Nguyên Nhung
* Đôi lời của người viết:
Một mùa Xuân , tôi có ý định đem vứt đi cây Quất già trồng trước cửa,
nhưng lần lữa nửa muốn nửa không. Tôi nói điều đó với chị tôi, chị bảo: “Hoa
không phụ người sao người lại phụ hoa”. Vì câu nói ấy tôi vẫn giữ cây lại. Lạ
lùng thay, buổi sáng mùng một Tết, tôi bước ra hiên và xung quanh tôi thoang
thoảng mùi hương thơm từ những chiếc hoa xinh xinh màu trắng, với những chiếc
lộc non trên cành quất xác xơ. Đó là lý do tại sao tôi đã viết câu chuyện “Giấc
Mộng Đêm Xuân”.
Năm
nay Xuân về, Tết đến muộn, đã bước qua tháng hai Dương lịch nên tiết trời thật
là ấm áp. Mùa Xuân đã trải những vạt nắng hồng trên sân cỏ còn ướt sương, bầy
chim cũng thức dậy hót líu lo trước hiên nhà mỗi buổi bình minh.
Trước
Tết độ nửa tháng, Nguyễn, chủ nhân căn chung cư hai phòng ngủ, nhưng hàng hiên
rất thoáng và rộng, đã dọn dẹp mớ cây cảnh trong những chiếc chậu sành tráng
men trước cửa nhà. Tuy chưa đến tuổi điền viên, nhưng mỗi ngày đi làm về, chăm
chút mấy cây kiểng cũng là thú vui của Nguyễn, đỡ phải nghĩ ngợi chuyện đời vốn
vui ít, buồn nhiều.
Sống cảnh đời cô độc, không vợ không con,
không họ hàng thân thích, Nguyễn đã quen dần với cái cô độc, tĩnh mịch của tâm
hồn. Có lúc chàng cũng nghĩ đến chuyện ở chung với một người bạn nào đó, chia
nhau chút tiền điện, tiền nước hằng tháng, nhưng chàng lại vội thôi ngay, vì
chỉ sợ sẽ đánh mất cái tự do được yên tĩnh sống một mình. Có khi chàng tự chế
giễu mình, “lòng mình còn không hiểu nổi huống chi lòng người”. Đây chỉ là lối
an ủi của người sống mà không biết rằng mình đang sống, đau mà cố quên rằng
lòng mình đang đau.
Năm
nay tự nhiên Nguyễn có ý định cần phải thay đổi một cái gì, khi nhìn những chậu
cây chàng trồng trước cửa. Hai cây thông đất khỏe mạnh tươi tốt, bất chấp sự
thay đổi của thời tiết, mấy giò phong lan đang trổ hoa rất đẹp dù không được
tưới tắm bao nhiêu. Giống này rất lạ, không ưa nước. Nguyễn tưởng sự chăm sóc sơ sài của mình thì
chẳng hoa nào sống được, vậy mà giờ này nó vẫn đơm hoa. Riêng cây quất nom có
vẻ cỗi, cách đây bốn năm cũng vào dịp Xuân về, vợ chồng người bạn đã mang tặng
chàng, với nhã ý đem cái sung túc, xum xuê, tươi thắm của cây cỏ để chàng khỏa
lấp phần nào nỗi hiu quạnh. Hai năm đầu chàng còn chăm tưới bón, nhưng đến mùa
Xuân thứ ba chỉ còn lác đác dăm quả vàng óng trên cành cây xơ xác cằn cỗi, nhìn
rõ mà phát chán. Nắng hè hừng hực rồi mùa đông giá rét đã cướp dần sinh lực của
cây, như người con gái chỉ vui có một mùa cưới, rồi thì cũng quắt quay với
những tất bật của đời.
Dạo
này tự nhiên Nguyễn hay có những nỗi buồn vô cớ, đến nỗi chểnh mảng cả việc săn
sóc cây cỏ. Mỗi độ Xuân về, Nguyễn lại nghe lòng mình chìm ngập trong một nỗi
buồn không đâu. Lắm khi chàng nhìn đăm đăm vào một chiếc lá xanh, nhìn để mà
nhìn chứ hồn chàng dường như đã gửi vào một nơi chốn rất xa xăm, có thể là một
khoảnh đời trong dĩ vãng. Ở đấy biết bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn, muốn thoát
ra rồi lại muốn quay về, khi con người đến lúc sống bằng những hồi tưởng dĩ
vãng. Nhìn hoa, nhìn lá, lắm khi Nguyễn đã ngậm ngùi nhìn rõ mối tương quan
giữa con người và cây cỏ, mới ngày nào tóc còn xanh mà nay đã sợi đen sợi
trắng, mắt đã bớt phần tinh anh, đuôi mắt thì hệt như một chiếc lá héo. Không
có gì chống chỏi nổi với thời gian, sự luân chuyển của vũ trụ vẫn quay đều,
Nguyễn nghe như đời dần dần ngắn lại.
Đêm
nay, đêm cuối năm. Dù chỉ có một mình, Nguyễn vẫn có thói quen bày biện chút
bánh trái để cúng Ông Bà. Trên chiếc bàn con là tấm ảnh của cha mẹ chàng đã ố
vàng với thời gian, tấm hình duy nhất còn lại mà chàng nâng niu gìn giữ, từ khi
gom góp mớ hành trang xuống tàu quyết thoát ra miền quê hương khốn khổ. Trong
cái đêm ngày cùng tháng tận, mùi nhang khói lãng đãng trong không gian, lòng
chàng lại chập chùng với biết bao kỷ niệm buồn vui, rất nhiều lần Nguyễn nghe
như có tiếng sụt sùi của những giọt nước mắt, chảy ngược vào tim khiến chàng
xúc động đến run rẩy.
Nguyễn
mở hé cánh cửa kính, một làn hơi mát lạnh từ bên ngoài ùa vào căn phòng vắng,
không phải thứ gió lạnh giữa đêm Xuân, mà nếu nghĩ ngợi thêm chàng cứ ngỡ đó là
cái dịu dàng của dáng Xuân, đang rón rén bước vào, quấn lấy chàng trong một cảm
giác kỳ thú. Đêm dịu dàng vô cùng, dưới sân cây hoa đào cũng đang rung rinh
những nụ hoa mới nở dưới đêm sương, Nguyễn hình dung ra cây cỏ cũng đang nín
thở để tận hưởng chút êm ái của đêm giao mùa.
Tự
nhiên Nguyễn lại muốn nghe một vài bản nhạc Xuân quen thuộc trong một đêm tuyệt
vời như đêm nay. Lâu lắm rồi, năm nào cũng đón Tết một mình, chàng có bao giờ
lại có được cái êm ả như vậy. Chàng mở nhạc rồi lười biếng thả mình trên chiếc
“sofa” ngoài phòng khách, nhắm mắt lại để tận hưởng những âm thanh dặt dìu
trong đêm vắng. Trong lúc mơ màng thả hồn với suối nhạc êm đềm, Nguyễn mơ hồ
nghe như có tiếng bước chân ngoài hành lang, tiếng lá hoa rì rào từ mấy chậu
hoa, rồi giọng ngọt ngào của ai đó gọi tên mình, ngay khi ấy bóng một phụ nữ đã
xuất hiện trước khung cửa. . .
Nàng
mặc chiếc áo vàng, màu vàng tươi thắm làm cho khuôn mặt ửng hồng, nụ cười rạng
rỡ trên đôi môi phơn phớt hồng và từ nơi nàng toát ra mùi hương của hoa cỏ, rất
thanh khiết. Chưa bao giờ Nguyễn thấy một vẻ đẹp nào thanh lịch hơn, không phải
nét ngây thơ nũng nịu của một cô gái mới lớn, cũng không son phấn lả lơi mời
gọi của một ả giang hồ. Từ nơi nàng toát ra một vẻ là lạ khiến chàng phải kính
nể. Nàng lên tiếng, âm thanh cao và trong trẻo:
“Đêm
Xuân, đến thăm chủ nhân lúc này thật là đường đột, mong ông vui lòng thứ lỗi.
Gần gũi đây mà mấy độ Xuân về, không chia xẻ được nỗi niềm với người cùng quê
lòng thật là áy náy. Thôi thì mỗi năm có một mùa, một mùa có một ngày như đêm
nay, ông cho phép thì tôi xin được vào đàm đạo mấy lời.”
Nguyễn
thấy thật là lạ lùng, tuy vậy chàng cũng vẫn giơ tay lịch sự mời khách, cố moi
óc để nhớ xem quanh đây có ai giống nàng, mà nếu có thì chàng cũng chẳng biết,
vì ngày nào cũng đi làm từ sáng tinh mơ, chiều về tưới cây qua quýt rồi lại
chúi đầu vào đọc sách. Khu chung cư lẫn lộn dân tứ xứ, lâu nay cũng thấy có
nhiều người Việt dọn đến rồi dọn đi, Nguyễn cũng chẳng quan tâm. Sự xuất hiện
của người thiếu phụ áo vàng trong đêm nay làm chàng ngạc nhiên, vừa ngạc nhiên
lại vừa thích thú. Hay nàng chỉ là một hồn ma, sự gặp gỡ một bóng ma đẹp trong
đêm nay chẳng thích thú lắm sao!
Nguyễn
rót trà mời khách, bình trà cúng giao thừa vẫn còn ấm, chủ khách nhìn nhau bỡ
ngỡ. Chàng khách sáo mở lời:
“Thật
quý hóa quá! Mấy năm nhà cửa vắng vẻ vì chỉ có một mình, nay có khách đến thăm,
lại là một giai nhân, năm nay chắc may nhiều hơn rủi.”
Thiếu
phụ cũng cười, trông nàng thật có duyên, sắc áo vàng như rạng rỡ theo nụ cười
của giai nhân, khiến nàng bội phần kiều diễm, tuy vậy người đối diện lại vẫn
không dám buông lời bất nhã.
“Cám
ơn ông đã quá khen. Trong phòng này ấm quá, nào nhang thơm, nào trà ngon, chủ
nhân thật là tươm tất. Mùa Đông đã qua, năm nay Xuân về tiết trời ấm áp, người
người cây cỏ cùng rạo rực đón Xuân sang. Riêng chủ nhân, sang năm mới phải tìm
một bóng hồng cho vui nhà, vui cửa.”
Nói
xong, nàng nhìn Nguyễn ý nhị khiến chàng bỗng dưng nghe lòng mình xao xuyến.
Chàng thở nhẹ:
“Không
dấu gì cô, từ ngày sang đây đời sất bất xang bang nên chưa dám nghĩ đến chuyện
vợ con. Bây giờ đã qua đi tuổi ấy, ngoảnh lại thấy mình đã già lại càng không
dám nghĩ. Thôi thì “lần lữa ngày qua tháng lại qua”, riêng tôi lại có nỗi niềm
riêng, biết ai là người tri kỷ?”
Thiếu
phụ nâng tách trà nhấp giọng, thanh âm lắng xuống bùi ngùi:
“Biết
ông đã mấy năm mà không chia xẻ được thật là đáng tiếc. Chúng ta cùng gốc gác
trời Nam, vì “tai trời ách nước” mà phải bỏ nước ra đi, mỗi người có một hoàn
cảnh khác nhau nhưng cũng đồng cảnh ngộ, lưu lạc nơi xứ lạ quê người. Qua xứ
này, khác biệt từ văn hóa cho tới phong thổ, cây cỏ còn héo hắt huống chi con
người. Sẵn đây cũng kể ông nghe, tôi được một người Việt Nam bất đắc dĩ phải bỏ
nước ra đi, mang theo làm bạn cho đỡ nhớ quê cha đất tổ. Tưởng đã bỏ thây nơi
lòng đại dương, ngờ đâu lại được đến nơi này. Đất nước quê người khác đất nước
quê mình, chí lớn không thành, sống một đời cô quạnh, chủ nhân tôi buồn rầu
sinh ốm đau, bịnh tật rồi chết, thân tôi lưu lạc bốn phương. Dù sao, vì vận
nước mà phải nổi trôi đến nơi này, nhưng có sao chăng nữa thì vẫn giữ nguyên
cái tình chung thủy với nước non, cốt cho xứng là người dân nước Việt.”
Nguyễn
nghe lòng dạt dào xúc cảm. Tâm sự của người phụ nữ áo vàng cũng giống như tâm
sự của chàng, ngoài chuyện tình cảm riêng tư thì vẫn mang một nỗi niềm chung,
mang kiếp sống tha hương nơi xứ lạ. Nguyễn thổ lộ, tự nhiên sao đêm nay chàng
lại đem nỗi lòng của mình kể cho người khác nghe, trong khi tính chàng vô cùng
kín đáo:
“Cũng
chẳng ai muốn bỏ quê hương mà đi, thưa cô, dù có phải vất vả vì miếng cơm manh
áo. Sang bên này, tuy có được hít thở không khí tự do, nhưng đổi lại cũng mất
mát khá nhiều. Tuổi thanh xuân và tình yêu của tôi đã mất theo những tháng năm
tù tội, rồi sau đó dù ở trong hay ngoài vòng tù tội, tôi vẫn bị ngột ngạt trong
cái không khí nặng nề của sự nghi kỵ. Hơn nữa vợ tôi. . .”
Nguyễn
im lặng thở dài. Chàng tự hỏi không biết có nên nói ra những điều này không?
Người phụ nữ vẫn im lặng nhìn chàng chờ đợi. Nguyễn tiếp:
“Nàng
gần giống như cô, cũng hay mặc màu áo lụa vàng mỗi độ Xuân về. Xin lỗi cô nhé!
Đây chỉ là sự trùng hợp khi đêm nay cô đến đây với màu áo vàng của nàng năm
xưa, thuở tôi còn là một người lính. Nay coi như đã hết, có lẽ nàng đã thay mấy
lần áo như hoa nở mấy lần hoa, nàng còn trẻ quá làm sao chờ đợi được. Tôi không
hề trách nàng dù từ đấy đời tôi không còn có mùa Xuân, sống lêu bêu như cây cỏ,
có lẽ cái số của mình đã vậy, không thay đổi được. Đời lại không lối thoát, tôi
muốn hòa nhập vào xã hội để sống như một người bình thường, nhưng xã hội lại
không chấp nhận mình, vì thế chỉ có một cách là thoát ra thôi cô ạ.”
Thiếu
phụ cúi đầu lặng lẽ, nhưng trong mắt nàng đã rưng rưng hai hạt lệ:
“Tội
nghiệp ông, sao đời buồn thế ông nhỉ? Bao nhiêu năm nhìn ông thui thủi trong
căn nhà này, tôi cũng nghĩ ông có tâm sự gì đó nhưng không tiện hỏi. . .”
Nguyễn
gật đầu. Chàng rót thêm trà vào tách để nén xúc động:
“Thế là
tôi vượt biên. Bao nhiêu ngày sóng gió, đói khát trên biển, cuối cùng cũng đến
được nơi đây. Xã hội này mở cửa cho tôi bước vào, mười năm qua mà cũng chẳng
làm được gì. Cuộc đời thì vẫn những con người bon chen, đố kỵ, tâm hồn nhiều
mất mát khiến tôi chả thiết tha gì nữa, co rút lại trong cái vỏ ốc cô đơn của
mình, mãi rồi không muốn hòa nhập với bên ngoài, dù biết là mình vẫn sống, vẫn
ăn, vẫn thở. Đêm nay cô đến đây, có lòng chia xẻ cái vui của ngày đầu Xuân, tôi
vô cùng cảm kích. Sẵn đây cũng xin được hỏi, chắc là cô cũng ở gần đâu đây?”
Thiếu phụ áo vàng nở nụ cười kín đáo, vẻ bí mật:
“Vâng, thưa ông, rất gần nữa là khác. Ông có biết mà
dường như không biết, vì tâm hồn ông đã gửi tận đâu đâu. Tôi có cảm tưởng ông
nhìn mà không nhìn, thờ ơ với tất cả, ông làm cho có chuyện chứ chẳng thiết tha
gì, bởi vậy dù có muốn chia xẻ điều gì cũng ngại ngần không tỏ được.”
Giọng nàng ra chiều hờn giỗi, còn Nguyễn lại ngạc nhiên
quá sức:
“Thực thế hở cô? Lâu nay tôi cứ tưởng chẳng ai chú ý đến
mình nữa, không ngờ đã phụ một tấm lòng, cô bỏ qua nhé!”
Giọng nàng thật dịu dàng, nửa như trách móc, nửa như ủi
an:
“Bởi vậy có những việc ông làm cho người khác ông cũng
không để ý làm như thế để làm gì, ông không lắng nghe lời thì thầm giao cảm
giữa đôi bên, thì làm sao thấy được niềm vui giữa người cho kẻ nhận. Lắm khi
ông lại tạo cho mình rất nhiều ngộ nhận, ích kỷ, vô tình, lãnh đạm, hay có khi
người ta cho ông là một kẻ kiêu căng, khối người đã nghĩ về ông như thế. Riêng
tôi thì tôi hiểu, bản thân ông là thiện, không hề làm hại ai, nhưng sao không
mở tấm lòng mình ra cho đời bớt khổ, cứ phong tỏa lấy mình để rồi chán ngán một
mình, cửa cứ đóng thì làm sao ai mở được.”
Nghe những lời nàng nói, những nhận xét của nàng chính
xác đến nỗi Nguyễn phải giật mình. Quái lạ! Người đàn bà này là ai sao có thể
hiểu chàng thấu đáo, cặn kẽ đến thế. Tự nhiên chàng ao ước, giá mình có một
người bạn đường đáng yêu như vậy thì dẫu chết cũng cam lòng. Có tới hai mươi
năm rồi, từ lúc vợ chàng bỏ đi, mới đầu Nguyễn thấy lòng đau đớn, tái tê rồi
lạnh lẽo hẳn, đối với chàng từ lúc ấy, đàn bà chỉ là sự đùa cợt, thoáng chút
vui cho đời bớt phần tẻ lạnh, không thể biểu hiện cho điều gì cao cả. Sự xuất
hiện đột ngột của người thiếu phụ áo vàng đêm nay, khiến chàng hiểu mình đã
khép kín lòng mình trong hoang tàn, đổ nát, tối tăm. Thiếu phụ lại nói:
“Ông Nguyễn ạ, có lẽ ông phải dẹp bỏ mọi thành kiến với
phụ nữ và cả với cuộc đời nữa. Tất cả mọi người đều có giá trị như nhau, mỗi
người là một đơn vị trong muôn ngàn đơn vị mà Thượng Đế đã tạo nên, ta chẳng
nên tự tôn mặc cảm hay tự ty mặc cảm. Nếu không có số 0 làm sao 1 lại trở nên
10, cái này bổ khuyết cho cái kia là vậy. Ông Nguyễn nghĩ xem, nếu không có
người đổ rác, làm gì có sự sạch sẽ để có một môi sinh tốt đẹp cho người khác
hưởng. Ngay cả các triết thuyết của các bậc cao nhân, cũng trở thành số 0 nếu
nó không được cái đám đông của số 0 kia hưởng ứng. Chúng ta cứ lòng vòng ở
những cái tầm thường nhất, để thấy rằng chẳng có gì là tầm thường cả, phải
không ông Nguyễn?”
Nguyễn chỉ im lặng lắng nghe, khẽ liếc nhìn nàng chờ đợi.
Dáng vẻ của nàng trang trọng tuyệt vời, mà mỗi lời nói lại vô cùng khúc triết:
“Tôi hiểu ông vì giữa ông và tôi có những cảm nhận giống
nhau, tâm cảm thì dường như đồng nhất, nhưng quan niệm sống của mỗi người lại
hơi khác. Cây cỏ mọc ở phương Nam đem trồng trên đất Bắc, làm sao mà tươi tốt
cho được. Con người cũng thế, nhưng nếu biết thích nghi với hoàn cảnh, biết
vượt qua những khó khăn nhất thời, giản dị tìm cái tương đối của nó thì cuộc
sống sẽ trở nên ý nghĩa. Chúng ta vẫn phải làm một điều gì có thể, dâng hiến
cho đời , chia cái Ta có cho Người thì mới hoàn toàn hạnh phúc, ông có đồng ý
vậy không?”
Nguyễn ngạc nhiên đến thán phục. Những lời người phụ nữ
vừa nói ra có một sức thuyết phục mạnh mẽ, khiến chàng cũng thấy mình cần thay
đổi cái nhìn, cũng như những tư duy về cuộc sống xung quanh. Chàng tỏ vẻ bối
rối:
“Vậy mà bấy lâu nay tôi đã khổ sở với nỗi cô đơn của
mình, nếu không có cuộc gặp gỡ đêm nay, biết bao giờ tôi mới tìm lại được niềm
vui của tâm hồn. Không biết thì thôi, biết rồi thỉnh thoảng mời cô tới đây cùng
đàm đạo chuyện văn chương, sách vở. . . “
Nguyễn nói với tất cả tấm lòng thành thật của mình khiến
người phụ nữ áo vàng cũng bùi ngùi xúc động:
“Tôi không biết nói với ông thế nào, nếu cơ duyên còn gặp
lại thì đó là một điều vui, nhưng nếu không còn gặp nhau nữa thì tôi vẫn luôn
luôn nhớ đến ông. Còn phải cảm ơn ông nữa là khác, như mặc chiếc áo đẹp phải
cảm ơn người thợ dệt, người này mang hạnh phúc đến cho người kia, đó là chân lý
của lẽ sống. Ngày nào mình còn làm được điều gì tốt đẹp ta cứ làm, không mặc
cảm mình là người hèn kém hay thừa thãi trong xã hội. Giống như đêm nay, coi
như chúng ta chưa biết nhau, vậy mà tôi vẫn đến đây, để chúng ta cùng có một
đêm Xuân đầy ý nghĩa.”
Nguyễn chỉ thấy ngỡ ngàng mà không hiểu nàng nói gì.
Người thiếu phụ áo vàng đứng dậy, khoát một cử chỉ tạ từ, giọng nàng lại cất
lên trong vắt, âm thanh tươi vui như tiếng hót của một loài chim:
“Xuân về, mong ông tìm được niềm vui cho tâm hồn, nhớ
chia lại niềm vui ấy cho mọi người và mọi loài ông Nguyễn nhé!”
Nguyễn chưa kịp nói gì thì bóng nàng đã thoắt ra cửa, tan
dần trong màn sương trắng đục như sữa. Trời đã ưng ửng sáng, tiếng chim hót líu
lo ngoài hiên làm chàng tỉnh giấc, thì ra chàng vừa trải qua một giấc mộng.
Nguyễn thấy tiếc ngẩn ngơ, dường như hương thơm của người phụ nữ áo vàng còn
vướng vít đâu đây.
Nguyễn
pha một bình trà ngon cho buổi sáng đầu Xuân, tách trà thơm như càng ý vị với
hình ảnh giai nhân trong giấc chiêm bao. Chàng mở cửa bước ra hiên, cây cỏ sau
một đêm Xuân bừng bừng sức sống, nắng vàng đã lóng lánh trên những giọt sương
đêm. Lạ thay! Nguyễn chợt nhìn thấy những lộc non đơm đầy trên cành quất xác
xơ, bao nhiêu nụ trắng đang nở hoa, tỏa mùi thơm bát ngát. Chàng nâng nhẹ một
nhánh cây, trên ấy còn sót lại một quả quất vàng từ mùa năm trước. Bỗng một làn
gió Xuân làm run nhẹ những chiếc lá non trên tay chàng, trong một thoáng bâng
khuâng, Nguyễn có cảm tưởng người thiếu phụ áo vàng chính là hồn cây quất trời
Nam, đã đến với chàng trong giấc mộng đêm Xuân.
.
2 comments:
Đọc xong Giấc Mộng Đêm Xuân thì đêm đó mằm mơ thấy người con gái áo vàng
hao hao giống người viết truyện. Nên bèn thơ thẩn:
Áo nàng vàng anh về"thơm"trái quất tóc nàng đen anh nhớ khói Ruby
sợ một ngày nàng giận bỏ ra đi
thì Tố sẽ mời anh đi chỗ khác...
hu...hu..
Cát Dương
Đàn ông, con trai gì mà lại khóc hu..hu..mấy ông hải quân khóc ra thì toàn nước biển mặn chằn hà, đừng có tin quí bạn tóc kẹp ạ. Thấy chị Nguyên Nhung hiền rồi ăn hiếp chớ gì, gặp cô Tố Lang thì sẽ biết tay, cô cho con rắn phập một cái thì hổng biết chuyện gì sẽ xảy ra, hi,hi,
Phượng Tím
Post a Comment