Saturday, November 14, 2020

Về Đâu Chiếc Bắc Ngày Xưa

 ______________________

Về đâu chiếc Bắc ngày xưa?!

Đoàn  xuân thu

ve-dau-chiec-bac-ngay-xua-1
Bảo Huân

Thuở xưa Trấn Di, tức Cần Thơ, thuộc tỉnh Vĩnh Long, một trong Lục tỉnh Nam Kỳ, bên kia bờ sông Hậu, hãy còn nê địa sình lầy. Từ Miệt Trên xuống, muốn qua bên đó, vượt sông bằng ghe bầu, ghe chài hay từ những bến đò ngang vắng vẻ ở miệt Trà Ôn, Cái Vồn, Tân Quới, Tân Lược.

Nhà văn Sơn Nam đã làm thơ: “Trong khói sóng mênh mông . Có bóng người vô danh. Từ bên này sông Tiền. Qua bên kia sông Hậu. Mang theo chiếc độc huyền. Ðiệu thơ Lục Vân Tiên…” Tui e rằng ông bà mình từ Miệt Trên xuống Miệt Dưới khẩn hoang, mở đất mà chỉ mang theo đờn độc huyền để nói thơ Lục Vân Tiên, trong túi lại hổng có tiền, thì muốn qua sông chắc phải xin ‘quá giang’ (chùa) quá ta?!

ve-dau-chiec-bac-ngay-xua-2Rồi Tây cho phóng lộ trải đá, từ Sài Gòn đi Cần Thơ, Rạch Giá vào năm 1915.  Khoảng năm 1918, chiếc Bắc (Bac, tiếng Pháp, nghĩa là đò ngang) đầu tiên, nối những bờ xa, chỉ đơn sơ, bé mọn trên dòng sông mênh mông, vàng quạch phù sa như màu của chè sương sa mình ăn hồi nhỏ vậy! Bắc Cần Thơ ngang sông Hậu dài 1,840m, trong đó, phía Cần Thơ, cầu Bắc tại Cái Khế, phía Vĩnh Long, cầu Bắc tại Cái Vồn, quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Chiếc Bắc đầu tiên ấy nhỏ xíu, chỉ có một đầu, chở được vài chục người với chiếc xe mui rùa của quan Tây mũi lõ. Chạy bằng máy hơi nước, có nồi súp de, chụm bằng những cây tràm to cỡ cườm chân. (Hồi đó, tướng Hòa Hảo, Trần Văn Soái (1889-1961) biệt danh là Năm Lửa, vì chuyên môn chụm lửa).

Mỗi lần Bắc cặp bến, từng chiếc xe xuống ponton (phao nổi), bốn nhân viên dùng tay quay bàn cầu, có hình chữ thập, sao cho đúng vị trí mỏ Bắc để xe de xuống. Lúc cặp phía bên kia, xe chạy thẳng lên bờ mà khỏi phải quay đầu.

Tài công của chiếc Bắc ngồi trong buồng lái trên cao cho dễ quan sát thuyền bè qua lại hay lúc cặp vào bờ. Còn thợ máy phải làm việc dưới hầm tối om om để chạy máy. Mỗi lần nghe tài công giựt dây, chuông kêu leng keng, thì căn theo tiếng kẻng, thợ máy nắm cây ‘cần’ giảm tốc độ để Bắc từ từ ráp vào gờ phao nổi.

ve-dau-chiec-bac-ngay-xua-3Năm 1946, Bắc Cần Thơ chỉ có 6 chiếc loại nhỏ, mui trần, mỗi chiếc chở được hai chiếc xe đò. Trên mỗi chiếc Bắc thường có 6 nhân viên phục vụ, thời gian Bắc chạy chỉ từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm mỗi ngày. Dần dần, máy hơi nước cổ lỗ sĩ được thay bằng máy chạy dầu diesel. Mãi đến những năm đầu thập niên 1960, mới có Bắc 25 tấn, 30 tấn, ghé được hai đầu, cuối cùng thêm được bảy chiếc 100 tấn chở được nhiều hơn, tới cả chục chiếc xe lớn nhỏ, và cả hàng trăm hành khách qua sông một lần. Việc đi lại, qua sông thì phải lụy đò của người đồng bằng đã bớt nhiêu khê.

Từ năm 1965 trở đi, chiến sự trở nên ác liệt, Cần Thơ thành Tây Ðô, thủ phủ của vùng Châu thổ Ðồng bằng sông Cửu Long, nơi đặt bản doanh của Quân đoàn 4 và Quân khu 4. Xe quân vận ngày nào cũng ào ạt, chuyển quân hay tiếp tế đạn dược ra chiến trường nên Cần Thơ có thêm vài chiếc Bắc chỉ dành riêng cho quân đội.

Sau 75, những chiếc Bắc ngày xưa giờ máy móc dần cũ kỹ, không có phụ tùng thay thế, đèn đuốc không đủ, dầu nhớt cũng không, xăng dầu khan hiếm phải nằm ụ. Chiếc nào còn lết lết được thì mùa nước đổ nước sông chảy xiết dữ dằn, có lúc vượt sông phải mất tới cả tiếng đồng hồ. Một tài công, sau 75 còn được lưu dung, (‘dung’ chớ hổng phải ‘dụng’ nhe thầy cò) than thở nghe thấy thương luôn: Lần nọ, Bắc chỉ còn cách bến 50m thôi mà cứ loay hoay hoài, lên ga miết rồi mà nó vẫn ì ạch không cập bến được. Buộc lòng phải chạy sát vào bờ, nơi nước ít chảy. Cập bến được mất cả nửa tiếng đồng hồ, hành khách liếc nửa con mắt nhìn lên ‘cabin’, lầm bầm: “Tài công khùng!” Ngay cả cồn cát do phù sa bồi lắng, nổi lên cạnh bến cũ phía Cần Thơ cũng thiếu phương tiện nạo vét. Mỗi lần nước ròng, Bắc phải chạy né, vòng xa lên bên trên do sợ mắc cạn! Bà con hành khách không thông cảm, lại xì nẹt: “Chạy kiểu gì vậy cha nội!?” “Tài công bị dân chửi như cơm bữa, ngày nào mà hổng nghe chửi bới là về ăn cơm không có ngon! Hu hu!”

ve-dau-chiec-bac-ngay-xua-4Sau 10 năm ngăn sông cấm chợ theo sáng kiến của nhà thơ (Tố Hữu), đầy mộng mơ, lại khoái đi làm kinh tế làm dân ‘kinh đến thế’ Ðáp lại lời khẩn thiết: “Chào ông đi qua, chào bà đi lại!” Ðan Mạch cho hai chiếc Bắc tải trọng tới 200 tấn! Một cho Bắc Mỹ Thuận và một cho Bắc Cần Thơ vào năm 1998 để  ‘bến phà ta’, qua cơn thắt ngặt.  Xưa qua sông mất cả tiếng đồng hồ, giờ chỉ còn 15, 20 phút”

(Chiếc Bắc, tiếng Tây thực dân, bà con Lục tỉnh Nam Kỳ mình quen xài xưa giờ, bị đổi thành ‘Phà’ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? He he!)

Lần nầy một cựu thù, Quân phiệt Nhựt, cho tiền xây cái cầu Cần Thơ dài gần 3 cây số để thay cho cầu Bắc ngày xưa. Tháng Ba, năm 2010, cầu Cần Thơ nối liền đôi bờ sông Hậu đã xây xong. Dân, đa số, là vui mừng vui quá vui, nên xổ tiếng Nhựt là:  “Arigatou gozaimasu” tức ‘méc xi bố cu’ cái thằng Nhựt Bổn.

ve-dau-chiec-bac-ngay-xua-5Trái lại, cũng có người xưa giờ sống nhờ vào cầu Bắc để kiếm cơm hằng ngày lại buồn! “Từ ngày có cầu, tụi tôi đâu biết làm gì ngoài chuyện làm thinh!”

Trong ánh nắng hiu hắt buổi chiều, Bến Bắc Bình Minh, phía Vĩnh Long, khi xưa lúc nào cũng đông nghẹt người và xe, tất bật suốt ngày đêm… thì nay là một xóm nhà heo hút với những hàng quán cũ trôi vào đìu hiu hoang phế! Ôi! Bà con mình đã từng bán cơm dĩa, trà đá, bán cóc, ổi, mía ghim, bắp luộc, vé số… giờ biến mất vào cõi mịt mờ.

Bao nhiêu tình mộng, ‘anh đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua Bến Bắc Cần Thơ’,  ngang qua bến sông này để dạt về Mũi Cà Mau, qua đường sông Ông Ðốc tìm đường vượt biển, giờ cũng đã chìm vào miên viễn!

Tui nhớ em bán bắp luộc: em Ba người Chợ Bà, Tân Lược đã dúi vào tay tui chục bắp còn nóng hổi! “Anh đem theo xuống thuyền cạp đỡ, để đừng bị say sóng… Tới đảo là nhớ tới em nhe!” “Ngày đi, em đưa tui qua đò chiều, em hứa bao điều mãi đợi chờ nhau. Nhưng mà sao em lại quên?”

Em không chờ tui ngày trở lại, mà đi ưng đại cái thằng Hai Gà lôi, chạy xe lôi Bình Minh Tân Lược… “Ðể con đò buồn hiu quạnh bến quê. Chẳng còn ai nhớ mong mình về?”

Thưa xa quê đã lâu, đêm cuối năm, tui nhớ về em Ba Chợ Bà mà tình đã dở dang, tui lại nhớ: “Tới Bắc Cần Thơ rồi, bà con xuống xe đi bộ, qua Bắc”

Tui nhớ em Ba, nhớ nhà, nhớ người chiến hữu thương binh mù đôi mắt, bàn tay mất cả năm ngón, chỉ còn lại cái cánh tay, mà bác sĩ quân y Mỹ nó ráng mổ, chẻ đầu xương ra làm hai để anh có thể gắp vào cái lon sữa bò đựng tiền xin được khi hát rong ngày ngày trên chiếc Bắc qua sông.

“Phà Cần Thơ! Vậy là xong! Chỉ còn con sông! Chiếc phà xưa đã đi vào lịch sử! Không còn phà! Không còn mỏ bàn đò! Không còn cả ponton!/Không còn đèn pha… mù mù tối.Không còn ai bước vội. Cho kịp chuyến phà đêm!

Không còn người nghệ sĩ mù trên chiếc phà năm cũ. Cây đàn ghi ta phím lõm và cái nhịp song lang. Không còn “Xuân nầy con không về.”

Cần Thơ cất cầu nhưng rầu cho chiếc Bắc. Ruột thắt với lòng đau. Cầu Bắc xưa sẽ nằm trong ký ức. Xa xứ về! Chiếc phà cũ giờ đâu?” 

đoàn  xuân thu.

melbourne

 

No comments: