Tuesday, February 25, 2014

Chị Lùn

______________

   Mặc Nhân TVC                                                                                             
                                                                                                
          


                              Viết cho những người tôi quí trọng                                            
                                             *************                                    
     Chị tên Lùn. Thật ra chị không lùn, trái lại đôi chân chị ốm và cao nhưng có điều là đôi chân chị đều có tật, chân nầy đá chân kia, cho nên chị đi đứng khó khăn lắm. Chưa hết, hai tay chị cũng vậy, dường như chị không chủ động được những cử động của tứ chi. Mà dường như ông Trời cũng phũ phàng với chị, miệng chị cũng không giữ được để cho nước miếng nước dãi mọi lúc cứ chảy ra hai bên mép. Tội lắm cho chị, chị nói được nhưng lập bập từ tiếng một, không rõ ràng.
          Dường như chị không chịu ở nhà, người ta có thể gặp chị bất cứ lúc nào ...sáng hay trưa, chiều hay tối ...trời mưa hay trời nắng....bất cứ nơi đâu ....đầu làng xó chợ, bến đò, bến xe, đình, chùa, miếu, mạo....Dáng điệu của chị quả là thiểu não, trông người không ra người, đầu tóc rối bù, lê tấm thân tàn phế với một bộ quần áo rách rưới bẩn thỉu lang thang đầu đường cuối ngõ.

          Nhưng mọi người đối với chị nếu không có cảm tình thì cũng không hề có một ác cảm nào hay ít ra cũng không ai khinh nhờn chị vì trên gương mặt tật nguyền của chị người ta còn nhận thấy - trời còn thương chị - một ánh mắt vui tươi, dịu hiền và trên đôi môi nhợt nhạt của chị một nụ cười mếu máo nhưng chân thành, ấm áp...ngần ấy cũng đủ dành cho chị một chỗ đứng trong sâu thẩm lòng người dân trong làng tôi.
          Do vậy không ai nở gọi chị là con nầy con kia dù lớn hay nhỏ, kể cả những ông bà lớn tuổi  trong làng cho đến các cháu nhỏ đều nhất nhất gọi chị là chị Lùn. Có lẽ đây là một vinh dự xứng đáng cho chị Lùn.
          Số là trong làng tôi, một nữ sĩ từ đâu ngoài Trung vào định cư lúc nào không ai biết, chỉ biết bà sống độc thân, một địa chủ giàu có, học thức cao vì người trong giới trí thức gọi bà là nữ sĩ, nữ sĩ Xuân Lan. Còn người dân thường gọi bà là bà Ba Xuân Lan. Bà Ba Xuân Lan còn giữ nề nếp phong cách một người phụ nữ gương mẫu xưa của thời phong kiến. Ngay khi ở trong nhà, bà luôn luôn trâm cài lược giắt, trang phục với áo dài xuyến hay lãnh đen, quần bạc soạn trắng. Móng tay bà để dài, dài lắm, cong vút, luôn được chăm sóc bóng láng mặc dù bà còn giữ nguyên tập tục ăn trầu và hút thuốc.
          Ngôi nhà bà là một ngôi nhà ngói ba gian hai chái, thấp theo kiểu các ngôi nhà ngoài xứ Quảng, cột kèo, vách phên toàn là gỗ quí, nền cuốn đá ong....tuy nhiên thiếu cửa sổ nên nội thất có vẻ tối om, một chút huyền bí, một chút mùi của ẩm thấp vì lâu ngày thiếu ánh sáng...được xây cất trên hữu ngạn bờ sông Cửa Đại của con sông sông Cửu Long, thuộc vùng Rạch Miễu.
          Bà Ba Xuân Lan vốn dòng dõi trâm anh đài các nhưng với đức độ một người phụ nữ đầy lòng nhân ái nên được dân chúng trong làng và cả trong vùng quí mến và kính trọng. Còn về  lãnh vực văn học, nữ sĩ Xuân Lan đã từng là bạn văn thơ với nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, thứ nữ Cụ Nguyễn Đình Chiểu, có một thời ở tại vùng Rạch Miễu nầy. Rất tiếc, nữ sĩ Xuân Lan không có con và chiến tranh cũng đã vô tình huỷ hoại tác phẩm thi văn của Bà. Ngày sau nơi đây chỉ còn truyền tụng hai câu thơ bất hủ ghi lại vùng sông nước lịch sử nầy như sau: Đất nước Cầu Chùa muôn thuở dấu. Gió trăng Rạch Miễu một con đò. Vì vùng đất nầy có hai địa danh tiêu biểu. Đó là Rạch Chùa và Rạch Miễu. Rạch Chùa có một cây cầu. Rạch Miễu với một con đò. Ngần ấy đủ cho Bà với hai câu thơ súc tích ghi lại hình ảnh quê tôi. Tuy nhiên nơi Bà vẫn còn truyền tụng cho đời sau một câu chuyện thương tâm do tấm lòng nhân ái trời biển của Bà. Đó là chuyện Một Con Người. Con Người đó là Chị Lùn.
          Một buổi sáng mùa đông, gió bấc lao xao từ bên kia sông đem cái lạnh về khiến cho ngôi nhà cổ kính của bà Ba Xuân Lan càng thêm buốt giá. Một đống un ngay giữa ngôi nhà âm ỉ cháy không đủ xua tan cái lạnh. Bà Ba đang ngồi trên bộ ván gõ đôi, ăn trầu xỉa thuốc thì một người giúp việc hớt hơ hớt hải chạy vào: “Thưa bà, ai đó hổng biết bỏ ngoài cổng nhà mình một đứa nhỏ mới sanh đỏ hỏn. Nó khóc dữ quá.”. Bà Ba không đắn đo, bảo: “Con mau bồng nó vô hơ lửa cho nó đi con”. Người ở lại thưa: “Thưa bà, con thấy nó là con gái. Mà con nhỏ nầy bịnh hoạn lắm lại có tật cùng mình hết ”. Bà Ba vội bảo: “Vậy con hãy bồng nó vào đi. Tội nghiệp!” Người ở lại thưa: “Thưa bà hay là mình ẩm nó giao cho trại mồ côi đi bà. Con thấy nó bịnh hoạn yếu ớt, khó nuôi lắm. Bà Ba gằn giọng :”Tại vậy nên bà mới bảo con ẩm nó vô. Lẹ đi. Trời ngoài đó lạnh lắm.”
          Bà Ba phải mướn thêm một người để nuôi con bé. Khi đặt tên cho con bé, bà Ba nghĩ phàm một đứa trẻ bạc số như vậy, khi đặt một cái tên phải phù hợp với hoàn cảnh của nó, nếu lựa một tên như Hoa hay Bông hay Đẹp thì té ra mỉa mai nó sao. Nhưng nhìn hình hài nó, bà lại nghĩ nếu theo đó mà đặt tên cho nó thì tội nghiệp nó quá, nên thôi một tên vừa đủ xấu, nhưng không đến đổi. Đó là Lùn.
         Lùn lớn lên không dễ cho chính bản thân bịnh hoạn của nó mà càng không dễ cho người nuôi nó. Phải có một động lực vô cùng mạnh mẽ mới nuôi được Lùn cho đến ngày trưởng thành. Động lực đó là lòng thương người vô bờ bến của bà Ba Xuân Lan. Lớn lên, Lùn gọi bà Ba bằng cô nhưng bù lại được cô trao gởi cho Lùn một tình mẹ bao la. Lên bảy lên tám là Lùn bắt đầu bỏ nhà ngao du khắp nơi trong làng xóm, vì một lẽ dễ hiểu là Lùn không có một người bạn nào cả để chơi cùng, dù là bạn trai hay bạn gái. Vì có đứa trẻ nào thích làm bạn với một đứa trẻ người không ra người, nếu không nói là chúng còn tìm cơ hội để chọc phá chòng ghẹo.
          Lẽ tức nhiên là Lùn không đến trường được nhưng bà Ba có mời một thầy giáo già về nhà dạy cho Lùn được chữ nào hay chữ nấy. Lùn không thích học vì trí óc của Lùn không phải để học và tay chân của Lùn không phải để viết hay để vẽ. Dù vậy với lòng tận tâm và kiên nhẫn của ông thầy già, Lùn cũng quọt quẹt viết thành chữ được những ý nghĩ thô thiển và hạn chế của mình. Ông thầy và bà Ba chấp nhận thành quả của Lùn trong khi Lùn khòng màng nghĩ gì về điều này. Tuy nhiên có một lần bà Bà vui biết bao khi thấy Lùn dùng miễn sành viết trên mặt sân nền đất mấy chữ “Con thương cô lắm”. Bà Ba đọc dòng chữ ngắn ngủi đó, ràn rụa nước mắt.
          Năm tháng trôi qua, Lùn lớn lên với một thân thể của một thiếu nữ đúng nghĩa của nó ngoại trừ những bộ phận dị tật bẩm sinh. Vì yêu kính bà Ba, vì thương Lùn mọi người không hẹn mà nên đồng gọi là chị Lùn chớ không còn là con Lùn nữa, kể cả các đứa nhỏ khi xưa khinh bỉ Lùn giờ cũng gọi là chị Lùn. Chị Lùn giờ là thành viên của gia đình nữ sĩ Xuân Lan, là một con người như mọi con người của vùng đất Rạch Miễu.
          Không phải làm gì và cũng không thể làm gì trong nhà của cô, chị Lùn tiêu pha thời gian của mình bằng cách ngao du trong mọi ngõ ngách của làng xóm. Nơi nào vui chị ở lại chơi. Nơi nào thích, theo cảm quan của chị, chị ở lại xem. Chị sẵn sàng chào hỏi bất cứ ai chịu nhìn chị, với một nụ cười méo xệch nhớp nhúa nước dãi, nhưng với ánh mắt vô tư hiền hoà, nói lên nhiều điều mà một số người lành lặn không có được. Nếu mệt chị ngồi hay nằm nghỉ bất cứ nơi nào như nhà lồng chợ, gầm cầu, sân chùa, trường học....Chị sống như một người tiền sử đúng nghĩa của nó. Hoà mình cùng trời đất. Sống với thiên nhiên. Vui cùng cây cỏ. Đói ăn. Khát uống. Vô tư. Vô lự.
          Một buổi trưa hè. Mặt trời đứng bóng. Không khí ngột ngạt trong cái oi ả. Cảnh vật chìm lắng trong cái vắng lặng. Trong hành lang vắng vẻ tịch mịch của đình làng, chị Lùn đang tìm nơi thư giản sau một buổi sáng rong chơi. Ngoài kia sông, tiếng sóng vỗ bờ, trên cây đa tiếng ve sầu vào hạ...như ru chị ngủ.
          Dường như có cái gì đó khiến chị bức rứt, chị không ngủ được. Hết nằm xuống chị lại  ngồi lên. Trông vẻ mặt chị có một cái gì bồn chồn, cau có. Trông mắt chị có một cái gì thôi thúc, réo gọi. Chị kéo vạt áo lên cao để trần bộ ngực con gái. Chị đưa tay mằn mò đôi nhũ hoa căng cứng. Chị lờ đờ hưởng thụ cái cảm giác của một người con gái dậy thì. Chị xoay mình qua xoay mình lại để tìm cảm giác mới. Nhưng trong chị dường như còn có một ma lực cấu xé hay một đòi hỏi vô hình thúc đẩy, nên với một động tác dứt khoát, chị kéo tuột chiếc quần xuống và nằm vật tênh hênh trên nền gạch tàu của hành lang đình trống vắng, không người....
          Nhưng không! Duyên tiền định! Một người, một người đàn ông trai trẻ, một thanh niên xuất hiện, tay cầm cái ná thun áng chừng đi bắn chim, vô tình đối mặt với một cảnh tượng mà có lẽ anh chàng trai trẻ nầy cũng đã từng viển vông mơ tưởng trong tuổi đầu đời của người con trai. Anh làm rơi cái ná thun lúc nào anh không hay. Anh nuốt nước miếng. Rồi anh bỏ đi. Rồi anh quay lại. Rồi anh lại muốn bỏ đi nhưng cái gì đó khiến anh mạnh bạo bước lên thềm, đến gần nhìn vào một thân thể loã lồ. Thân thể loã lồ nầy mở mắt ra thấy anh, nhoẻn miệng cười vẫn với nước miếng nước mòm vung vãi, vói tay kéo anh xuống ấn tay anh vào chỗ mà chính anh cũng đang thèm muốn.
          Anh chàng thanh niên nầy không còn hồn vía đâu để thấy chỗ nhớp nhúa trên mặt chị, để thấy chỗ tật nguyền trên người chị mà chỉ thấy phần còn lại nõn nà, khêu gợi... của một người khác phái dành cho cho một người khác phái theo luật thiên nhiên của tạo hoá với đầy đủ nét lôi cuốn và quyến rủ của nó. Và anh chị đã theo bản năng trời ban cho loài người, làm tròn chức năng tự nhiên của con người mà luật thiên nhiên ràng buộc. Một cuộc giao hoan đầu đời, vô tư, vô lợi, tự nguyện, trong trắng, hoàn hảo, tròn vẹn...đúng theo nhịp xoay dần của âm dương từ thời nguyên thuỷ.
          Thế là con ong đã thuộc đường đi lối về, hai anh chị không hẹn mà vẫn lên. Những buổi trưa trời nắng đổ lửa trên gò đất bên cạnh bụi tre rì rào gió thổi. Một sáng sớm bình mình dưới gốc đa còn đẩm sương đêm. Hay một chiều hoàng hôn tắt nắng bên bờ sông vắng. Đôi khi giữa cơn giông tố bão bùng, sấm sét dậy lưng trời. Kể cả trong sân đình dưới bóng trăng sao vằng vặt.... đâu đó nhặt khoan tiếng vạt sành gọi bạn....Anh chị thật sự đã hoà nhập với thiên nhiên đất trời. Anh chị đã đến với đời như nước nguồn lửa núi, anh chị đã sống và hưởng thụ trọn vẹn những gì mà trời đất đã ban cho loài người từ thuở mới khai thiên.
          Một cuộc hoà hợp âm dương vô điều kiện, tự nguyện...không hề có một lời mời mọc, không một lời quyến rủ, không một thề non hẹn biển vậy mà nồng nàng, keo sơn, gắn bó...Đẹp làm sao! Ngày xưa có những thiên tình sử để đời cho hậu thế. Chẳng hạn những chuyện tình mang tính ước lệ của Trương Chi và Mỹ Nương, của Từ Thức và Giáng Ngọc, của Lan và Điệp, của Roméo và Juliette, của Paul và Virginie....có thể là sản phẩm của con người, nếu không thì lại có quá nhiều tác động của  người ngoại cuộc, mặc dù vậy vẫn để lại cho đời sau những thiên tình sử... Đẹp đấy, nhưng nhất thiết không thể so sánh với cuộc tình chẳng những hiện thực mà còn trọn vẹn, hoàn hảo... như chuyện tình của chị Lùn và....một người còn là ẩn số.
          Bụng chị Lùn càng ngày càng lớn. Thiên hạ vô công rồi việc bàn ra tán vào, thóc mách, xầm xì,. Người ta không phê phán, không chê bai chị Lùn mà người ta chỉ háo hức muốn biết tác giả của cái bào thai trong bụng chị Lùn là ai. Trong khi chị Lùn vẫn tỉnh bơ, vẫn mang cái bụng bự xộn nghêu ngao chỗ nầy chỗ kia như không có chuyện gì xảy ra. Gặp ai nhìn vào bụng chị, ý tò mò muốn hỏi, chị nhăn răng cười hề hà. Ý chừng chị muốn trả lời cho họ: “Có gì lạ đâu”.
          Thật ra... có gì lạ đâu! Đây cũng là lối nghĩ của bà Ba Xuân Lan. Bà thản nhiên trước cái bụng càng ngày càng lớn của chị Lùn. Bà còn bảo chị Lùn cẩn thận trong đi đứng, bớt đi chơi xa. Bà còn bảo chị ăn uống nhiều hơn, nghỉ ngơi nhiều hơn. Ngày chị Lùn đập bầu, bà mướn một người đưa chị Lùn đến nhà bảo sanh tỉnh. Bà vui mừng khi biết chị Lùn sanh một thằng con trai nguyên vẹn và mẹ tròn con vuông.
          Ngày mẹ con chị Lùn về nhà, Bà gọi riêng chị Lùn ra nhà trước để bà căn dặn. Bà nói: “Con không thể nuôi con con được. Cô đã mướn một người thay con nuôi nó. Tạm thời người nầy là mẹ nó. Con hiểu chưa?”. Chị Lùn ú ớ ra dấu “hiểu”.  Bà Ba đến công sở làng khai sanh cho đứa bé. Trong khai sanh có ghi: Tên họ đứa nhỏ: Nguyễn Văn Chối. Tên họ người cha: Vô danh. Tên họ người mẹ: Nguyễn Thị Lùn. Bà xin một bản sao về nhà cất kín trong tủ.
          Chối - bà Ba đặt tên nầy ý nhắc nhở một sự chối bỏ của một người cha vô trách nhiệm - lớn lên như thổi, hồn nhiên vui vẻ bên cạnh người mẹ nuôi và bà ngoại Ba. Thỉnh thoảng, Chối có giáp mặt với chị Lùn mà bà ngoại Ba bảo gọi là dì, mà lần nào cũng vậy Chối cũng tỏ ra sợ sệt, nép mình vào mẹ nuôi như trốn tránh. Cho nên chị Lùn muốn nhìn “cháu” cho thoả thuê phải đợi cho “cháu” ngủ yên giấc đứng ngoài nhìn trộm.
          Chối đến tuổi đi học. Hằng ngày mẹ nuôi Chối sắm sửa cho Chối đi học, chị Lùn lén nhìn theo. Tan học Chối về nhà, chị Lùn cũng đứng núp sau cổng nhìn trộm mà lòng chị vui sướng biết bao. Thấm thoát, đến kỳ thi lấy bằng Tiểu học, Chối được bà ngoại Ba đưa cho một bản khai sanh nộp cho trường. Chiều lại về nhà, bà ngoại trông thấy Chối dàu dàu không ăn cơm, Ngoại gọi Chối lên nhà trên bảo: “Con cứ đi học. Ta còn thời gian, khi nào con lớn, con có đủ trí xét đoán, ngoại và con sẽ nói rõ sự việc nầy.”
          Chối đỗ bằng Tú tài, vào học trường Quốc gia Hành chánh. Ra trường Chối được bổ làm phó quận trưởng tại một quận khá xa với tỉnh nhà. Ngày Tết năm ấy, ông phó quận trưởng về quê ăn Tết với bà ngoại Ba, với mẹ nuôi với dì Lùn. Sau lễ cúng Mùng 3, bà ngoại Ba tập hợp mọi người lên nhà trên đứng nghe Bà dạy việc.
          “Con Chối, con đã trưởng thành, hôm nay là ngày mà ngoại trông đợi để nói với con về nguồn gốc của con. Mẹ ruột con là đây, là đứa con rơi mà ngoại đem về nuôi từ thuở mới lọt lòng. Khi mẹ con sanh con, ngoại biết con còn nhỏ dại, sợ con tủi hỗ với bạn bè, nên để con làm con nuôi của má nuôi con đây. Nhưng ngoại không hề cắt đứt tình mẫu tử của con nên ngoại vẫn khai sanh cho con với tên mẹ con.”. Nói đến đây Bà Ba nhìn mọi người. Bà thấy Chối nhìn mẹ rất lâu, đôi mắt đỏ hoe. Còn chị Lùn ôm mặt khóc nức nở. Bà nói tiếp.
          “Hôm nay ngoại hết trách nhiệm với mẹ con, vì con đã nên người, vậy con có nghĩ đem mẹ con về phụng dưỡng không?”. Chối đến bên mẹ, nắm tay mẹ: “Con sẽ đem mẹ về ở với con”. Chị Lùn không dằn được, oà lên khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc như giọt cam lồ làm ấm lòng mọi người. Chối lại thưa: “Vậy mẹ sửa soạn để mai đi về với con”. Cả nhà vui vẻ quây quần xúm lại ăn bữa cơm Mùng Ba ấm cúng.
          Sáng hôm sau, cả nhà dậy sớm chuẩn bị đưa chị Lùn về xum họp với con. Không thấy chị Lùn đâu, mọi người bổ ra đi tìm từ trong nhà ra ngoài vườn, ra đến cả ngoài đường lộ, xuống tận chợ...đều không thấy tâm dạng chị Lùn. Bà Ba phải nhờ người lối xóm cùng đi tìm. Mãi đến trưa người ta mới có được một số chỉ dẫn. Người ta tìm thấy sợi dây niệt đeo lá bùa phù hộ mà bà Ba đeo cho chị Lùn từ nhỏ, sao lại được đặt trên một gò mã có kèm theo một tấm giấy quệt quạt những dòng chữ như sau: “Mình. Tôi đã nói với mình là khi nào Chối nhận tôi là mẹ, tôi sẽ theo mình. Hôm nay tôi theo mình đây”.
          Ngày hôm sau người ta vớt thi thể của chị Lùn nơi một khúc sông mà trước đây có một người chài cá lặn xuống gở lưới chài mắc vào gốc cây, bị chết đuối. Dân làng được sự cho phép của bà Ba Xuân Lan, đem thi hài chị Lùn chôn cạnh ngôi mộ của người chài cá nầy./-

                                                                                    Mặc Nhân TVC

1 comment:

Anonymous said...


Qua hai bài 5 Xu Một Mối tình và Chị Lùn,Mặc Nhân đã cho chúng ta rõ một khía cạnh xã hội mà chúng ta không bao giờ để ý tới hoặc có chăng là liếc nhìn sơ một thoáng rồi quên đi những hình ảnh không muốn thấy,không muốn để tâm tới.Với cái nhìn đầy tinh thương và bác ái,ngòi bút điêu luyện của Mặc Nhân đã làm cho người đọc say mê theo dỏi cốt truyện từ đầu cho đến cuối mà kết cuộc không ngờ được,không đoán được.Mong sẽ được đọc tiếp .
BLG