Tuesday, April 21, 2015

Biển, sóng xô

____________
Nguồn Sáng Tạo

Hồ Đình Nghiêm


suy_tu_tren_ghenh_da


Du Tử Lê có làm bài thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”. Đọc, tôi nghĩ tác giả sang tới Mỹ “êm re” chứ không nương thân lưu đày dưới hai chữ Boat People. Bởi, đã lỡ mang phận thuyền nhân, tâm lý bình thường của đứa ấy vẫn xem biển là một ám ảnh khôn nguôi. Bên dưới mạn thuyền mong manh là cả một địa ngục lung linh trôi dài theo từng hải lý. Nhìn xuống vẫn thoáng gặp Diêm vương hoan hỉ bày dạ tiệc đón đợi bèo dạt hoa trôi. Từng chứng nghiệm cái độ mỏng tang ngăn chia sinh tử nọ, nó bước chân lên được đất liền, một liều ba bảy cũng liều, dẫu chết nó cũng không dại gì về ngắm lại cảnh cũ người xưa. Ớn tận cổ.



“Đời lưu vong không cả một ngôi mồ”. Bi thảm quá. Tham sân si quá. Xin hãy đơn giản hoá, tựa như chữ Chết anh gôm tẩy đi chữ C, anh còn lại chữ hết. Chết và hết cũng một nghĩa như nhau. Nhắm mắt lại, xuôi tay, ôi trần gian này có còn gì nữa đâu? Còn chăng là tiếng sóng vẫn âm vọng một phản hồi.

Trung Tá Nguyễn Văn Phán, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Ó Biển Thuỷ Quân Lục Chiến vì bài thơ của người chiến hữu xa xăm kia, đã viết xuống một “độ rung” khác, một “tần số liên lạc” khác:

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Lao Bảo Khe Sanh
Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
Ôi! Lính chiến một thời kiêu hãnh quá

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Ben-hét Đắc-tô
Nơi bạn bè tôi xây mộng sông hồ
Nguyện trấn giữ dãy Trường sơn yêu quý

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Bình Giả chiến khu Đ
Cho hồn tôi siêu thoát với lời thề
Thân chiến sĩ nguyện xin đền nợ nước

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Cái Nước Đầm Dơi
Đêm U Minh nghe tiếng thét vang trời
Mừng chiến thắng để dâng về Tổ quốc

Khi tôi chết đừng đưa tôi ra biển
Trả tôi về với dân tộc Việt Nam
Gói thân tôi ba sọc đỏ màu vàng
Xin liệm kín với hồn thiêng sông núi.

Lịch sử sang trang với biết bao hoài niệm. Khi nỗi đau chạm đáy người ta bất lực một tỏ bày, chỉ biết thở dài loay hoay với hai chữ bể dâu. Lật qua trang mới, thứ chương hồi kia vẫn leo lét ngọn đèn dầu cháy đỏ tựa thắp nơi miếu vợ chàng Trương đầy oan trái. Điển tích kia cũng chẳng cần nhắc lại bởi tự thân mỗi gia đình người Giao chỉ chúng ta luôn tàng trữ riêng một bất hạnh khu biệt. Một tâm sự đắng lòng mà sóng nước Tiền đường không chắc đã rửa trôi.

Sóng sau xô sóng trước, theo Du Tử Lê lưu vong, tiếp Nguyễn Văn Phán hải ngoại, mới đây nhà thơ Đỗ Trung Quân ở trong nước vừa post lên Facebook bài thơ làm năm 2011 dưới tựa “Không Phải Thơ, Chỉ Là Nghĩ”:

Khi tôi chết đừng đem tôi ra biển
biển của thằng khốn nào
có phải biển mình đâu

khi tôi chết đừng đem tôi ra biển
gặp tiền nhân
đau biết mấy là đau

bạn bè đấy
anh em mình đấy
mấy nghìn đêm gầm trên sóng bạc đầu

khi tôi chết đừng đem tôi ra biển
mặt mũi nào nhìn lại những anh linh
thôi
cúi xuống
ngón chân mình
mà đếm
thà làm ma-trơi-đom-đóm
một mình…

khi tôi chết đừng đem tôi ra biển
biển của thằng khốn nào
có phải biển mình đâu
khi tôi chết hãy bỏ tôi lỗ cống
cống dù sao
cũng bởi
tự mình đào.

Biển qua từng cái nhìn, sự cảm nhận về nó của mỗi cá nhân có khác biệt. Nó xô vào lòng người mực thuỷ triều chẳng đồng nhất mức nông sâu. Biển, chỉ tính riêng khung cảnh, cái bờ bãi Thuận An mà cố nhà văn Cao Xuân Huy đưa vào trong “Tháng Ba Gãy Súng” tháng 3 năm 1975 thì xác chết vương vãi đó đây không dưới 500 đánh đổi cho sự rút quân đầy hỗn loạn. Biển của thời điểm 1977 đến 1980 sản sinh ra câu “thần chú”: Một là chết nuôi cá, hai là sống nuôi má, ba là má nuôi con. Ngọn hải đăng trong cụm chữ ngắn này là điệp khúc Nuôi. Và theo ước tính của Cao Uỷ Đặc Trách Người Tị Nạn LHQ cho hay, có không dưới nửa triệu người Việt đã…“Nuôi Cá”.

Và biển của Gạc Ma, của Hoàng Sa Trường Sa, của 2014. Có bao nhiêu cái chết của thuỷ thủ lẫn ngư dân Việt bị người “đồng chí” Trung Quốc tiếp tục giết?

Khi tôi chết, ừ thì hãy mang tôi ra biển. Cho tôi hoá thân làm cọc nhọn như Bạch Đằng năm xưa. Câu thơ nên viết xuống sử thi giờ này: Nước Việt có ai còn là con cháu của Hưng Đạo Vương, Trần Bình Trọng? Hay chỉ toàn một bọn lấm lét chỉ biết cúi đầu?

Biển ơi, chào mi. Hay Bonjour Tristesse?

Hồ Đình Nghiêm



No comments: