Thursday, May 1, 2014

CON XÙ CỦA ÔNG BA KIM KHÁNH

_______________


                                                                                                 Nguyên Hạnh
Năm 1976, thành phố nhỏ của ông Ba Kim Khánh ở, cũng có những thay đổi sâu rộng như ở các vùng khác về hành chánh, kinh tế…nên gia đình ông Ba Kim Khánh phải chuyển sang từ kinh doanh vàng bạc đá quí sang một lãnh vưc kinh tế khác: vùng kinh tế mới.
Ông Ba chuẩn bị cho đời sống mới một cách bình tỉnh, lẽ tất nhiên ông không thể mang theo tất cả những gì ông có, chỉ những quần áo cần thiết gói ghém trong một vài thùng giấy cát-tông, một số chén bát dụng cụ nhà bếp, mỗi người trong số thành viên gia đình tự lo cho mình những vật dụng cá nhân. Chỉ thế thôi còn tất cả bỏ lại như nhà cửa, bàn ghế, tủ phên và….con Xù.

Trước ngày ra đi, ông Ba Kim Khánh có chạy qua nhà thầy giáo Tâm, một người bạn rất thân, ở đối diện nhà ông bên kia lộ:
- Thầy giáo ơi! Mai nầy tôi đi vùng kinh tế mới rồi. Tức nhiên tôi không thể nào đem con Xù đi theo được. Vậy tôi gởi nó cho thầy, nó cũng quen hơi với thầy lắm. Nếu nó chịu ở với chủ mới thì thôi, nếu không, thầy làm ơn đem nó qua nhà thầy cho nó ở nhờ. Khi nào tôi khá giả tôi về tôi xin lại. Cám ơn thầy nhiều lắm.
Sáng hôm sau, gia đình ông Ba Kim Khánh dậy sớm, chất hành lý lên ba chiếc xe ba bánh để lên đường. Thầy giáo Tâm cũng có mặt để tiễn đưa ông Ba Kim Khánh. Khi tất cả lên xe rồi, con Xú nhảy lên theo, nhưng xe quá chật không có chỗ cho nó bám vào và ông ba cũng xua tay bảo nó:
- Xù, thôi ở lại đi. Chủ mới sẽ nuôi mầy mà. Mầy hiền lắm, ai rồi cũng thương mà. Lại với nếu không được, mầy qua nhà thầy giáo ở đỡ chờ tao, tao có nói với thầy giáo rồi.
Ông Ba Kim Khánh nói rồi hối xe chạy đi. Con Xù nhìn theo và chạy theo một đổi. Thầy giáo cũng chạy theo nhưng níu lưng con Xù lại:
- Thôi Xù, về đi rồi tao tính cho.
Xù trở về, nhà trống không, chạy tới chạy lui kêu ư ử. Lâu lâu nó lại chạy qua nhà thầy giáo Tâm đưa mõm lên nhìn thầy muốn hỏi tại sao? Chiều lại, thầy giáo Tâm đem cho nó một thau nhỏ đựng cơm có trộn chút đỉnh đồ ăn thừa. Xù không ăn, Đêm lại thầy giáo Tâm không ngủ được vì thầy cứ nghe mãi tiếng nó tru lên buồn bã. Ngày hôm sau, nó vẫn không ăn, thầy giáo chỉ còn cách pha cho nó ít sửa, nó nhìn thầy như cám ơn rồi cũng liếm láp qau loa.
Ba ngày sau, người chủ mới đến nhận nhà. Người ta mở cửa ra, khiên đồ vào, sắp xếp đồ cũ bày biện đồ mới trước sự ngỡ ngàng của Xù. Lúc đầu Xù còn sủa lên vài tiếng nhưng sau dường như nó biết sự phản ứng của nó cũng vô dụng, nó chỉ còn biết đứng nhìn mà cặp mắt đỏ ngầu.
Khi chủ nhà mới đã an bày mọi việc xong, mới biết có con chó của chủ nhà trước bỏ lại, nên ông bà chủ nhà mới cũng mừng rỡ, nghĩ là: Chó tới nhà thì sang vì cụ thể là chủ nó là chủ tiệm vàng mà, nên hai ông bà nầy “cưng” nó lắm, bảo người ở đem cơm nó ăn, lấy nước nó uống. Nhung Xù cứ nhìn những người mới đến như người xa lạ.
Đêm đến theo thói quen trước kia, là Xù ngủ ngay trước cửa phòng của ông Ba Kim Khánh, nhưng hôm nay nó đến đây thấy có người khác, nó bỏ ra ngoài sân, rồi ra ngoài cổng. Thầy giáo Tâm, mặc dù thầy biết hôm nay là ngày chủ mới dọn nhà, là ngày mà Xù sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng thầy giữ ý không dám qua nhà người ta mà thăm con Xù. Tuy nhiên thầy vẫn nhìn sang để xem con Xú phản ứng ra sao.
Đến chiều tối, thầy thấy con Xù không ngủ trong nhà mà ra nằm ngoài cổng nhìn vào nhà, thầy băng qua lộ vỗ vào lưng nó bảo:
- Thôi qua nhà tao ngủ đi Xù.
Xù ngước mắt nhìn thầy, không theo thầy mà nằm xuống trước cổng, đưa mắt nhìn vào nhà cũ. Thầy giáo đành về nhà, đêm đó thầy nghe tiếng con Xù tru sáng đêm.
Thời gian dài như vậy, thỉnh thoảng Xù chạy qua nhà thầy giáo Tâm, liếm tay thầy, ngoắt đuôi với thầy. Thầy vẫn cho Xù ăn nhưng Xù chỉ nhấm nháp lấy có. Rồi thì Xù chạy về nhà mà không vào nhà, lại nằm trước cổng ngày như đêm. Mặc cho ông chủ nhà mới đem cơm canh thịt cá cho ăn mà Xù vẫn không ăn.
Thân xác Xù càng ngày càng ốm, lông lá đã lâu ngày không tắm rửa nên ghẻ chốc khắp mình. Nhìn Xù bây giờ quả là con chó ghẻ, bị bỏ rơi. Thầy giáo Tâm ái ngại cho Xù nên ngày nào thầy cũng qua lộ kéo nó về nhà thầy để thầy chăm sóc. Nó cũng nghe lời nhưng chỉ một lúc là nó quay về chỗ cũ, nằm khoanh tròn hướng mắt về đầu lộ, nơi mà ba chiếc xe ba bánh đã đưa chủ nó đi đâu cho mãi đến bây giờ.
Tháng ngày qua, tính đến nay, Xù đã sống trong nỗi nhớ chủ đã trên năm tháng, thầy giáo Tâm bất lực không làm được theo lời ủy thác của ông Ba Kim Khánh. Cho đến một đêm trời mưa giông, thầy giáo Tâm ngồi dậy nghe sấm sét liên hồi, hòa lẫn với tiếng tru của con Xù bên kia lộ. Không đợi sáng, thầy giáo Tâm qua lộ, đến trước cổng nhà ông Ba Kim Khánh, thấy con Xù nằm bất động, đầu hướng về đầu lộ, thầy cúi xuống đỡ nó lên chỉ là cái xác không hồn ướt đẩm, cứng đơ, lạnh ngắt.
Thầy xách cái xác con Xù về nhà và đợi sáng thầy bỏ nó vào một thùng cây, đem theo một cái xuổng, dùng xe đạp chở nó vào trong vườn của thầy cách thành phố độ vài cây số. Thầy đào một cái huyệt, chôn con Xù, đấp thành một gò cao, lấy ra một cây cọ nhúng sơn đỏ, viết quệt quẹt lên một miếng ván mỏng, cấm trước gò mã con Xù:
Nơi an nghĩ của Xù, con chó trung thành của ông Ba Kim Khánh.
Ngày….tháng…..năm 197…
Thầy đốt ba nén nhang, đứng trước mộ phần lâm râm:
“Xù, mầy là một người bạn trung thành của con người chúng ta”.
Mười năm sau, thầy giáo Tâm có một người khách từ nước ngoài về thăm. Đó là ông Ba Kim Khánh. Sau khi thầy kể tự sự về con Xù cho ông Ba nghe, cả hai vào nơi chôn cất con Xù. Ông ba Kim Khánh ngậm ngùi đốt nhang cho nó và nhờ người lấy hài cốt nó thiêu và bỏ vào một cái hủ để ông mang đi.
Thầy giáo Tâm thấy nhẹ nhàng./-

   

2 comments:

Anonymous said...

Tôi tên Tâm như trong chuyện, tuổi chó và thích yêu chó. Nhiều khi chó còn được dùng để khám phá (detect) bịnh cho cancer cho chủ nó, Cám ơn thầy MV. Vô Danh số 4.

Anonymous said...


Thêm một chuyện rất cảm động về một chú khuyển Trung thành với chủ.
Bên Nhựt cũng có một chú khuyển hằng ngày đi theo với chủ đến Bến xe lửa,chờ cho xe lửa chạy rồi mới về nhà.Buổi chiều nó ngồi trước cổng xe lửa rồi đi về cùng với chủ.Chẳng may chủ bị tai nạn mất đột ngột.Kể từ đó chú khuyển nầy ngồi trước cổng xe lửa mong ngóng chủ đi về cho đến khi Kiệt sức nằm chết trước cổng.
Dân chúng của thành phố đã tạc tượng chú khuyển dựng trước cổng xe lửa.
Còn tro chú khuyển của Mặc Nhân đã được chủ nhân đem về nhà.Âu cũng là một sự đền đáp xứng đáng với sự Trung thành của chú khuyển.
BLG