Friday, July 13, 2012

PPS Bao giờ cho tôi quên




                                https://www.box.com/s/a056741b58ba0296af22




Bao giờ cho tôi quên - Ngày xưa Hoàng thị

 
_______________________________________







NVB! Tôi gọi tên em với thật nhiều nhung nhớ, xót xa. Ngục tù CS đã giết chết em . Vĩnh viễn không có lần tôi gặp lại em -NVB- cậu học sinh lớp Đệ Nhất B2 giữ chức vụ Tổng Thư Ký của trường Nguyễn Trung Trực.

.. Năm ấy em vừa mười tám tuổi . Lứa tuổi của tin yêu , của đam mê , của khát vọng . Em hay đến nhà tôi chơi vào những buổi tối . Em ăn mặc cẩn thận như khi đến trường . Vẫn chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay và quần kaki xanh . Nhà tôi có giàn thiên lý sau vườn .Học trò đến nhà đứa nào cũng đòi cô nhắc ghế ra vườn nói chuyện. Học trò mê giàn hoa lý của tôi. Em cũng thế. Em hay ngồi đong đưa trên chiếc xích đu dưới giàn hoa,  em kể chuyện tôi nghe . Tôi biết được nỗi khao khát, niềm mơ ước của em . Ý nghĩ em lớn hơn tuổi đời của em. Kiến thức em rộng  gấp mấy lần bạn bè cùng lớp . Em bảo với tôi em mê quyển "Đôi bạn" của Nhất Linh. Hình ảnh Dũng -nhân vật chính của quyển Đôi Bạn- đã in đậm vào tâm hồn em. Em đọc cho tôi nghe một đoạn văn trong truyện nầy, đoạn tả khung cảnh một buổi chiều cuối năm .. "Dũng dừng chân nơi đồn điền của Độ ăn Tết . Trên ngọn đồi cao , nhìn xuống chân đồi , quang cảnh làng quê nghèo nàn cho Dũng nhiều suy tư đến đời sống cơ cực của đám dân đen" .. Tôi đã đọc thấy và hiểu em . Em không phải chỉ là một học sinh với ước vọng bình thường: học thật chăm để đỗ đạt . Em muốn làm một cái gì đó. Em muốn ngang dọc hải hồ , một đời gió sương cho lý tưởng, như hình ảnh Dũng năm xưa.

Em không còn yên tâm để học hành nữa. Tôi nhắc nhở em. Tôi muốn em phải lấy xong Toàn phần để vào Đại Học , nhưng hình như em không còn để ý đến chuyện đó. Hoạt động xã hội nào cũng có em . Em dẫn học sinh đi Phú Quốc , Hòn Tre , Hà Tiên ủy lạo chiến sĩ . Có lần em mời tôi đi . Tôi ít đi đâu xa nhưng em năn nỉ tôi xiêu lòng . Tôi cùng ba giáo sư và hơn 40 học sinh các cấp lớp đi Hiếu Lễ thăm chiến sĩ . Tôi nhớ hoài đêm lửa trại lần đó . Em say sưa hát. Những bài hát giục giã lên đường. Những bài hát réo gọi lòng yêu nước .Những bài hát căm thù VC tàn sát dân lành . Giọng em thật thiết tha .. "Từ Nam Quan Cà Mau . Từ non cao rừng sâu gặp nhau do non nước xây cầu . Người thanh niên VN quay về với xóm làng . tiếng ca rộn trong lòng . Cùng đi xây Trường Sơn cùng đi xoay Hoành Sơn, cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm " .. Ước mơ của em đó . Lý tưởng của em đó .Em đang đi vào đời . Em đang đi vào đất nước quê hương. Đêm lửa trại tới hơn nửa đêm mới tàn . Mọi người tản mác về lều để ngủ . Trăng khuya nơi thôn quê thơ mộng vô cùng . Dòng kinh lấp lánh , bàng bạc ánh trăng . Em hỏi tôi:
- Cô buồn ngủ chưa cô ? Đêm thôn quê đẹp ghê cô há .
Tôi biết em muốn tôi  thức nói chuyện với em . Tôi gật đầu bảo:
- Chưa bao giờ tôi thấy trăng đẹp như đêm nay . Tôi cũng muốn thức nhìn khung cảnh nầy thêm chút nữa
Tôi và em đi dọc theo bờ kinh .Xa xa tiếng súng ròn tan vang vọng lại . Đêm không còn êm đềm . Đêm không còn bình yên như tôi nghĩ nữa . Tôi nghe em thở dài . Em hỏi tôi :
- Cô nghe tiếng súng cô sợ không cô ?
Tôi khẽ bảo :
- Sợ ghê lắm. Tôi sợ cho những người thân yêu của mình. Ba tôi. Anh tôi. Bạn bè tôi đang ở trong quân đội. Tôi sợ một không may nào đó .. Tôi bỏ lửng câu nói. Em nhìn tôi hỏi thật dễ thương:
- Mai đây em đi . Nghe tiếng súng cô có sợ cho em không ?
Tôi sững sờ. Tôi hỏi thật nhanh:
- Em đi đâu ? Em chưa bị gọi nhập ngũ mà . Em được hoãn dịch vì lý do học vấn mà !
Giọng em trầm xuống:
- Em không còn tâm trí để học nữa .Em tình nguyện đi khóa Thủ Đức tới.

Tôi vẫn còn là một người đàn bà thường tình như bao nhiêu người đàn bà khác . Chỉ mong  cho những  người thân yêu của mình nột đời bình yên.
- Em đừng điên cuồng . Một mình em , em có đem nổi lại hòa bình  cho quê hương không ? Nhỡ em có gì, gia đình em ..
Tôi nghẹn lời . Em tiếp theo
- Vẫn biết là thế. Song cô hiểu cho. Em không còn yên tâm ngồi  bên sách vở nữa . Cô  hiểu vậy không hở cô ?

Tôi nghe lòng chùng xuống. Nỗi buồn mênh mang .Tôi thương tuổi trẻ của em. Tôi thương quê hương khổ đau muôn chiều của mình .Tôi thương tôi nữa . Tôi cũng cóngười yêu đang ở xa .. Đầu óc tôi quay cuồng .. Giờ nầy người đang ở một trận hành quân nào. Một viên đạn vô tình nào đó trong đêm nay. Rồi một sáng sớm, một người lính đến gõ cửa nhà . Tôi mở cửa . Người lính trao cho tôi một tờ điện tín .. Tôi không dám nghĩ tiếp nữa . Yên lặng thật lâu , giọng tôi lạc đi:
- Em cứ đi theo đường em đã chọn .Tôi chỉ biết cầu nguyện mỗi đêm cho an lành đến với em. Bao giờ em sẽ đi ?
- Thưa cô , đầu tháng sau . Cô đừng buồn nghe cô.
Tôi lại sắp xa thêm một người thân nữa . Không buồn làm sao được hở em ? Nước mắt tôi lăn dài . Tôi bảo em:
- Về lều đi em , tôi buồn ngủ rồi đó ..
.. .. .. ..
Rồi em ra đi . Bỏ sách vở , bỏ bạn bè , bỏ trường , bỏ lớp , bỏ thiên đường đuổi hoa bắt bướm với tuổi mười tám của em. Đường em đi đầy gian nan , vất vả . Biết làm sao bây giờ ? Tôi không giữ em được . Mà giữ em là một cái tội , quê hương đang cần những người như em.

Tôi vẫn đến trường , đến lớp mỗi ngày . Từ ngày em đi , lớp Đệ Nhất B2 như im lìm hẳn lại . Các giáo sư đều bảo thế . Tôi thật buồn khi không còn thấy em ôm cặp sách đến trường . Những buổi lễ không còn em lên đọc diễn văn . Hoa lý nhà tôi đã nở hoa thơm ngát khu vườn, song không còn em đến để đòi ra vườn nói chuyện , ngắm hoa . Thật nhớ buổi tối em đến từ giã tôi để sáng mai lên đường . Đêm đó có Phượng. Phượng học A2 . Tôi biết Phượng yêu em và ngược lại em cũng yêu Phượng. Phượng khóc biết bao nhiêu với tôi khi biết em ra đi .Tôi nói cho em nghe . Tôi bảo em "Vì Phượng em ở lại đi". Song em đáp:
- Em yêu Phượng , nhưng Phượng không phải là lý tưởng của em.
Tôi đành thua cuộc . Không có một lý do nào để giữ em lại . Đêm đó, em đòi tôi cho em nghe bài "Giây phút chạnh lòng" của Thế Lữ .Tôi mê bài thơ nầy từ ngày còn là học trò. Song lúc nầy tôi đọc tôi sợ Phượng khóc . Em cứ năn nỉ :
- Em thích cô đọc duy nhứt bài thơ đó . Chiều em một lần đi cô ! Mai em đi xa rồi mà

Và như tôi nghĩ . Phượng đã khóc khi tôi đọc đến giữa bài thơ:

        Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng
Nhìn nhau bình thản lúc ra đi
      Nhưng trong khoảnh khắc ơ thờ ấy
Thấy cả muôn đời hận biệt ly
      Năm năm theo tiếng gọi lên đường
 Tóc lộng tơi bời gió bốn phương
Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại
Để hồn mơ tới bạn quê hương
.. .. .. ..
Em đã đi hơn 3 tháng . Em đang học ở căn cứ Long Bình. Hè năm đó tôi coi thi Tú Tài 1 ở Sài Gòn luôn tiện tôi  đi thăm em . Tôi không quên lời dặn dò của em "Bao giờ cô có đi Sài Gòn cô ghé thăm em với" . Tôi xách cho em một giỏ đồ lung tung đủ thứ sách vở bánh trái . Tôi không quên mang mấy chục bánh ú Kiên Giang cho em . Em vẫn thường hay nói "Bánh ú Kiên giang ngon nhất thế giới cô hé". Buổi sáng hôm đó trời thật đẹp .Trại Long Bình ngày chủ nhật vui như Tết . Các khóa sinh chỉ chờ ngày nầy để gặp người thân . Tôi đảo mắt tìm em song đông quá chẳng thấy em đâu . Còn đang ngơ ngác , em chạy đến bên tôi , em đón tôi vẫn nụ cười dễ thương của ngày nào . Tôi thấy một nỗi sung sướng nào đó trong đôi mắt em . Em nắm tay tôi:
- Cô nhìn em có lạ không ?
Tôi đùa
- Giống lính ghê

Em và tôi cười vang . Em hỏi thăm ríu rít .Tôi không kịp trả lời những câu hỏi của em . Em vui như sáo. Em đang theo mộng hải hồ. Đường xa nhưng tôi biết không bao giờ em mỏi gối . Bao giờ giấc mơ của em nở hoa ?  Cho nụ cười nở trên môi em và em trở về, đến trường , đến lớp như xưa . Tôi nhìn em và tôi muốn nói với em điều đó ..

Thế mà thật mau . Đã đến ngày em ra trường . Em đi thật xa .Sư Đoàn 1 Bộ Binh bây giờ có thêm em . Em xuôi về miền sông Hương núi Ngự . Em đang theo lý tưởng của mình . Em đang hài lòng . Em đang sung sướng . Còn tôi , gia đình em , những người ở lại từng đêm từng ngày với bao lo lắng cho em. Tôi vẫn  khấn nguyện từng đêm "Xin đừng một áng mây nào giăng mắc đường em đi".

Những ngày đầu năm 75, chiến trường khắp nơi bắt đầu sôi động . Tôi sợ nghe tiếng súng trong đêm . Những người thân yêu của tôi giờ nầy đang có mặt ở chiến  trường . Đất nước tôi còn điêu linh cho đến bao giờ ? Ngày nào đến trường cũng nghe các giáo sư không ngớt lo lắng về tình hình chiến cuộc . Kontum di tản . Đà Lạt di tản . Đà Nẵng di tản .. Tinh thần  tôi xuống thật thấp .Tôi thẫn  thờ đến trường đến lớp . Kiên Giang đang tiếp đón một số đồng bào di tản từ các nơi về . Tôi dẫn học trò đi quyên tiền , áo quần , thực phẩm. Thương cho dân tôi biết chừng nào . Chiến tranh không còn ở thôn quê mà bộ mặt chiến tranh đã hiện diện tại thành phố . Nhà nào cũng làm hầm núp, cũng chuẩn bị di tản . Đầu óc tôi hoang mang tột độ . Đi đâu bây giờ ? Non sông khắp nơi đã tan tác hết rồi

Ngày 25 tháng 4 một người bạn của tôi -Huy Trung úy Hải Quân- vừa đi họp ở Cần Thơ về . Huy cho biết tình hình không thể cứu vãn được nữa . Các Quân đoàn đã tan rã. Dân quân các nơi đang ồ ạt di tản . Huy cho biết tàu sẽ đi chiều nay và hỏi tôi có đi không ? Chưa có lần ý nghĩ rời bỏ quê hương đến với tôi . Tôi đã khóc và bảo Huy là tôi không đi . Làm sao đi được khi những người thân của tôi chẳng biết giờ nầy như thế nào ở chiến trường ? Em giờ ở góc biển chân trời nào ? Em có bình an không ? Tôi vẫn hy vọng một phép mầu nào đó ban xuống cho quê hương tôi . Tôi khẩn cầu Thượng Đế , song Ngài ở xa quá . Làm sao Ngài nghe được lời cầu nguyện của tôi ?

Huy từ giã ra về . Đêm đó hỏa tiễn đã  bắt đầu rớt vào thành phố . Tổng Thống Thiệu đã lên đài truyền hình với bài diễn văn thật dài chửi bới Mỹ  bỏ rơi VN và trao quyền cho cụ Trần văn Hương. Tôi theo dõi Radio từng giờ từng phút . Tôi đã khóc theo từng tiếng nghẹn ngào của cụ Hương với Quốc Dân . Cụ nguyện ở lại với quê hương , với đồng bào cho đến giờ phút cuối . Song cụ già quá . Làm sao cụ có thể lèo lái con thuyền quốc gia qua khỏi cơn sóng gió ngả nghiêng nầy ?

Giông tố đã phủ kín quê hương tôi .Tôi vẫn thắp lên một ánh lửa trong đêm đen đầy gió bão .Song định mệnh đã an bài . Một thứ an bài thật oan nghiệt với dân tộc tôi. Cụ Hương đã trao quyền cho Đại Tướng Dương văn Minh . Tôi gục đầu trên chiếc Radio . Nước mắt ràn rụa . Nỗi đau đớn tột cùng trong đời khi nghe Dương văn Minh tuyên bố"Xin anh em bên kia ngưng bắn .Chúng tôi đang chờ đợi anh em để giao chính quyền". Đã hết rồi . Đã hết rồi . Vành khăn sô đã  chít lên đầu dân tộc Việt Nam tôi.

Em trở về Kiên Giang sau ba ngày  Việt Nam thay đổi. Em đến nhà tôi. Nụ cười ngày xưa đã tắt trên môi em. Em nhìn tôi không nói . Muôn ngàn giọt lệ trong mắt em.Tôi thương em làm sao. Tôi thương tôi nữa. Người yêu tôi vẫn chưa về . Người đã nằm xuống hay đã trôi giạt về một bến bờ nào ?

Tôi trở lại trường xưa. Trường lớp thật xa lạ với tôi . Bạn bè tôi một số bỏ quê hương mà đi. Một số trình diện học tập như em. Ngày em đi, em đến từ giã tôi. Em bảo em đi mười ngày em về. Rồi mười ngày qua . Hai mươi ngày qua . Một tháng qua . Hai tháng qua .. Em cũng chưa về . Cho đến  sáu tháng sau tôi  nhận được thư em với địa chỉ thật lạ xa  "Hòm thư L1T3 Long Giao". Em viết mà tôi ngỡ như ai . Em dặn tôi học tập tốt , lao động tốt để xây dựng con người mới trong  chủ nghĩa xã hội . Em xin tôi một ít thuốc uống và muối ăn . Tôi đã hiểu cuộc sống hiện tại của em. Ngậm ngùi , xót xa cho bao  ước mơ của em một sớm một chiều đã gãy vụn . Tôi thương em . Song làm sao tôi chắp lại được cho em niềm mơ ước ngày nào . Định mệnh như những cơn lốc đã xoáy tất cả bình yên của em , của tôi về một phía trời thật xa. Em bị đọa đày trong tù ngục. Tôi đớn đau trong nỗi nhớ không  rời. Người yêu tôi vẫn chưa về . Đầu óc tôi dầy đặc hình ảnh của chàng .

Tôi không đi thăm em nổi dù tôi biết em mong đợi vô cùng. Nhưng rồi không bao giờ có lần tôi đi thăm em nữa . Một buổi sáng  .Tôi đang ở trường, đứa em gái của em đến lớp tôi. Tôi thấy nước mắt cô bé dầm dề. Thấy tôi  cô bé nắm lấy tay tôi òa lên khóc "Anh B chết rồi cô". Tôi không tin điều đó. Không bao giờ có chuyện đó. Tôi nắm chặt vai bé Thương "Em nói cái gì". Như có tiếng B vang vang bên tai tôi: "Mẹ em đã lên thăm em cách đây một tuần. Đến nơi không gặp được em. Ban Quản trại trao cho Mẹ em một chiếc mùng, mấy hộp lon Guigoz , một bàn chải đánh răng , một đôi dép và một vài lá thư của gia đình gửi cho em. Mẹ em ngơ ngác đòi gặp em. Họ bảo em đi công tác xa . Mẹ em dường như có một linh tính nào đó. Mẹ khóc và hỏi "Có phải con tôi đã chết rồi không . Các ông làm ơn nói đi". Tên cán bộ tức giận gắt lên "Đã bảo con bà đi công tác xa, bà nghe chưa" . Mẹ em như còn bám víu vào một hy vọng nào đó , mẹ bảo "Tôi xin để những món đồ nầy lại . Bao giờ con tôi về có cho nó dùng" .Tên cán bộ gắt hơn "Đã bảo mang về làm kỷ niệm mà"

Nước mắt ràn rụa trên má tôi. Tôi đưa mắt nhìn sân trường . Hình bóng em lảng vảng đâu đây . Tôi thấy đôi mắt ngời sáng của em hôm nào lên đọc diễn văn. Tôi đang nghe em nói ước mơ , lý tưởng của em đêm nào dưới giàn hoa thiên lý . Tôi đang nghe em say sưa hát "Cùng đi xây Trường Sơn , cùng đi xoay Hoành Sơn, cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm .." Tôi đang nhìn em sung sướng trong bộ quân phục một lần nào tôi đến Long Bình thăm em. Bây giờ em đã đi thật xa. Mảnh đất quê hương đã ôm kín hình hài của em . Thôi như thế cho yên cuộc đời em. Mình còn gì nữa hở em ngoài một tương lai quá đỗi ngậm ngùi

Thôi nhé ! NVB. Ngủ yên đi nha em. Ngủ say đi nha em . Nhớ phù hộ cho tôi, cho nhũng người ở lại can đảm sống và chờ ngày mai tươi sáng trở lại quê hương. Mây mù rồi sẽ tan. Đất trời rồi sẽ hân hoan đón mừng ngày chiến thắng .. Ngày ấy ở một phương trời thật xa nào đó tôi thấy em đang cười và tôi nghe em đang nói với tôi:
"Em sung sướng . Em sung sướng . Cô biết không ?"





11 comments:

Châu Ngọc A/ said...

bai viet hay va buon,goi nho "Mot Thoi Ao Trang " cam on nhieu men chuc gia dinh cuoi tuan vui ve,hanh phuc.Men.

Anonymous said...

Câu chuyện của Ngày Xưa Hoàng Thị gợi nhớ một đoạn đời đầy nước mắt . PPS côTL làm đẹp quá chừng . Như vậy NXHT là ai ? Hay là một bút hiệu khác của CôTL phải không ?
Cám ơn tác giả và cám ơn PPS sĩ

Một đọc giả TH

Anonymous said...

Câu chuyện nầy đọc thấy buồn quá, một người học trò tài hoa vậy mà ra đi quá là lặng lẽ....., xin chia xẽ nổi buồn của cô giáo, hi vọng thời gian và công việc làm bận rộn sẽ làm cô giáo quên .....
Cầu chúc chị và gia đình cuối tuần vui vẽ.
bc

HTTL said...

Trả lời một đọc giả của Tha Hương

Cám ơn bạn đã vào TH đọc bài và xem PPS " Bao giờ cho tôi quên " của NXHT . NXHT thì là NXHT . Bạn của tôi ơi thắc mắc làm chi có phải là HTTL không ? Để coi NXHT có trả lời comment nầy không ? Niềm vui của TH là được đem đến và cống hiến cho đọc giả một chút của ngày xưa dù ngày xưa đó là cả " một đoan. đời đầy nước mắt " như bạn nói
Thân chúc bạn một cuối tuần thật vui và hạnh phúc

HTTL

Sông An said...

TL ơi ! PPS Bao giờ cho tôi quên quá đẹp , Bài viết thật buồn đọc làm gợi nhớ cả một trời kỹ niệm . Mình thấy TH giờ rất nhiều kỳ hoa dị thảo làm mãnh vườn càng ngày càng rực rỡ thêm , xin cám ơn bàn tay người chăm bón .
Chúc gia đình TL luôn vui, khỏe .
SA

Anonymous said...

bc ơi,

Mấy mươi năm rồi nhưng " bao giờ cho tôi quên" hở bc ? Cám ơn bc đã vào đọc bài viết của NXHT

rachgia said...

SA thân mến

PPS đẹp cũng nhờ phần lớn vào bài viết SA ạ . Bài viết là yếu tố chính để PPS thành công mà . lâu quá không thấy SA . Bận lắm sao ? Có bài thì gửi cho TL . Không phải chỉ có bài của SA khó post đâu . Một số bài viết của Qúy Thầy và các bạn đôi khi chữ cũng chạy tùm lum như thế
Post không mau được thì từ từ có sao đâu . TL làm cũng chậm như rùa ấy mà . Chỉ sợ người gửi bài thấy bài chưa đăng rồi buồn TH mà thôi .
Chúc SA và gia đình một cuối tuần thật vui nha

TL

Ngọc Hân said...

Khoảng thập niên 70-71(lâu quá không nhớ rõ) N.H có dịp đi theo phái đoàn văn nghệ cuả các em học sinh đến thăm các chiến sĩ trung đoàn 33 đang đóng ở quận Hiếu lễ, hôm đó phi hành đoàn Mỹ lái rất nghề, êm ru, và rất ư ga lăng, có lẽ lần đầu tiên họ thấy các em nữ sinh mặc áo dài trắng dễ thương quá, như những thiên thần trong truyện cổ tích, trực thăng lấy cao độ bay trên rừng U-Minh thượng, bên dưới là những hố bom B-52 đã đi ngang, rừng tràm nghiêng ngã, bãi đáp là những nền nhà bằng ciment (có thể là mật khu cuả công trường 9 lúc trước). Có sự trùng hợp chị và anh NVB cũng đã đến quận Hiếu Lễ sinh hoạt văn nghệ, cũng những bài du ca cuả Nguyễn Đức Quang, những con tim khát khao hoà bình, những khát vọng tuổi trẻ phải làm một gì đó cho quê hương, mà cuối cùng là một bi hài kịch. N.H xin đốt nén hương lòng gửi đến anh NVB và một lần nữa cám ơn chị đã viết lại.
Ngọc Hân

Anonymous said...

Ngọc Hân thân mến,

Như vậy NH đã một lần đã đến vùng trời Rạch Gía - "quê hương tôi nước mặn đồng chua . Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá" rồi . Nhớ hoài cái đêm ỏ Hiếu Lễ . Sợ thiệt . Mới có cái cảm nhận chiến tranh thật sự NH ạ
Cám ơn NH đã đọc và xem " Bao giờ cho tôi quên ". Thật lòng mà nói " Chẳng biết đến bao giờ "

TL

Học trò xưa said...

Cô thương mến ! Em vừa đi chơi về ngày hôm qua ,biết ngay thế nào cũng có pps của Cô để đọc , Cô giáo làm em ghiền rồi đó nghen ! Cứ cuối tuần là mong có pps cùa Cô mà không có chắc em buồn lắm !Em thấy mấy căn nhà ở biển thích quá , trên đường về nhà ghé đổ xăng sẳn tiện mua 2 vé số , cầu mong được trúng em sẽ mua một căn , sau đó em sẽ mua vé máy bay mời Cô giáo qua em chơi...( dĩ nhiên là cả gia đình triệu phú mà !! ) vừa nghe nhạc, vừa xem hình ảnh trong pps lbổng dưng em nhớ bên nhà quá. RG bây giò ra sao Cô hả ?? Em .N.

Tolang said...

N em,

Đi biển nào thế em . Thích nhé . Về còn có PPS của Cô giáo để xem thì sung sướng lắm phải không ?
Cô cứ mong trúng số để làm một cái gì đó ... mà mua hoài có thấy trúng đâu .
Vậy nhá trúng số mua vé máy bay cho cô giáo sang chơi phải không ? Cám ơn tấm lòng của Cô học trò trường tôi ơi . Mà nè N em nói là sẽ mua vé cho tất cả quý Thầy Cô và bao thầu luôn cái Reunion 2013 nghĩa là mọi người đều Free thì thế nào cũng trúng hà . ha ha ha

Cô TL