Nguồn : Thời báo
Sau thời cực thịnh của tiểu thuyết và thơ mới trong văn học chữ quốc ngữ của ta (32-45), chiến tranh khiến các nhà văn rơi vào cảnh “trải qua một cuộc bể dâu”: Có người loanh quanh trong vòng danh lợi cạn nguồn sáng tác, hoặc yểu mạng vì bệnh tật, vì bị sát hại hoặc thất chí gác bút từ giã văn đàn. Có một bộ ba tri kỷ tan rã trước và trong cơn binh lửa, đó là Thạch Lam, Hồ Dzếnh và Thanh Tịnh. Khi nghe tin Thanh Tịnh qua đời, Hồ Dzếnh đã làm một bài thơ khá cảm động:
Đời xếp tôi anh với Thạch Lam
Ngồi chung một chiếu hội văn đàn
Ngồi chung một chiếu hội văn đàn
Chao ôi, chiếu đã hai lần lạnh
Còn lại mình tôi với thế gian.
Dẫu biết đường đi chỉ có chừng
Gió chiều sao vẫn ớn trên lưng?
Trái tim bỗng dội niềm xao xuyến
Tàu rẽ vào ga. Chặng cuối cùng.
Thôi nhé. Anh về vui bạn cũ
Tôi chờ đến hẹn lại thăm anh
Lòng ta như nước sông Hương ấy
Vời vợi trời thu dáng núi xanh
Vời vợi trời thu dáng núi xanh
Thanh Tịnh là một nhà văn nổi tiếng với nhiều đoản thiên sau được in chung vào tập Quê mẹ nhưng ông cũng có danh là một nhà thơ và được Hoài Chân và Hoài Thanh chọn một số bài in trong Thi nhân Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi ông tạ thế vào năm 1988, độc giả cả nước chỉ nhớ ông là tác giả Tôi đi học trong Quê mẹ vì hằng năm vào mùa lá rụng mọi lớp tuổi từng đọc qua bài này lại bâng khuâng nhớ tới ngày tựu trường nào đó năm xưa.
Thanh Tịnh còn có tên Trần Văn Ninh, tới 6 tuổi mới đổi là Trần Thanh Tịnh, sinh năm 1911 tại làng Dương Nổ, ngoại ô thành phố Huế. Sau khi đỗ bằng Thành chung (1933), ông làm nhiều nghề từ công chính tới dạy học. Nhưng vì thích văn chương nên bắt đầu sáng tác và viết cho nhiều báo từ báo Thần kinh nơi quê hương tới các báo ở Hà Nội ngày ấy như Phong hóa, Ngày nay, Hà nội báo và Tiểu thuyết thứ bảy. Tập thơ Hận chiến trường của ông xuất bản năm 1934 có tiếng vang trên thi đàn. Nhưng ông được nhiều người biết tới với những truyện ngắn như Quê mẹ, Chị và em và Ngậm ngải tìm trầm.
Đời Thanh Tịnh thay đổi sau một chuyến đi bất ngờ, một cuộc chia ly dài không có hồi tái ngộ và một kiếp sống của lữ hành cô độc.
Khi cuộc chiến Việt-Pháp bùng nổ (1946), Thanh Tịnh khăn gói đi họp đại hội văn hóa ở Việt Bắc và tưởng rằng chỉ mươi ngày là trở về Huế. Nào ngờ chiến tranh lan rộng quá nhanh, ông bị kẹt ở miền Bắc, bỏ lại gia đình vợ và hai con ở miền Nam. Sau hội nghị Geneve (1954), ông được giao cho việc làm báo ở Hà Nội và sống cô đơn trong cảnh “ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân” ở số 4 đường Lý Nam Đế. Kẻ sĩ thời đại tính tình thanh cao như cái tên “thanh tịnh”, lại phóng khoáng không bận tâm tới danh lợi và tranh chấp mà chỉ muốn mưu cầu hạnh phúc gia đình, nhưng hoàn cảnh lại trái ngang, việc cầm bút của ông từ đó trở thành bất đắc dĩ, nên sáng tác của ông sau 1945 dễ dàng chìm trong quên lãng.
Sau 1975, Thanh Tịnh trở về Huế và đối diện với sự thật tàn nhẫn là cảnh gia đình tan vỡ: Người đàn bà mà ông yêu quý đã sang ngang từ lâu và con gái lớn của ông đã sang Mỹ. Như một nhân chứng ở cố đô Huế kể lại, ngày ấy Thanh Tịnh đã vô cùng chán nản vì hy vọng đoàn tụ hoàn toàn tan vỡ, còn nhận làm đơn bảo lãnh cho người chồng của bạn đời năm xưa là một đại tá quân đội miền Nam. Còn nỗi xót xa nào bằng tâm trạng của một người tìm lại cảnh cũ, người xưa mà cam chịu trắng tay như Thanh Tịnh trước 45 đã vô tình dự liệu:
Tìm dấu hôm xưa giữa cánh đồng
Bên mình chỉ nhận lúa đầy bông
Tơ trời lơ lửng vươn mình uốn
Đến nối duyên mình với... cõi không.
Sau đó, nhà thơ quay trở về Hà Nội và sống nốt những năm hoàng hôn của cuộc đời cho tới khi tạ thế vào năm 1988.
Như đã trình bày, bản chất của Thanh Tịnh là một người thích cuộc sống giản dị và tình cảm. Ông không coi nặng hư danh và bon chen trong đời nên mới kết bạn với những nghệ sĩ đa cảm có lối sống trầm mặc dày bề sâu như Thạch Lam, Hồ Dzếnh. Trước năm 1945, Thanh Tịnh trong một bài thơ tặng một nhà sư đã trang trải nổi lòng của mình:
Một mái am tranh bạn cổ tùng
Bốn mùa sương gió tỏa mông lung
Bên đồi dương vắng, giòng khe vắng
Có kẻ giang hồ thấy nản chân.
Ước nguyện ấy ông chỉ có thể đạt được sau khi thi hài ông được chuyển về Huế và an nghỉ trên đồi thông bên sườn núi Thiên Thai vào năm 1991.
Tác phẩm đoản thiên của Thanh Tịnh, sau này gom trong tuyển tập Quê mẹ, có chung một nội dung là quê hương miền Trung. Đây là miền đất nghèo, nhưng cảnh xinh, tình người nồng đậm, trung hậu và chất phác. Con người với nếp sống giản dị, với ước nguyện đơn sơ sinh hoạt trầm lặng trong phong tục thuần lương và đẹp đẽ. Viết về quê nghèo với ngói bút trân trọng và với lòng yêu thương vô hạn “chiều chiều ra đứng cửa sau. Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” nên nhiều sáng tác trong Quê mẹ cho tới nay hơn nửa thế kỷ trôi qua vẫn được đời trân trọng như:
Tôi đi học
Quê mẹ
Ngậm ngải tìm trần
Con so về nhà mẹ
Am Cu ly xe
Con ông hoàng
Làng
Chuyến xe cuối năm
Một đêm xuân
Ra làng
Chú tôi
Bến Nứa
Một làng chết
Quê bạn
Tình quê hương
Bên con đường sắt
Tình thư
Tình trong câu hát
Trong những truyện ngắn kể trên, quê hương mà ông thường gọi là làng Mỹ Lý, có con sông Viêm được phác họa từ con người tới thói tục bằng hình ảnh đẹp, tràn đầy chất thơ. Ta hãy đọc lại truyện ngắn Tình trong câu hát thì rõ con người vừa là nhà văn vừa là thi sĩ Thanh Tịnh.
Tình trong câu hát kể lại một truyện tình thơ mộng. Nhân vật chính là Đạt, một anh lái đò góa vợ, có tâm hồn, lại nặng lòng với tình xưa nghĩa cũ. Chàng sống lênh đênh trên sông nước và hình bóng người quá vãng và tình yêu dành cho nàng lúc nào cũng lẩn quẩn trong tâm tư anh. Rồi một hôm Đạt thoáng thấy thân hình một cô gái có những nét của vợ cũ ẩn hiện trên một chiếc thuyền phía trước trên sông dài trong bóng chiều tà. Nàng cũng là cô lái đò cùng một nghiệp sông nước như chàng. Nhớ tới hình bóng vợ, không hiểu sao Đạt cho thuyền mình đuổi theo. Kẻ hữu tình gặp kẻ hữu ý, hai con thuyền khua chèo theo giòng, như bóng với hình. Xúc động trước cảnh mông lung sương lồng mặt nước, trăng giãi quanh thuyền và tâm sự dạt dào, Đạt đã mượn câu hò để giãi bày tâm sự.
Cô gái cũng đáp lại bằng những câu tình tứ, gợi âm thanh quen thuộc của người vợ cũ. Hai con thuyền và những câu hò vẫn như quyện vào nhau trên giòng nước mênh mông với ánh trăng mờ ảo. Nhưng rồi mộng tàn, thuyền trước biến dần và câu hò cuối cùng đã phá tan ảo ảnh.
Thanh Tịnh kể lại cuộc đối đáp giữa những người tình chung nhưng lại có sẵn trong lòng tình riêng không quên nổi:
“Đạt liệu bề không theo kịp liền cất tiếng hát hỏi thăm:
Thuyền ai trôi trước
Cho tôi lướt tới cùng
Chiều đã về trời đất mung lung
Phải duyên thì xích lại cho đỡ não nùng tiếng sương.
Trên lái thuyền đi trước bỗng nổi bật bóng một thiếu nữ mặc áo nối dài quay đầu nhìn lại phía sau một lát rồi đáp:
Trời một vùng đêm dài không hạn
Mượn gió chiều hỏi bạn ngàn sông
Thân em là gái chưa chồng
Tơ duyên có chắc như giòng nước không?
Nhưng cuộc tình chưa khởi đầu thì đã kết thúc vì tới chỗ rẽ, thuyền trước hướng Kim Long. Đạt lưỡng lự một chút (vì làm sao quên người vợ bạc mệnh) và bỗng đưa tay đẩy mạnh đòn bánh lái cho thuyền xuôi về Đại Lược. Từ thuyền trước một câu hò chia tay vang lên:
Tình về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?”
Một truyện tình lãng mạn giàu chất thơ và chất nhạc vì nó được ngẫu hứng qua điệu hò mái nhì hoặc mái đẩy. Theo nhà nghiên cứu Bửu Biền thì: “Hò mái nhì là hò nhịp hai, ăn nhịp với mái chèo đưa tới đưa lui, đẩy nhẹ con thuyền thong thả trôi trên giòng sông. Hò mái đẩy là điệu hò mái nhì nhịp điệu nhanh hơn, không cần theo nhịp chèo, thường hò trên những con thuyền chèo nhanh, chủ yếu là đẩy mạnh cho con thuyền đi nhanh... Hò mái nhì nghe rất thanh thoát, man mác, chơi vơi, tiếng ngân nhẹ nhàng bay bổng, rồi hạ thấp lan rộng trên mặt nước, như đưa tâm hồn cô lái đò đi xa, đi thật xa vào thôn xóm ven bờ, âm điệu mơ màng hòa hợp với khung cảnh thiên nhiên sông nước. Ý nghĩa câu hò phù hợp với tâm sự người chèo. Hò mái nhì thường là hò độc diễn, nhưng đôi khi trở thành hò đối đáp”.
Nhớ Huế, ai mà không nao nao lòng khi đọc lại Tình trong câu hát của Thanh Tịnh và cũng như nhà văn năm xưa, nơi chân trời góc biển nhìn về miền thùy dương đành mang tâm trạng:
Chiều chiều ra đứng cửa sau.
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Hoàng yên Lưu
No comments:
Post a Comment