Chuyện xảy ra đã lâu rồi, có đến mười mấy năm trước, thế mà cho tới bây giờ mỗi khi nhớ lại, Định vẫn tưởng như một giấc chiêm bao. Cứ cho là hôm ấy chuyếnh choáng chút hơi men, chàng có thể lẫn lộn giữa thực và ảo giác, nhưng câu chuyện về Hoàng Mai thì chắc chắn là một bí ẩn không giải thích được.
Hôm ấy là một chiều cuối năm, trời lại lất phất mưa, bóng dáng của mùa Đông dường như vẫn còn luẩn quẩn đâu đây, khiến thời tiết rất ẩm và lạnh. Định vừa đến ăn bữa cơm cúng Ông bà với gia đình một người bạn, lúc về đi ngang qua một ngôi chùa, buổi chiều nhưng có mưa phùn và gió bấc, bầu trời âm u, giăng giăng những cụm mây màu xám nhạt. Thấy có nhiều bóng người qua lại, chàng ghé vào mới biết đó là ngày cuối cùng của buổi Chợ Tết. Càng về chiều người càng thưa thớt, mấy gian hàng bán cây cảnh, bánh trái bày trong những chiếc lều vải, người ta đang lo thu dọn. Riêng một hai cái lều ở xa hơn, vẫn còn vang lên tiếng cười rộn rã, hóa ra chỗ ấy có văn nghệ, chỗ thì thả thơ, chỗ lại đang ca hát. . .
Năm nào cũng thế, người Việt tha hương mỗi năm Tết đến, vẫn nhớ mùa Xuân ở quê nhà, thường tụ họp lại những buổi chợ Tết ở chùa hay nhà thờ, người người quần là áo lượt đi tìm lại chút hương vị những mùa Xuân cũ. Cũng chợ hoa tươi đầy cúc vàng và hoa thược dược đủ màu, những cành đào hồng thắm, chỉ thiếu hoa mai vì rất hiếm. Cũng bánh chưng xanh, cũng dưa hấu đỏ, chả thiếu thức gì mà Xuân thì vẫn như thiêu thiếu. Đã sang một năm mới Dương lịch, những ngày lễ lộc kéo dài trong mùa Đông đã hết, lớp người lớn tuổi dường như vẫn chờ đợi với chút bâng khuâng khi nhìn những cây hoa đào đã bắt đầu đơm hoa, từng đàn chim én ở đâu bay về nghiêng cánh trên bầu trời xanh biếc.
Hơi men còn ngà ngà, Định thấy lòng lâng lâng khi đi ngang qua một căn lều còn vang lên những tràng cười rộn rã. Chàng tò mò ghé vào, trong ấy dưới ánh đèn, có đến dăm, bảy người già có, trẻ có đang chúi đầu vào chơi thả thơ. Họ đứng vây xung quanh một người đàn ông và một cô gái, không ai chú ý đến Định vì họ đang mê mải tìm chữ để điền cho thích hợp với câu thơ được thả. Định thấy vui vui, đúng là một trò chơi rất tao nhã của nền văn hóa Việt.
Cứ một tấm giấy màu hồng điều được ghi lại bốn câu thơ đủ loại, từ truyện Kiều cho tới thơ mới của những nhà thơ nổi tiếng những thập niên sau này, và họ chừa lại một khoảng trống trong một câu thơ, cho mấy chữ có cùng một vận như nhau nhưng khác nghĩa, rồi người thả thơ phải thả sao cho đúng với chữ của tác giả. Mỗi lần có người đoán trúng, bài thơ lại được ngâm lên cho mọi người nghe, và mỗi lần như thế người thả thơ được thưởng một món quà, với những tiếng vỗ tay và cười nói rộn rã của đám người đứng xung quanh.
Đã có một vài người bỏ cuộc đi về, vì trời chiều dưới cơn mưa bụi hình như tối nhanh hơn, cái giá buốt của ngày cuối Đông vẫn khiến người ta co ro trong những lớp áo ấm dầy cộm. Bầu trời như được giăng những sợi tơ rất nhẹ, bởi những hạt mưa lấm tấm đậu trên những chiếc áo măng tô đủ màu, óng ánh như thủy tinh. Dăm đứa bé chạy tung tăng theo cha mẹ đi chợ Tết, má đỏ hây hây. Trong lều thả thơ, phảng phất mùi hương dìu dịu của những bông thủy tiên nở sớm, cánh hoa trắng muốt phơn phớt nhuỵ vàng, người ta cố ý dùng ánh đèn mờ cho khung cảnh thêm phần kín đáo và ấm áp, thơ và cảnh dường như quyến luyến lấy nhau để thú thả thơ càng thêm phần tao nhã.
Đứng ngắm nghía một lát, Định thú vị mua liền một lúc nhiều lá thơ, vì mỗi khi đoán trúng, đều được ngâm lại bằng giọng ngâm rất mượt mà của người phụ nữ mặc áo xanh đứng trong quầy, rồi tiếng tấm tắc của người thả thơ như thấm thiá từng ý, từng lời trong mỗi câu thơ vừa được thả.
Cầm trong tay chiếc lá thơ với bốn câu thơ của Thế Lữ, đọc đi đọc lại mà Định vẫn chưa đoán được phải dùng chữ gì cho đúng với câu thơ của tác giả:
"Tiếng sáo diều nao nao trong vắt
Trời quang mây, xanh ngắt màu lơ
Thuyền trôi nuớc ( ...) hững hờ
Hàng cây lặng đứng trên bờ trông mong."
Trong câu thứ ba có một chỗ được để trống, kèm theo những chữ như "chảy, đẩy, vẫn, biếc" để Định chỉ có quyền chọn một chữ chính xác nhất đúng với bài thơ của tác giả. Thú thả thơ coi vậy mà khó, vì thả chữ nào vào câu nghe cũng có nghĩa, đọc vẫn êm tai, nhưng đúng hay sai thì chưa biết.
Đang băn khoăn chọn lựa, lại còn phải nghĩ ngợi sao cho đúng với ý của thơ, bỗng Định thấy một ngón tay trỏ rất xinh từ phía sau thò vào tờ giấy trên tay chàng, thoảng một mùi hương rất quen khiến chàng ngây ngất. Như bị cuốn hút vì mùi hương dịu dàng ấy, Định thở ra rồi reo lên với người đứng ở phía trong đang chờ đợi. Chàng đọc nguyên câu thứ ba, chỗ chữ được bỏ trống:
" Thuyền trôi nước "đẩy" hững hờ
Hàng cây lặng đứng trên bờ trông mong..."
Có tiếng vỗ tay của hai người đứng phía trong, và câu thơ được người phụ nữ ngâm lên như để tán thưởng tài thả thơ của chàng. Lần lượt, những lá thơ sau, mỗi lần mở ra chàng đều cố ý chờ người đẹp đứng phía sau chỉ hộ, và hầu như không có một câu thơ nào bị sai chữ cả. Ai cũng khen chàng giỏi thơ, khiến Định vừa vui vừa liếc nhìn lại phía sau, và chàng bỗng ngây ngất vì khuôn mặt rất xinh của người phụ nữ. Mái tóc huyền thả xuống đôi bờ vai, nàng mặc chiếc áo dài lụa vàng, khoác một chiếc áo măng tô màu xanh non, đang mỉm cười với chàng.
Chàng chưa kịp mỉm cười với người đẹp, thoắt một cái nàng đã bước ra khỏi lều, Định cũng vội vã rảo bước theo quên cả lấy quà khiến hai người đứng trong quầy trố mắt nhìn ngạc nhiên.
Hơi Xuân bừng bừng trong huyết quản, trời lại hơi nhá nhem, bóng cô gái lướt đi lẫn vào hàng thông men lối đi ra phía cổng chùa, khiến Định phải bước nhanh như bị ma đuổi.
Mưa chỉ hơi lất phất, nhẹ như sương, trong khuôn viên chùa vài căn lều vẫn còn vang lên tiếng nhạc Xuân dìu dặt. Cô con gái chợt đứng lại ngay chiếc ghế đá cạnh một cây thông, chỗ ấy đất cao mà lại tối, chênh vênh một chiếc bóng trên nền trời nửa sáng nửa tối, dáng nàng thật thanh như một cành mai trong gió.
Định đã theo kịp nàng với những tiếng đập rộn ràng của con tim trong lồng ngực. Lòng chàng nôn nao với ý nghĩ trời xui đất khiến chi đây, giữa những ngày năm cùng tháng tận, nơi đất khách quê người, lại vì thơ mà được gặp gỡ một giai nhân, chắc là duyên tiền định. Từ ngày bỏ nước ra đi, sống kiếp tha hương một thân cô quạnh, người tình năm xưa vì hoàn cảnh phải đi lấy chồng, Định vẫn có ý tìm kiếm một người mà chàng mơ tưởng như ý muốn, nhưng khó lòng tìm gặp. Vì những người phụ nữ như vậy rất hiếm, thản có thì cũng đã có người nhanh tay rước mất, chàng chỉ có cơ hội gặp gỡ những người phụ nữ tầm thường, tuy có chút nhan sắc nhưng tâm hồn hoàn toàn trống rỗng, họ chỉ chạy theo nhu cầu của vật chất nhiều hơn mà thôi.
Luống cuống như hồi còn đôi mươi, mới biết yêu lần đầu, Định dừng lại vừa một khoảng ngắn trước mặt cô gái. Vuốt những hạt bụi mưa trên mái tóc, chàng nói mà giọng vẫn còn run vì xúc động:
"Thành thật cảm tạ, nếu không có cô giúp hộ tôi hoàn toàn không làm sao đoán được hết những chữ cho buổi thả thơ ngày hôm nay. Hiếm có người giỏi thơ đến như vậy!"
Đó là lời khen ngợi khéo léo, khiến vì thế mà cô con gái mặc áo vàng mặt đỏ bừng lên trông rất xinh, mỉm cười với chàng lần nữa. Định không để lỡ cơ hội, chàng tiếp luôn:
"Tôi tên Định. Cô có thể cho tôi biết quý danh để tiện việc xưng hô?"
Điều khiến chàng ngạc nhiên và phấn khởi, với một vẻ rất tự nhiên, nàng nhoẻn miệng cười rồi nói khẽ:
"Chào ông Định, tôi tên là Hoàng Mai, tên của một loại hoa mùa Xuân. Đáng lẽ ngày xưa ông cụ tôi đặt tên tôi là Lãnh Hương, có lẽ vì mai nở vào tiết đông phong, và cũng vì mai phảng phất chút hương lạnh lẽo. Nhưng sau cụ đổi ý, vì chữ "lãnh hương" tuy thanh cao nhưng lại có phần cô quạnh, bởi thế Hoàng Mai nghe vẫn dễ thương hơn."
Định reo lên với vẻ thán phục:
"Đúng là người thơ bao giờ cũng văn vẻ, mỗi câu nói ra đều đủ ý đủ lời. Tiếc là tôi ghé vào đây quá trễ, chứ sớm hơn, có lẽ gian thả thơ ấy đã hết quà tặng từ lâu."
Hoàng Mai cũng vui vẻ nói:
"Có đến sớm thì mình cũng không gặp nhau, vì tôi cũng chỉ mới đến, đang đi loanh quanh thì tạt vào chiếc lều thơ, gặp ông đang chơi thả thơ thì cũng ghé vào để chơi chung. Đời thường vẫn từ những ngẫu nhiên mà có, hễ có cơ duyên thì tự nhiên mà gặp. . . "
Nói đến đây, thấy Định chăm chăm nhìn mình như bị mất hồn, Hoàng Mai cũng bẽn lẽn cúi đầu, nhan sắc càng thêm phần kiều mị. Định mê mẩn nhìn vào đôi môi nàng, giọng nói êm đềm khiến tâm trí chàng vì hơi men lại càng thêm ngây ngất. Định lúc ấy đã lấy được tự chủ, chàng cảm thấy bạo dạn, bèn mời nàng ngồi xuống chiếc băng đá ngắm cảnh chiều xuống, nghiêng nghiêng những sợi mưa Xuân thật mỏng như tơ:
"Chắc Hoàng Mai thích thơ văn lắm phải không?"
Cô gái bẽn lẽn gật đầu:
"Tôi thích cả thơ lẫn nhạc, nhưng tính sợ đám đông, nên đợi chiều vắng vẻ, ít người, mới thả bộ ra chùa để nghe người ta hát, và để xem người ta thả thơ. Lâu lắm rồi mới nghe lại những bản nhạc Xuân, âm hưởng đã tha thiết lại êm đềm làm sao. Tình cờ thấy ông đang băn khoăn vì mấy chữ của bài thơ, tôi mạn phép được chung vui trong chốc lát, ai ngờ, lại vì thế mà thành quen nhau."
Định reo lên thích thú:
"Nói theo sách thì là duyên "tiền định", có khi mình đã có biết nhau từ kiếp trước. Có phải như Hoàng Mai đã nói, đời chỉ từ những ngẫu nhiên, đưa đẩy mà thành cơ duyên. Tôi có biết thơ thẩn gì đâu, nhưng cứ lấy bừa một chữ mà thả vào biết đâu may lại trúng."
Hoàng Mai ngắt lời chàng:
"Nói như thế thì tôi không hoàn toàn đồng ý với ông, vì thơ văn dẫu là khiếu trời cho, nhưng nó cũng đòi hỏi sự yêu thích văn chương, sách vở. Sở dĩ tôi võ vẽ chút thơ văn, cũng nhờ hồi còn nhỏ, được nghe ông cụ tôi bình văn với các bằng hữu thích thơ văn như cụ, nên nhớ được ít nhiều."
Định thấy nàng cởi mở, nên cũng dạn dĩ hơn:
"Cô Hoàng Mai, nếu không có gì ngại, xin đừng gọi tôi bằng ông cho khách sáo. Có lẽ tuổi tác không cách biệt bao nhiêu, mình lại là đồng hương với nhau..."
Định liếc thấy Hoàng Mai có vẻ nghiêm sắc mặt, nhưng rồi nàng lại nhoẻn cười:
"Chuyện xưng hô không quan trọng, tuổi tác cũng thế, hễ cảm thấy lòng mình không động ý xấu là đủ rồi. Ông... anh Định sang đây đã lâu chưa?"
Nghe câu hỏi của Hoàng Mai, Định như cởi tấc lòng:
"Cũng lâu rồi cô ạ, sau năm 75, tôi theo đoàn tầu vượt ra biển Đông rồi lênh đênh từ đấy. Là một người lính biển, mới được ba năm trong đời lính nhưng cả ba năm chỉ ăn Tết trên sông nước ở những làng mạc ven sông. Chỉ nhớ mài mại rằng mùa Xuân năm nào cùng anh em đồng đội đón Xuân trên một chiếc tàu sông, ghé vào một làng quê xơ xác vì bom đạn. Bây giờ gặp Hoàng Mai, bỗng dưng tôi chạnh nhớ tới những cây mai vàng trong những làng quê heo hút ở miền quê, dọc theo bờ sông là nhà dân rải rác, nhà nào cũng trồng một, hai cây mai trước cửa. Cảnh thì buồn, người lại khổ, đất nước triền miên trong binh lửa, nhưng hễ cứ Xuân về là hoa mai nở vàng rực rỡ, như món quà của thiên nhiên tặng cho con người để biết rằng Xuân đã tới."
Hoàng Mai dường như cũng ngậm ngùi với nỗi nhớ của Định, tự nhiên cũng đổi cách xưng hô, có lẽ khi nghe chàng thật thà thổ lộ cho mình nghe những kỷ niệm cũ trong đời lính. Dường như dĩ vãng của nàng cũng đã có nhiều kỷ niệm với một người lính nào đó:
"Nghe anh Định nhắc tới hoa mai ngày Tết, Hoàng Mai lại chạnh nhớ tới căn nhà xưa của mình, cũng nằm ven một dòng sông. Năm nào cũng vậy, hễ Xuân về là con đường ấy bừng lên một màu vàng tươi thắm. Không biết anh có nhận ra rằng, những cánh hoa mai rụng tả tơi trong gió, nó vẫn mang theo một chút ngậm ngùi khiến lòng người rưng rưng cảm xúc. Nhất là, mỗi một mùa xuân qua lại vắng dần đi những khuôn mặt thân yêu trong cuộc đời, khiến Hoàng Mai vẫn hay nghĩ tới hai câu thơ của Vũ Đình Liên:
"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"
Định cũng gật đầu, giọng chàng buồn buồn khi nhớ lại những mùa Xuân cũ:
"Đúng rồi Hoàng Mai ạ, nhất là khi mình đã không còn trẻ nữa, thì sự mất mát ấy lại càng nhiều hơn. Suốt ba năm đón Xuân nơi vùng sông nước, nỗi vui lớn nhất của tôi là Xuân về mà không nghe tiếng súng. Những cái Tết trên sông vào đêm Giao Thừa cũng lạnh vì gió và hơi nước, sương mù trắng như sữa giăng giăng trên mặt sông, khiến lòng người lính nào cũng bâng khuâng nhớ gia đình những lúc năm cùng tháng tận. Sáng mùng một, ghé vào một thôn làng nào đó, thấy dân làng được hưởng một cái Tết an bình, trẻ con mặc quần áo mới theo cha mẹ chèo ghe đi lễ chùa, lòng mình lại cảm thấy vui vui. Cảnh thanh bình đó hiếm hoi lắm, cho nên cũng không thiếu những ngày Xuân nhìn xác người theo giề lục bình trôi lên trôi xuống trên dòng sông, chẳng biết khi thân xác nằm đó, linh hồn họ đi đâu? Họ có về với cha mẹ vợ con, hay là linh hồn họ cứ thơ thẩn đi theo cái xác trôi lên trôi xuống, để chờ lúc được vớt lên, chôn vội vàng xuống một chỗ hẻo hút nào đó, làm bạn với giun dế."
Nghe Định kể, bỗng dưng Hoàng Mai cũng cảm thấy bùi ngùi, nàng lên tiếng hỏi:
"Những lúc ấy, thường thường anh nghĩ gì? Anh có nghĩ mình sẽ tiếp tục nhiệm vụ và tạo được nhiều chiến công oanh liệt không?"
Định chép miệng trong một nỗi ngao ngán, chàng trả lời:
"Dẫu biết rằng cần phải có lý tưởng để chiến đấu, nhưng lòng tôi lúc ấy lại hoàn toàn khao khát hòa bình trở về cho quê hương xứ sở. Những người dân quê mình họ khổ lắm... Tôi vẫn ao ước làm sao chiến tranh chấm dứt, để thực sự có được những mùa Xuân thanh bình và tiếng cười vui trên khắp các nẻo đường đất nước. Nhưng thôi Hoàng Mai ạ, chuyện cũ có nhắc mãi thì vẫn không vơi đi được nỗi buồn, tôi vẫn đang nghĩ phải cảm ơn Hoàng Mai về cuộc gặp gỡ bất ngờ của chúng ta trong buổi chiều hôm nay đây."
Hoàng Mai cũng nhìn chàng với ánh mắt tha thiết đầy bí ẩn:
"Nếu cho rằng tất cả những cuộc gặp gỡ hay quen biết ngắn hay dài, một khoảnh khắc hay nhiều năm tháng đều do sự sắp xếp của định mệnh, thì chưa biết ai phải cảm ơn ai. Huống gì giờ đây, những câu chuyện của chúng ta ngày xưa lại rất dễ cảm thông, Hoàng Mai vẫn thích những tình bạn chân thật."
Họ cứ tiếp tục chuyện trò, những câu chuyện xưa lần lượt được hai người kể lể cho nhau nghe, bóng chiều đã nhập nhòa khắp nơi, khiến chiều Xuân càng thêm lạnh. Nhiều chiếc xe rời bãi đậu, chiếu những vệt đèn sáng trên mặt đường. Đèn trong mấy chiếc lều bán hoa cảnh đã tắt, người lác đác đi về, chỉ còn vọng lại bản nhạc mừng Xuân vang vang trong buổi chiều cuối năm. Chiều ba mươi trời tối nhanh hơn, và cũng buồn hơn những buổi chiều khác. Bên Hoàng Mai, bóng tối đã ập xuống khiến hai người nhìn không rõ mặt nhau, Định cảm thấy buổi chiều đi rất vội, khiến chàng lại nhớ tới bài thơ "Chiều" của Hồ Dzếnh được phổ nhạc. Chàng tự nhiên hát khẽ:
"Trên đường về nhớ đầy,
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây,
Tiếng buồn vang trong mây.
. . . . . . . . .
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây..."
Có lẽ vì hơi men còn ngất ngây, có lẽ vì buổi chiều lấm tấm mưa Xuân, lại ngồi bên cạnh một người đẹp như Hoàng Mai, khiến Định cứ ước chi thời gian ngừng lại, để hai tâm hồn đồng cảm nhắc lại cho nhau nghe những mùa Xuân cũ của mỗi người ở quê nhà năm xưa.
Thấy Hoàng Mai đứng dậy, có vẻ sắp cáo từ, Định vội hỏi:
"Hoàng Mai chắc ở gần đây, để tôi xin phép được đưa cô về, vì bây giờ sắp tới giờ đóng cửa."
Tiếng cười của Hoàng Mai trong vắt như pha lê, Định còn nhớ cả câu nói vui rất duyên dáng của nàng:
"Mô Phật! Cổng chùa chẳng bao giờ đóng, chỉ có lòng người mới đóng hay mở thôi. Nhưng thôi, Hoàng Mai cũng phải về vì trời đã tối, các cụ khó tính cứ chập tối là cửa đóng then gài, không dễ gì lang thang mãi, nhất là trời lạnh như thế này."
Định cũng bật cười vì câu pha trò duyên dáng của nàng, chàng cố nhớ lấy khuôn mặt xinh xắn và rất có duyên ấy, nhưng sương chiều xuống vội đã làm mờ mịt đi. Hai người đi ra bãi đậu xe, chiếc xe lăn bánh ra khỏi cổng chùa, Hoàng Mai chỉ đường cho Định rồi ngồi im lặng, chỉ riêng Định vẫn chất ngất niềm vui trong dạ. Lúc bước xuống xe, Hoàng Mai chào chàng rất khẽ, rồi bóng nàng lướt đi như sương, chỉ thấy lờ mờ tà áo dài màu vàng của nàng lất phất bay trong gió, khuất nhanh vào chiếc cổng gỗ.
Sau buổi chiều cuối năm đó, Định ra về lòng ngất ngây một nỗi nhớ mông mênh. Chàng nhớ rất rõ con đường có căn nhà của Hoàng Mai, nằm trong một khu khá yên tĩnh, cách ngôi chùa độ nửa dặm đường, có lẽ buổi chiều nàng đã đi bộ ra đấy, và đã gặp chàng trong chiếc lều thả thơ.
Định không sao quên được, màu áo vàng và chiếc áo khoác màu xanh non, như một bông hoa mai vàng óng ả trong cái đài hoa màu xanh nõn. Những ngày sau đó Định cứ như người mất hồn, cho tới hôm Rằm tháng Giêng thì Định cương quyết đi tìm nàng, chàng len lỏi trong đám thiện nam tín nữ đi lễ chùa, nhưng vẫn không thấy bóng Hoàng Mai đâu cả.
Từ chùa tới khu nhà nàng ở, Định nhớ chỉ cách một thôi đường ngắn, căn nhà ấy cũ kỹ, ngoài sân trồng nhiều cây cảnh. Định bỏ xe trên sân chùa, rồi như một người nhàn rỗi đi du Xuân, Định lững thững đi mà lòng thì hồi hộp vô tả. Chàng nghĩ tới lúc được gặp lại Hoàng Mai, được nàng mời vào chơi căn nhà xinh xắn ấy, trong cái ấm áp của ngày đầu Xuân, thật thú vị biết bao.
Chàng đi đi, lại lại thong thả nhiều lần trước căn nhà của Hoàng Mai, thỉnh thoảng dừng lại như chăm chú nhìn một cây hoa mùa Xuân, làm như mình đang say mê với cái đẹp của cây cỏ, lòng thầm mong được gặp lại nàng lần nữa. Bỗng mắt Định như sáng lên, khi nhìn thấy bên hiên nhà nàng lẫn trong những thứ hoa mùa Xuân, một chậu mai nở bung ra những đoá mai vàng óng thật đẹp. Ở quê người mà có được một chậu mai quý như thế này thật hiếm, chắc hẳn người trồng phải săn sóc thật kỹ lưỡng để hoa nở đúng vào dịp Xuân về.
Đang băn khoăn vì chưa biết sẽ làm sao để gặp được người mộng buổi chiều Xuân, may quá chàng nhác thấy có người mở cửa. Đó là một bà cụ già đầu đã bạc, mặc chiếc áo nhung màu huyết dụ, dẫn một con chó con ra sân. Con chó thấy chàng thì sủa lên như tiếng kêu của trẻ con báo nhà có khách, bà cụ vội ngửng lên nhìn. Rồi khi thấy Định đứng ngoài hàng rào chăm chú nhìn vào chậu mai trước hiên, cụ vui vẻ nói:
"Cậu cũng là người Việt phải không? Hoa mai của quê mình đấy, ở đây mà thấy hoa mai là lại nhớ Tết quê nhà."
Định suýt soa khen hoa đẹp, chứ thật ra bụng chàng chẳng thiết gì hoa, chỉ mong sao Hoàng Mai ở trong nhà, nghe tiếng người quen sẽ chạy ra mừng mà thôi. Nhưng tuyệt nhiên không có ai, chỉ bà lão khi thấy chàng khen chậu mai đẹp, liền thao thao kể cho Định nghe về loại hoa quý mùa Xuân mà ít ai trồng được:
"Hoa này người ta gọi là Hoàng Mai đó cậu à, hương chỉ phảng phất trong gió, thơm rất nhẹ cho nên có người còn gọi là Lãnh Hương. . . "
Định giật mình. Đúng là lối nói chuyện của Hoàng Mai, người con gái chàng gặp chiều cuối năm trong buổi chợ Tết, không hiểu giữa người và hoa có liên quan gì với nhau. Bà cụ dường như không chú ý tới nỗi băn khoăn của chàng, lại tiếp tục kể:
"Trồng được cây mai này, chúng tôi thật là "nâng như trứng, hứng như hoa". Phong thổ quê người khác phong thổ quê mình, hễ nắng nhiều cũng phải đem vào chỗ mát, mà đông lạnh cũng phải che, nâng niu mãi cũng chỉ vì nỗi nhớ con mà trồng..."
Không dằn được sự tò mò, Định lên tiếng hỏi:
"Hễ ngày Tết là mọi người về xum họp đông đủ, hôm nay thì ai lại về nhà nấy. Ở bên này là như vậy, nhưng còn cô Hoàng Mai..."
Định hỏi thật khéo, khiến bà cụ đang kể chuyện nhíu mày lại nhìn chàng ngạc nhiên:
"Cậu hỏi ai? Làm sao cậu lại biết con Hoàng Mai nhà tôi?"
Định vui mừng vì biết bà cụ là mẹ của Hoàng Mai, như vậy sớm muộn gì chàng cũng được gặp nàng. Chàng nói dối:
"Cháu là bạn của Hoàng Mai, nhưng lâu rồi không gặp. Hôm trước Tết, đi chợ Xuân, tình cờ mới gặp lại nhau, Hoàng Mai có chỉ nhà cho cháu biết. Hôm nay ngày Rằm, đi chùa tiện cháu ghé thăm. Xin phép hỏi cụ, cô Hoàng Mai có ở nhà không?"
Mặt bà cụ tự nhiên đổi sắc, khiến Định cũng bối rối. Bà cụ đứng lặng nghe chàng nói, có lẽ cụ không tin vào lỗ tai của mình. Rồi cụ mở cánh cổng cho Định bước vào, lắp bắp hỏi:
"Cậu là bạn của Hoàng Mai, nhưng cậu gặp em nó bao giờ vậy?"
Định ngỡ ngàng, chàng sợ bà cụ hiểu lầm mình, vội lên tiếng:
"Thưa cụ, nếu Hoàng Mai không có nhà thì thôi cháu xin kiếu, để dịp khác cháu sẽ tới thăm. Biết nhà rồi thì sớm muộn gì cháu cũng gặp lại cô ấy."
Bà cụ nhìn chàng chăm chăm, vẻ cầu khẩn:
"Cậu ơi, không phải ngẫu nhiên mà gặp. Cậu vào nhà uống ly nước, nhà tôi tuy đông con cháu nhưng mỗi đứa ở mỗi nhà, thành thử gặp người đồng hương tôi quý lắm. Tôi mua nhà ở gần chùa cũng vì vậy, hễ khi nào thích lại lên chùa cầu Phật, không phải phiền con cái đưa đón. Nhưng mà, cậu kể lại tôi nghe, cậu gặp Hoàng Mai bao giờ?"
Nghe cách nói của cụ, Định không cảm thấy e ngại nữa, có khi cơ duyên đưa đẩy, chàng lại có dịp may để được đến nhà nàng thăm viếng thoải mái hơn. Theo bà cụ vào nhà, phảng phất mùi trầm nhang và hoa thơm trên bàn thờ Phật. Định quan sát nhanh những tấm hình bà cụ treo trên tường, mắt chàng như sáng lên khi nhìn thấy bức ảnh chân dung Hoàng Mai được treo trang trọng trên một góc tường, bên dưới là một chậu mai giả rất đẹp. Chàng thấy vui trong lòng, đúng là cô gái chàng gặp chiều hôm ấy, nét cười, khoé mắt, chiếc áo màu vàng tươi như những cánh hoa mai mùa Xuân.
Bà cụ không quên gọi cụ ông ra tiếp chàng, rồi chỉ về bức chân dung của cô con gái, cụ hỏi:
"Có thật là cậu đã gặp em nó phải không?"
Định gật đầu quả quyết. Chàng lại còn thành thật xin lỗi cụ vì lời nói dối lúc nãy, bởi vì chàng chỉ mới quen Hoàng Mai vào buổi chợ chiều Xuân hôm cuối năm mà thôi. Nghe kể đến chuyện thả thơ, ông cụ gật gù bảo chàng:
"Thế là chuyện thật rồi. Con bé này hồi nhỏ đã có khiếu thi văn, hễ nghe tôi đọc bài thơ nào là thuộc luôn bài thơ ấy. Nhưng thú thật với cậu, chúng tôi lâu lắm rồi không biết tin của cháu, kể từ ngày nó ra đi..."
Đang vui câu chuyện, Định gần như ngồi xững lại vì câu nói của ông cụ. Chàng hấp tấp ngắt lời :
"Thưa cụ, vậy đã bao lâu rồi, các cụ không gặp lại Hoàng Mai?"
Chàng nghe ông cụ thở dài:
"Cũng đến chục năm rồi cậu ạ, kể từ khi con bé đi vượt biển rồi không nghe tin tức gì nữa. Ngày ấy chúng tôi còn ở quê nhà, sau mới được mấy người con bảo lãnh sang đây vài năm thôi, chúng tôi đành phải đem gửi em nó vào chùa để hương linh có chỗ ấm áp. Chừng ấy năm vẫn nghe ngóng mà không có tin tức gì của em, thành thử nghe cậu kể, chúng tôi cho là chuyện lạ, vì nếu em nó còn sống, cũng làm sao biết được nhà cha mẹ ở đây mà về."
Định nghe lạnh cả sống lưng, dù trong căn nhà nhỏ này rất ấm, phảng phất mùi trầm hương và hoa thơm. Trong tấm hình treo trên tường, Hoàng Mai như đang mỉm cười với chàng, một nụ cười của lòng biết ơn. Có phải chăng cuộc gặp gỡ kỳ lạ trong buổi chợ Tết, lại có thể dẫn tới những chuyện kỳ thú sau này trong cuộc đời chàng. Ông cụ lại kể tiếp câu chuyện còn dang dở:
"Gia đình tôi đăng báo, nhắn tin, hỏi thăm mãi mà không thấy ai cho biết về tin tức của Hoàng Mai cả, cho nên đành xem ngày con ra đi mà làm giỗ cho con, cũng vào tháng giêng mùa Xuân độ hoa mai nở là con chúng tôi từ giã cha mẹ ra đi. Bà nhà tôi nhớ con cho nên cố ương lấy giống hoàng mai để nhớ đến đứa con gái xinh đẹp, nết na nhưng bất hạnh đã bỏ đi trước cha mẹ, để mỗi độ Xuân về, chúng tôi nhìn mai nở mà thắt cả ruột gan."
Nói tới đây, ông cụ như rũ xuống, không còn sức để kể thêm về cô con gái bất hạnh đã bỏ xác ngoài biển khơi. Riêng Định, lòng chàng cũng rưng rưng cảm động, không hiểu nổi cơ duyên nào mà linh hồn Hoàng Mai lại chọn chàng để tìm về với cha mẹ, chia với chàng nỗi buồn xa xứ trong độ Xuân về trên đất khách.
Bà cụ ân cần mời Định ở lại dùng bữa cơm chay với gia đình, cụ nói mà như muốn khóc:
"Cứ tính ngày em nó ra đi năm xưa, thì có lẽ hôm nay cũng là ngày giỗ của nó. Bữa cơm hôm nay may lại thêm có cậu tới chơi với vợ chồng tôi, chắc là linh hồn con gái tôi đã ngậm cười nơi chín suối. Thôi thì từ nay cũng vì em, cậu xem chúng tôi như chỗ thân tình, thỉnh thoảng ghé vào thăm, xem như vì duyên lành mà gặp."
Từ đấy, Định vẫn hay đi chùa với nỗi mong ước được gặp lại Hoàng Mai lần nữa, thỉnh thoảng lại ghé thăm bố mẹ của Hoàng Mai, nhất là những dịp Xuân về, chàng có cái thú ngồi nhìn những nụ mai vàng e ấp nở, y như nụ cười của Hoàng Mai trong buổi chiều Xuân năm nào. Định không cảm thấy sợ hãi, vì với một ý lành, dù người hay là ma, thế giới của loài người hay thế giới của linh hồn, vẫn có người tốt kẻ xấu. Huống gì, chàng cứ nghĩ là Hoàng Mai đã phù hộ cho chàng gặp nhiều may mắn tốt đẹp trong những ngày sau đó. Năm sau, chính mẹ của Hoàng Mai đã giới thiệu cho Định một người cháu gái có họ xa với bà. Cũng vì thế, khi lấy vợ, vì chỉ có một mình đơn độc, Định được cha mẹ Hoàng Mai đứng ra làm chủ hôn cho ngày đám cưới, chàng xem họ như cha mẹ nuôi. Rồi khi có đứa con đầu lòng, bà cụ đã tới thăm nom, săn sóc vợ chàng như con gái. Chẳng ai biết gì về sợi giây liên kết giữa ba người với nhau, chỉ biết là từ đấy họ quý nhau còn hơn người trong thân tộc.
Đứa con gái đầu lòng của Định thật xinh và thật ngoan, mềm mỏng dễ thương với nụ cười y hệt nụ cười của cô Hoàng Mai trong tấm ảnh. Có đôi khi chàng giật mình nghĩ ngợi: "Không biết có phải Hoàng Mai đã trở lại kiếp người, để trả ơn chàng đã vì nàng mà tới lui thăm viếng cha mẹ mình lúc tuổi già bóng xế?"
Nguyên Nhung
No comments:
Post a Comment