Sunday, December 15, 2013

XẾP TÀN Y LẠI...

_____________
Hoàng Hải Thủy

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.

Thơ Tình Xưa
   ...Tôi thấy trong Rừng Thơ Tình Giao Chỉ có tình trạng thiếu vắng những bài thơ ca tụng, đề cao, diễn tả Tình Yêu Vợ Chồng. Không những các ông Thi sĩ Giao Chỉ nói chung không nói năng, nhắc nhở xa gần gì đến Tình Vợ Chồng mà các ông còn có thái độ chống báng - tiếng Phú Lang Sa là “ăng-ti” - Tình Vợ Chồng một cách công khai, các ông chống báng ra mặt, chống báng hổng cần che dấu. Dường như với các ông Thi Sĩ Giao Chỉ nhà nghề và nổi tiếng quốc gia chỉ có Tình Yêu Nhân Tình, Nhân Bánh Yêu Nhau mà Không Vợ Chồng Ví Nhau mới đẹp, mới thơ mộng và mới đáng để mấy ông mần thơ ca tụng. Nói không có sách nhưng mách thì có chứng, như trong Ca dao:
Tóc mai sợi vắn, sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm..
Và trong Thơ Mới:
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề
Tình chỉ đẹp những khi tình dang dở.
...Than ôi.. Ca dao, Thơ Cũ, Thơ Mới, Thơ Cóc, Thơ Ễnh Ương... Nói chung là Thơ...Thơ nào cũng đầy những lời thương tiếc Nhân Tình, Nhân Bánh, tức là tiếc thương người mình yêu mà mình không được sống vợ chồng với người đó.
...Tình trạng những cặp vợ chồng Việt ly hương, ly hôn, quá nhiều,  làm cho Công Tử Hà Đông - không đi một đường mà là - đi năm bẩy đường cảm khái. Không thấy có Tình Vợ Chồng ở ngoài đời, không thấy có Tình Vợ Chồng trong thi ca, trong tiểu thuyết, trong phim ảnh.  Phải chăng Tình Vợ Chồng không có trên cõi đời này?
Tình Vợ Chồng có hay không có  trên cõi đời này? Câu hỏi ấy tùy quí bạn trả lời nếu quí bạn muốn trả lời. Chỉ biết là Tình Vợ Chồng không hoàn toàn vắng mặt trong Thi Ca Giao Chỉ cũng như trong Thi Ca Quốc Tế như người viết ở Rừng Phong trong môt sáng mùa thu vì bi quan nên đã kêu rên, đã tố cáo loạn cào cào châu chấu.  Chẳng hạn như bài Thơ:
Ới Thị Bằng ơi...Đã mất rồi
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ôi!
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi...
.....
Không biết đích xác tác giả bài thơ trên là ai. Người đời vẫn cho việc nói có sách, mách có chứng là đúng, là phải tin hoặc có thể tin được. Trong trường hợp bài Thơ Thị Bằng thì việc “nói có sách” chưa chắc đã là đúng. Nhiều sách ghi bài thơ trên của Vua Tự Đức làm để Khóc Bằng Phi, một bà Phi của Vua, có sách ghi tác giả là một ông quan triều Nguyễn.
Không biết chắc tác giả là ai, chỉ biết Thơ Khóc Vợ - dù là khóc Vợ Bé - như bài Ơi Thị Bằng ơi.. đáng được kể là tuyệt cú mèo. Bài thơ ra đời cách nay khoảng một trăm năm mươi mùa “Trời mưa ở Huế sao buồn thế! Cứ kéo dài ra đến mấy ngày..” Kể từ năm ấy đến nay thi đàn Giao Chỉ có thêm 2.653.784 nhà thơ  cả nam lẫn nữ, tức đủ mặt nam, phụ, lão, ấu, trẻ có, sồn sồn có, lão ông, lão bà móm mém có, sản xuất 56.893.727 bài Thơ Tình bài nào cũng mùi mẫn, mê ly, hắt hủi, nhưng hai câu:
 Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
 Xếp tàn y lại để dành hơi..
với Công Tử Hà Đông vẫn là hai câu khóc thương, tỏ tình với người đàn bà yêu thương đã đi khỏi cõi đời này hay nhất, chân tình nhất.
Nguyên Chẩn, một trong những nhà thơ Đường tên tuổi, hàng đầu, người từng viết:” Từ ngày có Thơ không ai vĩ đại bằng Đỗ Phủ”, sinh trưởng trong môt gia đình không hẳn nghèo khổ nhưng cũng không sung túc. Vợ ông là con gái nhà quan, nàng chịu cực khổ với chồng khi chồng nàng hàn vi nhưng nàng vắn số, không sống để hưởng vinh hoa, phú quí cùng chồng. Nàng qua đời khi Nguyên Chẩn ba mươi tuổi, còn giữ một chức quan nhỏ. Năm năm sau Nhà Thơ làm Tểû Tướng. Ngày giỗ vợ Nhà Thơ Tể Tướng làm thơ:
 Khiển Bi Hoài
 Tạ Công tối thiểu thiên liên nữ
 Tự giá Kiềm Lâu bách sự quai.
 Cố ngã vô y sưu tận khiếp,
 Nệ tha cô tửu bạt kim thoa.
 Dã sơ sung thiện cam trường hoắc,
 Lạc diêp thiêm tân ngưỡng cổ hoè.
 Kim nhật bổng tiền quá thập vạn
 Dữ quân doanh diện phục doanh trai.
 Tích nhật hý ngôn thân hậu ý,
 Kim triêu đô đáo nhãn tiền lai.
  Y thường dĩ thí hành khan tận,
 Châm tuyến do tồn vị nhẫn khai.
 Thượng tưởng cựu tình liên tì bộc,
 Dã tằng nhân mộng tống tiền tài.
 Thành tri thử hận nhân nhân hữu,
 Bần tiện phu thê bách sự ai.
 Nhàn tọa bi quân diệc tự bi,
 Bách niên đô thị kỷ đa thì.
 Đặng Du vô tử tầm tri mệnh,
 Phan Nhạc điệu vong do phí từ.(ty)
 Đồng huyệt yểu minh hà sở vọng,
 Tha sinh duyên hội cánh nan kỳ.
 Duy tương chung dạ trường khai nhãn,
 Báo đáp bình sinh vị triển mi.
      
Dịch nghĩa: Cô con gái út được thương yêu nhất cuả Tạ công. Từ ngày làm vợ chàng hàn sĩ Kiềm Lâu trăm sự đều khổ tâm. Thấy ta không áo nàng tìm vải may áo cho ta trong rương, trong tráp. Thấy ta không rượu nàng cởi thoa vàng. Để có đủ bữa ăn nàng cam lòng ăn các thứ rau dại. Cần có củi nấu bếp nàng ngửng trông cây hoè trong sân rụng lá. Nay bổng lộc của ta hơn mười vạn quan tiền. Nhưng ta chỉ có thể cúng giỗ và làm đàn chay siêu độ cho nàng.
Ngày trước chúng ta cứ nói đùa với nhau về những chuyện ngày sau. Bây giờ những chuyện ngày xưa ta nói đùa đều xẩy ra trước mắt. Áo quần của Em đã dần dần đem cho hết. Nhưng những đường kim chỉ Em  để lại vẫn còn, không nỡ tháo ra. Nhớ tình yêu của chúng ta anh thương cả những nô tì từng hầu hạ Em. Nhân mộng thấy Em anh đốt tặng Em giấy tiền, vàng mã. Anh vẫn biết nỗi đau tử biệt là nỗi đau chung, nhiều người phải chịu. Anh xót sa vì vợ chồng ta nghèo nên chúng ta phải chịu nhiều cay đắng.
Anh thương Em mà anh cũng thương anh. Đời sống trong vòng trăm năm chẳng lâu la gì. Đặng Du không có con mới biết thiên mệnh. Phan Nhạc làm thơ điệu vong cũng chỉ là lời suông. Chung một nấm mồ trong cõi u minh có chi để mà mong ước. Kiếp sau lại gập nhau thật khó mà hò hẹn. Anh chỉ còn biết chong mắt suốt đêm dài. Để báo đáp ân tình của Em suốt đời không được tươi nét mặt.
*
Tạ Công tối thiểu thiên liên nữ... Tạ Công là Tạ An, nhân vật nổi tiếng đời Tấn. Ở đời Đường họ Tạ là một trong những dòng họ quí phái, có quyền lực. Nhiều người cho việc được làm rể họ Tạ là một vinh hạnh nên thường dùng danh xưng Tạ Công để gọi nhạc phụ, dùng Tạ gia để gọi nhà vợ hoặc nhà người yêu.
Tự giá Kiềm Lâu bách sự quai... Kiềm Lâu cao sĩ thời Xuân Thu, rất nghèo và nổi tiếng vì nghèo.
Đặng Du vô tử tầm tri mệnh...Đặng Du, người đời Lục triều, chạy loạn, dắt theo con trai và cháu trai. Khi phải chạy gấp hai vợ chồng không thể mang theo cả con và cháu, Đặng nói với vợ: “ Anh ta đã chết rồi, chỉ có một đứa con gửi ta. Ta không thể bỏ con của anh ta được. Ta phải hy sinh con ta. Rồi em lại sinh đứa con khác..” Vợ khóc mà bỏ con lại, ôm cháu chạy. Về sau Đặng Du không có con, người đời nói  “Ông Trời không có mắt, bất công nên mới để cho Đặng Du phải tuyệt tự.”
Phan Nhạc điệu vong do phí từ..Phan Nhạc, nhà thơ đời Tấn, tên tự là An Nhân nên thường được gọi là Phan An, người đẹp trai, hào hoa, phong nhã, đứng ngang hàng Tống Ngọc: “Đẹp như Phan An, Tống Ngọc..” Vợ Phan An chết sớm, Thi sĩ làm nhiều bài thơ nhớ thương gọi là Điệu Vong. Ở đây Nguyên Chẩn phê phán:  “Những gì nói và làm cho người yêu sau khi người yêu chết đều chẳng có giá trị gì..”
Tô Đông Pha đời Tống, Tiến sĩ năm 22 tuổi -- Nhà thơ, nhà phú cự phách họ Tô không phải là Thuyền Trưởng Hai Tầu mà là Thuyền Trưởng Bẩy Tầu. Muốn biết chi tiết mời đọc tiểu truyện “ Bẩy cô vợ lẽ “ trong sách Cổ Học Tinh Hoa, tác giả Nguyễn văn Ngọc -- Nàng Vương Phất, vợ của Tô Đông Pha, từ trần năm nàng 27 tuổi. Mười năm sau khi Tô đang giữ chức Tri châu ở Mật Châu, Sơn Đông, xa cách quê hương Tứ Xuyên mấy ngàn dậm, đêm nằm mơ thấy người vợ đã khuất, nhà thơ làm bài Từ:
 Thập niên sinh tử lưỡng mang mang,
 Bất tư lường,
 Tư nan vong.
 Thiên lý cô phần,
 Vô xứ thoại thê lương,
 Túng xử tương phùng ưng bất thức,
 Trần mãn diện,
 Mấn như sương.
 Dạ lai u mộng hốt hoàn hương,
 Tiểu hiên song,
 Chính sơ trang,
 Tương cố vô ngôn,
 Duy hữu lệ thiên hàng.
 Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ,
 Minh nguyệt dạ,
 Đoản tùng cương.
   *
Mười năm kẻ sống người thác cách xa mờ mịt
Anh không còn nghĩ ngợi gì về Em,
Nhưng Anh vẫn không quên Em,
Nấm mồ cô đơn của Em cách xa ngàn dặm
Không có cách nào chúng ta nói được nỗi đau lòng.
Bây giờ nếu gặp nhau chắc Em khó nhận ra Anh
Mặt Anh đầøy bụi..Mặt Anh in hằn những vết roi đời.
Mái tóc Anh trắng như sương,
Đêm qua trong mộng Anh trở về quê hương,
Thấy Em ngồi cạnh cửa sổ bên hiên,
Em đang trang điểm.
Chúng ta nhìn nhau không nói
Chỉ có lệ ngàn hàng.
Anh chỉ biết năm rồi năm ở nơi đứt ruộc ấy
Em yên nghỉ dưới đêm trăng sáng
Trên ngọn đồi thông.
Thi sĩ Nguyên Chẩn phê phán: “ Tất cả những lời ta thương khóc Người ta yêu sau khi Người đã chết đều chẳng có giá trị gì..” Có thể Nguyên Chẩn phê phán đúng. Nhưng có còn hơn không. Lời thơ Việt Điệu Vong -- Khóc Vợ –  làm tôi cảm động. Về Thơ Việt, tôi thấy hay nhất, cảm động nhất, nổi tiếng nhất trong nửa cuối Thế Kỷ Hai Mươi có chúng ta sống, yêu, thù hận, đau khổ, sung sướng và chết là bài thơ nhiều người đã biết, là bài:
MẦU TÍM HOA SIM
Nàng có ba người anh đi bộ đội,
Những đưá em nàng, có em chưa biết nói.
Khi tóc nàng xanh xanh,
Ngắn chưa đầy búi.
Tôi là người chiến binh xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái.
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới,
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi.
Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lạí!
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ hiền bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương.
Tôi về không gập nàng,
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối.
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh.
Em ơi ! Giây phút cuối
Không được nghe em nói
Không được nhìn thấy nhau một lần.
Ngày xưa nàng thích hoa sim tím
Áo nàng mầu tím hoa sim
Ngày xưa một mình, đèn khuya, bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa.
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng.
Gió sớm thu về, gờn gợn nước sông.
Đưá em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng trông ảnh chị
Khi gió thu về
Cỏ vàng chân mộ chí.
Chiều hành quân qua những đồi hoa sim,
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.
Mầu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt.
Nhìn áo rách vai, tôi hát trong mầu hoa:
“ AoÙ anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu.”
Nghệ An 1949
HỮU LOAN

Bạn có thể nói:
- Mấy bài thơ anh đưa ra làm bằng chứng rằng tình vợ chồng vẫn có trên cõi đời này đều là những bài thơ mấy ông thi sĩ mần khi bà vợ của mấy ổng đã chết. Có thấy ông nào mần thơ tỏ tình yêu với vợ khi bà vợ còn sốâng nhăn đâu?
Tôi cũng thấy như dzậy nhưng xin thưa như dzầy:
“Khi ta yêu nhau và ta được yêu nhau, ta chung sống với nhau trong yêu đương và yêu thương - Nói rõ hơn khi ta yêu nhau chăm phần chăm, yêu nhau vảnh cát suya vảnh cát, yêu nhau suốt ngày đêm, ta không cần nói ta yêu nhau. Đúng thôi. Ta đang yêu nhau, cần gì ta phải nói ta yêu nhau. Nhưng đúng hơn ta phải nói ta yêu nhau cả trong lúc ta đang yêu nhau, ta phải ca tụng Tình Yêu khi ta đang có Tình Yêu, không nên để khi mất Tình Yêu ta mới thương khóc Tình Yêu.”
Thu về trên Rừng Phong, những giàn lá phong xanh ngả mầu vàng...
Phong diệp thiên chi phục vạn chi,
Giang kiều yểm ánh mộ phàm trì.
Ưùc quân tâm tự Tây giang thủy,
Nhât dạ đông lưu vô yết thì.
Lá phong ngàn cành đến vạn cành,
Bên cầu thấp thoáng cánh buồm xanh.
Nhớ Em  như nước Tây giang ấy,
Sớm tối về đông vẫn chẩy nhanh.
Hổng phải thơ tôi. Thơ của Nữ thi sĩ Ngư Huyền Cơ đời Đường, người sống, yêu, mần thơ, và chết trước tôi sỉu sỉu có một ngàn lẻ hai ba trăm mùa lá rụng. Nàng tả cảnh Rừng Phong của nàng, tôi mượn Thơ nàng để tả cảnh Rừng Phong của tôi. Như tôi mượn Thơ Nguyên Chẩn, Thơ Tô Đông Pha, Thơ Hữu Loan để viết về Tình Yêu Vợ Chồng trong thời đại tôi sống, tôi yêu.
Tôi gửi bài Thơ Áo Anh sứt chỉ... đến những cặp vợ chồng yêu thương nhau trên cõi đời này.
Tôi  gửi bài Viết ở Rừng Phong hôm nay, một ngày Xuân 2007, đến những cặp vợ chồng không yêu thương nhau.
HOÀNG HẢI THỦY
(Virginia, USA) 

No comments: