Tôi đứng núp sau lùm bông phướn, tay cầm chắc ngọn roi tre, vững lòng chờ. Hễ bón đen nào lao tới nạp mình là tôi khệng cho một cây, lập kỳ công bất hủ!
Tiếng kêu cướp rền trời phía nhà ông Bá và tiếng mõ hồi một làm vang động cả đêm khuya. Bầy chó trong xóm cũng hè nhau sửa rầm lên dữ dội.
Bỗng trống ngực tôi đánh lồng lên, tôi vảnh tai nghe tiếng thình thịch từ xa chạy lại.
Bóng người vừa nhô tới là tôi rán sức bình sanh cầm ngọn roi quất ngang vào ống quyển: Rốp!
Có thế mới được chớ! Tôi nhà đại vào đống đen đang té nằm rên dưới đất, ôm chặc lấ, nghiến răng:
- Chó chết, mày có chạy đàng trời!….
Nhưng, thiên địa quỉ thần ơi! Người tôi đang ôm cứng lại là… một cô gái!
Thôi phen này có nước mà chết nhục với đời! Tôi rụng rời buông lỏng nàng ra, hỏi:
- Cô là ai, có sao không cô? Cô chạy đi đâu làm vầy cho tôi tưởng lầm là kẻ cướp?
Nàng rên rỉ:
- Chết tôi đi anh ơi, tôi là con ông Bá đây! Anh làm ơn…. Đem tôi vô nhà… rồi tôi kể hết chuyện cho anh nghe, mau đi anh, đừng cho ai biết, mau đi anh!…
nàng nói rồi, oằn oại, nằm thiêm thiếp…
Làm sao bây giờ? Có Phật Trời nào chứng chiếu cho cả tấm lòng trong suốt của tôi?
Giúp người, hại mình, bây giờ đâu có thể chần chờ mãi được. Rủi thiên hạ xông tới gặp tôi đang níu lấy nàng, tôimới ăn nói cách nào cho xuôi?
Thôi, rủi đã vương lấy hoạ, tấm thân bảy thước còn kể gì, tôi kề vai vác nàng vô cửa.
Thằng Năm dầu có ngủ mê cách nào cũng đã thức dậy lục đục đốt đèn.
Thấy tôi cõng một cõng lù lù đi vô, nó kinh hãi nhảy lui một bước toan la, thì tôi đã khoát tay bảo nhỏ:
- Tao đây, câm họng lại, ra đóng chặt cánh cửa cái, mau lên!…
Nó sững sờ nhìn cái “sức nặng” trên vai tôi, rồi riu ríu vâng lời.
Tôi đặt “cục nợ đời” nằm xuống bộ ván trong, lấy dầu thoa trán cho hoàn hồn, rồi xây lưng ra ngoài, kéo tay thằng Năm:
- Nguy lắm rồi mầy Năm ơi! Nghe đằng nhà ông Bá bị cướp, tao tốc mùng vác cây roi tre ra tiếp cứu, không dè ba chớp ba nháng, đập nhằm con gái ổng gần chết, tao lật đật cõng về đây!
- Khốn nạn chưa! Biết lầm sao mầy không tháo chạy, lại rước “của nợ” ấy về làm chi, hỡi Trời!…
- Ai tàn nhẫn như vậy được mậy? Ðã đập cho người ta ngất ngư, còn bỏ chạy là nghĩa lý gì? Vả lại hồi nãy, lúc tao ôm “con mẻ”, “con mẻ” năn nỉ tao cõng về, tao bấn loạn nghe theo, không kịp suy nghĩ, bây giờ biết làm thế nào?
- “Con mẻ” năn nỉ mầy cõng về! Rồi mầy cõng? Hừ, làm thế nào thì làm, tao bỏ nhà nầy cho mầy ở!
- Tội nghiệp tao mà mầy Năm, chuyện đã lỡ ra thế này, mầy phải giúp tao gỡ rối mới được!
- Giúp mầy? nghĩa là cõng đem trả? Mô Phật, tao không có cái lưng “nghĩa hiệp” như mầy đâu!
- Không mà! Số là tao chưa biết ất giáp gì hết, mầy lập tức giùm chạy lại nhà ông Bá coi cho tao hay. Chuyện nầy tao nghi lắm, tao phải chờ “con mẻ” tỉnh hồn lại mà cật vấn mới được. Giùm mau đi Năm!
Thằng Năm lật đật thoát ra mà vẫn cằn nhằn cẳn nhẳn:
- Ừ, tao cũng “nghi” lắm, chỉ thương hai cho tao không ăn mà chịu, rủi thời mang nhục cả lủ cho mà coi!
Tôi đi tới đi lui trong nhà, bóp đầu suy nghĩ vì “cục nợ đời” vẫn còn nằm thiêm thiếp, thì thằng Năm hào hển chạy vào:
- Tao lạy mầy, tao lạy mầy, mầy mau đem “con mẻ”, trả chỗ nào thì trả, không thì vạ tới nơi…!
- Thong thả mà nói, làm gì rối rít lên như thế?
- Thong thả sao được, ông Bá vừa bị một người cầm dao vào hăm hoạ đòi giết, rồi nó trói ổng lại, dắt con gái ông did. Ông la rầm lên, thiên hạ đang đuổi theo lục soát lùm tum beng kìa!
Tôi nghe thằng Năm nói, hồn phi phách tán cứng họng nói chẳng ra lời.
- Bây giờ mầy đứng “chết trân” đó mà chịu hay sao? Ðây, tao vừa nghĩ được một kế cứu mầy: Tụi mình áp khiêng “cục nợ” đó ra đầu ngã ba nầy rồi đồng la lên: “Bớ người ta! Ai nằm đây!”, cho thiên hạ đổ lại “rước” con mẻ về là xong!….
Thằng Năm nói dứt lời kéo xển tôi lại ván nhận đầu tôi xuống, khiêng “nàng” lên.
“Nàng” vẫn con chưa tỉnh hẳn….
Ðêm ấy, sau khi tìm được con gái ông Bá, “họ” còn bắt được cả thủ phạm: thằng Tư Rổ! Nọi vụ đưa ra làng, giao cho Hương quản làm “ăng kết”.
Trên bàn Hương quản lại nhà công, một cây dao sắc lẻm để nằm làm tang vật. Thằng Tư Rổ bị trói ké ngồi cú rũ ở góc phòng. Ông Bá khép nép đứng cạnh đó và một dọc dài chứng cớ…. có cả tôi và thằng Năm!
Thầy Hương quản là một người ốm mảnh khảnh nhưng có một bổ râu dữ tợn, cặp mắt oai nghi, trông vào ai cũng hết vía.
Thầy ngồi giữa bàn, ngậm cái ống cối to tướng, nghiêm sắc mặt, kêu ông Bá hỏi trước:
- Sao, ông hãy thuật đầu đuôi gốc ngọn cho làng nghé
Ông Bá khúm núm:
- Thưa thầy, cách đây một năm, tôi thấy thằng Rổ nầy khá đứa, biết lo làm ăn, nên tôi định gả con Hai tôi cho nó. Tôi kêu nó về ở rể đúng năm rồi sẽ chọn ngày lành tháng tốt cho chúng nó nên vợ nên chồng.
Mấy tháng đầu về với tôi, nó làm việc lực bạt biết chiều chuộng tôi, biết lo bổn phận. Không dè khi gần ngày cưới bỗng thinh nó phát lên làm biếng, làm nhác, không chịu làm việc nữa, cứ rủ rê bạn bè nó lại phá gà, phá vịt hoặc thả đi luông tuồng. Tôi rầy la mãi không được, túng tôi phải hăm nó: Nếu nó còn giữ thói đó nữa, thì tôi tống cổ nó ra ngoài và không gã con cho nó. Nó vẫn không nghe, tôi buộc lòng tôi phải đuổi nó.
Thằng Tư Rổ đang ngồi, vùng đứng dậy dợm cãi, nhưng bị anh Cai tuần chụp đè cổ xuống, và thầy Hương quản trợn mắt, làm nó phải ngồi lại nín khe.
Ông Bá tiếp theo:
- Thế rồi gần tháng nay tôi tưởng nó về với cha mẹ nó, không dè đêm hôm, tôi đang nằm ngủ quên giữa ván nhà, bỗng đâu nó đẩy cửa nhảy xổ vào, phóng lên ván, câu hai cẳng đè cứng mình tôi, tay đưa dao hăm doạ: “Ba la một tiếng tôi phụp một cái rụng đầu!”
Tôi sợ quá năn nỉ nó, nó không buông, còn lấy dây trong áo trói tôi lại, rồi xông vô buồng bắt con gái tôi đi….
Ông Bá khai rồi đứng sang một bên. Ðến lượt thằng Tư Rổ được Cai tuần dẫn lại giữa bàn.
- Sao, thằng chó chết nầy, mầy phải khai cho thiệt! Thầy Hưởng quản ra lịnh.
Thằng Tư Rổ hằn học từ lâu, được phép cho nói tuôn ra một hơi:
- Bẩm thầy, ổng nói láo! Ổng hứa gả con Hai cho tôi, ổng bắt tôi về ở rể, đầy tôi như đầy tớ mà cấm tôi không được nói chuyện với vợ tôi tiếng nào. Rồi gần đến ngày cưới, thình lình ổng đuổi tôi đi. Tôi năn nỉ hết lời, ổng cũng không chịu cho tôi ở lại. Tôi chắc ổng giận tôi chuyện gì nên bóp bụng ra về, định chờ ổng nguôi ngoai sẽ năn nỉ xin cưới.
Không dè mới đây người ta cho tôi hay rằng ổng đã kêu thằng Út ở xóm trong vào ở rể nữa.
Tôi tức mình đón vợ tôi gạn hỏi. Té ra ổng ép vợ tôi, không cho đi đâu khỏi nhà. Biết rằng vợ tôi nó cũng thương tôi lắm, mà ổng thì độc ác không thể năn nỉ được, tôi vẫn chiều lòng đến lạy lục ổng năm bảy phen. Lần nào ổng cũng đuổi tôi như đuổi chó.
Tức quá, tôi mới xách dao lại hăm ổng, đó là sự bắt đắc dĩ, xin thầy xét lại cho tôi nhờ.
- Mầy có đè, trói, và hăm giết ổng không?
- Bẩm có, vì ổng thấy tôi, ổng muốn la, tôi đè ổng trên ván và nói: “Nếu ba không gả con cho tôi, tôi sẽ lấy đầu ba”. Tôi nói vậy là để cho ổng sợ, ổng gả con Hai cho tôi, chớ tôi không có ý định giết ổng.
- Ðược rồi! Rồi mầy trói ổng lại và cướp con gái ổng đi?
- Bẩm, ổng nằn nằn không chịu, ổng nói rằng tại vợ tôi muốn vậy. Tức quá tôi phải trói ổng lại, chạy vô buồng hỏi, và biết rằng có nói cũng vô ích, tôi đánh liều tính dẫn vợ tôi đi ít lâu rồi về thú phạt. Ðó là vợ tôi chịu theo tôi chó tôi đâu có bắt ngang….
Làng làm ăng kết xong, liền giải thằng Tư Rổ ra quận.
Tôi không chờ biết kết cuộc ra thế nào, chán cả kiếp sống ở đồng, nghĩ tủi tấm thân bảy thước của mình mỗi lần phải đụng đầu với con gái ông Bá.
Tôi không phải cây cỏ gì mà không biết ơn nàng khi nàng không hề hở môi cho ai biết vụ tôi đập nàng một cây và tôi cõng nàng về nhà đêm ấy.
Nhưng mỗi khi gặp nàng ở đâu là nàng ngó tôi một cách khẩn thiết như muốn bày tỏ một sự gì, rồi nàng dòm xuống cặp giò cười mỉm. Tôi hiểu là nàng muốn nhắc tới ngọn roi tre cũ, nhưng tôi tảng lờ quay đi…
- Không được mầy Năm, ở đây rồi phải chết một cửa tứ! Coi bộ con mẻ… “cảm” tao rồi mầy ơi.
- Tùy mầy, mầy muốn sao cũng được. Ði ở là quyền của mầy. Nhưng tao nghĩ mà tức cười, nếu hôm trước “con mẻ” tỉnh, và “con mẻ” quyết nằm lì ở nhà mình, thì chắc “thế cuộc” giờ đã đổi khác, đâu còn cái vụ quấn quít giữa “cành tre cũ với cặp giò xưa”
|
1 comment:
Cũng may cho anh chàng nầy biết sợ, nếu không thì hậu quả khó lường. Anh chàng ở rễ nầy không hăm dọa suông như đối với ông Bá hộ đâu! Con dao đó là con dao sát thủ theo kiểu Cô Quờn đã lam nên lịch sử .
Post a Comment