kiếm sĩ Tô Điền Sơn. Đoàn Thúy Nga - Phước Trọng đạt được thành công lớn về nghệ thuật lẫn tài chánh.
Bà Kim Chưởng sau khi rã phần hùn với gánh Kim Thanh - Út Trà Ôn, tách riêng ra lập gánh Kim Chưởng,, bà ký hợp đồng với nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan. Út Bạch Lan yêu cầu bà Kim Chưởng ký hợp đồng với Thành Được, mời Thành Được về hát chung với Út Bạch Lan thì Út Bạch Lan mới ký hợp đồng về hát cho Kim Chưởng.
Bà Bầu Kim Chưởng đích thân đến gánh Thanh Cần, xem Thành Được hát. Bà đồng ý theo yêu cầu của Út Bạch Lan, Bà mời Thành Được về làm kép chánh đoàn hát Kim Chưởng. Bà đứng ra tập luyện, chỉ dạy cho nghệ sĩ trong đoàn của bà theo phong cách ca, diễn mà bản thân của bà đã được học hỏi trước đó. Thành Được, Út Bạch Lan được cái may mắn khi mới bước chân vào nghề hát, đã được danh sư Kim Chưởng chỉ dạy.
Đoàn Kim Chưởng nổi danh là « Anh Hùng Lưu Diễn »với các diễn viên giỏi tay nghề như Thành Được, Út Bạch Lan, Kim Nên, Mộng Thu, Trường Xuân, Nam Hùng, Thanh Sơn, Hề Minh. Khán giả khó quên cặp diễn viên « thinh sắc lưởng toàn »Thành Được - Út Bạch Lan qua các vở tuồng: Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ, Thuyền Ra Cửa Biển, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nữa Bản Tình Ca, Người Đẹp Thành Bát Đa. . .
Trên sân khấu Kim Chưởng, đôi diễn viên tài sắc Thành Được - Út Bạch Lan yêu nhau, đưa đến cuộc hôn nhơn có hôn thơ giá thú, cô Phùng Há, chủ hôn bên đàng trai, cô Kim Chưởng, chủ hôn đàng gái. Đám cưới được tổ chức long trọng, hầu hết các ký giả kịch trường đều được mời tham dự. Báo chí đăng bài phóng sự lễ cưới và các giai thoại về cuộc tình Út Bạch Lan - Thành Được vì đây là lần đầu tiên trong giới nghệ sĩ cải lương có một cuộc hôn nhơn có hôn thơ giá thú đàng hoàng.
Năm 1961, Út Bạch Lan lập đoàn hát lấy bảng hiệu là đoàn cải lương Út Bạch Lan - Thành Được ( sau đổi lại là đoàn Lan Được), Cô Phùng Há và nghệ sĩ Ba Vân chỉ đạo nghệ thuật. Diễn viên có: Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Kỳ, Thanh Sơn. Thanh Thanh Hoa, Nam Hùng, Văn Ngà, Văn Chung, Minh Đạt, Ngọc Giàu, Bé Hoàng Vân, Thanh An. Soạn giả thường trực Lê Khanh, Qui Sắc, Viễn Châu. Đoàn Lan Được có những tuồng gây được tiếng vang như: Trảm Mã Trà, Đêm Huyền Diệu, Chân Trời Hạnh Phúc, Khi Rừng Mới Sang Thu, Bốn Mùa Hoa Nở, Bao Giờ Vườn Xứ Mưa Hoa, Cuối Đường Hoa Mộng, Thuyền Về Bến Ngự, Em Đi Trên Phím Nhạc, Khi Hoa Anh Đào Nở, Trăng Sương Cầu Trúc, Sầu Qua Mấy Nhịp Cầu Duyên. . .
Cuối năm 1961, Đoàn Lan Được rã, Út Bạch Lan và Thành Được, Bích Sơn, soạn giả Kiên Giang, Hà Triều Hoa Phượng gia nhập đoàn Thanh Minh Thanh Nga, lúc đoàn nầy lưu diễn miền Trung để tập vở tuồng «  Nửa Đời Hương Phấn » của Hà Triều Hoa Phượng.
Thành Được trong vai Tùng, Út Bạch Lan, vai Hương ( tên The khi ở dưới quê), Hữu Phước vai Hai Cang, người anh, vì quan niệm lổi thời môn đăng hộ đối mà phá hủy hạnh phúc của em mình. Ngọc Nuôi, vai Diệu, em của Hương, về sau là vợ chính thức của Tùng. Việt Hùng vai Định, kẻ sở khanh, Minh Điễn vai ông cha phong kiến và Thúy Lan, vai bà mẹ hết lòng yêu thương che chở cho Hương.
Với thành phần diễn viên ngôi sao sân khấu, với một tuồng tâm lý xã hội nói lên bi kịch của một con người bình thường nhưng không được sống yên ổn với cuộc sống bình thường mà phải chịu cảnh chia ly, đổ vỡ, giống như những cuộc đời có thật trong xã hội nên được sự đồng cảm của đại đa số khán giả.
Thành Được, Út Bạch Lan sáng chói hơn hết trong hai nhân vật trung tâm của vở tuồng. Nữa Đời Hương Phấn là nữa đời ngang trái cho thân phận đàn bà, cho tình yêu, cho sự đi tìm bạn tri âm và cho cả sự hy sinh cam chịu sự tan nát của nổi lòng khi Hương biết người con gái mà Tùng kết duyên lại chính là Diệu, em ruột của Hương. Hương - Út Bạch Lan ca bản Phụng Hoàng, lấy nước mắt khán giả mà đến nay hơn 55 năm sau, nghe lại lớp ca Phụng Hoàng đó của Út Bạch Lan, tôi vẩn còn bồi hồi xúc cảm như xưa...:
Hương   :  Dù biết em thành hôn với ai đi nữa thì chị cũng ráng về với...  (ca Phụng Hoàng ) :
                 ... em . Để mừng ngày em xuất giá, cho vui lòng Ba với Má,
                 Chị cũng nở mày nở mặt với lối xóm bà con,
                 Còn dượng Ba đây là một thanh niên có học thức, lại đàng hoàng,
                 Chị vô cùng sung sướng thấy em có một tấm chồng đúng như lòng chị ước mong...
Lớp nầy Thành Được diễn rất hay, đứng trước người yêu và người vợ mới cưới, mà vợ lại là em ruột của người yêu, nói thật thì không được mà im lặng thì đau nhói trong tim, Tùng - Thành Được với đôi mắt băn khoăn, đau khổ, Thành Được đã làm cho khán giả chia xẻ với anh hoàn cảnh tế nhị nầy. Thành Được có một lợi thế là anh có đôi mắt rất đẹp. Đôi chân mày rậm, đen, dài quá khỏi đuôi mắt, Thành Được có cái nhìn sâu thẳm như xoáy vào tâm hồn người khác, đôi mắt thiết tha như muốn gởi trao tâm tình, đôi mắt đắm đuối đầy thương yêu trìu mến. Hợp cùng với ma lực của đôi mắt ấy, Thành Được có giọng ca rất sang cả, từng lời từng chữ rõ ràng, hơi  rất êm và ngân dài...
Năm 1961, vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn đã lập kỹ lục « ăn khách ». Ấn tượng về những nam diễn viên có giọng ca vàng như Thành Được, Hữu Phước là ấn tượng sâu đậm, khó quên. Thành Được nhờ thành công buổi ban đầu đó, nên anh thành công dể dàng thêm qua các tuồng Con Gái Chị Hằng, Tấm Lòng Của Biển, Bọt Biển, Chuyện Tình 17, Tình Xuân Muôn Tuổi, Rồi Ba Mươi Năm Sau, Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng, Tiếng Hạc Trong Trăng.
Thành Được cũng như những nghệ sĩ tài danh thời đó, khi đã thành danh, lương cao, tiền contrat bạc triệu thì sanh tật hưởng thụ triệt để. Có người mê gái, có vợ bé, có con rơi... có người cờ bạc hoặc sa vào vòng tứ đổ tường, Thành Được thì «  Mê Xe Hơi ». Những tay lái buôn xe hơi tới gạ Thành Được đổi xe mới, Thành Được thay xe hơi mới như người đẹp thay áo màu...đến nổi danh là « Vua đổi Xe Hơi ». Thành Được còn mê đánh cờ tướng. Khi đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát ở rạp Hưng Đạo, hằng đêm, Thành được tới rạp hát rất sớm, không phải để dặm mặt làm tuồng sớm mà là để đánh cờ tướng với anh Năm Ri, quản lý của rạp hát. Năm Ri dụ cho Thành Được đánh cờ tướng, có khi anh giả thua, nhưng thường thường là mỗi đêm anh ăn Thành Được ít nhất là 1000 đồng. Số tiền nầy trong những năm 1966, 1967 không phải là số tiền nhỏ !
Năm 1964, Út Bạch Lan và Thành Được xa nhau vì theo lời của Thành Được thì Út Bạch Lan quá ghen tuông, đến nổi liệng cho anh một cái gạt tàn thuốc vô đầu, làm anh bị phun máu đầu.
Út Bạch Lan thì cho là cô ghen có đủ bằng chứng chớ không phải ghen bóng ghen gió. Nếu đã có sự thay lòng đổi dạ, không chung thủy thì Út Bạch Lan xa Thành Được, cho rã gánh hát Lan và Được. Cô về cộng tác với đoàn Kim Chung 4, hát với kép chánh Hùng Cường.
Út Bạch Lan và Thành Được không xé bỏ tờ hôn thú, không lôi nhau ra tòa, hai người xa nhau một cách dứt khoát. Năm 1966, Út Bạch Lan thành lập đoàn cải lương Tân Hoa Lan, đồng thời cũng bước thêm bước nữa cho cuộc đời riêng của cô.
Thành Được chung sống với nữ diễn viên tài sắc Thanh Nga. 
Cuối năm 1967, Thành Được có chuyện buồn riêng, thối tiền contrat cho bà Bầu Thơ, rời đoàn Thanh Minh Thanh Nga, đi tỉnh.
Năm 1975, tất cả các nghệ sĩ sân khấu, soạn giả được lịnh của chánh quyền mới tới cơ quan văn hóa đăng ký, ai không tới đăng ký, không được phép hành nghề. Tôi gặp Thành Được tới ghi tên một lượt với các anh Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Kim Giác, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu...
Cuối năm 1975, đoàn cải lương Sàigòn 1 được thành lập, thành phần diễn viên có Út Trà Ôn, Thành Được, Ba Vân, Trường Xuân, Nam Hùng, Tư Rọm, Út Bạch Lan, Tô Kim Hồng, Phượng Liên, ... Thành Được nổi danh trong vai ông Huyện, tuồng Ngao Sò Ốc Hến của soạn giả Nguyễn Thành Châu. Anh cũng nổi danh qua vai Trương Định, vở Bình Tây Đại Nguyên Soái, cũng của soạn giả Năm Châu...
Ba năm liên tiếp sau 75, Thành Được là kép chánh được khán giả ưa thích nhứt ở đoàn cải lương Sàigòn 1. Anh cũng đã yên bề gia thất với một thiếu phụ có học thức và giàu sang, có villa trên đường Công Lý cũ.
Có những chuyện của nhà cầm quyền mới gây bất mản cho nghệ sĩ nên Thành Được âm thầm chuẩn bị vượt biên tìm tự do vào năm 1984.
Chuyện thứ nhứt là khi đoàn cải lương Sàigòn 1 đi lưu diễn huyện Chương Thiện, tỉnh Cần Thơ, du kích và công an huyện ganh tị các kép hát có xe hơi nên đã đập bể kiếng xe hơi của Thành Được, xe của Út Trà Ôn và liệng đá vô rạp hát. Ngay tối đó, Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan và một số diễn viên lấy cớ lo sợ bị hành hung, nên không hát mà kéo ra thị xã Cần Thơ ngủ, chờ sáng sớm trở về Sàigòn. Mặc cho Huyện ủy Chương Thiện đến nói bảo đảm an ninh cho các diễn viên, và cả tỉnh ủy Cần Thơ cũng tới khuyến khích các anh trở vô Chương Thiện hát, nhưng các anh không chấp nhận lối kiêu binh, coi dân như rôm rác của các cán bộ trong huyện, các anh không hát Chương Thiện và cũng không ở Cần Thơ để tiếp tục hát theo chương trình lưu diễn đã được định trước. Các nghệ sĩ được biết trước đó một tháng, gánh hát Thanh Tú - Trang Bích Liểu hát ở Chương Thiện, vì không cho du kích và công an vô coi « cọp » mà chúng bắt trói nghệ sĩ Thanh Tú trước cột cờ nơi chợ, hăm bắn bỏ. Trang Bích Liểu và nhiều diễn viên phải xuống nước năn nĩ, chúng mới mở trói, tha cho Thanh Tú.
Chuyện thứ hai ảnh hưởng trực tiếp bản thân của Thành Được. Khi đoàn cải lương Sàigòn 1 về tỉnh Bến Tre hát theo lời yêu cầu của Tỉnh Ủy Bến Tre, Thành Được vì thủ diễn vai Trương Định nên phải để tóc hơi dài để kẹp thêm mái tóc dài giả, bới tóc lên theo như người xưa. Thành Được vừa xuống tới Bến Tre, tới ngã ba « Ống Quần » (địa danh ở gần đường vô chợ Bến Tre,) anh bị cảnh sát tỉnh bắt, dùng tondeur xởn tóc anh vì tội anh để tóc dài. ( các anh Thanh Bạch, Bữu Truyện, Hữu Huệ, Thanh Điền, Thanh Việt cũng từng bị bắt và bị ủi một đường trọc lóc từ gáy cho tới trước trán, nên các anh phải cạo trọc đầu)
Thành Được cũng phải cạo đầu chớ không thể để cái đầu bị xởn tóc như các anh cảnh sát Bến Tre muốn. Đêm đó, Thành Được không đội khăn đóng, để Trương Định đầu trọc ra hát. Khi anh thấy Bí Thư Tỉnh ủy ngồi ngay hàng ghế đầu, anh ở trên sân khấu cầm micro nói lớn : « Xin lỗi quý ông cán bộ, xin lỗi quí khán giả, tôi đóng vai Trương Định nhưng không có thể búi tóc như người xưa vì xuống tới tỉnh Bến Tre, tôi bị mấy ông cảnh sát bắt, lấy bàn bào tóc hớt một đường giữa đầu vì tội tôi để tóc dài... »
Bọn cảnh sát hò hét, biểu Trưởng đoàn bỏ màn xuống, không cho Thành Được nói nữa. Màn bỏ xuống, micro bị cắt điện, Thành Được vẫn khoát màn bước ra tiền đài sân khấu, nói lớn : « Trương Định trọc đầu là tôi không hát được, xin để mấy ông cảnh sát hát cho quý vị coi ».
Bí Thơ Tỉnh ủy bỏ ra về, khán giả cũng ùn ùn ra về. Công an vây quanh rạp hát, hăm he bắn bỏ tụi nghệ sĩ Sàigòn...
Các nghệ sĩ không ai sợ, trái lại còn vui vẻ kéo nhau ra chợ ăn uống, đêm nay được nghỉ xả hơi. Chuyện dàn xếp giữa Tỉnh ủy Bến Tre và Sở Văn Hóa Sàigòn như thế nào không rõ, nhưng Thành Được cương quyết rời đoàn, không theo gánh hát nữa. Anh chỉ tham gia những buổi hát có tánh cách thu tiền để làm việc cứu trợ, từ thiện, tổ chức diễn ở Sàigòn và nhứt quyết không theo đoàn Sàigòn 1 đí hát các tỉnh, lấy cớ sợ bị trả thù vì « dám phê bình cán bộ cảnh sát trước mặt khán giả và Tỉnh ủy ». Từ lúc nầy Thành Được chuẩn bị một chuyến vượt biên tìm tự do khi nhân phẩm nghệ sĩ và con người của anh bị xúc phạm.
Chuyện thứ ba là cái chết đau thương của nữ nghệ sĩ Thanh Nga ! Dù có người xác định là Thanh Nga bị bọn cướp bắt cóc giết người gây án, nhưng trong lòng anh nghĩ bọn cướp đó có thể là bọn công an, cán bộ có súng, muốn làm tiền, làm bậy như trường hợp anh bị xúc phạm ở tỉnh Bến Tre, án giết Thanh Nga sẽ không bao giờ được tìm ra thủ phạm. Thành Được nhứt định phải tìm lối thoát cho mình. Trong thời gian nầy có phong trào « vượt biên bán chánh thức », Thành Được và soạn giả Lê Khanh thường lái xe đi Vũng Tàu chơi. Thành Được thì nói buồn quá, đi tắm biển, đi thăm bạn. Lê Khanh thì nói tuồng viết không được, nghèo quá nên dẫn mối người Hoa đi vượt biên bán chánh thức cho tổ chức công an ở Vũng Tàu để kiếm tiền « cò ». Ai biết được là trong thâm tâm, hai anh đang muốn gì?
Tháng 2 năm 1984, Sở Văn Hóa Thông Tin Thành Phố tổ chức một đoàn nghệ sĩ cải lương sang Pháp trình diễn, Thành Được được chọn trong thành phần nghệ sĩ đi xuất ngoại biểu diễn. Đoàn cải lương tới Đức, Kiều bào Việt Nam đón Đoàn, phía Việt kiều có người trương cao bảng carton, viết chữ « Liên » thật lớn. Người ta chưa ai hiểu Liên có nghĩa là gì, bỗng Thành Được rời Đoàn thật mau, chạy qua lộ, chui vào chiếc xe hơi đã mở cửa sẵn, nơi có người cầm bảng carton có chữ Liên. Xe hơi đóng cửa, vọt chạy mất trước sự ngơ ngác bất ngờ của cán bộ công an bảo vệ văn hóa đang có mặt trong Đoàn cải lương xuất ngoại biểu diễn đó.
Khi Đoàn trở về nước, Sở Văn Hóa Thông Tin họp nghệ sĩ lại, loan báo là nghệ sĩ Thành Được, Bạch Tuyết và Ngọc Giàu bị bọn xấu bắt cóc, nhưng Ngọc Giàu và Bạch Tuyết trốn thoát trở về Đoàn.
Khi tôi ( tác giả) có dịp qua Mỹ thăm con cháu, gặp Thành Được, có hỏi lại chuyện vượt thoát năm 84, Thành Được cho biết là có bà con bên vợ đang du học tại nước Đức. Thành Được và gia đình đã liên lạc trước với nhau và ám hiệu là cái chữ Liên. Bên người đón Thành Được có hình Thành Được, riêng Thành Được có hình người trong gia đình bên vợ ra đón nên khi thấy ám hiệu thì Thành Được vọt chạy mau, không cán bộ công an nào kịp ngăn cản.
Chọn một cuộc sống tự do, thoát khỏi nơi cùm xích, bao giờ thì cũng phải trả bằng một cái giá đắt, có khi là mất mạng, có khi phải mang thương tật, và chắc chắn là khi khởi đầu cuộc sống mới, mình từ bỏ gia sản đã có sẳn ở Việt Nam mà suốt đời mình đã chắt mót dành dụm được, tới cuộc đời mới, bắt đầu bằng một sự trắng tay thì cực nhọc là điều có thể thấy trước, là chuyện bắt buộc. Thành Được xin định cư tại nước Đức, nơi mà cải lương không có đất dụng võ. Anh gặp nữ nghệ sĩ Hồ Quảng Phượng Mai, cũng vượt biên, được tàu nước Đức vớt ngoài khơi, định cư tại Đức. Hai nghệ sĩ nơi xứ lạ quê người gặp lại nhau như chim cùng chấp cánh, họ bay nhảy, cố tạo một sinh hoạt cải lương « bỏ túi » trên nước Đức.
Cuộc sống khó khăn vô cùng, vừa học tiếng Đức để hội nhập với xã hội mới, vừa hành nghề kiếm sống một cách chật vật. Thành Được nhờ gia đình bên vợ giúp đở, lần hồi qua đất Pháp là một nơi mà nghệ thuật cải lương có đất hoạt động. Thành Được phải cùng gia đình làm nghề contracteur cho hãng may và hát cải lương nơi các restaurant có ca nhạc. Cực khổ, vậy mà vui vì anh được tự do, nhân phẩm nghệ sĩ và con người của anh không còn sợ bị xúc phạm thô bạo nữa.
Đầu thập niên 90, gia đình anh di cư sang Mỹ. Tại đây Thành Được như con cá kình ngư được trở về với biển cả, tha hồ mà bơi lội, vẫy vùng. Thành Được gặp lại các nghệ sĩ cải lương định cư trên đất Mỹ, tổ chức nhiều cuộc biểu diễn nghệ thuật. Lại vừa có danh, vừa có tiền !
Gia đình Thành Được mở một restaurant lớn với bảng hiệu « restaurant Thành Được » tại MILPITAS, San josé, buôn bán khá dã được nhiều năm. Năm 2000, vợ chồng tôi qua San josé có đến restaurant Thành Được dùng cơm, có gặp lại vợ chồng Thành Được, hàn huyên tâm sự với nhau.
Khi chúng tôi đi đến khu Phước Lộc Thọ, lại gặp Thành Được biểu diễn nghệ thuật ở đây. Tháng 6/2003 , tôi liên lạc với Thành Được, biết anh chị đang khai thác một nhà hàng lớn khác với hơn bốn trăm chỗ cho thực khách, bảng hiệu đề : Nhà hàng Thành Được Restaurant,  1228 S. ABEL. ST.....MILPITAS. CA. 95035. số tel : (408) 945 8598.
Khi Út Bạch Lan mất, một ký giả báo Người Việt đến thăm hỏi Thành Được thì thấy anh đả xút kém trí nhớ rất nhiều. Thành Được vẫn hồng hào, quý phái, vẫn giữ cốt cách của một nghệ sĩ tài danh nhưng khi bắt chuyện với ký giả, anh cười nhiều hơn là đáp đúng câu hỏi. Anh còn ngâm mấy câu thơ trong tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở :« Khói lam chầm chậm lên đồi, Sương chiều vây kín chân trời cô thôn, Đốt đèn lên tiễn hoàng hôn, Đốt lên cho ấm thiền môn đêm dài » Có khi anh hát lại bài ca « Xang Xừ Liú »  tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng mà anh đã đóng vai tướng cướp Thi Đằng, vai hát đã làm cho anh được nhận giải Diễn Viên xuất sắc năm 1966 : « Tôi có một đứa em gái theo chồng… Lập nghiệp ở phương xa, Con thì có một mà thôi, Còn cháu tôi ôi thôi cả bầy, Cháu tôi đứa nào cũng dễ dạy, tụi nó có hai ông ngoại. Nó nói ông ngoại nầy móc mắt ông ngoại kia, để cho má tôi thấy đường…» Người già bị bịnh mất trí nhớ là có nhiều người phải chịu, chớ không riêng hoàn cảnh đáng buồn của Thành Được. Anh đã hơn tám mươi tuổi rồi, anh đã vượt xa cái tuổi thất thập, đó là phần số thôi !
Đổi đời để tìm một cuộc sống tự do mà thành đạt được như Thành Được, đáng cho tôi ngả nón khâm phục. Tôi thương Thành Được, phục cái gan dạ khí khái của Thành Được, mến cái đức tính chịu khó, chịu khổ và tinh thần không khuất phục của Thành Được.  Thành Được hơn hẳn cái nhân vật kiếm sĩ Tô Điền Sơn là anh không vô chùa dứt niềm trần tục, trốn cái khó khăn ( như Bầu Xuân, như Thanh Tao, như Tư Hiếu, trưởng đoàn cải lương Saigon 3, vô chùa nghệ sĩ ở Gò Vấp để vừa tu vừa suy gẫm chuyện đổi đời) anh kiếm sĩ Tô Điền Sơn đang múa dao, múa nĩa, đếm bạc Đô La trên đất Mỹ. Và thỉnh thoảng Tô Điền Sơn - Thành Được ca hát cải lương cho đỡ nhớ nghề và cũng lượm được không ít Đô La.
Nghệ Sĩ Thành Được có tổ chức một suất hát giả từ sân khấu. Anh ca mấy câu vọng cổ giả từ hí viện và bạn đồng diễn, vừa khóc vừa ca khiến cho nhiều nghệ sĩ và khán giả khóc theo. Ai đã ăn cơm của ông Tổ cải lương, khó mà quên và xa rời cái nghề sân khấu. Khi bị binh mất trí nhớ của người già, Thành Được vẫn còn nhớ những câu thơ, bài hát đã một thời vinh danh anh. Âu là ông Tổ Cải Lương vẫn còn ưu đãi anh, vẫn cho anh một cuộc sống bình thản, trong tận cùng của tâm thức, anh vẫn còn thơ và nhạc giúp anh yên bề trong cái bịnh lãng quên.
Mong sao thỉnh thoảng kiếm sĩ Tô điền Sơn nhớ vài câu vọng cổ, để gợi nhớ một thời vàng son đã qua.
Soạn giả Nguyễn Phương vẫn nhớ thương Thành Được.
Soạn giả Nguyễn Phương 12 / 2016.

No comments: