Saturday, April 13, 2013

Cây Sầu Riêng Vườn Cũ

___________

Chị Tố Lan thân mến,
 Xin chị post dùm truyện ngắn này , nhà văn Võ Kỳ Điền, là GS Võ Tấn Phước, dạy VV/TH Hoàng Diệu Sóc Trăng, GS.VV năm đệ nhị của Giang 1967,
 Ông gốc ở Đông Dương, nhưng gia đình di chuyển về Bình Dương từ nhỏ, ông sống ở Montreal, Cạ
  
    Chào chị, mg




Võ Kỳ Điền


Tôi rề lại cái băng cây, ngồi xuống ở đằng đầu. Cái băng được làm bằng tấm ván dầy, các chưn được đóng dính luôn xuống đất. Tấm ván được cưa cắt rất thô nhưng vì nhiều người ngồi tới ngồi lui nên nó trở thành trơn láng. Ở trại chuyển tiếp để đi định cư, ai cũng thích đến đây, vì ít ra tại vị trí nầy, người ta có thể nhìn ra ngoài thấy được một khoảng trời nhỏ và ở dưới kia, cái sườn đồi thoai thoải có vài mãnh vườn, cây cối xanh mát.
Ngồi kế bên tôi là chú hai thợ bạc, quê ở Sóc Trăng. Mỗi lần ra đây, tôi đều gặp chú. Khí hậu Mã Lai thiệt là kỳ cục. Ban đêm, trời lạnh teo ruột teo gan, ngủ phải đắp mền. Ban ngày trời nóng như đổ lửa, hơi nóng hừng hực từ sáng tới chiều, mồ hôi tươm ra đầy người. Ở tại lều không cách gì chịu nổi nên ai cũng tìm nơi để trốn nóng. Còn chỗ nào lý tưởng hơn chỗ nầy. Cái băng núp dưới bóng mát một bụi tre um tùm, ngoài kia dưới sườn đồi là phong cảnh kỳ thú. Thiệt ra ở vùng nầy còn nhiều nơi cảnh vật đẹp hơn nhiều nhưng dân tỵ nạn bị giới hạn trong vòng rào kẽm gai nên đâu có được ra ngoài mà đi đó đi đây

. Có mấy người đi chữa bịnh về kể lại rằng ở ngoài kia, thành phố đẹp đẽ, sang trọng, sạch sẽ, tiện nghi. Riêng tôi và chú hai thợ bạc thì chỉ biết xứ Mã Lai qua cái khung trời nhỏ xíu nầy.
Tôi ngồi ở đây mà đầu óc ở đâu đâu. Cái vùng đất mới mà tôi sẽ đến thì xa lạ quá, nơi đó có vẽ hấp dẫn lắm. Có nhà lầu chọc trời, có xa lộ thênh thang, có tuyết rơi trắng xoá, có đủ mọi thứ vui. Tôi tưởng tượng ra bao cảnh kỳ lạ mà tôi sẽ được mắt thấp, tai nghe trong một ngày rất gần. Nhưng có anh bạn đi trước, gởi thơ về trại, trong có đoạn viết " ...vừa bước ra khỏi máy bay như đi vào cái tủ lạnh, mũi thở ra khói, tay chưn tê cóng..", tôi chợt thấy ghê quá, quay qua chú hai thợ bạc:
-Mai mốt qua bển, chú sợ lạnh hông chú hai?
-Sợ chớ thầy tư, Ở nhà tôi lúc nào cũng tắm bằng nước nóng như mấy ông ghiền thuốc phiện. Tại không nước nào nhận nên tôi đành phải chịu đi Canada. Tuổi già xương cốt chịu lạnh dở lắm. Người ta nói ở bển, xin lỗi thầy tư nghen, đi tiểu ngoài đường, nó đóng lại thành cây nước đá. Nghe nói sợ quá. Mấy đứa nhỏ thì khoái chí. Tối tối tụi nó rủ nhau đi đến hội trường coi chiếu phim. Thấy tây tà trượt tuyết với nhảy đầm, coi bộ tụi nhỏ chịu dữ.
Tôi nhìn chú hai thợ bạc. Chú ốm người, da xanh mét, mặt xương xương, dáng khắc khổ. Muốn gợi chuyện cho vui, tôi nói:
-Thì lần hồi rồi cũng quen. Người ta chịu được thì mình chịu được, có gì mà lo. Tôi với chú qua bển, mình học một khoá nhảy đầm với tập trượt tuyết là xong hết. Người ta tới đâu mình tới đó. Vượt biên nguy hiểm, chết sống vầy mà mình còn làm được, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó!
-Ý thôi thầy tư, thầy tuổi trẻ thì còn được, tôi trên năm mươi rồi, tiếng Tây tiếng Mỹ một chữ cũng không biết, nói chi tới việc ôm đầm mà nhảy nhót.
-Vậy chú chịu cực, chịu khổ lặn lội qua đây để làm chi?
Chú hai nhìn ra xa trả lời ngập ngừng:
-Tại bên mình khó sống quá, vừa nhức đầu, vừa nghẹt thở, nên phải đi. Chớ vui vẻ gì. Tôi đâu có muốn nhưng hoàn cảnh bắt buộc. Thầy tư nghĩ coi, cái tiệm thợ bạc nhỏ xíu cũng bị tịch thâu. Thôi đành dẹp kềm, dẹp búa. Tôi làm đơn xin về quê làm ruộng. Nhà nước cũng không cho, bắt phải đi xây dựng kinh tế mới. Cái chế độ gì có mắt không được nhìn, có tai không được nghe, có miệng không được nói, thì ở lại làm gì. Nói thiệt với thầy tư, tôi ngồi đây mà đầu óc vẫn nhớ Bãi Xàu. Trước nhà tôi có cái rạch nhỏ, chiều chiều ra đằng trước câu cá, cũng đủ vui. Lớn tuổi rồi, đâu còn ham muốn gì nữa!
Nói xong, chú ngó mênh ngó mông. Chợt chú đưa tay chỉ xuống phía dưới sườn đồi, hỏi:
-Cái vườn ở dưới đó trồng cây gì mà cành lá xanh um?
Tôi nhìn theo, trả lời ngay:
-Cây sầu riêng đó. Mấy cây nầy mới trồng chừng ba bốn năm, còn nhỏ chưa có trái. Nếu lớn hơn một chút thì mùa nầy đã có bông rồi.

Tôi nhìn cây sầu riêng Mã Lai lá nhỏ nhưng tàn rậm hơn sầu riêng ở Việt Nam. Thấy khu vườn nầy lòng tôi đâm ngẩn ngơ. Quê tôi là xứ của sầu riêng, măng cụt, bây giờ nó ra sao?

Tôi quay qua hỏi chú hai:
-Ủa, chú chưa bao giờ thấy cây sầu riêng sao? Chú có ăn được sầu riêng không? Có nhiều người hễ nghe tới mùi là chạy mất, họ nói hôi không chịu nổi.
-Tôi khoái lắm chớ. Cứ tới mùa trái cây là mua mỗi lần cả chục kí, ăn tới mờ con mắt... Nhưng tiếc quá, tôi chưa có dịp đi vườn để thấy cây của nó...

Tôi bèn mô tả cây sầu riêng cho chú hai biết:
-Thông thường thì ở bên mình, cây trung bình có thân lớn cở cột nhà, cao hơn cột đèn đường chút xíu, tàn thưa mà rộng, mùa có trái nhìn thấy mê lắm. Trái nó treo lủng lẳng đầy cành, gai đâm tua tủa. Những trái còn non nhỏ cở trái cau, trái quít, thường bị rụng rải rác quanh gốc. Hồi nhỏ tụi tôi lượm lấy, bẻ mấy cái gai nhọn, cắm lên càm... để làm ông già râu!
-Trái nó to quá mà đầy gai, rủi nó rụng trúng đầu thì chắc chết!
-Vậy mà hình như chưa có ai bị rớt bể đầu vì sầu riêng. Chỉ có mấy anh đi ăn trộm mới sợ thôi vì trái nó chỉ rụng vào nửa đêm về sáng. Trái sầu riêng chín rụng ăn mới ngon. Nếu cắt cuống sớm, còn non ăn lạt nhách, nhiều khi bị sượng. Người sành điệu họ lựa chọn kỹ càng khi mua. Phải là thứ vỏ mỏng, nhỏ hột, cơm dầy màu mỡ gà, ăn cái vị nó beo béo, đăng đắng mới đã. Chớ ăn sầu riêng mà lựa thứ cơm ngọt ngay, thì ăn chừng vài múi là ngán ngược. Ăn buổi sáng, buổi chiều còn nghe mùi thơm.
-Mà chú hai ơi, ăn sầu riêng mà ăn một mình cũng chưa đủ ngon. Phải đi vào vườn với một cô bạn gái dễ thương, lựa một nơi im mát, gom cỏ khô lại làm đệm, khui trái sầu riêng chín thơm nực nồng, cầm từng múi bằng năm ngón tay, ăn hết rồi còn liếm cơm còn dính trên các ngón tay, mút chùn chụt, nhìn nhau mà cười... mới đã thèm.
-Sao tả cảnh nghe mê quá vậy. Chắc thầy tư ăn sầu riêng kiểu đó hoài?
-Phải được như chú nói, cũng đỡ. Nhiều khi tôi nghĩ tới còn tức mình. Hồi đó tới giờ, ngồi dưới gốc cây sầu riêng thì nhiều, còn ăn như vậy thì chưa bao nhiêu. Bây giờ ngồi đây, nhớ tới kỷ niệm mà trong lòng nao nao. Lúc đó tôi vừa được hai mươi tuổi...

* * *
Tôi gặp lại Phương do một sự tình cờ. buổi chiều hôm đó, trời vừa sẩm tối. tôi ở lớp học ra, đi ngay đến ngả tư đầu đường, để đón xe về tỉnh nhà. Chiếc xe lô ngừng lại. Tôi nhìn vào xe, thất vọng, trong khoang không còn một chỗ trống. Người ta ngồi đen nghẹt, chen chúc nhau. Anh lơ xe mở cửa, nhảy xuống kéo tay tôi, đẩy vào. Tôi cố chen vào trong. Có vài tiếng cằn nhằn nho nhỏ:
-Xe chật cứng, chỗ đâu mà chứa nữa!
Tôi vừa ngồi xuống vừa nghe bác tài xế trả lời:
-Bà con cô bác thông cảm. Chuyến chót hổng rước, người ta phải ngủ lại Sài Gòn sao ?

Thế là đâu vào đó. Ai nấy đành chịu chật. Tôi bị kẹt cứng tư bề. Phía trước, phía trong, phía sau là người ta, còn bên phải là cánh cửa xe bằng sắt. Tôi không có cách gì để đặt chưn cho gọn. day qua, trở lại, sửa tới, sửa lui, cũng không ổn thoả chút nào. Nhờ xe chạy có được chút ít gió mát. Ánh sáng về đêm của thành phó lấp loáng qua cửa xe. Đèn quảng cáo xanh xanh, đỏ đỏ. Đèn đường sáng trắng nhợt nhạt. Bầu trời lấp lánh đầy sao. Chiếc xe còn chạy loanh quanh chưa ra khỏi thành phố. Tôi yên chí nó sẽ chạy một mạch về tới tỉnh. Chật quá rồi làm sao chứa được nữa. Nào ngờ, qua một góc phố, chiếc xe từ từ ngừng lại. Có tiếng ồn ào:
- Trời đất ơi, cái xe nhỏ xíu như vậy, bác tài tính chứa bao nhiêu mạng ?
Tôi thất vọng. Nếu có thêm người, tôi sẽ bị dồn vào trong. Còn đâu mà nhìn thấy phong cảnh bên đường với gió mát trăng sáng. Chưa kịp phản ứng gì, thì cửa xe đã mở, anh lơ nhảy xuống, đẩy người khách mới lên chỗ tôi. Tôi bắt buộc ở cái thế phải ép sát vào bên trong để nhường chỗ. Đúng là hộp cá mòi. Hành khách bị ép như mấy con cá nằm sắp lớp, hết cục cựa. Bác tài vừa cho xe chạy, vừa cam kết:
-Thôi đủ rồi, không rước nữa. Bây giờ thì xe hơi chật. Xe chạy một hồi, nó lắc xuống đâu vào đó. Bà con cô bác thông cảm!

Không thông cảm với bác tài cũng không được. Trời tối rồi, không lẽ bước xuống xe để ở lại Sài gòn đêm nay. Mà bây giờ thì tôi đâu còn muốn bước xuống nữa. Người hành khách vừa mới lên là một cô gái còn trẻ, trong ánh sáng mờ mờ, tôi không thấy rõ nhưng có lẽ nàng đẹp lắm. Tà aó vàng được vén khéo qua bên, nàng cố thu mình cho nhỏ gọn lại, dáng khép nép. Riêng tôi vì đụng chạm bên người nàng nên loay hoay, xoay ngang người lại cho thư thả. Ở cái thế nầy tôi thấy thoải mái hơn nhưng đồng thời cánh tay phải như ôm lấy người nàng. Tôi mắc cỡ quá, đâu có dám đụng, đành phải vói tay qua gác trên cửa xe cho đỡ mõi. Trọn nửa người bên phải tôi ép sát nửa người bên trái của nàng. Tôi nghe một cảm giác êm ái bềnh bồng. Tôi đâu có ngờ hoàn cảnh trái ngang như vậy. Lần đầu tiên ngồi gần một cô gái lạ, tôi bối rối quá. Tôi thử nghĩ hằng chục câu hởi để mong làm quen với nàng, nhưng thấy câu nào cũng vô duyên. Thôi đành ngồi im, làm ra vẻ đứng đắn nghiêm nghị.

Bỗng chiếc xe quẹo gắt ở một khúc quanh, người nàng đè hẳn lên tôi. Như để đỡ mắc cở, nói nói bâng quơ:
-Chiều thứ bảy nào xe cũng chật nứt! Tôi bèn bắt chuyện:
-Dạ, dạ, cũng hơi đông.
-Chút xíu nủa là tôi đón hụt rồi. Từ trường ra tới đây kẹt xe quá!
-Chắc cô học trường Luật? Cô ta hơi nghiêng đầu qua tôi, hỏi lại:
-Sao anh biết? Tôi thấy vui trong bụng, có dịp để nàng thấy tôi thông minh:
-Đa số sinh viên luật thường đón xe chỗ cô vừa lên. Nàng cười nhẹ nhàng, hàm răng trắng bóng đều đặn:
-Dạ không phải, tôi học ở Văn Khoa. Tôi đoán trật lất. Nhưng không hề gì. Miễn nói chuyện được với nàng là vui rồi. Tôi tuy không học ở đó, nhưng cũng biết chút ít:
- Xin lỗi, tôi hơi tò mò, cô đang theo chứng chỉ nào ?
-Dạ, tôi học lớp dự bị..
-Vậy là cô được học với ông giáo sư Vương Hồng Sễn. Tôi khoái được nghe ổng nói chuyện. Hễ sách nào có bài ổng viết, tôi đều kiếm mua. Ổng rành về đồ cổ... Chắc cô cũng thích các giờ ông ấy dạy?
Lại một lần nữa tôi bị hố:
-Dạ, tôi sợ các giờ đó lắm. Kỳ rồi, tôi bị rớt vì môn Văn Chương Quốc Âm, nên kỳ nhì phải thi lại môn nầy.

Tôi không dám hỏi thêm. Tôi suy nghĩ hoài cũng không hiểu tại sao cô ta lại rớt môn Quốc Âm, cái môn được coi là dễ hơn các môn khác. Vốn ít nói và hay rụt rè, tôi lại đành ngồi im. Thoang thoảng, tôi ngữi thấy tóc nàng có mùi thơm nhè nhẹ. Tự nhiên tôi cảm thấy trong lòng một xúc động bất ngờ. Trời đất nào xui khiến cho tôi gặp nàng như vậy. Bây giờ tôi phải nói câu nào nữa ?
-Chắc cô về tới bến xe ?
-Dạ không, tôi xuống Cầu Ngang. Tôi lại tìm được câu đối đáp:
-Cô ở gần cái nhà ngói đỏ, có cổng sắt sơn xanh không? đằng trước có bụi tre ngà ? Cô ta nghiêng đầu qua nhìn tôi:
-Chắc anh là bạn học của anh Bình! căn nhà đó của tôi. Đoạn nàng chăm chú nhìn tôi, thoáng do dự, nàng tiếp:
-Phải anh là anh Hưng không, em là Phương đây ! Tôi vừa xác nhận thì nàng líu lo:
-Trời ơi, sao lâu quá không thấy anh xuống nhà chơi. Ba má em với anh Bình thường nhắc tới anh hoài.

Tôi ngạc nhiên sung sướng. Không dè con nhỏ Phương ngày nào nhỏ xíu, đen thui, mới có mấy năm mà lớn đẹp như vậy. Những chuyện năm trước bây giờ được tôi và Phương nhắc lại. Nàng nói chuyện lanh lợi, duyên dáng. Tôi lần lần bình tĩnh hơn. Tôi hỏi thăm tin tức Bình, sau cùng tôi thắc mắc:
-Ông Sễn dễ lắm má! Tại sao Phương lại bị kẹt môn Quốc Âm?
Phương phân trần:
-Anh Hưng thử nghĩ coi, em vào vấn đáp, ổng đưa em quyển " Truyện Đời Xưa " của Trương Vĩnh Ký, biểu em đọc bài " Anh chàng sợ vợ " Cái chuyện anh chàng lùi khoai lang trong tro nóng cho chín để ăn vụng, nào ngờ chị vợ về nửa chừng, anh ta sợ quá bèn cột túm ống quần lại, bỏ cũ khoai lang vào trong đó để dấu, nóng quá bèn nhẩy cà tưng. Đọc đến đây, ổng bảo ngừng lại và hỏi em: -Nhẩy cà tưng là nhảy làm sao "
Em còn đang suy nghĩ chưa kịp trả lời, thì ổng hỏi tiếp:
- Đâu cô nhảy cà tưng cho tôi coi!
-Anh Hưng thử nghĩ cả cái phòng thi rộng mênh mông. Ở dưới cả mấy chục người ngó lên, em mắc cở quá, làm sao dám nhảy. Chờ hồi lâu không được, ổng nghĩ là em không biết, nên cho dưới điểm trung bình. Em đành phải thi lại kỳ hai.
Tôi an ủi nàng:
-Gặp tôi mà ổng biểu nhảy thì cũng rớt. Ai lại nhảy cà tưng trước mắt mọi người, kỳ thấy mồ. Phương cười nhẹ:
-Lạy trời cho mai mốt đừng gặp cái "Anh chàng sợ vợ " nữa.
Tôi chớp ngay lấy cái câu nói hớ đó, hỏi lại:
-Vậy chớ Phương muốn gặp anh chàng như thế nào, cho tôi biết các điều kiện đòi hỏi....để kiếm cái đầu heo.
Phương chống chế:
-Ơ Anh Hưng, không phải vậy ! Mấy năm rồi gặp lại, anh vẫn y như hồi xưa, cứ phá em hoài.

Từ đó tôi thường xuống Cầu Ngang thăm gia đình nàng. Bình thì đã vào quân đội, ít khi có nhà. Má nàng lần nào thấy tôi, cũng nói:
-Khi nào rãnh rổi cháu xuống đây chơi, đừng ngại gì hết, thằng Bình đi lính, hai Bác nhớ nó quá. Nhà đơn chiếc không có ai.!

Còn Ba nàng thì ít nói, thường dẫn tôi ra sau vườn, bẻ trái cây cả đống bắt ăn. Phương xinh xắn, dễ thương, lăng xăng làm các món ngon để đãi khách. Chúng tôi thường ăn dưới gốc cây sầu riêng lớn. Vườn nhà Phương rất rộng. các mương nước nhỏ đầy rong. Nước trong vắt, thấy được những con cá bãi trầu,cá lia thia, cá lìm kìm, lội nhởn nhơ dưới đó. Đất đen mầu mỡ, cây dâu, cây măng cụt, cây sầu riêng, có những tàn lá xanh um, mát rượi...



Tôi ngồi mà nghe lòng khoan khoái, mắt nhìn ánh nắng lấp lánh qua các khoảng lá thưa. Đâu đây có con chim hót trên cành, tiếng nghe trong trẻo quá. Phương cũng như chim líu lo:
-Trên nhà anh Hưng có vườn không? có trồng nhiều bông không? đôi khi lên tỉnh, em muốn ghé chơi cho biết mà sợ... anh Hưng không thèm tiếp.
Má Phương mắng yêu con gái:
-Cái con nhỏ nầy, mầy làm như cậu Hưng là người dưng! Phương vừa ngó xéo tôi, vừa trả lời mẹ: -Thì má thấy đó, hôm con gặp anh Hưng trên xe, ngồi gần cả giờ đồng hồ, ảnh đâu có thèm nhìn... bà con!
Tôi không biết trả lời ra sao, đành cười trừ! Ôi! những buổi trưa ấm cúng, lòng vui như mở hội. Tôi vẫn đắn đo, rụt rè, chưa dám ngõ ý với Phương. Học hành chưa thành, công danh chưa toại, bây giờ còn quá sớm để nói chuyện yêu đương...

Những ngày tháng kế tiếp qua mau. Ba má Phương sẵn có vốn, mở thêm căn tiệm cầm đồ ngoài chợ. Ngoài những giờ học, Phương còn phụ mẹ buôn bán, trông nom công việc sổ sách. Tôi lại có dịp gặp gỡ nàng nhiều hơn. Chúng tôi trao đổi chuyện trời mưa, trời nắng, chuyện học hành, thi cử. Toàn là chuyện đâu đâu, vậy mà cũng có để nói hoài, không chán. Có lần Phương hỏi tôi:
-Anh Hưng ơi, hiện thời anh thương ai nhứt ? Tôi trả lời, cười cười:
-Thì Phương biết rồi, tôi nói hoài! Đời tôi chỉ thương có chú lùn bán hủ tiếu dưới gốc me...
Mặt Phương hơi phụng phịu:
-Vậy chớ mấy người đẹp của anh, không ai bằng chú lùn sao ?
Tôi giảng nghiã:
-Đẹp đâu có ăn được. Còn hủ tiếu cây me ăn ngon, cho nên tôi thương ... chú lùn.
Phương nín thinh, bậm môi tức tối. Tôi muốn giải hoà cho khuây khoả:
-Phương ơi, mấy ngày ở nhà không có buôn bán, em làm gì ?
-Em đi chợ, mua cá mua cua.
-Rồi sau đó Phương làm gì nữa ?
Nàng trả thù tôi, trả lời tỉnh rụi:
-Thì em làm cá làm cua.
-Vậy chớ không lúc nào Phương nhớ tới bạn bè chút xíu nào sao ?
Phương bật cười, tươi như đoá hoa buổi sáng:
-Có chớ, lúc ghé ăn hủ tiếu cây me thì nhớ tới anh!
Tôi vừa làm điệu bộ thất vọng, vừa nhìn sững mặt nàng. Phương cười, khuôn mặt vuông vuông, rạng rỡ, làn da trắng mịn màng. Tóc cắt ngắn gọn, cái mũi thẳng cao, xinh xắn. Cặp môi trề trề. Hèn chi nàng nói chuyện tía lia. Ông trời sao thiệt bất công. Mặt Phương không một khuyết điểm. Tất cả đường nét đều hoà hợp, thêm vào đó là cái duyên dáng nữa. Còn tôi thì vừa xấu, vừa đen, được quen với nàng, đời tôi còn hạnh phúc nào hơn. Do câu chuyện đẩy đưa, bất chợt tôi thấy Phương dễ thương làm sao. Trong một thoáng ngẩn ngơ, tôi nói đại:
-Cô chủ tiệm cầm đồ ơi,sao cô đẹp quá vậy ? Tiệm cô cầm vàng bạc, châu báu ngọc ngà mà có cầm "người ta" không ?
Phương trố mắt nhìn tôi. Hình như nàng chưa hiểu câu nói. Cặp mắt nàng tròn to, đen bóng, ngây thơ. Tôi nói tiếp:
-Có một sinh viên nghèo, học hành dang dở, hoàn cảnh túng bấn, cần cầm tạm để đủ tiền ăn học, miễn có cơm canh ngày hai bửa, mai sau có nghề nghiệp vững chắc, nguyện sẽ làm "tôi mọi" để trả công lẫn lời.
Phương hiểu ra, cười nho nhỏ, thủ thỉ bên tai tôi:
-Anh Hưng muốn cầm thiệt không đó ? Tiệm của em không khó khăn như mấy tiệm khác đâu. Miễn là sòng phẵng, siêng năng, trả nợ suốt đời...
* * *
Từ đó, tôi và Phương thương nhau. Rồi chiến tranh ngày một tàn khốc. Tôi phải vào quân ngũ, trôi nỗi ngược xuôi. Những cánh thơ nồng nàn thay thế những lần gặp gỡ. Phương thường viết cho tôi biết, nàng đã phải nhiều lần từ chối những mối mai xung quanh. Tôi run trong bụng. Làm sao nàng có thể chờ đợi và nếu chờ thì đến bao giờ. Thân tôi, tôi còn lo chưa xong. Cưới Phương bây giờ, chỉ làm khổ cho nàng, điều mà tôi không muốn. Yêu Phương, tôi muốn nàng được hoàn toàn sung sướng. Phương xinh xắn và dễ thương quá, nàng đâu thể vì tôi mà chịu khổ cực. Rốt cuộc rồi thì tôi cũng phải chịu thua định mạng. Một buổi sáng mùa thu, tôi nhận được thơ cuối cùng của Phương. Vào phòng riêng, tôi xé thơ ra đọc. Nét chữ quen thuộc dễ thương ngày nào, quay cuồng trước mắt tôi: " ...ba má bắt em phải lập gia đình với một người không quen. Giữa tình yêu và gia đình, em phải chọn một. Gởi đến anh bức ảnh cuối cùng em chụp bên gốc sầu riêng ngày nào... như nỗi lòng em.." Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra, ràn rụa. Những chữ còn lại, mờ nhạt. Cuối thơ Phương không ký tên, tôi đọc được câu ca dao ở hàng dưới cùng:

Đêm khuya thắp chút dầu dư
Tim loang cháy lụn, sầu tư một mình.

* * *

Câu chuyện đã trên hai mươi năm rồi, bây giờ tôi còn nhớ lại như in. Cái kỷ niệm ngày xưa sao mà êm ái nhẹ nhàng quá. Tôi với chú hai thợ bạc, ngồi im lặng bên nhau. Mỗi người một ý nghĩ vụn vặt, tản mác. Xa quê hương là xa hết những cảnh, những vật, những người thân yêu. Trước mắt tôi, bây giờ cũng có cây sầu riêng. Nhưng đâu phải là cây sầu riêng vườn cũ. Phương bây giờ đã có chồng, có con. biết được nàng hạnh phúc, tôi mừng lắm. Nhưng rồi vận nước đổi thay. Hiện giờ vợ chồng con cái nàng vẫn còn ở nguyên nơi quê xưa. Liệu nàng có đủ sức khoẻ và nghị lực để vượt qua những khổ nhục mà chế độ mới đưa tới hay không ?

Nhớ tới giờ phút nầy hình ảnh của hằng triệu người đang phải lam lủ, chân lấm tay bùn, cuốc xới trên vùng đất khô cằn miền kinh tế mới để phục vụ một thứ chủ nghiã ngoại lai, tim tôi như muốn nghẹn lại:
-Chú hai ơi! mấy người còn ở lại làm sao mà sống nổi với tụi nó ?
-Rồi cũng phải sống chớ thầy tư, hổng lẽ ... tự tử chết ! Con ngựa đua bắt đem đi kéo cày thì cũng như con bò, con trâu vậy !
Nghe chú hai thợ bạc nói, tôi nghĩ ngay đến Phương ngày nào. Trời đất ơi! cái sự thật sao mà chua xót. Tôi đứng dậy hết muốn nổi. :
- Vậy thì chừng nào dân mình hết khổ, chú hai ? Hổng lẽ phải chịu như vậy hoài ! Chú hai thợ bạc vừa đi vừa trả lời:
- Thầy tư đừng có lo! Luật tạo hoá tuần hoàn hết bĩ cực rối tới thới lai. Như trái sầu riêng chín thì phải rụng. Ngày đó tôi với thầy tư trở về, gầy dựng lại quê hương cũ. Cầu trời cho nó đừng quá tang thương, đổ nát...
Võ Kỳ Điền

14 comments:

Anonymous said...

Lại một chuyện thất tình !
Ông văn sĩ nầy thất tình xuyên quốc gia. Kha kha !!!

Một độc giả TH.

Unknown said...

Tôi rất thích đọc Võ Kỳ Điền . Ông thường có bài trên trang AHĐHSPSG
C.D.M.

Anonymous said...

Kính Qúy dôc gỉa,"Cây Sầu Riêng Cũ"
của nhà văn VKĐ.có đề cập đến Giảng
Sư Vương Hồng Sển;người bắt cô Phương "nhảy cà tưng"trong kỳ thi hạch miệng.Thấy hơi trùng hợp vói Vương Hồng Sển là phu quân của nữ
nghệ sĩ cỗ nhạc Bà Năm Sa Đéc,vừa qua ns Chí Tâm và cô Ngọc Đan Thanh
mới nói trên đài TH.Qúy đôc gỉa nào
biết nhờ giải tỏa giùm sự thác mắc này hộ.Xin cám ơn nhiều!
Độc gỉa của TH.

Anonymous said...

Chào bạn Độc Giả Của Tha Hương !
Không biết ông Vương Hồng Sển Giảng Sư và Ông Vương Hồng Sển của Bà Năm Sa Đéc có phải là một không ? Vì Bà Năm Sa Đéc thì chuyên bán bánh bao Ông Cả Cần ở Chợ Lớn.
Nhưng theo Wikipedia thì Ông VHS sinh năm 1902 và mất năm 1996. Bút hiệu là
Anh Vương,Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ông là một nhà văn hoá, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng.
Ông sinh tại Sóc Trăng mang ba giòng máu Việt, Triều Châu và Khmer, tên thật là Vương Hồng Thịnh nhưng người ta ghi là Sển trong khai sinh (có lẽ phát âm theo tiếng Tiều).
Ông học trường Chasseloup Laubat (trung Học Lê Quý Đôn bây giờ). Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire ông đi làm thư ký ở nhiều ngành. Sau cùng là Quản Thủ Viện bảo tàng Quốc Gia Việt Nam tại Sài Gòn và về hưu năm 1964.
Vì là nhà văn hoá và khảo cứu nên ông để lại cho đời rất nhiều tác phẩm.
Với tài năng đầy "thuyết phục" của ông, nên nếu ông được thỉnh giảng tại Đại Học Văn Khoa cũng khônbg phải là điều đáng ngờ vực !
Người Tò Mò.

Anonymous said...

Trả lời cho một độc giả TH,
Đúng như vậy,Ông Vương Hồng Sển giảng sư củng là phu quân của Bà Năm Sa Đéc. Ông Vương Hồng Sển có 3 đời vợ,bà Năm Sa Đéc là người thứ ba.Tức giận 2 người vợ trước,con nhà giàu,
đã chia tay không một lời từ giả.ông lên Sai Gòn thì gặp bà Năm Sa Đéc củng bị chồng bỏ,lúc đó đang ở trong một chòi lá.còn ông Sển thì trắng tay,đúng là một mái nhà tranh ,2 quả tim vàng.(góp ý cho anh bạn Người Tò Mò lý do 2 người gặp nhau ).
Ông Vương Hồng Sển là giảng sư đại học Huế,Sài Gòn còn là giám đốc
Bảo tàng viện đối diện với sở thú.Trong bảo tàng viện nầy có trưng bày một bức tượng thần Ninja của Nhật.Các bà các cô hiếm muộn lấy nước xối lên đầu bức tượng rồi lấy nước đó uống sẽ có con như ý muốn.Lâu ngày đầu của bức tượng tròn lẳng như cục đá sỏi vì bị
nước xoi mòn.Sau nầy các bà các cô đến trước hòn sỏi nầy củng lấy nước tưới lên và uống thì Ông giám đốc Sển mới nói rỏ nguồn gốc thì các bà các cô chỉ có nước lấy tay
bịt mặt chạy đi chổ khác.Đó là cá tính của ông Sển.
Bà Năm Sa đéc mất năm 1988 ,2 ngày sau khi hoàn thành phim Phù Sa.Ông Sển đã đọc bài Văn tế KHÓC THÊ rất là cảm đong như sau :
Văn tế Năm Sa Đéc:
Hởi ơi!Sa Đéc mưa gào Sóc Trăng gió rit.
Hè nhà trăng khuất,xốn xang nhìn ánh nến chập chùng ,
...........
Nhớ em NĂM xưa,
Tánh tình hiền hòa,phong tư thanh lịch.
Hát ca lổi lạc,anh chị em khán giả hoan nghinh.
................
Bảo tàng viện,anh từng nguyên quản thủ,bạn cười anh HỒNG SỂN nổi cơn ghen,
Phụng nghi Dình,em là Lử Phụng Tiên,anh căm tức Điêu Thuyền chơi ngón hiểm.
Anh vô tình mang tiếng sư tử Hà Đông,
Em được nổi danh anh hùng Tam Quốc.
...............
Đôi vợ chồng ra vào khắng khít,mắm muối mà vui,
Một chòi tranh sau trước đìu hiu,ghế bàn chẳng có,
...................
Để cho đến ngày nay,
Nhà cao ,cửa rộng,ngoài vườn hoa,trong viện sách,giữa công đồng xã hội êm ấm như ai,
Em sao vội phủi tay đứng dậy...Tắt đèn đời ,tìm giấc ngủ thiên thu,
Anh chỉ còn trơ mắt nhìn theo,qua giòng lệ viết trang tình nữa đoạn
Thế rồi,
Bút rè ngòi tiền cạn túi,anh khoe đồ cổ,chúng chẳng thèm mua.Nhà dột nóc,gạo lưng nồi,em bán bánh bao lời không đủ sống,
................
Bà đi rồi,tôi khổ muôn phần,sông cô độc giữa bình xưa lọ cổ
..............
Ô hô,
Đây sầu riêng,đây vú sửa,của chồng công vợ,nghẹn ngaofdaang một lể đơn sơ,
Đây rượu cúc,đây hương trầm,kẻ mất người còn,đau đón khóc nghìn thu vỉnh biệt.
Hởi ôi,thương thay.Có linh xin hưởng.
(Đúng là một bài văn tế cổ)
BẠN LÁNG GIỀNG














































































Điền Lâm said...

Hi All ,
Nhà văn Võ Lỳ Điền là người sinh tại Dương Đông Phú Quốc Rạch Gía . Sau gia đình về Bình Dương . VKD cũng là bạn học với Thầy Nguyễn Chí Cường . Hiện định cư tại Montreal QC . Xưa Ông có cộng tác với tờ báo Lửa Việt & Làng Văn và rất nhiều báo chí bên Mỹ . Sau khi Ma Bùn NHN bắn tin thất thiệt gia đình VKD ly tán . Và từ đó VKD vắng bóng trên văn đàng . Ông vừa là nhà văn , và cũng là thầy tướng số lẫn Phong Thủy .

Kính

Anonymous said...

Quý Bạn ơi !
Ông Bạn Láng Giềng có kể chuyện bức tượng Thần Ninja trong Bảo Tàng Viện Sài Gòn có lẽ quý Bạn không hiểu hoặc hiểu lờ mờ. Tui xin bổ túc cho quý Bạn tỏ tường.
Năm 1981 vượt biên sang Thái Lan tui có đi Bangkok chơi, thấy vài cặp trai gái đang dâng hoa vái lạy trước một cái Miễu. Tò mò tui ghé mắt vào xem thì ra cái Miễu thờ cái "Charlie" của đàn ông. Hỏi ra tui mới biết họ đang cầu xin Thần Charlie cho họ có con trai !
Và ở bên Nhật, xứ văn minh nhất Á Châu cũng có một làng nọ hình như ở Đảo Hokkaido mỗi năm hàng chục quý bà làm lễ khiêng cái Charlie bằng gỗ rất to và dài diễn hành khắp làng và hàng ngàn người tham dự rồi mang cái Charlie ấy trả lại ngôi đền. Vì họ tin rằng được khiêng "Ông Thần Đó" thì gặp may mắn trong hôn nhân và nếu sinh sản thì mẹ tròn con vuông ?!
MVN

Anonymous said...

Quý Bạn ơi !
Ông Bạn Láng Giềng có kể chuyện bức tượng Thần Ninja trong Bảo Tàng Viện Sài Gòn có lẽ quý Bạn không hiểu hoặc hiểu lờ mờ. Tui xin bổ túc cho quý Bạn tỏ tường.
Năm 1981 vượt biên sang Thái Lan tui có đi Bangkok chơi, thấy vài cặp trai gái đang dâng hoa vái lạy trước một cái Miễu. Tò mò tui ghé mắt vào xem thì ra cái Miễu thờ cái "Charlie" của đàn ông. Hỏi ra tui mới biết họ đang cầu xin Thần Charlie cho họ có con trai !
Và ở bên Nhật, xứ văn minh nhất Á Châu cũng có một làng nọ hình như ở Đảo Hokkaido mỗi năm hàng chục quý bà làm lễ khiêng cái Charlie bằng gỗ rất to và dài diễn hành khắp làng và hàng ngàn người tham dự rồi mang cái Charlie ấy trả lại ngôi đền. Vì họ tin rằng được khiêng "Ông Thần Đó" thì gặp may mắn trong hôn nhân và nếu sinh sản thì mẹ tròn con vuông ?!
MVN

Anonymous said...

Anh Trai Vạn Niên của Em ơi!Anh nói
Thầy Bạn Láng Giềng của mình tấu khúc về bức tượng Thần Ninja chưa được rõ ràng cho lắm;còn rất lờ mờ.
Để Ảnh bổ túc,tô điểm thêm cho dễ hiểu!Cuối cùng,Em Gái của Anh cũng
còn mù mờ chưa hiểu Thần Charlie là
ai?Thỉnh thoảng chỉ nghe Khánh Ly hát,nhắc đến địa danh,hay tọa độ nào đó mà thôi!Vậy nhờ giải bày tận
tường hơn cho Em khỏi nhức đầu!Hay là nhờ Sư Phụ Ông BLG tiếp hơi?
"Em Gái Anh"

Anonymous said...

Lão Niên nấy nói năng gì chẳng ai hiểu chả muốn nói gì ? Dẹp cha nội qua một bên để nhà thông thái là BLG tiếp sức

Ngừơi thắc mắc

Anonymous said...

Lima là cái-của-em-gái !
Charlie là con-của-người-thắc-mắc !
Thôi tui cứu bồ dùm sư huynh MVN đó ! Cám ơn tui nghen sư huynh. Hổng lẽ tui huỵch tẹt thì cả nhà bịt mắt. Xin kỵ húy và dzọt lẹ !
Sư phụ BLG chơi ác đem ông thần Ninja vào chi cho nó dây dưa tùm lum.
Người Smart.

Anonymous said...

Anh Mạnh mẽ Vẻ vang Non nước ơi!Thế
là Anh có đồng minh cứu bồ rồi.Giờ bàn giao cho Sư Phụ Bắc bình Lê Lai
Gây go dọn dẹp chiến trường.Kể ra thế võ của Người thắc mắc này cũng hơi độc địa đó đa!
Người lắm mồm

Anonymous said...

A lô,a lô,tôi nghe rỏ 100%.
Còn Thắc Mắc,Lắm Mồm như thế nào?
-Thần Ninja vẩn hiên ngang sừng sửng trấn cửa Bảo Tàng.
A lô địch đã rút lui hết rồi,chiến trường đã thu dọn xong.
A lô còn ở đó làm gì thu quân về mau đểtưởng thưởng ba quân.
BẠN LÁNG GIỀNG

Anonymous said...

A nô.a nô.Nắm Mồm nghe gõ gàng 5 ở
trên 5!Còn Thắc Mắc và Trai Anh Hùng,giờ này chắc còn"trùm mền" để
lấy"hơi ấm" bên Giai Nhân;nên chưa lên máy được.Vậy là Sư Phụ"né đạn"
chưa chịu gồng mình "đở" do anh Niên"bóp..c..o..l"(L=dấu huyền=>cò)cắc-bùm.Thế là muốn chiêm ngưỡng kỳ
hình,dị tướng của Thần Ninja ra nàm
sao?Phải trút hồ lô, trở về Thành Phố thân yêu của Bác;nơi Vườn Bách Thú thì mới thưởng thức được?Vậy phải qua cái Tháng Tư Đen này mới
có thể được.Vì lúc này:Mấy "khúc ruột ngàn dặm"chúng ta đang bị cấm
vận.Đã bỏ nước chạy "Vắt gìo trên cổ"nên phải có chút ít gì biểu hiện
cho khỏi thẹn với lòng!
Người Lắm Mồm.