Tuesday, February 24, 2015

Đem Theo, Ngày Xa Xứ



_____________

Trần Bang Thạch


Có một sự kiện hầu như bất di bất dịch từ nhiều năm nay: hai cây mai trước nhà nở đầy bông vào hạ tuần tháng Tư Tây mỗi năm. Dù bà Thuận có bón phân, tỉa cành, lặt lá… có săn sóc thế nào đi nữa hai cây mai vẫn không nở rộ đúng vào dịp Tết Âm lịch mỗi năm như cây mai mẹ ở sân nhà thuở trước. Cũng là mấy cái hột từ cây mai ở quê nhà vậy mà nó cứ một mực nở trái mùa. Chắc mai cũng mang thân phận của người xa xứ, gởi thân nơi xứ người cho nên phải ít nhiều uốn nắn cách sống của mình cho phù hợp với hoàn cảnh xung quanh. Hay mai nở muộn để nhắc một ngày ngang trái nào đó đáng nhớ trong đời của ông bà chủ của mình? Mỗi lần nhìn hoa nở như hai trái cầu vàng bên ngoài khung cửa sổ trước nhà, các đóa hoa sáu cánh hai từng vàng nghệ nhắc ông bà Thuận là ngày 30 tháng Tư lại sắp trở về. Không phải ông bà Thuận quên cái ngày này; ông bà nhớ lắm chớ, nhiều khi nhớ bất chợt, nhớ bất cứ vào ngày nào, tháng nào khi có một sự kiện nào đó liên quan tới ngày đau buồn này. Chẳng hạn như khi nhớ chuyện thằng con lớn ra biển rồi biệt tích hay như chuyện giỗ quãy mấy người bạn tù… là cái ngày 30 tháng Tư bất chợt hiện ra . Nhiều khi nghĩ tới cha mẹ, anh em… ông bà Thuận cũng lại nhớ tới ngày 30 tháng Tư. Thật là trớ trêu khi cái hận của một ngày đen tối luồn lách vào nỗi nhớ và nỗi buồn của người ta. Như hạt cát chui vào chiếc giầy, thật là khó chịu. Không có ngày oan nghiệt 30 tháng Tư thì đâu có các thảm cảnh này. Màu vàng của các hoa mai như hồi chuông gióng lên mỗi năm một lần trong trí nhớ ông bà Thuận.


Không phải chỉ hai cây mai nhắc ông bà Thuận ngày này. Từ cả tuần nay, các đài phát thanh và truyền hình Việt ngữ không ngớt nói về ngày 30 tháng Tư. Gặp các nhân vật thường hay sinh hoạt cộng đồng cũng nghe nói về các buổi hội họp, hội thảo, mết-tinh…nhân ngày kỷ niệm sắp đến. Những năm cuối thập niên bảy mươi và kéo dài cho tới đầu thập niên tám mươi, cái điệp khúc nghe hoài: “Hôm nay mình tụ họp ở đây, hẹn năm sau chúng ta cùng gặp nhau ở Sài Gòn, gặp nhau ở Sài Gòn, Sài Gòn, Sài Gòn!” phát ra từ cái micro trên tay các ông cộng đồng trên khán đài các buổi mết-tinh, lúc đầu thì cả một rừng người hưởng ứng, miệng hô to, tay đưa cao nắm đấm; dần dần những năm sau khí thế hình như hơi nguội. Điệp khúc nầy từ hơn chục năm nay có chiều hướng thay đổi, có lẽ vì “đường đi sao quá xa”. Người ta vẫn có những buổi hội họp mỗi năm. Hội họp lớn thì cả ngàn người với cờ xí, biểu ngữ trống kèn, ca hát; các bài diễn văn mỗi năm hình như có ít hơn, ngắn hơn và vắng bớt những kêu gào của thập niên đầu, thay vào là những đòi hỏi tự do nhân quyền, tự do tôn giáo… Và hình như những buổi tổ chức nếu muốn có thật đông người tham dự thì có lẽ phải có đông ca sĩ nổi tiếng từ thủ đô tị nạn Cali. Ca nhạc, xổ số…nhiều năm có cả múa lân rình rang. Trước kia đâu có truyền thanh hay truyền hình Việt ngữ để đọc thông báo, thơ mời, nhưng qua truyền miệng hay qua vài tờ báo Việt ngữ địa phương, dù cho không có lấy một ca sĩ nổi danh, người ta nô nức chờ và tham dự rất đông. Bây giờ các thông báo, thơ mời, hội thoại liên quan tới ngày 30 tháng Tư nghe hoài hằng bữa trên các đài. Có lẽ người ta nghĩ càng  có nhiều người tham dự thì buổi tổ chức ngày quốc hận càng thành công và càng thêm ý nghĩa chăng? Hay cái hận này trong một số người đã mõi mệt, cần thêm những lều thuốc để lên giây cót? Nếu vậy thì quả là không thể được. Niềm đau thấu trời xanh thì trăm năm vẫn còn; còn trong trí nhớ thì cũng vẫn còn đau.

Dầu gì thì cũng nên gặp nhau để nhắc nhớ một ngày đau buồn. Những buổi gặp gỡ nhỏ thì năm bảy chục, hay trăm ngoài. Người ta ngồi lại để cùng nhau kể chuyện, như chuyện giờ thứ 25 của Sài Gòn, hay chuyện vượt biên, rồi chuyện thành đạt của thế hệ thứ nhất, thứ một rưỡi, thứ hai…của cộng đồng mình nơi xứ này. Nếu có chen đôi chút chánh trị thì nói chuyện càng ngày càng có thêm các chánh quyền địa phương chấp nhận cờ vàng là lá cờ của cộng đồng tị nạn Việt Nam, hay chuyện các nhà tranh đấu cho quyền làm người ở Việt Nam đang sinh sống trong nước hay tại hải ngoại. Những chuyện nho nhỏ như vậy cũng đủ cho người ta sống những giờ phút buồn, vui trong ngày đáng nhớ của mỗi người tị nạn.

Sống nhiều năm tại hải ngoại, sau những năm tháng vất vả tạo dựng một nếp sống ổn định trên đất mới cho cả gia đình, ngày 30 tháng Tư vẫn còn đó nhưng có lẽ người ta càng ngày càng muốn biết những bí ẩn đằng sau cái chết tức tưởi của một chánh quyền đang lần lần được hé mở từ những hồ sơ đang được giải mật, từ những bài nghiên cứu, những trang hồi ký hay từ những nhân vật có thẩm quyền thời đó. Người ta cũng nhìn ngày 30 tháng Tư qua những bước đi càng ngày càng vững vàng của lớp con cháu trong dòng sống của đất nước tạm dung này. Nhớ hồi năm ngoái, tại một trung tâm sinh hoạt người cao niên một cựu tướng lãnh vùng 4 đã làm cho nhiều người rơi lệ khi nhắc tới ngày giờ cuối cùng của một quân đoàn thiện chiến Miền Tây. Súng đạn, lính tráng còn đủ, kế hoạch hành quân sẵn sàng nhưng cuối cùng thì cấp chỉ huy người tự sát, người vào tù, dân, quân tứ tán, nhà tan, cửa nát.

Hôm qua một bạn văn ở Melbourne, gởi qua email một bài thơ nhân ngày mà anh gọi là ngày nước mắt, nhà tan. Anh còn mở ngoặt, đóng ngoặt nói thêm: “mắt chớ hổng phải  mất, đất nước này còn giành lại sao mà mất được”. Điều nầy chắc có nhiều người cho là chí lý! Từ hồi nào tới giờ ôngThuận và một số bạn đâu có dễ dàng chấp nhận cái từ “mất nước” này. Dù có đúng đi nữa thì cũng không lòng dạ nào mà chấp nhận. Bị Tàu cai trị cả ngàn năm, xài cả chữ viết của họ, rồi bị đô hộ hết Nhật đến Tây cả trăm năm, nước mình cũng đâu có mất. Nước mình còn ràng ràng ra đó mà. Hồn thiêng sông núi vẫn chập chờn trên Hồng Lĩnh, Thất Sơn. Anh linh tiền nhân, khí phách anh hùng, liệt nữ vẫn trải dài trên sông Hồng, sông Cửu. Vẫn một dãy giang san gấm vóc hình chữ S bên bờ biển Đông. Mất là mất cái chánh quyền tự do dân chủ miền nam, khiến cho người dân miền nam cũng mất luôn tất cả những quyền căn bản của con người. Người ta chỉ tạm thời chiếm đoạt được cái ghế ngồi trong căn nhà quyền lực mà thôi. Họ ngồi đó mà thấy cửa nhà dần dần mục nát, người bỏ nhà đi tứ tán,  người còn lại thì lòng bất an, tâm bất phục, sống với hy vọng đổi đời. Kẻ chiếm quyền chủ nhà ngồi trên cái ghế một chân thì làm sao mà bền cho được.

Gia đình ông bà Thuận cũng là người từ căn nhà bị chiếm đoạt ấy mà ra đi. Không đi quá sớm như nhiều người lên máy bay hay lên mẫu hạm, cũng không quá trễ như hàng trăm hàng ngàn cựu tù nhân chánh trị, nhưng thời gian gần ba mươi năm đủ để ông bà Thuận nhận biết những mất, những được và những còn trong gia đình ông bà.

Nhớ ngày chuẩn bị ra đi, ông Thuận tìm những khai sanh, hôn thú, bằng cấp đủ cỡ đủ hạng, và đào bới từ cháy nhà, góc bếp chứng chỉ tại ngũ, chứng minh thư, giấy khen, huân chương, quân hàm. Tất cả bỏ vào một túi ny-lông rồi ép kín miệng lại. Ông hy vọng những thứ này sẽ rất hữu ích nếu ông có may mắn vào một đất nước tự do, nhất là vào được nước Mỹ, một đồng minh cũ của nước ông. Vô hình chung ông gói niềm hy vọng lớn vào một cái túi nhỏ chỉ bằng bàn tay. Vậy mà từ khi trải qua nhiều cuộc phỏng vấn ở trại tị nạn cho đến khi đặt chân lên nước Mỹ và khi làm thủ tục thi quốc tịch, ông bà Thuận chưa khi nào buộc phải xuất trình những thứ giấy tờ cá nhân này. Nhiều khi ông Thuận tự hỏi không biết người ta nghe nhưng có tin lời mình hay không: ông muốn xòe tờ giấy trước mặt họ để chứng tỏ mình khai thật. Ông điền đơn thế nào thì người ta biết lý lịch mình như vậy. Kể cả cái Chứng chỉ tại ngũ hay hai cái bằng cấp đại học ông cũng không cần trưng ra, làm như CIA đã nắm hết lý lịch và hồ sơ cá nhân của ông không bằng! Lâu dần ông mới biết người ta mướn ông và giữ chân ông lâu hay mau là do khả năng thật sự của ông. Bây giờ sắp hưu trí, nghĩ lại gần 30 năm làm việc cho một công ty duy nhất quả là một thời gian dài, nghĩ tới mà giựt mình. Các đồng nghiệp trong sở ai nghe qua cái thâm niên này cũng thè lưỡi thán phục. Có người trầm trồ: Làm một công việc mỗi ngày trong suốt ba mươi năm, quả là superman! Có gì lạ đâu: lạc nghiệp để được an cư mà; dại gì làm cái con job hopper như nhiều người khác, nhảy hoài cũng có ngày lọi tay, què cẵng, có khi còn là homeless chớ chẳng phải chơi! Ăn chắc mặc bền mà hay. Đoạn đường dài đi làm mỗi ngày ông Thuận đã chứng kiến nhiều thay đổi trong một thành phố đổi thay từng giờ, từng phút. Ông cũng thấy tâm trạng mình cũng có nhiều đổi thay. Người Mỹ chia loại nhân viên thành white collars và blue collars. Không phải là điều dễ dàng khi ông Thuận vốn là một cổ trắng từ bên nhà đang trở thành một cổ xanh tại hãng xưởng này. Sa vào hoàn cảnh này, tư tưởng ông Thuận chạy nhảy lung tung lắm. Mặc cảm nầy nọ cũng không thiếu. Chữ nghĩa, quyền lực ngày nào của ông chạy đi đâu hết rồi. Xếp của ông bây giờ là những con người cục cằn, thô lỗ, dốt nát đó sao? Ta ơi, hãy nuốt vào, nuốt vào đi, nuốt vào đi ta những hào quang cũ, nuốt vào đi ta những chén đắng nghẹn ngào này. Ông Thuận đã thật lực cố hết sức mình để đôi tay, đôi chân thành thạo với cái bù lon, đinh ốc, với máy móc, búa kềm. Tâm trạng của ông cũng phải uốn cho nó đi song song nhuần nhuyễn với đôi tay đôi chân. Những năm đầu, ông Thuận đã đem theo ông con người Việt Nam Cổ Trắng để đặt vào giữa trung tâm của thế giới Mỹ Mễ Cổ Xanh, và phải làm như họ; nhiều khi ông muốn tập nói như họ, có khi tập nghĩ như họ để gọi là hòa đồng cho dễ làm lụng với nhau. Uốn nắn tay chân thì cố gắng vài tuần hay một tháng cũng làm được; vã lại công việc cũng không nặng nhọc gì so với việc đào kinh đắp đê trên cánh đồng xã nghĩa sau tháng Tư đen; nhưng tập cách nói, cách nghĩ như họ thì quả là khó. May mắn cho ông, cái khó này chưa làm được thì ông nhận rằng có lẽ không cần thiết khi ông đã chân cứng, đá mềm với công việc quen tay hàng ngày. Ông lao động còn hơn bao nhiêu đồng nghiệp khác nhờ ông siêng năng, chịu khó, tháo vát và làm việc có sáng kiến. Mấy đợt sa thải cộng chung cả mấy trăm mà ông Thuận đã không hề hấn gì mà lại còn leo lên từng bậc thang nghề nghiệp. Nhiều ông xếp cũng lần lượt ra đi, bây giờ nếu muốn kể lại tên của họ, ông Thuận cũng không nhớ hết. Gần ba mươi năm bộ mặt của công ty và cả cái tên công ty đã đổi thay mấy lần, ông Thuận vẫn vừa là cái bánh xe trong cổ máy, vừa là người đứng nhìn các bánh xe đang lăn. Ông Thuận cũng lần lần hiểu rằng nhờ tay nghề của một cổ xanh mà ông còn được giữ lại và có lẽ nhờ không ăn nói tục tằng trây trúa mà ông giữ được một chút con người cổ trắng của mình. Rõ ràng là mình nên học cái tốt mà không học cái thói quen xấu. Vừa giữ được nồi cơm, vừa giữ được cái vốn quí nhân cách trong con người của mình.

Nước mắt, nhà tan. Phải. Đêm từ biệt cha mẹ và anh em ra đi, nước mắt của những người ở lại đã đi theo gia đình ông mấy chục năm nay, nước mắt của ông một phần đã để lại bến sông quê nhà, một phần ông đã mang theo cho tới bây giờ. Có một cái ông Thuận đã mang theo cho đến nay đã gần hết cuộc đời, không phải cái túi ny-lông đựng bằng cấp, đựng quân hàm, mà đó là nhân cách của một người tị nạn chánh trị Việt Nam. Điều này lúc ra đi ông Thuận không hề nghĩ tới, vậy mà hôm nay nó là vật tùy thân quí giá. Nó làm cho ông dù không ngẫng cao đầu nhưng chưa phải cúi gằm trước mọi người. May là ông không đánh mất trong dòng đời xuôi ngược tại xứ người.
              
Còn bà Thuận thì đơn giản hơn ông. Ngày ra đi bà không có gì nhiều để mang theo. Ngoài con người nội trợ đảm đang có sẵn từ thời con gái đến người vợ rồi người mẹ hết dạ lo cho chồng con, ngoài những vật dụng, áo quần cần thiết cho cả nhà, bà Thuận đem theo mấy hột giống rau cỏ, hoa trái từ vườn nhà. Hột ổi, hột cam, hột ngò gai, hột quế, hột bầu, hột bí…đặc biệt là mấy hột mai sáu cánh, hai từng. Mấy hột mai nầy bà cất giữ từ cây mai ông Thuận đã trồng trước sân nhà để kỷ niệm cái tết đầu tiên của vợ khi về làm dâu nhà chồng. Đặt chân tới Mỹ, sau vài tháng ổn định, bà Thuận đã đi làm ngay cho một cửa hàng bán thực phẩm. Vốn là người siêng năng, tháo vát bà Thuận không thấy khó khăn gì đối với công việc buôn bán hàng ngày. Bà cũng không có cái mặc cảm cổ xanh, cổ trắng gì như ông chồng nên bà như người bơi xuồng, cứ cho xuồng ra giữa dòng rồi bơi, nước trong, nước đục, nước lớn nước ròng gì bà cũng đâu có quan tâm; miễn sao mỗi chiều về nhà bà nấu một bữa cơm ngon để cả nhà ngồi ăn, vừa nghe chuyện chồng con, vừa nhìn hạnh phúc của mình trong căn nhà nhỏ. Về sau, những bữa ăn không đủ mặt các con, có đứa này thì vắng đứa kia, nhưng những thành tích học tập và tánh tình của các con cũng đã phần nào làm cho hạnh phúc gia đình bà vẫn luôn có mặt.

Không biết có phải vì lúc ra đi bà Thuận đã vô tình đem theo một nội tướng tài ba trung thành, hắn tiềm ẩn  trong cái dáng vấp nhỏ nhắn của bà mà gia đình vợ chồng bà từ lâu đã thành một tổ ấm giữa xứ người, có ngăn có nắp, có trên có dưới, có tình có nghĩa, có thành có đạt. Cũng có thể là do cái khuôn mẫu của một gia đình nề nếp đã theo ông bà Thuận vượt biên tới đây.

Nói gì thì nói, ngoài con người nội tướng của vợ mà ông đã biết từ lâu, ông Thuận phục sát đất bà vợ của mình đã rất “hiện thực chủ nghĩa” khi bước xuống ghe đem theo gói hột giống. Chỉ một gói giấy nhỏ nằm gọn trong túi áo bà ba mà từ nhiều năm nay khu vườn rau trái sau nhà luôn luôn có mặt, để cả nhà nhìn nó như nhìn một góc sân quê nhà, để có hoài hương vị vườn nhà trong các bữa ăn. Đặc biệt là hai cây mai hai từng, sáu cánh trổ bông vàng nghệ vào khoảng cuối tháng Tư hàng năm. Rõ ràng, ngoài bao nhiêu thứ khác, người vợ yêu quí của ông vào phút cuối đã đem theo kỷ niệm của vợ chồng ông. Bốn mươi năm trước, người rễ mới đã âu yếm trồng cây mai tặng cô dâu mới để kỷ niệm ngày bắt đầu của một hạnh phúc. Vợ ông thích loại mai nầy khi ông bà chưa cưới nhau. Bông mai có hai từng như cái bông sen, mỗi từng 6 cánh; từng dưới nâng đỡ từng trên như chồng nâng đỡ vợ, cho nên mai được đặt tên là mai phu thê. Một lần, nhìn mai, ông Thuận nói với vợ: Chúng ta phải có một lố con như 12 cánh mai vàng hực nầy!Bây giờ, bốn mươi năm sau, một cây mai mẹ ở quê nhà nay đã thành hai cây mai lưu vong đầy bông vàng nghệ, vẫn 6 cánh dưới mạnh mẽ nâng 6 cánh trên. 12 cánh mai như đàn con 12 đứ chạy lúo súp dưới chân cha mẹ. Phải chăng đó là hạnh phúc đã nhân đôi, nghĩa phu thê đã chói lòa hào quang rực rỡ? Ở chân trời góc biển nào thì kỷ niệm vẫn đi theo, hạnh phúc vẫn có mặt khi người ta biết trân quý, giữ gìn nó.

Hàng năm mỗi lần Tết đến, ông bà Thuận ước chi hai cây mai nở đầy trước mắt như ngày xưa ở quê nhà hai người nhìn mai đón Tết, nhìn mai rồi kín đáo nhìn nhau để nhớ cái thuở ban đầu. Nhớ trọn vẹn. Vui trọn vẹn. Nhiều năm nay ông bà Thuận cũng có dịp nhìn mai nở rộ trái mùa mỗi năm để nhớ ngày cưới của mình và sống với kỷ niệm. Nhưng thật là lạ lùng,  đâu có ai bỏ túi hay lộn lưng ngày Tháng Tư Đen oan nghiệt, đáng ghét ấy, cớ sao nó cứ đi theo bước chân hai người để chen vào các đóa hoa mai kỷ niệm của vợ chồng, để hai người vừa sống với kỷ niệm riêng, vừa nhớ, vừa đau nỗi đau chung của dân tộc.

Lịch sử thật là oái oăm sanh làm chi cái ngày Tháng Tư Đen để nước mắt, nhà tan; lại còn khiến cho cây mai dù đã lưu vong vẫn phải ép bụng nở hoa trái mùa! Thương cho hoa mà cũng thương cho mình!

Trần Bang Thạch


7 comments:

Anonymous said...

Thương cho hai cội Mai Vàng
Xớt chia tâm sự nặng mang chúng mình
Tháng Tư đất nước điêu linh
Nhà tan,Nước mất; nhân sinh đọa đày

tp

Anonymous said...

Cám ơn chú Trần Bang Thạch. Từ lâu nay cháu vẫn luôn dùng sai chữ, nghĩ sai lạc về ngày 40 tháng tư. Chú dạy rất đúng trải qua hơn ngàn năm bị đô hộ từ giặc Tàu, giặc Tây, giặc Nhật mà nước ta có mất đâu? Ngày 40 tháng tư đúng là ngày" nước mắt"cho tất cả mọi người dân Việt ở trong hay ở ngoài Việt Nam.
Mai vàng nở muộn sai ngày
Nhà tan nước mắt có ai không buồn
Trời buồn nhỏ giọt mưa tuôn
Mai buồn nở muộn luôn luôn trái ngày
Lanh Nguyễn

Anonymous said...

SĐ rảnh chạy đi đổi cái kiếng trước khi xuống L.A nghen.Nếu vận nước phải điêu linh đúng vào ngày 40 Tháng Tư thì tụi mình không có ở đây, Hoàng Trang Chủ cũng không có lập ra Tha Hương Sơn Trang tuyệt cú mèo nầy. Haha ... ghẹo SĐ chút chơi, ai biểu thức chi sớm dữ vậy! YT

Anonymous said...

Tại đệ nôn gặp mặt SH, SĐ cóc con và 2 vị tiểu sư muội nên đâu có ngủ được . TĐ

Anonymous said...

Tiểu đệ sáng sớm lấy lộn kiếng của hiền thê mình nên xem số 4 thành ra số 3 . Thành thất xin lỗi tất cả mọi người về sự sai xót nầy
Lanh Nguyễn

Anonymous said...


LN hỏi bà xã mua kiếng nầy ở đâu chỉ cho tôi mua đi!!!!
BLG

Anonymous said...

Dạ ! Hai cặp kiếng lão đều mua ở Walgreens rất giống nhau, chỉ khác độ mà thôi. Nếu sư bá mẫu có cặp kiếng cùng độ với sư bá thì không dùng chiêu thức đó được đâu.
Rất tiếc ngày mai không gặp được sư bá, hẹn dịp nào đó sang xứ Canada thăm gia đình sư bá.
Đệ Tử