Saturday, December 17, 2016

Đi tìm màu thời gian

____________________
NGÔ THỊ THÚY NGA

Có những bài thơ chỉ đi thoảng qua trí óc người đọc như một cơn gió, nhưng cũng có những bài thơ đã neo lại vững chắc trong tâm trí người đọc, trụ lại mãi với thời gian. Người đọc nhiều khi rơi nước mắt khóc cùng tác giả, cũng có khi họ để cho trái tim mình đập rạo rực theo cái sôi nổi của nhà thơ. Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ là một bài thơ như thế! Có gì đó bâng khuâng, xao xuyến không diễn tả được bằng lời cứ ngưng đọng đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn ta.




Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát



Lang thang trong vườn thơ, ta tự hỏi lòng thơ là gì mà có sức lôi cuốn kỳ diệu đến thế? Là “điệu tâm hồn tìm đến những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu)? Hay “thơ là chiếc lá gửi đi cho đời” (Xuân Diệu)? Hay “thơ là tình cảm ở nồng độ mãnh liệt, là cảm giác phát triển toàn vẹn đến gần đứt sự sống” (Hàn Mặc Tử) ? Nhưng rồi, ta tự nhủ với lòng, thơ hay một mặt vì nội dung – cảm xúc thật của thi nhân gửi vào trong đó, nhưng mặt khác, thơ hấp dẫn ta bởi hình thức, bởi ngay từng câu chữ. Hình thức cũng chính là nội dung, hình thức chuyển tải, bộc lộ nội dung, mà cụ thể hơn ở đây, nó được thể hiện trên ngôn từ, trên lời thơ và trong từng câu chữ.



Mỗi loại hình nghệ thuật có một phương tiện diễn đạt đặc thù: với hội họa là màu sắc, đường nét, với âm nhạc là âm thanh, tiết tấu, với điêu khắc là hình khối…còn phương tiện diễn đạt của văn học là ngôn ngữ - qua sáng tạo của nhà văn, trở thành lời văn nghệ thuật với những đặc trưng riêng như tính hình tượng, tính tổ chức cao, tính hàm súc, tính biểu cảm, tính “đích đáng”, và đặc biệt, nó có tính thẫm mỹ rất cao.


Quay trở lại với vườn thơ, ta đang dừng bước trước Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Và điều gì đã khiến bước chân ta khựng lại? Trước hết đó là vì tiêu đề “có tính cách triết học” (chữ của Hoài Thanh) của bài thơ. Ồ! Thì ra thời gian cũng có màu! Xưa nay, ta cứ tưởng nó không màu, không mùi, không vị, và nó đã một đi thì không bao giờ trở lại. Vậy mà hôm nay, ta chợt nghe thi nhân nói nó có “màu” – màu thời gian, một quan niệm độc đáo chưa từng thấy xưa nay trong thơ. Và mãi mê trong ý nghĩ đó, ta bỗng lạc chân vào một buổi sáng đẹp trời của nhà thơ:

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

Tiếng chim trong trẻo tan trong gió xanh, gợi lên cảm giác nhẹ nhàng và mát mẻ. Không những thời gian có màu mà cơn gió cũng có màu. Một buổi sáng đẹp trời, có tiếng chim hòa trong gió, gợi nhà thơ nhớ về “xuân tình”. Hai vần “ương” đặt cạnh nhau làm tăng thêm âm điệu vương vấn cho câu thơ. “Hương ấm” của tình yêu ngày xưa như còn vương vấn, ngưng đọng đâu đây trong tâm hồn thi sĩ. Cách hiệp vần thanh – xanh – tình ở cuối câu, và cả ba đều là vần bằng làm cho khổ thơ như chùng nhẹ xuống, trở nên nhẹ nhàng hơn.

Trước khung cảnh thiên nhiên ấy, nỗi niềm hoài cổ chợt ùa về với thi nhân:
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

“Thi nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện. Xưa có người cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất không chịu cho vua Hán Võ đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu” (Hoài Thanh). Còn cái tên Tần phi, thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng, như chính cách cảm nhận rất riêng về màu của thời gian vậy. Chuyện xưa đã quên lãng, “ngàn xưa không lạnh nữa”, nay nhớ lại bỗng thấy lòng nôn nao, bồi hồi. Thi nhân lặng dâng lên “nàng” cả “trời mây phảng phất nhuốm thời gian”. Ta như nghe được trong đó một nỗi buồn phảng phất. Một tình yêu đẹp, nhưng đơn phương. Thi nhân đã không dám thổ lộ, chỉ lặng lẽ, âm thầm dâng cả hồn mình cho “nàng” – cho người riêng. Từ “dâng” được dùng ở đây tăng thêm sự trang trọng, thiêng liêng cho tình yêu của nhà thơ. Còn từ “nhuốm” làm giảm đi sự nặng nề và đưa lại cảm giác nhẹ nhàng cho câu thơ cũng như cho nỗi lòng của người thi sĩ tình si. Trời mây đáng lẽ là màu xanh, nhưng vì đã nhuốm màu thời gian, mà thời gian lại màu “tím ngát” nên trời mây cũng trở nên hóa màu. Người riêng thích màu tím, và màu tím nhẹ nhàng ấy đã tràn ngập đôi con mắt của thi nhân, khiến cho thi nhân thấy cái gì cũng phảng phất tím, thời gian cũng tím:
Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh

Thật là một khám phá bất ngờ! Ta nhớ lại xưa nay “người Pháp thường bảo thời gian màu xanh” (lời của Hoài Thanh), nhưng Đoàn Phú Tứ không thấy thế, dưới con mắt nhà thơ, cơn gió màu “xanh”, còn “màu thời gian không xanh – màu thời gian tím ngát”. Và phải chăng “màu thời gian” ở đây chính là màu của tình yêu? Nhà thơ không đồng nhất màu thời gian – màu tình yêu với màu của thiên nhiên, cảnh vật. Thời gian – tình yêu mang một màu rất riêng, và còn có cả hương nữa, nó khẳng định rằng tình yêu có những nét riêng, độc đáo riêng, và của riêng mỗi người. Có người thấy tình yêu màu hồng, có người thấy tình yêu màu đỏ nhung, còn với thi nhân của chúng ta, tình yêu cũng như thời gian có màu “tím ngát”. Màu “tím ngát” của thời gian và cũng là màu của tình yêu ấy rất riêng, là của riêng thi nhân, thi nhân giấu kín trong lòng, không thổ lộ. Hai gam màu tím và xanh được đưa vào thơ. Gam màu nhẹ gợi lên sự nhẹ nhàng cho khổ thơ. Hai cụm từ “màu thời gian” và “hương thời gian” được tác giả nhắc lại như muốn khẳng định rõ hơn màu và hương của thời gian là “tím ngát” và “thanh thanh” chứ “không xanh”, “không nồng”. Khẳng định lại nhưng với một sắc điệu vẫn rất nhẹ nhàng, không hề gay gắt. Người riêng của thi nhân thích màu tím, hay một thứ hoa màu tím, vì thế mà mỗi khi bên nhau thi nhân bỗng thấy dường như thời gian cũng hóa màu tím – màu của người riêng – màu của sự thủy chung, của sự dịu dàng nơi “em”. Và màu tím cũng hiện lên như một chứng nhân cho sự thủy chung của thi nhân về một mối tình thơ mộng. Màu hoa lẫn với màu yêu. Thời gian đã qua, bây giờ ngồi nhớ lại, có gì đó xốn xang và nhẹ lòng. Chính vì thế mà “hương thời gian” – hương tình yêu “không nồng”, không quá đậm, nó “thanh thanh”, nhẹ nhàng và cũng tinh khôi như tình yêu mới chớm. Hai từ “thanh thanh” làm tăng thêm sự nhẹ nhàng, tăng thêm sự tinh khôi cho tình yêu cũng như thời gian trong ký ức của tác giả. Và nó cũng tràn sang trong cảm nhận của độc giả như một quy luật lây lan, khiến lòng ta cũng lâng lâng, bâng khuâng hoài niệm cùng thi sĩ:
Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Lại một điển tích ngày xưa, khi Dương Quý Phi mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng rồi nhớ quá nên lại sai người ra thăm, Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Trông thấy tóc, vua thương quá nên lại vời nàng vào cung. “Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này với chuyện Lý phu nhân làm một và tưởng tượng một người cung phi lúc gần mất không chịu để vua xem mặt, chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại trong muôn một mối tình trìu mến của đấng quân vương, ở đây không có chuyện cắt tóc nhưng có chuyện khác cũng tương tự như vậy” (Hoài Thanh). Ta như thấy hiện ra trước mắt mình hình ảnh người cung phi “e lệ” dấu mặt dâng lên nhà vua “món” “tóc mây” như một kỷ vật thiêng liêng. Chữ “phụng” được sử dụng rất đắt, “rất kín đáo” (chữ của Hoài Thanh). Theo như Hoài Thanh, nếu dùng chữ “dâng” thì sẽ xa vời, dùng chữ “tặng” thì suồng sã quá, vì thế mà chữ “phụng” là thích hợp nhất, là hay nhất. “Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ” (Maiakopxki). Chữ “phụng” ở đây là một chữ như thế, nó bộc lộ tài năng và sự tinh tế của tác giả.



Từ bốn dòng thơ ngũ ngôn, thi nhân chuyển sang thất ngôn, gợi lại chuyện ngày xưa bằng một thể thơ xưa. Ở khổ trên, từ cuối của câu đầu hiệp vần với từ cuối của câu cuối (xanh – thanh), ở khổ này cũng vậy (vàng – chàng), và đều là vần bằng, nó làm cho bài thơ như có gì đó lắng xuống, nhẹ nhàng, và nhịp thơ như chậm lại, khớp với tâm trạng của một người đang hoài niệm. Rồi điệu thơ lại trở lại ngũ ngôn với hương màu cũ:< /p>

Duyên trăm năm dứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát

Đến đây, tất cả đều được “mở nút”. Chuyện tình của thi nhân là một chuyện tình buồn nhưng rất đẹp, rất nên thơ. Người ta vẫn thường nói: “tình chỉ đẹp khi tình dang dở”. Dang dở nhưng họ sẽ nhớ về nhau mãi, dang dở nhưng tình vẫn luôn đậm sâu. “Duyên trăm năm dứt đoạn” nhưng tình yêu của thi nhân mãi vẫn thế, vẫn “còn hương”. Hương ấy là hương của tình yêu, và giờ đây, nó cũng đồng thời là hương của thời gian, “không nồng”, không quá đậm, nó nhẹ nhàng, “thanh thanh” nhưng thật sâu lắng. Còn màu tình yêu – màu thời gian cũng vẫn mãi “tím ngát”, dìu dịu như mối tình buồn của thi nhân. Sự lặp lại này khẳng định lại một lần nữa màu và hương của thời gian là “tím ngát” và “thanh thanh”. Từ “hương” ở cuối câu thứ hai được tiếp nối ở đầu câu thứ ba, từ “hương tình” chuyển sang “hương thời gian” phần nào làm sáng rõ hơn tiêu đề đầy ẩn dụ của thi phẩm.



Cả bài thơ chỉ có duy nhất một dấu phẩy, không có dấu chấm câu, sử dụng rất nhiều vần bằng, nó làm cho mạch thơ như dàn trải, mênh mang nhẹ nhàng như chính tâm trạng của thi nhân khi hoài niệm. Và thi nhân khép lại dòng hoài niệm ấy bằng sự khẳng định lại màu và hương của thời gian một lần nữa, như muốn khẳng định lại tình cảm của mình lúc xưa, đến giờ vẫn còn “hương”.


Và ta bỗng nhận ra, “màu thời gian” thật đặc biệt. Mỗi chúng ta sẽ có một màu thời gian khác nhau, một màu thời gian cho riêng mình khi đã một lần tiếp xúc với thi phẩm này. Cứ như thế, bài thơ đi vào lòng người nhẹ nhàng, nhẹ nhàng và đọng lại ở đó thật lâu, mãi mãi…

Ngô Thị Thúy Nga




No comments: