Thursday, April 19, 2018

TUỔI THƠ và CUỘC ĐỜI - kỳ 6


_____________

Tự truyện của Hình Toàn

Kim Trúc chuyển
Cám ơn T


Lớp Đệ Thất năm đầu trường Trung Học NTT

... Nói trở lại đi học nhưng thật ra tui có nghĩ ngày nào đâu, vì lớp nhỏ nên chỉ học một buổi còn buổi ở nhà chơi nên mới tập gầy sòng bị ăn đòn hoài mà đâu có tởn nhưng có khi không cấm thì lại chán (đấy mới thấy cái gì càng cấm thì lại muốn làm, còn thả giàn thì lại chán... thiệt là tình).


Rồi năm sau tôi lên lớp ba học với cô Linh nhà cô bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đi vào trong rẫy, nhà cô có vườn cây ăn trái, xoài ổi chuối mận đủ thứ nên tôi thương hay đến nhà cô chơi để hái ổi, thế rồi tôi quay sang thích cảnh hương đồng gió nội, ngoài giờ học thường hay rủ đám bạn nhỏ của tôi đi hái bẻ xoài, xóm nhà cô cũng có nhiều nhà vườn tụi tui đến đó vừa hái vừa mua (vì vô vườn tự hái đem ra mới cân tính tiền) đám lục lăng này trước khi đi đem theo muối ớt hái xuống ăn liền tại chỗ, ăn hỏng nổi nữa mới mua về nhà ăn tiếp, cạnh nhà tôi có đứa con gái bằng tuổi tôi nhưng nó có tật cả hai chân đi không được nên đi vườn ổi vườn xoài thường thay phiên mà cõng nó theo, từ vườn ổi tụi tui đổi qua đi vườn dừa qua khỏi cổng Tam Quan gần cầu Rạch Miễu.

... Nói đến vườn dừa tôi nhớ chế ba tôi và người bạn ngang nhà, thường thường tết nhứt lễ lạc học sinh và các cặp tình nhân non hay hò hẹn đi vườn dừa để mà tâm sự. Thời đó tình yêu tình bạn chỉ có vậy, nó đơn sơ và mộc mạc lắm người ta thì tâm sự chỉ uống nước dừa chớ đâu có ăn thịt dừa. Chế tôi và bạn thấy uổng quá nên ăn uống phần của mình xong, xin thêm gần chục trái nại lấy thịt dừa ăn thêm, đến khi trên đường đạp xe về đâu có tới nhà phải ghé khu nhà lầu 20 căn ở bến Triệu xuân Triều giải bầu tâm sự (cầu tiêu nơi mé sông).

Cuộc sống cứ êm đềm trôi rồi lên lớp nhì học với cô giáo Hà thì tui lại lết tới nhà cô ở đầu voi gần xác kim xê (là nhà nhưng lại giống cái am thờ phựợng lên xác, hát bóng rổi cũng cúng vái rồi thỉnh thuốc táng). Thuốc táng làm bằng gì thì tôi không biết chỉ nhớ rằng tôi có một đứa em gái nhỏ hơn thằng em trai hai tuổi, khi em 6, 7 tuổi bị bịnh má tôi dắt đi bác sĩ vài hôm bịnh tình cũng thuyên giảm nhưng lại nghe lời người ta nói đi BS cả tuần rồi tiền nào chịu nổi (đâu phải thuốc tiên uống một lần là hết) nên má tôi đổi qua hốt thuốc táng. Tôi nhớ thuốc gì mà nó như bột + bột nghệ, giống như tàn tro gói từng gói nhỏ, đem về mà hòa với nước ấm rồi cho bịnh nhân uống, uống đâu một hai lần thì em tôi vong mạng (thật ra em bị bịnh suyển khi ho cuống họng co lại không nở ra, đã vậy còn cho uống loại thuốc (hay bột) hòa với nước sền sệt thì làm sao thở nổi... ÔI... thương thay cho những đứa trẻ đầu thai trong những gia đình nghèo cha mẹ mê tín thiếu hiểu biết thì số phận hên xui. Tụi nó không có quyền lựa chọn, thế là em gái nhỏ của tôi về Tây phương cực lạc (lỗi tại ai nhưng má tôi luôn nói là tại số), số gì số đề hay kiến thiết?

... Trở lại chuyện nhà cô giáo của tôi, sau giờ học hoặc buổi chiều tôi thường ghé nhà cô nên nhà cô có mấy anh chị em tôi đều thân quen cả, có khi ăn cơm chiều tại đó bài nào không hiểu thì nhờ cậu em cô dạy, ba má cô có tiệm bán vật liệu xây dựng trong Rạch Sỏi gần bến xe lam. ÔI TRỜI ơi  thích cô giáo rồi thích luôn cả người nhà của cô, tui không hiểu tại sao tui lại thích cô giáo cũng nhờ thế mà tôi thích học không còn bê tha cờ bạc.

... Tôi nhớ không lầm thì năm học lớp nhứt thì có chương trình viện trợ nên mỗi ngày (hay mỗi tuần) phát sữa nấu sẵn cho học sinh uống bồi bổ, tôi và vài đứa bạn đến nhà cô giáo Thắm ngang trường Vĩnh Huề khiêng sữa qua trường... ôi cũng biết làm công quả (công quả gì tui... chỉ tại khoái uống sữa đi phụ để được uống thêm). Rồi cũng tại trường này cũng vì tật ham chơi U. Giờ chơi hết, trống vô còn chơi ráng chạy xáng vô thằng kia quá mạnh ngay lỗ mũi phun máu tưởng không có gì nhưng thật ra bị chinh sống mũi, đó là hậu quả của sự chơi đùa quá độ.

... Rồi lại hết niên học cuối của bậc tiểu học chuẩn bị thi lên”ĐỆ THẤT”
Nếu thi rớt thì phải học lớp tiếp liên chờ năm sau thi lại.
Nếu thi đậu thì được học trường công lập NGUYỄN TRUNG TRỰC.
Nếu rớt thì học trường tư Võ Văn hoặc trường Phó Điều.
Hoặc trường bán công lập Lâm quang Ky.

Tôi cũng khăn móp đi thi, thi thì thi biết bao nhiêu thì thi bấy nhiêu. Thi xong khi có kết quả niêm yết ai ai cũng náo nức đi xem coi đậu rớt thế nào, còn tôi lại hững hờ vì ba tôi có hứa nếu tôi thi rớt thì sẽ cho tôi đi học trường Trọng Ni với thằng em trai (trường học tiếng tàu phải đóng tiền nên cho con trai đi học còn con gái học tiếng Việt đúng là trọng nam khinh nữ).
Sao ba không nói trước nếu mà tôi biết trước sẽ làm cho rớt, thi muốn đậu thì khó chớ muốn rớt thì làm bài sai thì rớt liền...
Nhưng xui cho tôi lại thi đậu, đòi đi học trường tàu ba lại không cho, thế là chế hai lại dắt đi may áo dài chờ ngày khai giảng đi học trường NTT.

... Ngày xưa gần bãi trường học sinh thường trao đổi viết lưu bút ngày xanh
để làm kỷ niệm lúc xa nhau còn giữ chút tình bạn bè tui cũng
vậy.
... À quên kể chuyện chế ba tôi khi sắp nghĩ hè cũng trao lưu bút ngày xanh 
Thường thường thì bạn bè hay viết lời hay ý đẹp cảm nghĩ lúc xa nhau, nhưng lúc ấy phong trào thi văn lên cao, nào Nguyễn Bính, TTKH, Nguyễn tất
Nhiên...
Thay vì viết lưu bút thì bạn chế lại chép thơ tặng bạn, trên mỗi bài thơ tôi thấy đề tựa bài thơ, tên thi sĩ .... rồi thêm tên người bỏ công ra chép nên ghi là 
“Chép sĩ” tôi thắc mắc hỏi chế sao bạn chế ghi
vậy:
Thì người ca       = ca sĩ
Người làm thơ     = thi sĩ
Người viết văn    = văn sĩ
Người vẽ tranh    = họa sĩ
Còn nó chỉ chép thơ lại thì không phải là chép sĩ thì là gì? hỏng biết gì hết.
TRỜI!!!

Ngày tựu trường niên học mới của bậc trung học, lần này tôi tự đi cùng mấy đứa bạn thời tiểu học chớ không phải với đám bạn tuổi thơ, mặc dầu vẫn còn ở chung xóm cũng còn chơi chung nhưng không còn phá phách nữa vì đứa nào cũng phải đi học và có thêm bạn mới.

... Tôi phải thức sớm thay quần áo nào quần đen áo dài trắng, ở trong phải mặc thêm chiếc áo lót mỏng, mặc áo dài cài nút bóp bên hông cổ áo cao làm tôi khó chịu tay thì xách cặp táp (loại cặp da dành cho học sinh đi học) từ nhà tôi ở xóm Hoà Lạc đi ngang chợ qua cầu cá tới được trường chắc phải hơn cây số, thế mà tôi phải lội bộ đi về ngày bốn lựơt dưới cái nắng chang chang.
Ôi... con đường mở mang trí tuệ sao nhiều chông gai, học được hay không được còn chưa biết, cái công tôi cuốc bộ thì dài lê thê nào guốc nào tập nào nón, còn chiếc áo hai tà cứ bay phất phơi, lúc đó tôi thấy con đường tôi học chẳng đẹp tí nào!!!  Như bài thơ của THANH TỊNH:
- Hằng năm cứ vào mùa thu lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc... Ôi nghe sao mà thi vị quá.
Thử đi ngày bốn lượt như tôi mỗi lượt hơn cây số thì hỏi có còn nên thơ hay không? nhưng thích hay không thích cũng phải đi, ai cũng vậy không riêng gì tôi, nhà người ta giàu có xe đạp chạy, hoặc có anh chị chở bằng xe Honda.
Thưa quí vị tại sao tôi ưa nói về cái nghèo nhưng tôi không trách ai cả và không bao giờ mặc cảm về nó, vì nghèo không phải là một cái tội, chỉ thấy thương những đấng sinh thành cuộc đời lam lũ nắng sớm chiều mưa vẫn ráng tảo tần nuôi cả bầy con ăn học, để con cái có tương lai tốt đẹp. Đó là một sự hy sinh vô bờ bến, tôi xin nghiêng mình kính cẩn các đấng sinh thành dù của dân tộc nào.

Trước khi khai giảng một hai tuần có giấy niêm yết danh sách tên họ, học phòng nào, phòng ở dãy nào, ngày tựu trường đến ngay phòng mình sẽ học, rồi điểm danh xếp chỗ ngồi, khổ nổi thầy (cô) lúc xếp tên phân nam nữ thì căn cứ theo tên đa số trai văn nữ thị hoặc nhìn theo tên là biết trai hay gái còn thằng nhà tôi tên thì tên con trai lại không có chữ lót nên ai cũng tưởng con trai tới lúc kêu tên vô lớp mới vỡ lẽ. Thôi em ngồi tạm bên dãy con trai một hai ngày xong sẽ đổi lại, lại có một đứa con trai mà tên Hà mỹ Linh nên nó phải qua bên con gái ngồi tạm chờ đổi lại, tôi thiệt là không hiểu đẻ ra rồi mới đi làm khai sinh, mà cũng đặt tên nhầm. Xong rồi, tôi đổi qua ngồi bên nữ Linh qua bên nam, tôi ngồi ở bàn chót tại vì ai cũng ngồi trước cả rồi (hỏng sao hỏng sao tôi thích vậy mà).
... Ngồi trước tôi con nhỏ có mái tóc dài chấm vai, tui thấy nó điệu quá trời. Tay lúc nào cũng cầm chiếc khăn mù xoa che cằm, tóc thì lúc nào cũng xoả nghiêng che nửa bên mặt, mới học đệ thất mà ỏng ẹo dzậy, nên chướng mắt tui nói với con nhỏ ngồi kế bên, tui làm bộ gác chân lên băng ghế ngồi của nó lâu lâu đụng nó một cái, nó cứ nhích dần nhích dần rồi xây ra sau nói: xin bạn đừng gác chân... tui làm bộ xin lỗi rồi chốc lại gác chân tiếp, nó bực mình mà hỏng biết làm sao, đến chừng hai ba ngày sau tui hỏi nó mấy tuổi sao điệu quá vậy. Bày đặt che khăn, thì nó giở khăn ra... Ồ! Thì ra bên cằm nó nổi mụn nhọt.
Rồi tui làm quen và chơi chung với nó và con nhỏ ngồi cạnh tôi, nó xưng tên là Kim Liên nhỏ kia tên Diệu còn tôi định xưng tên, tụi nó nói biết rồi vì có hai đứa ngồi lộn chổ mấy bữa nay...

... Giờ chơi chạy giỡn tôi thường hay cột hai tà áo lại với nhau, chạy cho lẹ. 
Học trung học khác dưới tiểu học, học sinh ngồi tại lớp thầy cô chạy bở hơi
vì mấy dãy phòng học cách xa nhau và mỗi dãy có nhiều lớp, còn nhà vệ sinh thì xa hơn cuối các dãy lớp, nên hơi bất tiện, vì nếu khẩn cấp thì đi hỏng
kịp.
... Năm đó tôi học dãy đầu phòng gần cuối dãy, đi vệ sinh thì phải ngang phòng giám thị mới qua khỏi dãy lớp. Trung học trống vô, ra chơi hay trống về đều bấm chuông reo, cái chuông thì gần cánh cửa trong phòng giám thị nên có hôm tui canh gần tới giờ ra chơi giả bộ xin đi tiểu, tiện tay  bấm chuông reo luôn, thế là được ra chơi sớm, được vài lần thì có ông giám thị đứng đó nên thôi.
Giờ nhớ lại sao lúc nhỏ mình phá quá.

... Năm đệ thất học với thầy Vĩnh Du, cô Bạch Tuyết, thầy Quang...
Sao mới 11, 12 tuổi mà bắt học nhiều môn quá, nào sử, văn, toán, anh văn (pháp văn)... lúc sau này tui không có giờ rảnh để mà đi tụ tập, sáng chiều hai buổi đi bộ đến trường cũng đủ phờ râu, tối về còn phải làm bài tập.

Gần trường hai bên đường có mấy hàng quán bán xôi, bánh mì, nước đá và có nhà giữ xe đạp vì đa số học sinh hai trường Nguyễn trung Trực và Lâm quang Ky đều đi học bằng xe đạp, các anh chị lớp lớn hơn thì có người đi bằng xe Honda nên cũng phải gởi xe, kế bên trường là nhà quán bánh mì của ông Giáo. Tôi thường đi học sớm vì trừ hao đường xa trể giờ nên hay ghé quán bánh mì ăn sáng (lúc này ba má phát tiền cữ mỗi buổi sáng cho các con ăn quà bánh) hai chế tôi có bửa nhịn ăn để dành tiền mua thứ khác lúc ấy hai chế cũng 16, 17 rồi. Còn cái thằng tôi có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu.
... Ăn riết rồi nhẳn mặt thành quen hôm nào quán đắt quá cũng phụ việc chạy ra sau nhà đem dùm rau bánh... Lâu lâu lại thấy có người bày hàng bôm mực paker (ba ke) vì lúc đó học sinh không dùng viết mực chấm bình nữa, mà cây viết có mực sẵn rồi nhưng khi hết mình phải bôm thêm...

Lây lất rồi cũng qua một niên học thì đến ngày bãi trường học sinh được nghĩ hè ba tháng tạm xa rời sách vở quay về với cuộc chơi, nhưng bây giờ không chơi trò trẻ con nữa, thích đi vườn ổi vườn xoài dù phải đi bộ hơn cây số qua bên rẩy xóm chùa phật lớn hoặc vườn xoài vườn dừa qua khỏi cổng tam quan. Những đôi chân trần tụi tui lội hằng trăm cây số (nói quá lố).

... Tụi tui không có bẻ trộm, nhưng nhà vườn cho mình tự bẻ ăn bao nhiêu thì ăn đem ra mới tính tiền, mà đám này đem theo muối ớt mắm ruốc ăn tại chỗ ngồi chơi cả buổi rồi hái ăn tiếp, chán chê tê tái mới mang ra cân, số lượng mua về sợ còn ít hơn số lượng trong bụng nữa là...

... Đầu năm tết Mậu thân tỉnh lỵ bị pháo kích và tấn công trường học đóng cửa người dân tạm ngưng buôn bán vài ngày, đường xá vắng hoe, thiết quân lực (luật).
Ba má tôi nghỉ buôn bán, ba tôi hổng có chuyện làm, làm thêm một đứa con. Nên gần cuối năm tôi có thêm thằng em trai nhỏ hơn một con giáp, thằng em trai kế tôi mất ngôi vị độc tôn.

... Sau đó mọi việc trở lại bình thường chỉ có giờ thiết quân lực vẫn giữ nguyên từ nửa đêm về sáng.

(Xin chào hẹn lại kỳ 7 chuyện thời trung học và chuyện thằng con gái dần dần thành đứa con gái nhưng không thích yểu điệu thục nữ.)

HÌNH TOÀN






3 comments:

Katie co5rg said...

Hihihi, cám ơn bồ HT nhắc nhớ hết kỷ niệm thời trung học, tuy không là bạn chí thân nhưng HT, tui và HTX, MNH học cùng lớp, khi kể tới đoạn ngày bộ tới trường đi về 4 cữ, các bạn hay tụ tập ở nhà chị em tui, vì nhà ngay ty Bưu Điện khoảng giữa đường đến trường nên tạt ngang ráp lại đi chung cho vui, ui còn cái màn cột vạt áo dài nữa mới vui kìa
Cô 5 RG

trường tôi said...

"Ba tôi hỏng có chuyện làm nên làm thêm một đứa con..."Ai cũng mắc cười câu này... Kkk...

Người nhiều chiện

trường tôi said...

Nhắc tới vụ bấm chuông tụi tui cũng có tham dự vài lần xong rồi dzọt lẹ...Hình Tròn ui kkk...

Học Trò Hay Phá