Tuesday, October 23, 2018

Người đưa thư đã đi qua


Related image
____________________

CAO VỊ KHANH



Nhà tôi ở lưng chừng một con dốc. Con dốc là cái rướn mình nấn níu của dãy núi chạy đùa xuống từ hướng bắc, tới giữa đảo bỗng khựng ngang, rồi cố trườn về phía con sông nước chảy xiết sau mấy dặm rừng thưa. Những ngày trở gió, hơi nước ẩm luồn qua các rặng cây cổ thụ, thổi thốc vô mặt mũi cái mùi thảo dã của đồng cỏ phía bắc. Những cơn gió thổi chừng không biết mệt, kéo ghịt người đi bộ lại từng bước. Áo choàng thả lỏng kêu phần phật, người đi lầm lũi giành từng thước đường lên. Cái hoạt cảnh đó diễn ra hằng ngày trước mắt tôi, sớm trưa chiều tối, từ hạ sang đông. Không vậy mà nhiều người vẫn cố tránh. Dễ chừng nếu không có gì hệ trọng, hẳn họ đã rẽ sang ngõ khác. Nhưng có một người không thể tránh, nắng mưa kể cả tuyết giá, ông ta vẫn lầm lì lội bộ lên cái đoạn đường quái ác đó. Người đưa thư của xóm tôi. Bộ đồng phục màu xanh biển và chiếc túi xách trì một bên vai vẫn là cái nét quen thuộc duy nhất của một khu gia cư mà những căn nhà thường đóng cửa im ỉm vốn không gợi được chút nào niềm thân mật.

Mỗi buổi sáng, khoảng 10 giờ, người đưa thư đi qua…

Ở mấy cái xứ tân tiến này, nghề đưa thư không hẳn là một nghề hạ bạc. Mà không chừng với tổ chức nghiệp đoàn, họ còn sướng hơn nhiều lần những nghề khác. Không phải là cái hình ảnh gầy còm, hốc hác, thui thủi…
Không. Ở đâu không biết, chớ ở đây, họ hồng hào tươi tắn, khỏe mạnh…
Vậy mà sao, trong tôi, hình ảnh người đưa thư vẫn phảng phất một vẻ gì đó lãng đãng rất phong sương.
Có phải vì trong cái túi đeo vai của họ đang căng phồng gió bụi của đường xa còn bám đầy những phong thư kín chữ, gói ghém những thao thức nhớ, những nỗi niềm mong. Những người đưa thư đó đang làm cái việc nối lại những khoảng không vốn vẫn hay chia cách những tấm lòng.
Ðã lâu, khi mà người ta còn tụm năm tụm ba thành những chòm xóm tản mác xa xôi, cách núi ngăn sông, người đưa thư đã là những cánh tay nối dài, dài lắm… từ một góc bàn viết, một khung cửa sổ hay cạnh một góc giường đơn chiếc… đến một góc bàn viết khác, một khung cửa sổ khác hay một cạnh giường đơn chiếc khác… từ một sườn núi nối tới một vực biển, từ một bờ sông nối qua một vàm rạch… Rồi từ xóm làng lan dần ra đường phố. Họ tẳn mẳn tỉ mỉ nhìn soi một số nhà, len lỏi một hóc hẻm, băng qua một đại lộ hay trèo lên một nấc thang. Họ biết hết, ông triệu phú trong ngôi biệt thự lộng lẫy, anh thư ký quèn trên căn gác lợp tôn, bà giáo già có đứa con trai đi trận, cô gái điếm còn bà mẹ ở quê…
Họ biết mặt từng người, họ còn biết luôn cả tâm trạng của người đối diện. Họ đong lường được cái chờ mong, cái sốt ruột, cái hân hoan cũng như cả cái hững hờ.
Có một thời, những tờ giấy, những ngòi bút và những dòng chữ… Ờ, những dòng chữ. Những dòng chữ với nét chấm phá gọn và sắc như có lá trúc xen ngang. Những dòng chữ ngoằn ngoèo như phù phép bùa chú. Những dòng chữ thẳng đứng trượng phu. Những dòng chữ nghiêng nghiêng điệu cò bay lả cánh. Những ngòi bút lá tre chấm mực xanh xanh tim tím, những đầu bút tròn vo như viên bi … Còn những tờ giấy, ờ những tờ giấy trắng tinh thơm phức mùi nhựa thông đầu núi, những tờ giấy hồng phơn phớt chút hương hoa … Có một thời, mọi thứ đó đã là vật tối cần thiết cho đời sống tinh thần và tình cảm của con người.
Lướt thướt trên mặt giấy lặng thinh, người ta cân nhắc một nét phẩy, một dấu chấm. Người ta nghĩ ngợi, người ta so đo. Nhớ thương vui buồn oán hận trách móc. Thăm hỏi hứa hẹn … Ðủ thứ, kể cả đôi khi chỉ vơ vẩn thứ chuyện mưa xuân với nắng hè …Trong sự yên lắng cùng cực của mặt giấy mênh mông, người ta nói chuyện với một người. Thầm thì hay rạo rực. Xốc nổi hay điềm đạm. Người ta nói, nói miên man, nói thay cho những đêm tĩnh mịch, nói thay cho những ngày vật vã. Những lá thư. Ờ, những lá thư. Những lá thư thay cho một tiếng kêu vui, những lá thư thay cho một tiếng khóc nghẹn. Khi những khoảng cách còn là những dặm trường. Những sông ngăn núi trở. Những yêu-em-anh-cũng-muốn-vô sợ-truông-nhà-Hồ-sợ-phá-Tam-Giang. Khi những khoảng cách mãi là những bức tường thành được dựng lên bằng lề thói xã hội, bằng tôn giáo, bằng giai cấp, bằng giàu nghèo sang hèn. Khi những khoảng cách giữa người và người được rào chắn bằng mọi kiểu, mọi cách, mọi thứ vô lý vô nghĩa vô nhân vô tình nhất.
Bất chấp cái đầu và con tim của con người chẳng có gì ngăn cách được.
Roméo và Juliette. Thử tưởng đến những dòng chữ ân tình đã lén lút viết gởi cho nhau bằng mực và nước mắt qua mấy bức vách đá lầm lì và những tấm lòng thù hận sân si. Những bức thư mà tiếng Việt còn gọi là những cánh thư dù những bức thư không có cánh. Phải chăng đó là một dụng ý rất tế nhị để gọi thứ phương tiện truyền đạt khi người ta không thể gặp nhau vì bất cứ một thứ trở ngại nào đó. Cánh, cánh chim, cánh thư! Có còn một ẩn dụ nào kỳ diệu hơn nữa!
Ờ, những lá thư không mang cánh chim bằng mà bay qua vạn dặm để nối kết hai đầu của một nỗi nhớ mênh mông. Những cánh thư mỏng dánh mà xóa nhòa hết mọi biên giới trần gian để làm sum họp những đoạn lìa tức tưởi.
Đã có một thời, những cánh thư…
Ờ, đã có một thời, từ hai bên bờ một đại dương ngăn ngắt, những cánh thư bay qua bay lại để gởi nỗi héo hon của người ở lại tới người vừa bỏ ra đi. Và mang trả về bên bển, con mắt trao tráo của khuya hôm mất ngủ vì chợt đâu có một bóng trăng rơi xuống đầu giường. Những cánh thư mang theo từng cơn thắc thẻo của cha mẹ già khi bị bứt lìa xa từng núm ruột. Những cánh thư vàng vọt dấu thời gian, chui lách qua chằng chịt những cặp mắt cú vọ của đám giặc bất nhân, rồi bay chập chờn qua mù mịt biển…
Những ngày đó, từ sau cửa sổ, dòm chừng con dốc cao, khi bóng người đưa thư vừa trờ tới, đã có bao nhiêu lần trái tim còn trẻ bỗng như đập hụt một nhịp. Và một ý nghĩ thoáng qua. Cha mẹ mỏi mòn bên đó. Trông thư. Mà lại cứ sợ một lá thư …! Bởi vậy thuở đó cứ vừa trông vừa sợ người đưa thư ghé lại nhà!
Thư tới chậm oằn đôi cánh mỏi. Giấy võ vàng héo muộn đường xa. Dấu chấm nặng như từng viên sỏi. Ném vào tim ngàn trận phong ba…
Dẫu vậy, những lá thư đâu chỉ để làm buồn. Những lá thư còn là những cánh én mang dấu hiệu của mùa xuân mới. Của thứ tình cảm dễ hiểu và cũng khó hiểu nhất của con người. Kiểu những Lá Thư dập dìu sóng nhạc của Đoàn Chuẩn Từ Linh viết đâu từ một thời tiền chiến:
Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương nét bút đa tình lả lơi nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng chờ đến kiếp nào tình đầu trong gió mùa (*)
Ờ những lá thư – giấy trắng mực đen hay giấy hồng mực tím – chứng tích của tình vui tình buồn tình thương tình nhớ tình sầu tình đau tình hận… hầm bà lằng xắn cấu tình, tình nào cũng có, đã được ép giấu như xác bướm khô trong những tập sách hay được xếp cất cẩn thận trong hộp sắt hộp gỗ như đồ gia bảo hay đã bị… phóng hỏa cho hả cơn… thất tình.
Thử nhớ lại một thời mới lớn, giữa lúc mà lễ giáo nho phong còn là cái khung kềm giữ mọi động tịnh xã hội, gái trai thì muôn đời vẫn là ong bướm đương xuân, thì làm sao mà kềm giữ cho đành. Vậy rồi lỡ có mắt liếc mày ưa thì làm sao mà tỏ dạ. Những lá thư, ờ những lá thư. Những trang giấy xé ra từ tập vở học trò, mực tím mực xanh, chép vụng về một câu thơ bóng gió của ai đó, hay khá hơn, cắn bút, cặm cụi tả trời trăng mây nước để vụng ý một tâm tình, rồi cẩn thận xếp đôi xếp ba, nhét vào phong bì rồi nắn nót đề tên địa chỉ “ai đó “ rồi len lén ghé một trạm bưu điện, rồi ngó trước ngó sau nhét đại vào thùng thơ rồi vội vã quay lưng bỏ đi như vừa làm một việc tày trời cứ sợ người quen bắt gặp. Mà cũng phải, ở cái tuổi mới nứt mắt thì có chuyện gì trọng đại mà phải thư với từ ngoài cái chuyện gởi thư với tình, thứ chuyện động trời thời đó. Thư đó. Thư tình mới lớn.
Lớn lên chút nữa. Anh tiền tuyến em hậu phương. Giữa cái thời nhộn nhạo lửa đạn thì ôi thôi hẳn không biết đã có bao nhiêu trang thư viết tay đã bay tới bay lui để kéo lại gần nhau một thành phố và một góc rừng, để nối lại một môi hôn còn lỡ dở. Thời đó, những người lính quân bưu đã vác những bọc thư với những địa chỉ KBC lạ hoắc theo những chiếc trực thăng bay tuốt lên những đồn binh treo lắt lẻo trên những chỏm núi vắt mây hay lún chân trong những bãi sình lầy để trao tận tay người ở đó mấy lời hỏi han lo lắng cầu nguyện… của người ở nhà. Rồi len lách qua những ngõ hẻm, lặn lội qua những làng xóm… người đưa thư ở thành phố lại đem về một lời trấn an, một câu dặn dò, một ước hẹn … của người đi xa. Vậy đó, những lá thư và những người đưa thư thời đó đã cầm giữ, níu chặt từng mối thâm tình đang bị gió bão lung lay. Cho đến giờ, dẫu có cứng lòng cách mấy, mà có dịp nghe hay đọc lại một đoạn nhạc và lời của ông Trần Thiện Thanh trong cái thời lửa đạn đó mà không xúc động:
Thư của lính, ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy (**)

Ờ những lá thư viết từ một góc núi, ở một bìa rừng, kê giấy lên ba-lô, lên một tảng đá mà viết mà tâm tình mà hẹn hò … dù năm bảy phút sau, lá thư đã bị bỏ dở nửa chừng vì một viên đạn quái ác. Ờ những lá thư, nét chữ run rẩy như những câu tâm kinh đứt khúc của bà mẹ xa con, của người vợ sinh con đầu lòng mà không thấy mặt chồng, của người tình trẻ nhớ một người tình trẻ…
Thương hông, làm sao không xúc động? Đã có một thời, người ta viết thư cho nhau bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào vì sống và chết đã không còn ranh giới, vì sum họp và chia lìa không ai hẹn được. Chỉ còn những lá thư, với người đưa thư như những chiếc phao cuối cùng nấn níu cho những tâm tình sắp đuối.
Tình sử còn đầy những trang thư kín chữ mà mỗi dấu phẩy dấu chấm là những thao thức dằng dặc, mà mỗi tái bút là một ước mơ trăn trở, mà mỗi đợi chờ đã hiển hiện ngay từ khi vừa gác bút. Những lá thư tình của Napoléon và Joséphine mà chữ nghĩa quến đặc như mật ngọt dậy men.. Những lá thư của George Sands và Alfred de Musset mà tình ý đắm đuối ẩn tàng trong từng lớp vỏ chữ bọc ngoài (***). Gần với chúng ta hơn, 55 năm sau ngày mất, người con gái của Albert Camus đã cho phổ biến Correspondance 1944-1959, gồm 1255 (một ngàn hai trăm năm mươi lăm) trang chi chít chữ nghĩa say đắm như hoa với bướm, được trao qua đổi lại giữa nhà văn và người nhân tình giấu mặt, nữ kịch sĩ Maria Casarès. Một ngàn hai trăm năm mươi lăm trang kể lể nhớ thương, kêu rêu cách trở, và nồng nàn hơi hướm tình nhân… của một nhà văn mà mỗi tác phẩm đều là một tra vấn sắc lạnh về bản thể của cuộc đời, mà tha-nhân-là-địa-ngục, mà mọi tương giao chỉ là ngộ nhận, mà mỗi người trong chúng ta từ sinh ra đã chịu chung lời nguyền Sisyphe…
Dưới ngòi bút của một văn nhân, tình yêu hiện ra lóng lánh muôn màu muôn sắc. Chữ và nghĩa không còn là những ký hiệu vô tình, mà ngược lại được vỗ về bằng chính sự chân thành, nỗi thiết tha, niềm đam mê, lòng trân trọng… Chữ nghĩa đó đã bay tung lên như đàn bướm lượn để tụng ca tình yêu. Và ngược lại, nhờ vậy tình yêu cũng trở nên tươi thắm như lá hoa được tắm mát mưa nguồn. Người ta yêu nhau. Và hạnh phúc trần gian là một cái gì có thật. Kể cả đến khi mất nhau vì định mệnh, niềm luyến ái giữa hai người vẫn không chút lạt phai. Maria Casarès. Quand on a aimé quelqu’un, on l’aime toujours. Lorsqu’une fois, on n’a plus été seule, on ne l’est plus jamais.
Làm sao kể ra hết được những lá thư tình giấu mặt, bay lẩn lút trong cõi thế gian vô tình, bay chấp chới trong cõi không gian vô tận. Vậy đó mà những cánh thư bay qua bay lại, mà nối kết những chia lìa, mà xóa mất những ranh giới nhân tạo ngăn cách những tấm lòng.
Đã có một thời, những người đưa thư…
Thử tưởng đến những kỵ sĩ phóng ngựa trong đêm, qua đèo qua suối, để trao cho kịp một phong thư, nối cho kịp hai đầu một nỗi nhớ. Nắng lửa, mưa dầm, gió cuốn, sương sa… đã có bao giờ làm chùn bước… những người đưa thư! Không. Tự như thời xưa họ đã gò mình trên lưng ngựa, qua truông qua ải, đến thời sau họ vẫn lầm lũi xuôi ngược khắp phố phường, qua ngã năm ngã bảy, len lỏi những hóc hẻm, leo trèo những bậc thang để giao tận tay một nỗi vui, một niềm buồn, một trách móc hay một chờ trông… kể cả thắp lại cho những kẻ lỡ đường lạc bước từng chút niềm hy vọng. Làm sao quên được câu chuyện đẹp như một bài thơ của anh phát thư Mario mù chữ, mỗi ngày cong mình trên chiếc xe đạp cũ mèm, bánh lăn lao xao qua triền núi quanh co, trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Địa Trung Hải để tận tay giao cho Pablo Neruda từng lá thư quê nhà khi nhà thơ bị kết án lưu vong, phải bỏ xứ ra đi. Từ đó nẩy sinh một mối giao cảm lạ lùng. Anh đưa thư nghèo mạt rệp trao tận tay người thi sĩ danh giá hình bóng của quê hương ngàn trùng. Đổi lại thi hào đã từng đoạt giải Nobel văn chương chuyển lại cho chàng trai quê mùa và dốt nát những ẩn dụ thi ca tuyệt tác. Chuyện phim dù là tưởng tượng. Nhưng sáng ngời tính nhân bản trong mối liên hệ giữa người và người. (****)
Những lá thư và những người đưa thư đã có một thời dính liền nhau như một. Và quí giá và cần thiết không kém gì cơm gạo bánh mì nước lọc…
Vâng đã có một thời, những lá thư – không hạn định số câu số chữ mà chỉ bị giới hạn bằng chính xúc cảm của người viết, nghĩa là bằng chính một phần đời sống thật, lửng lơ hay cuồn cuộn, rạo rực hay rã rời… Và người đưa thư, những bước chân đi nối lại những dặm trường…
Vậy mà cái thời đó đã mất, hay sắp mất. Mà đã hay sắp thì cũng là đang mất.
Những lá thư chưa bao giờ có giới hạn vì lòng con người có gì để giới hạn đâu. Người ta vui, làm sao tính được vui mấy chữ mấy hàng. Người ta buồn, làm sao tính được buồn mấy câu mấy đoạn. Vậy mà đã tới lúc phải tính.
Cái thời đại tin học coi vậy mà ác nghiệt. Chẳng cấm chẳng cản mà rồi đến một lúc dưng không người ta quên mất những câu viết ân tình. Dường như đã đến lúc mọi chuyện, hỏi han, hẹn hò, nhắc nhở, than thở, trần tình… ngay cả giữa những tình nhân còn đang lúc mặn nồng cũng đâm ra tiết kiệm từng chữ… từng lời. Mấy cái «ấp» (app) trên mấy cái điện thoại cầm tay (hay còn được gọi là điện thoại tinh khôn) đã được tính toán sao cho gọn cho nhanh cho kịp… tới nỗi rồi ra chỉ còn từng mẩu đối thoại cụt ngủn cụt ngẳn, cắt đầu ngắt đuôi… dĩ nhiên chưa đến nỗi như Twitter hạn chế hỉ-nộ-ái-ố-ai-lạc-dục đầu đuôi vào 140 chữ – nghe đâu đã được thả giàn lên 280 chữ, nhưng do tính chất và điều kiện sử dụng, tự ban đầu có mục đích là để nhắn tin, riết rồi thành thứ phương tiện thông tin, truyền bá, bày tỏ, thăm hỏi, rủ rê, mời gọi… kể cả tự tình… phổ biến phổ thông phổ cập nhất đời. Đôi khi để nhanh gọn hơn nữa, óc sáng tạo của con người sáng tới tạo ra những hình tượng emoji để thay cho chữ viết, thứ ký hiệu ngoằn ngoèo mà lắm khi vì vội vã bấm sai bấm lộn lại phải bấm lại, dấu hỏi hay dấu ngã, có “g” hay không có “g”, nghĩa là thay luôn cái giọng điệu ngọt ngào âu yếm nũng nịu vui mừng… hay ngún ngẩy giận hờn của cái thời lãng mạn giờ xưa còn hơn trái đất xưa. Một trái tim là yêu. Hai trái tim là hai lần yêu hơn. Ba trái tim là yêu gấp ba. Và cứ vậy mà yêu thương thả giàn, cứ đếm số trái tim mà đo lường nồng độ của tình cảm. Tình phụ thì trái tim bị chẻ đôi. Dễ ợt và chính xác như một cộng một là hai. Vui (thích, khoái, chịu …) thì hình vẽ cái mặt tròn quay với cái miệng toe toét hai khóe cong lên như cái dấu á “v” , còn buồn (quạu, giận, hờn…) thì cong xuống như cái dấu ớ “^”. Hay thì ngón cái giơ lên. Dở thì ngón cái chúc xuống. Rủ uống cà-phê thì có hình tách cà-phê bốc khói. Mời rượu thì có ly rượu nho đỏ hỏn. Hù dọa thì có sọ người. Dụ dỗ thì sẵn cây kẹo ngọt, v.v… và v.v… Đủ hình đủ kiểu đủ ý đủ nghĩa. Nhanh, gọn và khỏe re khỏi phải ỉ ôi dông dài dai dẳng dằng dai… Những hình vẽ với dụng ý khôi hài, giễu cợt, ấn tượng, siêu hình, tượng trưng, tả thực… tả-pín-lù thập cẩm vậy mà ăn khách vô cùng, vậy mà trám vừa đủ chỗ cho cái kho tàng ngôn ngữ và chữ viết của mọi giống người đủ mọi gốc gác. Cái tháp Babel có cơ may được dựng lại. Ở hai đầu một mối thân sơ, hai bên đều thỏa mãn cái lối nói dấm dẳng, vụn vặt, vu vơ… Thời đại kỹ-thuật-số, gom lại chỉ còn cái số-không và số-một.
WhatsApp, Messenger, Viber, SMS … ôi thôi kể ra mà lẹo lưỡi, cái nào cũng hay cũng nhanh như sao xẹt. Chớp nhoáng. Tức thì. Nghĩ cũng phải. Khách đường xa sắp sửa đăng trình bằng những đoàn tàu Hyperloop với tốc độ cả ngàn cây số một giờ thì tiếc chi ba cái lời nhắn nhủ hay dặn dò kể lể lê thê… Mặt đất ai nói mênh mông phút chốc gần hơn Kẻ Chợ. Kể ra tiện lợi thì không có gì tiện lợi cho bằng. Lại thêm không thể không gật gù thán phục. Nhìn những người trẻ hôm nay trao đổi với nhau trên bàn phím ảo – nhỏ hơn lòng bàn tay con gái – chỉ bằng hai ngón tay cái mà thiên biến vạn hóa. Chữ nghĩa ở đâu mà hiện ra cứ vùn vụt như gió cuốn mây bay. Cho dù xa vạn dặm, mới hắt mũi là đối tượng hay liền. Thiên lý nhãn với thuận phong nhĩ trong truyện tàu ngày xưa cũng chỉ thiên biến vạn hóa tới vậy là cùng. Được vậy người ta lại càng thấy gần gũi nhau đến không còn một ly cách trở. Có điều, nếu thuyết tiến hóa của Darwin mà đúng trăm phần, hổng chừng thêm năm mười thế hệ nữa, hai bàn tay sẽ chỉ có hai ngón cái là to, chắc và dẻo nhẹo, tám ngón còn lại có thể teo tóp đến nỗi chỉ còn dùng để… phe phẩy.
Nhất là hết nghĩ xuôi rồi lại nghĩ ngược, nghĩ tới nghĩ lui rồi đâm ra cũng thấy ngẩn ngơ đôi chút.
Mai mốt còn đâu những tâm tình ẩn mật mà viết rồi lại xóa, xóa rồi lại viết, trang này sang trang khác, tờ trước nối tờ sau, thư-viết-đừng-xong-thuyền-trôi-chớ-đỗ, cho-nghìn-sau-lơ-lửng-với-nghìn-xưa…
Mai mốt còn đâu những tâm sự tỉ tê kiểu rủ rỉ rù rì không đầu không đuôi mà lê thê không muốn dứt… dĩ nhiên rất mất thì giờ, nhưng lắm khi người ta lại muốn mất thì giờ hơn là có thì giờ để ngồi ngắm cái bóng chiếc trong cái phòng không.
Mai mốt còn đâu những trông những ngóng, những chờ những đợi một hồi âm… Hổng nhớ sao, hồi đó ông Châu Kỳ ổng viết bài Sao không thấy hồi âm rồi cô Hoàng Oanh cổ hát nghe mà đứt ruột. Nhưng dẫu đứt ruột mà nghe ra đã làm sao. Hổng đã sao được. Có chỗ để mình trang trải tâm sự rồi nuôi nấng một đợi chờ. Hổng hơn cái lòng trống rỗng, cái đầu trống trơn mà thời gian thì trống hoác sao?
Mai mốt còn gì để lại cho đời kiểu ông Lôi Tam những năm 60-70 “… Nếu em trách tôi sao hờ hững, tôi chỉ mỉm cười mà chẳng dám thanh minh. Em đâu biết tôi đã thức suốt năm canh viết lên bóng tối muôn vạn bức thư tình chẳng bao giờ chấm dứt.
Muôn vạn bức thư tình chẳng bao giờ chấm dứt. Còn gì đẹp cho bằng những bức thư tình viết hoài viết hủy, viết như lên cơn đồng thiếp, mà mỗi lời mỗi chữ là mỗi khai phá những trầm tích của lòng, không đường nét không màu mè mà lại lồng lộng bóng sắc, như hương của hoa và tơ nhện của tình mà người ta đem tặng cho nhau để xoa dịu bớt những sắc mắc của đời vốn dĩ không lấy gì làm êm ả.
Từ những năm 50, nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân đã viết một bài nhạc có tựa là Người đưa thư đã đi qua. Không biết ông ta có linh cảm điều gì không mà cho người đưa thư lẳng lặng đi qua, qua luôn không ghé lại.
Vô tâm tiếng chân đều đều vang theo ai bước đi
Xa xa cứ xa dần dần trong khi tim ta muốn lắng… (*****)

Ờ đã tới thời những lá thư bị cắt cụt cánh. Và người đưa thư, người bạn trung thành của không biết bao nhiêu tình nhớ tình mong tình chờ tình đợi… đã đi qua, đi qua luôn. Và hổng chừng không còn quày trở lại nữa!
Cao Vị Khanh
tháng 9-2018

(***) Lettre d’amour de George Sand pour Alfred de Musset
En apparence il s’agit d’une simple lettre d’amour. Pourtant, si vous lisez seulement une ligne sur deux, vous découvrez un texte caché.
Lettre de George Sand à Alfred de Musset:
Je suis très émue de vous dire que j’ai
bien compris l’autre soir que vous aviez
toujours une envie folle de me faire
danser. Je garde le souvenir de votre
baiser et je voudrais bien que ce soit
là une preuve que je puisse être aimée
par vous. Je suis prête à vous montrer mon
affection toute désintéressée et sans cal- … et si vous voulez me voir aussi
vous dévoiler sans artifice mon âme
toute nue, venez me faire une visite.
…………………………………………………………….
…………………………………………………
………………………………….
………………………..
( tự ý đục bỏ )

La réponse d’Alfred de Musset: (Lire le premier mot de chaque ligne)
Quand je mets à vos pieds un éternel hommage
Voulez-vous qu’un instant je change de visage?
Vous avez capturé les sentiments d’un cour
Que pour vous adorer forma le Créateur.
Je vous chéris, amour, et ma plume en délire
Couche sur le papier ce que je n’ose dire.
Avec soin, de mes vers lisez les premiers mots
Vous saurez quel remède apporter à mes maux.

Et la réponse de George Sand : (Lire le premier mot de chaque ligne)
Cette insigne faveur que votre cour réclame
Nuit à ma renommée et répugne mon âme.

(****) Il Postino


No comments: