Tuesday, May 17, 2016

Góc của Phan: Vài người đọc báo khác thường…

Góc của Phan: Vài người đọc báo khác thường…

_______________

Phan

Tôi còn nhớ thời làm báo, khi đi xin quảng cáo từ một cơ sở thương mại nào đó, thường người chủ không khó khăn gì nhiều về giá cả quảng cáo bởi quảng cáo đã có giá sẵn cho nửa trang hay nguyên trang, quảng cáo màu hay trắng đen. Có thể nói việc thương lượng về tiền bạc và số lượng báo cung cấp cho cơ sở thương mại rất dễ dàng đạt được thỏa thuận giữa đôi bên. Nhưng cái khó giải quyết nhất là cơ sở nào cũng muốn đưa quảng cáo của mình vào bên cạnh trang Tử vi. Có thương chủ nói thẳng thắn ra luôn là tôi chấp nhận trả tiền quảng cáo cao hơn giá biểu của tờ báo, trả trước cho tòa soạn một năm tiền quảng cáo cũng được. Nhưng phải đặt trang quảng cáo của tôi bên cạnh trang Tử vi và không được tự ý thay đổi trong thời gian hợp đồng…
Rất dễ hiểu điều này vì tất cả thương chủ đều là những người giỏi về kinh doanh nên đương nhiên đều hiểu việc trang quảng cáo của họ nằm cạnh trang Tử vi thì lượng người đọc thấy được cái quảng cáo của họ sẽ nhiều hơn cái quảng cáo nằm cạnh trang thơ, trang văn… Nghĩa là cái quảng cáo của họ đạt được hiệu quả cao hơn những quảng cáo khác, dù cùng chung trong cuốn báo…
Nhưng người làm báo nào dường như cũng miễn cưỡng khi phải làm việc về tài chánh để nuôi dưỡng tờ báo. Sau những giao dịch thương mại với khách hàng quảng cáo, người làm báo thường trở về đúng vị trí của họ là vui buồn với chữ nghĩa, trăn trở với thế sự, suy tư thời đại, băn khoăn về quê nhà… Trong hỗn độn cảm xúc, suy tư của một người làm báo, tôi vẫn không rõ được tại sao nhiều người đọc báo lại thích đọc trang Tử vi trong thời đại dường như ai cũng biết đó là chuyện không đâu! Nhất là “Tử vi phương tây” lại càng khó tin hơn, nhưng người ta vẫn cứ thích đọc trang Tử vi, chẳng kể là nam hay nữ, già hay trẻ, thuộc giới nào…
Đến một lần tôi rất bất ngờ với người đàn ông mà tôi biết ông ta là ai ở địa phương này! Ông trả tiền ở tiệm phở xong, ông hỏi cô bé tính tiền, “Có báo A không con, cho chú xin một cuốn?” Cô bé loay hoay với mớ báo chí (thường để dưới quầy tính tiền để chỉ cho khách hàng của tiệm và hạn chế cách lấy báo của thực khách vì nếu để báo ngoài quầy thì ai cũng lấy vài cuốn chứ không phải một). Cô bé trả lời, “Chú ơi! Con hết báo A rồi. Còn báo B thôi. Chú lấy một cuốn coi đỡ…” Miệng nói dứt câu thì tay cô bé đã chìa ra cuốn báo B. Nhưng tôi bất ngờ với câu trả lời của người đàn ông mà tôi biết, “Thôi. Cảm ơn con. Chú lấy báo A để xem tử vi cho vui, chứ báo B đâu có tử vi.”
Ông nói rồi bỏ đi để đến phiên tôi trả tiền vì tôi sắp hàng sau ông. Tôi không hiểu nổi một người thành đạt về thương mại ở địa phương, có tên tuổi trong cộng đồng ở địa phương… Thế mà ông ấy tin tử vi trên báo A được sao? Đó là trang “Tử vi phương tây” với những tiên đoán có vẻ như một trò chơi của học trò, nhóm trẻ con còn ở lứa tuổi mộng mơ hơn là chuyện nghiêm túc của người lớn!
Nhưng từ đó tôi để ý thì thấy được rất nhiều người đàn ông đọc trang tử vi trên các báo có trang tử vi. Và chuyện trong nghề thì tôi biết được nhiều báo trước đây có trang tử vi nhưng sau đó không còn nữa vì khách hàng quảng cáo nào cũng đòi đặt cái quảng cáo của mình bên cạnh trang tử vi. Toà soạn giải quyết không nổi cho hết khách hàng quảng cáo nên đành dẹp bỏ một trang vô bổ nhưng lại có nhiều người đọc.
Phần tôi chỉ giữ lại được sự thắc mắc riêng là sao thời buổi này mà người ta còn (tin) nên mới thích đọc những lời tiên đoán mù mờ trong những trang “Tử vi hôm nay của bạn”. Dường như sống trong môi trường hiện đại, xã hội văn minh, nhịp sống nhanh và đầy căng thẳng nên tâm linh của ai cũng bơi trên dòng nước ngược như đời thực mỗi ngày đầy dẫy những lo toan. Đó là lý do nhiều người bám víu vào huyền bí, thậm chí là mê tín dị đoan. Dù đó là người thành công hay thất bại, nam hay nữ, độ tuổi không thành vấn đề…
Cho đến một hôm. Tôi làm việc chung với một người bạn. Anh ấy là người tử tế, vui vẻ với mọi người. Nhìn đến gia đình anh rất đàng hoàng, khá giả. Tôi hoàn toàn không ngờ khi nghe anh nói, “Tôi thích đọc cái mục tìm bạn bốn phương lắm ông ơi! Tuần nào không lấy được báo để đọc mục đó là tôi thấy thiếu thiếu cái gì đó trong đời sống hàng ngày…”
Tôi nói, “Bộ anh chán sống với bà xã của anh rồi hả?”
Anh ấy vừa làm việc, vừa tâm sự, “Trời ơi! Anh làm báo mà sao không biết tâm lý bạn đọc gì hết vậy, hay tôi là một bạn đọc khác thường? Để tôi nói cho anh nghe, mỗi lần tan hãng mà anh em làm chung rủ rê nhau ghé nhà ai đó làm vài chai bia, hay kéo nhau ra quán để thanh toán chuyện cá độ thể thao của mấy người làm chung với nhau là những cuộc vui tôi rất thích, nhưng đã từ lâu lắm rồi tôi không được tham gia vì tôi phải về cho kịp đón con. Đón con về được tới nhà là lo cơm nước, con cái cho tới tối hù vợ tôi mới về. Chính những lúc ngồi đợi vợ về ăn cơm là những lúc tôi tức giận không được đi quán để bù khú với anh em, những khi đói meo còn phải lau nhà trong lúc đợi cơm… Tóm lại là những lúc thất vọng về hôn nhân, cuộc sống, gia đình. Thay vì buông bỏ thì tôi lại đọc báo, và chỉ đọc mục tìm bạn bốn phương. Bởi đọc qua mục ấy mới thấy nỗi khổ, sự bất hạnh của biết bao người còn đang lần mò đi tìm một cuộc sống mà mình đang có. Vợ đi làm nail thì về trễ chứ có phải đi chơi đâu mà trách, con còn nhỏ thì phải chăm sóc nhiều cũng là lẽ đương nhiên. Từ những lúc ngồi bình tâm suy nghĩ về vất vả, bất hạnh của người khác mới thấy ra hạnh phúc và may mắn của mình…”
Cứ nghĩ tới anh bạn dễ thương, vui vẻ ấy. Dường như lòng tôi cũng chùng xuống nỗi cảm thông với những người đã dư tuổi đời cho chuyện hôn nhân nhưng còn bơ vơ trên đường tình duyên nên phải nhờ tới mục “tìm bạn bốn phương”.
Và trong những người đàn ông đọc báo khác thường là đàn ông thường quan tâm tới chính trị, thể thao, trang kiến thức hay sản phẩm mới… Những người đàn ông đọc Tử vi hay Tìm bạn bốn phương không hẳn họ không có chính kiến với thời sự; không muốn tìm tòi hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Những người đặc biệt ấy có lý do riêng hơn là sự phán xét nông cạn của người khác về một người khác thường.
Và người đàn ông đọc báo khác thường nhất thì tôi đã gặp sáng nay. Sáng nay đi ăn phở sớm với người bạn. Chính vì sớm nên tiệm còn thưa khách. Chính anh chủ tiệm bưng phở ra cho chúng tôi. Nhưng miệng anh lại hỏi người khách khác đang trải hết tờ báo ra bàn. Sao? Cáo phó, phân ưu hôm nay… có ai quen không, ông già?”
Người được hỏi, trả lời anh chủ tiệm phở: “Không anh ơi! Thôi thì cứ cảm ơn những người đã chết một lời cho tử tế cũng đâu có sao!”
Tôi nhìn kỹ lại người đàn ông đã luống tuổi. Ông đạo mạo như một mục sư, phong cách nho nhã, chẳng có dấu hiệu tâm thần nào qua dáng vẻ của ông. Sao ông lại có những suy nghĩ, lời lẽ lạ lùng đến thế! “Thôi thì cứ cảm ơn những người đã chết một lời cho tử tế cũng đâu có sao!”
Dường như ông đã khơi dậy hết sự tò mò trong tôi nên tôi bắt chuyện, “Anh có thể cảm ơn được những người đã chết thật sao?”
Ông ta trả lời tôi, “Tôi còn không biết họ là ai. Nhưng sáng nào 
tôi cũng đọc báo. Và tôi chỉ đọc trang Cáo phó, phân ưu. Toàn những người không quen. Nhưng tôi đều gởi đến họ một lời cảm ơn chân thành nhất của tôi. Vì sự ra đi của họ đã nhắc nhở cho tôi sự vô thường của kiếp người. Cái chết đến bất ngờ như nắng, như mưa. Lúc còn sống ai cũng có những ước mơ toan tính, những tranh giành hơn thua, những vui buồn ganh ghét. Để rồi bỗng dưng trở thành những cái xác vô tri chờ đem đi hỏa táng hay chôn vào lòng đất lạnh. Họ đã đem chính sinh mạng của họ ra để nhắc nhở cho tôi sự vô thường của cuộc đời là điều quan trọng nhất nhưng lại là điều con người vô tâm nhất. Như vậy những người vừa qua đời là đáng trân trong nhất, vì sự chết của họ là một nhắc nhở cho những người còn sống về sự vô thường. Và người ta chỉ sống tốt hơn khi tỉnh ngộ được sự vô thường của trời đất, kiếp người…
Tôi chỉ đọc trang Cáo phó, phân ưu. Và cảm ơn những người đã chết. Chuyện quen biết hay không với họ đâu có quan trọng.”
Câu trả lời của một người không quen như viên thuốc cảm sau khi mắc trận mưa mùa. Tôi chỉ nói với ông, “cảm ơn anh đã nói ra được điều tôi có nghĩ đến nhưng không biết trình bày. Coi như tôi chỉ mới biết cảm ơn người còn sống. Tôi sẽ suy nghĩ nhiều hơn nữa về suy nghĩ của anh, -hãy cảm ơn những người đã chết một lời cho tử tế…”
Ông ấy đi rồi, người chủ tiệm phở nói với tôi, “Ông ấy bị đột quỵ lần thứ ba rồi, nhưng may mắn không chết. Bây giờ đâu làm được việc gì nữa, cứ thơ thẩn qua ngày, suy nghĩ lan man… Ngày nào cũng chỉ đọc trang Cáo phó, phân ưu… rồi cảm ơn những người đã chết…”
Tôi ừ hử cho qua chuyện với anh chủ tiệm phở. Nhưng kỳ thực trong tôi lại nghĩ đến ảo vọng thường chiếm lĩnh hết tâm trí con người. Nên sau ba lần đột quỵ mà không chết thì ông kia mới gột bỏ được ảo vọng của đời sống để sống những ngày còn lại của đời ông một cách tự tại đến có thể cảm ơn những người đã chết. Hình như đã có một văn hào nào đó đã từng nói, “trong mắt người điên chỉ có họ là người tỉnh táo, còn lại là cả nhân loại điên loạn.” Nhưng tôi vẫn cứ tin ông kia không phải người điên; một người tội nghiệp trong thế giới đảo điên thì đúng hơn…

Phan

2 comments:

Anonymous said...

Bài viết hay và đúng như thực tiển , " Góc của Phan " mà , ... tui nhớ hồi mới qua tỵ nạn ( chắc giờ cũng còn y vậy ) tui có bà bạn thâm niên người bản xứ , độc thân mỗi lần bà đọc báo , trang đầu tiên là đọc cáo phó , trang thứ 2 là xem tử vi , thứ 3 là tìm bạn bốn phương , rồi sau đó là tin xe ...cán chó vv... Tui thì rất sợ xem những tấm hình trong trang cáo phó , nhứt là nhìn cặp mắt ! , hỏi sao bà đọc nó ...ờ ...ờ ... vì giờ ai cũng luống tuổi , muốn biết ai còn ai mất đó mà , hể mỗi lần gặp nhau , sau chào hỏi là y như rằng ...ai đó vừa mất , ai vừa vô bệnh viện ...

Bây giờ thời đại điện tử vô " phây " lại có mục đắt như tôm tươi , người ta mê như bánh mì mới ra lò , đó là : bạn là người như thế nào ? Người ta nghỉ gì về bạn , bạn có bao nhiêu người yêu , bạn giàu cở nào vv... Mà nó cứ như tử vi , đọc xong người ta " phê" lơ lững trên mây ... Mà thiệt nhen , cứ coi cái mững ... cá chết , hoá chất trong thức ăn , cướp của , giành giật , bạo quyền ... Thiệt là tình , vậy đi nghen ...
Cô 5 BĐSK

Anonymous said...

Bài viết của anh đúng tâm trạng... Tui !
Hay đó anh ơi ! Ý nghĩ mà anh cho tui mói nhớ đến, xin cảm ơn lòi gọi ý.
Sn