Viết cho những người tôi quí trọng
Mặc Nhân TVC
Y như rằng cứ năm ba ngày, gần như đúng thời điểm qui ước lối 9, 10 giờ sáng trong một khu vườn dừa vắng vẻ, là tôi thấy thằng cha Bỏ Lác mình trần trùi trụi, chỉ một cài quần đùi lửng cửng để bày ra những chỗ không che đậy những mảng da sần sùi đầy lác, ưng ửng đỏ chỗ nầy, xám xịt chỗ kia, nhày nhụa chỗ nọ...lửng thửng đi ra hướng bờ sông.
Rồi cũng y như rằng sau đó vài phút con mẹ Út Điệu lại theo con đường của thằng cha Bỏ Lác nầy ra bờ sông. Cũng nên nhìn kỹ con mẹ Út Điệu nầy một chút. Thoạt nhìn ta thấy ả ta với bộ quần áo te tua, rách nát, đầu tóc rối bù, thì quả thật con mẹ nầy không có chỗ xếp hạng trong cái xã hội dù là cái xã hội cùng cực ở cái hốc bà tó hẻo lánh nầy, nhưng nếu nhìn kỹ một chút, mà phải với đôi mắt cảm quan của một thằng đàn ông chính cống, thì lại khác.
Chính là dáng vóc của một Ê-va, đáy thắt lưng ong, thêm vào cái áo túi củng cửng lại rách toạt một đường dưới nách, vô tình để lộ một phần hình hài với đầy đủ sức khêu gợi cho đám mày râu. Chưa hết, qua vẻ mặt dù có biến đổi với thời gian, tiều tuỵ vì cơ cực nhưng còn sót lại ở con mẹ nầy đôi mắt lá râm muôn đời quyến rủ.
Có một cuộc hò hẹn nào cho hai người nầy chăng? Nếu không sao lại có sự trùng hợp về thời điểm và địa điểm khích khao như thế? Mà hẹn để làm gì ngoài kia bờ sông vắng lặng chỉ có sóng vỗ bờ xa, gió ghềnh lau lách. Nói quấy mà nghe, Út Điệu cũng đang có chồng sờ sờ ra đó không lẽ đi ngoại tình? Mà dù có tư tình thì trời đất quỹ thần ơi hết đàn ông rồi sao mà quơ thằng cha Bỏ Lác nầy với hình hài của thằng chả như vậy mà làm sao có thể ca bài ca con cá...tình...nào cho anh .....tình nào cho em!!! Thì quả là khó hiểu.
Tôi không dằn được sự tò mò lần theo dấu hai người. Nơi đây tôi có một cái chòi chứa củi nhỏ đủ chỗ chứa năm ba bó lá dừa, mấy chục ôm củi khô phòng khi mùa mưa gió hàng năm. Tôi vào trong chòi củi, vừa đúng lúc tôi nghe tiếng thì thầm phía sau tấm vách lá, nơi đây có một cây dừa de ra mé sông. “Làm cho rồi đi”. “Gì gấp dữ vậy?”. Lại nghe “Thằng chả ở nhà từ sáng tới giờ chưa ăn cơm”. “Ừa thì làm, mẹ tổ hối hoài, mất hứng, xụi lơ”. Đúng là giọng nói của hai người mà tôi theo dõi đây.
Thế là tôi hiểu. Một cuộc hò hẹn trai gái. Không lạ gì chuyện nầy. Ở thôn quê tôi ngày xưa chuyện trai gái, gà vịt ...xảy ra như cơm bữa, với bất cứ thành phần nào. Từ những ông già đạo mạo, những ông làng ông xã, những tay địa chủ giàu có, những thằng lưu manh cờ bạc rượu chè cho đến những bà goá chồng, những bà còn chồng mà còn rửng mỡ cả đến những cô cậu choai choai.... vẫn vụng trộm mèo mã gà đồng.
Thế nhưng cái cặp nầy sao tôi thấy không nằm trong đối tượng nêu trên. Nhưng thôi, chuyện đời mà cái gì cũng có thể xảy ra. Nhân tình thế thái mà. Tôi mãi suy nghĩ viễn vong thì tôi lại nghe không phải thì thầm nữa mà có lẽ hai anh chị nghĩ là nơi đây là giang sơn hay là đỉnh vu sơn của riêng mình nên thản nhiên lớn tiếng như trong buồng riêng hay chỗ không người. “Sướng hông”. “Lẹ lẹ đi cha nội”. “Thấp xuống một chút đi. Ừ được rồi”.
Rồi im lặng. Một lúc lâu sau tôi lại nghe. “Mốt tao qua nữa”. “Đưa tiền đi”. ”Nè”. Thế rồi sau đó nhìn từ nhà củi, tôi thấy kẻ trước người sau đủng đỉnh theo lồi mòn cũ ra về. Cái vạt áo sau của con mẹ Út Điệu còn vắt trong quần. Tôi cũng ôm vội vài bó củi đem về nhà.
Bỏ Lác không biết ai sanh ai đẻ mà vừa mấy ngày chào đời đã được quấn trong một cái khăn tắm mỏng te bỏ ngoài chợ. Một bà bán cháo lòng thấy không ai nhận nên ôm về nuôi đặt tên là Bỏ, ý muốn nói là thắng nhỏ bị bỏ ngoài chợ. Bà không con, nhà cũng không khá giả gì. Vợ bán cháo lòng buổi sáng. Chồng làm thuê làm mướn suốt ngày. Bỏ Lác vẫn sống, vẫn lớn theo năm tháng nhưng èo uột, ốm yếu và bị lác ăn từ 7, 8 tuổi. Lác càng ngày càng lan rộng, từ tay chân mình mẩy, trong nách, trong háng kể cả các chỗ kín mặc cho Bỏ gảy, gảy suốt ngày, suốt đêm và thói quen gảy của Bỏ thành quán tính. Rồi từ đó Bỏ mang thêm tục danh Bỏ Lác.
Bỏ Lác lên 18 tuổi, ba má nuôi Bỏ Lác mất. Một bà nhà giàu đem Bỏ Lác về xem như người ở đợ, làm mọi công việc trong nhà. Đã quen với số phận, Bỏ Lác là một tên ở đợ trung thành, cần cù với công việc, không hề tham lam sai trái. Bà chủ cũng thương nên cho phép Bỏ Lác nếu có ai thuê làm việc riêng cứ đi làm kiếm tiền thêm. Bỏ Lác cũng được dân trong làng thương mến vì mỗi lần trong làng có chó điên là Bỏ Lác có phận sự đi đập chết rồi đem chôn. Có dịch trâu bò cũng chính Bỏ Lác chớ không ai khác xử lý. Thậm chí có người thuộc hạng “sinh vô gia cư tử vô địa táng” chết bờ chết bụi, cũng chính Bỏ Lác mang vào “đất cúng” để chôn cất.
Đấy, thân thế của Bỏ Lác như vậy. Bỏ Lác là một loại mà khi cần thì người ta nhớ đến, khi không cần thì là cặn bả của xã hội. Bỏ Lác không bận tâm điều nầy vì Bỏ Lác vẫn là Bỏ Lác. Nhưng có một điều Bỏ Lác lại không thể bỏ qua được. Đó là khi trưởng thành, Bỏ Lác vẫn bị dằn vật bởi nhưng cơn sóng ngầm của thằng đàn ông mới lớn, tuy âm thầm mà dữ dội, triền miên thôi thúc...
Bỏ Lác biết lắm, biết phải làm một cái gì đó để giải toả các cơn đòi hỏi càng ngày càng cấp thiết hơn. Nhưng khốn nổi, việc giải quyết nầy không thể đơn phương mà cần phải có một đối tượng ưng thuận. Điều kiện nầy đối với Bỏ Lác lại là một vấn đề nan giải vì nhiều lẽ. Thứ nhất: Sự đồng thuận tự nguyện của một người khác phái đối với con người nhớp nhúa như Bỏ Lác là không thể. Thứ hai: Còn qua sự mua bán cũng không thể vì món hàng bán ra dù không thuộc cao cấp nhưng với Bỏ Lác, con người trong túi không bao giờ có trên 5 xu, thì với thời giá bấy giờ gia tài của Bỏ Lác không đủ để mua món hàng nầy dù cho thuộc loại cũ mèm. Bỏ Lác ơi là Bỏ Lác, số của chú mầy sao hẩm hiu như vậy.
Còn con mẹ Út Điệu thì sao? Quả là cùng với ngôi sao Bỏ Lác, ngôi sao Út Điệu cũng cùng chung một hệ sao xấu trên cõi đời nầy. Út Điệu vốn tên cha sanh mẹ đẻ là Út đơn giản vì Út là đứa con chót trong một gi đình bần hàn, khố rách áo ôm. Sanh ra từ một gia đình nghèo rớt mồng tơi, nhưng Mụ Bà nắn lộn cho Út một khuôn mặt khả ái. Đôi mắt phượng xênh xếch, lông nheo cao vút, nhất là một thân hình thon thả, đáy thắt lưng ong, đôi chần dài ngoằn. Từ cái chỗ ỏng ẹo trời sanh của nó, nó được gọi là Út Điệu hồi nào nó hổng hay. Mà chính Út Điệu cũng không quan tâm đến cái mỹ danh nầy.
Nhưng trái lại, có quá nhiều người quan tâm đến cái ỏng ẹo trời sanh nầy của Út Điệu lắm. Từ mấy thằng con trai mới lớn, những công tử bột trong làng cho đến những thằng cha cày sau cuốc bẫm...có vợ hay chưa thậm chí mấy ông già dịch....tất cả đều công khai hay giấu trong bụng ai ai cũng rắp tăm bắn sẻ. Cho nên cái con ... sẻ Út Điệu nầy mới vừa biết bay thì đã ong hoa bướm lại biết bao lần. Rồi thì những trận đòn ghen, những cơn trả thù nghề nghiệp, những cuộc đấu đá tranh gái...đã biến Út Điệu thành con đĩ thập thành hồi nào...Út Điệu cũng không hay. Đến một ngày cái nụ hoa hàm tiếu trước kia đã biến thành hoa tàn nhuỵ rữa. Út Điệu giờ đây đã là một thứ rác rưởi bỏ đi.
Út Điệu vất vơ vất vưởng đầu đường xó chợ thì tên Năm Nhọn, một người đã từng theo đoàn hát bội thủ cây đờn cò và chuyên làm quân chạy cờ. Một hôm kép chánh thủ vai Hạng Võ trong vở Hạng Võ biệt Ngu Cơ....ăn sò huyết nhiều quá chột bụng. Ông bầu túng thế bảo Năm Nhọn thay thế. Năm Nhọn trong vai Hạng Võ đã làm cho khán giả say mê. Ông bầu cất nhắc Năm Nhọn lên vai chánh. Trời không chiều người, chiếc ghe chở đoàn lưu diễn bị bão nhận chìm. Gánh hát tan. Năm Nhọn vở mộng nghệ sĩ về quê không làm quân nữa mà làm... mướn.
Về quê, Năm Nhọn gặp lại Út Điệu khi còn thanh niên là người trong mộng nhưng không có điều kiện được gần người đẹp. Nay Út Điệu lại xuất hiện và sau một cuộc truy hoan chớp nhoáng hai người đã trở thành đôi tri kỷ. Một cuộc tình muộn dù có trễ tràng một chút nhưng cũng vẫn là một cuộc tình đẹp. Trai anh hùng gặp gái tứ chiến âu cũng là một cuộc tình duyên tiền định. Chàng, ngày ngày làm thuê làm mướn, nàng bắt óc hái rau....đêm về cùng nhau ca những bản tình ca muôn thuở. Hạnh phúc biết bao.
Nhưng đối với vận hạn của Năm Nhọn một lần nữa, trời lại không chiều người. Trong một lần vác lúa mướn từ chành xuống ghe, Năm Nhọn bị té từ “đòn dài” xuống sông. Xương sống gảy, liệt nửa người nằm một chỗ, không lâu sau lại mù cả đôi mắt. Hoạ vô đơn chí. Giờ đây chính Út Điệu lại phải gồng gánh hết sự bất hạnh. Thuốc men, cơm nước cho người chồng bạc số ....bằng cách nào? Vốn liếng không. Nghề cũng không. Bằng vào nghiệp cũ ư? Có ai đâu còn đoài hoài đến một đóa phù dung đã rữa tàn???
Có!!! Lần nầy Trời lại chiều người. Đó là Bỏ Lác. Tội nghiệp, Bỏ Lác thèm đàn bà quá nên không phân biệt đẹp xấu, già trẻ bé lớn, tật nguyền gì cũng được miễn là ....đàn bà, nhưng có một người đàn bà nào chịu cho Bỏ Lác sờ mó vào mình đâu thậm chí Bỏ Lác chỉ nhìn vào họ, là họ chửi vào mặt. Giày dép còn có số, nên con người cũng có số. Số đây là một hôm, Bỏ Lác cầm một xấp lá chuối khô đi lẻn vào vườn dừa người ta để giải quyết bầu tâm sự thì lại gặp Út Điệu cũng đang xuống mương để xúc cá trộm. Một cuộc gặp gỡ lịch sử, tạo ra một cuộc tình duyên lịch sử. Bỏ Lác nhìn xuống mương thấy Út Điệu mình mẩy ướt nhẹp đang chao rổ bắt cá. Khốn nỗi cái áo túi trắng mỏng tanh, cụt ngủn dán sát vào thân hình con mẹ nầy để lồ lộ đồi núi trập trùng.
Út Điệu áng chừng học được bí quyết của Tú Bà khi dạy Kiều “Bảy bước thành công” hay sao mà giả vờ kéo vạt áo lên lau tóc để cho Bỏ Lác mặc sức nhìn hai gò bồng đảo căng tròn. Bỏ Lác đánh mất ba hồn bảy vía, ngẩn tò te ra nhìn cái mà Bỏ Lác thèm khát từ lâu. Út Điệu biết đã hóp hồn anh chàng nầy rồi nên cười mơn, nhăn răng hỏi: “Muốn hông”. Bỏ Lác ấp úng không trả lời được nhưng ánh mắt rực lên một tia dục vọng. Út Điệu lại ra giá “Có 5 xu hông”. Móc trong túi ra, Bỏ Lác đếm, mừng quá “Có, vừa đúng 5 xu”. Út Điệu leo lên bờ, đi trước hướng về bờ sông, day lại nói “Một cái thôi nghen”. “Ừa”.
Thế là cuộc trao đổi mua bán hàng hoá theo dạng cổ điển được hai người nầy thoả hiệp đều đặn. Tiền trao cháo mút. Giá cũng hơi bèo nhưng tiền nào của nấy. Cả hai đều bằng lòng. Thằng cha đàn ông lác hòm nầy cứ nghĩ là mình sẽ chết già trong sự thèm khát đàn bà, chợt thấy cuộc đời lên hương có được những phút tột đỉnh Vu sơn bên người đẹp. Con mẹ đàn bà cũng vậy những tưởng hoa đã tàn nhuỵ đã rữa nào ngờ còn có một chàng trai thanh tân nâng niu âu yếm.... mình mẫy có nháp nhúa một chút nhưng không sao vì mọi vận hành đều bình thường.....Nhất là, đây là điều cốt yếu, là mỗi lần trao đổi hai bên đều có lợi như vậy, Út Điệu có được 5 xu để đem về mua gạo nấu cơm nuôi người chồng đau yếu mù loà.
“Ụa, sao mà thằng cha Bỏ Lác nầy mấy ngày hổng qua ta!!!”. Út Điệu lo, rất lo vì từ ngày hôm qua nhà hết gạo, cứ nấu canh rau cho thằng chồng ăn mà không có cơm, tội nghiệp thằng chả xót ruột quá. Út Điệu trông cho Bỏ Lác đến hẹn lại lên. Mà sao không thấy. “Thôi mình qua kiếm thằng cha lác nầy dụ thằng chả “một cái” để kiếm tiền mua gao”. Nghĩ là làm. Út Điệu qua bên kia rạch đến nhà Bỏ Lác ở đợ, không dám vô, đứng ngoài vườn rình. May qua, Bỏ Lác vác cái phảng đi ra.
“Ê, tao nè, Lác”. Bỏ Lác đến: “Trời ơi, đi đâu vậy?”. “Sao lâu quá mầy hổng qua tao”. “Tao muốn qua mà hổng có đủ tiền”. “Mầy ngu quá, chơi chịu cũng được”. Bỏ Lác cười. Út Điệu nói “Nói thiệt mầy tao hết tiền mua gạo mà thằng chả thèm cơm quá, tao qua rủ mầy qua bển để....” Bỏ Lác trợn mắt nhìn Út Điệu, nhăn nhó một chút rồi nói “Nói thiệt mầy tao còn có ba xu nè....mầy cầm vìa mua gạo nấu cơm cho thằng chồng mầy nó ăn đi...” Bỏ Lác móc túi đưa hết số tiền cho Út Điệu mà không cần phải đếm. Đếm làm chi, 3 xu có bao giờ lộn được. Út Điệu nhanh nhẹn thò tay lấy số tiền ánh mắt long lanh vui sướng “Ê, theo tao về bển ...làm nghen? Tao cho mầy bớt giá đó”. Bỏ Lác lắc đầu “3 xu nầy tao cho mầy mua gạo. Mai tao hái xoài cho ông cả Mót có tiền tao qua mầy. Thôi vìa đi”. Bỏ Lác vác phảng đi vào vườn. Út Điệu mừng rơn chạy đi mua 2 lon gạo.
Ngày hôm sau, cũng lối 10 giờ sáng, Út Điệu ngồi ngoài bờ vườn trông Bỏ Lác thì bỗng nhiên có tiếng mõ hồi một báo động có tai nạn trong xóm. Út Điệu vội chạy ra đầu lộ thì nghe nói “Thằng Bỏ Lác trèo bẻ xoài mướn cho ông cả Mót, xoài gảy nhánh, thằng Bỏ Lác té cắm đấu xuống đất chết tươi”. Út Điệu kêu “Trời!”. Nước mắt, những giọt nước mắt đầu tiên trong cuộc đời của Út Điệu lả chả tuông rơi. Út Điệu thẫn thờ trở về nhà như kẻ không hồn miệng lảm nhảm “Tao thương mầy lắm Lác ơi.”
Út Điệu khóc. Khóc cho Bỏ Lác. Khóc cho mình. Khóc cả cho chồng mình. Còn Bỏ Lác khi nhắm mắt có được những giòng nước mắt ân tình của Út Điệu chắc cũng đủ ấm lòng người ra đi.
Ba ngày sau khi thi thể của Bỏ Lác được vùi dập trong đất cúng, vào buổi sáng nay, người ta thấy một người đàn bà tiều tuỵ dẫn một người đàn ông mù, tay trái một cây gậy tre, tay mặt một cây đờn cò lần mò đến trước gò đất chôn Bỏ Lác, thắp một cây nhang. Xong, cả hai dìu nhau ra ngôi chợ nhỏ trong làng, chọn một gốc cây, ngồi xuống. Người đàn ông lên dây cây đờn cò thử dây xong rao hai ba câu oán. Người đàn bà lấy ra một cái lon sữa bò để trước mặt, ngồi bẹp xuống đất. Người đàn ông sau khi gỏ nhịp, tiếng đờn réo rắt thê lương, người đàn bà cất giọng ca theo điệu Chiêu quân: Như chim trời lẻ bạn. Chim bay về nơi vô định. Trong mây khói mịt mùng. Kiếp giang hồ, mỏi gót phong sương. Một chiều qua bến lạnh, bỗng nhớ đến một người....
Hát đến đây, người đàn bà không cầm được nỗi cảm xúc dâng trào, oà lên khóc, khóc nức nở, nước mắt chan hoà...trong khi tiếng đờn cò vẫn réo rắt oán thương áo não./-
No comments:
Post a Comment