Tuesday, January 7, 2020

NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU ĐỜI CỦA NGÀNH ĐIỆN BÁO VIỆT NAM

___________________
FACE BOOK THIÊN NGUYỄN
Với giới trẻ ngày nay, ba chữ “nhà dây thép” chắc vô cùng lạ lẫm, chứ vào những thập niên đầu thế kỷ 20, đó là những từ cửa miệng của ông cha ta khi nói đến cơ quan mà bây giờ chúng ta gọi là nhà bưu điện hay bưu cục. Đi ra bưu điện để gửi thư họ gọi là ra nhà dây thép, còn để gửi đi một bức điện tín cho bạn bè hay người thân thì họ gọi là “đi gõ dây thép”. Những từ này gợi lên hình ảnh ban sơ của ngành điện báo, khi lần đầu tiên người dân Sài gòn và những vùng phụ cận nhìn thấy những “đường dây thép” giăng giăng trên bầu trời.

Chúng ta biết rằng ngay sau khi vừa đánh lấy Sài gòn năm 1859 và chưa chính thức đặt bộ máy cai trị tại đây thì các đô đốc Pháp đã nghĩ ngay đến việc thiết lập hệ thống điện báo để đảm bảo sự liên lạc thông suốt và nhanh chóng giữa các đơn vị quân viễn chinh với nhau. Nhu cầu này càng bức thiết khi các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, Thiên hộ Dương … bùng phát, đặt đội quân viễn chinh Pháp trong tình trạng phải đối phó thường trực.
Đường dây điện báo đầu tiên dài 28 km nối liền Sài Gòn với Biên Hòa được người Pháp khánh thành ngày 27.3.1862. Công việc thiết kế và thi công gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện vật chất, kỹ thuật vào thời đó. Đường bộ bị chia cách bởi một con kênh cách Sài Gòn 8 km và một nhánh sông ở Biên Hòa. Để giải quyết vấn đề này, Pháp phải khổ công đặt đường dây cáp ngầm ở những chỗ cắt.
18 giờ 30 phút ngày hôm ấy, hai bờ sông Đồng Nai được nối liền, bức điện báo đầu tiên trong lịch sử viễn thông Việt Nam gửi đi từ Biên Hòa nhận được tại Sài Gòn sau 2 phút (Theo L. Malleret trong Tập san hội Cổ học Ấn-Hoa - Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises - năm 1936).
Một viên chức ngành viễn thông lúc ấy là Lemire kể lại rằng ông ta cùng một đồng nghiệp đã cầm bức điện báo đầu tiên đi gặp Phó Đô đốc Bonard lúc đó đang ngồi cùng Bộ tham mưu. Tất cả biểu lộ niềm vui mừng lớn lao, Bonard mời hai viên chức này ngồi vào bàn và nâng cốc chúc mừng:” Này các ông, tôi rất hài lòng về công tác của các ông. Tôi uống mừng sự thành công của ngành điện báo Nam kỳ từ lúc khởi đầu” Bonard vừa dứt lời, Trưởng ban tham mưu De Laveyssière phụ họa:”Chính các ông là những người có vinh dự khánh thành đường dây điện báo đầu tiên ở Nam kỳ”. Và cuối cùng, Lemire đã kết luận: ”Đây sẽ là một công cụ lớn lao dành cho công tác bình định, và sau nữa, đây là một bước vĩ đại hướng về nền văn minh do thiên tài của nước Pháp mang lại trong vùng đất mới chiếm đóng của ta…” (Tập san Đô thành Hiếu cổ - BAVH số 1 năm 1944 - trang 9).
Đường dây điện báo thứ hai dài 7 km, nối liền Sài Gòn-Chợ Lớn, khánh thành ngày 17.4.1862. Quãng trường nơi xây dựng trụ sở điện báo đầu tiên thời đó được gọi là “Quãng trường Đồng hồ” (Place de l’Horloge) nằm ở góc đường Catinat và De La Grandière (nay là đường Đồng Khởi và đường Lý Tự Trọng), đến năm 1870 mới bị phá bỏ.
Đầu tháng 6.1862, một sự kiện quan trọng diễn ra tại Sài Gòn; đó là lễ ký kết hòa ước Nhâm Tuất ngày 5.6.1862. Sứ bộ Việt Nam đến Sài Gòn, ngoài các vị Chánh, Phó sứ (Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp), còn có ông Phạm Văn Trung, quan lại phụ trách về bưu chính của triều đình Huế. Theo lời Lemire kể lại, nhân dịp này, một phái đoàn trong đó có ông Trung được mời đến thăm trụ sở cơ quan điện báo và người ta đã biểu diễn cho họ xem việc liên lạc giữa Sài Gòn với Biên Hòa và Chợ Lớn. Kết quả làm cho phái đoàn Việt Nam rất ngạc nhiên, có người không tin, nghĩ là họ bị lừa, đã nhìn thử dưới gầm bàn xem có ai ngồi núp ở đó không, nhưng chỉ gặp các hộc tủ trống rỗng…
Năm 1864, nghĩa quân Trương Định tan rã sau cái chết của vị chủ tướng, nhưng từ ấy đến năm 1866, cuộc khởi nghĩa của Thiên hộ Võ Duy Dương tại cứ địa Đồng Tháp Mười tiếp tục làm cho thực dân Pháp mất ăn mất ngủ. Địa hình phức tạp của vùng đất mà Pháp gọi là Plaine des Joncs (cánh đồng cây bấc) khiến cho nhiều cuộc hành quân gánh lấy thất bại. Tháng 4.1866, họ mở cuộc hành quân qui mô vào Đồng Tháp Mười và điện báo trở thành công cụ đắc lực nhất giúp Pháp đánh bại nghĩa quân, Thiên hộ Dương phải bỏ khu vực này, chạy về phía Bắc và chết trong hành trình trên biển. Tính ra trong 5 ngày 5 đêm, tại Đồng Tháp Mười, các đơn vị quân viễn chinh Pháp đã trao đổi với nhau 1.153 bức điện, mỗi bức không dưới 500 từ!
Năm 1869, nhiều dự án được các chuyên gia Pháp thảo ra nhắm thiết lập đường dây điện báo nối liền Sài gòn-Miến Điện (Birmanie, nay là Myanmar), rồi từ đó, chạy sang Ấn Độ là nước vừa nối liền đường dây điện báo với cả châu Âu. Song dự án này không được sự hậu thuẫn của chính quốc. Paris muốn làm đường cáp ngầm nối với Singapore là nơi vừa kết nối đường dây điện báo với Anh quốc.
Tháng 6.1871, Bộ Hải quân Pháp ký với công ty China Submarine Telegraph Company một thỏa thuận đặt đường cáp ngầm xuất phát từ cap St Jacques (Vũng Tàu) đến Singapore. Ngày 31.7.1871, bức điện tín đầu tiên được trao đổi giữa chính quốc Pháp và thuộc địa Nam kỳ. Tuy các tài liệu không nêu rõ, song ta có thể ước đoán rằng bức điện trên đã đi theo lộ trình Sài gòn – Vũng Tàu – Singapore – Anh quốc – Pháp. Chỉ trong vòng 10 năm (1862-1872), chính quyền Pháp tại miền Nam đã thiết lập 6.600 km đường dây cáp điện báo, thêm 13 đường dưới mặt nước dài tổng cộng 13, 225 km. Năm 1881, Le Myre de Vilers, Thống đốc dân sự đầu tiên của Pháp ở Nam kỳ, giao cho một kỹ sư Pháp nghiên cứu việc thiết lập đường dây điện báo Sài Gòn - Bangkok (Thái Lan) dài 669 km, trong đó có 226 km chạy qua đất Campuchia. Công việc này hoàn tất sau 18 tháng, trong khi người Anh phải bỏ dở sau 3 năm nỗ lực. Năm 1881 cũng là năm chính quyền thuộc địa mở cuộc thi tuyển thư ký điện báo Đông dương đầu tiên. Một năm sau (1882), thời đại mới trong lịch sử bưu chính cũng bắt đầu. Ngành bưu chính được tách rời khỏi Ngân khố và sáp nhập chung với ngành điện báo, trở thành “nhà dây thép” như cách gọi của ông cha ta ngày xưa.

Lê Nguyễn
7.1.2015 – 7.1.2020

No comments: