____________
TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Mùa thu chợt đến với gió heo may se lạnh, nhưng cơn nắng
hạ miền Nam Cali vẫn chưa chịu từ giã ra đi. Tôi đến đón cô cháu nội trong ngày
khai giảng của một trường tiểu học ở Garden Grove. Đứng đợi trước cổng trường,
tôi nghe hơi thu lành lạnh mà nhớ đến những mùa tựu trường năm xưa ở quê nhà, nhớ đến bài viết của nhà văn Thanh Tịnh:
TÔI ĐI HỌC: Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học…
Tôi cũng nhớ đến hình ảnh cậu học trò
nhỏ nước Pháp đến trường vào một ngày mùa thu, khi đọc bài viết của văn hào Pháp,
Anatole France:
NGÀY KHAI TRƯỜNG (Chuyển ngữ tiếng Việt bài LA RENTRÉE) (1): Tôi
sẽ kể điều khiến tôi nhớ lại, hàng năm khi bầu trời chuyển mùa sang thu với lá úa vàng trên cành cây run rẩy… Tôi sẽ kể điều tôi đã nhìn thấy khi đi qua vườn Lục Xâm
Bảo vào những ngày đầu tháng Mười, khi bầu trời hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết.
Bởi khi đó những chiếc lá rơi từng cánh trên đôi vai trắng ngần của bức tượng
đá…
Tôi sẽ kể những điều tôi nhìn thấy khi đi qua khu vườn
ấy, chính là hình ảnh cậu bé, tay ủ trong túi quần, túi sách mang trên vai, đi
đến trường với những bước chân chim sẻ tung tăng nhảy nhót. Ý tưởng này chỉ có
tôi cảm thấy; bởi cậu bé ấy chỉ là chiếc bóng; chiếc bong của chính tôi lúc bấy giờ, của hai mươi lăm năm về
trước…
Đã
hơn nửa thế kỷ rồi, kể từ khi tôi học những đoạn văn ấy ở quê nhà, chiều hôm
nay tôi chợt thấy mình đứng trước một ngôi trường tiểu học ở xứ Cờ Hoa. Trong sân
chơi, vang vang tiếng vui đùa thích thú của những cô cậu học sinh chạy nhảy trên
sân trường, rộng thênh thang và tràn ngập nắng vàng. Trong quá khứ, suốt những
năm tiểu học ở quê nhà, tôi chưa từng được chạy nhảy thoải mái trên những sân
trường bao la như thế!
****
Nếu
ai hỏi tôi từng học trường tiểu học nào ở Việt Nam, tôi xin thưa rằng tôi đã cắp
sách đến nhiều lớp, nhiều trường khác nhau.
Vào
một ngày đầu thu sau Thế chiến thứ hai, Mẹ tôi đưa tôi đến trường tiểu học Sông
Cầu , tỉnh Phú Yên, ghi danh vào lớp Đồng Ấu. Trời thu hôm ấy có điểm chút mưa
phùn nhè nhẹ. Mẹ cho người giúp việc ra bến gọi một chiếc xe kéo để đưa hai mẹ
con đến trường. Khi qua đồn lính, tôi nghe tiếng kèn đồng thổi vang, và lá cờ tam tài
của Pháp từ từ được kéo lên. Dù đang ngồi trong xe với Mẹ, tôi cũng đưa tay lên
trán chào, như những người lính trong đồn.
Cảnh tượng chào lá cờ tam
tài - cờ của “thực dân Pháp”- sau năm 1945 tôi không dám kể lại cho bạn bè lúc
còn trong vùng Việt Minh. Bởi tôi e sợ chúng sẽ báo cáo cho thầy giáo đảng viên
phụ trách lớp. Mãi đến gần bảy mươi năm sau, tôi mới có dịp chào lần nữa lá cờ
của một quốc gia biết tôn trọng“Tự Do-Bình Đẳng-Tình Huynh Đệ”(Liberté, égalité, fraternité ) khi đi
du lịch Paris.
Sau
ngày “toàn quốc kháng chiến” 1946, tôi theo gia đình “chạy giặc” từ Phú Yên về
Bình Định trên chuyến xe lửa cuối cùng, trước khi cầu đường bị phá sập. Tại đây,
tôi tiếp tục học lớp Hai tại trường An Lương, huyện Phù Mỹ - theo chương trình
mới ở vùng Việt Minh. Đêm đêm theo cô giáo đến trường với chiếc đèn ve chai thắp
sáng bằng dầu dừa. Thuở ấy tôi chỉ là cậu
bé bảy tuổi, nhưng đã cảm nhận được vẻ đẹp cảnh rước đèn của toán học sinh đến trường thời
kháng chiến. Về sau, nghe bài hát Đêm Hoa Đăng của nhạc sĩ Cung Tiến khiến tôi nhớ lại cảm giác thời thơ ấu
năm xưa:
Trên đường vào thôn vắng
Vương dày đặc tơ trăng
Tưng bừng Hội Hoa Đăng
Muôn ánh đèn hoa, muôn tiếng cười, muôn tiếng ca…
Đến năm lớp Ba, tôi học trong
một ngôi trường ở thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, nằm cạnh quốc lộ 1. Mỗi buổi sáng tôi ngắm nhìn
chiếc xe đò ì ạch lăn trên đường. Thời gian ấy, cuộc chiến tranh Việt Pháp bắt
đầu tăng cao, gây nên nạn thiếu xăng. Nhưng chủ xe vẫn cố gắng duy trì giao thông
đường bộ, với loại xe đò chạy bằng than!
Mỗi chiếc xe có một thùng
sắt đặt phía sau, cao gấp đôi chiếc thùng “phuy”. Bên trong chứa than củi được
đốt cháy. Thỉnh thoảng, những tàn lửa từ chiếc thùng nóng bỏng theo gió tung bay.
Hồi ấy tôi rất thích hình ảnh này, bởi chiếc xe giống như con rồng, bụng chứa đầy
hành khách, trên lưng chất đầy quang gánh thúng mủng. Thỉnh thoảng con rồng phì
phò phun ra những tia lửa, trông như cảnh đốt pháo bông mà tôi đã đọc thấy
trong sách vở.
Đến năm lớp Bốn, tôi theo
Ba Mẹ di chuyển đến thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Nơi đây, lớp học là một
mái nhà tranh không vách, đơn sơ, bàn học xiêu vẹo. Cầu
Bồng Sơn bắt qua sông Lại Giang, không xa trường học của chúng tôi là mấy. Đến mùa hè nước
cạn, tôi theo các bạn đi đá bóng ở bãi cát dưới lòng sông. Dọc theo bờ nước sâu, có những bánh xe bằng
tre thật lớn kéo nước quay tròn, dính chặt những ống tre tự động đưa nước từ lòng
sông lên tưới những bãi mía, nương dâu, ruộng bắp trên bờ .
Thời kháng chiến chống Pháp,
con sông này là đề tài những câu chuyện đồn đoán rùng rợn. Đó là khi mùa nước cạn,
người ta phát giác bao bố đựng xác người. Những vụ thanh toán dã man ấy thật xa
lạ với trí óc non nớt và trong trắng của chúng tôi thuở ấy. Nhưng thảm cảnh này,
trong suốt những năm chiến tranh vẫn thường xảy ra. Cho nên từ đó phát sinh một
danh từ mới. Trong những vụ thanh toán nhau, người ta bí mật “bỏ bao bố”, cho “đi
mò tôm” dưới lòng sông khi mùa nước lớn.
Vào năm cuối Cấp Một ( bậc
tiểu học), tôi theo cha mẹ đến vùng cao,
gần thượng nguồn sông Lại Giang. Đây là
miền quê hẻo lánh, nghèo nàn, xa biển và có nhiều vườn cây trái. Cho nên mới có câu ca dao:“Ai về nhắn với nậu
nguồn/Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”. Cư dân phần lớn là những gia đình chạy
trốn chiến tranh. Ngoài ra cũng có những viên chức, cán bộ làm việc trong bộ máy
hành chánh Việt Minh đưa gia đình đến cư ngụ nơi đây.
Trong lớp học mà nam sinh ít
hơn nữ sinh, tôi được cô giáo xếp đặt ngồi cạnh bé Dung, con gái một cán bộ theo
kháng chiến từ những ngày đầu “cách mạng mùa Thu 1945”. Mẹ cô bé theo bố mẹ từ
Miền Bắc lưu lạc vào đây, lập gia đình và mở một quán nhỏ bán nước dừa tươi, nước
chè, bánh kẹo… Khách đi công tác muốn
thi vị hoá chiếc quán nơi vùng keo cư hẻo lánh này, đã lấy tên bản nhạc của Lê
Trọng Nguyễn đặt cho quán. Đó là bản Quán Bên Đường - một bản nhạc chép tay, được
phổ biến rộng rãi trong thời Việt Minh. Trải qua bao năm tháng, bao tang thương
biến đổi của đất nước, của cuộc đời, tôi vẫn còn nhớ bản nhạc nổi tiếng thời ấy:
Đây quán bên đường, mái khói lam chạnh nỗi lòng
Đây quán bên đường, lòng chan chứa bao niềm thương
Nếp quán xinh xinh, thương anh áo xám ra đi cứu nước bụi nặng vai
gầy.
Mời anh dừng bước, tay đưa bát nước môi run ánh mắt bao nhiêu nồng
thắm….
Ngoài giờ học, tôi
xúi bé Dung xin tiền của mẹ để thuê xe đạp ở một tiệm gần trường. Đó là chiếc
xe đạp nhỏ, lốp xe đặc ruột.
Trong khi tập cưỡi xe tôi bị té ngã nhiều lần, nhưng cuối cùng có thể chạy xe vững
vàng. Cô bé Dung thấy bạn trai bị ngã trầy tay, nên e ngại không dám tập lái như
tôi. Nhưng từ đó, chúng tôi có một cam kết ngầm: Bé Dung xin tiền mẹ để thuê
xe, còn tôi lái xe chở cô bé đi dạo để khoe với bạn bè cùng lớp!
Ngoài ra, còn một kỷ
niệm khiến tôi nhớ mãi, đó là xung phong đánh trống cho trường học. Là một cô gái
trạc tuổi tôi, nhưng bé Dung thật nhanh nhẹn và khoẻ mạnh. Tiếng trống do cô nữ
sinh ấy đánh lúc tan học cũng vang to, chẳng khác tiếng trống của tôi báo hiệu
giờ đến trường. Đám nữ sinh bạn của Dung rất hãnh diện về điều đó.
Thuở ấy tôi chưa biết
tình yêu là gì. Nhưng từ khi cô nữ sinh được xếp đặt ngồi gần tôi trong lớp học;
rồi sau giờ học ngồi sau lưng tôi trên chiếc xe đạp nhỏ bé, bỗng nhiên như có đóm
lửa tình cảm bắt đầu cháy lên trong trái tim còn ngây thơ của tôi. Tôi cố kìm
giữ, nhưng nó vẫn bùng cháy khi cơn gió thổi đến. Đó là cơn gió thời cuộc, cơn
gió chính trị sau khi Hiệp định Genève ký
kết.
Khi nhìn thấy gia đình
cô bé Dung chuẩn bị đi tập kết ra Bắc, tôi rất buồn. Tôi cảm thấy lạnh buốt
trong tim và ướt trong mi mắt! Tôi có
linh cảm sẽ không còn thấy cô bạn học bé nhỏ hằng ngày tỉ tê tâm sự với tôi,
khi chúng tôi chở nhau trên xe đạp vào những buổi chiều tắt nắng. Sẽ không còn
ai “đồng thanh tương ứng” với tôi trong việc đánh trống cho trường học. Sẽ không
còn ai “đồng khí tương cầu” khi chúng tôi ngồi học tập bên nhau…
****
Rồi ba mươi năm
sau, có biết bao tang thương biến đổi cuộc đời - sau một thời gian thanh bình
ngắn ngủi và sau một cuộc nội chiến khốc liệt. Và rồi tôi đóng vai “bên thua cuộc” trong một
kịch bản mà tác giả là những kẻ xa lạ với đất nước chúng tôi. Sau đó tôi đã trở
về từ trại tập trung Miền Bắc, với thân thể tiều tụy, cõi lòng tan nát. May mắn
thay, tôi được bạn cũ giới thiệu vào làm sổ sách giấy tờ cho một tổ hợp sản xuất
đồ nhôm ở quận 6 Sài gòn.
Một hôm, có một nữ
cán bộ ngân hàng đến kiểm tra sổ sách để cho tổ hợp chúng tôi vay tiền mua nguyên
vật liệu sản xuất. Theo xã giao - và cũng theo tục lệ “thủ tục đầu tiên” lúc bấy
giờ, tôi mời cô đại diện ngân hàng ra quán nước. Cũng tại đây, nghe giọng nói,
gợi vài kỷ niệm năm xưa, tôi biết đây là cô bạn học thời thơ ấu đã chia tay với
tôi, theo bố mẹ đi tập kết ra Bắc năm 1954. Nhưng hôm nay cô cán bộ đã đóng vai
“bên thắng cuộc” trong kịch bản “Đổi Đời”. Và tôi cũng biết vai trò của tôi- kẻ
đứng “bên cầu biên giới” của tình cảm – mà hôm nay gặp lại cố nhân mà lòng thấy
buồn đau tê tái!
Chiều hôm ấy, sau
khi kiểm tra sổ sách tổ hợp, cô cán bộ lên xe gắn máy ra về. Nhưng khi đến giữa
cầu chữ Y, cô dừng lại, tựa trên thành cầu chờ tôi. Có lẽ cô cán bộ ngân hàng
thấy đã hết giờ làm việc, không còn đóng
kịch nữa, bèn nhỏ nhẹ thú thật:
-Dung đã nhận ra
anh từ khi biết anh là Kế toán của tổ hợp này. Nhưng trong giờ làm việc, nhất là
khi biết anh đã từng làm việc trong chính quyền Miền Nam trước đây, nên Dung đối
xử như người xa lạ. Xin anh đừng buồn…
Đang im lặng hút
thuốc, tôi bèn ném điếu thuốc cháy giở xuống dòng sông, lên tiếng cắt ngang:
-Nếu cô biết tôi là
người trong chính quyền Miền Nam trước đây, là “kẻ thua cuộc” thì cô cứ xem tôi như mọi người
khác, hà cớ phải thanh minh làm gì!
Dung buồn bã nhìn tôi.
Ánh chiều chiếu lên khuôn mặt người nữ cán bộ luống tuổi, vài nét chân chim đã
hiện lên khoé mắt u buồn của nàng. Tôi nhìn cô bạn học thuở ấu thơ, một thời tươi
vui, xinh đẹp mà nay đã khác hẳn. Duy chỉ còn âm thanh trìu mến trong giọng nói
quen thuộc mà tôi đã nhận ra, khi cô ta đến tổ hợp này.
Quay nhìn Dung, tôi
dịu giọng với nàng:
-Xin lỗi, tôi đã nặng
lời với Dung. Ba mươi năm rồi mới gặp, sao chúng mình không giữ tình bạn thắm
thiết như xưa? Tôi sắp đi xa rồi, ra nước ngoài theo diện hợp pháp. Rồi đây liệu
còn gặp lại Dung nữa chăng ?
Cô bạn học ngày xưa
bỗng cúi mặt, vai rung rung, nói qua giọng ướt sũng nước mắt:
-Dung cũng xin lỗi vì
đã không vồn vã khi nhận ra anh. Ba mươi năm qua, Dung biết thế nào là “tai vách
mạch rừng”, thế nào là sợ hãi… Không biết rồi đây Dung còn gặp lại anh không? Xin
chúc anh tìm được hạnh phúc trong cuộc sống mới…
Rồi nàng ngẩng lên
nhìn tôi, mỉm nụ cười qua làn nước mắt và đưa tay nắm lấy tay tôi. Bàn tay cô bạn
nữ sinh tiểu học ngày xưa, dẫu đã thi đua đánh trống với tôi tại trường, nhưng
lúc ấy vẫn còn mềm mại. Trải qua bao gian lao của cuộc sống Miền Bắc, bàn tay ấy
nay đã chai sạm, khô cứng như bàn tay của chính tôi sau bao năm chịu cảnh tù CS
!
Khi chiếc xe Honda
màu đỏ của Dung khuất dưới dốc cầu, tôi đứng nhìn theo mà nhớ đến bài ca Bên Cầu
Biên Giới của Phạm Duy.
"Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới
Xa xa thoáng đàn trầm vô tư
Đâu đây dáng huyền diệu duyên mơ…
Còn tôi, chiều hôm ấy
tôi đứng trên cầu biên giới tình yêu của hai hai kẻ từng có tình cảm mặn mà , mà
nay ở hai chiến tuyến khác nhau-dẫu cuộc chiến súng đạn đã ngưng hẳn từ lâu!
***
Đã mấy mươi mùa thu cũ đi
qua đời tôi, biết bao vật đổi sao dời, hôm nay trước mái trường của một quốc
gia tôi đã đến tỵ nạn, tôi nghe tiếng chuông báo hiệu giờ tan học. Tiếng chuông
điện vang lên như tiếng nhạc reo vui. Tôi chợt nhớ lại tiếng trống trường tan học
năm xưa tại quê nhà, qua bài thơ của Thanh Tịnh:
Năm nay thôi học ở trường quê,
Nhớ lại lòng tôi cảm nặng nề.
Những buổi thu sương buồn ảm đạm,
Trống trường vang dội phía sau đê.”
Tam
Bách Đinh Bá Tâm
(1)Phụ đính:
La rentrée
Je vais vous dire ce que me
rappellent tous les ans, le ciel agité de l’automne et les feuilles qui
jaunissent dans les arbres qui frissonnent.
Je vais vous dire ce que je vois
quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il
est un peu triste et plus beau que jamais ; car c’est le temps où les feuilles
tombent une à une sur les blanches épaules des statues.
Ce que je vois alors dans ce jardin,
c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et son sac sur le dos,
s’en va à l'école en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le voit ; car
ce petit bonhomme est une ombre : c’est l’ombre du moi que j’étais, il y a vingt-cinq ans…
Anatole France
No comments:
Post a Comment