Sưu Tầm
( gửi đến TH do một bạn đọc)
( gửi đến TH do một bạn đọc)
Các bài viết góp nhặt về vụ án TOÁN XỒM (chỉ có tại VIỆT NAM)
Thập niên 60 – 70, khi những ban nhạc trẻ Sàigòn đang làm mưa làm gió ở những Ðại Hội Nhạc Trẻ Lasan Tarberd , Thảo Cầm Viên… thì ở Hà Nội một vụ án liên quan đến âm nhạc được xem là “nghiêm trọng ” thời ấy khiến 2 người đàn ông chịu mức án một người 10 năm, người kia 15 năm tù. Một người còn sống , một người đã chết ngoài đường phố sau khi mãn hạn tù đày.
Vụ án “Toán Xồm – Lộc vàng” những người dám hát nhạc vàng “văn nghệ đồi truỵ.” do Toán Xồm (Phan Thắng Toán) và một số nghệ sĩ nghiệp dư khác. Vụ án được đem ra xử vào tháng Giêng năm 1971. Ðây là một vụ án “đặc biệt nghiêm trọng” về văn nghệ, lần đầu tiên được đưa ra xét xử công khai tại Hà Nội.
Các bị cáo của vụ án bị cáo buộc đã “ tụ tập thành một ban nhạc nghiệp dư tụ tập chơi Nhạc Vàng. Khi đi biểu diễn nhạc kiếm tiền ở những đám cưới, các cuộc liên hoan, chúng tìm cách đánh xen kẽ những bản Nhạc Vàng để truyền bá và thăm dò thị hiếu của lứa tuổi thanh niên. Chúng phân chia nhau đi tìm mua đĩa hát loại Nhạc Vàng lọt vào được, đi sưu tầm các bài hát và Nhạc Vàng cổ, ghi chép các bản nhạc giật, nhạc tâm lý chiến của đài Mỹ và đài Sàigòn. Chúng dùng các bản nhạc này để luyện cho nhau những giọng hát, tiếng đàn thật là bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để đi truyền bá lôi kéo thanh niên…” (trích bài báo “Phan Thắng Toán và đồng bọn đã bị xét xử”, báo Hà Nội Mới, ngày 12/1/1971)
Tôi gặp người còn lại là ông Lộc Vàng nay đã ngoài 70 tuổi, chủ một quán cà phê nho nhỏ bên vòng cung Hồ Tây một tối đầu đông của Hà Nội 2014. Âm nhạc thành án tù, tán gia bại sản, chết ngoài lề đường có lẽ chỉ xảy ra ở các nước Cộng Sản.
Toán Xồm là một người có gương mặt đàn ông đẹp trai như lai Tây: đẹp và buồn, nhưng lạ thay! những bức ảnh chụp ông vất vưởng trên đường phố vẫn không thiếu nụ cười.khinh mạn? phản kháng? ngạo nghễ? tất cả đều có thể.
Những bức hình cuối cùng chụp ngày 23/4/1994 trước khi ông mất đúng ngày 30 tháng Tư năm 1994 – chỉ 7 ngày sau đó.
VỤ ÁN VĂN NGHỆ “TOÁN XỒM”
Nhiều năm qua, những người yêu Nhạc Vàng ở Hà Nội không lạ gì quán Càphê Lộc Vàng, số 17A đường Ven Hồ Tây, phía Thụy Khuê. Nhiều người yêu nhạc xưa và hoài cổ thường lui tới đây để thưởng thức giọng ca đầm ấm của ông chủ quán Nguyễn Văn Lộc với những ca khúc tiền chiến du dương lãng mạn của Ðoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao, Ðặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng… nhưng ít ai biết ông chủ quán đã từng liên quan đến một vụ án “văn nghệ đồi truỵ.” do Toán Xồm (Phan Thắng Toán) và một số nghệ sĩ nghiệp dư khác. Vụ án được đem ra xử vào tháng 1 năm 1971. Ðây là một vụ án “đặc biệt nghiêm trọng” về văn nghệ, lần đầu tiên được đưa ra xét xử công khai tại Hà Nội.
Các bị cáo của vụ án bị cáo buộc đã “tụ tập thành một ban nhạc nghiệp dư tụ tập chơi Nhạc Vàng. Khi đi biểu diễn nhạc kiếm tiền ở những đám cưới, các cuộc liên hoan, chúng tìm cách đánh xen kẽ những bản Nhạc Vàng để truyền bá và thăm dò thị hiếu của lứa tuổi thanh niên. Chúng phân chia nhau đi tìm mua đĩa hát loại Nhạc Vàng lọt vào được, đi sưu tầm các bài hát và nhạc vàng cổ, ghi chép các bản nhạc giật, nhạc tâm lý chiến của đài Mỹ và đài Sàigòn. Chúng dùng các bản nhạc này để luyện cho nhau những giọng hát, tiếng đàn thật là bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để đi truyền bá lôi, kéo thanh niên…” (trích bài báo “Phan Thắng Toán và đồng bọn đã bị xét xử”, báo Hà Nội Mới, ngày 12/1/1971)
Phiên tòa đã diễn ra 3 ngày để xét xử bọn “gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tự trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà Nước, nhất là chính sách văn hóa, chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ XHCN trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược…” (Báo Hà Nội Mới, bài đã dẫn)
Xét tính chất nghiêm trọng của vụ án, ông Phan Thắng Toán (Toán Xồm) bị tuyên án 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân, ông Nguyễn Văn Ðắc bị 12 năm tù giam, và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân, ông Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng) bị 10 năm tù giam, và sau đó 4 năm bị tước quyền công dân…
Ông Lộc Vàng kể: “Sau khi ra tù thì anh Phan Thắng Toán (Toán Xồm) cũng chẳng còn nhà cửa gì nữa, anh chán đời và tìm vui bên men rượu trên hè phố. Ðêm 30 tháng 4 năm 1994, anh chết bên đường…”.
Ông Nguyễn Văn Ðắc mất năm 2005. Về phần ông Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng), sau khi ra tù ông cũng đã sống một cuộc đời bôn ba. Sau khi người vợ qua đời, ông Lộc Vàng dựng quán Càphê để ông thỏa chí hát lên cảm xúc đời mình.
Dưới đây xin trích vài câu hỏi và đáp của toà với các “bị cáo” do nhạc sĩ Tô Hải, người đã tham dự phiên tòa năm đó, thuật lại:
Chánh án: -Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?
Toán Xồm: -Dạ! Thưa quý toà, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Ðức thôi ạ!
Chánh án: -Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?
Toán Xồm: -Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!
Chánh án: -Vậy anh có biết Cha Cha Cha là cái gì không?
Toán Xồm: -Dạ! Có ạ!! Ðây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!
Chánh án: -Thế còn Tango Bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?
Toán Xồm: -Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ Ðoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều xử dụng cả ạ!
Chánh án: -Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Ðừng có ngụy biện!
Toán Xồm: -Dạ! Ðánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!
Chánh án: -Anh hãy im miệng! Ðồ ngoan cố!
Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Ðồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.
TÀI TỬ LỘC VÀNG VÀO TÙ VÌ YÊU NHẠC
Ông Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1945 là một trong những người mê Nhạc Vàng nổi tiếng tại Hà Nội. Trước năm 1954, đâu đâu cũng nghe người ta hát Nhạc Vàng (đó là dòng tân nhạc nay gọi là tiền chiến. Hồi đó vì vẻ đẹp sang trọng và đáng quý nên người ta so sánh nó quý như vàng, chứ không phải nhạc vàng hiểu theo nghĩa sến, héo úa sau này) nó ngấm vào ông từ khi nào không biết. Cũng vì trót yêu, trót thèm được phiêu du cùng cái cảm xúc thật của mình mà bất chấp lệnh cấm, ông Lộc cùng một nhóm bạn, trong đó có ông Phan Thắng Toán (Toán Xồm) và Nguyễn Văn Ðắc thường xuyên tụ họp tại nhà, cùng hát với nhau những bài hát của Văn Cao, Ðoàn Chuẩn – Từ Linh, Ðặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…
“Chúng tôi gặp gỡ, đóng cửa hát cho nhau nghe thôi chứ cũng chẳng phản đối chính sách nhà nước gì cả. Chúng tôi chỉ thấy dòng nhạc này hay quá, trữ tình và đầy tình người nên muốn lưu giữ lại và đóng cửa hát cho nhau nghe.”
“Người này đồn người kia. Công an bắt bạn tôi và nói rằng vì chúng tôi thích những bài nhạc ấy nên chúng tôi phá hoại nền văn hóa CNXH và tuyên tuyền văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc. Và họ đã xét xử bọn tôi”.
Ngày 27 tháng 3 năm 1968 nhóm nhạc của ông Lộc Vàng bị bắt. Vụ án “Phan Thắng Toán và đồng bọn về tội tuyên truyền văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc” đưa ra xét xử, ông Toán “Xồm” bị tuyên 15 năm tù giam, ông Ðắc bị 12 năm tù giam và ông Lộc Vàng bị 10 năm tù giam, để rồi khi ra trở về cuộc sống tự do họ vẫn không khỏi thắc mắc vì sao.
“Nghĩ đến cuộc đời của mình sao mà cay đắng chua chát quá. Mình có làm cái gì đâu, chỉ yêu thích âm nhạc thôi mà bị tù đày. Sau khi dòng nhạc này được khôi phục lại, những bản nhạc này được hát lên ti vi. Khi nghe người ta hát mà mình ngồi ứa nước mắt ra”.
Ra tù, nhà cửa ông Toán Xồm cũng tan nát. Ông lang thang trên đường phố sống vào tình thương của người qua lại. Vào quán ông Lộc Vàng, người ta bắt gặp một bức ảnh một người mặc áo sơ mi trắng ngồi châm thuốc cho một người hành khất. Người mặc áo sơ mi trắng là ông Lộc và người hành khất không ai khác chính là ông Toán Xồm (ảnh dưới). Một đêm năm 1994, người ta nhìn thấy ông Toán nằm gục chết, đói lả, cô đơn, trên hè phố.
Năm 1990 ông Lộc mở quán Cà Phê Nhạc, chỉ để có chỗ cho ông thỏa niềm đam mê, vì thế tài sản của ông cứ dần “đội nón ra đi” để bù đắp vào sự thua lỗ của quán: “Lỗ nhiều tôi bán nhà to mua nhà nhỏ, từ nội thành bay ra ngoại thành. Khi chưa mở quán tôi có ngôi nhà 50 m2 ở phố Kim Mã, sau bốn năm tôi chỉ còn 50 m2 đất, ở tít Cầu Diễn”. Bây giờ, ông sống luôn ở quán.
Vợ Lộc Vàng đã mất hơn 10 năm nay nhưng mỗi khi hát trên sân khấu ông lại khóc. “Tôi chỉ ước vợ tôi sống lại, ở bên cạnh tôi, nghe tôi hát. Ngày xưa, tôi đi hát vợ tôi bế thằng lớn theo sau. Mấy ông bạn bảo: Trời rét, để con ở nhà mang con theo làm gì? Vợ tôi trả lời: Em không đi nghe hát đâu mà để nếu chồng em có bị bắt lần nữa, em còn biết đường đi tiếp tế”.
Bà ra đi để lại cho ông hai người con và một tình yêu chưa bao giờ nguôi ngoai: “Tôi biết cô ấy từ năm 17 tuổi, chơi thân với nhau, rồi yêu nhau sau đó. Ngoài 20 tuổi tôi phải vào tù, 31 tuổi ra tù, thiên hạ dị nghị, kinh sợ tôi hơn một gã tù lưu manh, chỉ có cô ấy không ngại, vẫn yêu, vẫn thương tôi”.
Vì người mình yêu, bà bỏ nghề diễn viên làm nghề bán đậu phụ ngoài vỉa hè. Suốt quãng đời bên nhau chưa một lần vợ Lộc Vàng trách cứ ông về tình yêu với dòng nhạc mang đến nhiều hệ lụy.
Ngày nay, góc quán nhỏ của nghệ sĩ Lộc Vàng số 17A đường Ven Hồ Tây vẫn vang lên tiếng hát. Tiếng hát mà ông đã đánh đổi cả cuộc đời mình để giữ gìn, nâng niu.
YÊU “NHẠC VÀNG”, TRẢ GIÁ CẢ CUỘC ÐỜI
Chúng ta thường nghe “mọi thứ đều có cái giá của nó”. Nhưng đôi lúc cái giá ấy quá đắt khiến ai nghe tới cũng đau lòng. Một người vì yêu những nhạc khúc của Việt Nam mà đã phải trả giá gần 10 năm tù, rồi cả cuộc đời, cho tình yêu ấy.
Ðã nghe nói về ông Lộc Vàng, đã biết không ai hát “Gửi Người Em Gái Miền Nam” hay bằng ông, đã thấy tình yêu vô tận của ông dành cho dòng nhạc tiền chiến và đã đọc về sự biết ơn của ông dành cho người vợ, nhưng người ta vẫn bất ngờ khi tiếp xúc ông. Một trong những bất ngờ đến từ những giọt nước mắt của ông khi vừa nhắc vợ và những người bạn: “Trong quán của tôi lúc nào cũng có ảnh của người bạn thân và ảnh gia đình tôi. Mỗi lần nhìn ảnh những người đã khuất là tôi không thể cầm lòng được.”
“KIẾP ÐAM MÊ” NHẠC VÀNG
Có thể nói ông Lộc Vàng sống bằng ba thứ tình: tình yêu xen lẫn sự mang ơn dành cho người vợ; tình yêu xót xa dành cho những người bạn tri kỷ và tình yêu không thể dứt ra được đối với thứ âm nhạc mà với ông “là những giai điệu quý hơn vàng”.
Người ta biết đến cái tên Lộc Vàng hơn là biết đến ông với cái tên Nguyễn Văn Lộc. Cũng chính vì quá yêu Nhạc Vàng, ông Lộc được gọi là Lộc Vàng, như một sự gắn kết của dòng nhạc này vào cuộc đời ông Lộc.
“Những bài nhạc trữ tình trước năm 1954 được gọi là Nhạc Vàng. Tôi hay hát Nhạc Vàng nên bạn bè gọi tôi là Lộc Vàng”.
Quán Lộc Vàng với những mái lá và bàn tre nằm khiêm tốn trên con đường mới ven Hồ Tây, chen chúc trong đám đông để khẳng định sự tồn tại của mình, như thể một thời những bài Nhạc Vàng đã nép mình để tồn tại. Mỗi tối thứ 2, 5, 7 quán Lộc Vàng là nơi quy tụ các ca sĩ nghiệp dư, từ ông già bà cả đến thanh niên trai tráng. Tất cả đến đây để tìm những phút thăng hoa của chính mình trong những giai điệu trau chuốt, lãng mạn mà một thời được gọi là nhạc tình thời thượng và ủy mị. Chính vì thế, gọi quán Lộc Vàng là nơi lưu giữ những kỷ niệm cũng không sai mà gọi là nơi trao gửi cảm xúc cũng đúng. Ông Lộc Vàng hay hát “Kiếp Ðam Mê”
Thương yêu này người hãy nhận lấy
Ôm tôi đi môi hôn tràn đầy
Trong tay người hồn sẽ cuồng say
Bao khốn khó vụt bay….
Nhìn ông Lộc Vàng hát, đôi mắt hiện lên từng nét thăng trầm cuộc đời như từng nốt nhạc trầm bổng. Giọng hát của ông trĩu nặng ưu tư như chuyên chở một quá khứ đau thương của người nghệ sĩ nghiệp dư. Ðể sống được một kiếp đam mê ấy, ông Lộc Vàng đã từng trả một cái giá quá đắt mà mỗi khi nhắc lại, ông cũng thẫn thờ “chẳng hiểu vì sao”.
BẠN TRI ÂM, CUỘC ÐỜI BI THẢM
Từ năm 1954 đến năm 1987, trước khi có chủ trương “cởi trói văn nghệ” của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, những bài nhạc vàng, ý chính quyền Hà Nội nói màu vàng bệnh hoạn, triều đại Mao Trạch Ðông gọi là “hoàng sắc âm nhạc”, và nhạc tiền chiến (vốn thịnh hành trước năm 1954), hai loại nhạc bị Hà Nội cho là thứ âm nhạc lãng mạn bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp hèn. Cùng với phong trào bài trừ “hoàng sắc âm nhạc” của Mao Trạch Ðông tại Trung Quốc, thời gian đó tại Việt Nam xuất hiện nhiều bài báo chống lại những giai điệu được cho là ủy mị và thiếu tinh thần đấu tranh cách mạng.
Ông Lộc Vàng là một trong những người mê Nhạc Tiền Chiến nổi tiếng tại Hà Nội. Ông Lộc thuộc và hát được hầu như đến 80% các bài Nhạc Tiền Chiến. Cũng vì trót yêu, trót thèm được phiêu du cùng cái cảm xúc thật của mình mà bất chấp lệnh cấm, ông Nguyễn Văn Lộc cùng một nhóm bạn, trong đó có ông Phan Thắng Toán (Toán “Xồm”) và Nguyễn Văn Ðắc thường xuyên tụ họp tại nhà, cùng hát với nhau những bài hát của Văn Cao, Ðoàn Chuẩn – Từ Linh, Ðặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…
VẪN “TÙ CHÍNH TRỊ” SUỐT ÐỜI
Về phần ông Lộc Vàng, sau khi ra tù ông cũng đã sống một cuộc đời bôn ba, cố dứt bỏ hết mọi phẫn uất để đi hết quãng cuối cuộc đời. Duy chỉ có cái tình cho Nhạc Tiền Chiến là không dứt ra được. Sau khi người vợ qua đời cách đây 10 năm, ông Lộc Vàng dành trọn con tim cho những điệu nhạc ấy. Quán Lộc Vàng được dựng lên để ông thỏa chí hát lên cảm xúc đời mình.
Có lẽ ít ai hát “Gửi Người Em Gái Miền Nam” của Ðoàn Chuẩn – Từ Linh như ông Lộc Vàng. Nhiều đoạn ông hát khác nhiều so với lời với bài hát hiện tại. Nghe ông Lộc Vàng hát “cúi mặt mà đi” mà như nghe ông độc tả chính ông và những người bạn đã có lúc phải bước đi nhưng không dám ngước nhìn.
“Mỗi khi hát, tôi đều hồi tưởng đến những kỷ niệm đã từng có với những người bạn thân và vợ. Khi đứng lên sân khấu đôi khi không hát hết được cả bài vì nước mắt cứ tuôn ra.”
Ngày nay, mỗi đêm được thỏa thuê hát những khúc Nhạc Tiền Chiến, đối với ông Lộc Vàng là một sự an ủi lớn lao của cuộc đời. Ông hát say mê và nồng nàn, như để ném mạnh vào quá khứ những ngày ông và bạn bè bị coi là “phản động”, những ngày ông và bạn bè sống lê lết, “cúi mặt mà đi”. Và những ngày vợ ông từ một ca sĩ phải đi bán bún đậu trên hè phố chỉ vì liên quan đến “phản động”. Có lẽ được hát chỉ là mảng sáng duy nhất của số phận của những người trót gửi tình yêu cho những khúc hát tưởng như vô tội ấy.
Ðêm nay, ông Lộc Vàng lại hát Ðêm Ðông, như một đêm nữa gửi những hương gió tình yêu đến những người bạn thời xa vắng.
Tiếng hát cất lên “có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà”, nghe như cái giá buốt thấu tận chân răng, mới thấy xót xa cho người cô lữ Toán “Xồm”, cho những người một thời quá đỗi cô đơn. Ca sĩ Lộc Vàng hát mà mắt trĩu đầy màn nước mắt. Ông hát không chỉ cho ông, mà cho cả những người bạn đi chung con thuyền số phận.
“Tôi thường nói với mọi người rằng phải chi anh Toán Xồm còn sống để anh đệm đàn cho tôi, để anh tận hưởng những giây phút này và để nghĩ lại những lời người ta kết tội… Có cái quán này tôi cũng đỡ buồn, chỉ khi nào mọi người bỏ về, còn một mình, tôi mới thấy buồn, lúc ấy lại nhớ vợ, nhớ về quá khứ của mình…
“Tôi đã mất mát quá nhiều, mất mát lớn quá…không có gì có thể lấy lại được. Lắm lúc nghĩ lại, tôi buồn quá. Sau năm 1987, các nhạc sĩ được vinh danh. Trong khi mình cũng chỉ là một thằng tù thôi. Ðến bây giờ công an thỉnh thoảng vẫn “hỏi thăm.”
Phía bắc vỹ tuyến 17, có một thời gian dài Nhạc Vàng bị coi là nhạc màu vàng vọt, và số phận của nó cùng những tác phẩm tiền chiến trở thành những đứa con vô thừa nhận bị xã hội ghẻ lạnh. Ngày nay, những giai điệu ấy ngang nhiên và kiêu hãnh vang lên giữa lòng đất nước, trên những sân khấu tràn ngập ánh đèn như nó đã từng. Nhạc Vàng đã được chấp nhận và còn được tôn vinh, cũng như Nhạc Tiền Chiến, như một sự hóa kiếp cho những nốt nhạc một thời tưởng đã mai một.
Thế nhưng sau lưng một câu chuyện đôi khi lại là những câu chuyện. Nghe câu chuyện của ông Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng,) nhìn ba chữ “TÙ CHÍNH TRỊ” trong hồ sơ của ông như một minh chứng cho nhát dao số phận, có ai dám nói rằng vết thẹo dẫu có lành lại không gây đau đớn?
Nguyễn Mạnh Thường – sưu tầm
2 comments:
Nhân dịp cuối năm, Bụi đời TH xin gởi vài ước vọng, rất riêng tư, cho bạn đọc bốn phương qua vài nhận xét cá nhân sau đây:
1. Trước hết xin nhờ hai câu thơ đứt đoạn nhưng trùng hợp của Hoài Hương TH
Non nước âu sầu trong tiếng hát
vỉa hè,
nghệ sĩ áo sờn vai.
2. Âm nhạc dễ truyền trong nhân gian, hơn thơ văn. Người nghe nhạc chỉ lắng nghe những cảm xúc của nhạc và của mình. Người đọc thơ văn phải suy nghĩ. Điểm chính là những tác phẩm âm nhạc văn hóa giá trị, cảm động được lòng người, bao giờ cũng thắng.
3. Lỗi lầm của Thành Cát Tư Hản (TCTH) là chiếm xứ Tàu, văn hóa Tàu đồng hóa Mông Cổ. HCM chỉ là TCTH tí teo.
Những gì thuộc về chân, thiện, mỹ chắc chắn sẽ luôn luôn được trân qúi và tồn tại lâu dài.
Post a Comment