Huy Phương
“Em lo lắng vì mùa thi sắp đến
Anh vội vàng vì tình quá mong manh
HP
Ngày xưa, thuở nhỏ tôi thấy ngay trong tình yêu mà người ta cũng vội vàng
Ngày xưa, thuở nhỏ tôi thấy ngay trong tình yêu mà người ta cũng vội vàng
Như XD đã thúc giục: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ, -Em, em ơi, tình non đã già rồi; Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi, -Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi!”
Yêu thì cuồng, sống thì vội vã!
Trong trại tập trung thì tiếng kẻng là kẻ thù của những người tù. Nó phá tan những giấc mộng mà ánh sáng của ban mai đã xóa sạch, “như mỗi đêm sợ sáng mai!” Tiếng kẻng tù gắt gỏng những tiếng gào: “Khẩn trương! Khẩn trương!” Tiếng kẻng buổi sáng khi sương núi chưa tan, thức giấc những người tù, những người mong mỏi, có một giấc ngủ không bao giờ có buổi sáng mai: “Tiếng kẻng giục hừng đông thức dậy – Chiếc xích rời hai cửa buồng giam – Bộ xương khô cuốn tròn mớ giẻ – Nhét trong răng vội chiếc bót cùn. – Tiếng kẻng lại ba hồi giục giã – Súng AK đạn giặc lên nòng – Gã tù binh chứng nhân lịch sử – Củ khoai mì lót dạ qua cơn!” (Quan Dương)
Tập trung xếp hàng khẩn trương! Lao động khẩn trương! Học tập khẩn trương! Đi tắm cũng khẩn trương! Chỉ có giam tù là thư giãn, không hề gấp gáp, ba năm hay 17 năm, cứ thư thả!
Không chỉ có người Pháp mà cả Âu Châu đều chê đời sống Mỹ vội vàng, tất bật. Siêu thị ở Đức, chiều Thứ Sáu hai giờ đã đóng cửa nghỉ cuối tuần. Mùa Hè, dân cư bỏ đi nghỉ để lại một Paris trống trơn. Người Mỹ làm việc mỗi năm 1,789 giờ, trong khi ở Pháp, trung bình người ta chỉ làm việc 1,473 giờ. 40% người Mỹ không nghỉ hết số giờ nghỉ phép của họ. Trong một cuộc phỏng vấn của BBC với cư dân ở thủ đô Washington, DC, nhiều người cho biết suốt năm, họ không dùng đến một ngày nghỉ phép nào, nghĩa là đi làm đầu tắt, mặt tối suốt năm. So với các quốc gia ở Âu Châu, Úc, Á Châu, thì Hoa Kỳ có nhịp sống hối hả nhất!
Khách du lịch đến Mỹ không khó để nhận ra điều ấy.
Người Việt đến định cư ở Mỹ cũng chạy theo đời sống Mỹ, nhiều khi còn vội vã hơn người bản xứ. Chợ búa mở cửa đến 11 giờ đêm, quán ăn mở cửa đến sáng.
Ngày cuối tuần Mỹ trắng đi nhà thờ, người Hispanic sửa xe hay đem con vào chơi công viên, còn Việt ta đi làm thêm giờ phụ trội.
Ngày đến Mỹ, vật tôi ghét nhất là cái đồng hồ báo thức, đó là kẻ thù của những giấc ngủ. Trên đường đến chỗ làm, buổi sáng ai cũng gấp gáp, vơ vội cái hộp đựng cơm và chạy ra xe.
Đi làm trễ vài lần là coi như mất việc! Cuộc đời là những cuộc chạy việt dã, như trên xa lộ, không thể lúc nào đó dừng lại, làm một cái “full stop,” là tai nạn xẩy ra lập tức.
Có người cạo râu, ăn sáng hay cả đánh răng trên xe. Năm 1995, ở Virginia xẩy ra một tai nạn thảm khốc trên Freeway 95, một cô gái xinh đẹp đã kẻ mắt trong khi đang lái xe. Thời gian ăn cũng không có, lấy đâu thời gian làm đẹp. “Sáng nay vội, chồng thư chưa gửi kịp. Chiều nay về có kịp đón con không?”
Ở Mỹ, ai cũng mang đồng hồ, đi đâu cũng thấy cái đồng hồ. Đồng hồ trên điện thoại cầm tay, trong xe, trong chợ, ở những bảng hiệu quảng cáo, trên nóc nhà thờ, để người ta chạy theo nó. Chỉ duy nhất một nơi không có đồng hồ, là ở các sòng bài. Ở đó không có đêm mà cũng chẳng có ngày, đi đánh bài thì cứ từ từ không có gì phải nôn nóng!
Ngay cái ăn, cũng phải nhanh, ăn đứng, ăn chạy, ăn trên xe, đó là cái hamburger, gói khoai chiên gọi là “fast food,” thêm ly nước có cái ống hút. Không thể so với tô phở của người Việt Nam, nó chậm rãi, rềnh rang biết bao, nhanh là phỏng miệng! Kéo ghế ngồi xuống, chờ tô phở đem ra, nào lau đũa, muỗng, vắt chanh, rắc tiêu, còn tương đỏ, tương đen, còn rau giá… Đứng dậy rồi, cũng chưa vội được, ngoái đầu lại, xem nhớ bỏ lại trên bàn đồng bạc lẻ không?
Mỗi ngày, con người bận theo thư tín, điện thoại, Internet, báo chí, truyền hình, những buổi hội họp bạn bè, thăm viếng, cưới hỏi, tang lễ… không còn cả thời gian dành cho con cái hay cả với vợ chồng.
Một ngày đi du lịch cũng là một ngày chạy. Khách sạn báo thức qua điện thoại, ăn sáng thật nhanh còn ra xe, trở về xe không kịp thì bị bỏ lại. Chỗ này 30 phút, chỗ kia một giờ. Mấy ai được đi du lịch một cách nhàn tản, nằm vài giờ trên võng dưới bóng dừa, nghe sóng biển reo, hay lang thang trong một làng quê, nghe được tiếng con gà gáy trưa?
Tuổi già rồi, trong thói quen và tình nghĩa Việt Nam, ông còn phải đưa đón cháu, lại chạy theo cái kim đồng hồ. Đón đi, chậm thì cháu vào học trễ. Đón về, chậm thì cháu bơ vơ trước cổng trường. Bà thì bận rộn theo chuyện bếp núc, thương con cháu thì cái ăn, cái mang về.
Nhiều bà cụ, đến tuổi cần nghỉ ngơi, còn tham hái mớ chanh, nhặt mấy trái ổi, cắt luống rau sau vườn, ra ngồi ngoài hè phố từ sáng đến tối sẫm, nhặt thêm ít đồng bạc. Hỏi cụ, lý do còn đi cúng chùa hay dành dụm tiền vé về Việt Nam. Thành ra chẳng có lúc thảnh thơi, lúc nào cũng vội vã lo toan.
Từ nhiều năm nay, chính phủ Canada quyết định chọn một ngày vào mùa Hè, thường là ngày cuối tuần, như là “Một ngày không vội vã” (No Hurry Day). Việt Nam có nhiều tiếng để gọi như là: “Một ngày không hấp tấp, không hối hả, không vội vã, không khẩn trương.” Lẽ cố nhiên đây không phải là quy định bắt buộc, mà chỉ là gợi ý cho một ngày thanh thản.
Đó là một ngày sống với thái độ: “Chậm lại, bình tâm lại, đừng lo lắng, đừng vội vàng, hãy tin vào quy luật của tự nhiên!”
Thử tưởng tượng ra một ngày nào đó, buổi sáng không có tiếng đồng hồ báo thức, không hẹn hò với ai, không hứa với ai đó làm việc gì, có thể nằm nướng trên giường, “có việc thì lo phay pháy, không việc thì ngáy pho pho!” Một ngày không mở Internet, không “chat,” không Facebook, không đọc báo, không có tiếng điện thoại reo…
Có lúc nào bạn buông ra được nửa bước cái điện thoại cầm tay, hay mắt rời cái màn ảnh truyền hình trong một ngày chưa!
Cuộc đời chúng ta, mỗi năm có được bao nhiêu ngày hạnh phúc như vậy!
Nhưng mà thôi, tới giờ gửi bài đi, kẻo trễ rồi. Ông chủ bút sắp réo đây!
2 comments:
Người Mỹ làm việc mỗi năm 2080 giờ quy định. Có 10 ngày lễ chính được nghỉ. Còn lại 2000 giờ. Nếu là dân lao động làm việc bằng chân tay năm đầu có 1 hay 2 tuần vacation, làm lâu năm cũng như dân áo trắng làm trong văn phòng thì được 5 tuần vacation tức là 200 giờ nghỉ phép thường niên. Số nầy cũng ít lắm không nhiều đâu.
Không biết tác giả lấy số liệu từ đâu mà cho là người Mỹ làm việc mỗi năm 1789 giờ.
Người Nhiều Chuyện.
Thưa các Bạn RG mình ôi !!!
Bởi tách trà buổi sáng vừa pha xong, còn quá nóng ... Nên mình có chút ít thời giờ bàn chuyện tào lao cho vui nhà Tha Hương ngộ cố tri nhé quý Bạn ! Nếu có lời nào sơ sót, vô tình bất cẩn xin được đồng lòng bỏ qua cho nhé !!!
Đọc bài nầy chắc ai cũng có cảm tưởng Tác giả HUY PHƯƠNG là một người luôn có công ăn việc làm bận rộn ghê gớm lắm ! NHƯNG theo chỗ tôi biết sơ sơ thôi... thì Huy Phương hiện sống ở vùng IRVINE, Nam Cali. Ông ta không có làm công việc gì để có lợi tức nhứt định cả, chỉ viết bài lăng nhăng để có tiền vô, ra mà thôi. Ông ta không mướn nhà riêng mà ở nhờ nhà của con mướn. Mình không có ý bôi bác gì cả, chỉ muốn nêu 1 chút thực trạng của Hy Phương để từ đó chúng ta hiểu một phần nào về những gì mà tác giả mô tả trong văn chương bóng bẩy, chuyện gần, chuyện xa ... tưởng voi thành tưởng tượng...
Không phải 1 mình Huy Phương mà thông thường như thế thì nhiều lắm. Cho nên chúng ta mỗi khi đọc thấy một CON SỐ gì đó mà bận tâm về mức độ CHÍNH XÁC của nó như một tài liệu khoa học thì chúng ta dễ lọt vào mê hồn trận lắm !!!
Ví dụ như Huy Phương chỉ cần mô tả sự bận rộn, hối hả của xã hội Mỹ là như thế nào là được rồi. Không cần phải nêu con số 1789 giờ, khiến nó trở thành lối diễn tả KHỜ KHẠO, rất TỪ CHƯƠNG.... Bởi vì nếu nói về số giờ làm việc của mỗi người thì nó tùy thuộc nhiều yếu tố khác nhau lắm ! Ví dụ như cá nhân bị bịnh nhiều hay ít? Có sức khỏe làm thêm giờ khi công việc có nhu cầu đòi hỏi phải làm thêm hay không ? Có lẽ các con số nêu ra chỉ là những con số thống kê trung bình, tượng trưng của một báo cáo nào đó thôi, phải không quý bạn ?!
Tách trà đủ nguội rồi ! Xin cáo lỗi chúng và xin cám ơn các con số 2000, 1789 ... mà chúng ta có dịp đôi lời hư vô ... tuy xa... mà như thật gần ... Cầu Đúc năm xưa vậy !!!
Bye! Vô Danh Tiểu Xấu
Post a Comment