Friday, December 21, 2012

Rối bời chữ nghĩa

_____________


Huy Phương


Tuần trước tôi vừa "nhập viện". Nói cho cam, chẳng phải tôi xin vào Viện Mồ Côi làm gì vì đã quá già, cũng không phải vào Viện Hán Học xin thầy mấy chữ thánh hiền, vào Viện Thẩm Mỹ để sửa sang lại dung nhan, cũng chẳng phải vào viện Nghiên Cứu Mác - Lê Nin của ông Hoàng Minh Chính để làm quái gì, vậy mà bạn bè, bà con cứ nói một hai là tôi "nhập viện".

Đơn giản là tôi mới vào nhà thương, hay nói chữ nghĩa là tôi vào nằm bệnh viện, cái gì mà cứ nằng nặc một hai gán ép cho tôi là "nhập viện", cho danh chính ngôn thuận, nếu gọi nhà thương là viện thì bệnh nhân nằm nhà thương gọi luôn là "viện sĩ" cho được việc. Cũng như trước đây mấy chục năm, bọn Cộng Sản cứ một hai đòi "cải tạo" chúng tôi và đặt cho chúng tôi một danh từ khá kêu là "cải tạo viên".
Từ trước năm 1975, chúng ta chữ nghĩa có lẽ còn ít ỏi, lại không thích dùng quá nhiều chữ Tàu, nên những chữ chúng ta dùng rất đơn giản, thế mà ngày nay... Ngày nay, ngay cả những bạn ngày xưa dạy học cùng trường, sau này trong những cuốn đặc san của các cựu học sinh, cũng uốn viết, uốn lưỡi để nói rằng: "... năm 1972, tôi "nhận công tác giảng dạy" tại trường X" nghe tức anh ách cả bụng. Đi dạy học thì cứ nói là đi dạy học, cần gì phải gọi là nhận công tác giảng dạy.

Ở hải ngoại nhiều bậc thức giả đã lên tiếng về cái điều gọi là loạn chữ nghĩa, mà cách dùng chứng tỏ CSBV lệ thuộc vào văn hoá Tàu Cộng một cách quái đản, khiến người ngoài nước không hiểu nổi khi đọc chữ nghĩa của người trong nước. Những chữ có "mùi Tàu" quen dùng và đã ảnh hưởng không ít đến truyền thông và người Việt ở hải ngoại vẫn thường nhan nhản thấy và nghe hằng trăm, nghìn chữ nghĩa nghe rổn rảng như những miếng sắt va chạm nhau của anh mù đấm bóp của những ngày tháng Sài Gòn năm xưa, như những chữ "chất lượng", "liên hệ", "đăng ký", "xuất khẩu", "tranh thủ", "khẩn trương", "nhất trí", "hồ hởi - phấn khởi", "bức xúc", "nghiêm túc", "quân hàm", "sự cố", "tham quan", "chuyển ngữ", "quá độ", "cực kỳ", ... "thể tạng" con người thì trong nước dùng là "cơ địa", nghe qua bạn có hiểu nổi không ? "Triều cường" là gì ? "Vĩ mô" là gì ? Nào là "chùm", nào là "luồng"! Phải chăng phải tra cứu loại "tự điển Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam" mới hiểu nổi. Các bạn nghĩ thế nào với những danh từ kỹ thuật số(digital), máy quét (scanner), phần mềm (software)...
Trong địa hạt giao thông, vận tải không biết sao những người chuyên về các vấn đề này lại là những người thích dùng chữ mới, nghe rất kêu, cứng ngắc như "bê tông cốt sắt" nhưng rất vô nghĩa và xốp ruột như loại "bê tông cốt tre", sản phẩm nổi tiếng của XHCN. Bạn nghĩ thế nào với những "cụm từ" (lại nói theo kiểu mới) như "kéo giảm tai nạn", "ùn tắc giao thông", "phân luồng xe chạy", "bố trí lệch ca" để nói về giao thông, vận tải.
- "Trong quá trình bê tông quá độ bị lún, sự cố bất ngờ các khuyết tật nên các đơn vị được giao nhiệm vụ quản trắc phải báo cáo diễn biến đột xuất của hầm chui, và tôi đề nghị nâng tĩnh không của cầu lên từ 3 M lên 3,5 M" (nói về cầu Văn Thánh).
- "Chốt lại vấn đề kích cầu sản xuất, tiếp theo mạch phân công nhiệm vụ phải tuỳ vào sự giải trình cũng như thái độ cầu thị của Bộ Trưởng".
- "Phạm trù quản lý đô thị hiện nay có rất nhiều bất cập, mảng đô thị của chúng ta nói rất mờ nhạt".
- "Phạm trù chuyên chở đại chúng chưa được phủ kín đến vùng dân cư đông đúc mà còn tồn tại nhiều lỗ hổng" (phát biểu của Bộ Trưởng Giao Thông).- "PMU 18 là sai phạm nghiêm trọng, bộc lộ yếu kém ở cấp vĩ mô, xin ông cho phóng viên nắm bắt giải trình cụ thể" (câu hỏi của phóng viên nhà báo).
- "Vốn kiên cố hoá trường học giải ngân quá chậm" (Ông Bộ Trưởng Giáo Dục nói về ngân sách giáo dục).
Những chữ nghĩa loại này nhan nhản trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình trong nước (Việt Nam Cộng Sản). Chưa gặp được ông Thủ Tướng để phỏng vấn vì ông quá bận, thì ký giả báo đảng viết rằng: "Thủ Tướng có nhiều cuộc họp bất thường, chưa tìm được thời gian thích hợp để phỏng vấn, nên đành tranh thủ những khe hẹp trong lịch trình đông đặc của Thủ Tướng để xen vào". Không biết đối với một vị Nữ Thủ Tướng thì nhà báo có dùng nguyên văn như vậy không ? Nói chúng đây là những danh từ rất lạ mà nhà báo trong nước hay các viên chức viết, báo cáo diễn văn, không viết nổi một câu văn bình thường dễ nghe, mà vì mặc cảm đã cố tạo ra những danh từ rất kêu, nhưng xem chừng vô nghĩa và rất dung tục. Hồi chúng ta còn ngồi ở ghế nhà trường mà viết những loại chữ nghĩa như thế trong bài luận văn thì chắc chắn bị thầy, cô "sổ toẹt".
Trong ngôn ngữ, có một số tiếng do nhân gian dùng lâu thành quen, nên cũng có một số không đúng với nguyên nghĩa của nó, tuy nhiên xã hội chủ nghĩa hiện nay đang có khuynh hướng cố tạo ra những danh từ kêu to, lạ lùng và không kém kỳ quái và thô lậu. Vì sao phải dùng "tình trạng của tôi rất căng, nếu nói ra không biết cô có nắm bắt được không ?" hay "tranh thủ những khe hẹp trong chương trình dày đặc ... của Thủ Tướng !".
Nhà văn Đặng Trần Huân lúc sinh thời đã có viết một bài báo nhan đề là "Nghĩ thương cho chữ nghĩa" cũng trong tấm lòng xót xa của những người trí thức nghĩ về tình trạng bất hạnh của ngôn ngữ đang bị biến dạng, dày vò một cách thô bạo trong bàn tay của những kẻ thiếu văn hoá.
Ba mươi ba năm nay, do tình thế của đất nước, ba triệu người Việt phải sống cuộc đời tỵ nạn ngoài quê hương của mình, sự khác biệt trong và ngoài nước càng ngày càng thấy rõ, từ văn hoá, phong tục, cho đến ngôn ngữ, khiến chúng ta không chỉ cảm thấy xa cách về địa lý mà còn ngay khi ở ngay trên quê hương, vẫn cảm thấy mình lạc lõng, xa lạ. Chúng ta có thể nhìn cách lối diễn tả, cử chỉ, ngôn từ, để biết người ấy ở đâu, chịu chi phối bởi thứ văn hoá nào.
Chỉ mong sao hải ngoại đừng "bê" nguyên con một bản tin của Hà Nội với những chữ nghĩa rối bời để ném vào mặt độc giả, hay viết lách, ăn nói bằng những loại chữ nghĩa mới mẻ, nghe rổn rảng nhưng thực sự kệch cỡm, vô nghĩa.
Nói xa nói gần, để kết thúc sự rối rắm này, tôi cũng xin loan báo với bạn bè, là tôi vừa "xuất viện", vì ở đầu bài tôi bị "nhập viện", may mắn không phải nhập nhà vĩnh biệt hay lò thiêu, thì đến lúc được "xuất viện".Đây chắc chắn không phải ám chỉ tôi vừa tốt nghiệp Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, hay tốt nghiệp Viện Mác – Lê mà đơn giản là tôi vừa ra khỏi nhà thương. Vậy mà đi đâu bạn bè cũng chúc mừng tôi vừa "xuất viện". Trong muôn nghìn thứ "viện" trên đời này sao chữ nghĩa Cộng Sản cứ bắt "viện" phải là cái "nhà thương", mà chúng ta lại phải cứ dùng một cách lười biếng vô ý thức, cóp nhặt mà không hề suy nghĩ.

Không lẽ bây giờ lại phải thua thêm một keo vì những thứ văn hoá, chữ nghĩa như thế sao ?

11 comments:

NDC said...


Thì ra có bác Huy Phương đây cũng không hiểu " Triều Cường" mà người bên nhà nói là ám chỉ cái chi chi . ha ha ...Không sao đâu bác ạ . Nghe rằng sắp có Tân Tự Điển Chữ nghĩa của Thời Đại mới sắp xuất bản . Khi có tôi sẽ mua biếu Bác để có về VN Bác xài chữ nghĩa, nói chuyện với thiên hạ ...
"người đồng cảm"

Anonymous said...

7Hai chữ "Triều cường"mới vừa xăm nhập từ Phương Bắc vào sau cái ngày "họ" gọi là giải phóng giải phiết gì đó thôi!Nghe có vẻ "điệu" và "giả tạo,ngượng nghịu",khiến chúng ta trái tai,gay mắt mà thôi!Tạm xí xóa được.Còn như hai tiếng:
"NĂNG NỔ";thuộc về tầm cỡ"Đại Liên"
lại được Giáng Ngọc thường cho "Nổ"
giòn giã trên địa hạt của SBTN?"Sao
"Cháu Hồ";Giám Đốc của Đài,cũng là
ngưòi chống đối đường lối,chủ
trương sai trái của Con Cháu"BácHồ"
hết mình mà để dậy cho Cô Bé vô tư
vô tình quảng bá vô công cho Chúng sao?Nhờ Ông Anh khiều nhẹ Cháu Trúc
Hồ giùm,kẻo bị đối phương lạm dụng
gắn cho con dao hai lưỡi sau lưng!
Chào đoàn kết.
tp.

Anonymous said...


Tôi nhớ cũng cùng ý với nhà văn Huy Phương ,Cũng là hai chữ " Triều Cường" không hiểu nầy, mà cô giáo tôi đã viết một bài viết cũng cùng ý như nhà văn Huy Phương về nỗi buồn xa lạ với chữ nghĩa của mình sau bao năm thì bị ngay một "người bạn của TH" bên nhà chửi ngay Cô Trò tôi một trận không còn một manh giáp nào cả và cô tôi người viết bài lãnh cái búa tạ nhiều nhất : là chế giễu nào là đùa cợt trên chữ nghĩa của họ , nào là vv và vv " . Các bạn có vào TH thường hồi đó chắc là còn nhớ những comment "thiếu văn hóa" của người ấy . Tôi không còn dám gọi là " người bạn TH " nữa đâu ạ
Cám ơn nhà văn Huy Phương đã chia xẻ nỗi lòng của người bên nầy với chữ nghĩa bên nhà

Một bạn đọc Tha Hương

rachgia said...

Thưa bạn TP

Đọc comment của bạn nghe bạn than phiền Giáng Ngọc gì đó"NĂNG NỔ";thuộc về tầm cỡ"Đại Liên "thì thật tình không quen không dám có ý kiến . Mới đọc chữ Giáng hết hồn liền tưởng là Giáng Xưa của Tha Hương thì thôi đành ca " Thôi là hết anh đi đường anh ... hay là ngâm hai câu thơ nầy cho đỡ buồn

Anh đi đường anh tui đường tui
Tình nghĩa đôi ta có thế thui ...

Anonymous said...

Thế thì :
Gạt lệ phân chia,người mỗi ngã,
Tôi về vội vã! " Bã chờ cơm ".

Gíáng Nay.

rachgia said...

Trời! mới nhắc "Giáng Xưa" thì lại có "Giáng Nay" nữa Trời ạ!

Anonymous said...

Trúơc kia tui đâu nghe "triều cường"
Mà bây giờ sao bắt tui nghe !

Giáng trần

Anonymous said...

Cô kính mến ! Em có đứa bạn lâu rồi không liên lạc ,một hôm em nhận email chỉ để chữ tắt ( NH )bạn bảo em là ê ! nhỏ rán mà "động não " xem ta là ai? Em thức cả đêm "gán" mà nhớ và em trả lời là
Bạn bảo ta cố mà "động não"
Ta giờ bị "ức chế" thần kinh
Thế là sau đó bạn hiền em "meo" lại cho em là
Thôi thì hãy vào mà "nhập viện"
"Kiểm tra" xem bệnh lý ra sao?
Tới bây giờ em không biết bạn hiền nầy là ai ?(nhưng chắc là học trò cũ của Cô đó nghe !) Em N.

Một học trò xưa.

rachgia said...

Đây là bài viết của Kiên Giang Tiểu Thư post hơn năm trước

Lá thư gửi bạn bên nhà
Kiên giang tiểu thư

Bạn thân mến,


Nhận được cái email của bạn từ quê nhà . Mừng lắm . Bạn biết không ? Thư từ bên nhà với tôi lúc nào cũng là một niềm hạnh phúc vô tận . Nhưng rồi những dòng chữ bạn viết mà khi đọc tôi cảm thấy tối tâm mù mịt vô cùng với chữ nghĩa . "Triều cường sáng ngày 29/09/2011..." Đọc đến đây tôi hoàn toàn không hiểu gì hết. Tôi không biết bạn tôi đang nói cái gì ... Tôi lẩm bẩm một mình " Triều cường là cái gì .." Đọc lại thơ lần nữa . Cũng may nhờ có cái đoạn sau " Thành phố quê mình ở đang lụt nặng " Cái chữ lụt nặng cuối câu cùng mấy cái attachement kèm theo hình lụt lội ở bên nhà tôi mới té ngữa ra . Thiệt là muốn té xuống giếng luôn .Thì ra chữ Triều Cường là dùng để nói cường độ của thủy triều lại dùng trong câu nầy .Tui ngẩn tò te ra với cách dùng chữ nghĩa đầy sáng tạo bây giờ từ bên nhà . Chữ nghĩa ta thiệt là càng ngày càng siêu việt , càng huyền bí như thế đó hở bạn . Tôi thật lạ xa với những từ ngữ đó bạn ơi .Cái kiểu ghép chữ , dùng từ Hán Việt lọan xà bần cả lên, nhiều chữ trông thật buồn cười . Có phải chăng đây là cái kiểu sáng tạo "cực kỳ siêu " của chữ nghĩa XHCN ta. Trời ơi Chữ nước ta mà ta hết có hiểu nổi rồi hu ... hu


Đọc những dòng chữ nầy bạn đừng giận tôi tội nghiệp . Thật ra tôi không có ý phê phán điều gì cả . Tôi biết chữ đó cũng không phải là do bạn sáng chế ra mà là do sự quen dùng của mọi người mà chính bạn cũng không hề biết ai là tác giả của Nó . Nếu tôi là bạn . Tôi ở lại VN chừng thời gian ấy có thể từ lúc nào tôi đã bị đồng hóa mà không hề hay biết . Viết những dòng nầy cho bạn như một chút tâm tình của kẻ bên trời xa nhìn lại quê nhà yêu dấu của mình.
Tôi chỉ muốn nói lên nỗi buồn của riêng mình mà thôi . Tôi đi . Bạn ở lại , nhưng tai sao những chuyện ngày cũ vẫn còn đeo đẳng bên tôi làm tôi xót xa vô cùng khi thấy những hình ảnh xưa cho đến tiếng nói ngôn ngữ ngày nào dần dần mai một . Tôi chỉ muốn nói với bạn là tôi buồn lắm . Có về lại VN mới thấy buồn nhiều . Tất cả đổi thay hết rồi cho đến chữ nghĩa cùng thay đổi . Chữ là chữ VN tôi không phân biết gì cả nhưng có những chữ đọc lên nghe hết lạ lùng , kỳ quặc không chịu được như động não , vô tư, ấn tượng , xử lý , nắm bắt, cài đặt v v nhất là cái kiểu ghép chữ một cách quái đản như bao nhiêu từ đang tràn ngập thông dụng và phổ biến ở quê nhà như hoành tráng , điều nghiên ( điều tra và nghiên cứu ), bành cũng ( bành trướng và cũng cố ), hùng hiểm ( hùng vĩ và hiểm trở) trải nghiêm ( trải qua và kinh nghiêm ) , đúc kinh ( đúc kết và kinh nghiêm ) cụ tỉ , cô súc v v và v v Chữ nghĩa VN hết rồi sao mà lại có cái kiểu ghép chữ hết sức kỳ quặc ấy . Ôi chữ nghĩa ngày xưa đâu rồi . Cháu tôi dân Nam Kỳ rặt mà mở miệng nói chuyện với bạn bè cứ là tớ tớ cậu cậu như dân Bắc Kỳ chánh tông.. Nghe thật là khó chịu và chướng tai . Đọc đến đây bạn đừng vội cho tôi là phân biệt Bắc Nam . Tôi không bao giờ dám có ý đó vì người bạn đời tôi là chinh' hiệu con nai vàng Bắc Kỳ bạn ạ ! Tôi chỉ muốn nói đến sự mất mát dần những nét đặc thù văn hóa riêng của con người trong ngôn ngữ mà thôi . Đừng bảo là tôi câu nệ . Tôi cố chấp . Tôi đã thấy những mất mát đến mà đau lòng . Tôi thương chữ nghĩa VN trong sáng , mượt mà ngày ấy biết là bao nhiêu. Có thế thôi
Với cái đà chữ nghĩa nầy Vài năm nữa trở về VN chắc mọi người cần phải cầm theo một cuốn tự điển Việt Nam loại mới sau nầy để trong ví để khi không hiểu ta có bửu bối phòng thân không thôi thì cái mặt ngẩn ngơ kia sẽ quê mặt với xóm làng, họ sẽ bĩu môi và bảo " Người Việt Nam mà không hiểu chữ Việt Nam " đôi khi còn dám có người phê phán " Đi lâu rồi mất gốc " mới là khổ

Viết đến đây chạnh lòng nhớ đến bài thơ năm xưa thi sĩ Tản Đà " Vịnh bức Dư Đồ rách

Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười...

Bạn thân yêu ơi ! Bức dư đồ đang cần những mũi chỉ đường kim từ bao tấm lòng vá lại cho lành lặn đẹp đẽ như xưa . ...

Anonymous said...

"Nguoi dong cam" la ai vay ta ?

Nguoi lang thang Tha Huong

rachgia said...


Nhỏ N

ha ha lại " triều cường" "Ức chế thần kinh" ... nghe sao lùng bùng lỗ tai quá em ơi . Nhớ lại năm ngoái cũng mấy cái comment cùng bài viết của KGTT mà cô trò bè bạn ta bị một trận tơi bời hoa lá tối tăm mày mặt của đối phương. Em nào" bạn đọc Tha Hương " còn nhớ chuyện nầy đó em . Đừng nghĩ ai cũng giống mình em ạ . Cũng có nhiều người mau lắm "thích ứng" ngay với chữ nghĩa của thời đại mới. Thế mới là model phải không em .