.
Chuyển đến từ chị Lý Mỹ Hạnh
Cám ơn chị
TH
Mời đọc lại bút ký để nhớ về hơn 43 năm xưa
…Những ngày cuối tháng 3, trời
mưa như trút nước, cả ngày lẫn đêm, như xót thương cho số phận non sông Bình
Định đã rơi vào tay của lũ vô thần. Qua hơn 2 ngày đêm, chúng tôi không có gì để
ăn, ruột đói cồn cào, quần áo ướt sũng, thật đói và lạnh. Chúng tôi đi ngang
qua những đám gò trồng đậu phụng, nhổ lên hy vọng kiếm củ ăn cho đỡ đói lòng,
nhưng vào mùa đó cuối tháng 2 Âm Lịch, củ còn rất non. Chúng tôi rửa bằng nước
mưa, nhai lấy nước mà thôi. Chúng tôi qua những cánh đồng bắp cũng thế , chỉ ngậm
lấy nước. Qua ngày thứ 3, cả ba chúng tôi đều bị tiêu chảy, kiệt sức không còn
đi nổi. Tôi thấy tình hình như vậy, chắc là số phận tôi không xong rồi, nên nói
với hai anh bạn đồng hành
“Tôi không đi nổi nữa rồi, hai
anh còn sức cứ đi theo hướng Đông ra biển may ra còn tàu của hải quân của quốc
gia bốc các anh về Sài Gòn.”
Thật là cảm động, tuy không
cùng đơn vị nhưng hai anh lính nói:
“Đại Uý đi thì chúng tôi đi, ông ở lại chúng tôi ở lại. Chúng tôi không nỡ bỏ
ông ở đây!”
Không còn cách nào khác, chúng
tôi đành vào làng, may ra xin được thức ăn và dưỡng bệnh sau đó tiếp tục cuộc
hành trình. Sau đêm thứ 3, chúng tôi đến một ngôi làng, trước vài thửa ruộng của
ngôi làng có một cái chòi, chúng tôi vào chòi khoảng 2, 3 giờ sáng. Chúng tôi vắt
cho khô quần áo, nằm ngủ đợi trời sáng. Sau những ngày đói lạnh, bệnh tật,
chúng tôi nằm thiếp đi cho đến khi mặt trời mọc. Sáng hôm đó chúng tôi vào một
nhà dân gần đó, để nhờ họ cho cơm ăn và dưỡng bệnh, để có sức mà đi. Chủ nhà là
một người đàn bà nhà quê trông cũng bình thường như những bà nông dân
khác,không có gì phải nghi kỵ. Sau khi nấu cơm cho chúng tôi ăn xong, chủ nhà
chỉ cho chúng tôi bộ ván để lên nằm nghĩ lưng. Ôi thật là một bữa cơm ngon nhất
trong đời, dầu chỉ có cơm trắng với bầu luộc và mắm ruốc. Nửa giờ sau, du kích
đã vào nhà, súng AK chỉa đầu, bắt chúng tôi trói ké dẫn đi. Tâm trạng tôi lúc
này chỉ còn biết tới đâu hay tới đó mà thôi. Sự sống còn phó mặc cho số mệnh.
Chúng tôi bị dẫn đi nhiều nơi, đôi khi là trụ sở của làng, đôi khi là trường học,
có khi là ngôi đình làng. Dần dần số người bị bắt cứ tăng lên. Nhiều khi một
ngôi trường Tiểu học nhỏ, mà nhốt số người lên đến hàng trăm. Đêm đến không có
chỗ nằm, chỉ ngồi mà thôi. Ôi thật là những ngày ghê gớm nhất của cuộc đời,
không biết còn có cảnh khổ nào hơn không?
Chúng tôi không được cho ăn uống
chi cả. Tự ai có gì nấy ăn mà thôi. Ngày hôm sau, chúng tôi bị dẫn về hướng
Tây, không gian vô định, ai biết mình sẽ bị đưa về đâu, và sống còn đến ngày
nào. Khoảng thời gian này, không có một quy ước hay chính sách gì cả, hễ ai bất
tuân bọn chúng, thì coi như bị bắn bỏ. Trong đoàn chúng tôi đi, có một binh sĩ
còn trẻ, không dè dặt với chúng, đôi khi anh ta đi ngoài hàng một chút thì bị bọn
chúng lôi ra bắn ngay. Thật là dã man! Chúng muốn bắn để khủng bố tinh thần của
mọi người. Ôi sinh mạng con người nhỏ hơn là con ong, cái kiến. Dọc đường quốc
lộ 19, từ Bình Khê lên đến chân đèo An Khê, trước kia có lực lượng của SĐ 22 Bộ
Binh trấn đóng. Tôi không nhớ rõ là Tiểu Đoàn nào, nhưng thuộc Trung Đoàn 41.
Trước đây có một trận đánh thật là ác liệt, hai bên vệ đường tử thi của các chiến
sĩ VNCH nằm la liệt, có lẽ đã xẩy ra gần nửa tháng rồi, cơ thể bắt đầu sình
thúi chỉ thấy quân phục và sọ người trắng hếu. Một số tử thi khác thì còn loang
lổ một ít tóc trên phần sọ đã rữa. Mùi tử khí xông lên nồng nặc khắp trời. Ôi
chiến tranh và thân phận con người, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của bà Đoàn Thị
Điểm:
Hồn tử sĩ gió ù ù
thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi,
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn…..
Vào thời gian này, tôi không
còn nhớ rõ là mình đã nghĩ gì, chỉ có một con đường, chúng muốn đưa mình đi đâu
thì mình theo đó thôi, mặc cho số phận đẩy đưa, cuối cùng cùng là giải thoát kiếp
người. Chúng tôi đi đến ngày thứ 3 thì đến một trại trước kia là mật khu của
chúng. Trại này nằm trong rừng sâu, cách đèo An Khê khoảng 50 km từ hướng Bắc.
Cả mấy ngày đi, chỉ ăn được một lần, chúng tôi đi ngang 1 địa phương thì được đồng
bào nấu cơm gói sẵn bằng lá chuối phát cho chúng tôi mỗi người một gói không biết
là lệnh của họ hay lòng tự nguyện của đồng bào. Đến gần phạm vi của trại, chúng
dừng lại để nghĩ và chuẩn bị cho chúng tôi nhập trại, trong lúc này tôi gặp lại
một số anh em binh sĩ trong Pháo Đội, thật mừng và thật tủi cho thân phận những
kẻ chiến bại. Thời điểm này chúng bắt giao nộp hết tư trang như đồng hồ, bút
máy, nhẫn…. Tôi thấy chúng dùng nón để thu, không ghi sở hữu của ai cả. Tôi biết
bọn này muốn lấy không rồi, tôi làm dấu cho anh thường vụ Pháo Đội giấu chiếc đồng
hồ Boulevard Sport của anh, khi đi đến bờ sông có 1 số người Thượng đứng bán
chuối hoặc cơm. Chúng tôi đổi chiếc đồng hồ lấy 1 nắm cơm muối mè gói lá chuối,
hai thầy trò chia nhau ăn cho qua cơn đói lòng. Thật là: “Đoạn đường ai có qua
cầu mới hay”, vật chất chỉ có giá trị khi thời gian thích hợp. Còn với thời
gian này, vật chất dù cao qúy thế nào cũng không qua nổi một gói muối mè.
Thế là chúng tôi lần lượt vào
trại. Sĩ Quan đều bị đem đi cùm, từ Thiếu Úy trở lên là bị cùm. Số lượng SQ bị
bắt mỗi ngày một đông, chúng thả cấp nhỏ, cùm cấp lớn. Bắt được Đại Uý cùm Đại
Uý thả Thiếu Uý. Cứ như là cấp số cộng. Phải nói bạn nào có thời gian ở trại
Vĩnh Thạnh khi đọc dòng hồi ký này, không thể nào quên được một nơi gọi là ĐỊA
NGỤC TRẦN GIAN đúng nghĩa của nó, không nơi nào ghê sợ hơn. Vì trại nằm trong rừng
sâu, lam sơn chướng khí. Tổng số binh sĩ bị bắt vào thời điểm cao nhất ở đây có
thể lên đến cả ngàn người, nhưng sau hơn 4 tháng, số tử vong lên đến cả trăm. Sốt
rét chết, đói mà chết, bị đánh mà chết. Các đơn vị bộ đội cộng sản ở đây đa số
đều là những cán binh CS trở về từ Côn Đảo, lòng nung nấu thù hận. Họ muốn trả
những trận đòn thù trên các người lính Cộng Hòa còn chút sĩ khí đã ở lại chiến
đấu để bảo vệ quê hương. Có 1 anh Trung Úy người miền Nam trước kia nguyên là
giáo sư bị bắt vào trại cùng thời gian với chúng tôi, vì quá căm phẫn trước sự
hành hạ của bọn chúng, nên chạy ra vọng gác giựt súng AK của tên bộ đội đang
gác cổng nhưng không thành công vì cơ thể suy nhược, ăn uống thiếu thốn làm sao
khoẻ bằng chúng. Sau khi giựt súng không được, anh ta bị rược chạy vòng vòng
trong trại. Vì trại quá đông người nên chúng không bắn được. Vì không còn đường
thoát, anh ta chạy đến bên những chảo nước đang nấu để cho tù uống và nhảy vào
chảo! Thật là rùng rợn và thương tâm! Chúng dập tắt lửa, mang anh ta ra ngoài,
nhưng anh ta vẫn còn sống. Anh ta chửi rủa bọn CS luôn mồn:
“Đả đảo Cộng sản.
Quân dã man khát máu”.
Chúng cho khiêng anh vào trạm
xá. Thật ra chỉ là một cái nhà nhỏ, vài lọ thuốc, vài lọ cồn mà thôi. Anh ta vẫn
chửi liên hồi. Chúng lấy đất sét cho vào miệng, lấy cây dộng cho đến khi hết thở.
Ôi! các bạn có hình dung được con người hay là ác quỷ nhỉ. Tôi có người bạn ở
cùng quê tên Phan Duy Liêm, cấp Tr/Uý ĐĐT/ĐPQ cũg bị bắt vào trại này, tôi
không nhớ anh đã làm gì phật ý chúng mà buổi chiều hôm đó, tôi chứng kiến tận mắt,
3 tên bộ đội đứng 3 góc đánh anh từ góc này văng sang góc kia, như là người ta
chuyền bóng. Là thân phận tù sao dám chống trả chúng. Sau khi anh được thả ra,
lục phủ đã bị dập nát, đã bị tổn thương. Mặc dù thời gian sau được gia đình tiếp
tế thuốc men chữa chạy, sau hai năm hao tổn, anh đã lìa đời, bỏ lại một vợ và một
con thơ, là bà con họ hàng với gia đình tôi.
Ở đây khí hậu chưa có một nơi
nào dễ sợ hơn. Danh từ sơn lam chướng khí thật là đúng nghĩa của nó. Các nhà
giam (lán) được cất dưới những tàng cây cổ thụ, suốt ngày ít khi thấy ánh sáng
mặt trời, sương buổi sáng rất nặng và dày đặc, 9 hay 10 giờ mới thấy mặt trời,
máy bay thám thính cũng chỉ thấy toàn màu xanh của rừng. Khoảng hơn tháng đầu
chúng chưa cho đi làm, mỗi ngày chỉ phát hai nắm cơm bằng một bát trung bình,
vơi chứ không đầy, mì khô hết 80%, vài hột gạo có thể đếm được, tất cả chúng
tôi đều đói và sốt rét.
Ở đây trung bình một tuần sốt
rét 3 lần. Sốt thì nằm, dậy được thì đi lao động, xuống trạm xá khai bệnh, cặp
nhiệt độ 40 độ C, cho vài viên Nivaquine, 39 độ trở lui, thì chúng cho uống một
thứ rễ cây tên là “mật nhân”. Trên đời này chưa có thứ nào đắng như thứ này, uống
xong quay đi là nôn thốc, nôn tháo, nôn đến mật xanh, mật vàng, lần sau sốt hoặc
nằm liệt không dám khai bệnh nữa, hết sốt thì dậy đi làm. Con người thiếu ăn,
thiếu dinh dưỡng, sốt rét triền miên, nên chúng tôi trong như những thây ma còn
sống. Da mặt thì vàng bệt, xám ngoét, mắt trũng sâu, chân đi siêu vẹo, quần áo
tả tơi. Ôi! chúng tôi thật là tới tận cùng của địa ngục. Chúng tôi nào có tội
tình gì, chỉ biết cầm súng bảo vệ quê hương không có một ý đồ bất chính, không
có một tham vọng nào làm tổn thương đến giá trị vật chất hay tinh thần của con
người, tại sao chúng tôi lại phải bị trừng phạt một cách khủng khiếp như thế?
Có những lúc tuyệt vọng, anh em nói đùa:
“Chúa hay Phật gì
cũng bỏ chạy hết rồi còn đâu mà cầu nguyện.”
Sau hơn 3 tháng tôi bị bắt, gia
đình tôi mới được tin tức. Vợ tôi từ Phan Thiết ra Bình Định đến trại 3 Vĩnh Thạnh
để thăm, thật là một chặng đường vất vả. Vì xe cộ không có, vợ tôi phải đi bộ
khoảng 50km đường rừng, phải ngủ lại ở trại 2 rồi mới lên trại 3 được. Biết bao
nhiêu gian nan và sợ hãi, khi được gặp mặt, vợ chồng tôi nhìn nhau nước mắt
lưng tròng, hỏi thăm vài câu sức khoẻ, đâu còn lời nào để nói. Và biết nói gì
hơn khi mỗi bàn có hai bộ đội ngồi bên cạnh, súng AK lăm lăm, nói được gì đây.
Về nhà, vợ tôi bị sốt rét chữa trị gần 2 năm mới bình phục. Thời gian ấy, vợ
tôi phải chuyền sẻrum liên tục, thế mới biết rừng thiêng nước độc đến cỡ nào.
Sau đó thân phụ tôi đi thăm một lần, về cũng bị sốt rét liên tục. Từ đó về sau,
chỉ có em trai tôi còn khoẻ mạnh đi thăm mà thôi.
Có những lúc đói quá, mắt đổ
đom đóm vàng khi nhì thấy các anh em khác có người tiếp tế, có đồ ăn. Muốn quên
đi, tôi chỉ còn biết ra gốc cây ngồi luyện Yoga cho quên đi nỗi đói khát, bệnh
tật. Ai có biết sách lược triệt hạ kẻ thù, không sợ chúng phản kháng là làm cho
chúng đói triền miên, không bao giờ cho chúng ăn đủ no. Suốt ngày tư tưởng lẩn
quẩn, mong có cái gì bỏ vào miệng, vào bụng mà thôi, không còn nghĩ được thứ gì
khác trên đời. Ôi con người có những lúc phải như thế này ư? Tôi có đọc cuốn Tiểu
Đoàn Trừng Giới của Erich Maria Remark, nhà văn Đức, tù binh Đức, cũng bỏ vào
các trại tập trung cũng đói như chúng tôi, nhưng thời gian ngắn hạn và không bệnh
tật. Còn chúng tôi đói dài hạn và bệnh tật triền miên. Tôi còn nhớ vào thời
gian còn ở quân ngũ, tướng độc nhãn Mó Dayan của Do Thái có qua thăm trường Võ
Bị Đà Lạt, đã nói:
“Muốn chiến thắng Cộng
Sản, phải sống với Cộng Sản”.
Xin những ai, có làm chính
khách, chưa bao giờ biết ngục tù Cộng Sản, thì xin nghĩ đến bao nhiêu anh hùng
đã hy sinh, bao nhiêu triệu đồng bào còn đang sống vất vưởng nơi quê nhà, vật lộn
với miếng cơm manh áo hàng ngày vì phương châm “làm cho tập thể, hưởng theo nhu
cầu” của chúng. Và cả một thế hệ chúng tôi tù đày oan khiên, khổ nhọc, thì chớ
nên phụ quá khứ một thời tự do, dân chủ, thanh bình của miền Nam Việt Nam.
Ở trại này có những cách giết
người rất dã man. Các bạn có biết, một cái nhà cùm kín mít, bên trong là một
dãy khóa lại, tất cả việc ăn uống vệ sinh đều tại chỗ, đó là cùm thông thường.
Nếu chúng muốn tra tấn ai, cho hai chân vào hai lỗ chéo nhau, chân phải lỗ bên
trái, chân trái lỗ bên phải, dưới mông ngồi có một cây đà vuông thông ra ngoài,
xuyên qua một cây trụ thẳng đứng khoét một lỗ hình chữ nhật, để cây đà vuông có
thể di chuyển được từ thấp lên cao, chúng gọi là cùm yên ngựa. Mỗi lần nâng cây
đà lên là ống quyển bị ép vào lỗ cùm. Bên ngoài chúng dùng một miếng nêm hình
tam giác để đóng, mới đầu đóng là tù nhân la thất thanh sau đó im dần…im dần,
tù nhân đã hết thở. Ôi địa ngục ở đâu, có lẽ còn ít sợ hãi hơn nơi này. Chúng
tôi bị nhốt trong một cái lán gần bên nhà cùm. Đêm đêm nghe tiếng la thất thanh
xé tâm can, rồi dần , im dần và tắt hẳn… Thế là một người đã ra đi không biết
là tốt hay xấu với chúng tôi, biết đâu vài hôm đến lượt mình.
Ở đây có những cái chết rất kỳ
lạ, buổi sáng còn ngồi chơi nói chuyện, vì là ngày Chủ Nhật, anh bạn ở cùng
quê, Đ/Uý Dậu TĐT/CB, ngồi ngã ra, quay quay như gà mắc toi, đem xuống bệnh xá,
chừng 1 giờ đồng hồ sau thì chết. Khí hậu thật là rùng rợn, sinh mạng con người
còn thua những loài côn trùng. So với tù binh của Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế
Chiến đâu có khác gì nhau.
Sau một tháng nhốt một chỗ,
chúng tôi được chia ra để đi lao động. Những công việc chính là nhổ mì, trồng
mì, và làm cỏ mì. Buổi sáng tù tập trung do 1 hoặc 2 tên bộ đội dẫn đi tới những
bãi mì trong núi hoặc trên đồi cao. Chúng tôi dàn hàng ngang, mỗi người một cái
cuốc, dùng để cuốc cỏ xung quanh cây mì. Cây mì mới mọc cao chừng 5cm hay một tấc,
rất dễ lẫn lộn với cỏ. Chúng tôi đâu phải nhà nông chuyên nghiệp, từ nhỏ cha mẹ
đã hy sinh gian khổ, nuôi con ăn học, mong con sau này thành đạt đâu nghĩ đến
việc phải dùng cái cuốc,cái cày. Ôi công lao của cha mẹ lo lắng nuôi con trong
thời điểm này hình như đã sai đường. Nếu chẳng may chúng tôi cuốc gãy cây mì
chúng thấy được, thì báng súng AK vào đầu, vào cổ, mũi súng thọc vào sườn, vào
bụng.
Anh bạn tôi là Đ/Uý Dậu có lẽ bị
đòn thù trong trường hợp này, nên đã mất đi vài tuần sau đó, trong bữa sáng Chủ
Nhật mà tôi vừa nói ở trên. Thật là thê thảm, những tù nhân chẳng may mà mất
đi, chúng quấn bằng miếng vải ni lông, dùng để làm áo mưa, xung quanh kẹp 7 nẹp
tre, quấn lại như một khúc dồi lớn. Hai người khiêng, hai người đào lỗ ngoài rừng
rồi lấp đi. Xong chúng cắm một cái bảng nhỏ viết tên tù nhân bằng sơn. Với 2,3
tháng nắng mưa, thì không còn biết ai là ai nằm đó nữa. Vì thế gia đình anh Dậu
đã cố gắng nhiều lần, nhưng vẫn không tìm thấy xác anh ở đâu để đem hài cốt của
anh về mai táng nơi quê nhà.
Rất may là khoảng tháng thứ 5
chúng tôi chuyển trại, lúc này đại đa số là Quân, Cán, Chính VNCH đã bị bắt
hoàn toàn, không còn 1 lực lượng nào trong nước có thể đối kháng và phá hoại
chúng được. Chúng thành lập những Tổng Trại Tù Binh để quản lý. Một Tổng trại
như thế do cấp Trung Đoàn chính quy quản lý do Thủ Tướng Cộng Sản Phạm Văn Đồng
ký, mục đích là để trấn an dân chúng và để trình làng với Quốc Tế. Giai đoạn cuối
ở địa ngục này, tôi bị sốt rét hành hạ liên tục, có lẽ đã xâm nhập vào gan, lá
lách hay thận. Người tôi vàng vọt, xám ngoét, mắt trũng sâu, bụng ỏng, chân thì
dần dần to ra như chân voi bước đi không nổi nữa. Chúng tôi được đưa xuống Tổng
trại 4 An Trường. Ôi, thật là một cuộc di chuyển có khác nào như chở heo, chở
gà ra chợ để bán! Một chiếc xe Motolova như vậy chở xấp xỉ cả trăm người, người
sau phải bám người trước cho chặt, nếu không khi xe quẹo, quán tính của trọng
lượng sẽ làm văng những người sau ra ngoài mà chết. Súc vật đem bán cần sống, cần
khoẻ chứ chúng tôi thì không….
Tôi được đưa xuống trại 1 của Tổng
Trại 4, nhờ gia đình tiếp tế, thuốc men đầy đủ, và ở trại này, chế độ ăn uống
có phần dễ thở hơn, nên tôi đã dần dần hồi phục và giữ được cái mạng còm cho đến
hôm nay. Phải nói rằng sáu năm tù đày, thời gian ở trại này là tương đối dễ chịu
nhất so với các trại khác. Vào thời điểm này, đa số anh em đều tin rằng sau 3
năm rồi thì thế nào cũng được thả về, nhưng thật sự là một sự lầm lẫn to lớn. Lời
nói của chúng như những bó cỏ treo trước đầu con ngựa đang kéo xe, cỏ thì nhìn
thấy đó, nhưng con ngựa có bao giờ ăn được đâu?….Những ngày kêu thẩm vấn, tự
khai, ôi thật là khổ sở. Nói thế nào chúng cũng không tin. Hỏi:
“Từ ngày anh tham gia nguỵ quân, ngụy quyền đến giờ giết bao nhiêu cách mạng?”
Tôi trả lời:
“Tôi là đơn vị Pháo Binh yểm trợ, họ yêu cầu tác xạ ở đâu, chúng tôi bắn ở
đó. Kết quả do các đơn vị Bộ Binh tham gia họ ghi nhận và báo cáo, chúng tôi
đâu có trực tiếp tham dự ”
Hỏi:
“Anh nói anh không giết cách mạng sao họ cho anh mang lon Đ/Uý sớm như vậy?”
Tôi trả lời:
“Theo chế độ đào tạo SQ tại miền Nam, có bằng cấp mới được chọn, 1 năm Chuẩn
Uý, được thăng Thiếu Uý, 2 năm Thiếu Uý được thăng Trung Uý. Sau đó khoảng 3
năm đủ điểm thì lên Đ/Uý.”
Nhưng dù có nói thế nào chúng
cũng chẳng tin. Và cứ như thế hết ngày này đến ngày khác, tôi cứ bị kêu liên tục,
hỏi hơn cả tháng, chúng cứ xoáy vào một điểm là giết hại bao nhiêu cách mạng.
Cuối cùng tôi phải moi một trận yểm trợ nhớ mang máng theo kết quả của Bộ binh
báo cáo, là địch quân tổn thất vài chục chúng mới hết hỏi. Ai có ngờ đâu đó là
cái giá treo cổ mà mình tự gánh vào, sau này chúng cho là thành phần ác ôn có nợ
máu với nhân dân….
Thời gian ở Tổng trại này hơn 1
năm, sau đó có lẽ tình hình thanh lọc tù nhân giảm dần, chúng tôi chuyển từ tổng
trại này sang tổng trại 5 thuộc các đơn vị tỉnh Phú Yên quản lý. Trại này cũng
là một trại sắt máu, chúng tôi làm việc như lao động khổ sai, và cơm thì không
bao giờ được ăn no. Có một vài anh em bỏ mạng vì đốn cây rừng cho chúng, cây đè
mà chết hoặc thương tật suốt đời. Các bạn từng xem những phim La Mã thời
Caesar, các nô lệ kéo gỗ hay kéo đá, chúng tôi cũng vậy. Một khúc gỗ súc dài 4
hoặc 5 mét, đường kính khoảng 7 tấc, xỏ 4 dây thừng, mỗi bên 4 người khiêng. Đường
từ trên núi, leo dốc, xuống ghềnh hiểm trở, nếu rủi ro mà té ngã thì coi như
cái mạng đi đoong. Súng AK thì lăm lăm, sẳn sàng nhả đạn nếu chúng tôi tìm đường
chạy trốn. Ôi, nếu so sánh, chúng tôi và nô lệ thời Trung Cổ của La Mã có khác
gì nhau đâu.
Tôi còn nhớ nằm cạnh tôi có ông
bạn già là Tr/Tá ĐN Thanh trước 75 là CHT Quân Cảnh Quân Khu 2, và có thời gian
Tr/Tá Thanh đã từng làm Trưởng trại giam tù phiến cộng ở Phú Quốc. Có một ngày
họ phân công tôi và bác Thanh là 1 cặp trong toán chặt gỗ làm nhà, chỉ tiêu dài
sáu mét, đường kính từ 1.5 đến 2 tấc, phải là gỗ tốt, lá nhỏ, vỏ mỏng. Tôi và
bác Thanh phải lên núi cao tìm gỗ vì dưới thấp không còn nữa. Sau khi chặt
xong, tôi và bác Thanh khiêng về trại. Vì lúc đó tôi còn trẻ nên nghĩ rằng mình
khiêng phần gốc để bác Thanh phần ngọn nhẹ hơn. Từ trên triền núi cao, tôi lao
xuống dốc vì nặng quá, không kềm được, nên đã té ngã nhiều lần. Rốt cuộc để khỏi
tai nạn, bác Thanh dành khiêng phần gốc vì thật sự mà nói, bác rất khoẻ và rất
đô con. Tối về sinh hoạt kiểm điểm xong, bác nằm và than sao đau lưng và khổ
quá. Bên cạnh tôi có anh bạn Luật sư Lê Đình Khang nói nhỏ:
“Bác khổ là vì hồi đó bác hà tiện quá mà.”
Bác càu nhàu hỏi:
“Hà tiện gì?”
Anh bạn Khang nói:
“Nếu hồi đó bác sắm bao tải cho nhiều, cứ mỗi chuyến C130 chở tù phiến cộng
từ Sài Gòn ra Côn Đảo, bỏ hết vào bao ném xuống biển, thì đâu có ngày hôm nay.”
Bác và chúng tôi cùng cười,
quên đi nỗi đau đớn nhọc nhằn.
Trong thời gian ở trại này,
chúng tôi chứng kiến một cảnh thương tâm. Có một số anh em trốn trại nhưng
không thoát được, tôi chỉ nhớ tên 2 người là T/Tá Giang và T/Tá Phước, 2 người
còn lại tôi không nhớ được. Chúng cho làm mỗi người một cái lều, như lều cắm trại,
sát mặt đất, có khung bằng ván để nằm, làm hệ thống cùm dưới chân bằng gỗ, khóa
lại suốt ngày đêm, trông giống như những chiếc nhà mồ nằm ngay tại vọng gác trước
mặt trại. Chúng tôi ngày nào lao động cũng phải đi ngang qua, trông thật đau
xót và thương tâm, nhưng đâu biết làm sao khác hơn….
Vào một đêm, bỗng dưng lửa cháy
các chòi, chòi của T/Tá Giang là nặng nhất. Họ được đưa đi bệnh viện Tuy Hòa để
cấp cứu. T/Tá Giang phải cưa hai chân đến đầu gối. Các bạn khác đều bị phỏng
nhưng cũng được lành. Chúng tôi đều nhận định rằng chúng muốn đốt cho chết rồi
cho là tai nạn, vì các chòi nằm giữa miếng đất trống thì sao lại có hỏa hoạn.
Khoảng 5 tháng sau, họ thả anh
Giang về. Gia đình từ miền Nam phải lo phương tiện di chuyển anh, sau 75 gạo
còn không đủ ăn, làm sao mà sắm xe lăn. Tôi nghe sau này hình như anh đã quyên
sinh vì nghịch cảnh gia đình. Ôi thân phận con người, thân phận của những kẻ
chiến bại, dưới nanh vuốt của một lũ bạo tàn nhất trong lịch sử của nhân loại.
Và cuộc đời chúng tôi cứ kéo
dài như thế thôi, niềm tin được thả về còn xa lắm, chỉ khi nào sức cùng lực kiệt,
chúng bảo gì nghe đó, sự đối kháng không còn nữa, may ra mới được về, lúc đó liệu
còn sống sót bao nhiêu người đây. Phần cá nhân tôi, có một hôm, tôi bị sưng
chân phải đi cà nhắc, xuống trạm xá được cho làm việc nhẹ . Buổi sang 1 tên bộ
đội vào kêu chúng tôi đi làm, thấy tôi không chuẩn bị, hắn hỏi tại sao, tôi trả
lời đau chân, trạm xá cho làm việc nhẹ. Hắn trừng mắt, giơ súng lên và bắt tôi
đi làm với đội. Tôi phải cà nhắc theo đội để đi làm. Đứng cuốc đất suốt ngày bằng
1 chân, ngày hôm sau chân kia sưng phù lên. Thế là tôi phải nằm liệt mấy ngày.
Ôi, bạn có hình dung được chúng tôi phải chịu đựng như thế không?
Sau hơn 3 năm chúng tôi được
chuyển giao cho ngành Công an quản lý. Chúng tôi thuộc loại tù chuyên nghiệp,
được chuyển đến trại A30 ở Tuy Hòa. Trại này tập trung đủ các thành phần, hình
sự, vượt biên, những người bị bắt năm 78,79 họ gọi là phản động, và chúng tôi từ
các tổng trại 5, tổng trại 8, Trại Lam Sơn, Trại Thanh Bình, v.v….Cảm nghĩ của
tôi khi đến trại này là thôi, thế là cuộc đời gắn liền với chữ Tù. Giống như
nhân vật Papillon của Henrie Chariere. Ở tù không biết tại sao mình ở tù, ngoại
cảnh đưa đến mà mình không tài nào vùng vẫy được. Hay gần giống như nhân vật chính
trong tác phảm “Giờ thứ 25″ của một nhà văn Nga tôi không nhớ rõ tên. Hết ở tù
bởi quân Đức, rồi đến Nga, rồi đến Đồng Minh, khi ra đi thì mới lấy vợ, khi về
vợ đã 3 con rồi, mỗi quốc gia, một đứa.
Dưới tay Công An quản lý, thật
là một sự xảo quyệt của con người, tinh vi đến mức không thể nào diễn tả được. Ở
đây cũng thiếu thốn và đói như những trại khác, nhưng ở đây thì gia đình thăm
nuôi, tiếp tế cho nhận thoải mái. Mục đích của chúng, cứ cho người nhà thăm
nuôi ăn cho no, làm việc cho chúng vượt chỉ tiêu, thì đâu có gì tốt bằng đâu
nào. Các trại khác thì thân nhân thăm nuôi chỉ cho đem quà, bánh, thức ăn không
cho nhận gạo. Ở trại A 30 này, không tiếp tế gạo cho tù nhân là một thiếu sót lớn.
Lần thăm ban đầu gia đình tôi không biết, sau mới hiểu ra gạo là chính. Đến A
30, chúng tôi khai phá những cánh đồng ngút ngàn. Tất cả những cánh đầm lầy biến
thành ruộng xanh ngút tầm mắt, và những cánh đồng mía chỉ thấy đường chân trời,
tầm mắt không thể nhìn hết. Chúng lại lên lớp:
“Ta làm ta hưởng. Lao động là
vinh quang.”
Ôi thật là bực lỗ tai. Sao có
những con người, chỉ biết nói và không cần thái độ của người nghe. Chúng tôi
làm cho họ hưởng, nếu gia đình chúng tôi không nuôi thì chúng tôi đã chết đói rồi.
Ở đây có một trường hợp, anh
Đ/Úy Thức đơn vị Dù, tôi không biết Lữ Đoàn mấy vì ở khác lán. Buổi chiều đi
lao động về, anh gặp tên Tr/Tá Hạnh Công An Giám Thị trưởng Trại A 30 hỏi thăm
và nói gì đó, sau lên lớp…Vì hắn quá trâng tráo và dối trá nên anh Thức dằn
không nỗi nhảy vào đánh tên Giám Thị trại. Công an phòng vệ đã nhào vô bắt và
đánh anh Thức, không thể nào diễn tả được. Chỉ biết sau khi đánh xong, chúng bỏ
anh vào xe cút kít đẩy vào chỗ biệt giam thì thấy anh như một đống thịt, máu me
đầy mình! Ôi con người đến thế thì thôi! Tôi nghe sau đó họ đưa anh xuống bệnh
viện Tuy Hòa để điều trị và nghe đâu hình như có người bà con làm lớn ở Hà Nội
lãnh anh đem về nhà. Từ đó đến nay, không còn được nghe gì hơn nữa, không biết
anh có còn sống, và nếu như có đọc những dòng này của tôi, thì xin anh nghĩ,
lúc đó chúng tôi rất căm phẩn chúng nó, và xót thương anh nhưng chúng tôi đành
bất lực……
Tôi cũng không biết nói sao, vì
mỗi con người có trình độ nhận thức khác nhau, phải nói rằng nếu nghị lực không
đầy đủ thì sẳn sàng làm tay sai cho chúng. Có một ngày, chúng tôi đang cuốc cỏ
thì tên Công An quản giáo kêu tôi ra giữa đám mì, giở trò giáo đầu là tôi lao động
lấy lệ, sinh hoạt không chịu phát biểu, ù lì, là thành phần chống đối ngấm ngầm,
như vậy làm sao tiến bộ, cách mạng xét cho các anh về. Tôi muốn bật cười nhưng
không dám, vì nó đã nhàm với chúng tôi. Nghe bao nhiêu năm rồi. Tôi lặng thinh,
hắn nói tiếp:
“Bây giờ anh muốn thể hiện cho
chúng tôi thấy sự tiến bộ của anh thì anh phải theo dõi báo cáo tư tưởng của
anh nào chống đối cách mạng, ai phát biểu những gì bất lợi cho cách mạng. Báo
cáo trực tiếp với tôi, hay bỏ vào hòm thư trước trại.”
Tôi phải trả lời hắn theo sách
vở:
“Thưa cán bộ, nhiệm vụ chúng tôi ngoài việc học tập lao động, tôi còn phải báo
cáo ngay nếu phát hiện được những thành phần nào trốn trại.”
Hắn nói:
“Tôi yêu cầu anh báo cáo những anh nào phát biểu chống đối kìa.”
Tôi vâng lấy lệ. Khoảng tháng
sau, hắn kêu tôi ra lần nữa vì không thấy báo cáo của tôi, hắn hỏi:
“Tôi không thấy báo cáo nào của anh hết, anh là thành phần ngoan cố, chống đối.”
Tôi nói:
“Tôi có để ý một hai bữa, thấy anh em ai cũng an tâm, đâu có nói gì, thành tôi
không có gì để báo cáo.”
Hắn đơn cử một vài lời nói mỉa
mai của vài anh em. Tôi nói:
“Anh em vui miệng nói đùa, tôi không để ý.”
Thế là hắn lôi tôi ra, dùng
báng súng đập cho một trận. Tôi mang thương tích và nước mắt căm hờn về trại,
cơm nuốt không vào. Không phải đau mà khóc nhưng uất hận làm cho nước mắt tuôn
trào. Tối hôm đó một vài anh em mang thuốc giảm đau và dầu xoa bóp cho tôi, thật
là an ủi. Dầu sao chúng tôi cũng còn có nhiều anh em nghĩa khí và có tình người.
Bọn hắn cũng có mắt chọn người
lắm. Mỗi ngày chúng tôi đi cuốc đất, cả đội dàn hàng ngang, chỉ tiêu mỗi người
4 mét chiều rộng và 200 mét chiều dài, chúng chọn một tên kêu ra nói nhỏ:
“Anh ráng cuốc 250 mét, kỳ sau gia đình anh lên thăm nuôi tôi sẽ can thiệp với
trại để cho anh được gặp gia đình ban đêm.”
Ôi, một sự hứa hẹn tuyệt vời.
Tù nhân nào lại không muốn hàn huyên với gia đình sau bao nhiêu năm dài ngăn
cách, bao nhiêu biến cố vật đổi sao dời. Có người suy nghĩ chín chắn thì thấy
là chuyện đau khổ thêm cho vợ mình, có người chuộng vật chất thì cho đó là một
đặc ân của Cộng Sản. Thật là một thủ đoạn quá tinh vi. Thế là hôm sau, tên được
kêu cuốc vượt trội hơn anh em khác. Tối về họp kiểm điểm chúng nêu ra:
“Anh A cũng như các anh, cùng sức vóc, cùng tiêu chuẩn ăn uống như nhau. Người
ta cuốc được 250 mét, các anh cuốc có 200 mét, lại kêu không đủ giờ, chứng tỏ
các anh làm cầm chừng, lười lao động. Bao giờ các anh mới tiến bộ đây?”
Bắt đầu từ ngày đó, chỉ tiêu là
250 mét/ngày. Chúng tôi cuốc từ sáng sớm đến chiều tối, tay chân rã rời, tai
như bốc khói. Trên đường đi về trại, thân thể rã rời ngất ngưỡng như người mộng
du, vì sức đã cạn rồi. Chúng tôi chửi thầm, ôi những thằng ngu, nào dám chửi thẳng
vào mặt, nó mà báo cáo một phát là biệt giam, hai chân vào cùm, làm bạn với
gián…..
Ở đây cũng có tổ chức những đêm
văn nghệ, diễn viên là các em vượt biên bị bẳt. Các em còn rất trẻ, có em đã bị
bắt vào đây đến 3 lần, thật đáng thương. Họ cho tập dượt, và cho trình diễn những
đêm thứ 7, chủ nhật hay các ngày lễ của chúng. Nội dung hình như chúng tôi gần
như thuộc lòng, vì xem đi xem lại, tháng này qua tháng khác. Khi nào tổ chức
văn nghệ là chúng lùa hết ra sân vận động, không được ở lại trong trại. Tôi và
anh bạn Thắng đem áo mưa ra để nằm ngủ, chúng bắt gặp. Thế là hôm sau chúng họp
kiểm điểm là chúng tôi không chịu tiếp thu văn hóa cách mạng, thành phần bướng
bỉnh ù lì. Có những trò khác, bọn chúng mị dân, mà ngay cả một số gia đình
chúng tôi cũng nghĩ chúng là nhân đạo. Thí dụ sau khi cho vợ con thăm nuôi, tiếp
tế, tối còn cho gặp. Ngày hôm sau, gia đình về, chúng đưa sổ cho thân nhân viết
cảm tưởng. Chúng đem trình làng với đồng bào ở ngoài hay các phái đoàn quốc tế
viếng thăm. Chúng đem khoe khoang cũng như phổ biến trong trại, thế thì nhân đạo
quá đi chứ, thử hỏi có thân nhân nào dám viết lời không tốt cho chúng đâu.
Ở trại này, trước khi chúng tôi
chuyển đến, có nghe kể lại một chuyện thương tâm. Là có số anh em giựt súng tên
Công An định bỏ chạy nhưng bị một tên Tr/Tá của ta ôm lại để cho Công An bắn chết
1 hay 2 đồng đội của ta. Cả trại rất căm phẫn và khinh bỉ tên này. Khi chúng
tôi đến trại A 30 thì tên này đã được bọn Cộng Sản cho định cư vùng kinh tế mới
Mai Liên do trại quản lý và được đem gia đình đến sinh sống vì hắn có công với
cách mạng. Tên này là Tr/Tá Lập trước kia làm Quận Trưởng quận Vạn Ninh, tôi biết
vì vợ của hắn có chút bà con xa với gia đình tôi. Những năm sau khi được phóng
thích về, có một lần tôi ghé thăm gia đình cha mẹ vợ hắn, thì mới hay việc đời
có vay, có trả, thời gian sau vợ hắn đã bỏ hắn, sống với người khác rồi.
Những khổ hình ở trại làm sao
mà nói cho hết, tôi chỉ ghi lại những điều mình nghe, mình chứng kiến để bạn đọc
suy nghĩ thấy cái bạo tàn, quỷ quyệt của chế độ để đem một chút ánh sáng cho những
ai vì một chút quyền lợi riêng tư mà muốn cái gọi là ” hoà hợp hòa giải với Cộng
Sản”. Các bạn có biết, cảnh đời tù tội là đắng cay, khổ nhọc nhưng cũng có lắm
chuyện cười ra nước mắt. Chúng tôi là những thành phần gồm sinh viên, giáo chức,
cán sự, hay hành chính bị động viên. Dẫu sao, với xã hội miền Nam thời đó chúng
tôi cũng là thành phần gọi là trí thức chút ít. Từ nhỏ cha mẹ sinh ra đã hy
sinh cho con ăn học những mong cho con mình đỗ đạt, cho cuộc sống vững vàng,
chúng tôi nào có quen các cuốc, cái cày. Khi bị bắt vào đây chúng xem bọn tôi
như một lũ ăn hại, vô tích sự.
Có một ngày đội chúng tôi đi
cày lần đầu, các bạn có biết, trâu bò cũng quen với ngôn ngữ địa phương. Ở miền
Trung từ Bình Định trở vào, muốn bò quẹo trái thì gọi Thá, muốn bò quẹo phải
thì gọi Dí, muốn chúng dừng lại thì gọi Dò. Còn ở vùng Quảng Trị muốn quẹo trái
thì gọi Tắc, muốn quẹo phải thì dùng Rị, và muốn dừng lại thì dùng Họ. Hôm đó mỗi
người được phát một cặp bò và 1 cái cày, có một anh người Quảng Trị cầm cày và
cầm roi điều khiển bò, cứ dùng hết Tắc rồi Rị, bò nó không biết đi đâu, nó quẹo
lung tung. Bò đi mãi gần đến bờ rào đụng nhà dân, anh la Họ….Họ….., bò vẫn đi,
hoảng quá anh la : “Stop, stop, stop”. May có vài anh em ra chận bò lại, chúng
tôi có dịp cười nghiêng ngửa. Khi anh chàng trở lại chúng tôi nói:
“Bò nó đâu có đến trường mà biết
tiếng Anh, ông bạn.”
Những kỷ niệm đau khổ cũng như
là hạnh phúc của con người đều có giá trị ngang nhau trong tiềm thức, người ta
khó mà quên được. Có những ngày chúng tôi đi làm ruộng tại cánh đồng tên là Đầm
Sen. Cánh đồng đầm lầy bạt ngàn, bỏ hoang lâu ngày từ thời Pháp thuộc, thật xa
xôi và hẻo lánh, bèo lát, điên điển, cỏ dại mọc như rừng, mỗi lần nhảy xuống ruộng,
có chỗ sình ngập lên tới cổ. Và có những đám ruộng nước đĩa ơi là đĩa….lội như
bánh canh. Từ nhỏ tôi cũng như nhiều anh em khác, nói chung môi trường sống là
thành phố, nên thấy đĩa rất là sợ. Lần đầu tiên nhảy xuống ruộng, thấy nhột nhột
nhảy lên, là một vài con bám chân bám đùi, máu chảy tùm lum…..Úi trời ơi, thật
là hãi hùng, bắt chúng xong lại nhảy xuống, vì nhảy lên bờ thì AK chĩa vào đầu.
Ngày ấy làm ruộng về, mặc dù
đói, nhưng cơm nuốt không nổi vì tinh thần căng thẳng và hãi hùng quá mức. Mấy
hôm sau, chúng tôi rút kinh nghiệm, chọn bộ quần áo nào mới nhất, không có chỗ
rách, bỏ áo vào trong quần, cột hai ống chân cho chặt, cột quanh lưng, cột hai
khuỷu tay, nhờ thế mà khi nhảy xuống ruộng, thấy đĩa bơi quanh người nhưng
chúng không bám được, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, chúng vào tận chỗ
kín để cắn, về nhà máu me tùm lum phát khiếp. Cũng có những chuyện vui đáng nhớ.
Số là sau khi khai hoang xong, những đám ruộng bùn quậy lên rất nhiều cá nên
anh em tha hồ bắt. Tôi thì chạm cá rất nhiều, nhưng chẳng bao giờ bắt được cả.
Bắt nó lên là nó vuột, bắt một tay cũng vuột, hai tay cũng không xong. Chiều về
hỏi mấy anh bạn chuyên nghiệp chỉ giùm cho một chiêu làm sao để bắt mà nó không
vuột. Anh bạn cười:
“Bắt cá cũng như đi cua gái vậy, khi đụng nó phải từ từ mò từ đuôi lên tới đầu,
khi vị trí của đầu nằm trong lòng bàn tay rồi, thì dịu dàng nắm lại, thật chặt
và thật êm thì không bao giờ bị mất cả”.
Thế là hôm sau theo cách chỉ dẫn
của anh bạn, tôi được mấy bữa bồi dưỡng ngon lành. Có những ngày làm cỏ ở những
thửa ruộng cạn, chúng tôi không tìm được thứ gì để ăn. Vài ba người, mỗi người
vài chú nhái, chiều về cải thiện, 1 vài con không đáng là bao, người nọ dồn cho
người kia để ăn cho đủ. Các bạn biết sao không? Cho thì tiếc, bèn oảnh tù tì ai
thắng thì ăn hết, ai thua thì nhịn. Ôi con người khi tới tận cùng đất đen rồi
thì mới nhận chân được giá trị của nó. Chuyện đã 28 năm rồi, nhiều khi tôi nghĩ
mình cũng nên quên đi để sống những ngày còn lại của cuộc đời. Nhưng thỉnh thoảng
quá khứ lại hiện về, không sót một chi tiết nhỏ nào. Có những đêm ác mộng hãi
hùng, bị đánh, bị tra tấn và những cơn trốn chạy dưới lằn đạn AK của chúng. Khi
tỉnh dậy tinh thần bàng hoàng, đầu óc ngây ngô. Và không biết đến bao giờ tâm
trí mới được bình yên đây. Đọc qua lịch sử biết bao sự hưng vong của chế độ
Đinh, Lý, Trần,Lê….Biết bao nhiêu thi nhân đã tiếc thương một thời quá khứ êm ấm,
thanh bình….
Tạo hoá gây chi cuộc
hý trường,
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương,
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Hay:
Nhớ nước đau lòng
con quốc quốc.
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia…
(Bà Huyện Thanh Quan)
Hoặc:
Khắc khoải sầu đưa
giọng lửng lơ
Ây hồn Thục Đế thác bao giờ
Năm canh, máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc Xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ
Đêm đêm ròng rã kêu ai đó
Dục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ
(Nguyễn Khuyến)
Vận nước đã đổi thay, quê nhà
chìm đắm trong cảnh bất công. Giới thống trị thì vàng son rủng rỉnh, xe pháo dập
dìu, người dân còn lại phải vật lộn với cuộc sống đầy gian nan mới đủ cơm ngày
hai bữa, và còn phải lo thuốc thang khi đau yếu. Không hiểu tiền nhân có đau khổ
như chúng ta không? Nếu có thì chỉ có sự thay đổi thể chế xã hội và đau nỗi mất
nước, không đến nỗi phải lưu vong như chúng ta, trên 15.000 dặm đường chim bay,
xa hơn một nữa vòng trái đất. Muốn tìm một chút tình cảm thân thương nơi cha,
nơi mẹ, nơi anh em, nơi bạn bè hay người thân thật là khó vô vàn. Thật là:
Đau lòng tử biệt
sinh ly,
Muốn cho tái ngộ chỉ nhờ mộng trung….
Chúng ta đã may mắn thoát khỏi
ách bạo tàn, dung thân ở xứ tự do. Tuy không dễ, nhưng chúng ta có đầy đủ quyền
tự do của một con người được pháp luật bảo vệ. Quê nhà còn biết bao người thân
đang trầm luân với cuộc sống đoạ đầy và bất công, chỉ hy vọng chút tin vui khi
có con cái, hay anh em gửi về chút ít quà hay tiền để mạch máu đang chảy không
bị cạn….bởi một lũ vô thần, tham lam, ích kỷ và tàn bạo…..
Với những dòng này, mong đóng
góp chút ít tư liệu về cuộc chiến, và những gương hy sinh của các Sĩ Quan
QLVNCH, những anh hùng không tên tuổi đã nằm xuống trong cuộc chiến, để giữ gìn
miền Nam êm ấm thanh bình gần 3 thập niên từ sau 1945-1975. Và để cho thế hệ
sau phân tích sự hy sinh gian khổ của cha ông. Và cũng mong quê hương dân tộc sớm
khỏi ách bạo tàn của một lũ người vô thần thống trị,và mãi mãi thanh bình trong
chiều hướng tự do dân chủ…..
Võ Đức Nhuận
(Đây là những nhân vật có thật trong chặng đường chiến đấu cuối cùng, và những
trại cải tạo đã đi qua)
1 comment:
Qua cầu cải tạo đắng cay,
Triều dâng thù hận, đọa đầy bão giông.
Post a Comment