Saturday, April 26, 2014

Mưa



Lưu Vỷ Bửu



 

1.Tiếng chuông điện thoại đánh thức tôi lúc tờ mờ sáng. Từ đầu dây bên kia, tôi nghe tiếng nói em nhẹ như hơi thở: “Trời đang mưa! Cơn mưa lạ lắm, chưa bao giờ em gặp suốt ngần ấy năm. Em nhớ đêm mưa trên đường Đ. năm nào. Ước gì, em được đắm mình một lần nữa…” . Tôi cũng đã từng ước ao như em, không chỉ một lần mà mãi mãi. Nhưng cơn mưa đã qua, mùa mưa đã qua và những cơn mưa bao giờ cũng khác nhau dù lúc nào cũng làm tôi ướt nhèm. Đêm mưa ấy, em không chịu về, cứ muốn ngồi nghe những âm thanh réo rắt từ chiếc violon. “Có những điều em muốn quên nhưng không sao quên được. Đó là tiếng mưa, là tiếng đàn violon 
…” Nếu ai cũng dễ dàng quên được mọi chuyện thì còn gì khổ đau, hạnh phúc trên trái đất này. Tôi đã cố quên nhưng đêm đêm phải đối diện với nỗi nhớ, lặng lẽ nghe từng cung bậc thời gian trôi qua. Và hình ảnh em giữa mưa đêm như một nỗi ám ảnh không rời. “Em không ảo tưởng đâu. Em chỉ muốn sống với những gì em đã đánh mất. Một quãng đời em để lại nơi đó mãi là nỗi đau của em. Anh có hứa sẽ bắt đầu trở lại, khi em trở về không?” Gặp lại để làm gì một khi trong lòng đã gió nổi, đã mưa bay? Chúng ta chẳng mất nhau, chẳng phải xa nhau dù không ở cùng nhau. Sao cứ nghĩ đến chuyện buồn bã như vậy? “Cơn mưa này sẽ gột rửa em tinh khôi, sẽ làm tâm hồn em trong trẻo.” Tôi cũng mong thế!

2. Tôi chợt nhớ đến Huế, nhớ đến những ngày từ cư xá Huỳnh Thúc Kháng, qua cầu Trường Tiền để đến trường ĐHSP. Năm đó tôi đếm được 41 ngày trời không dứt hạt. Mưa Huế dai dẳng, rả rích và ẩm ướt đến khó chịu. Ngồi trong quán Lam Sơn, bên ly trà lipton ấm áp, nhìn ra ngoài màn mưa trắng đục, tâm hồn tôi nao nao một điều gì đó mà mãi đến hôm nay, tôi cũng không giải thích được. Tôi bỏ những giờ Văn học Hán Nôm, qua cư xá Xaviê học đòi những trò chơi Âu Mỹ để rồi trên đường về, băng qua thành nội, lòng ngùi ngùi “hồn ta là những thành quách cũ”. Tôi nhớ những đêm mưa Huế, vượt cầu Đông Ba, xuống Gia Hội ghé Sương Lan uống cà phê. Cô bạn có mái tóc rất Huế, ngồi trong quầy, u minh giữa ánh sáng vàng vọt đủ làm tôi quên rét mướt ngoài kia, đủ làm ấm lòng những chàng trai trẻ xa quê trọ học. Tôi nhớ câu nói:“Huế có hai cái dễ thương: đó là con gái và phong cảnh Huế ; hai cái dễ ghét là thời tiết Huế và…”. Tôi đã từng có những chiều lang thang trên đường Lê Lợi, nhìn các tà áo dài bay phất phơ lúc tan trường. Tôi đã từng rong chơi trên Thiên An, nhìn hoàng hôn chấp chới trên cung điện, đền đài rong rêu. Cũng như tôi đã từng sợ hãi mùa đông Huế, đã từng mệt nhọc che chắn gió mưa mỗi khi qua cầu đến trường, về nhà. Tôi gửi lại Huế những tháng ngày tươi đẹp nhất của mình. Duy có điều, tôi nhớ Huế mơ hồ vì tôi chưa có dịp để nhớ một cách cụ thể. Tôi lại nhớ đến câu hát… ấm ớ : “Ngày xưa mưa rơi thì sao?” (đúng ra phải nói là thì răng). Mưa rơi thì… ướt, có gì mà hỏi! Ừ, mà chưa hết. Mưa xui tôi nhớ xa xôi. Tôi nhớ về tuổi thơ, nhớ về một vùng đất xa xôi. Mưa có ngăn bước chân ai tìm về đấy không? Huế, không phải tình yêu của tôi. Nhưng Huế và những cơn mưa buồn đến nhão cả người cứ như một người tình không chân dung, thực thực hư hư giữa ngàn thu áo tím của đời người.

3.Nam bộ đã bắt đầu mùa mưa. Mưa đến sớm và đỏng đảnh như một cô gái đã không được đẹp mà cứ yểu điệu, nhõng nhẽo. Ở nơi này trời đang nắng cháy da bỗng ầm ầm trút nước, chưa kịp lấy áo mưa thì đã tạnh ráo; còn ở nơi kia, mưa dầm dề như có bão đi qua. Em có nhớ con hẻm nhỏ, hễ mưa lớn một chút thì ngập nước? Nơi tôi đã có những ngày tháng đi về, đội mưa trên đầu, lội nước dưới chân nhưng mọi ưu tư phiền não bỗng chốc tan biến khi thấy em đợi chờ, vội vàng ra mở cửa đón tôi. Dáng em nghiêng nghiêng, đầu em hênh hếch như muốn đẩy gió mưa ra khỏi căn phòng nhỏ, ra khỏi tâm hồn tôi. Tôi mơ hồ nhận ra giữa những cơn mưa, thấp thoáng một tia nắng ấm áp. Đó là em, thánh thiện đến vô cùng, bí ẩn đến ngạc nhiên, đã cho tôi niềm vui lẫn nỗi đau. Tôi không sao quên được con đường chiều mưa bay, đưa em về nhà và được em ban tặng những cay đắng đến không ngờ. Có những cơn mưa trí trá, trêu ngươi, cho tôi ngọt ngào và cùng lúc lấy đi niềm vui hệt như ngày còn thơ, sau đùa nghịch tắm mưa, thân hình trở nên tím tái, lạnh run. Em cũng như mưa, sau nụ hôn thơ dại là những vòng kẽm gai xiết tôi đến rướm máu. Nhưng dù sao, tôi cũng cám ơn những cơn mưa đã cho tôi ướt đẫm, để tôi biết yêu thêm những nắng rát trên đường đời. Tôi cũng biết ơn em đã dành cho tôi những mật ngọt, mà sau đó đắng cả lòng. Tôi xin cám ơn em, cám ơn những ngày rong chơi, những mong đợi chất ngất tin yêu. Và cầu mong, em không còn những mùa mưa ướt áo nữa.

4. “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa” . Tôi không nhớ mưa xa mà tôi mong hãy mưa về ngoài ấy. Cách nơi tôi đang ở không xa, trời hạn hán, biết bao tai ương đổ xuống con người. Trong khi mưa ở đây xui tôi nhớ, khiến tôi hờn giận, trách móc nhỏ nhoi, hèn mọn thì ở nơi ấy, bao người mong có được cơn mưa để cấy lại niềm tin , để sống. Thì ra, hạnh phúc, khổ đau không hề chia đều cho tất cả mọi người. Trời đất có công bằng không? Nếu có, xin hãy đưa mưa về đẫm cây cối, mùa màng, về tắm mát cuộc đời người dân quê tôi vốn đã trĩu nặng gian nan trên vai.

5.Trời lại mưa. Mưa như đùa chơi với cát bụi. Mưa hẹn thề, mưa phản trắc giăng giăng, đan xen vào nhau. Này em, trong bạt ngàn hạt nước mong manh ấy, hạt nào yêu thương, hạt nào dửng dưng, hạt nào em dành cho tôi? Thôi thì em hãy ngủ yên, mặt trời nhỏ của tôi. Thôi thì em đừng lồng lộn giữa thảo nguyên, gió của tôi. Mưa sẽ mãi mãi hiền hòa, vỗ về ta từng giấc mơ.

1 comment:

Anonymous said...


Chàng từ miền Trung, bỏ dòng sông Hương nước chảy lờ đờ đầy thơ mộng,bỏ núi Ngự Bình,bỏ chùa Thiên Mụ,bỏ cầu Trường Tiền 12 nhịp,bỏ những cô gái Huế ăn nói nhẹ nhàng dễ thương ,bỏ những ngày trời mưa không dứt hạt......
Để đến miền Nam với những cơn mưa bất chợt ào ào như thác đổ ,sớm đến vội đi.Chính những cơn mưa đó đã đưa chàng gặp cô gái ĐồngNai thánh thiện.Nhưng rồi trong những cơn mưa đó có những giọt thương,giọt đắng,giọt nhớ,giọt sầu ,giọt hận đã quyện vào nhau đổ ập vào ướt lòng chàng.Còn nàng bỏ dù dầm mưa để tìm những giọt tin yêu,những giọt xum vầy mà nào đâu thấy.?
Tại mưa rơi? Tại chàng? Tại nàng?
BLG