Wednesday, November 20, 2019

Thư Người Học Trò Cũ


______________

Nguyễn Ngọc Hoàng

   (Phạm Đăng Đoan Thuần - ảnh từ FB)
                                      
                               
1.

Buổi sáng những ngày cuối năm, thành phố tôi ở có hôm nắng vàng hanh, trong cái lạnh khô, buốt thấu thịt da. Những bầy ngỗng trời bay ngang, cất tiếng gọi đàn tha thiết để cùng nhau bay về phương nam. Tiếng gọi của đàn chim trốn tuyết hằng năm, từ miền bắc lạnh giá, tìm về một vùng đất, một quê hương nắng ấm phương nam. Chúng về vùng nắng ấm đó, làm tổ sinh con và để rồi vào mùa xuân tới, đàn chim trốn tuyết lại gọi nhau bay ngược về phương bắc. Tất cả như một thói quen, một sự tuần hòan thích nghi sinh tồn cho loài chim thiên di trong cõi không gian, tự tại... Vài ngày nữa là đến Lễ Giáng Sinh, đèn hoa lấp lánh màu treo cùng khắp xóm giềng, đường phố và các nơi vui chơi, các khu thương mại. Cả thành phố, cả đất nước Mỹ đang đi vào mùa Lễ lớn nhất trong năm. Nhưng cũng vài ngày nữa, một năm lại trôi qua; 365 ngày thoáng chốc trong dòng thời gian cuốn trôi “một đi không trở lại”. Đây cũng là tuần lễ cuối tôi có mặt trong công ty, trước khi nghỉ Lễ dài hạn từ ngày trước Giáng Sinh (Christmas Eve) đến Tết Năm Mới 2019. Trong tâm trạng vừa chút hân hoan (được nghỉ) vừa bâng khuâng, nuối tiếc mình đã vừa đánh mất một tuổi đời nữa chất chồng, tôi nhận được email của một người học trò cũ, Phạm Đăng Đoan Thuần:






Tôi thật xúc động và tràn ngập niềm vui mừng khôn xiết. Bức thư của một người học trò cũ với chủ đề là niên khóa 1978-1981 trường Rạch Sỏi. Đã 40 năm thoáng chốc. Bốn mươi năm đằng đẵng thời gian, sao nói nhẹ nhàng như thể mới hôm qua. Đọc xong bức điện thư của Đoan Thuần, tôi ngồi thẫn thờ để chợt dòng thời gian trôi ngược 40 năm. Và 40 năm thật sự vẫn còn đây trong tôi, người thầy giáo cũ. Lớp học được dựng tạm ở phòng học mà trước đó, nếu tôi còn nhớ đúng, là chái nơi để xe đạp cho thầy cô và học sinh. Em còn nhớ và tôi cũng không quên! Trong tâm trí tôi, Thuần vẫn mãi là cô học trò nhỏ nhắn, mũm mĩm dễ thương. Ngoài cái tên 4 chữ thật đặc biệt, Phạm Đăng Đoan Thuần, khó để quên, tôi nhớ em còn là một học sinh giỏi. Điều làm tôi xúc động khó tả là Đoan Thuần nhắc đến bài thuyết trình lần cuối của tôi và lớp của em: “Thằng gù trong nhà thờ Đức Bà”! Đây mới thật sự là chi tiết đã xuyên thẳng vào trái tim tôi. Sau 40 năm Thuần vẫn còn nhớ, mà chính tôi, người thầy cũ đã quên, đã bỏ lại những năm tháng sau lưng. Người thầy cũ như tôi thật xấu hổ và đáng trách biết chừng nào! Hình ảnh và mối tình lãng mạn tuyệt vời, của một gã gù Quasimodo và nàng kiều nữ du ca Estméralda, tác phẩm kinh điển của văn hào Pháp Victor Hugo, cũng chính là hình ảnh lớp học của Đoan Thuần, Thanh Đào, Kim Yên, Yến Trúc, Lâm Dũ Hỏa, Quang Thọ, Huỳnh Trang,...  40 năm về trước.


              Một cảnh trong phim nhạc kịch “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”

           
          
Văn Hào Pháp Victor Hugo

 Không còn nhớ rõ thầy trò tôi đã thuyết trình những gì qua tác phẩm này, nhưng tâm cảnh của lớp học tạm nhỏ, giản đơn nằm đối diện văn phòng trường vẫn còn mãi trong tôi. Những ánh mắt hồn nhiên với bao niềm mong ước, bao niềm khát khao kiến thức mà thầy cô của ngôi trường cấp 3 Rạch Sỏi trao trao cho các em trong gói hành trang nhỏ, khiêm nhường để chân bước vào đời của những mai này. Lá thư của Thuần đánh thức mọi vùng ký ức, mọi mãnh vụn của kỷ niệm mà tôi cưu mang trong suốt biết bao năm tháng trên xứ người. Bốn mươi năm chợt loáng thoáng trôi nhanh nhưng cũng chập chùng một đời người tất bật.



  
Để một điện thư sau của Đoan Thuần, trong đó có đoạn em viết: 


            Câu viết ngắn ngũi của em sau 40 năm mới thật sự khiến tim tôi đau buốt và mắt tôi vỡ nhòa, trũng ướt. “Tuổi già hạt lệ như sương”, thật vậy sao? Hình như không đúng với tôi trong câu viết ngắn ngũi này của em. Mà thật ra, là câu viết ngắn ngũi mà Thuần viết thay cho biết bao học trò tôi trong những ngày tháng đó. Là những ngày tháng cuối của năm học 12, mà cùng một lúc có đến 3 thầy “đã bỏ lớp ra đi”. Thầy Nguyễn Quốc Quân dạy toán, thầy Nguyễn Văn Đệ dạy lý và tôi dạy môn văn. Thật “bơ vơ, ngơ ngác”, bốn chữ đã nói lên hết tất cả những gì các em đã trải qua; bốn chữ đã như những mũi tên xuyên thẳng vào trái tim tôi của hôm nay, 40 năm sau! Tôi có thể hình dung, nếu tôi là các em, thì chắc cũng không có tâm trạng gì khác hơn. Mấy đêm nay tôi đã trằn trọc, đã không thể kềm lòng mặc cho những xúc cảm tôi lặng lẽ tuôn dòng. Tôi định giữ kín điều riêng tư cho chính mình, nhưng không thể. Tôi thấy mình có lỗi với các em, thật sự có lỗi trong suốt hành trình của 40 năm qua. “Nhất tự vi sư – Bán tự vi sư”, có thật vậy không? Khi chính tôi, chính người thầy “đã bỏ các em trước”! Tôi thật sự có xứng đáng để nhận tiếng gọi “thầy” trong ý niệm “vi sư”? Chắc là không. Lòng tôi đau buốt mỗi lần đọc lại câu viết ngắn ngũi của em!

Các em thân mến, tôi xin thành thật nói lời tạ lỗi dù có muộn màng, 40 năm muộn màng. Dù các em đã tha thứ cho tôi, vẫn còn thiết tha gọi “thầy”, nhưng tôi thật lòng không thể tha thứ cho chính mình? Mọi lý do, mọi biện minh hoàn cảnh đều không đủ để thay đổi những “bơ vơ, ngơ ngác” mà các em phải đối mặt trong lứa tuổi học trò hồn nhiên, mơ ước đó. Nếu chúng ta thường trách cứ học trò có lúc ngoảnh mặt, quên ơn thầy cô; thì ngược lại, khi thầy cô ngoảnh mặt, ra đi bỏ lại học trò, lớp học phía sau, thì trách cứ ai đây? 

2.

Viết đến dòng chữ này, tôi tự an ủi “phần nào nhẹ lòng”, dù vết thương vẫn mãi còn đau. Các em biết không, năm nay trong những gói quà dưới cây thông xanh rực ánh đèn màu lấp lánh, lá thư của Đoan Thuần là món quà Giáng Sinh thật đẹp, thật lớn, thật đầy ý nghĩa cho tôi. Cảm ơn món quà quý giá của em cũng đồng ý nghĩa với lời chân thành tạ lỗi của tôi, người thầy cũ đến với tất cả tấm lòng.

Mùa Giáng Sinh 2018
Durham, North Carolina
NNH

No comments: