Saturday, December 22, 2012

Lắng nghe

__________
Nguồn Thời báo

Huy Lâm

Vào ban đêm, khi tất cả những sinh hoạt xung quanh đã tạm dừng lại và âm thanh của những tiếng động ban ngày hoàn toàn lắng xuống, chúng ta tưởng như không gian trở nên tĩnh mịch. Nằm yên trên giường và thấy thời gian trôi thật chậm đến có thể túm bắt được từng mỗi tích tắc. Nhưng nếu ta vểnh tai chú ý thêm chút nữa thì dường như vẫn có những âm thanh đâu đó vọng lại. Thật nhỏ thôi nhưng vẫn nghe thấy được. Tiếng xe chạy ở con đường gần đó. Tiếng cành lá cọ nhau trong đêm tối ngoài vườn. Tiếng côn trùng rỉ rả. Tiếng thở đều của người nằm bên cạnh. Tất cả như đang hòa một nhịp điệu êm ả.



Và đó là lúc ta không chỉ nghe mà lắng nghe. Đây là hai việc làm rất khác nhau. Nghe đến một cách tự nhiên từ thính giác – một trong năm giác quan của con người. Khi một âm thanh đủ lớn từ bên ngoài đưa tới, nó sẽ khơi động thính giác của chúng ta và làm cho thính giác hoạt động, đưa những tín hiệu âm thanh nhận được lên óc để óc phân tích xem đó là tiếng gì. Nhưng lắng nghe thì đòi hỏi phải có sự cố gắng, bắt chúng ta phải tập trung, chú ý, nghe ngóng để ghi nhận. Những âm thanh cực nhỏ đó không phải là những thứ tiếng động bình thường ở xung quanh mà không cần tới sự vận dụng tích cực hơn nữa của thính giác, đó là thứ tín hiệu âm thanh dường như bật ra từ khoảng không chỉ vừa đủ cho thính giác chúng ta nhận ra nếu chúng ta chịu lắng nghe.
Có người cho rằng thính giác là giác quan đã bị hơi coi thường so với những giác quan khác như thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Nhưng thật ra đôi tai có thể xem như là đôi mắt thứ hai. Chúng ta thường nghĩ về thế giới này như là một nơi chốn để cho chúng ta nhìn ngắm, tương tác và đánh giá người khác bằng dựa vào cái bề ngoài của họ. Đây là quan niệm của đa số từ trước tới nay nhưng vô cùng thiếu sót. Những nghiên cứu cho thấy sự suy nghĩ của chúng ta thành hình do tác động của thính giác cũng nhanh không thua kém như sự nhận thức từ thị giác, nó chỉ cần một phần nhỏ của một giây cho mỗi sự kiện. Nhưng thính giác là giác quan chính nó làm việc nhanh hơn so với thị giác. Trong khi đối với thị giác, khi một sự việc nào đó xảy ra ngoài tầm mắt, nó bắt người ta phải xoay người về hướng đó, nhận diện, và sau đó phản ứng lại với sự việc vừa xảy ra. Một đôi mắt làm việc nhanh nhất cũng phải mất một giây đồng hồ. Với một âm thanh mới, lạ, bất chợt xảy ra, đôi tai có thể làm việc nhanh gấp mười lần như thế. Đâu cần phải xoay qua xoay lại định hướng rồi nhận diện cho mất công. Ầm một tiếng là đã lên đến óc. Nghiên cứu cho thấy thính giác làm việc tốt như vậy là vì nó đã biến hóa để thành một thứ hệ thống báo động của cơ thể chúng ta – nó hoạt động mà không cần nhận diện hình ảnh và làm việc ngay cả khi chúng ta ngủ.
Nhà thơ Trần Tế Xương khi còn sinh thời cũng là người có đôi tai thính lắm. Nhà ông ở nằm sát bờ sông Vị Hoàng nên đêm đêm có thể nghe rõ tiếng ếch nhái kêu. Ai đã từng về vùng đồng quê thì có lẽ biết tiếng ếch nhái bên bờ mương, bờ ao kêu ban đêm ra sao. Những âm thanh của thiên nhiên ấy ắt hẳn đã từng làm ông thức giấc giữa đêm khuya. Cứ tưởng tượng hình ảnh ông Tú sờ soạng trong căn phòng tối um, loay hoay tìm lửa để thắp lên ngọn đèn dầu lạc, rồi sau đó mới tìm bút tìm giấy để viết lên hai câu thơ để đời:

Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Còn thêm một người nữa đang sống trong thời đại của chúng ta cũng có thính giác tốt lắm, đó là nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Ông không chỉ nghe bằng đôi tai, ông còn nghe bằng chính con tim mình. Mỗi khi nhớ về Hà Nội, nơi mà ông đã sống, đã yêu, Nguyễn Đình Toàn lại nhớ tới những âm thanh đã từng vang lên trên những con đường Hà Nội. Hãy nghe ông nói về nỗi nhớ thương ấy:

“...anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố...
Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức...”

Nguyễn Đình Toàn cho rằng những tiếng động ấy làm nên một phần của Hà Nội. Phải là người biết lắng nghe bằng con tim rung động thật sự của mình thì mới có được nhận xét tinh tế như trên.
Nói cách ngắn gọn, nghe thì dễ. Con người và nhiều động vật khác, trải qua một thời gian dài của quá trình tiến hóa, đã làm công việc nghe đó trong nhiều triệu năm qua. Đó là đường định mạng trong lòng bàn tay ta, là hệ báo động giúp chúng ta thoát khỏi những hiểm nguy và là di sản mà loài người chúng ta đã cố gắng truyền từ đời này qua đời khác. Nhưng lắng nghe, thật sự lắng nghe, thì khó lắm khi mà những điều có khả năng gây chia trí lúc nào cũng trực sẵn ở bên ngoài. Người ta tính cứ mỗi 50 phần ngàn của một giây lại có một âm thanh lọt vào tai chúng ta và những đường dẫn từ tai lên óc lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi nhận tín hiệu để làm gián đoạn sự tập trung của ta để báo cho ta biết cẩn thận hơn với những hiểm nguy đang rình rập ở xung quanh.
Lắng nghe là một kỹ năng của loài người mà có người lo sợ là đang dần biến mất trong một thế giới hiện nay với quá nhiều những máy móc dễ làm đầu óc chúng ta sao lãng và một thế giới đầy ứ thông tin.
Mà chúng ta cũng chưa hẳn đã dám để mất nó đâu. Bởi vì biết lắng nghe sẽ giúp trí óc chúng ta nhạy bén hơn để bắt theo nhịp sống ở xung quanh nhanh hơn so với bất cứ giác quan nào khác, và khi thính giác được chú ý kỹ hơn, nó sẽ hỗ trợ cho tất cả mọi thứ có liên quan đến con người chúng ta từ phần tri thức cho tới những động tác của cơ thể.
May mắn là chúng ta có thể rèn luyện cái kỹ xảo lắng nghe đó cũng như bất kỳ kỹ xảo nào khác. Hãy lắng nghe một bài hát khi chạy bộ hơn là không nghe gì hết. Hãy lắng nghe tiếng rên rỉ hay tiếng sủa ăng ẳng của một con chó vì rất có thể nó đang muốn báo cho ta biết điều bất ổn đang đến gần. Hãy lắng nghe tiếng nói khác của chính chúng ta – những âm thanh nằm ẩn trong sâu thẳm của tâm hồn và trong những âm thanh đó có hàm chứa cảm xúc. Hãy lắng nghe người khác nói như chúng ta muốn họ lắng nghe chính chúng ta, và khi lắng nghe, chúng ta phải dẹp bỏ cảm xúc và suy nghĩ của chính mình sang một bên để chỉ nghe những điều họ nói. Phải biết nhún nhường, biết lùi lại một bước, biết quên chính mình và luôn cả tri giác để hòa mình vào câu chuyện của người kia. Đây không phải là việc dễ làm. Nhưng nếu làm được vậy thì người khác cũng sẽ sẵn sàng lắng nghe chúng ta. Hãy lắng nghe và học hỏi từ những điều đó vì rất có thể sau này biết đâu ta lại cần đến.
Khi chúng ta bị trách cứ là không chịu lắng nghe thì đó không chỉ đơn thuần là lời than phiền của một quan hệ đang gặp trắc trở mà nó còn là một căn bệnh trầm kha trong một thế giới đã gần như chấp nhận chọn sự tiện lợi bề ngoài hơn là nội dung bên trong, sự nhanh lẹ nhất thời hơn là ý nghĩa lâu bền. Cái phong phú của đời sống không nằm ở trong sự ồn ào và nhịp đập dồn dập mà ở trong sự êm đềm và những li ti khác biệt mà chúng ta có thể nhận thức được nếu ta chịu chú ý.
Mong rằng đôi tai của chúng ta còn nghe được những thanh âm của thiên nhiên, tiếng khóc của trẻ thơ, tiếng thở dài của tình yêu. Mong rằng chúng ta còn nghe được tiếng cầu cứu của cô đơn. Còn nghe được âm thanh của trái tim đang tan nát. Mong rằng còn nghe được không chỉ lời nói của những người chúng ta thương yêu mà luôn cả lời nói chưa nói được ra cửa miệng vì sẽ làm chúng ta khó chịu. Mong rằng còn nghe được tiếng lòng mình chân thật.
Tất cả những âm thanh đó làm nên sức sống xung quanh ta. Hãy lắng nghe và cảm ơn cả hạnh phúc lẫn khổ đau của cuộc đời này.

Huy Lâm


No comments: