Friday, December 28, 2012

Đếm Ngược

__________


- Phan
Add caption
Năm tàn tháng tận nào không buồn như trời đất âm u, nhưng chuyện bên tai thì cứ nghe theo thói quen nhiều chuyện. Hai cô gái trẻ vừa lựa chè, chọn bánh trong tủ lạnh của nhà hàng; vừa líu lo về chuyện count-down sắp diễn ra ở Dallas vào dịp mừng tết tây sắp tới. Chuyện của họ: Ai là những người được mời tham dự trong đêm count-down, họ có xứng đáng không?...
 Ở đêm đón giao thừa kiểu Mỹ của thành phố Dallas thì cánh Việt Nam chắc không có cửa; bởi thành phố này lớn, giới văn nghệ sĩ bản xứ còn chưa chắc được mời thì nói gì tới những người di dân. Nhưng trong một cộng đồng thiểu số thì cơ hội cho những cô gái trẻ sẽ bớt cạnh tranh hơn. Thế mà hai cô gái trẻ cũng đang chia nhau nỗi ngậm ngùi là cả hai cùng không được mời vào nhóm những cô gái có mặt trên sân khấu chỉ để đếm từ 10 tới zero.

Không biết cảm giác của những người chỉ đứng dưới sân khấu, nhưng hoà quyện niềm vui đón mừng năm mới với mọi người có mặt ở những quảng trường ra sao? Như hàng năm ở New York Times Square vẫn thế, cơ man là người đổ ra đường để cùng đốt pháo bông, ca hát và đếm ngược từ 10 tới 0 để tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.
Có thể là trong số họ có rất nhiều người đang thất nghiệp; nhiều người đang gặp rắc rối với hôn nhân; nhiều người đang mang bệnh hết thuốc chữa trong mình… Nhưng trước thềm năm mới, họ tạm quên đi đời thường trong giây lát; quên đi hoàn cảnh trong phút giây để đón chào một năm mới trong niềm hy vọng. Dù tương lai nào đến cũng chẳng khác những hiện tại đã qua. Sự lập lại đã hình thành nên cả sự tuần hoàn của vũ trụ này…
Có thể tôi kết luận không đúng nên người bạn đã phản ứng một cách chống đối hơn là tranh luận. Theo anh, một cô gái trẻ đương nhiên thích góp mặt trong nhóm đếm count-down vì mọi người sẽ dễ biết đến cô ta hơn. Đó là cơ hội; là đường tắt dẫn đến những quan hệ mà bình thường phải tốn công sức với thời gian rất nhiều, nhưng cũng không chắc gì đã mở ra được quan hệ trong tương lai. (Đơn giản là người đạo diễn đang tìm vai diễn cho phim mới của họ, sẽ dễ thấy cô gái thích hợp cho phim hơn trong nhóm mười cô đếm ngược trên sân khấu. Ngược lại, người đạo diễn không thể thấy cô gái thích hợp ấy trong rừng người count-down bên dưới sân khấu…
Có thể anh bạn tôi nói đúng. Là tôi không có con gái nên không nghĩ đến những cơ hội trình diễn con gái mình trước đám đông. Làm tôi nhớ lại một cô bé, tôi đã từng chụp hình cô bé ấy đến mấy lần trong những cuộc thi hoa hậu liên tiếp ở địa phương. Thật sự đó là một cô bé xinh xắn, có thẩm mỹ về trang phục tự chọn, có phong cách lễ phép theo kiểu châu Á, đối đáp khá thông minh về những câu hỏi ứng xử từ ban giám khảo… Nhưng cô bé này đi thi hoa hậu tới tôi nhớ mặt thì kể ra cũng đã đáng lãnh giải can đảm.
Có thể tôi bị dị ứng từ quá nhiều thí sinh dự thi hoa hậu đã coi thường cái đẹp tới tự tin, là những thí sinh xứng đáng lãnh giải “can đảm” từ khi ghi danh. Chính họ đã đồng lõa với ban tổ chức về số lượng thí sinh tham dự càng đông càng tốt. Họ là những người trẻ nên không hiểu ban tổ chức khuyến khích các em tham gia đông đảo nhưng không chịu trách nhiệm về những tiếng “xì” từ khán giả. Theo tôi, những cuộc thi hoa hậu nên có giải can đảm cho các thí sinh… can đảm. Vì họ đã vượt qua được tiếng “xì” của khán giả mà vẫn cười tươi như hoa…
Ông bạn tôi lại không đồng ý. Ông, thậm chí biết cả cha lẫn mẹ của cô bé “số 10”. Ông nhắc nhở tôi một lần thi hoa hậu. Ai cũng thấy là cô bé ấy xứng đáng đoạt giải hoa hậu, nhưng cuối cùng cô bé vẫn chỉ là (Á hậu) vì cha mẹ của cháu không phải là nhà tài trợ. Ông bạn tôi nhắc làm tôi nhớ cô bé hoa hậu năm ấy thật tội nghiệp. Đó là cô bé “số 9”, bình thường về mọi mặt, nếu có gì nổi trội thì phải kể đến lòng tự trọng của cô bé bị cha mẹ phớt lờ! Những người trẻ khó dấu được cảm xúc trên gương mặt thay vì rạng rỡ, hân hoan của tân hoa hậu, thì cô bé “số 9” lại biểu hiện nhiều cảm xúc xấu hổ trước đám đông; mắc cỡ với bạn bè và ban giám khảo - (là một ban giám khảo thực sự có khả năng đánh giá các thí sinh. Nhưng ban giám khảo đã chào thua ban tổ chức phụ thuộc vào tài lực của những nhà bảo trợ cuộc thi. Tân hoa hậu “số 9” càng độn thổ khi cha mẹ của bạn “số 10” lên tiếng và đòi thưa kiện về điểm tổng kết từ ban giám khảo thì cô bé “số 10” cao hơn; nhưng hạng nhì thì vẫn cứ là hạng nhì). Tôi có nhắc ông bạn là cuộc thi hoa hậu năm sau nữa, cô bé “số 10” của chúng tôi-cuối cùng cũng đội được vương miện hoa hậu sau nhiều năm chinh chiến với nhan sắc và “thế lực thù địch” là những nhà bảo trợ.

Hai cô bé xôn xao về đêm count-down đã rời tủ chè ba màu từ lâu, nhưng hai lão già háp thì còn ngồi với năm tàn tháng tận. Chúng tôi cũng đang đếm ngược xách bia trên bàn. Xách vào đây hộp bia mười hai chai thì từ từ còn mười, tám, rồi sáu, bốn, hai, hết… Sự kết thúc nào chả chơi vơi, nỗi buồn nào không vời vợi nên uống bia là ít buồn nhất vì chỉ buồn ngủ. Mà ngủ là một trong tứ khoái của con người thì biện luận gì nữa. Thế là ông bạn tôi về ngủ, ông mặc lời hăm doạ của tôi là anh ngủ nhiều quá, coi chừng mất dấu hỏi! Anh có thấy ai ngủ dậy mà cái mặt còn dấu hỏi hay không? Tôi kể, trong chỗ tôi làm, có một ông nguyên tắc đến bất chấp ai đắc cử tổng thống, ông đi ngủ trước đã; Chuyện hai mươi đứa bé học sinh tiểu học bị bắn giết dã man ở Connecticut cũng không quan trọng bằng việc sau cơm trưa, ông đi ngủ. Dù chỉ chợp được 5 phút thừa nhờ ăn vội trong giờ ăn trưa. Tôi tính nhẩm đời ông này hưởng thọ sáu mươi tuổi thì thật ra ông ấy chỉ sống không tới ba mươi năm vì đã ngủ mất quá nửa thời gian trong đời.
Có thể tôi đúng nên ông bạn sợ ngu, không về ngủ nữa. Ngồi lại với nhau nhìn năm tàn tháng tận. Quỹ thời gian của từng người chả phải là đang đếm ngược đó sao? Trăm năm trong cõi người ta chỉ là một ước lệ hào phóng của Tiên Điền. Ngay người thọ bảy mươi đã hiếm vì nhân sinh thất thập cổ lai hy; nên người bước qua ngũ thập tri thiên mệnh thường ngồi đếm ngược thời gian còn lại.
Trong không khí lễ hội, những gương mặt hân hoan đón chào năm mới để đến tuổi lái xe - là một chân đã bước ra khỏi nhà; đến tuổi đi đại học là rút chân thứ hai; đến tuổi ngồi uống bia là quên cả lối về. Và đến tuổi ngồi nhìn lá vàng bay, người ta cần một nơi để về. Tôi ngồi đếm ngược với thời gian, rất nhiều bạn hữu có số năm ở hải ngoại đã nhiều hơn số năm sống trong nước-như người bạn đang ngồi chung bàn. Anh hớt hải bỏ nước ra đi khi đời còn quá trẻ; Giờ, nơi một góc quán mù loà, người đàn ông tóc trắng nhiều hơn sợi đen giật mình với số năm xa nhà đã gần gấp đôi số năm ở nhà. Hai mươi tuổi anh bỏ nước ra đi, mới đó đã ba mươi tám năm không về. Anh ngồi đếm ngược thời gian trong mắt cay với từng thân nhân đã vĩnh viễn không gặp lại; những thân nhân sắp không còn cơ hội gặp nữa. Và ở nơi thật xa là quê anh, cũng đang có những thân nhân ngồi đếm ngược thời gian mà chính anh là một trong nhưng người mà họ khó có cơ hội gặp lại.

Có thể hai cô bé ấm ức vì không được mời làm người mẫu trên sân khấu count-down năm nay đã gieo vào lòng già hai người biệt xứ một nỗi buồn xa vắng nhưng thật gần là nỗi buồn chung của người Việt hải ngoại khi năm tàn tháng tận. Ở một góc sân tù đày xưa cũ, ngọn lửa bập bùng nồi bánh chưng, bánh tét cuối năm trong những năm đói khổ do nhiều nhà hùn lá góp nếp nấu chung nhau. Sáng ba mươi hân hoan mặt người chia nhau mỗi nhà chỉ một cặp bánh-cúng ông bà. Ở đó rất khốn nạn với chế độ nhưng sợi dây thân quyến, xóm làng còn rịt lại nỗi thương tâm, không bỏ mặc vết thương lòng băng hoại trong đủ đầy như nơi viễn xứ. Âu cũng là số phận, sự chọn lựa nào cũng có cái giá của nó. Ở đời không bao giờ được cả mà chỉ một trong hai. Chúng tôi ngồi nhìn chiếc đồng hồ trên tường-đã đến giờ quán đóng cửa. Mỗi thời khắc đi qua là một bước quay về, mai về đến nơi xuất phát của con đường vạn dặm mà ta đã đi qua là hết một hành trình.
Vui-buồn chút cuối năm có nghĩa gì để lòng mà không thấy những giây đèn xanh đỏ đã lập loè xua tan nỗi lạnh lòng hơn buốt giá của thời tiết. Hãy can đảm trong từng bước quay về khi thời gian đếm ngược. Chúng tôi an ủi nhau như hai cô bé không có nhà bảo trợ nào chống lưng mà lại quá thèm lên sân khấu nên dắt nhau đi mua chè về ăn cho đỡ tủi thân. Chúng tôi uống vài lon bia cũng đã bớt ngậm ngùi phần nào…

No comments: